Tâm niệm chúng ta thay đổi liên miên hỗn loạn nên gọi là Hành, Ấm là sự ngăn che. Hành ấm là nơi tư tưởng phát sinh như dòng suối liên tục không ngừng tích tụ lại trong vô thỉ kiếp đến nay. Nó miên man vận hành khiến tâm con người chất đầy vọng tưởng.
- Ngũ uẩn là gì
- Tam giới là gì.
- Tham sân si là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Ngũ trược ác thế là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
Hành ấm có ba mức độ: Thô, tế và vi tế. Bài viết này nói về Hành ấm dạng vi tế và 10 cảnh giới ma của Hành ấm được đức Phật giảng trong kinh Lăng Nghiêm. “Mười thứ thiền định cuồng giải này đều do Hành ấm và dụng tâm giao tranh lẫn nhau mà hiện ra. Chúng sanh ngu mê chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này, mà chẳng tự biết. Nhận sự mê lầm cho là giải thoát, tự nói chứng Thánh, thành đại vọng ngữ, đọa ngục A Tỳ”
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm
– A Nan! Người tu thiền định, khi dứt được Tưởng Ấm, những mộng tưởng bình thường tiêu sạch; Thức, ngủ thường như một, chẳng còn đuổi theo cảnh trần; Cái giác minh vắng lặng như hư không, thấy các núi sông, đất đai của thế gian như bóng hiện trong gương, tùy duyên chiếu soi; Ở đi đều chẳng dính mắc; Biết hết các tập khí xưa, cái nguồn gốc của sanh diệt từ đây được hiển lộ; Thấy khắp 12 loại chúng sanh trong mười phương; Dù chưa thông suốt manh mối của từng loại, nhưng đều từ một nguồn gốc phát sanh ra, giống như bụi trần lăng xăng. Ấy là chỗ căn cứ địa của ngũ căn, đây gọi là phạm vi của Hành Ấm.
Nhưng tánh của Hành Ấm vốn chẳng lăng xăng. Sở dĩ lưu chuyển chẳng ngừng là do tập khí của nhiều kiếp. Nếu tánh ấy trở về vắng lặng, tập khí dứt sạch, tướng lưu chuyển hết; Như làn sóng lặng trở về nước yên, gọi là Hành Ấm hết, thì lúc ấy được siêu việt Chúng Sanh Trược. Nhưng quán xét nguyên nhân là do bởi Uẩn vọng tưởng làm gốc. (Hành Ấm lưu chuyển vi tế, động mà chẳng động nên gọi là Uẩn).
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 1
A Nan nên biết! Trong lúc thiền định, khi được chánh tri, chánh tâm sáng suốt; Mười loại thiên ma chẳng còn được dịp quấy phá, mới được truy cứu cùng tột cội gốc sanh diệt của các loài. Quán xét cái cội gốc đó mà khởi tâm so đo, thì người ấy bị đọa vào hai loại Vô Nhân Luận:
Thấy sự bắt đầu vô nhân.
Tại sao vậy? Người ấy đã dứt được tưởng sanh diệt. Nhờ 800 công đức của Nhãn căn, thấy được tất cả chúng sanh từ 8 vạn kiếp, theo nghiệp xoay vòng, chết đây sống đó, luân chuyển không ngừng. Còn ngoài 8 vạn kiếp thì mịt mù chẳng thể thấy được. Bèn cho là từ 8 vạn kiếp đến nay, mười phương chúng sanh trên thế giới vô nhân mà tự có. Do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.
Thấy sự cuối cùng vô nhân.
Tại sao vậy? Người ấy đã biết được căn bản của sự sanh: Như người sanh người, chim sanh chim; Xưa nay con quạ vẫn đen, con cò vẫn trắng; Trời người vẫn đứng thẳng, thú vật vẫn đứng ngang; Trắng chẳng do tẩy mà thành, đen chẳng do nhuộm mà nên. Từ 8 vạn kiếp nay vẫn không dời đổi, nay đến tận hết hình thể này cũng vẫn như thế. Bổn lai của ta chẳng thấy Bồ Đề thì làm sao lại có sự tu thành Bồ Đề! Vì mê lầm cho tất cả sự vật đều vốn vô nhân. Do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề.
