Nhân buổi trà dư, một bạn đạo hỏi tôi: “Đức Phật thuyết pháp bằng ngôn ngữ gì?” Tôi bảo: “Đây là vấn đề gây nên rất nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu Phật pháp. Người bảo Ngài thuyết bằng tiếng Ma kiệt đà (Magādhi), người bảo Ngài thuyết pháp bằng Phạn (Sanskrit), người bảo bằng tiếng Pali…Ai cũng đều có lý của riêng mình, nhưng tất cả đều đứng trên lập trường Tông phái mà luận, chớ thực sự không có căn cứ nào để khẳng định đúng sai.
Trong bốn kỳ kiết tập kinh điển, sau khi đức phật nhập Niết Bàn, lúc chư Tổ kiết tập kinh điển thì các ngài chép lại theo ngôn ngữ của mình. Người rành Phạn âm thì chép lại bằng tiếng Phạn, người dùng tiếng Pali thì chép lại bằng tiếng Pali. Nếu vì Kinh sách được chép lại bằng những ngôn ngữ ấy mà bảo rằng đức Phật thuyết pháp bằng tiếng Phạn hay tiếng Pali…thì không đúng!”
Ông ta lại hỏi: “Ông đọc sách nhiều, ắt đã biết nhiều lời khai thị của cổ đức. Trong số những lời giải đáp ấy, ông tâm đắc nhất là câu trả lời nào?” Tôi bảo: “Về ngôn ngữ đức Phật dùng để thuyết pháp, tôi thấy tâm đắc nhất là lời dạy của Hòa Thượng Tuyên Hóa. Ngài là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát nên tôi tin là chân thật ngữ.”
*
Hòa Thượng dạy rằng: “Ngôn ngữ mà đức Phật dùng để thuyết pháp là Phật Âm Vi Diệu. Phật Âm Vi Diệu này gồm có tám loại âm thanh:
- Tiếng tối hảo (Tiếng tốt nhất).
- Tiếng nhu nhuyễn (Tiếng êm dịu).
- Tiếng hòa thích (tiếng thích hợp).
- Tiếng tôn huệ (tiếng tôn kính, trí huệ).
- Tiếng bất âm (tiếng chẳng có âm tính).
- Tiếng bất ngu (tiếng chẳng đùa giỡn).
- Tiếng thâm viễn (tiếng vang sâu và xa).
- Tiếng bất kiệt.
Đức Phật chỉ dùng một thứ âm thanh để thuyết pháp, nhưng bất cứ loại chúng sanh nào nghe thấy cũng đều hiểu được. Thậm chí là những người khác, quốc gia, ngôn ngữ, bất đồng cũng đều hiểu được như nhau: Chư Thiên nghe hiểu được, loài người nghe hiểu được, loài rồng nghe hiểu được, súc sanh nghe cũng được và quỷ thần cũng đều nghe hiểu được. Cho nên chư tổ dạy rằng:
Phật dĩ nhất âm diễn thuyết pháp.
Chúng sanh tùy loại các đắc giải.
Có nghĩa là Phật chỉ dùng một loại âm thanh để thuyết pháp, nhưng mọi loài chúng sanh nghe đều hiểu được.”
Cho nên, nếu bảo rằng đức Phật thuyết pháp bằng tiếng Phạn, tiếng Ma kiệt đà hay Pali… đều không đúng. Bởi vì, nếu Ngài dùng tiếng Ma kiệt đà, tiếng Phạn hay tiếng Pali để giảng thì chỉ có chúng sanh nào am hiểu ngôn ngữ ấy mới biết đức Phật giảng điều gì. Mà nếu như vậy thì chắc chắn không phải là cảnh giới của Phật!
Đức Phật thuyết pháp bằng ngôn ngữ gì
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Phật chỉ dùng một thứ âm thanh để thuyết pháp, nhưng bất cứ loại chúng sanh nào nghe thấy cũng đều hiểu được cả; thậm chí những người tuy khác quốc gia, bất đồng ngôn ngữ, cũng có thể hiểu được như nhau. Mặc dù Phật chỉ nói bằng một thứ tiếng, nhưng người Nhật nghe thì hiểu đó là tiếng Nhật, người Anh nghe thì hiểu đó là tiếng Anh, người Pháp nghe thì hiểu đó là tiếng Pháp, người Tây Ban Nha nghe thì hiểu đó là tiếng Tây Ban Nha… Tuy rằng ngôn ngữ mỗi nước mỗi khác nhau, nhưng tất cả đều hiểu được tiếng của Phật mà không cần phải phiên dịch.
Đức Phật có tám thứ âm thanh dùng để thuyết pháp:
1. Tiếng tối hảo (tiếng tốt nhất).
Loại âm thanh thứ nhất của Phật là như thế nào? Đó là loại âm thanh hay nhất, tốt nhất, tốt đến cực điểm, và cũng gọi là “cực hảo âm.” Giọng nói của Phật thì càng nghe càng thấy thích thú, càng muốn lắng nghe; chứ chẳng phải như nhiều người nói nghe rền rĩ như tiếng kéo cưa vậy. Giọng nói của Phật thì trong trẻo, thánh thót.
2. Tiếng nhu nhuyễn (tiếng êm dịu).
Giọng nói của Phật âm vang êm tai như tiếng nước chảy dịu dàng, uyển chuyển.
3. Tiếng hòa thích (tiếng thích hợp).
“Thích” là thích hợp, vừa đúng. Thứ âm thanh này rất ôn nhu, mềm mỏng, hài hòa; người nào đã được nghe rồi thì chẳng còn ao ước nghe tiếng gì khác nữa.
4. Tiếng tôn huệ (tiếng tôn kính, trí huệ).
Âm thanh của Phật rất tôn quý. Đừng nói là nghe rõ từng lời từng chữ, chỉ cần nghe được âm vang tiếng nói của Phật thì chúng ta cũng có được vô lượng trí huệ rồi.
5. Tiếng bất âm (tiếng chẳng có âm tính).
Có nhiều người giọng nói mang đầy âm tính, tức là giọng nói như phái nữ, thường là the thé hoặc uốn éo, nũng nịu. Giọng của Phật thì không phải là giọng âm.
6. Tiếng bất ngu (tiếng chẳng đùa giỡn).
Cho dù là khi nói chuyện vui, giọng nói của Phật khiến người nghe cảm thấy vô cùng chánh đáng, đúng đắn, không đượm vẻ giỡn hớt đùa cợt.
7. Tiếng thâm viễn (tiếng vang sâu và xa).
Âm vang tiếng nói của Đức Phật vọng đi rất xa, đến nỗi không thể biết rõ là sâu lắng bao nhiêu và truyền đi bao xa. Có một lần nọ, Tôn Giả Mục Kiền Liên dùng thần thông đi về hướng vô lượng ức cõi Phật ở phương Đông. Ngài cứ dõi theo tiếng nói của Đức Phật mà đi, đi, đi mãi, để xem thử đến bao xa thì không còn nghe thấy nữa. Song, Ngài vượt qua vô lượng cõi Phật mà tiếng nói của Đức Phật vẫn cứ sang sảng bên tai. Thần thông quảng đại như Tôn Giả Mục Kiền Liên mà cũng không thể tìm thấu nơi dứt bặt âm thanh của Đức Phật!
8. Tiếng bất kiệt.
“Bất kiệt” tức là không bao giờ hết, chẳng hề cùng kiệt. Âm thanh tiếng nói của Đức Phật thì liên tiếp miên mật, không bao giờ bị gián đoạn hoặc ngưng bặt.
Vậy, Đức Phật dùng tám loại âm thanh này để thuyết pháp. Tám loại âm thanh này, có lúc thì một người có thể nghe được một loại, hoặc hai, ba, bốn, năm loại; song cũng có lúc một người chỉ nghe được một loại. (Người này nghe được tiếng thâm viễn, người kia nghe được tiếng nhu hòa …) Đó là bởi căn tánh của mỗi người vốn bất đồng nên cái nghe cũng khác nhau.
Tám loại âm thanh này đều được gọi là “vi diệu âm.” Quý vị hãy học và ghi nhớ tám loại âm thanh này để về sau có thể thuyết giảng lại cho người khác.”
Tuệ Tâm 2024.
Nguyễn Thị Tường Vi viết
Nam mô A Di Đà Phật
•
Kính thưa Tuệ Tâm con có tải về hình ảnh đức Phật ở trên internet về máy điện thoại và sử dụng làm hình nền như vậy có mang tội gì không?
con thành tâm tri ân công đức Tuệ Tâm.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tốt chứ không sao cả đâu, bạn chớ lo lắng!
Phan Thị Trang viết
Nam mô A Di Đà Phật
Kiếp này được biết đến Phật pháp là điều vĩ đại, tuyệt vời nhất mà con không bao giờ quên cho đến tận cùng đời vị lai.