Cái chết không đơn giản là lìa bỏ sự sống như lâu nay bạn vẫn nghĩ đâu, mà chết là một tiến trình duyên sinh phức tạp. “Con người đối mặt với hai thứ chết: Chết phi thời và chết do chấm sứt thọ mạng. Chết phi thời có thể tránh nhờ những phương pháp để kéo dài thọ mạng. Tuy nhiên, khi nguyên nhân cái chết là thọ mạng tận, thì bạn như một cây đèn đã hết dầu. Không thể nào tránh cái chết bằng cách lừa bịp nó, bạn phải sẵn sàng ra đi.”Vấn đề là bạn sẽ đi đâu?
Tử thư Tây Tạng và Tạng Thư Sống Chết cho ta thấy những kinh nghiệm và giáo lý vô cùng kỳ lạ về cái chết, linh hồn và tái sanh. Quá trình chết diễn ra như thế nào, linh hồn sẽ đi về đâu, sẽ tái sanh như thế nào, giải thoát hay lại trầm luân trong sáu nẻo luân hồi?!
- Sáu nẻo luân hồi.
- Nhân quả luân hồi.
- Địa Ngục là gì.
- Quỷ thần là gì.
- Thiên Ma là loại ma gì.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- Tam giới là gì.
Tiến trình của cái chết
Người đời thấy tắt hơi cho là đã chết, nhưng không, tắt hơi chỉ là bước khởi đầu của tiến trình chết. Đây là quá trình xảy ra sau khi một người đã tắt hơi. Tiến trình này được chia làm hai giai đoạn: Sự tan rã bên ngoài của Tứ đại và Sự tan rã bên trong của nội tâm.
Các dấu hiệu của cái Chết: 1. Sự tan rã bên ngoài của Tứ đại
Sự tan rã của tứ đại là một điều vô cùng kinh khủng, theo “Tạng thư sống chết” thì: Sự tan rã bên ngoài xảy ra khi các giác quan và tứ đại phân tán. Chúng ta thực sự kinh qua điều này như thế nào khi chết ?
Ðiều trước tiên chúng ta có thể ý thức là các giác quan ta ngưng hoạt động như thế nào. Nếu người đứng xung quanh giường ta đang nói chuyện, sẽ đến một lúc ta không thể nghe ra một lời nào. Ðây là dấu hiệu nhĩ thức đã ngưng hoạt động. Ta nhìn một vật trước mặt, mà chỉ có thể thấy hình dạng lờ mờ, không rõ chi tiết. Ðấy là dấu hiệu nhãn thức đã suy.
Và việc cũng xảy ra tương tự đối với các khả năng ngửi, nếm, sờ. Khi các giác quan không còn được cảm nhận một cách trọn vẹn, đó là giai đoạn đầu tiên của tiến trình tan rã. Bốn giai đoạn tan rã kế tiếp đi kèm với sự tan rã của bốn đại :
Sự tan rã của Ðịa đại
Thân xác chúng ta khởi sự mất hết sức mạnh. Chúng ta kiệt quệ, không còn chút năng lực nào. Không thể đứng lên, ngồi thẳng, hay cầm bất cứ vật gì. Ta không còn giữ được cái đầu của ta. Ta cảm thấy như mình đang té xuống, đang nhận chìm xuống đất, hay đang bị một sức nặng ghê gớm nghiền nát. Kinh điển mô tả như là trái núi khổng lồ đang ép xuống người ta, và ta đang bị nó nghiền nát.
Ta cảm thấy nặng nề, khó chịu trong bất cứ tư thế nào. Ta có thể yêu cầu đỡ ta lên, chồng gối cao lên, lấy hết mền trên người ra. Màu da của ta phai nhạt và một màu tái xanh xuất hiện. Má ta hóp lại, và những vết đen xuất hiện trên răng. Càng lúc ta càng thấy khó mở mắt nhắm mắt. Khi sắc uẩn phân tán, ta trở nên yếu đuối mong manh. Tâm ta giao động, nói nhảm, nhưng rồi lại chìm vào hôn trầm.
Ðấy là những dấu hiệu địa đại đang rút vào thủy đại. Ðiều này có nghĩa rằng gió liên hệ đến địa đại đang trở thành ít có khả năng cung cấp một nền tảng cho ý thức và khả năng của thủy đại bây giờ rõ rệt hơn. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” xuất hiện trong tâm lúc đó là thấy một hình ảnh chập chờn.
Sự tan rã của Thủy đại
Chúng ta khởi sự mất khả năng kiểm soát chất lỏng trong thân. Mũi ta bắt đầu chảy nước, và miệng rỏ nước miếng. Có thể có nước mắt chảy ra, và ta cũng có thể mất hết sự tự chế. Ta không thể nào di động cái lưỡi. Mắt ta khởi sự cảm thấy khô cạn trong lỗ mắt. Môi ta thụt vào, không còn chút sắc máu; miệng và cổ họng bế tắc. Những lỗ mủi ta lún vào, và ta cảm thấy rất khát nước. Ta run rẩy, co giật. Mùi tử khí bắt đầu phảng phất xung quanh.
Khi thọ uẩn phân tán, thì những cảm giác của thân yếu dần ; khi khổ khi vui ; lúc nóng lúc lạnh. Tâm ta đâm ra mờ mịt, bất mãn, cáu tức, và nóng nảy. Một vài kinh điển nói chúng ta cảm thấy như mình bị dìm trong đại dương hay cuốn trôi trong dòng nước lớn. Thủy đại đang tan rã vào hỏa đại, bây giờ hỏa đại thắng lướt và có khả năng nâng đỡ tâm thức. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” là người sắp chết thấy một đám mờ như khói cuộn.
Sự tan rã của Hỏa đại
Miệng và mũi chúng ta hoàn toàn khô cạn. Tất cả hơi ấm trong cơ thể bắt đầu mất dần, từ chân tay cho đến tim. Có thể có một luồng khói xuất từ đỉnh đầu. Hơi thở lạnh giá khi qua miệng và mũi. Ta không còn có thể uống hay tiêu hóa bất cứ thứ gì. Tưởng uẩn đang phân tán, và tâm ta lơ lửng giữa sáng suốt và mê mờ. Ta không thể nhớ được tên bà con, bè bạn, hay nhận ra họ là ai. Càng lúc ta càng khó nhận ra cái gì bên ngoài, vì âm thanh và cái thấy lẫn lộn.
Kalu Rinpoche viết : “Ðối với người sắp chết, kinh nghiệm bên trong là như thể bị nuốt chửng trong một ngọn lửa lớn, ở giữa một cái hỏa lò hừng hực, hay toàn thế giới đang bị thiêu đốt”. Hỏa đại đang tan vào phong đại, nên bây giờ nó không có thể làm nền tảng cho tâm thức được nữa, mà khả năng của phong đại thì rõ rệt hơn. Bởi thế dấu hiệu bí mật là những đóm sáng chập chờn trên một ngọn lửa mở ra, như những con đom đóm.
Sự tan rã của Phong đại
Càng lúc càng khó thở. Không khí dường như thoát ra ngõ yết hầu chúng ta. Chúng ta khởi sự thở hào hển. Nhưng hơi thở vào càng lúc càng ngắn và khó nhọc, hơi thở ra càng lúc càng dài. Mắt chúng ta trợn trừng lên, và chúng ta hoàn toàn bất động. Khi hành uẩn phân tán, tâm trở nên hoang dã, không biết gì về thế giới bên ngoài. Mọi sự trở nên một khối mờ mịt. Cảm giác liên lạc cuối cùng của chúng ta với hoàn cảnh vật lý đang tan mất.
Chúng ta khởi sự có những ảo giác và thấy các cảnh tượng: Nếu trong đời ta đã tạo nhiều nghiệp ác, ta có thể trông thấy những hình thù ghê rợn. Những ám ảnh và những giây phút kinh hãi của đời ta bây giờ quay lại, và có khi chúng ta cố la lên vì kinh hoàng. Nếu chúng ta đã sống đời có lòng tử tế xót thương, thì chúng ta có thể kinh nghiệm những cảnh thiên đường đầy hỷ lạc, và “gặp” những bạn bè thân yêu, hoặc những bậc giác ngộ. Với những người đã sống đời lương thiện, thì khi chết có sự an bình thay vì hãi sợ.
*
Kallu Rinpoche viết : “Kinh nghiệm nội tâm đối với người sắp chết là một ngọn cuồng phong quét sạch toàn thế giới, kể cả chính mình, một trận gió xoáy cuốn hút toàn vũ trụ”. Ðiều đang xảy đến là phong đại đang tan vào tâm thức. Những ngọn gió đều tập hợp lại trong “gió nâng đỡ đời sống” nằm ở tim. Bởi thế, “dấu hiệu bí mật” là người chết thấy một ngọn đuốc hay đèn đỏ rực.
Hơi thở vào càng nông cạn, hơi thở ra càng sâu. Ở thời điểm này, máu tụ lại đi vào trong “kinh mạch của sự sống” nằm chính giữa tim ta. Ba giọt máu lần lượt tụ lại, gây nên ba hơi thở ra cuối cùng. Rồi thình lình, hơi thở chúng ta chấm dứt. Chỉ một chút hơi ấm còn ở lại nơi tim ta. Mọi dấu hiệu của sự sống không còn, và đây là điểm mà sự xét nghiệm lâm sàng cho là “chết”.
Nhưng những bậc thầy Tây Tạng nói đến một tiến trình bên trong vẫn còn tiếp diễn. Thời gian giữa sự ngưng thở và thời gian chấm dứt “hơi thở bên trong” được cho là “khoảng chừng bữa ăn”, tức khoảng 20 phút. Nhưng không có gì chắc chắn, và toàn thể tiến trình này có thể xảy ra rất nhanh…
Các dấu hiệu của cái Chết: 2. Sự tan rã bên trong
Trong quá trình tan rã nội tâm, ở đấy những tâm trạng và cảm xúc từ thô đến tế tan rã, có bốn tầng lớp tâm thức vi tế được gặp gỡ. Ở dây tiến trình chết phản ảnh ngược lại với tiến trình đầu thai. Khi tinh huyết cha mẹ gặp gỡ, tâm thức ta do nghiệp thúc đẩy, bị kéo vào.
Trong thời kỳ phát triển bào thai. Tinh chất của cha: Một hạt nhân “trắng và phúc lạc” an trú trong luân xa ở đỉnh đầu, trên cùng của huyệt đạo trung ương. Tinh chất của người mẹ: Một hạt nhân “đỏ và nóng”, an trú trong luân năm dưới rốn chừng bốn ngón tay. Chính từ nơi hai tinh chất này mà những giai đoạn kế tiếp của sự tan rã xảy ra. Với sự biến mất của ngọn gió giữ nó lại đấy, tinh chất màu trắng đi xuống huyệt đạo về phía trái tim.
Bên ngoài có tướng màu “trắng” hiện ra như “một bầu trời trong sáng dưới ánh trăng”. Bên trong, ý thức chúng ta trở nên vô cùng sáng suốt. Tất cả những tâm trạng do sân giận, gồm 33 thứ, đi đến chấm dứt. Giai đoạn này gọi là “Xuất hiện”. Rồi tinh chất của mẹ bắt đầu đi lên qua huyệt đạo trung ương, khi ngọn gió giữ nó nguyên chỗ đã biến mất.
*
Tướng bên ngoài là một màu “đỏ” như mặt trời chiếu trên nền trời trong. Bên trong, có một cảm giác phúc lạc phát sinh. Những tâm trạng do tham dục, gồm 40 thứ tất cả, ngưng hoạt động. Giai đoạn này gọi là “Tăng trưởng” . Khi hai tinh chất đỏ trắng gặp gỡ ở tim, tâm thức được kèm theo trong ấy.
Tulku Urgyen Rinpoche, một bậc thầy lỗi lạc ở Nepal nói: “Kinh nghiệm ấy giống như bầu trời và trái đất gặp nhau” . Bên ngoài, chúng ta thấy xuất hiện một màu “đen” giống như một bầu trời trống rỗng chìm trong màn đêm dày đặc. Tướng bên trong là một trạng thái tâm thức không có tư tưởng. Bảy trạng thái tâm do ngu si và vọng tưởng đi đến chấm dứt. Ðiều này được gọi là “Thành tựu”.
Khi chúng ta hơi tỉnh giác trở lại, Ánh sáng Căn bản lóe lên như một bầu trời vô nhiễm không mây mù. Ðôi khi đấy gọi là “tâm với ánh sáng trong của sự chết”. Ðức Dalai Lama nói: “Tâm thức này là tâm thức sâu xa nhất. Chúng ta gọi nó là Phật tính, suối nguồn thực sự của mọi thức. Dòng tương tục của tâm thức này kéo dài ngay cả đến khi thành Phật quả.
Cái chết của “các độc tố”
Thế thì cái gì xảy ra khi ta chết ? Nó giống như ta trở về trạng thái nguyên ủy của ta. Mọi sự đều tan rã, khi thân và tâm đã được gỡ rối. Ba độc tham, sân, si cùng chết. Điều này có nghĩa là tất cả những cảm xúc tiêu cực, gốc rễ của sinh tử, thực sự chấm dứt, và khi ấy có một khoảng hở. Tiến trình ấy đưa chúng ta đi đâu? Ði trở về nền tảng nguyên ủy của tự tánh tâm, trong tất cả vẻ đơn giản tự nhiên và thuần khiết của nó.
Bấy giờ mọi thứ che mờ nó đã bị dời bỏ, và bản lai diện mục của chúng ta hiển lộ. Một trạng thái tương tự có thể xảy ra như khi chúng ta thực hành thiền quán và có những kinh nghiệm hỷ lạc, trong sáng, vô tưởng: Điều này chứng tỏ tham, sân, si đã tạm thời tan rã.
*
Khi tham, sân, si chết, thì chúng ta càng trở nên thanh tịnh. Các bậc thầy nói rằng, tất cả chúng sanh, cho đến loài côn trùng nhỏ nhất cũng trải qua tiến trình này. Trong trường hợp chết bất ngờ hay chết vì tai nạn, tiến trình này cũng vẫn xảy ra, nhưng cực kỳ nhanh chóng.
Tôi đã thấy rằng cách dễ nhất để hiểu cái gì xảy ra trong tiến trình chết, với sự tan rã bên trong và bên ngoài của nó. Là xem nó như một phát triển tuần tự và sự sinh khởi của những tầng lớp tâm thức càng lúc càng vi tế dần.
Mỗi tầng lớp nổi lên trên sự tan rã liên tục của hợp thể thân tâm. Khi tiến trình tuần tự di chuyển về hướng ở đấy có sự hiển lộ cái tâm vi tế hơn tất cả : Ánh sáng căn bản hay Ðiểm Linh Quang.
Chết là cơ hội giải thoát ngàn năm có một
Khi chết tất cả những hợp thể của thân tâm ta đều bị tước bỏ, phân tán. Khi thân xác chết, giác quan và đại chủng vi tế tan rã. Tiếp theo đó là cái chết của các khía cạnh tâm thông thường, với những cảm xúc tiêu cực của nó như tham, sân, si.
Cuối cùng không còn gì để che mờ bản chất thực của ta, vì mọi thế sự vây phủ cái tâm giác ngộ đã rơi rụng. Và khi ấy, cái được hiển bày là nền tảng tối sơ của bản chất tuyệt đối chúng ta, như một bầu trời trong sáng không mây. Ðiều này gọi là sự xuất hiện Ánh sáng Căn bản, hay “Ðiểm Linh Quang”. Khi chính tâm thức cũng tan vào trong không gian bao la của chân lý. Tử Thư Tây Tạng nói về giây phút này như sau :
Bản chất vạn pháp là khoáng đạt, trống rỗng, trơ trụi như bầu trời. Sự trống rỗng sáng chói, không có tâm điểm hay chu vi: Tính giác của tâm, hay Rigpa, xuất hiện. Padmasambhava mô tả ánh sáng ấy như sau :
*
Ðiểm Linh quang tự sinh ấy, từ khởi thủy chưa từng sinh.
Là con đẻ của Rigpa, tự nó không cha mẹ – lạ lùng thay !
Trí tuệ tự sinh ấy chưa từng được ai tạo ra – lạ lùng thay !
Nó chưa từng sinh, và không gì trong nó để gây ra sự chết – lạ lùng thay !
Nó thấy, mà không ai là người thấy nó – lạ lùng thay !
Nó du hành qua sinh tử mà không hại gì – lạ lùng thay !
Nó thấy Phật tính, nhưng cũng không lợi gì – lạ lùng thay !
Nó hiện hữu trong mọi người, mọi nơi, mà không ai nhận ra nó – lạ lùng thay!
Người ta lại mong đạt một kết quả nào khác bên ngoài – lạ lùng thay !
Mặc dù nó là vật của bạn, bạn lại đi tìm nó ở chỗ khác – lạ lùng thay !
Sự xuất hiện Ánh sáng Căn bản hay Ðiểm linh quang vào lúc chết là cơ hội ngàn năm một thuở để giải thoát. Nhưng điều cốt yếu là phải nhận ra cơ hội ấy. Một vài nhà văn và nhà nghiên cứu tân thời về cái chết đã coi thường sự sâu sắc của giây phút ấy. Vì họ đã đọc và giải thích Tử Thư Tây Tạng mà không được sự chỉ giáo khẩu truyền. Không tu tập để hiểu ý nghĩa thiêng liêng của nó, nên họ đã đơn giản hóa quá mức và nhảy bổ đến những kết luận vội vàng.
*
Họ cho rằng sự xuất hiện Ánh sáng Căn bản chính là giác ngộ. Tất cả chúng ta đều ưa đồng hóa cái chết với thiên đường hay giác ngộ. Nhưng điều quan trọng hơn sự mong ước ấy là phải biết rằng chỉ khi chúng ta đã thực sự được khai ngộ bản tâm, hay Tính giác Rigpa; Chỉ khi chúng ta đã an trú nó nhờ thiền định và thể nhập nó trong đời sống hàng ngày của ta, thì cái thời điểm chết mới thực sự đem lại một cơ hội để giải thoát.
Mặc dù Ánh sáng Căn bản hiện ra cho tất cả chúng ta một cách tự nhiên. Song phần đông chúng ta hoàn toàn không sẵn sàng để đón nhận tính bao la thuần túy, chiều sâu rộng vi tế, tính giản dị sơ nguyên của nó. Ða số chúng ta không có cách gì để nhận ra nó. Vì trong đời chúng ta chưa từng quen thuộc với những phương thức nhận ra nó.
Khi ấy, điều xảy đến là, theo bản năng, chúng ta có khuynh hướng phản ứng lại. Do những nỗi sợ hãi quá khứ của ta, do tập quán, hoàn cảnh, tất cả những phản xạ cũ của ta. Mặc dù những cảm xúc tiêu cực có chết đi thì Ánh sáng Căn bản mới xuất hiện. Song tập quán của nhiều đời vẫn còn, ẩn nấp trong hậu trường của tâm phàm tình chúng ta. Mặc dù mọi rối ren mờ mịt của chúng ta chết đi lúc thân ta chết. Song thay vì quy phục, đón nhận ánh sáng, thì vì sợ hãi và vô minh, chúng ta lùi lại. Và theo bản năng bám lấy những gì ta đã từng bám giữ.
*
Ðấy chính là nguyên nhân ngăn cản chúng ta lợi dụng thời điểm mãnh liệt này làm cơ hội giải thoát. Padmasambhava nói : “Tất cả hữu tình đã sống và chết vô số lần. Chúng đã nhiều lần kinh nghiệm Ánh sáng khôn tả này, nhưng vì bóng tối vô minh làm mờ mịt, chúng vẫn lang thang bất tận trong sinh tử” .
Ánh sáng Căn bản xuất hiện, đối với một hành giả, nó kéo dài bao lâu vị ấy an trú không tán loạn vào tự tánh tâm. Nhưng đối với phần đông, nó kéo dài không lâu hơn một búng tay, và với vài người, nó kéo dài “khoảng chừng một bữa ăn”.
Phần đông người tuyệt nhiên không nhận ra Ánh sáng Căn bản, thay vì thế, họ rơi vào một trạng thái ngất xỉu có thể kéo dài ba ngày rưỡi. Sau đó thần thức mới thực sự rời khỏi thể xác. Đến đây mới được xác định chính xác là một người đã chết.
(Chết là gì – Theo Tạng Thư Sống Chết)
Tuệ Tâm 2020.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, cái chết quả thật là một quá trình đáng sợ, hầu như gương mặt người chết u ám cứng đờ khổ sở.. . Nhưng đối với người niệm phật, phát nguyện vãng sanh tây phương cực lạc, chắc chắn không trải qua tiến trình tan rã thân thể khủng khiếp đó, chúng ta lâm chung trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Đức Phật A Di Đà và thánh chúng đều tiếp dẫn chúng ta về Tây phương Tịnh độ, cho nên ngay cả khi chết chúng ta cũng an lạc mà vãng sanh, đúng không thầy
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Đúng rồi bạn! Người chân thật niệm Phật cầu vãng sanh mà Nhất hướng chuyên xưng danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” thì trước khi lâm chung, dù có bệnh cũng không có khổ, dù có chết bất đắc kỳ tử đi chăng nữa cũng không có kinh hoảng gì, đều an nhiên được vãng sanh. Tất cả đều vì được Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn. Trong ánh hào quang của Phật A Di Đà cũng không có chuyện Thiên Ma hóa hiện làm Phật, như một vị pháp sư nổi tiếng giảng đâu! Phật A Di Đà là Phật Trung Chi Vương, ánh hào quang của ngài là tối tôn, không ma nào chịu đựng được nổi!