Ấy gọi là ngoại đạo thứ nhất lập Vô Nhân Luận.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 2
Trong lúc thiền định, chánh tâm sáng suốt, ma chẳng được dịp quấy phá; Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, thấy luôn luôn như vậy chẳng biến đổi. Ngay nơi đó khởi tâm so đo, chấp đó là thường, thì người ấy bị đọa vào bốn thứ Chấp Thường Luận:
Người ấy xét thấy cùng tột Bản Tánh của tâm và cảnh, hai nơi đều không có nhân. Do tu tập biết được tất cả sự sanh diệt của mười phương chúng sanh, từ hai vạn kiếp đến nay vẫn lưu chuyển không hề tan mất, bèn chấp cho là thường.
Người ấy xét cùng tột cội gốc của tứ đại, bốn thứ tánh ấy thường trụ, do tu tập biết được tất cả. Sự sanh diệt của mười phương chúng sanh, từ bốn vạn kiếp đến nay cái thể vẫn thường còn, không hề tan mất, bèn chấp cho là thường.
Người ấy xét cùng tột cội gốc của lục căn, theo tánh chấp trụ của thức thứ bảy: Trong “tâm-ý-thức”, chỗ nguồn gốc căn bản, tánh thường như vậy. Do tu tập biết được tất cả chúng sanh từ tám vạn kiếp này, dù có luân hồi, vốn là thường trụ, cuối cùng chẳng mất Bản Tánh, nên chấp cho là thường.
Người ấy đã dứt được Tưởng Ấm. Chẳng còn cái tưởng sanh diệt cho là tâm sanh diệt, nay đã vĩnh diệt, tự nhiên thành chẳng sanh diệt, vì tâm so đo nên chấp cho là thường.
– Do so đo này, tự làm mất chánh biến tri, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ hai lập Viên thường luận.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 3
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá; Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, khởi tâm so đo giữa ta và người. Người ấy bị đọa vào bốn thứ kiến chấp điên đảo, một phần vô thường, một phần chấp thường luận:
Người ấy quán tâm Diệu Minh khắp cõi mười phương cho là thần ngã chơn thật; Từ đó sanh chấp, cho ta cùng khắp mười phương, trạm nhiên sáng suốt chẳng động, tất cả chúng sanh ở nơi tâm ta tự sanh tự diệt; Vậy thì tâm tánh ta là thường, còn sự sanh diệt ấy là chơn vô thường.
Người ấy chẳng quán tự tâm mà quán khắp mười phương hằng sa quốc độ. Thấy chỗ kiếp hoại (Từ cõi tam thiền trở xuống) thì gọi là chủng tánh chơn vô thường, còn chỗ kiếp chẳng hoại được (Từ cõi tứ thiền trở lên, kiếp hoại chẳng đến được) thì gọi là chơn thường.
Người ấy chỉ quán riêng tâm mình: Thấy tinh mật vi tế như vi trần, lưu chuyển mười phương, khiến thân này liền sanh liền diệt mà tâm tánh chẳng dời đổi, ngã tánh chẳng hoại; Gọi ta là tánh thường, sanh tử của tất cả chúng sanh từ ta mà ra thì gọi là tánh vô thường.
Người ấy đã dứt được Tưởng Ấm, thấy hành ấm lưu chuyển thường xuyên, gọi là tánh thường: Sắc, thọ, tưởng ấm nay đã diệt hết thì gọi là vô thường.
Do so đo này, một phần vô thường, một phần là thường, nên bị lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ ba lập “Một phần thường luận”.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 4
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá; Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong phân vị khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bốn thứ Hữu Biên Luận:
Người ấy trong tâm so đo cái gốc sanh lưu chuyển chẳng ngừng; Chấp quá khứ vị lai gọi là hữu biên, chấp tâm tương tục gọi là vô biên.
Người ấy quán tâm từ tám vạn kiếp đến nay thì thấy có chúng sanh, từ tám vạn kiếp trở về trước thì chẳng thấy chẳng nghe. Bèn cho chỗ chẳng thể thấy nghe ấy gọi là vô biên, chỗ có chúng sanh gọi là hữu biên.
