Tam giới là gì? Tam giới là Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Do nghiệp sai biệt của chúng sanh, nên thế gian chia ra ba cõi này. Dục giới là nơi chúng sanh còn nhiễm năm dục lạc. Sắc giới là nơi chúng sanh đã ly dục, nhưng còn có sắc tướng trang nghiêm của thân và cảnh. Vô sắc giới có thể gọi là tinh thần giới, vì nơi đây tuyệt tướng thân cảnh, người đồng bích lạc, cõi tợ hư không. Duy có bốn ấm vi tế của chúng sanh.
- Các cảnh giới trên đường học Phật.
- Bốn cảnh giới của Thiền định.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Chư Thiên là gì.
- Sáu nẻo luân hồi
- Các cõi giới
- Chuyện Tâm linh có thật ở Việt Nam.
Các chúng sanh trong tam giới chia thành bốn loại(Tứ sanh). Loại sanh thai, loại sanh trứng, loại sanh nơi chỗ ẩm ướt và loại hóa sanh. Trong bốn loại nầy, y theo thứ tự cao thấp, lại có sáu nẻo: Trời và Tiên, Người, A tu la, Quỷ thần, Bàng sanh, Địa ngục. Trong sáu nẻo, tùy theo nghiệp nhân lành dữ sai biệt, nên chúng sanh từ sắc thân, thọ lượng, cho đến sự thọ dụng, có xấu đẹp, dài ngắn, tinh thô, vui khổ không đồng. Chúng sanh là chánh báo, hoàn cảnh là y báo. Chánh báo là phần chính, Y báo là phần phụ.
*
Theo kinh Tự Thệ Tam Muội nói: “Ta Bà thế giới có đức Phật tên Năng Nhân thống lãnh một cõi bao la gọi là Tam giới gồm có: Một là Dục giới, hai là Sắc giới, ba là Vô sắc giới. Trước tiên là Dục giới. Có bốn loại dục: một là tình dục, hai là sắc dục, ba là thực dục, bốn là dâm dục. Thứ hai là Sắc giới. Có hai loại dục nơi Sắc giới: một là tình dục, hai là sắc dục. Thứ ba là Vô sắc giới thì chỉ có tình dục. Trong Dục giới có bốn loại vừa nói trên, vì dục mạnh, sắc yếu, nên gọi là Dục giới. Trong Sắc giới thứ hai, vì sắc mạnh, dục yếu, nên gọi là Sắc giới. Trong Vô sắc giới thứ ba, sắc hết, dục yếu, nên gọi là Vô sắc giới”
Tam giới là gì
Tam giới là toàn bộ thế giới quan, chủng loài, hình thành nên cõi Ta Bà, bao gồm: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, không phải là Thiên, Nhân, Địa, như nhiều người lầm tưởng.
Dục giới là chỗ ở của các loại chúng sanh chưa ly dục, còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Sắc giới là chỗ ở của các loại chúng sanh đã ly dục, nhưng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Vô sắc giới là chỗ ở của các loại chúng sanh đã ly dục và sắc, song cũng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt.
Trong tam giới lại còn có năm thứ sai biệt khác là tướng sai biệt, thô trọng sai biệt. Phương xứ sai biệt, thọ dụng sai biệt và nhiệm trì sai biệt.
*
Tướng sai biệt là trong cõi Dục có nhiều sắc tướng, những tướng không trong sạch và các thứ tạp tướng. Trong cõi Sắc có ít sắc tướng, những tướng trong sạch và không có tạp tướng. Còn cõi Vô sắc tuy thuộc về không nghiệp nhưng cũng có sắc, mà sắc thuộc về định, về vô kiến, vô đối.
Lại nữa, trong cõi Dục có tướng khổ thọ tương ưng, tướng sân nhuế tương ưng và tướng nhiều tùy phiền não tương ưng. Trong cõi Sắc và Vô sắc có tướng khổ thọ bất tương ưng, tướng sân nhuế bất tương ưng và Tướng ít tùy phiền não tương ưng.
Thô trọng sai biệt là trong Dục có những sự thô trọng thô mà tổn hại, trong cõi Sắc và Vô sắc sự thô trọng tế mà không tổn hại. Phương xứ sai biệt là cõi Dục ở phương dưới, cõi Sắc ở phương trên, còn cõi Vô sắc thì không phương xứ. Thọ dụng sai biệt là chúng sanh cõi Dục thọ dụng cảnh giới bên ngoài. Chúng sanh cõi Sắc và Vô sắc thọ dụng cảnh giới bên trong. Nhiệm trì sai biệt là chúng sanh ở cõi Dục nương nơi bốn sự ăn mà trụ. Chúng sanh cõi Sắc và Vô sắc nương nơi ba sự ăn mà trụ.
