Ngũ ấm ma là các loại ma chướng sinh ra từ Ngũ ấm. Trong năm ấm, mỗi ấm có 10 loại ma nên còn gọi là 50 hiện tượng Ngũ ấm ma, bao gồm:
- 10 loại ma sinh ra từ Sắc ấm.
- 10 loại ma sinh ra từ Thọ ấm.
- 10 loại ma sinh ra từ Tưởng ấm.
- 10 loại ma sinh ra từ Hành ấm.
- 10 loại ma sinh ra từ Thức ấm.
Kinh Pháp Diệt Tận đức Phật bảo: “Khi pháp diệt, kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh bị biến mất đầu tiên và bản kinh cuối cùng biến mất trên thế gian là Kinh A Di Đà.” Vậy thì biết kinh Lăng Nghiêm có ý nghĩa sống còn như thế nào đối với Chánh Pháp. Ngài Tuyên Hóa cũng xác nhận rằng: “Lăng Nghiêm là một trong những bản kinh quan trọng bậc nhất của Phật pháp”.
Tại sao thế? Bởi ngoài những điều quan trọng cho người tu, Kinh Lăng Nghiêm còn nói đến một vấn đề vô cùng quan trọng: Ngũ Ấm Ma, tức 50 hiện tượng Ngũ ấm ma được sinh ra từ Ngũ ấm. Người tu chơi chơi thì chẳng nói làm gì, nhưng nếu chí tâm tu trì hướng đến giải thoát thì nhất định phải một lần đọc Ngũ ấm ma. Bởi nếu không đọc tất khi tâm tịch tĩnh, cảnh giới phát hiện, chắc chắn sẽ lạc vào ma cảnh!
- Ngũ uẩn là gì
- Tam giới là gì.
- Tham sân si là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Ngũ trược ác thế là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
*
50 hiện tượng Ngũ ấm ma là thử thách thuộc dạng vi tế đối với người học Phật. Chỉ những vị trì giới cực tinh nghiêm, có sức tu rất lớn mới chạm đến cảnh giới này. Chư tổ dạy: “Người học Phật thời nay thực ra tu đến cảnh giới tịch tĩnh hoặc thấy Cảnh giới là cùng. Cực hiếm người chạm đến cảnh giới ngũ ấm ma, huống nữa là “phá ấm”.
Tuy vậy 50 hiện tượng Ngũ ấm ma người học Phật nhất định phải biết. Tại sao thế? Bởi người tu khi có chút thành tựu thường sanh tâm ngã mạn, tưởng vậy là đủ.
Chẳng biết rằng đường tu nhiều hiểm nạn chướng duyên. Nếu dừng lại nửa chừng tất vẫn y nguyên trong sanh tử luân hồi. Chẳng độ nổi mình thì vọng cầu chi độ được chúng sanh? Hoặc có kẻ không biết về Ngũ ấm ma, khi sức tu đã sâu chắc chắn bị ma ám nhập, rồi quay lại bài nhân bác quả; Bác luôn cả Phật pháp rồi rơi vào Vô gián địa ngục chẳng biết ngày ra. Ở Việt Nam ta, gần đây thôi, cũng có một số tấm gương điển hình… Thật vô cùng đau xót!
