Niệm Phật nhất định vãng sanh – Chứng cứ về lý, là một trong những bài viết cốt ủy của Pháp Sư Huệ Tịnh. Đây thực là thanh gươm trí huệ dùng để phá sạch lưới nghi, dành cho những ai đang bị chấp chết cứng vào chuyện: “Phải niệm Phật đến nhất tâm bất loạn; phải tụng thêm bao nhiêu cuốn kinh, phải hoàn mãn thập thiện, phải đủ tam phước…mới được vãng sanh.”
Người niệm Phật cầu vãng sanh rất dễ, chỉ cần bạn tin chắc rằng: “Mình niệm Phật nhất định được vãng sanh! Bởi đức Thích Ca không bao giờ nói dối, đức A Di Đà không bao giờ nguyện dối. Người niệm 10 niệm còn được vãng sanh huống chi ta ngày nào cũng niệm.”
Chỉ cần bạn giữ vững trong tâm điều này, không để các pháp sư giảng kinh làm lung lay, không để trước tác của người khác làm thối chuyển thì đó gọi là nguyện thiết với tin sâu! Dùng niềm tin kiên định như thế mà an nhiên niệm Phật, không cầu nhất tâm, không cầu cảm ứng, không chấp vào nhiều ít, không chấp vào tịnh hay bất tịnh, tán tâm hay định tâm…là chắc chắn được vãng sanh. “
*
Niệm Phật là đường tắt để ra khỏi sanh tử luân hồi, không phân biệt thiện ác, trí ngu; không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, cứ tin sâu nguyện thiết mà niệm là chắc chắn được vãng sanh. Bạn nếu còn nghi thì hãy đọc bài viết này, nơi Pháp sư Huệ Tịnh dày công trích dẫn lời Phật và lời Tổ dạy trong kinh điển, để tự giúp chính mình phá nghi sanh tín!
- Niệm Phật vãng sanh: Những chứng cứ đanh thép
- Yêu quái tạp truyện ký.
- Cầu mưa linh nghiệm ký.
- Phước Huệ song tu là gì.
- Ý nghĩa việc dâng đèn cúng Phật.
- Cách ngồi thiền tại nhà đúng pháp.
- Phiền não tức Bồ Đề – Lời dạy kinh điển của đức Lục Tổ.
Niệm Phật nhất định vãng sanh – Chứng cứ về Lý
1. Kinh Vô Lượng Thọ.
1. Đức Như Lai với tâm Đại bi vô tận, xót thương hết thảy chúng sanh trong Tam giới mà hiện ra trong đời, để xiển dương đạo giáo một cách rộng lớn nhằm cứu vớt muôn loài, đem đến cho họ sự lợi ích chân thật (đoạn văn nói về bổn hoài đức Phật xuất thế).
2. Giả như Con được thành Phật, chúng sanh trong mười phương hết lòng tin tưởng ưa thích muốn sanh về thế giới của Con, cho đến niệm mười niệm, nếu không được vãng sanh thì Con không giữ ngôi Chánh giác, chỉ trừ kẻ phạm tội Ngũ nghịch hay phỉ báng Chánh pháp (Nguyện thứ 18).
3. Nếu chúng sanh nào nghe được danh hiệu đức Phật A-di-đà, khởi tâm hoan hỷ tin tưởng, cho đến niệm một niệm, chí tâm hồi hướng nguyện sanh về thế giới ấy, liền được vãng sanh chứng quả Bất thối chuyển, chỉ trừ kẻ phạm tội Ngũ nghịch hay phỉ báng Chánh pháp. ( Đoạn văn nói về thành tựu Nguyện thứ 18).
*
4. Những người được nghe danh hiệu đức Phật ấy, hoan hỷ mừng vui, cho đến niệm một niệm, nên biết người này được lợi ích lớn, ấy là đầy đủ công đức vô thượng. ( Đoạn văn phú chúc cho Bồ-tát Di Lặc).
5. Vào thời vị lai, khi Kinh điển tận diệt, Ta vì từ bi thương xót (chúng sanh), đặc biệt lưu Kinh này trong một trăm năm. Nếu chúng sanh nào gặp được Kinh ấy, tùy theo sở nguyện đều được giải thoát. ( Đoạn văn nói về đặc biệt lưu lại Kinh này)
6. Trải qua vĩnh kiếp hằng triệu năm không thể nghĩ bàn, gây dựng tích chứa vô lượng đức hạnh Bồ tát, chuyên cầu pháp thanh tịnh để đem lợi ích đến cho chúng sanh. Dùng sự trang nghiêm rộng lớn đầy đủ mọi đức hạnh này, khiến hết thảy chúng sanh thành tựu mọi công đức.
7. Vì tất cả mọi loài, nguyện làm người bạn không mời, gánh vác mọi chúng sanh, lấy đây làm trách nhiệm trọng đại. Dùng cái pháp không mời mà bố thí cho mọi người, như người con đại hiếu, kính thương cha mẹ mình; đối với mọi chúng sanh xem như bản thân mình.
*
8. Đức Phật bảo: Tôi thương yêu chư Thiên, mọi người… còn hơn cha mẹ thương con cái.
9.
Lực Bổn nguyện Phật ấy,
Nghe danh muốn vãng sanh,
Đều được đến cõi đó,
Tự chứng quả Bất thối.
10.
Tiêu trừ Ba độc chướng,
Cứu khắp các ách nạn,
Đóng kín mọi nẻo ác,
Thông suốt mọi đường thiện.
11.
Vì chúng sanh mở kho Pháp,
Thí khắp công đức quý báu.
12.
Dù thế giới đầy lửa,
Cần vượt đến nghe Pháp,
Ngộ sẽ thành Phật quả,
Độ khắp chúng sanh tử.
13.
Con thề khi thành Phật,
Thực hiện rộng nguyện này,
Hết thảy mọi lo sợ,
Đều biến thành an lạc.
14.
Nay Tôi ở trong đời,
Sớm thành bậc Chánh giác,
Nhổ sạch mọi sanh tử,
Lấy cần khổ làm gốc.
15.
Tôi sẽ thương mến,
Độ thoát hết thảy,
Chúng sanh mười phương,
Trong đời vị lai,
Giúp họ thanh tịnh.
Đã sanh nước Tôi,
Giải thoát an lạc.
16.
Uy thần hào quang,
Tối tôn bậc nhất,
Hào quang chư Phật,
Không thể sánh bằng.
17.
Bất cứ chúng sanh nào,
Nghe nghĩa lý Kinh này,
Đối với Đạo vô thượng,
Không bao giờ thối chuyển.
Chứng cứ về lý Niệm Phật nhất định vãng sanh: 2. Kinh Hoa Nghiêm.
1.
Chúng sanh khổ não, Tôi khổ não,
Chúng sanh an lạc, Tôi an lạc.
Mọi chúng sanh Luân hồi khắp nẻo,
Sớm sanh nước Tôi hưởng an lạc.
Thường đem lòng Từ cứu hữu tình,
Độ tận chúng sanh khổ A-tỳ.
2.
Nếu Tôi thành Chánh giác,
Đặt tên Vô Lượng Thọ,
Chúng sanh nghe tên ấy,
Đều sanh trong nước Tôi.
Như thân Phật sắc vàng,
Diệu tướng ắt viên mãn,
Cũng đem đại Từ bi,
Lợi ích mọi chúng sanh.
3.
Trong Ba đường ác dữ,
Địa ngục, Quỷ, Súc sanh,
Đều sanh về nước Tôi,
Nhận pháp Tôi giáo hóa,
Không lâu ắt thành Phật.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 3. Kinh Đại Di Đà.
1. Chư Thiên, loài Người, các loại sâu bọ, côn trùng, nghe danh hiệu của Tôi, không ai không khởi tâm Từ, hoan hỷ vui thích. Tôi sẽ giúp họ trong tương lai đều sanh về nước Tôi.
2.
Phật Di-đà là vua trong hàng chư Phật,
Hào quang Di-đà tối tôn trong các loại hào quang.
3.
Nhanh chóng siêu việt đến,
Thế giới miền An lạc,
Đến chốn vô lượng hào quang,
Cúng dường vô số đức Phật.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 4. Kinh Bình Đẳng Giác.
Nhổ sạch khổ của Người,
Gốc rễ là sanh tử,
Đều trở thành như Phật.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 5. Như Lai Hội.
Tâm mê hoặc không thể hành bố thí,
Cứu khắp kẻ hèn thoát mọi khổ đau,
Đem lợi ích thế gian khiến an lạc,
Chẳng trở thành bậc Pháp vương cứu thế.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 6. Kinh Quán Vô Lượng Thọ.
1. Đức Phật Vô Lượng Thọ… hào quang của Ngài soi chiếu khắp thế giới mười phương, để nhiếp lấy những chúng sanh niệm Phật không buông bỏ.
2. Tâm đức Phật là tâm đại Từ bi, lấy tâm Từ vô duyên mà nhiếp lấy mọi chúng sanh.
3. Vì ông xưng niệm danh hiệu đức Phật mà các tội chướng được tiêu diệt, Tôi đến để nghinh đón ông đây!
4. Chí tâm như thế, khiến âm thanh không gián đoạn, đầy đủ mười niệm xưng Nam mô A-di-đà Phật, vì xưng danh hiệu đức Phật mà trong mỗi niệm trừ diệt được tội chướng trong tám mươi ức kiếp sanh tử. Khi thân mạng sắp kết thúc, thấy hoa sen vàng tròn như mặt trời hiện ra trước mắt, trong thời gian một niệm, liền được vãng sanh thế giới Cực lạc.
5. Nếu Thiện nam tử, Thiện nữ nhân nào chỉ nghe danh hiệu đức Phật (A-di-đà) và danh hiệu hai vị Bồ-tát (Quán Âm, Thế Chí), thì trừ diệt được tội chướng trong vô lượng kiếp sanh tử, huống gì là niệm tưởng.
6. Nếu chỉ tinh chuyên niệm Phật nên biết người này chính là hoa Phân-đà-lợi trong loài người. Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí là bạn tối thắng của người đó. Người đó sẽ được sanh vào nhà chư Phật và an tọa tại đạo tràng (Liên trì).
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 7. Kinh A Di Đà.
1. Nếu Thiện nam tử, Thiện nữ nhân nào nghe nói về đức Phật A-di-đà, rồi trì niệm danh hiệu Ngài hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày cho đến bảy ngày mà nhất tâm bất loạn, người này đến khi thân mạng sắp kết thúc, đức Phật A-di-đà cùng đại chúng sẽ xuất hiện trước mắt, làm cho tâm người này không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực lạc của đức Phật A-di-đà.
2. Nếu Thiện nam tử, Thiện nữ nhân nào nghe được Kinh này rồi thọ trì; đồng thời, nghe được danh hiệu chư Phật, thì những Thiện nam tử, Thiện nữ nhân này, đều được hết thảy đức Phật hộ niệm, đều được địa vị Bất thối chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
3. Nếu người nào: Đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về thế giới đức Phật A-di-đà, thì những người ấy đều được địa vị Bất thối chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; đồng thời, đối với thế giới đó, hoặc đã sanh, hoặc đang sanh hay sẽ sanh về.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 8. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ.
1. Nếu những Thiện nam tử, hoặc Thiện nữ nhân nào có lòng tin thanh tịnh, được nghe về công đức danh hiệu không thể nghĩ bàn của đức Phật Vô Lượng Thọ, và công đức trang nghiêm của thế giới Cực lạc; Nghe rồi, tư duy hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày cho đến bảy ngày mà buộc niệm không tán loạn, thì những Thiện nam tử hoặc Thiện nữ nhân ấy, đến khi thân mạng sắp kết thúc, đức Phật Vô Lượng Thọ cùng vô lượng đệ tử hàng Thanh văn và đầy đủ chúng Bồ-tát từng vòng trước sau xuất hiện trước mắt những người ấy, Từ bi gia hộ làm cho tâm của họ không tán loạn.
Sau khi xả bỏ thân mạng, liền đi theo đức Phật và đại chúng về cõi thanh tịnh Cực lạc của đức Phật Vô Lượng Thọ.
2. Nếu Thiện nam tử hay Thiện nữ nhân nào hoặc đã được nghe, hoặc đang được nghe, hoặc sẽ được nghe; sau khi đã được nghe Kinh liền phát khởi niềm tin và hiểu rõ sâu sắc; sau khi phát khởi niềm tin và hiểu rõ sâu sắc hẳn nhiên thực hiện theo lời dạy ấy, thì những người này sẽ được chư Phật Thế Tôn nhiều như số cát của mười sông Hằng, trú ở các thế giới trong mười phương nhiếp thọ.
Sau khi thực hành theo như lời dạy, tất cả đều quyết định hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và đạt được địa vị Bất thối chuyển. Tất cả đều quyết định vãng sanh về thế giới Cực lạc của đức Phật Vô Lượng Thọ.
*
3. Nếu Thiện nam tử hay Thiện nữ nhân nào, đối với thế giới Cực lạc của đức Phật Vô Lượng Thọ, là cõi Phật thanh tịnh công đức trang nghiêm: Hoặc đã phát nguyện, hoặc đang phát nguyện, hoặc sẽ phát nguyện, hẳn nhiên thực hành theo lời dạy ấy, thì những người này sẽ được chư Phật Thế Tôn nhiều như số cát của mười sông Hằng, trú ở các thế giới trong mười phương nhiếp thọ.
Sau khi thực hành theo như lời dạy, tất cả đều quyết định hướng về quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và đạt được địa vị Bất thối chuyển. Tất cả đều quyết định vãng sanh về cõi thanh tịnh Cực lạc của đức Phật Vô Lượng Thọ.
4. Đối với tạp nhiễm này, đó là đối tượng mà mọi người phải chịu đựng trong thời kỳ thế giới xấu ác đầy đủ Năm thứ ô trược, nếu có những Thiện nam tử hoặc Thiện nữ nhân nào có niềm tin thanh tịnh, khi nghe Kinh dạy như thế, là pháp cực kỳ khó tin trong những điều khó tin của thế gian, mà phát khởi niềm tin và hiểu, rồi thọ trì thuyết giảng, như lời dạy tu hành.
Nên biết người này rất là hy hữu, đã từng gieo trồng thiện căn trải qua vô lượng thời đại đức Phật. Người này khi thân mạng kết thúc, nhất định sẽ vãng sanh về thế giới Cực lạc ở phương Tây.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 9. Kinh Phật Thuyết Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên.
1. Hết thảy hữu tình trong thế giới khắp mười phương, ai nghe và tin công đức danh hiệu của đức Phật (A-di-đà), tức an trú vào địa vị Chánh định tụ và vãng sanh về cõi An lạc thanh tịnh của đức Phật.
2. Những kẻ đui điếc câm ngọng, ngu si điên dại độc ác, nhờ nhân duyên danh hiệu và hào quang của đức Phật chiếu soi mà được giải thoát. Hoặc những chúng sanh đang ở trong Ba đường ác, luôn chịu khổ đau không ngừng nghỉ, nhờ nhân duyên danh hiệu và hào quang của đức Phật chiếu soi mà đều được giải thoát.
3. Nghe danh hiệu và hào quang của đức Phật, hoặc tin tưởng thọ trì, hoặc xưng danh hiệu, liền trừ diệt được tội chướng trong vô lượng vô số kiếp sanh tử.
*
4. Xưng danh hiệu đức Phật ấy hoặc một tiếng, hoặc mười tiếng, cho đến trăm ngàn tiếng, thì trong mỗi niệm luôn có vô số hóa thân đức Vô Lượng Thọ thường bảo hộ người ấy. Đồng thời, có hai vị Bồ-tát là Quán Thế Âm và Đại Thế Chí, hai vị Bồ-tát này là bậc thượng thủ, cùng đầy đủ chư vị đại Bồ-tát thường bảo hộ. Người này sau khi lâm chung sẽ sanh về cõi An lạc thanh tịnh của đức Phật Vô Lượng Thọ ấy.
5. Giả sử hết thảy hữu tình bị quả báo sâu dày của Nghiệp dữ phiền não, thì thần lực danh hiệu và hào quang của đức Phật ấy vẫn không có gì trở ngại.
6. Nếu hữu tình nào có Chánh tín về Trí tuệ của đức Phật, tức thì an trú trong Chánh Định tụ, không còn thối chuyển đối với quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ấy là đại sự nhân duyên của lợi ích công đức không thể nghĩ bàn của danh hiệu vậy.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 10. Kinh Lăng Nghiêm – Chương Thế Chí Viên Thông.
Nếu tâm chúng sanh nghĩ đến Phật, niệm tưởng Phật, thì hiện tại hay tương lai nhất định thấy Phật.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: .11. Phẩm Dị Hành – Bồ-tát Long Thọ.
1. Bổn nguyện của đức Phật A-di-đà là thế này: Nếu người nào niệm tưởng Tôi, tự trở về nương tựa danh hiệu của Tôi, liền được địa vị Bất thối chuyển.
2. Người nào thường niệm Phật ấy, thì có vô lượng năng lực công đức, liền được địa vị Bất thối chuyển, nên Tôi thường nhớ nghĩ người ấy.
3. Phương Tây có thế giới hiền thiện, hiệu Phật có vô lượng quang minh, thân phát hào quang Trí tuệ sáng, chiếu khắp vô lượng vô biên cõi, người nào nghe được danh hiệu, liền được địa vị Bất thối chuyển.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: Luận Vãng Sanh – Bồ-tát Thiên Thân.
1.
Thế Tôn! Con nhất tâm,
Quy mạng hết mười phương,
Như Lai Vô Ngại Quang,
Nguyện sanh cõi An lạc.
2.
Con làm luận nói kệ,
Nguyện thấy Phật Di-đà,
Cùng hết thảy chúng sanh,
Vãng sanh cõi An lạc.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 13. Vãng Sanh Luận Chú – Tổ Sư Đàm Loan.
1. “Pháp dễ tu” (Dị hành đạo): Nghĩa là, chỉ dựa vào nhân duyên tin Phật mà nguyện sanh Tịnh Độ, nhờ năng lực Bổn nguyện đức Phật mà được vãng sanh cõi Tịnh Độ thanh tịnh ấy. Giống như đường thủy, dùng thuyền để đi thì rất tiện lợi thoải mái.
2. Kinh dạy: Nếu người nào chỉ nghe tên Tịnh Độ An lạc, nguyện cầu vãng sanh thì vẫn được toại nguyện.
3. Hết thảy những người ngoại đạo, phàm phu đều được vãng sanh.
4. Chỉ cần không phỉ báng Chánh pháp, thì hết thảy mọi người đều được vãng sanh.
5. Ai nguyện vãng sanh thì đều được vãng sanh.
6. Danh hiệu đức Như Lai Vô Ngại Quang ấy, thường trừ diệt mọi vô minh cho chúng sanh, thường giúp chúng sanh thành tựu mọi chí nguyện.
7. Nếu xưng danh hiệu đức Phật thì được thành tựu ước nguyện.
8. Danh hiệu đức Như Lai ấy và danh xưng thế giới của Ngài, đều có thể ngăn chận hết thảy điều ác.
9. Những kẻ phàm phu phiền não đã hình thành vẫn được vãng sanh Tịnh Độ ấy. Nghiệp trói buộc trong Tam giới rốt cuộc cũng không trói được. Như thế, chưa đoạn trừ phiền não mà vẫn có phần Niết bàn, không phải sự kiện khó nghĩ bàn ư!
10. Kinh dạy: “Nếu người nào chỉ nghe thế giới An lạc thanh tịnh ấy, liền khởi tâm nguyện sanh, thì vẫn được vãng sanh và an trú trong Chánh định tụ.
*
11. Nếu người nào dù có vô lượng tội ác trong sanh tử, nghe danh hiệu đức Như Lai A-di-đà là đấng đã đạt đến địa vị Vô sanh cùng tột, thanh tịnh như bảo châu; qua đây, thẩm thấu từng niệm vào tâm độc ác của người ấy, làm cho tội lỗi tiêu diệt, tâm thanh tịnh, liền được vãng sanh.
12. Chúng sanh vì kiêu mạn mà phỉ báng Chánh pháp, phê phán Thánh Hiền, khinh khi Tôn trưởng; những người này hẳn nhiên phải chịu cái khổ kéo lưỡi, cái khổ câm ngọng, cái khổ không thực hành lời giáo huấn, cái khổ không có tiếng tăm. Những chúng sanh đang chịu các nỗi khổ như thế, nghe thuyết pháp về công đức cùng tột danh hiệu đức Như Lai A-di-đà, thì những Nghiệp khổ của miệng như trên đều được thoát khỏi, an trú nhà Như Lai, rốt cuộc Nghiệp khẩu được bình đẳng.
13. Nhờ vào duyên năng lực Bổn nguyện của đức Phật, mà chỉ niệm Phật mười niệm vẫn được vãng sanh.
14. Kinh dạy “Mười niệm” là xác minh “Sự Nghiệp đã thành tựu” vậy (Thập niệm Nghiệp thành).
15. Phàm những vị Bồ-tát, Trời, Người sanh về cõi Tịnh Độ ấy, thì có đạo hạnh cao thâm so với các pháp tu khác. Điều này là nhờ nhân duyên năng lực Bổn nguyện của đức Như Lai A-di-đà. Tại sao nói như thế? – Bởi lẽ, nếu không có năng lực Bốn mươi tám đại nguyện của đức Phật, thì sẽ không có kết quả tốt đẹp như vậy.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 14. Kệ Tán Phật A Di Đà.
1.
Ai nghe công đức hiệu Di-đà,
Tin tưởng mừng vui đã được nghe,
Dù niệm một niệm tâm chí thành,
Hồi hướng nguyện sanh vẫn được sanh.
2.
Ai nghe công đức hiệu Di-đà,
Ngưỡng mộ tán thán vui quy y,
Dù chỉ một niệm vẫn lợi lớn,
Là được tròn đầy công đức báu.
3.
Dù Tam thiên thế giới đầy lửa,
Cần vượt qua đến nghe hiệu Phật,
Nghe hiệu Di-đà chứng Bất thối,
Vậy, chí tâm cúi đầu đảnh lễ.
4.
Cõi An lạc, ai muốn sanh về,
Chẳng chi chướng ngại, toại lòng trông.
Chứng Cứ Về Lý Niệm Phật Nhất Định Vãng Sanh: 15. An Lạc Tập – Thiền Sư Đạo Xước.
1. Kinh Đại Tập Nguyệt Tạng dạy: “Trong thời Mạt pháp, ức ức người tu hành, khó có một người chứng đạo”. Thời Mạt pháp bây giờ đang là thời ác dữ đầy đủ Năm thứ ô trược, chỉ có pháp tu Tịnh Độ mới có thể ra khỏi sanh tử. Chính thế, Đại Kinh dạy: “Giả như người nào suốt đời đã làm các việc ác độc, trong giờ phút lâm chung mà niệm danh hiệu Con mười niệm liên tục, nếu không được vãng sanh thì Con không giữ ngôi Chánh giác”.
2. Chư Phật Đại bi khuyên bảo chúng sanh trở về Tịnh Độ rằng: Giả sử suốt đời làm các tội ác, chỉ cần buộc tâm ý tinh chuyên niệm Phật, thì tất cả tội chướng ấy sẽ tiêu diệt và nhất định được vãng sanh.
3. Kinh Mục Liên Sở Vấn: “Ta trình bày về thế giới của đức Phật Vô Lượng Thọ là để dễ tiếp nhận, dễ vãng sanh”.
4. Tu tập vạn hạnh, nếu đem hồi hướng tất cả cũng không thể vãng sanh. Nhưng, chỉ một pháp Niệm Phật sẽ được đến Cực lạc.
*
5. Chúng sanh niệm Phật thì được hào quang đức Phật A-di-đà chiếu soi không dừng nghỉ, khi thọ mạng kết thúc ắt được vãng sanh.
6. Kinh Pháp Cổ dạy: “Nếu người nào khi lâm chung không thể niệm Phật được, chỉ biết phương Tây có đức Phật (A-di-đà), rồi khởi lên ý niệm muốn vãng sanh cũng được vãng sanh”.
7. Kinh Thập Phương Tùy Nguyện Vãng Sanh dạy: “Nếu người nào sau khi lâm chung bị đọa Địa ngục, nếu thân nhân quyến thuộc vì hương linh ấy mà niệm Phật, tụng đọc Kinh điển, bố thí cúng dường thì hương linh ấy được thoát khỏi Địa ngục, vãng sanh Tịnh Độ; huống gì, khi còn sống, tự mình niệm Phật, thì làm sao không được vãng sanh ư!”
8. Nếu thường tác ý cầu nguyện vãng sanh phương Tây, trên niệm trọn đời, dưới chỉ mười niệm, không ai không được vãng sanh. Khi đến cõi ấy liền an trú trong Chánh định tụ, sánh bằng công đức tu các pháp khác một vạn kiếp vậy.
( Theo Niệm Phật nhất định Vãng Sanh )
Tuệ Tâm 2022.
Hiến Đinh viết
Dạ thưa sư Tuệ Tâm, con có thắc mắc rằng như nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà Ngài có trừ “những kẻ phạm ngũ nghịch hoặc hủy báng chánh pháp” vậy những người đó nếu biết hồi đầu thì có được cứu không ạ? Xin sư hoan hỷ giải đáp giúp con
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Trong Pháp Sự Tán, Đại sư Thiện Đạo nói:
“Nhờ nguyện lực Phật A-di-đà:
Dù phạm Ngũ nghịch hay Thập ác,
Tội đều tiêu diệt được vãng sanh,
Dù phạm báng Pháp hay Xiển đề
Hồi tâm chuyển ý vẫn vãng sanh.
Không kể tội phước nhiều ít, gần xa,
Chí tâm niệm Phật chớ sanh nghi ngờ”
Tổ Thiện Đạo là hóa thân của đức Phật A Di Đà, lời Ngài chân thật không hư dối vậy!
Về thiện hay ác, thật ra nếu nhìn trên góc độ nhân quả ba đời thì hết thảy đều mang tính tương đối, lý này rất sâu, sợ nói ra người chẳng hiếu đạo dễ sanh tâm hủy báng. Thôi thì ví dụ như thế này: Nếu bạn từng đọc những câu chuyện báo ứng do chư Tổ ghi chép lại thì sẽ thấy có những chuyện kiểu như: Ông bà, hoặc cha mẹ, do tâm quyến luyến cháu con nên khi cận tử nghiệp đến bèn đọa ngay vào một loài nào đó ở trong nhà. Như một người mẹ vừa tắt hơi, thần thức do quyến luyến con cháu nên đọa luôn vào con gà vừa nở. Con gà ấy lớn lên, con cháu chẳng biết nên đem ra ăn thịt. Chuyện kiểu như thế này nhiều vô biên, bạn có thể tự soi xét…Nếu Tuệ Tâm nói rộng thêm chút nữa e rằng chẳng có lợi cho người sơ cơ học Phật, xin tùy hỉ giúp vậy!
Nam mô A Di Đà Phật.
Nguyễn Tiệp viết
Nam Mô A Di Đà Phật!
Thưa thầy Tuệ Tâm! Con ngu muội không biết mong được thầy giải đáp ạ:
Nếu 1 người lúc lâm chung mà trong lòng nghĩ đến Phật A Di Đà, miệng niệm Nam Mô A Di Đà Phật, tai nghe tiếng niệm của ban hộ niệm,…nhưng người đó đời nay chưa trả hết nghiệp, thậm chí trước cũng làm đồ tể sát sanh…Vậy không biết còn nhiều tội lỗi như vậy thì có thể vãng sanh về Tây Phương cực lạc được không ạ. Hay là phải xuống ngục trả hết tội rồi sau đó chuyên tâm niệm Phật cầu vãng sanh thì mới được ạ?
Kính mong được thầy giải đáp ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nếu chúng sanh vì còn nghiệp mà Phật không tiếp dẫn thì cõi Cực Lạc duy chỉ có Phật A Di Đà và chư Thánh Chúng ở. Mà như thế thì trên là mười phương chư Phật cùng chư đại Bồ Tát và Thánh Chúng, dưới là hết thảy các Tổ Sư đều phạm Đại Vọng Ngữ! Tại vì sao? Vì nếu tu sạch được nghiệp duy chỉ có bậc Đại Tổ Sư, giới hạnh tinh nghiêm mới làm được. Mà các Ngài đã sạch nghiệp thì ra khỏi sanh tử rồi, cần gì đức Phật A Di Đà phải cứu độ nữa? Cho nên bản nguyện niệm Phật là dùng để cứu độ hạng phàm phu nghiệp nặng chướng sâu bọn ta. Bản nguyện ấy tiếp dẫn chúng sanh về Cực Lạc một cách bình đẳng, không phân biệt tội phước, trí ngu hay sang hèn, chúng sanh chỉ cần giữ vững tín nguyện mà niệm Phật thì luôn được ánh hào quang của Phật A Di Đà nhiếp thủ không rời. Vì nhiếp thủ không rời nên người ấy bất kể tội phước, bất kể là chết vì nguyên nhân gì, Phật đều biết trước. Trong sát na sau rốt ấy, Ngài cùng thánh chúng hiện ra tiếp dẫn! Đây mới gọi là tâm Đại Từ Đại Bi của chư Phật!
Mạt pháp ngày nay, nhiều vị giảng kinh ưa huyền lý cao siêu, văn chương bóng bẩy dài dòng, biến Pháp môn Tịnh Độ cực dễ thành ra cực khó, khiến chúng sanh khởi nghi tâm mà tự chướng ngại đường giải thoát của mình, thật cô phụ ơn Phật quá thể! Cho nên bạn chỉ cần chấp chặt trong tâm rằng: “Mình niệm Phật là thuận theo bản nguyện của Phật A Di Đà, chắc chắn được vãng sanh!” Giữ vững điều bình dị ấy mà niệm Phật, không để trước tác của người làm cho lung lay, không để các pháp sư giảng kinh làm cho thối chuyển thì luôn ở trong thuyền đại nguyện của Phật A Di Đà, chắc chắn được vãng sanh!
Nguyễn Tiệp viết
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con cảm ơn thầy nhiều lắm ạ!