Tam giới là gì: 1. Dục giới
Trong Tam giới, Dục giới thuộc về xứ sở hạ phương. Được mệnh danh là Dục giới, vì chúng sanh ở nơi đây nhiễm năm thứ dục lạc: Sắc dục, tiền của, danh vị, ăn mặc, ngủ nghỉ. Dục giới cũng gọi là chỗ Ngũ thú tạp cư.
Ngũ thú là: Trời, Người, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Tạp cư có hai nghĩa:
- Trong cõi Dục gồm có năm chủng loại ở.
- Trong mỗi chủng loại lại có các chủng loại khác ở lẫn lộn. Như nơi cõi trời cũng có Súc sanh, Quỷ thần. Nơi cõi người có Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục.
Nếu nói đại khái theo thứ bậc thấp cao, thì trong Dục-giới có ba loại: Loại ác thú, loại người, loại trời. Loại ác thú có bốn: A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Loại người gồm có nhơn chúng ở bốn nơi: Nam Thiệm Bộ Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, Đông Thắng Thần Châu và Bắc Câu Lư Châu.
*
Loại trời có sáu cõi từ thấp đến cao: trời Tứ Vương, trời Đao Lợi, trời Dạ Ma, trời Đâu Suất, trời Hóa Lạc và trời Tha Hóa Tự Tại. Trong cõi Dục, về chúng sanh giới thì kể từ cõi Tha Hóa đến ngục Vô Gián. Nếu về khí thế giới, phải kể đến phong luân.
Về thân lượng của chư Thiên cõi Dục giới thì: “Thân Tứ thiên vương cao một câu lưu xá một phần bốn. Nếu nói theo kinh Chánh Pháp Niệm thì thân của các Thiên vương cao thấp đều bằng nhau . Còn thân của Trời Tam thập tam cao nữa câu lưu xá. Thân Đế thích cao một câu lưu xá. Thân Trời Dạ ma cao một câu lưu xá ruỡi. Thân Trời Đâu suất cao một câu lưu xá, bằng thân Đế thích. Thân Trời Hóa lạc cao một câu lưu xá một phần bốn. Thân Trời Tha hóa tự tại cao một câu lưu xá rưỡi (chư Thiên Trời Dục giới đều cao như thế).
Tam giới là gì: 2. Sắc giới
Trên Dục giới là Sắc giới, cõi này nằm giữa Tam giới, gồm nhiếp hữu tình và khí thế gian. Sở dĩ gọi Sắc giới, vì chúng sanh ở cõi nầy lìa sự nhiễm dục. Từ thân đến cảnh đều là sắc chất trang nghiêm, thanh tịnh. Cõi nầy chia ra làm 18 thiên vức khác nhau; ba Thiền thiên trước mỗi nơi có ba, đệ tứ thiền có chín.
Ba thiên vức ở Sơ thiền Ly sanh hỷ lạc địa là:
- Phạm Chúng Thiên.
- Phạm Phụ Thiên.
- Đại Phạm Thiên.
Ba thiên vức ở Nhị thiền Định sanh hỷ lạc địa là:
- Thiểu Quang Thiên.
- Vô Lượng Quang Thiên
- Quang Âm Thiên.
Ba thiên vức ở Tam thiền Ly hỷ lạc địa là:
- Thiểu Tịnh Thiên.
- Vô Lượng Tịnh Thiên.
- Biến Tịnh Thiên.
Chín thiên vức ở Tứ thiền Xả niệm thanh tịnh địa là:
- Vô Vân Thiên.
- Phước Sanh Thiên.
- Quảng Quả Thiên.
- Vô Tưởng Thiên.
- Vô Phiền Thiên.
- Vô Nhiệt Thiên.
- Thiện Kiến Thiên.
- Thiện Hiện Thiên.
- Sắc Cứu Cánh Thiên.
Trong chín thiên vức, năm cõi ở sau cùng tên là Ngũ Tịnh Cư Thiên, cũng gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên, vì là chỗ ở của bậc thánh A na hàm.
Theo các đại luận sư ở xứ Ca Thấp Di La thì Sắc giới chỉ có 16 thiên vức, vì Đại Phạm Thiên nguyên là một vùng lâu các rộng lớn ở cõi Phạm Phụ, chớ không phải biệt trí nơi khác. Còn trời Vô Tưởng thì nhiếp về Quảng Quả Thiên, vì hai thiên chúng nầy đồng một thân lượng và thọ lượng.
