Luật Nhân Quả là một quy luật của tự nhiên, chỉ cho sự vận hành bất biến từ Nhân, Duyên đến Quả của vạn vật. Nó hiện hữu, tồn tại và chi phối vạn vật trong vũ trụ, không phụ thuộc vào chuyện bạn biết hay không biết, cũng không phụ thuộc vào việc bạn tin hay không tin. Ví như ta đói thì phải ăn, khát thì phải uống, tự nhiên vốn là như vậy.
Nói về Luật nhân quả thì phần lớn người thế gian đều hơi… tin tin và điều đầu tiên là họ nghĩ ngay đến Phật pháp. Sở dĩ người ta hơi tin tin, sở dĩ người ta còn nghi, sở dĩ người ta nửa tin nửa ngờ là bởi vì họ chỉ biết đến cái nhân quả của Thế gian -Tức là gieo nhân gì gặt quả nấy, nhưng lại xảy ra ngay trong một đời – Chứ không biết rằng, cái nhân quả ở trong Phật pháp mà đức Phật giảng là nhân quả ba đời – Tức là cũng gieo nhân gì gặt quả nấy, nhưng cái nhân quả này thông suốt ba đời, quá khứ, hiện tại và vị lai.
*
Ví như ta gieo một nhân thiện ác, quả báo hưởng phước hay tai họa chắc chắn phải thọ nhận. Nhưng quả này trổ lúc nào lại phải tùy thuộc vào Nhân Duyên. Cho nên cùng một nhân đã gieo mà có người ngay trong đời này thọ quả, có người đến kiếp sau thọ quả, nhưng cũng có người đến rất nhiều kiếp về sau mới thọ quả. Còn sở dĩ người ta nghe đến hai chữ nhân quả liền nghĩ ngay đến Phật pháp là bởi vì hết thảy đều tưởng rằng Phật pháp tạo ra luật nhân quả.
Họ đều không biết rằng: Luật nhân quả là một quy luật vận hành của tự nhiên, của toàn thể vũ trụ nhân sinh. Đức Phật Thích Ca, bằng Tuệ nhãn của mình, ngài thấu triệt sự vận hành của quy luật nhân quả nên giảng cho chúng ta, chớ Ngài không có tạo ra luật nhân quả.
Chính vì không hiểu đúng về luật nhân quả nên khi thấy người làm ác mà sống khỏe mạnh, giàu có, chẳng phải trả giá gì, người ta liền nghĩ ngay rằng không có nhân quả. Kế đó hủy báng rồi không ác nào chẳng làm. Kết cục, vì tâm khởi niệm ác, miệng nói lời ác, thân làm việc ác nên phúc đức bị suy hao, thọ mạng giảm dần, chết đi liền đọa vào tam ác đạo. Ác nghiệp di họa đến cả tổ tiên, con cháu mà không hề hay biết. Hết thảy đều do thiếu trí huệ mà tự chuốc lấy tai họa, thật vô cùng đáng tiếc!
*
Như hai nhân vật Tào Tháo và Quan Công là những tấm gương điển hình. Thời Hán Hiến Đế, Tào Tháo làm Thừa Tướng, gian hùng bậc nhất, chuyên đoạt uy quyền, không ác nào chẳng làm. Những việc ông ta làm nổi tiếng từ cổ đến kim, không ai không biết. Mục đích để tăng thêm quyền lực và danh vọng cho bản thân. Ông ta vốn muốn khi mình chết đi, con mình sẽ làm vua. Nhưng ngay sau khi ông ta vừa chết, con cả là Tào Phi soán ngôi. Xác cha chưa liệm, Tào Phi đã dời hết cả phi tần đưa sang cung mình.
Tào Tháo chết đi, mãi mãi đọa trong ác đạo, đến hơn một ngàn bốn trăm năm sau. Vào đời Càn Long nhà Thanh, tại Tô Châu có người giết heo, moi gan phổi ra, thấy đề hai chữ Tào Tháo. Xóm giềng có thanh niên trông thấy sợ hãi vô cùng. Anh ta liền xuất gia, lấy pháp danh là Phật An. Sau này khi sắp vãng sanh về Cực Lạc Tịnh độ, Ngài Phật An mới kể lại. Chuyện này được ghi trong Tịnh Độ Thánh Hiền Lục. Tào Tháo một đời oanh liệt, sử sách lưu danh. Vậy mà chết đi hơn 1400 năm vẫn còn đọa làm thân lợn.
Còn như ngài Quan Công, do lúc sống ngay thẳng, chánh trực nên sau khi chết đi tái sanh làm Thần. Đợi đến khi Trí Giả Đại Sư thành đạo, liền đủ duyên đến quy y cùng Tổ. Từ ấy đến nay, ngài trở thành bậc đại Hộ Pháp ở trong Phật giáo.
*
Cho nên, Nhân quả báo ứng đúng thật như bóng với hình, thập phần kinh sợ! Và chúng ta, đợi được đến lúc tin nhận được thì thường cũng đã quá muộn rồi.
Nhân quả báo ứng là nền tảng mang tính bản lề ở trong Phật pháp. Và nếu không nắm chắc về luật nhân quả, bạn sẽ không bao giờ nhập đạo được. Vì thế nên trong tập ngày hôm nay, tôi sẽ y cứ nơi kinh điển và pháp ngữ của chư tổ sư để giúp bạn minh bạch về Luật Nhân quả.
Tôi tin rằng bất cứ ai, một khi thấu triệt được nhân quả báo ứng sẽ luôn có một cuộc sống bình an, hạnh phúc. Bởi vì sao? Bởi vì chúng ta hiểu rằng vạn sự giàu nghèo, sang hèn, thành bại, được mất, bệnh tật, hoạn nạn trong cuộc đời của ta, đều là do nghiệp nhân quả của chính ta cảm thành, chớ không do bất kỳ ai hay bất kỳ thế lực nào tác động.
*
Nhờ đó ta sẽ không vì bệnh tật, hoạn nạn mà mê tín đi cầu cúng quỷ thần, ta sẽ không vì khốn khổ mà oán trách trời người, ta sẽ không vì nghèo túng mà ganh tị với người giàu có, và ta sẽ không vì tham cầu những điều không thể mà bị lửa tham sân si thiêu đốt ngày đêm. Ta sẽ sống một cách an nhiên giữa dòng đời vội vã, ta sẽ biết trân trọng những gì mình đang có, rồi rộng làm những điều thiện lành, lánh xa việc xấu ác. Để rồi nhờ đó, thay đổi số phận của chính mình.
Người thấu hiểu nhân quả nên chỉ làm lành, không làm ác. Vì thế, trên thuận với lẽ tự nhiên của trời đất, dưới hợp với đạo làm người, nên tự nhiên chiêu cảm được phước báo an vui vậy!
Luật Nhân quả là gì
Nhân quả là một quy luật vận hành của tự nhiên chỉ cho sự vận hành bất biến từ nhân, duyên đến quả của vạn vật, nó hiện hữu, tồn tại và chi phối vạn vật trong vũ trụ, không phụ thuộc vào chuyện bạn biết hay không biết, cũng không phụ thuộc vào việc bạn tin hay không tin. Ví như ta đói thì phải ăn, khát thì phải uống, tự nhiên vốn là như vậy.
Luật nhân quả xảy ra như thế nào? Bất cứ một hành động nào của chúng ta, cho dù từ thân ta làm, hay miệng ta nói và từ ý nghĩa của chúng ta phát ra cũng đều sẽ tạo ra một nhân, phật pháp gọi là nghiệp. Cái nhân này khi đã gieo xong thì nó lưu vào tàng thức, tức là thức thứ 8 của chúng ta. Nó nằm ở đó, chờ đến lúc đủ duyên sẽ trổ thành quả. Duyên này có thể đến bất cứ lúc nào, có thể trong sớm chiều, có thể ít năm sau, có thể đến kiếp sau, hoặc có thể đến nhiều kiếp về sau.
Chúng ta không thể biết duyên đến vào lúc nào nhưng có một điều chắc chắn rằng đã có nhân thì phải có quả. Quả này nó tương ứng với cái nhân mà ta đã gieo, vì thế nên gọi là nhân quả báo ứng.
*
Và dù bạn có tin hay không thì hãy thử suy ngẫm điều này: Suốt cuộc đời ta cứ tưởng mình quyết định mọi sự mà không biết rằng thực ra tất cả mọi sự trong đời ta đều do nhân quả của chính ta chi phối, dẫn dắt.
Luật nhân quả như một đạo diễn, ở trong vô hình, âm thầm thúc đẩy, dẫn dắt ta hưởng phước, chịu họa theo đúng những gì mà chúng ta đã gieo trong nhiều kiếp về trước…. Và nếu không nhờ được đức Phật chỉ dạy, ta không bao giờ có khả năng thoát khỏi được sự thao túng của luật nhân quả. Bạn thử tĩnh tâm suy ngẫm lại xem, từ học hành thi cử, công việc, bạn bè, hôn nhân, con cái….có đúng là như thế hay không?…
Tuệ Tâm 2024
Lê Xuân Phương viết
Nam mô A Di Đà Phật
Chuyện thành gia lập thất của đời con cũng là do nhân quả chi phối, thế mà khi chưa học Phật thì con cứ ngỡ là tự nhiên.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Ta hiểu rõ nhân quả được lợi ích nhiều lắm! Như vợ chồng cãi vã, hành hạ nhau, ắt biết rằng đến với nhau vì đòi nợ hoặc báo oán. Nhờ hiểu rõ nhân duyên đó mà an nhẫn sám hối cùng tu tập, hồi hướng công đức. Trả hết nợ thì vợ chồng tự nhiên hòa thuận, an vui và hạnh phúc. Còn như không hiểu nhân quả, ắt một đời dày vò nhau, khổ không để đâu cho hết vậy…
Gia Quang viết
Kính thưa Thầy Tuệ Tâm, con có một chút thắc mắc sau khi nghe qua bài giảng về Nhân Quả và niệm A Mô A Di Đà Phật để được vãng sanh.
Nếu như nhân quả là từ vô thuỷ vô kiếp tạo thành và phải trả báo kiếp thì làm sao về cõi Cực Lạc sẽ không phải còn trả báo. Như vậy có trái với giáo lý nhà Phật. Có nhân phải có quả. Đồng ý là sẽ không còn trôi lăn trong lục đạo, nhưng không hẳn là ở cõi Phật A Di Đà, ngài sẽ có thể xóa hết nghiệp nhân lâu đời lâu kiếp?
Xin cảm ơn Thầy đã chỉ giáo và trả lời thắc mắc cho đệ tử.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Ví như con bạn không may bị lừa, nợ nần chồng chất không biết bấu víu vào đâu. Bạn là cha nó, biết vậy ắt vì thương con mà còn bao nhiêu tiền cũng cho nó trả nợ. Tình thương ở đời còn vậy, huống gì là lòng Từ Bi vô bờ bến của chư Phật? Chẳng nhẽ các ngài có công đức vô lậu, viên mãn, tròn đầy, thương chúng sanh như con đẻ nhẽ nào lại không thể trả nợ thay cho chúng sanh hay sao? Nếu thế thì đâu phải là Phật, đâu phải là đại từ đại bi nữa? Trong Kinh Phật dạy, “Chí tâm niệm Phật một câu, tiêu trừ được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử.” Chẳng nhẽ Phật lại đi dối gạt chúng sanh hay sao?
Lại nữa, khi ta vãng sanh về Cực Lạc, cõi ấy không có ác duyên, chúng sanh vãng sanh về đó tu thẳng lên thành Phật. Mà khi không có ác duyên thì chủng tử nghiệp ác làm sao phát khởi cho được? Nghiệp ác không phát khởi ắt bị không phu tu tập diệt trừ, điều đó chẳng nhẽ cũng chẳng được hay sao?
Quang viết
Cảm ơn thầy đã giải bỏ khúc mắc cho đệ tử. Đúng là lòng từ bi của chư Phật vô bờ bến. Con xin chí thành tín niệm mong được vãng sanh Cực Lạc cầu giải thoát. Nam Mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Hoàng Thu Hà viết
Nam mô A Di Đà Phật
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Thưa thầy, con xem bài giảng của Pháp sư Tịnh Tông, có đoạn:
“Gả cho ai, là nghiệp lực làm chủ, bản thân mình không làm chủ được; sinh con như thế nào, trai hay gái cũng đều là nghiệp lực làm chủ. Làm việc ở công ty nào, sống trong ngôi nhà như thế nào, tình trạng sức khỏe ra sao… đều không phải là do bạn có thể làm chủ được, đều là nghiệp lực làm chủ.”
Thì những việc như hôn nhân, con cái, giàu nghèo, thọ mạng, sức khoẻ, con vẫn hiểu hiển nhiên là do nghiệp lực làm chủ. Nhưng ngay cả những chuyện như làm việc ở một công ty cụ thể nào đó, ở địa điểm nào đó, làm nghề gì, học trường nào, ngành nào,…v.v. cũng đều là do nghiệp lực làm chủ sao ạ? Con hơi băn khoăn chỗ này, kính mong thầy từ bi chỉ dạy.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Cõi Ta Bà này được hình thành bởi nghiệp cảm của chúng sanh. Vì thế hễ sanh vào cõi này đều bị nghiệp cảm chi phối. Cho nên Những thứ như “làm việc ở một công ty cụ thể nào đó, ở địa điểm nào đó, làm nghề gì, học trường nào, ngành nào…” đều là do cộng nghiệp của ta cùng chúng sanh mà hội tụ.
Trong vòng nhân quả dày đặc, hết lớp này đến lớp khác, ngay cả khi chúng ta tu tập khiến nghiệp lực bị xoay chuyển, thì bản chất vẫn ở trong cõi Ta Bà, chưa thoát ly nên vẫn bị nó chi phối. Như khi ta tu tập, do đoạn ác hành thiện nên duyên lành trổ ra, duyên xấu bị đoạn. Vì thế tuy số phận xoay chuyển theo chiều hướng an vui, nhưng cái an vui ấy vẫn thuộc về thiện nghiệp của thế gian.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
May nhờ thầy giảng nên con mới minh bạch thêm về lẽ nhân quả nghiệp báo. Con tri ân thầy ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.