*
Tiên đức hằng răn nhắc: “Nếu tu mà không chuyên cầu giải thoát, thì sự tu nơi kiếp này là mối thù trong kiếp thứ ba.” Sở dĩ có việc ấy, bởi kiếp thứ nhứt lo kham khổ tu hành, nên chuyển sanh qua kiếp thứ nhì được hưởng quả báo thông minh giàu sang quyền thế. Trong kiếp thứ hai này, do giàu sang nên dễ mê theo cảnh quyền quý, vợ đẹp con xinh, cùng các thú vui vật chất nơi cõi trần. Đã nếm mùi dục lạc tất dễ sanh đắm nhiễm, càng đắm nhiễm càng đi đến chỗ sa đọa tối tăm, dám làm nhiều điều ác để củng cố lợi quyền và thỏa lòng tham vọng. Kiếp thứ nhì đã gieo nhân như thế, kiếp thứ ba làm sao khỏi bị đọa lạc tam đồ?(HT. Thiền Tâm)
Đức Phật dạy về Ngũ Ấm Ma
Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật dạy: “Nay Ta đã thuyết pháp chơn tu, các ngươi còn chưa hiểu những ma sự vi tế; Cảnh ma hiện tiền, các ngươi cũng chẳng biết. Vì tâm chẳng chánh, lọt vào tà kiến, nên bị ma ngũ ấm, hoặc thiên ma, hoặc quỷ thần, hoặc yêu mị xâm nhập. Trong tâm chẳng biết, nhận giặc làm con. Những người nhị thừa, được ít lại cho là đủ. Như Tỳ Kheo Vô Văn, tu đến tứ thiền mà vọng nói đã chứng Thánh quả. Đến khi hết phước báo cõi Trời, đọa địa ngục A Tỳ. Nay các Ngươi hãy chú ý nghe:
– Các Ngươi phải biết: Cái tâm thể Bản Giác của mười phương chúng sanh vốn viên mãn Diệu Minh, cùng với mười phương chư Phật chẳng hai chẳng khác. Vì do vọng tưởng của các ngươi mê chấp đạo lý mới thành lỗi lầm. Từ đó sanh ra si ái, si ái sanh trưởng khắp nơi, nên có tánh hư không. Sự mê chấp tiến hóa không ngừng, nên sanh ra thế giới. Vậy thì mười phương vô số quốc độ đều do vọng tưởng kiến lập.
Phải biết: Hư không sanh khởi trong tâm các Ngươi như đám mây ở giữa hư không, huống là các thế giới đều ở trong hư không. Trong các Ngươi có một người kiến tánh, thì mười phương hư không đều tiêu diệt ngay, làm sao những quốc độ trong hư không chẳng bị tan nát!
*
– Các Ngươi tu thiền đến nơi chánh định, cũng như mười phương Bồ Tát và Đại A La Hán: Chơn tâm dung thông, ngay đó trạm nhiên. Khi ấy, tất cả ma vương và quỷ thần, thấy cung điện của mình khi không sụp đổ, đều cảm thấy kinh khủng. Họ đều được năm thứ thần thông (chỉ trừ ra Lậu Tận Thông), ham thích trần lao, đâu thể để cho người tu Chánh pháp làm sụp đổ xứ sở của họ.
Cho nên đang lúc người tu được chánh định, những thiên ma, yêu tinh, quỷ thần đều tụ lại để quấy phá. Nhưng họ ở trong trần lao, người tu ở trong Diệu Giác. Dù họ hung dữ cách mấy cũng hại chẳng được. Ví như gió thổi ánh sáng, hoặc dùng dao cắt nước, chẳng ăn nhằm gì. Họ như băng đá, người tu như nước nóng, nước nóng làm tan rã băng đá. Họ ỷ lại sức thần thông, nhưng chỉ là khách. Người tu là chủ, nếu chủ mê thì khách được thành tựu sự quấy phá của họ; Nếu người tu ngay đó giác ngộ chẳng mê, thì ma sự của họ chẳng làm gì được mình.
Ngũ Ấm Ma: 10 loại Ma sanh ra từ Sắc ấm
– A Nan nên biết. Ngươi tọa đạo tràng, vọng niệm nếu hết thì ngay cái lìa niệm ấy tất cả sáng tỏ: Động tịnh chẳng dời, nhớ quên như một, nên trụ nơi này mà nhập chánh định. Như người mắt sáng ở chỗ đen tối, chơn tánh trong sạch, trong tâm chưa phát ánh sáng: Đây gọi là phạm vi của Sắc ấm. Nếu con mắt sáng tỏ, thì mười phương khai mở, chẳng còn đen tối, gọi là Sắc Ấm hết, thì người ấy được siêu việt Kiếp Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là bởi Kiên cố vọng tưởng làm gốc.
Ngũ Ấm Ma: 10 loại Ma sanh ra từ Thọ ấm
– A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Sắc ấm, tâm thấy chư Phật như bóng hiện trong gương. Dường như có sự chứng đắc, nhưng chưa được thọ dụng. Cũng như người bị bóng đè, tay chân vẫn còn, thấy nghe rõ ràng. Vì tâm bị tà bên ngoài xâm nhập, chẳng thể cử động được, ấy gọi là phạm vi của Thọ ấm. Nếu bóng đè hết tâm lìa sắc thân, được tự thấy mặt mình, ở đi tự do vô ngại, gọi là Thọ ấm hết; Thì lúc ấy được siêu việt Kiến Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là do Hư minh vọng tưởng làm gốc.
Ngũ Ấm Ma: 10 loại Ma sanh ra từ Tưởng ấm
– A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được thọ ấm, dù chưa dứt hết tập khí, nhưng tâm đã được rời khỏi thân thể; Như chim ra khỏi lồng, đã được thành tựu từ thân phàm trở lên; Trải qua 60 cấp bậc Thánh vị Bồ Tát, được “Ý sanh thân”, đi ở vô ngại. Ví như có người ngủ say nói mớ: Người ấy dù không hay biết gì, nhưng lời nói của họ đã làm cho người thức nghe biết. Ấy gọi là phạm vi của Tưởng ấm.
Nếu động niệm và vọng tưởng dứt trừ, trong tâm sáng tỏ như gương sạch hết nhơ bụi; Được sự chiếu soi, chẳng thấy có tướng sanh tử. Gọi là tưởng ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Phiền Não Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi Dung thông vọng tưởng làm gốc.
Ngũ Ấm Ma: 10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm
– A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Tưởng Ấm, những mộng tưởng bình thường tiêu sạch; Thức, ngủ thường như một, chẳng còn đuổi theo cảnh trần; Cái giác minh vắng lặng như hư không, thấy các núi sông, đất đai của thế gian như bóng hiện trong gương, tùy duyên chiếu soi; Ở đi đều chẳng dính mắc; Biết hết các tập khí xưa, cái nguồn gốc của sanh diệt từ đây được hiển lộ; Thấy khắp 12 loại chúng sanh trong mười phương; Dù chưa thông suốt manh mối của từng loại, nhưng đều từ một nguồn gốc phát sanh ra, giống như bụi trần lăng xăng. Ấy là chỗ căn cứ địa của ngũ căn, đây gọi là phạm vi của Hành Ấm.
Nhưng tánh của Hành Ấm vốn chẳng lăng xăng. Sở dĩ lưu chuyển chẳng ngừng là do tập khí của nhiều kiếp. Nếu tánh ấy trở về vắng lặng, tập khí dứt sạch, tướng lưu chuyển hết; Như làn sóng lặng trở về nước yên, gọi là Hành Ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Chúng Sanh Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi Uẩn vọng tưởng làm gốc. (Hành Ấm lưu chuyển vi tế, động mà chẳng động nên gọi là Uẩn).
Ngũ Ấm Ma: 10 loại Ma sanh ra từ Thức ấm
– A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Hành ấm, các tính sanh diệt lăng xăng chuyển động của thế gian bỗng được tan rã, các nghiệp báo luân hồi, sự cảm ứng vi tế như chỉ tơ gần được đoạn dứt, sắp được minh ngộ nơi cõi Niết Bàn, như gà gáy lần chót, trời bắt đầu rạng đông. Lục căn hư tịnh, chẳng còn giong ruổi cảnh trần, trong ngoài trạm nhiên sáng suốt, cho đến nhập vô sở nhập:
Thấu suốt cội gốc thọ mạng của 12 loại chúng sanh trong mười phương, chấp vào cái cội gốc đó, các loài chẳng đến với nhau, mà ở nơi mười phương đều đồng một cội gốc, sự phát hiện chỗ ẩn bí đó, như trời gần sáng mà chưa sáng, rạng đông kéo dài, đây gọi là phạm vi của Thức ấm. Nếu ở chỗ đồng ấy, nhờ sức thiền định mài giũa lục căn, đến thấy nghe thông nhau, sự dụng của lục căn muốn hợp lại hay tách ra đều được tự do thành tựu, trong ngoài sáng suốt như lưu ly, gọi là thức ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Mệnh Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi “Võng tượng” (mường tượng), Hư vô, Điên đảo vọng tưởng làm gốc.
Bản nhân Ngũ ấm Ma là vọng tưởng
– A Nan nghe Phật dạy bảo, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ kính vâng, ghi nhớ chẳng sót, lại bạch Phật rằng:
– Như lời Phật dạy, trong tướng Ngũ Ấm, năm thứ hư vọng vốn là Bản Tâm, chúng con bình thường chưa được Như Lai khai thị tỷ mỉ như thế. Lại Ngũ Ấm này là tiêu trừ một lượt hay theo thứ lớp mà diệt trừ? Năm lớp này đến đâu là bờ bến? Xin Như Lai phát lòng đại từ, khiến tâm và mắt của đại chúng được trong sáng, và làm đạo nhãn tương lai cho tất cả chúng sanh trong đời mạt pháp.
Phật bảo A Nan:
– Diệu tâm sáng tỏ, bổn giác trong sạch, vốn chẳng có sanh tử và những trần cấu. Tất cả chúng sanh, cho đến hư không, đều do vọng tưởng mà sanh khởi. Cái bổn giác vốn sáng tỏ trong sạch này, vọng sanh các tướng thế gian, như Diễn Nhã Đạt Đa mê đầu nhận bóng. Vọng vốn chẳng nhân, lại nơi vọng tưởng lập tánh nhân duyên. Kẻ mê nhân duyên cho là tự nhiên, thật ra, tánh hư không còn là huyễn hóa. Nhân duyên và tự nhiên đều do vọng tâm của chúng sanh tạo thành. A Nan, biết chỗ vọng khởi, thì nói vọng duyên, nếu vọng vốn không, thì các vọng nhân duyên vốn chẳng thể có, huống là chẳng biết lại cho là tự nhiên. Vì thế, Như Lai phát minh: Bản nhân của Ngũ Ấm đều là vọng tưởng.
*
– Thân Ngươi trước tiên, do niệm tưởng của cha mẹ sanh ra, tâm Ngươi nếu chẳng có niệm tưởng thì chẳng thể đến hợp với tưởng của cha mẹ mà thọ sanh. Như trước Ta đã nói, tưởng tượng vị chua thì tiết ra nước miếng, tưởng tượng leo dốc thì lòng bàn chân ghê rợn, dốc cao chẳng có, vật chua chưa đến, thân Ngươi nếu chẳng cùng loại với hư vọng thì làm sao nghe nói chua lại tiết ra nước miếng? Nên biết sắc thân hiện tiền của Ngươi, gọi là “Kiên cố vọng tưởng thứ nhất”.
– Như trên đã nói, tưởng tượng leo dốc thì khiến thân thật chịu ghê rợn; Vì cái nhân niệm tưởng cảm thọ, lay động sắc thân, nay trước mắt Ngươi ham thuận chán nghịch, hai hiện tượng này giao tranh với nhau, gọi là “Hư minh vọng tưởng thứ hai”.
– Bởi do niệm tưởng sai khiến sắc thân; Nếu sắc thân với niệm tưởng chẳng cùng loại, thì tại sao thân Ngươi lại theo niệm tưởng sai khiến? Đủ thứ hiện tượng tương ưng với niệm tưởng, hễ tâm sanh thì thân nhận, lúc thức là niệm tưởng, lúc ngủ thành chiêm bao. Vậy thì niệm tưởng của Ngươi lay động vọng tình, gọi là “Dung thông vọng tưởng thứ ba”.
*
– Lý tạo hóa chẳng ngừng, âm thầm dời đổi, móng dài, tóc mọc, sức mòn, hình nhăn, ngày đêm thay đổi mà không hề hay biết. A Nan, ấy nếu chẳng phải là Ngươi thì tại sao thân Ngươi lại dời đổi? Nếu ắt phải là Ngươi thì sao Ngươi lại chẳng hay biết? Vậy thì, hành ấm của Ngươi niệm niệm chẳng ngừng, gọi là “U ẩn vọng tưởng thứ tư”.
– Lại, chỗ tánh thức trong lặng chẳng lay động của ngươi, cho là thường còn ấy, ở nơi thân Ngươi chẳng ra ngoài Kiến, Văn, Giác, Tri, nếu cho là chơn thật, thì chẳng thể huân tập sự vọng, tại sao các Ngươi đã từng xem một vật lạ từ năm xưa, trải qua nhiều năm, nhớ quên chẳng còn; Về sau bỗng thấy vật lạ đó, thì nhớ lại rõ ràng, chưa từng lạc mất?
– Vậy nơi tánh thức trong lặng chẳng lay động này, đâu có suy tính, mà niệm niệm chịu sự huân tập! A Nan nên biết, tánh trong lặng này chẳng thật, như dòng nước chảy gấp, trông như tịch lặng, ấy là vì chảy gấp mà chẳng thấy, chứ chẳng phải không chảy; nếu chẳng phải là cội gốc của niệm tưởng, thì đâu thể huân tập sự vọng? Nếu lục căn chưa được hỗ dụng tự tại, thì vọng tưởng này chẳng bao giờ diệt trừ được.
*
– Vậy nên hiện nay cái Kiến, Văn, Giác, Tri của Ngươi, hòa hợp với tập khí vi tế, thành mường tượng hư vô nơi tánh Trạm Liễu, gọi là tướng vi tế của “Điên đảo vọng tưởng thứ năm”.
– A Nan! Ngũ ấm này do năm thứ vọng tưởng kể trên mà thành. Nay Ngươi muốn biết bờ bến sâu cạn, thì Sắc với Không là bờ bến của Sắc Ấm; Xúc với Lìa là bờ bến của Thọ Ấm; Nhớ với Quên là bờ bến của Tưởng Ấm, Diệt với Sanh là bờ bến của Hành Ấm; Trạm nhập hợp Trạm, là bờ bến của Thức Ấm.
(Ngũ Ấm Ma là gì – Theo Kinh Lăng Nghiêm)
Tuệ Tâm 2021.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, nếu tất cả người tu theo bất cứ pháp môn nào của phật, giữ tâm trung dung không vọng tưởng, khg mong cầu gì,… thì sẽ khg gặp ma chướng trong Ngũ Ấm Ma phải khg thầy ?
Như người tu pháp môn niệm phật, cứ an nhiên tự tại niệm phật mỗi ngày, khg cầu gì cả, duy nhất cầu nguyện khi lâm chung được Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn về Tây phương cực lạc.
Đệ tử hiểu đơn giản thế thôi, khg biết đúng khg. Mong thầy giải thích
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cảnh giới của Ngũ Ấm Ma rất vi tế, không thể dùng trí phàm phu mà tưởng tượng hay luận bàn được, và nó chỉ đến khi hành giả tu tập đã đến được mức rất cao…
Người niệm Phật chỉ cầu vãng sanh, không cầu phá kiến hoặc, tư hoặc, không cầu tam muội, không cầu ngộ đạo thì luôn ở trong vòng hào quang nhiếp hộ của Phật A Di Đà nên tránh được cái chướng nạn này. Còn đối với các pháp khác, kể cả giữ được tâm trung đạo, nếu đến ngưỡng ấy mà không gặp được Thiện Tri Thức hộ trì, chỉ dẫn cho thì đa phần đều lạc vào Ngũ Ấm Ma.
Juliann Vo viết
vậy là ngủ Ấm ma chỉ xuất hiện khi mình thiền hành cùng trì giới thanh tịnh?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Ngũ Ấm Ma chỉ xuất hiện khi tâm quang của hành giả phát lộ. Chỉ những bậc tu rất cao mới gặp thử thách này, còn phàm phu chúng ta các loại ma trong ngũ ấm họ chẳng buồn đếm xỉa đến đâu bạn ạ!
Tâm Bình viết
Mình không nghe được những lời này sớm hơn, tiếc quá. Cách đây không lâu, mình niệm chú Đại bi và đã cảm ứng được, thấy hoa sen nở, thấy như là mình biết tất các pháp trên cõi này, rồi sanh tâm chấp trước, kiêu mạn, nghĩ là mình hơn người. Nghĩ mình đã chứng thánh, là cái gì đó cao siêu, không sợ ma nào, con đòi tuyên chiến với ma vương nữa cơ. Hahaa, giờ nghĩ lại thấy buồn cười, bị ma dẫn- ma dắt- ma nhập mà không biết. Haizzzz.
Có bạn nào biết cảm ứng- linh ứng để làm gì không? Hay tác dụng của nó ấy? Sau quãng thời gian đó thì bây giờ mình hình như là đang mất phương hướng, gần đây không muốn làm gì nữa, sợ thì đúng hơn, sợ lại bị ma dẫn nữa.
Bạn nào chỉ dẫn mình quay lại đúng con đường Đạo với, mình bị lệnh quỹ đạo rồi.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cảnh giới phát hiện ra khi dụng công chỉ là việc hết sức bình thường, không có chi kì đặc. Đây chỉ là một ngưỡng rất bé nhỏ trên đường tu mà thôi, chẳng phải thành tựu gì to lớn để mà nói đến công dụng. Cổ kim đến nay số người được cảm ứng trong Phật Pháp nhiều vô lượng vô biên. Chỉ cần người ta giữ giới và học Phật một cách chân chánh thì sớm hay muộn nó cũng đến mà thôi. Chỉ là, khi cảnh giới hiện ra, người hiểu đạo chỉ âm thầm thấy biết, không sanh tâm chấp trước hay ngã mạn cống cao thì không bị lạc vào Ma Đạo.
Bạn còn giữ được tỉnh táo đến ngày hôm nay là nhờ Thần Lực bất khả tư nghì của Chú Đại Bi và Bồ Tát gia âm thầm gia hộ, nếu không có sự gia bị ấy, e rằng chẳng tỉnh táo mà duyên đọc được bài này đâu. Thứ lỗi cho Tuệ Tâm nói thẳng: Phật pháp lấy từ bi và khiêm hạ làm nền tảng, nhưng cái tâm ngã mạn của bạn vẫn còn nặng nề lắm, phải gắng hàng phục nó không thì gay go to. Dụng cái tâm ấy mà học Phật thì họa không đến sớm cũng đến muộn, tuyệt chẳng hưởng được chút Thanh Lương nào đâu! Bạn trước hãy đọc thêm các bài: “Cảnh giới trên bước đường học Phật” và bài “Cách phòng tránh tẩu hỏa nhập ma khi Thiền Định”, rồi âm thầm sám hối, trong vô hình Bồ Tát sẽ có cách dẫn dắt bạn đi đúng hướng vậy!
Minh viết
Con đường tu hành quả là gian truân
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Thánh Đạo Môn được chư Tổ gọi là “Nan Hành Đạo”, nghĩa là vô cùng khó tu. Người tu Thánh Đạo do chỉ nương vào tự lực nên duy bậc Thượng Căn, phát đại hùng tâm, giữ giới tinh nghiêm và cẩn mật tu trì cẩn mật mới được lợi ích. Còn phàm phu thời mạt hiện nay, thật vô cùng khó để thực hành…Trong tám vạn bốn ngàn pháp môn đức Phật thuyết có “Nan” có “Dị”, nhưng chúng sanh cõi này cang cường, ngã mạn, tuy giới hạnh chẳng giữ được nhưng lại chỉ ưa khó ghét dễ, bởi vậy nên vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong lục đạo luân hồi, xuống lên bất tận trong sáu nẻo, uổng phí một kiếp làm người mà chẳng biết, thật đáng tiếc lắm thay!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Cảm ơn thầy