*
Thân lượng chư Thiên cõi sắc giới: Theo luận Tỳ đàm nói: “Trời Phạm chúng cao nữa do diên. Trời Phạm phước lâu cao một do diên. Trời Đại phạm cao một do diên rưỡi. Trời Quang thiên cao hai do diên. Trời Vô lượng quang cao bốn do diên. Trời Quang Âm cao tám do diên. Trời Thiếu tĩnh cao mười sáu do diên. Trời Vô lượng tịnh cao ba mươi hai do diên.
Trời Biến tịnh cao sáu mươi bốn do diên. Trời Phước khánh cao một trăm hai mươi lăm do diên. Trời Phước sinh cao hai trăm năm mươi do diên. Trời Quảng quả cao năm trăm do diên. Trời Vô tưởng cũng cao như thế. Trời Thiện kiến cao bốn ngàn do diên. Trời Thiện hiện cao tám ngàn do diên. Trời Sắc cứu cánh cao mười sáu ngàn do diên.
Tam giới là gì: 3. Vô sắc giới
Trên Sắc giới là Vô sắc giới, cõi cao nhất trong Tam giới. Được mệnh danh là Vô sắc, vì nơi đây không có sắc uẩn chỉ có thọ, tưởng, hành, thức bốn ấm mà thôi. Cõi nầy do không có sắc pháp biểu hiện. Không có phương sở đời quá khứ vị lai đều như thế, lý đã quyết định. Nhưng về phần dị thục sanh sai khác thì có bốn bậc:
- Không Vô Biên xứ.
- Thức Vô Biên xứ
- Vô Sở Hữu xứ.
- Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ.
Bốn bậc nầy không phải có riêng xứ sở cao thấp, mà do nghiệp chúng sanh hơn kém khác nhau. (Lục Đạo Tập).
Thân lượng chư Thiên cõi vô sắc giới: vì cõi này thuộc về vô hình, nên không thể nói được. (Theo Đại thừa thì cũng có sắc vi tế, nhưng kinh luận bỏ qua không nói đến).
Sơ lược về Y lượng của Chư Thiên trong Tam giới
Kinh Khởi Thế nói, trong Tam giới: “Trời Tứ thiên vương thân cao nữa do tuần, áo dài một do tuần, rộng nữa do tuần, nặng nữa lượng. Trời Tam thập tam, thân cao một do tuần, áo dài hai do tuần, rộng một do tuần, nặng nữa lượng. Trời Dạ ma thân cao hai do tuần, áo dài bốn do tuần, rộng hai do tuần, nặng nữa lượng một phần bốn. Trời Đâu suất thân cao bốn do tuần, áo dài tám do tuần, rộng bốn do tuần, nặng nữa lượng một phần tám.
Trời Hóa lạc thân cao tám do tuần, áo dài mười sáu do tuần, rộng tám do tuần, nặng nữa lượng một phần mười sáu. Trời Tha hóa tự tại thân cao mười sáu do tuần, áo dài ba mươi hai do tuần, rộng mười sáu do tuần, nặng nữa lượng một phần ba mươi hai.
*
Chư Thiên Ma thân, thân cao ba mươi hai do tuần, áo dài sáu mươi bốn do tuần, rộng ba mươi hai do tuần, nặng nữa lượng một phần sáu mươi bốn. Từ đây trở lên, các Trời khác có thân lượng cao thấp và y phục dài ngắn đều bằng nhau, không khác biệt”. Kinh Khởi Thế còn nói: “Chư Thiên cõi Dục giới có nhiều loại áo quần trang nghiêm, không thể nói hết. Riêng hai cõi Trời Hóa lạc và Tha hóa tự tại, áo quần ăn mặc đều tùy theo ý muốn mà thành lớn nhỏ, trọng lượng cũng thế.
Chư Thiên cõi Sắc giới, không mặc y phục cũng như có mặc, chẳng có gì khác biệt. Trên đầu tuy không có tướng Đỉnh kế nhưng cũng giống như có đội mão Trời. Không phân biệt nam nữ, chỉ có một hình dáng giống nhau”. Kinh Trường A hàm nói: “Trời Đao lợi áo nặng một thù rưỡi. Trời Hóa lạc áo nặng một thù. Trời Tha hóa tự tại áo nặng nữa thù”. Luận Thuận Chánh Lý nói: “Thiên chúng cõi Sắc giới, khi sơ sinh, thể hình tròn trịa, áo quần đầy đủ”.
(Tam giới là gì – Theo Phật học Tinh Yếu)
Tuệ Tâm 2019.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Phần Vô Sắc Giới còn ghi thiếu Thức Vô Biên Xứ ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm đã sửa lại, cảm ơn bạn!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật