Phiền não tức Bồ Đề là lời dạy kinh điển của đức Lục Tổ Huệ Năng dành cho bậc Thượng Thượng Căn. Tổ dạy: “Phàm phu tức là Phật, phiền não tức Bồ đề. Niệm trước mê là phàm phu, niệm sau ngộ là Phật. Niệm trước vướng cảnh là phiền não, niệm sau lìa cảnh là Bồ đề. Thiện tri thức! Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa là tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất, không ở, không đi, không đến, ba đời chư Phật từ đó mà ra. Hãy vận dụng Đại trí tuệ mà đả phá phiền não trần lao ngũ ấm. Tu hành như vậy nhất định thành Phật, biến ba độc thành Giới Định Tuệ.
Muốn vào pháp giới thậm thâm và Bát nhã Tam muội, thì phải tu hạnh Bát nhã, trì tụng Kinh Kim Cang, sẽ được kiến tánh. Nên biết công đức này vô lượng vô biên, trong Kinh có khen ngợi rõ ràng, không thể nói xiết.
- Cách phòng tránh Tẩu hỏa nhập mà khi Thiền.
- Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.
- Thiền Tông là gì.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Tự lực và Tha lực niệm Phật.
- Chớ phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa mà mang tội.
*
Pháp môn này là tối thượng thừa, vì kẻ đại trí mà nói ra. Người căn nhỏ, trí nhỏ nghe thì tâm không tin, vì sao? Thí như Thiên Long giáng mưa cõi Diêm phù đề, thì thành ấp làng xóm đều tràn trề nước chảy, nếu mưa trên biển lớn thì không giảm không tăng. Hạng người Đại thừa, Tối thượng thừa nghe nói Kinh Kim Cang tâm liền khai ngộ, nên biết tự bản tánh có sẵn trí bát nhã, thường tự dùng trí tuệ quán chiếu nên không nương văn tự. Trăm sông ngàn dòng đều đổ vào biển làm một, trí Bát nhã bản tánh chúng sanh cũng vậy.
Thiện tri thức! Kẻ căn nhỏ nghe Đốn giáo này thì như cây cỏ, gốc nhỏ bị mưa lớn phải gãy, không thể lớn lên. Kẻ tiểu căn cũng thế, vốn có trí Bát nhã không khác gì bậc đại trí, nhưng vì sao nghe pháp lại không tự khai ngộ được? Chính vì chướng ngại tà kiến nặng, gốc phiền não sâu, như đám mây lớn che cả mặt trời, gió không thổi tan được nên ánh sáng không hiện ra. Trí Bát nhã cũng không có lớn nhỏ, nhưng vì chúng sanh tự tâm mê ngộ không đồng.
Người mê chỉ thấy bề ngoài, tu hành tìm Phật, chưa ngộ tự tánh đấy là tiểu căn. Nếu khai ngộ Đốn giáo không chấp sự tu bề ngoài, chỉ nơi tự tâm thường khởi chánh kiến, phiền não trần lao không làm ô nhiễm được, tức là kiến tánh.
Phiền não tức Bồ Đề: Lục Tổ khai thị
Theo Pháp Bảo Đàn Kinh: “Vào ngày thượng nguyên, đời vua Thần Long nguyên niên, vua ra chiếu chỉ rằng: “Trẫm thỉnh hai Sư An và Tú vào cung cúng dường để khi rỗi việc nước thì tham cứu đạo Nhất thừa. Hai Sư đều từ chối bảo rằng, ở phương Nam có Thiền sư Huệ Năng được Nhẫn Đại sư mật trao y pháp, truyền Phật tâm ấn, nên thỉnh Ngài mà hỏi. Nay trẫm sai quan nội thị Tiết Giản đem chiếu chỉ đến thỉnh Ngài, xin Ngài từ bi gấp lên xa giá về kinh”.
Sư tiếp tờ biểu rồi cáo bệnh, nguyện suốt đời ở núi non. Tiết Giản bạch:
– Các bậc Thiện đức ở kinh thành đều nói muốn được hiểu đạo thì phải tọa thiền tập định, không do thiền định mà được giải thoát là chuyện không có. Xin hỏi Đại sư dạy thế nào?
– Đạo do tâm ngộ, không phải do ngồi. Kinh dạy: “Nếu nói Như Lai hoặc ngồi hoặc nằm, ấy là người hành đạo tà. Vì sao? Không từ đâu lại, cũng không đi đâu, không sanh không diệt, ấy là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp không tịch, ấy là chỗ ngồi thanh tịnh của Như Lai, tuyệt đối không có chứng đắc, huống chi có ngồi.
*
Tiết Giản bạch:
– Đệ tử về kinh, thế nào Chúa thượng cũng hỏi, xin Sư từ bi chỉ dạy tâm yếu, đệ tử về tâu lại cho hai cung và các học giả ở kinh thành. Như một đèn mồi cho trăm ngàn ngọn, tối đều được sáng, ánh sáng tiếp nối nhau vô tận.
Sư nói:
– Đạo không có sáng tối, sáng tối là thay đổi cho nhau. Ánh sáng tiếp nối vô tận, cũng là có tận, vì đối đãi nhau mà lập danh vậy. Nên Kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không có so sánh, vì không đối đãi”.
Tiết Giản nói:
– Ánh sáng dụ trí tuệ, bóng tối dụ phiền não. Người tu đạo nếu không lấy trí tuệ chiếu phá phiền não thì sanh tử vô thủy dựa vào đâu mà xuất ly được?
Sư dạy:
– Phiền não tức Bồ đề, không hai không khác. Nếu lấy trí tuệ chiếu phá phiền não, thì đó là kiến giải của Nhị thừa, là căn cơ xe dê xe hưu. Người thượng trí đại căn không vậy.
*
– Thế nào là kiến giải Đại thừa?
– Minh và vô minh, phàm phu thấy hai, bậc trí liễu đạt tánh nó không hai. Tánh không hai ấy là thật tánh. Thật tánh ở nơi phàm phu không giảm, nơi hiền Thánh không thêm, ở trong phiền não mà không rối loạn, ở trong thiền định mà không lặng lẽ, không đoạn không thường, không đến không đi, không ở giữa, không ở ngoài không ở trong, không sanh không diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, ấy gọi là Đạo.
Tiết Giản nói:
– Sư nói không sanh không diệt thì có khác gì ngoại đạo?
– Bất sanh bất diệt của ngoại đạo nói, là đem diệt mà chấm dứt sanh, lấy sanh mà làm rõ diệt. Như thế thì diệt này cũng như không diệt, sanh nói bất sanh. Tôi nói bất sanh bất diệt là, bản tánh tự nó đã vô sanh nên nay cũng không diệt. Cho nên khác với ngoại đạo. Ông muốn biết tâm yếu thì chỉ cần không suy lường gì đến hết thảy thiện ác, thì tự nhiên vào được tâm thể thanh tịnh, trạm nhiên thường tịch, diệu dụng như hằng sa.
Tiết Giản nghe chỉ giáo hoát nhiên đại ngộ…”
Phiền não tức Bồ Đề: Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng
“Ðức Phật thấy chúng sanh chịu đựng bốn nỗi khổ to lớn là sanh, già, bệnh, chết, nên Ngài bèn phát tâm xuất gia tu hành, tìm cách giải quyết vấn đề ấy. Trong sự vô minh của chúng ta, phiền não bất giác xuất hiện. Khi thì bộc lộ qua sắc tướng, lúc lại tiềm tàng trong tâm trí, và cũng có khi vô minh dấy khởi nên cái gì cũng không biết cả. Hễ vô minh vừa tác oai tác quái là mình trở nên hồ đồ ngay, cho nên phiền não chính là nhân duyên cản trở việc tu Ðạo, là chướng ngại vật trên đường Ðạo.
Song le, chẳng thể không có phiền não! Vì sao? Bởi “phiền não tức Bồ đề.” Nếu biết vận dụng thì phiền não chính là Bồ đề, nếu không biết vận dụng thì Bồ-đề biến thành phiền não! Bồ-đề ví như nước và phiền não ví như băng vậy; nước chính là băng, băng chính là nước. Nước và băng vốn cùng một thể chứ chẳng phải là hai thứ khác biệt nhau. Khi giá lạnh thì nước đông lại thành băng và lúc nóng bức thì băng tan thành nước. Vậy, nói một cách khác thì khi có phiền não tức là “nước đóng thành băng,” và lúc không phiền não tức là “băng tan thành nước;” lý này rất dễ hiểu. Lại nữa, có phiền não thì có “băng” phiền não -vô minh, và không có phiền não thì có “nước” Bồ-đề -trí huệ.
*
Về điểm này, các bạn hãy thiết thực nhớ lấy, ghi khắc vào lòng! Chúng ta tu Ðạo, chớ nên tu tới tám vạn đại kiếp mà cái phiền não này vẫn cứ tồn tại. Ngày ngày “ăn” phiền não mà sống, nếu không “ăn” phiền não thì chết đói, bởi như thế thì thật là rất đáng thương!
Bệnh tật của chúng ta là từ đâu mà ra? Chính là từ ba cái độc tham, sân, si! Nếu con người không có ba thứ độc này thì bệnh tật gì cũng không có cả. Giới, Ðịnh, Huệ trong Phật Pháp chính là phương thuốc đặc hiệu để trị căn bệnh “tham, sân, si.” Thuốc này hiệu nghiệm như thần, “thuốc đến, bệnh đi,” nên nói:
Tâm thanh, thủy hiện nguyệt,
Ý định, thiên vô vân.
Nghĩa là:
Tâm lắng, nước hiện trăng,
Ý dừng, trời không mây.
Ðó là thứ cảnh giới không còn phiền não. Có câu:
Tâm chỉ niệm tuyệt: chân phú quý,
Tư dục đoạn tận: chân phước điền.
Nghĩa là:
Tâm dừng, niệm dứt: giàu sang thực,
Tư dục hết sạch là ruộng phước.
Tâm vọng tưởng dừng hẳn, ý niệm phan duyên không còn, đó đúng là giàu sang thật sự. Nói tóm lại, không tham tức là giàu sang. Vì sao người ta tham lam? Vì họ không “tri túc,” nên cảm thấy thiếu thốn, chưa đầy đủ! Không có tư dục chính là ruộng phước, nếu dứt bỏ được mọi ham muốn ích kỷ thì đúng là ruộng phước thật sự. Các bạn hãy đặc biệt lưu ý:
*
Tâm bình: bách nạn tán,
Ý định: vạn sự kiết.
Nghĩa là:
Tâm bình lặng, trăm nạn tiêu tan,
Ý an định, muôn sự được kiết tường.
Câu danh ngôn trên đây rất chí lý và vô cùng hữu ích, đáng cho mọi người lấy làm khuôn vàng thước ngọc.
“Phiền não” là gì? Là “phiền thân não tâm,” không được thanh thản, tự tại. “Ưu” là gì? Ưu có nghĩa là “ưu sầu khổ não,” buồn rầu, không vui. “Hoạnh” là gì? Hoạnh tức là “phi tai hoạnh họa.” Có nghĩa là tai bay vạ gởi, bất ngờ xảy ra chuyện không may.
Những sự việc này ràng buộc hoặc bức bách các bạn khiến cho các bạn như bị khóa chặt bởi cái “khóa vô minh”; bị trói chằng chịt bởi sợi dây phiền não; hoặc có cảm giác nghẹt thở như bị tảng đá lớn đè lên người vậy. Chính vì muốn cho hết thảy chúng sanh dứt bỏ mọi phiền não, để đạt sự an vui và xa lìa mọi bức bách hầu đạt sự giải thoát, nên Ðức Phật mới khuyên tất cả chúng sanh nên phát tâm Bồ-đề rộng lớn; và tu học công đức cùng đạo hạnh của Phật. Do đó, tất cả chúng sanh chúng ta nên vâng lời Ðức Phật, tin tưởng Ðức Phật, và càng nên y giáo phụng hành hơn nữa!
*
Tâm phiền não của chúng sanh thì nhiều đến vô lượng vô biên; nhưng nên biết rằng nó giống như các ảo ảnh trông thấy khi bị ánh mặt trời làm hoa mắt (dương diễm) vậy. Chúng sanh điên điên đảo đảo lấy thẳng làm cong, lấy cong làm thẳng; lấy đen làm trắng, lấy trắng làm đen; lấy thiện làm ác, lấy ác làm thiện… Dù giáo hóa thế nào đi nữa thì cũng vẫn cứ chứng nào tật nấy, chướng ngại chồng chất.
Nếu nêu ra khuyết điểm của họ, thì chẳng những họ không vui; không chịu sửa sai, không phục thiện, mà còn tìm cách che đậy, biện hộ cho những lỗi lầm của họ; và thậm chí còn nổi đại vô minh, sanh đại phiền não nữa. Chư Bồ Tát trông thấy những chúng sanh như thế thì khởi lòng từ bi thương xót, tận tình dạy bảo; năm lần bảy lượt căn dặn họ đừng nên nói chuyện thị phi, đừng nên sanh phiền não; và còn cho biết rằng: Nếu họ không nổi nóng, không đố kỵ, không chướng ngại kẻ khác, thì họ sẽ vượt khỏi bể khổ.
Thân người là giả tạm. Đừng xem cái “túi da” hôi hám này như báu vật rồi cứ lo nâng niu, chăm sóc, sợ “nó” cực khổ, vất vả. Các bạn muốn cho “nó” được sung sướng, an nhàn; nhưng “nó” lại luôn luôn gây thêm rắc rối, phiền lụy cho các bạn!
Phiền não tức Bồ Đề: Làm thế nào để dứt trừ Phiền Não?
Bồ Tát thấy chúng sanh trong Tam Giới đều mắc chứng bệnh phiền não của Tam Ðộc: tham, sân, si, nên phải chịu đựng đủ thứ khổ não, thiêu đốt, bức bách triền miên.
Trên lý thuyết thì người xuất gia tu Ðạo không nên có phiền não; thế nhưng, thực tế thì nhiều người vẫn còn vô số phiền não! Vì sao? Vì tâm họ không thanh tịnh, họ cứ thấy cái này không được, cái kia không đúng, nào là người này có sai lầm, kẻ kia có khuyết điểm… Nói tóm lại, họ bị rất nhiều phiền não bủa vây, khiến cho thân tâm họ không được tự tại, thanh thản.
Các bạn ngẫm lại xem, người nào cũng có phiền não của người ấy. Từ ông tổng thống cho đến kẻ hành khất, ai ai cũng có những buồn phiền, đau khổ riêng cả! Những vị nguyên thủ của các quốc gia trên thế giới thì hôm nay ưu tư vận nước, ngày mai lo nghĩ chuyện dân; họ có rất nhiều chuyện bận tâm, phiền lòng. Còn những người hành khất đi ăn xin mà gặp khi người ta không muốn bố thí thì họ cũng có thể tức giận, sanh phiền não vậy. Nếu muốn không còn phiền não, thì chỉ có một biện pháp duy nhất là:
*
Cần tu Giới Ðịnh Huệ,
Tức diệt Tham Sân Si.
Nghĩa là:
Siêng tu Giới Ðịnh Huệ,
Dứt bỏ Tham Sân Si.
Khi việc tu hành được viên mãn thì tự nhiên không còn sanh khởi phiền não nữa.
Chính vì những chúng sanh mắc bệnh “Tam Ðộc,” bệnh “phiền não”, mà chư Bồ Tát đã phát tâm từ bi rộng lớn, phổ biến phương pháp đối trị. Ðức Phật thuyết giảng tám vạn bốn ngàn pháp môn là để đối trị tám vạn bốn ngàn chứng bệnh phiền não của chúng sanh; đó chính là tám vạn bốn ngàn toa thuốc có công năng xoa dịu và trị lành mọi bệnh khổ của chúng sanh. Tuy nhiên, nếu chỉ nghiên cứu toa thuốc mà không uống thuốc thì không ích lợi gì cả; cho nên, người học Phật Pháp cần phải có công phu “tín, giải, hành, chứng” thì mới có thể thành tựu được!”
( Phiền não tức Bồ Đề )
Tuệ Tâm 2021.
Đàm Giang viết
Tôi nghĩ đạo hữu đã chép sai câu này xin xem lại cho
“Nếu Như Lai ngồi hay nằm đầu là làm tà đạo. Vì sao? Không từ đâu lại, cũng không đi đâu, không sanh không diệt, ấy là Như Lai thanh tịnh thiền.”
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm đã sửa lại theo bản của Hòa Thượng Thanh Từ, cảm ơn bạn!
Việt Ng . Q viết
Sadhu.
Nam Mô Bổn Sư Thế Tôn
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nhat Hoang viết
Con chưa hiểu rõ thật tánh mà các kinh đại thừa hay nói tìm được ở đâu, làm sao để thấy, làm sao để giữ ạ! Hy vọng ai đó có thể giúp con giải thích cặn kẽ.. con cảm ơn nhiều ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Về Thật Tánh, phải là bậc Đại Trí Huệ may ra mới giảng nói được và người nghe cũng phải là bậc Đại căn, giới hạnh tinh nghiêm, may ra mới được lợi ích vài phần. Phàm phu như Tuệ Tâm, đọc lời giảng của chư Tổ về chuyện này được vài phút là tâm rối loạn, thật chẳng dám lạm bàn vậy.
Nhat Hoang viết
Con xin ngài thương con mà bố thí ít pháp, dù là chút pháp ít ỏi thôi con cũng muốn nghe. Con biết người như con chấp pháp nặng, tà kiến đầy mình nhưng con rất muốn được biết về thật tánh ạ! Xin ngài giải thích cho con ạ…
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm thực không biết, chớ nếu biết thì chẳng dại dột gì không nói cho bạn để phạm vào đại tội “biết pháp mà che giấu, không nói cho người”. Tuệ Tâm chỉ biết sơ sơ rằng: “Thật Tánh thuộc pháp tu của hàng Bồ Tát, hàng phàm phu nghiên cứu về pháp này hại nhiều hơn là lợi.”
Bạn muốn biết về Thật Tánh sao không buông hết mong cầu chấp trước ra mà niệm Phật. Một mai nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận phước tăng, trí huệ khai mở… đắc được Niệm Phật Tam Muội rồi, lúc ấy tự mình thấu rõ muôn pháp, nào cần phải hỏi ai nữa làm chi?
Cầu mong Tam Bảo gia bị cho bạn dứt tuyệt cái tập khí ham cao chuộng xa mà dụng cái tâm khiêm hạ học Pháp. Nếu chẳng dứt được cái tâm ấy mà học đạo, sau này sẽ gập vô biên các loại ma chướng. Khi ấy 100 người lạc đường cả một trăm. Rốt cuộc không ai không quay lại hủy báng Tam Bảo, rốt cuộc đều lấy địa ngục làm nẻo chỉ quy, họa hại thật khôn lường…!
Nam mô A Di Đà Phật.
Nhat Hoang viết
Con ko biết thật tánh khó ngộ. Con vẫn nghĩ các bậc giác ngộ thời xưa dù sống trong các tập tục phong kiến lạc hậu, nền tri thức và ngôn ngữ diễn đạt không được đa dạng và phong phú như bây giờ mà vẫn thấu được đạo, tại sao ở thời này lại ko. Bây giờ con vẫn đang đi học, con chỉ có mỗi thời gian trước khi đi ngủ để niệm Phật, nhưng con ko đọc ra tiếng được mà chỉ niệm ở trong đầu. Hàng ngày con vẫn ăn thịt chứ chẳng phải đồ chay, các động vật mà con ko muốn giết nhưng lại bị chính con giết ( kiến ăn thức ăn, mẹ con nói mang cho chó… ). Vậy con nên tu thế nào để “nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận phước tăng, trí huệ khai mở…” ạ? Mong ngài vì con mà nói phương pháp tu hành ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Phật pháp được chia làm ba thời kỳ: Chánh pháp, tượng Pháp và Mạt pháp. Thời chánh pháp và Tượng pháp chúng sanh đều nghiệp nhẹ, căn tánh sáng suốt nên khi nhập đạo có nhiều bậc giác ngộ. Còn ngày nay chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, tuy xã hội tân tiến nhưng văn hóa cùng đạo đức xuống cấp, con người sống phần nhiều xấu ác, tâm trược loạn không cách chi đoạn trừ được vọng niệm. Nói đến ăn chay cùng giữ năm giới ở dạng thô thôi còn rất hiếm người, chuyện nhập định, Thật tướng và kiến tánh toàn bàn suông nơi cửa miệng, luân hồi sáu nẻo thế nào vẫn y nguyên như thế… Bạn chưa hiểu Phật pháp nên mới nói vậy đó thôi.
Bạn đang còn đi học, bị phụ thuộc gia đình, khởi được cái tâm biết niệm Phật cũng đã là rất quý, rất hiếm rồi, cứ như thế mà thực hành thôi. Sau này niệm Phật thuần thục rồi, gắng phát tâm trường chay giới sát. Do phước lực nơi danh hiệu Phật, dần dà nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận phước tăng, trí huệ khai mở…Đây là pháp tu an toàn nhất trong thời mạt này vậy!
Nam mô A Di Đà Phật.
Nhat Hoang viết
Vậy con sẽ siêng niệm Phật hơn vào mỗi khi con rảnh, mỗi tuần như thế con chọn ra một kinh Đại thừa để đọc (con chỉ dám đọc để suy nghĩ chứ ko dám tụng đâu ạ). Nếu con ko hiểu được lời của kinh thì lại niệm Phật rồi đọc tiếp, cứ như thế liệu con có hiểu được kinh ko ạ? Con được biết Phật nói kinh xưa nay là từ một nghĩa chân thật mà phương tiện ra vô lượng nghĩa để hóa độ chúng sanh, nhưng theo ngài thì con chỉ niệm Phật thôi có thể khai mở được trí tuệ mà thấu hiểu nghĩa đó ko ạ? Hay con nên làm gì xin ngài nói cho ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Trong hoàn cảnh của bạn thì chỉ nên tinh tấn siêng năng niệm Phật là tốt nhất, vì niệm Phật vốn không có hình thức. Đọc kinh tăng trưởng trí huệ, tuy nhiên đọc kinh, kể cả là bản trên web cũng cần phải thân tâm sạch sẽ, áo quần trang nghiêm, ngồi ngay ngắn, giữ tâm không cho khởi tạp niệm…thì mới tránh được cái lỗi khinh nhờn.
Kinh Phật nhiều vô biên và có những bản vô cùng khó hiểu. Khi đọc mà hiểu được thì tốt, nếu không thì cứ chí tâm đọc, chớ sanh tâm hủy báng mà mang tội. Từ “Trí Huệ” trong Phật pháp không phải là cái trí thông minh của thế gian như bạn đang nghĩ đâu. Để có được, bạn phải trải qua một hành trình tu tập thân tâm lâu dài.
Đạo Phật là Đạo Từ Bi, nay bạn đến ăn chay còn chưa ăn được thì chỉ nên niệm Phật mà thôi. Máu thịt chúng sanh còn chưa đoạn được thì tâm từ bi không cách chi tăng trưởng. Tâm và Pháp không tương ưng mà vọng cầu Trí Huệ thì chẳng khác chi nấu cát mà mong có cơm ăn. Lại nữa, ăn mặn khiến thân miệng hôi tanh, tâm trược loạn, tốt nhất là không nên đọc kinh. Đấy là lý do tại sao Tuệ Tâm một hai khuyên bạn niệm Phật. Cách niệm Phật trên web có nhiều link rồi, bạn chịu khó tìm đọc nhé.
Nam mô A Di Đà Phật.
Nhat Hoang viết
Con mới được biết về điều này ạ. Trước giờ con nghĩ chỉ đọc kinh thôi thì ko cần nhiều điều như thế, vì con nghĩ khi xưa đức Phật thuyết kinh ko buộc người nghe kinh phải như thế. Nhưng bây giờ con hiểu nghe và đọc khác nhau rồi ạ. Con sẽ không tùy tiện đọc kinh như trước nữa, đến khi con ăn chay, giữ giới thanh tịnh, sanh tâm từ bi với các chúng sanh thì khi ấy con mới đọc kinh Đại thừa ạ! Cảm ơn ngài vì con mà ko phiền muộn nói cho con biết về những điều như thế!
Nam mô Thích Ca Mâu Ni Phật.
Nam mô Di Lặc Tôn Phật.
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn thông minh và căn tánh nhanh nhạy. Theo ngu kiến của Tuệ Tâm thì tiền kiếp có tu Thiền nên tập khí bám chấp sâu dày. Tuệ Tâm trí phàm phu tệ lậu, không thể giúp được gì cho bạn. Cầu mong Tam Bảo gia bị cho bạn sau này gặp được bậc Thiện Tri Thức, để đi đúng đường mà lợi lạc cho hết thảy chúng sanh, không bị lạc vào “Thế Trí Biện Thông” mà trầm luân trong sanh tử luân hồi. Thật mong mỏi lắm thay!
Nam mô A Di Đà Phật.
Nhat Hoang viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Con muốn hỏi ngài vài điều khúc mắc, mong ngài giúp cho ạ! Con biết mình đang niệm Phật nhưng đầu óc lại tơ tưởng lung tung, như khi con nói chuyện với người khác, khi mà nói quá hăng say cũng quên luôn niệm Phật, hay khi con xem phim, nghe nhạc, ăn cơm,… cũng đều như thế. Đương nhiên vẫn có lúc con có chuyên tâm niệm phật (chỉ nghĩ tưởng đến danh hiệu Phật A Di Đà, cố gắng không nghĩ thứ khác) nhưng cảm giác như sự tập trung đó không thể ở lại lâu, cần được giải tỏa. Giống như con ngồi im một chỗ quá lâu mà không đứng dậy đi lại vậy ạ! Con muốn hỏi ngài có cách nào để chuyênn tâm niệm Phật mà không nhàm chán không? Hay làm sao để nói chuyện, xem phim, nghe nhạc,… mà vẫn ở trong chánh niệm, không bị dục vọng khống chế ạ? Liệu có phương pháp nào để con học theo không ạ? Con cảm ơn nhiều.
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Khi sinh hoạt, xem phim, nghe nhạc, làm việc…mà tâm vẫn ở trong chánh niệm, vẫn đề khởi được câu niệm Phật thì đó là cảnh giới của bậc Thánh. Phàm phu nghiệp sâu chướng nặng thời mạt bọn ta nhiếp tâm không vọng niệm chừng vài phút còn không nổi, nói đến cảnh giới ấy làm chi cho nhọc lòng! Nếu bạn niệm Phật cầu nhất tâm, cầu tam muội hoặc cầu thần thông…thì mới nên quan tâm đến trừ khử vọng tưởng. Còn như chỉ một lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì chẳng cần bận tâm làm gì, vọng tưởng kệ nó, chẳng ảnh hưởng gì đến việc vãng sanh Tịnh Độ của ta cả. Cứ an nhiên mà đưa niệm Phật vào cuộc sống, cuộc sống là niệm Phật, thì thuận theo bản nguyện của đức Phật A Di Đà, chắc chắn được vãng sanh. Bạn tham khảo bài Niệm Phật Tông Yếu-Pháp Nhiên Thượng Nhân và Cách niệm Phật tại nhà để nắm vững yếu chỉ niệm Phật nhé.
Nam mô A Di Đà Phật.
Nhat Hoang viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Con có chuyện muốn hỏi ạ. Gần đây con nghĩ mình nên chép danh hiệu Phật bên cạnh việc niệm Phật để bớt đi phần nào loạn động trong tâm (dễ nổi nóng, suy nghĩ lung tung,…). Nhưng con đang phân vân ở chỗ “bút” và “giấy”, làm sao để không bị lỗi khinh nhờn ạ? Liệu con có thể để vở chép danh hiệu Phật lên trên các quyển sách khác? Hay phải để riêng ạ? Nếu như được thì con có thể bỏ vào balo (cặp, túi sách, hộp…) ở một ngăn riêng (ko chứa thứ gì khác) ko ạ? Việc này giúp con tiện lợi hơn trong một số việc, nhưng con không vì chút lợi ích đó mà xem nhẹ điều này đâu ạ! Con đã lên mạng tìm hiểu, biết được vở chép danh hiệu Phật nên để ở nơi “cao ráo, sạch sẽ, cố định”. Nhưng để chắc chắn hơn, con nghĩ nên hỏi ngài ạ. Hy vọng ngài ko phiền mà giúp con ạ! Con cảm ơn nhiều.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tâm phàm phu bọn ta loạn động, suy nghĩ linh tinh cũng là chuyện bình thường, không có chi phải lo lắng cả. Về chép Hồng Danh Phật, bạn nên chép vào một cuốn vở riêng, bút thì dùng bút nào cũng được, không sao cả. Hằng ngày viết xong thì đặt nơi cao ráo sạch sẽ, nếu đi học thì có thể mang theo trong cặp, tốt chớ không có vướng lỗi gì. Chép Hồng Danh Phật công đức vô lượng vô biên, Tuệ Tâm có viết riêng một bài, bạn xem ở đây để nắm rõ hơn nhé: Chép Hồng Danh Phật, công đức lớn, dễ thực hành.
Nam mô A Di Đà Phật.
Nhat Hoang viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Con cảm ơn nhiều ạ!
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.