Người ấy chấp rằng ta biết cùng khắp, được tánh vô biên; Tất cả mọi người đang trong cái hay biết của ta, mà ta chẳng từng biết cái tánh biết của họ. Ấy gọi là họ chẳng được cái tâm vô biên, chỉ được tánh hữu biên thôi.
Người ấy quán đến cùng tột Hành Ấm rỗng không; So đo trong tâm cái sở thấy của mình, cho là ở trong một thân của tất cả chúng sanh đều là phân nửa sanh phân nửa diệt; Cho đến tất cả hiện hữu trong thế giới này cũng đều phân nửa hữu biên, phân nửa vô biên.
Do so đo này, hữu biên vô biên, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ tư lập “Hữu biên luận”.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 5
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá; Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, ở nơi tri kiến khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bốn thứ: Điên đảo, bất tử, càn loạn, biến kế hư luận:
Người ấy quán xét cội gốc của sự biến hóa thấy chỗ lưu chuyển thì gọi là biến, thấy chỗ nối nhau thì gọi là thường; Thấy chỗ thấy được thì gọi là sanh, thấy chỗ chẳng thấy được thì gọi là diệt; Cái nhân nối nhau chẳng gián đoạn thì gọi là thêm; Khi đang nối nhau, ở giữa có chỗ gián đoạn thì gọi là bớt; Chỗ sanh của mọi vật thì gọi là hữu, chỗ diệt của mọi vật thì gọi là vô; Dùng lý quán xét thì thấy đồng, dùng tâm thì thấy khác. Có người đến cầu pháp hỏi nghĩa thì đáp: “Ta nay cũng sanh cũng diệt, cũng có cũng không, cũng thêm cũng bớt”. Bất cứ lúc nào đều nói đảo loạn như thế, khiến người nghe rồi cũng như không nghe.
*
Người ấy quán xét tâm họ đến chỗ Vô, vì vậy nên chẳng có chứng đắc: Hễ có người đến hỏi chỉ đáp một chữ “Vô”, ngoài ra không nói gì cả.
Người ấy quán xét tâm họ đến chỗ Hữu, vì vậy mà có sự chứng đắc: Hễ có người đến hỏi thì chỉ đáp một chữ “Hữu”, ngoài ra không nói gì cả.
Người ấy hữu vô cùng thấy, do cảnh rời rạc nên tâm cũng bị rối loạn, hễ có người đến hỏi thì đáp: “Cũng có tức là cũng không, ở trong cũng không, chẳng phải cũng có”. Tất cả càn loạn, chẳng thể hỏi ra kết quả.
Do so đo này, hư vô càn loạn, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Đây gọi là ngoại đạo thứ năm chấp bốn thứ “Điên đảo, Bất tử, Càn loạn, Biến kiến hư luận.”
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 6
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá; Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt vô tận khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào tư tưởng điên đảo, chấp sau khi chết có tướng: Hoặc tự giữ cái sắc thân, cho sắc thân là ta; Hoặc thấy ta bao trùm khắp các cõi nước, thì cho ta có sắc; Hoặc thấy duyên cảnh xưa theo ta luân hồi thì cho sắc thuộc về ta;
Hoặc thấy cái ta nương theo hành ấm mà tương tục, thì cho ta ở nơi sắc, xoay chuyển như vậy thành mười sáu tướng, từ đó sanh ra cái chấp “có phiền não thật”, và “Bồ Đề thật”; Hai tánh ấy đi song song mà chẳng đụng chạm nhau. Do so đo này, chấp sau khi chết có tướng, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ sáu trong ngũ ấm chấp sau khi chết có tướng, lập “Tâm điên đảo luận”.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 7
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong những chỗ sắc, thọ, tưởng, đã diệt từ trước; Khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào tư tưởng điên đảo, chấp sau khi chết chẳng tướng. Thấy Sắc diệt rồi thì hình thể chẳng có nhân, thấy tưởng diệt rồi thì tâm chẳng bó buộc; Thấy thọ diệt rồi thì chẳng còn chỗ nối liền, tánh ấm tiêu tan; Dẫu có sự sanh mà chẳng có thọ, tưởng, đồng như cây cỏ; Cái thể chất hiện hữu này còn bất khả đắc, huống chi chết rồi thì đâu còn hình tướng nào!
