Nói về cầu siêu thì đây thực sự là diệu pháp vô cùng mầu nhiệm, giúp cho những người đã khuất được siêu thoát về các cõi giới lành. Và nếu như chúng ta thực hành đúng pháp thì người thân của ta, cho dù là người mới chết, chết đã lâu, hay đã tái sinh vào bất cứ nơi đâu trong lục đạo luân hồi, họ cũng đều được lợi ích. Điều đáng tiếc là khắp thế gian rất hiếm người hiểu về pháp cầu siêu. Vì thế cứ hễ nghe đến cầu siêu, người ta đều nghĩ ngay rằng đó là cầu nguyện cho người chết được siêu thoát. Sự thật không phải là như thế! Bởi vì ở trong kinh, đức Phật Thích Ca luôn dạy rằng: “Chính nghiệp lực của người chết dẫn dắt họ tái sinh vào trong lục đạo luân hồi. Cho nên cầu nguyện cho họ sanh vào một nẻo khác là không có tác dụng.”
Vì thế bạn cần phải biết rằng: Cầu siêu, tuy nói là cầu để cho người đã khuất được siêu thoát, nhưng cái cầu ở trong Phật pháp không phải là chúng ta bày ra lễ lạt rườm rà, rồi cầu nguyện sự gia ân, ban phước hay phép màu từ một đấng tối cao nào đó giúp cho người đã khuất được siêu thoát. Cái cầu ở đây, về bản chất là chúng tạo dựng công đức vô lậu, thông qua niệm Phật, tụng kinh, trì chú, bái sám hoặc cúng dường, rồi hồi hướng cái công đức ấy cho người đã khuất. Nhờ có được công đức vô lậu này, thần thức mới được tái sanh về các cõi thiện lành. Điều này được đức Phật dạy rất rõ ở trong kinh Địa Tạng, kinh tiểu bộ và kinh tăng chi bộ. Bạn nếu có thời gian hãy duyệt qua để mà nắm rõ hơn.
CÁCH CẦU SIÊU TẠI NHÀ
Trong tập ngày hôm nay, tôi sẽ y cứ nơi kinh điển và pháp ngữ của chư tổ sư, giúp bạn minh bạch về cầu siêu. Tôi cũng sẽ hướng dẫn cho bạn cách cầu siêu đơn giản nhất, nhiệm màu nhất và có công đức lớn nhất để giúp cho những người đã khuất nhanh được siêu thoát về các cõi giới lành. Và nếu như bạn y theo những hướng dẫn ở trong cái tập này mà thực hành thì cho dù bạn cầu siêu cho Ông bà Tổ tiên, cho cha mẹ, anh em, quyến thuộc; cho dù bạn cầu siêu cho thai nhi hay cầu siêu cho tha nhân đi chăng nữa, cũng chắc chắn sẽ được mãn nguyện. Cả kẻ còn và người mất đều được lợi ích lớn lao.
Tại sao lại phải Cầu siêu và Siêu thoát là siêu thoát cái gì?
Đức Phật dạy rằng: “Chúng sanh do nghiệp thiện ác đã gây tạo mà sau khi chết buộc phải tái sanh vào Lục Đạo Luân Hồi”, tức là sáu cõi giới Trời, người, A Tu La, ngạ quỷ, súc sanh và địa ngục. Trong sáu cõi giới này, những người sống thiện lương, đạo đức, giữ được ngũ giới và thập thiện sẽ tái sanh vào ba cõi đầu, gọi là Tam thiện đạo. Ngược lại sẽ phải đoạ lạc vào ba cõi sau, gọi là tam ác đạo. Tam thiện đạo khổ ít vui nhiều, còn tam ác đạo thì khổ nhiều vui ít.
Trong đó: Chúng sanh cõi trời hưởng phước vui là chính. Cõi người vui khổ đan xen. Cõi a tu ta có phước nhưng nhiều sân hận, lấy chiến tranh làm vui. Chúng sanh cõi súc ngu si bị giết hại, ăn nuốt lẫn nhau. Chúng sanh cõi quỷ đói khát khổ sở khốn cùng, ngàn năm không có nổi một miếng ăn. Chúng sanh ở địa ngục thì thọ khổ hình liên miên bất tận, không một giây nào hở trống.
Mà chúng ta sống một đời, từ nơi thân khẩu ý gieo nghiệp thiện thì ít, tạo nghiệp ác thì nhiều mà không hay không biết. Vì thế sau khi chết đi phần lớn bị đoạ vào tam ác đạo. Trong hàng triệu người chết may lắm chỉ được một đến hai người tái sanh vào cõi người là cùng, rất hiếm người được sanh lên các cõi trời.
Đây là lý do tại sao lúc còn tại thế, một hôm đức Phật dùng móng tay vít lên chút đất, rồi hỏi A Nan: “Đất ở móng tay ta sánh với đất ở miền đại địa, cái nào nhiều hơn?”
Ngài A Nan đáp: “Bạch Thế Tôn! Đất của miền đại địa nhiều hơn đất của móng tay vô lượng phần không thể thí dụ!”
Phật bảo: “Cũng thế, A Nan! Chúng sanh sanh lên cõi trời người, như đất ở móng tay, đọa xuống ác thú như đất của miền đại địa!”
Chúng ta ai cũng cứ tưởng rằng những người đã khuất ở suối vàng họ sướng lắm, nhiều quyền năng lắm. Vì thế cúng khấn thường cầu họ phù hộ độ trì,. Chúng ta xin xỏ đủ thứ trên đời mà chẳng hề biết được rằng: Ông bà tổ tiên của ta, cha mẹ ta, anh em ta, những người đã khuất đa phần đều đoạ vào tam ác đạo. Họ đang khốn cùng trong khổ đau, không biết bấu víu vào đâu để thoát ra cho được.
Chính vì lý do này nên đức Phật đại từ đại bi, mở bày cho chúng ta phương pháp để cứu vớt họ. Đây chính là ý nghĩa của Cầu Siêu. Còn nhờ cầu siêu ta giúp họ thoát khỏi các cõi khổ đau và sanh về các cõi thiện lành. Cho nên gọi là siêu thoát.
Công đức giúp cho vong linh siêu độ là công đức như thế nào?
Bạn cần biết rằng, trong lục đạo luân hồi, chúng sanh do phước mới được sanh về các cõi lành, do tội là phải đoạ vào tam ác đạo. Chúng sanh một khi đã bị đọa vào tam ác đạo, vì sanh nơi cõi ác nên liên tục thọ khổ, lại bị nghiệp lực che chướng nên tâm mờ mịt, trí huệ không có. Họ ngoài trả ác báo ra thì không cách chi tạo lập được công đức. Không có công đức thì không thể giải thoát.
Cho nên khi ta tạo lập được công đức mà hồi hướng cho họ thì tất nhiên họ sẽ được giải thoát. Rõ ràng đây là điều rất tự nhiên chứ không có gì huyễn hoặc hay là mê tín cả. Ví như ta có đứa con làm lụng quanh năm mà vẫn đói khổ. Ta thương nên chuyển tiền hỗ trợ cho con. Ta cho nhiều thì nó thoát khổ được giầu sang. Ta cho ít thì ít nhất nó cũng không đói rét. Lý và sự đơn giản như thế mà thôi.
Công đức có hai loại: Công đức hữu lậu và công đức vô lậu.
Công đức hữu lậu là công đức phát sinh ra, một cách hoàn toàn tự nhiên, khi chúng ta làm những việc thiện lành ở thế gian như từ thiện, giúp đời, giúp người và cứu vật. Công đức này chiêu cảm phước báu nhân thiên nên còn gọi là phước đức. Còn nói là hữu lậu là bởi vì phước báu này hữu hạn và nó chỉ giúp người ta thọ hưởng tiền tài, danh lợi, tuổi thọ chớ không giúp được người ta thoát ly khỏi tam giới.
Công đức vô lậu là công đức phát sinh ra, cũng một cách hoàn toàn tự nhiên, khi chúng ta tu tập thánh đạo, như niệm Phật, trì chú, tụng kinh, thiền định, bái sám…Công đức này chiêu cảm phúc báu gần như vô hạn, có công năng xuất ly khỏi sanh tử luân hồi nên gọi là vô lậu. Theo quy luật vận hành tự nhiên thì duy chỉ có Phật pháp mới có công đức này.
Hai thứ công đức này, chúng ta nếu tạo lập được, đều có thể hồi hướng cho bất cứ chúng sanh nào. Tuy nhiên do khác biệt về chất lượng, chỉ có công đức vô lậu lớn lao mới có được công năng giúp cho chúng sanh nơi ác đạo được siêu thoát về các cõi lành. Còn công đức hữu lậu, do nhỏ nhoi nên vô cùng khó giúp chúng sanh siêu thoát. Tôi lấy ví dụ như thế này cho bạn dễ hiểu. Người bị đọa tam ác đạo ví như người bị cướp biển bắt cóc, chúng yêu cầu một số tiền lớn để chuộc người. Công đức hữu lậu như số tiền ít ỏi mà thân nhân người ấy có, không thể nào chuộc ra được. Còn công đức vô lậu như công ty lớn giàu có, họ thừa sức bỏ tiền ra chuộc người vậy.
Kinh cầu siêu
Người đời thường lầm tưởng rằng Cầu siêu là phải tụng kinh. Sở dĩ có sự lầm lạc này là vì có một số tu sĩ chấp chết cứng vào tự lực, bảo rằng: “Vong linh nhờ nghe lời Phật dạy trong kinh nên thức tỉnh, giác ngộ và xả ly buông bỏ, nhờ đó chuyển hoá được nghiệp lực của mình nên được siêu thoát.”
Điều này chỉ đúng một phần thôi. Ví như ta tụng kinh A Di Đà, vong linh họ nghe biết thế giới Cực Lạc. Họ nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà mà được siêu thoát, chớ kinh đâu có nói gì về nhân quả đâu mà hon minh bạch được tội phước? Còn như ngay cả khi ta tụng kinh Địa Tạng, vong linh họ nghe được sẽ minh bạch nhân quả tội phước. Kế đó họ phát tâm sám hối rồi tu tập, tự giải được nghiệp khiến cho được giải thoát. Tuy nhiên chúng sanh cõi quỷ nghiệp cực nặng, nếu chẳng nhờ thần lực của kinh và nguyện lực của ngài Địa Tạng gia trì thì bức màn vô minh bao trùm tâm thức của họ vô cùng khó để mà được phá bỏ. Mà không phá bỏ được chấp trước thì nghe kinh họ còn mờ mịt, làm sao mà khai tâm cho được?
Như thế không phải nhờ tha lực thì gọi là gì?
Cho nên ở trong phật pháp ấy, để cầu siêu thì bạn niệm Phật, tụng kinh, trì chú, hay bái sám đều được cả, không nhất định là chỉ ở chỗ tụng kinh đâu.
Về kinh cầu siêu thì như đã nói ở trên: Chỉ duy có kinh Phật và các pháp của Phật mới có công năng xuất sinh ra công đức vô lậu để giúp chúng sanh được siêu thoát. Lý do là bởi vì kinh của ngoại đạo, cho dù là thiện pháp đi chăng nữa, do pháp của họ vẫn trong vòng nhị nguyên phân biệt nên không có được công đức vô lậu, vì thế không thể nào siêu độ được chúng sanh vô hình. Tin hay không ấy là tùy bạn, nhưng sự thật tự nhiên vốn là như thế!
Nên tụng bản kinh cầu siêu nào
Câu hỏi đặt ra là kinh Phật nhiều vô kể. Theo thống kê sơ bộ, trừ vô số bộ kinh đã ẩn do căn cơ chúng sanh không phù hợp thì hiện tại, pháp tạng được lưu truyền trên thế gian khoảng chừng 8000 bản kinh. Trong số muôn kinh ngàn luận ấy, để cầu siêu, ta nên tụng kinh cầu siêu nào? Câu trả lời là tuỳ, vì kinh Phật dù Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều từ kim khẩu của đức Thế Tôn thuyết ra. Vì thế, bạn tụng đọc kinh nào cũng đều có công đức vô lượng vô biên. Dùng công đức ấy mà hồi hướng thì vong linh nào mà lại chẳng được siêu thoát? Tuy nhiên, xét ở góc độ dễ hiểu, dễ thực hành và phù hợp với căn cơ chúng sanh, khi cầu siêu bạn nên tuỳ theo mục đích của mình mà tụng đọc bản kinh phù hợp. Theo đó:
- Nếu bạn cầu siêu cho ông bà tổ tiên thân gia quyến thuộc, cầu siêu cho người mới chết thì nên tụng kinh Địa Tạng là bậc nhất. Kinh Địa Tạng là bản kinh dành cho thời mạt. Vong linh nghe kinh vừa minh bạch nhân quả báo ứng, vừa được thần lực của kinh gia trì, lại được thêm bản nguyện của Bồ Tát Địa Tạng thâu nhiếp nên cực dễ được siêu thoát.
- Nếu bạn cầu siêu cho thai nhi thì hoặc tụng “Kinh Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni”. Bởi vì bản kinh này gần như là bản kinh duy nhất đức phật thuyết về tội phá thai. Nếu không thích thì bạn có thể tụng kinh Địa Tạng cũng được. Công dụng như nhau.
- Nếu bạn muốn vong linh được siêu sanh Tịnh độ, nhất định phải theo Nghi thức niệm Phật mà tôi để ở cuối bài thì may ra mới được. Bởi xưng danh hiệu mới là chánh hạnh Vãng sanh. Nếu bạn chỉ tụng kinh A Di Đà thì phải biết rằng pháp môn Tịnh độ khó tin khó nhận. Con người nghiệp nhẹ còn ít người tin nhận được, huống hồ là chúng sanh cõi quỷ nghiệp nặng. Họ nếu không được khai thị thì rất khó có thể nghe nhận được kinh văn.
Những điều quan trọng cần biết về cầu siêu cho vong linh
Cầu siêu cho vong linh tuy dễ mà khó. Dễ là bởi vì nhờ công đức vô lậu và thần lực gia trì của Tam Bảo, còn khó là bởi vì bạn phải y như pháp hành trì. Nếu không dù pháp hội có hoành tráng cỡ nào đi chăng nữa, cũng vô cùng khó được cảm ứng đạo giao. Cho nên, dù bạn cầu siêu cho vong linh tại chùa hay tại nhà, hãy luôn nhớ những điều quan trọng sau đây:
1. Khi cầu siêu, cả người còn kẻ mất đều được lợi ích.
Cầu siêu tuy nói là để siêu độ vong linh nhưng không phải chỉ vong linh được lợi ích, mà tất cả những người tham gia đều được lợi ích lớn lao. Theo kinh Địa Tạng dạy thì công đức niệm phật, bái sám, tụng kinh… được chia làm 7 phần. Khi hồi hướng thì vong linh chỉ nhận được 1 phần, còn 6 phần công đức còn lại những người tham gia được thọ hưởng. Vì thế, khi cầu siêu, chúng ta phải hết sức chí thành và khẩn thiết, chớ qua loa đại khái mà làm hỏng pháp sự.
Khi hồi hướng dù họ có đang ở bất kỳ cảnh giới nào, cũng sẽ nhận được một trong bảy phần công đức. Nhờ công đức vô lậu này, nếu ở trong tam ác đạo họ sẽ được siêu thoát về hai cõi trời người, còn nếu đã tái sanh trong thiện đạo, họ sẽ tăng trưởng thêm phước báo. Tác dụng của cầu siêu là ở chỗ này! Chứ không phải là được siêu thoát rồi, họ quay lại phù hộ cho ta làm giàu, hết bệnh, hay bình an như nhiều người lầm tưởng đâu.
2. Công đức cầu siêu lớn hay nhỏ không ở nơi lễ lạt.
Công đức cầu siêu lớn hay nhỏ do tâm của những người tổ chức quyết định, không phải ở nơi lễ lạt rườm rà. Vì thế đồ lễ càng đơn giản, càng thanh tịnh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Bạn chỉ cần mua ít hoa quả, bánh trái, hương nến sạch là được. Chớ có dùng những thứ bất tịnh như vàng mã, rượu hay thuốc lá, cũng chớ nghĩ rằng mình sắm lễ thật nhiều thì mới có nhiều công đức, không có chuyện ấy đâu.
3. Lưu ý khi mời Thầy cầu siêu
Dù bạn tổ chức cầu siêu ở chùa hay mời chư sư đến nhà thì phải khắc cốt ghi tâm lời dạy của chư tổ sư. Các ngài dạy rằng: “Nếu cần mời các Sư, nên chọn vị nào đạo hạnh trong sạch mới có kết quả, chớ chẳng nên mời những vị chuyên tụng có giá biểu định sẵn.”
Thời mạt pháp ngày nay, bậc tu hành giữ giới, có đạo hạnh vô cùng khó tìm, cho nên nếu không thể tìm được thì tốt nhất là bạn cùng gia đình tự làm lễ cầu siêu là tốt nhất. Như ngài Thiền Tâm bảo: “sự thành tâm của gia đình mới là chủ yếu, mà kết quả cũng không kém việc nhờ người ngoài..”
4. Người làm lễ nhất định phải trai giới& thanh tịnh
Những người tham gia cầu siêu, đặc biệt là chủ lễ, nhất định phải thanh tịnh. Phải ăn chay, giữ giới, kiêng ngũ vị tân và tà dâm ít nhất 3 ngày trước ngày làm lễ. Nếu bạn không giữ được những việc ấy thì thân miệng hôi tanh, tâm trược loạn, không tương ưng với pháp nên khó cảm ứng đạo giao.
Khi cầu siêu nên niệm Phật, tụng kinh, trì chú hay bái sám?
Về việc này thì tuỳ theo sở nguyện của bạn, nhưng nếu bạn cần lời khuyên thì theo Tổ Ấn Quang dạy ấy, niệm Phật là bậc nhất. Ngài khai thị như thế này:
“Đối với việc cầu siêu, cầu an cho người bệnh hay tiến vong. Người đời nay hay chú trọng tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục v.v… Quang đều bảo những bạn bè quen biết nên niệm Phật. Bởi niệm Phật lợi ích hơn tụng kinh, bái sám, làm đàn Thủy Lục nhiều lắm. Vì sao vậy? Tụng kinh thì người không biết chữ chẳng thể đọc theo. Dù biết chữ nhưng tụng nhanh như nước chảy thì người miệng lưỡi hơi chậm chạp cũng không tụng được. Người biếng nhác tuy tụng được nhưng cũng không chịu tụng, thành ra hữu danh vô thực. Bái sám, làm đàn Thủy Lục cũng cứ theo đó mà suy.
Niệm Phật thì không một ai chẳng thể niệm được, dẫu cho kẻ biếng nhác không chịu niệm, nhưng mọi người đồng thanh cùng niệm. Kẻ ấy nếu không bịt tai thì một câu Phật hiệu cố nhiên sẽ rành rẽ phân minh rót vào tâm. Tuy chẳng niệm mà cũng chẳng khác gì niệm. Như người nhiễm hương thân có mùi thơm, tuy không cố ý muốn thơm mà ngờ đâu lại được như thế. Vì thân quyến đảo bệnh, cầu siêu, không thể không biết điều này.”
Cho nên nếu bạn không tìm được bậc tu hành thanh tịnh và quyết định tự mình cầu siêu thì tôi sẽ hướng dẫn cho bạn cách niệm phật cầu siêu vong linh vô cùng nhiệm màu và đơn giản. Đây là nghi thức mà Thầy tôi sử dụng trong hầu hết các pháp hội cầu siêu.
CÁCH CẦU SIÊU TẠI NHÀ.
Nếu nhà có bàn thờ Phật thì tốt còn nếu không, bạn có thể thỉnh 1 tấm ảnh Phật A Di Đà về nhà, lập một bàn thờ riêng để tổ chức cầu siêu. Lễ lạt trên bàn thờ chỉ cần: 01 bát hương, hoa tươi, nước sạch, chút ít bánh hoặc trái gọi là. Tuyệt đối không để rượu, vàng mã hay tiền bạc lên bàn thờ. Nếu bạn có điều kiện thêm vật phóng sinh hoặc cúng thí thực thì cũng tốt, nếu không thì thôi, không sao cả.
Đến ngày đã định, bạn tập trung người nhà trước bàn phật, lấy một cốc nước sạch, ngắt một bông hoa tươi cắm vào, đặt trước bàn thờ. Sau đó Chủ lễ thắp nhang lạy ba lạy, mỗi lạy niệm một câu nam mô A Di Đà Phật rồi âm thầm triệu thỉnh như sau
Triệu thỉnh
Chủ lễ thắp hương, chắp tay quỳ xuống rồi âm thầm triệu thỉnh vong linh bằng cách khấn thế này:
Nam mô A Di Đà Phật!(3 lần)
Kính bạch từ phụ! Hôm nay ngày…tháng…năm….Phật tử chúng con quy tập về nơi đây tổ chức cầu siêu cho hương linh (họ tên là…) Chúng con cầu nguyện đức từ Phụ A Di Đà từ bi phóng quang, gia hộ cho vong linh (họ tên là…), dù đang ở bất cứ cảnh giới nào cũng về được nơi đây, cùng với chúng con niệm hồng danh của ngài. Nguyện cho tất cả cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ.
Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần)
Nghi Thức Cầu Siêu
(Chủ lễ chắp tay đọc từng câu, những người còn lại đọc theo )
Sắc Thân Di Đà như núi vàng
Tướng hảo quang minh chiếu mười phương
Chỉ có niệm phật ánh sáng nhiếp
Nên biết bản nguyện mạnh vô cùng.
Chí tâm đảnh lễ : Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới Đại từ Đại bi A Di Đà Phật ( 3 lần) mỗi lần 1 lạy.
Tác bạch
(Chủ lễ chắp tay đọc)
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)
Kính bạch Từ phụ! Hôm nay ngày… tháng … năm. Gia quyến chúng con đồng hội tụ về (địa chỉ..) tổ chức cầu siêu cho vong linh(họ tên…) Nguyện đức từ phụ phóng quang, chứng minh, gia hộ cho chư vị hương linh, oan linh có nhân duyên với vong linh (họ tên) và hết thảy các chúng sanh ở nơi đây thọ thực và nghe chúng con khai thị.
Tụng Chân Ngôn
(Chủ lễ hai tay bưng ly nước sạch cắm hoa, nâng lên quá trán rồi quỳ xuống khấn nguyện: )
Nam mô A Di Đà Phật”(3 lần)
Kính xin từ phụ phóng ngọc hào quang vào tịnh thủy này giúp cho chúng sinh tiếp cận hào quang của ngài, được nghiệp chướng tiêu trừ, thiện căn tăng trưởng, trí tuệ sáng suốt, biết “ta bà khổ” 2 lần ,” cực lạc vui” (2 lần), Thảy đều phát tâm nương vào bản nguyện của Ngài, niệm danh hiệu ngài cầu sanh tịnh độ.
Cả pháp hội cùng niệm Nam mô A Di Đà Phật (khoảng 49 câu)
(Cả pháp hội cùng đọc tiếp:)
Dương chi tịnh thủy,
Biến sái tam-thiên,
Tánh không bát-đức lợi nhơn thiên,
Pháp-giới quảng tăng diên,
Diệt tội tiêu khiên,
Hỏa-diệm hóa hồng-liên.
Nam-mô Thanh-Lương-Địa Bồ-tát.(3 lần)
Biến thực biến thủy chân ngôn. Cẩn đương trì tụng
Nam mô tát phạ đát tha nga đa, phạ rô chỉ đế. Án, tam bạt ra, tam bạt ra hồng. (7)
Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án, Tô rô tô rô, bạt ra tô rô, bát ra tô rô, Ta bà ha. (7)’
Án nga nga nẵng tam bà, phạ phiệt nhựt ra hồng (7)
(Chủ lễ cầm bông hoa, nhúng vào ly nước rồi vẩy ra bốn phương. Sau đó quay lại bàn thờ chắp tay đọc từng câu, những người còn lại đọc theo)
Khai Thị
Nam Mô A Di Đà Phật (3)
Kính thưa chư vị Thần Linh, Hương linh, oan linh, các vong linh và chúng sanh trong Pháp giới.
Đức Phật A Di Đà dạy rằng Ta Bà cái khổ thì chư vị đã nếm qua rồi. Đã mang thân người, thân súc sanh thì ai cũng phải sinh già bệnh chết, không ai tránh khỏi. Trong khi sống không ai muốn xa lìa người thân yêu của mình. Thế mà chư vị đã phải từ bỏ người thân, từ bỏ thân của mình mà ra đi. Oán ghét mà phải gặp gỡ, thương yêu mà phải xa lìa, mong cầu thì nhiều mà thành tựu không được bao nhiêu. Cuối cùng chư vị đều phải chịu khổ là vì quá khứ các chư vị đã gây nhân bất thiện.
Thân thì sát sanh, trộm cắp, tà dâm. Miệng thì nói dối, nói lừa gạt, nói lời hai chiều, nói lời hung ác. Ý thường khởi tham lam- sân hận si mê. Vì u mê, vọng tưởng, chấp trước mà chư vị phải luẩn quẩn trong Lục Đạo Luân Hồi từ vô lượng kiếp đến nay, mãi không thoát ra được.
Đức Phật A Di Đà thấy biết chư vị đang chịu khổ nên Ngài phát Đại Từ Bi Tâm, muốn cứu khổ, ban vui cho chư vị. Cái khổ lớn nhất là khổ luân hồi sinh tử, sinh sinh tử tử không có ngày cùng. Cái vui lớn nhất là vui Niết Bàn Cực Lạc, về đó không còn khổ, không còn sanh diệt. Muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, muốn gì được nấy, tâm tưởng sự thành. Chư vị được gần Phật A Di Đà cùng chư Đại Bồ Tát, Quán Âm, Thế Chí và đại Thánh Chúng. Các ngài gia hộ và chỉ dạy cho chư vị tu tập, sớm đắc quả bất thối chuyển, trở lại Ta Bà cứu độ chúng sanh.
Vì vậy đức Phật A Di Đà phát ra 48 đại nguyện trong đó nguyện thứ 18 là Niệm Phật Vãng Sanh. Điều này chư vị có thể làm được! Chỉ cần chư vị biết mình đang chịu khổ và ở Tây Phương Cực Lạc thế giới, Đức Phật A Di Đà đang ngày đêm trông chờ chư vị, giống như cha mẹ trông chờ con cái đi xa. Chư vị về Cực Lạc sớm một ngày thoát khổ một ngày, được an vui một ngày. Chỉ cần chư vị phát nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc và niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì chắc chắn chư vị được Đức Phật A Di Đà phóng ngọc hào quang tiếp dẫn về Tây Phương Cực Lạc. Về đó chư vị không còn khổ nữa chỉ hưởng toàn vui.
Giờ này, chư vị lắng lòng thanh tịnh nghe chúng tôi đọc lại lời phát nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà là, còn gọi là Bản Nguyện niệm Phật Vãng Sanh:
“ Nếu ta thành Phật, 10 phương chúng sanh, chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, xưng danh hiệu ta cho đến mười niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi Chánh Giác.” (3 lần.)
Ngưỡng nguyện Đức Phật A Di Đà, gia hộ cho Pháp giới chúng sanh, cùng chư vị Thần Linh, Hương linh, oan linh, vong linh và cửu huyền thất tổ nội ngoại gia tiên của chúng con đều phát tâm niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật, đồng được Vãng Sanh Tây Phương Cực Lạc Quốc. Chúng con niệm hồng danh của Ngài, với tấm lòng biết ơn vô hạn. Nhờ Ngài gia hộ mà chúng con được biết về Bản Nguyện Niệm Phật. Nương vào bản nguyện của Ngài, niệm Phật chắc chắn được vãng sanh.
Cả pháp hội cùng ngồi chắp tay niệm:
Nam Mô A Di Đà Phật (liên tục 30-40p)
Hồi hướng
Chí tâm đảnh lễ Nam Mô A Di Đà Phật ( 3 lần, mỗi lần 1 lạy)
(Quỳ xuống đọc)
Đức Phật A Di Đà
Nguyện đem công đức của Ngài
Bình đẳng thí tất cả
Vãng sinh nước an lạc.
Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần, mỗi lần 1 lạy).
Tuệ Tâm 2025.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con hoan hỉ tán thán công đức hoằng pháp của thầy.
Theo mạch văn thì trong đoạn này “Vì thế cứ hễ nghe đến cầu siêu, người ta đều nghĩ ngay rằng đó là cầu chuyện cho người chết được siêu thoát.” có lẽ chữ “cầu nguyện” được viết thành “cầu chuyện” ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm đã chỉnh sửa lại, cảm ơn bạn. Gần đây Tuệ Tâm bận nên chẳng có thời gian chuyển từ văn nói sang văn viết, lỗi chính tả cũng không soát kịp. Mong bạn đọc tuỳ hỷ!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Đoạn này: Đức Phật dạy rằng: “Chúng sanh… – có mở ngoặc kép nhưng chưa đóng ạ.
Đoạn này: “Chính vì lý do này nên đức Phật đai từ đại bi” – sửa thành “…đại từ đại bi” ạ.
Đoạn này “Họ nhờ nguyện lực của Phật a di đà mà được siêu thoát, chớ kinh đâu có nói gì về nhân quả đâu mà hon minh bạch được tội phước?” Con xin đề xuất sửa “a di đà” thành “A Di Đà”, sửa “hon” thành “họ”.
Đoạn “Theo thống kê sợ bộ”, từ kia sửa thành “sơ bộ” ạ.
Đoạn này “lại được thêm bản nguyện của Bồ Tát địa tạng” và đoạn “Nếu không thích thì bạn có thể tụng kinh địa tạng” có lẽ nên viết hoa “Địa Tạng” ạ.
Đoạn này “Tthế mà chư vị đã phải từ bỏ người thân, từ bỏ thân của mình mà ra đi. Óán ghét mà phải gặp gỡ” chắc có lỗi đánh máy ạ.
***
Nam mô A Di Đà Phật. Con chẳng nỡ nhìn bài viết hay lại bị ảnh hưởng bởi những lỗi lặt vặt, nên hơi dài dòng, cúi mong thầy tùy hỉ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm đã sửa, cảm ơn bạn!
Trần Thị Diễm Ái viết
Nam mô A Di Đà Phật
Tuyền viết
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT