Ngũ là năm, Uẩn là ngăn che, chướng ngại. Ngũ uẩn là năm thứ ngăn che làm cho con người không nhận biết được chân tánh của chính mình. Năm thứ ngăn che này gồm: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Theo đó thì:
- Ngăn che do hình tướng tức là thân và cảnh thì gọi là sắc uẩn.
- Ngăn che do cảm giác thì gọi là thọ uẩn.
- Ngăn che do nhớ lại các việc đã xảy ra thì gọi là tưởng uẩn.
- Ngăn che do tâm niệm thay đổi thì gọi là hành uẩn.
- Ngăn che do những tập quán sai lầm chứa chấp trong tiềm thức sâu kín thì gọi là thức uẩn.
- Lục thần thông là gì.
- Lục căn, lục trần, lục thức là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Ngũ trược ác thế là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- Sự thật về hạn Tam tai.
Ngũ uẩn giai không
Kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy: “Ngũ uẩn chính là Như Lai tạng, là tánh chân như nhiệm mầu. A Nan! Ví như có người dùng mắt thanh tịnh để nhìn bầu trời quang đãng, chỉ thấy một khoảng không trong vắt. Người kia vô cớ nhìn sững chẳng nháy mắt. Nhìn lâu hóa ra mỏi mệt, nên thấy hoa đốm loạn xạ trong hư không, lại là tất cả tướng giả dối không thật. Nên biết, ngũ uẩn cũng như vậy.”
Ngũ uẩn là gì: 1. Sắc uẩn
A Nan! các hoa đóm lăng xăng ấy chẳng phải từ hư không mà đến, cũng chẳng phải từ mắt mà ra. Đúng vậy, A Nan! Nếu từ hư không đến, thì phải trở về với hư không. Nếu có ra có vào tức chẳng phải hư không. Hư không nếu chẳng không thì chẳng được tướng hoa đốm sinh diệt kia.
Như thân thể A Nan thì chẳng dung nạp thêm một A Nan nào nữa. Nếu hoa đốm từ mắt mà có thì phải trở về trong mắt. Nếu tánh của hoa đốm từ mắt mà có thì lẽ ra nó phải thấy được. Nếu nó thấy được thì khi làm ra hoa đốm giữa hư không, khi trở về nó phải thấy con mắt.
Lại nữa, khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt không mờ. Tại sao khi thấy hư không trong lặng, mới gọi là con mắt trong sáng. Do vậy nên biết rằng sắc uẩn không thật, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên
Ngũ uẩn là gì: 2. Thọ uẩn
A Nan! Ví như người tứ chi yên ổn, cơ thể điều hòa, không bị vui buồn tác động, tịch tĩnh như quên mình. Bỗng nhiên người kia đưa hai tay lên không xoa nhau, sanh cảm xúc: Nóng, lạnh, trơn, rít…Thọ uẩn cũng như vậy.
A Nan! Những cảm xúc hư vọng kia, không phải từ hư không đến. Không phải từ bàn tay ra. Nếu từ hư không đến sinh cảm giác từ bàn tay, sao không sanh cảm xúc nơi thân thể? Không lẽ hư không biết lựa chỗ để danh cảm xúc?
Nếu từ bàn tay ra, thì khi bàn tay hợp lại, biết có cảm xúc. Đến khi bàn tay rời ra thì cảm xúc phải chạy vào xương tủy cánh tay. Lẽ ra phải biết đường vào của cảm xúc, rồi lại phải có tâm hay biết, biết ra biết vào. Như thế phải có một vật đi lại trong thân chớ cần chi phải đợi hai bàn tay hợp lại xoa nhau mới gọi là cảm xúc. Vậy nên biết rằng thọ uẩn là hư vọng không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên
Ngũ uẩn là gì: 3.Tưởng uẩn
A Nan! Ví như có người nghe nói đến me chua thì nước bọt trong miệng chảy ra. Nghĩ đến cảnh khi đứng trên dốc cao thì lòng bàn chân cảm thấy rờn rợn, nên biết tưởng uẩn cũng như vậy. A Nan, cái tiếng chua nầy chẳng từ me sinh ra, chẳng phải từ miệng vào.
A Nan! Nếu từ me sinh ra thì me tự biết nói, đâu cần đợi người nói. Nếu từ miệng mà vào thì tự nhiên đã nghe tiếng, đâu cần đến tai nghe. Nếu riêng lỗ tai nghe, sao nước bọt không chảy lỗ tai lại tuôn ra miệng? Việc nghĩ tưởng mình đứng trên dốc cao cũng giống như vậy. Vậy nên biết rằng tưởng uẩn là hư vọng, không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.
Ngũ uẩn là gì: 4. Hành uẩn
A Nan! Ví như dòng nước dốc cuồn cuộn tương tục tuôn chảy. Dòng nước không nhân hư không mà sinh, không nhân nước mà có. Nó không phải tánh nước nhưng không ngoài hư không và nước.
A Nan! Nếu nhân hư không mà sinh thì mười phương hư không vô cùng tận, nước vô tận, thế gian này chìm đắm cả rồi sao? Nếu nhân nước mà có thì dòng nước dốc không là nước nữa.
Bởi vì, ai cũng có thể chỉ tướng của nước và dòng nước khác nhau. Nếu dòng nước dốc là tánh nước thì khi nước đứng lại, lẽ ra không phải là nước nữa. Nếu ra ngoài hư không và nước thì không có cái gì ở ngoài hư không và ở ngoài nước ra không thể có dòng nước. Vậy nên biết rằng hành uẩn là hư vọng, không phải tánh nhân duyên cũng không phải tánh tự nhiên.
Ngũ uẩn là gì: 5. Thức uẩn
A nan, ví như có người lấy một cái bình tần già, bịt kín hai đầu lại, trong đó đựng đầy hư không, đem đi xa ngàn dặm, đến cho nước khác. Nên biết thức ấm cũng lại như vậy.
A nan, hư không nầy chẳng phải từ phương kia đến, cũng chẳng phải từ phương nầy vào.
Như vậy A nan. Tại sao Như Lai nói hư không chẳng đi từ nơi nầy đến nơi kia? Hư không vốn chẳng đến chẳng đi. Nếu hư không từ phương nầy vào, thì khi mở miệng bình đổ ra, phải thấy hư không đi ra.
Tại sao Ngũ uẩn lại là Như Lai tạng?
Ngũ uẩn vốn là bản tánh nhiệm mầu của Chơn tâm, Phật tánh hay Như Lai Tạng. Nhưng bởi sự vọng niệm đối đãi với cảnh vật bên ngoài mà ngũ uẩn biến thành năm thứ giặc làm ngăn che trí tuệ và sự thanh tịnh của bản tâm. Vì thế trong đoạn kinh này đức Phật muốn thu ngũ uẩn lại để chúng sinh có thể nhìn thấu suốt: Không còn che đậy bởi những tướng giả dối đó để quay về sống với chơn tâm; Với bản lai diện mục của chính mình mà có an vui, tự tại, thanh thoát an nhàn.
Trong đoạn kinh trên tại sao Phật lại nói ngũ uẩn là tánh chân như nhiệm màu của Như Lai Tạng? Đức Phật dạy rằng tất cả các tướng (ngũ uẩn) trong thế gian này đều là huyễn hóa. Do phân biệt mà có và cũng theo phân biệt mà diệt. Nhưng thật tánh của các tướng huyễn hóa đó lại là thể tánh chân như.
Cho nên tâm Phật và tâm của chúng sinh không hề sai khác, bình đẳng như nhau. Khi duyên đến, chính cái thể tánh chân như lại phát khởi, tác dụng mà tạo thành thế giới vũ trụ; Để có thiên hình vạn tướng tức là bất biến tùy duyên. Vì sự biến hóa kỳ ảo này nên mới gọi là thể tánh chân như nhiệm mầu tức là Như Lai Tạng vậy.
Ngũ uẩn và kiếp người
Con người là sự kết hợp của ngũ uẩn tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nghĩa là con người là do nhân duyên hòa hợp tạo thành, chớ tự chúng không thể có được. Ngũ uẩn không có tự tánh, chủ thể nên nó là vô ngã tức là Không. Cái biết phân biệt của Lục thức, khi Lục căn duyên với Lục trần, chỉ là những ý niệm thay đổi không ngừng trong tâm thức của con người. Trong khi đó linh hồn thì cố định đâu có thay đổi.
Con người vừa mới kết tinh rồi sinh ra thì đã có sẳn một cái linh hồn. Đến khi lớn lên và cho đến lúc chết thì cái linh hồn này vẫn như thế, không tăng không giảm, cố định. Nhưng thật ra một người càng hiểu biết chuyện đời thì tâm thức càng nới rộng chớ đâu có cố định. Một ông bác sĩ, một vị kỹ sư, một nhà bác học thì chắc chắn sự hiểu biết của họ hiện giờ khác rất xa với lúc họ chưa thành đạt.
Thêm nữa, cũng chính cái ngũ uẩn này tạo tác thiện ác, tốt xấu cũng bởi do Mạt na thức. Bởi vì Mạt na thức có tính hằng thẩm tư lương nên luôn chấp đó là mình, là của mình mà sinh ra tham đắm si mê. Vì còn phân biệt đối đãi nên thấy có ta có người và dĩ nhiên là thấy cái ta và cái của ta là đúng, là đẹp, là hơn. Đây là những căn bản của phiền não khổ đau cũng bởi do chấp ngã mà ra. Vì thế mới gọi là Ngã Si, Ngã Kiến, Ngã Mạn và Ngã Ái.
Ngũ uẩn và luân hồi
Sau cùng tất cả những chủng tử thiện ác của ngũ uẩn được cất giữ trong A lại da thức để chuyển sang đời sau. Nhưng tiến trình này như thế nào? Con người vì sống trong vô minh phiền não nên tạo ra nghiệp mà phải kết nối đời sau để thọ khổ. Chữ “kiết sanh” có nghĩa là thọ sanh tức là bắt đầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy.
Tiến trình kết nối đời sau bắt đầu từ thân đang sống đến thân đang chết. Rồi từ thân đang chết đến Thân trung ấm (thân mới chết chưa đầu thai). Và sau cùng từ thân trung ấm đến thân đời sau. Nếu các thân được tương tục không gián đoạn như thế ắt phải có một cái gì thường lưu hành và giữ gìn (chấp thủ). Cái thường lưu hành và giữ gìn đó chính là thức thứ tám, là A lại da thức.
Thật vậy, nếu không có thức thứ tám này để nắm giữ việc “kết nối đời sau” thì khi một người chết rồi phải mất luôn, không còn tái sanh được nữa. Do đó Phật giáo phủ nhận cái linh hồn thường hằng bất biến trong con người, bởi vì linh hồn thì không thay đổi nhưng con người mỗi giây mỗi phút luôn thay đổi theo thời gian và không gian.
*
Tất cả những chủng tử thiện ác mà con người kết tập sẽ được cất giữ trong A lại da thức và sẽ chuyển qua thân khác khi nhân duyên hội đủ. Nên nhớ rằng thân xác là do kết hợp của ngũ uẩn và thất đại (Địa đại, thủy đại, phong đại, hỏa đại, kiến đại, không đại và thức đại). Vì thế khi con người chết, thất đại tan rã thì đất trở lại với đất, nước trở về với nước, lửa trở lại với lửa… A lại da thức sẽ trở về với không đại trong không gian vô cùng vô tận này.
A lại da thức hiện hữu trong hư không (không đại) không có nghĩa là nó không có. Nó lúc nào cũng có nhưng mắt thường không thấy được nên nhà Phật mới gọi nó là không.
Ví cũng như gió, có ai thấy được gió đâu, nhưng gió lúc nào cũng có trong không gian địa cầu này. Không khí cũng thế, chỗ nào mà không có không khí, nhưng không khí không có mùi vị, hình sắc nên ngũ quan con người không nhận biết được.
Một thí dụ khác là khí đốt. Khí đốt thì không có mùi vị, màu sắc mà lại rất độc cho nên khi dùng công tu hơi đốt mới cộng thêm mùi thúi vào để dễ nhận biết.
Vì vậy khi hội đủ nhân duyên thì những chủng tử trong A đà na thức duyên khởi mà tác tạo ra con người mới tức là có tái sinh. Một người mới chết, tuy thất đại từ từ tan rã, tay chân lạnh ngắt, tim ngừng đập, nhưng Tàng thức hay A lại da thức vẫn còn lưu lại trong thân xác người chết.
*
Theo Phật giáo thì khoảng 8 tiếng đồng hồ sau khi tim ngừng đập thì Tàng thức mới thoát ra khỏi thân xác. Tất cả hơi nóng trong người (hỏa đại) đi theo Tàng thức ra ngoài nên toàn thân người chết lúc đó mới thật sự lạnh ngắt.
Khi con người mới thụ tinh thì nghiệp lực khiến Tàng thức nhập vào Noãn bào của người mẹ trước khi thất đại được thành hình. Nhưng đến lúc lâm chung, tất cả thất đại tan rã trước rồi Tàng thức mới thoát ra sau.
Vậy có ai chết rồi mà không sanh trở lại không? Nếu chúng sinh còn nặng nợ tham dục ái ân, kẻ đó còn sanh trở lại đời sau. Còn những ai đã thoát khỏi vòng tham đắm dục tình thì người đó sẽ không còn tái sanh trở lại. Nói cách khác còn tạo nghiệp là còn sinh tử, hết tạo nghiệp là thoát ly sinh tử, chứng nhập Niết bàn.
(Ngũ uẩn là gì – Theo Cư sĩ Lê Sĩ Minh Tùng)
Tuệ Tâm 2021.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Cảm ơn thầy