Theo đó suy lường, xoay chuyển thành tám thứ vô tướng. Cho rằng nhân quả, Niết Bàn, tất cả đều không, chỉ có danh tự, cuối cùng đoạn diệt. Do so đo này, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ bảy trong ngũ ấm chấp sau khi chết chẳng tướng, Lập tâm điên đảo luận.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 8
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, trong chỗ hành ấm còn mà thọ tưởng đã diệt, cho “Có, Không” đồng thời cùng hiện nên tự thể phá nhau. Người ấy bị đọa vào điên đảo luận; Chấp sau khi chết chẳng phải “Có” cũng chẳng phải “Không”; Trong sắc, thọ, tưởng, thấy có chẳng phải là có, nơi hành ấm lưu chuyển, thấy không chẳng phải là không; Xoay chuyển như vậy cùng tận ấm giới, thành tám thứ tướng: “Chẳng phải có chẳng phải không”. Dù gặp một duyên nào đều nói sau khi chết cũng có tướng cũng không tướng.
Lại chấp hành ấm tánh hay thay đổi, tâm phát thông ngộ, thấy “Có, Không” đều chẳng phải, hư và thật đều không chỗ căn cứ. Do so đo này, làm cho mịt mù chẳng thể nói được, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ tám trong ngũ ấm, chấp sau khi chết chẳng có cũng chẳng không, lập “Tâm điên đảo luận”.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 9
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, ở nơi Hậu-Hậu-Vô khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào bảy thứ Đoạn Diệt Luận: Hoặc chấp cái thân diệt, hoặc dục tận diệt; Hoặc khổ tận diệt, hoặc cực lạc diệt, hoặc cực xả diệt; Xoay chuyển như thế đến tận cùng bảy nơi, cái thân hiện tiền khi tiêu diệt rồi chẳng còn sanh nữa.
Do so đo này, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ chín trong ngũ ấm chấp sau khi chết đoạn diệt, lập “Tâm điên đảo luận”.
10 loại Ma sanh ra từ Hành ấm: 10
Trong lúc thiền định, chánh tâm kiên cố, ma chẳng được dịp quấy phá. Quán xét cùng tột cội gốc của sanh diệt, ở nơi Hậu Hậu Hữu khởi tâm so đo, người ấy bị đọa vào năm thứ Niết Bàn Luận: Hoặc nhận dục giới là nơi Chánh Chuyển Y, vì thấy cảnh viên minh nên tâm sanh ái mộ; Hoặc nhận sơ thiền vì tánh không còn lo; Hoặc nhận nhị thiền, vì tâm không còn khổ; Hoặc nhận tam thiền, vì rất vui đẹp; Hoặc nhận tứ thiền vì khổ vui đều mất, chẳng bị luân hồi sanh diệt vậy.
Mê lầm cõi trời hữu lậu cho là quả vô vi, năm nơi an ổn ấy là nơi Thắng Tịnh Y, xoay chuyển ở năm chỗ này, cho là cứu cánh. Do so đo này, lạc vào ngoại đạo, mê lầm tánh Bồ Đề. Ấy gọi là ngoại đạo thứ mười trong ngũ ấm chấp năm thứ Niết Bàn, lập “Tâm điên đảo luận”.
*
A Nan! Mười thứ thiền định cuồng giải trên đều do Hành ấm và dụng tâm giao tranh lẫn nhau mà hiện ra. Chúng sanh ngu mê chẳng tự xét kỹ, gặp nhân duyên này, mà chẳng tự biết. Nhận sự mê lầm cho là giải thoát, tự nói chứng Thánh, thành đại vọng ngữ, đọa ngục A Tỳ.
Sau khi Như Lai nhập diệt, nơi thời mạt pháp, các ngươi phải theo lời dạy bảo như trên khai thị khắp tất cả chúng sanh. Khiến đều tỏ ngộ nghĩa này, chớ cho tâm ma tự khởi nghiệp chướng. Hộ trì cho họ dứt bỏ tà kiến, khiến thân tâm được mở mang, giác ngộ nghĩa chơn thật, thành Vô Thượng Đạo. Chẳng bị lạc đường, chẳng được ít cho là đủ, làm bia chỉ đường giải thoát của Phật.
(10 Loại Ma sanh ra từ Hành ấm – Kinh Lăng Nghiêm)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận