Phước huệ song tu là gì? Phước huệ song tu là hai pháp căn bản mà người học Phật cần phải thực hành trong cuộc sống hằng ngày. Trong thời quá khứ, đức Phật Thích Ca đã từng “ba a tăng kỳ kiếp tu phước huệ, trăm kiếp gieo tướng hảo.” Do đó Ngài mới thành tựu được ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân trang nghiêm không ai sánh bằng.
Chúng ta là người tu đạo, tất phải tu phước huệ. Thế nào là tu phước, tu huệ? Là làm nhiều chuyện công đức. Phàm việc gì có lợi ích cho chúng sanh, chúng ta nên tận lực làm hết mình, là tu phước. Đọc tụng kinh điển, nghiên cứu đạo lý Phật, gọi là “thâm nhập kinh tạng, trí huệ như hải,” là tu huệ. Nói đơn giản như: Tạo nhiều công đức thì được phước báo, còn nghe kinh, thuyết pháp là có trí tuệ. Đó là đạo lý tự nhiên.
- Công đức là gì, phước đức là gì.
- Chánh kiến là gì.
- Chánh nghiệp là gì.
- Thanh Tịnh nghĩa là gì.
- Ngũ Ấm Ma là gì.
- Cách hồi hướng công đức
- Cách đi lễ Chùa đúng pháp.
Thế nào là Phước Huệ Song Tu
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Phước huệ là do sự bồi đắp tu hành mà có, cho nên nếu không lo bồi đắp thì không bao giờ có phước huệ. Người tu đạo chớ nghĩ đó là phước nhỏ mà không chịu làm, lại càng không thể cho đó là việc ác nhỏ rồi cứ làm. Nếu chúng ta lúc nào cũng biết quý phước, tu phước, trồng phước thì trong tương lai nhất định chúng ta sẽ có đại phước báo. Nếu không, phước thời từ đâu đến? Huệ do từ đâu sanh?
Những ai muốn được phước, được huệ mà chẳng chịu làm gì, thì cũng ví như người si mê nói trong cơn mộng vậy. Đó là vọng tưởng trong cái vọng tưởng, vĩnh viễn không thể nào thành sự thật, giống như tìm cá trên cây. Đó là tư tưởng của người ngu, là chuyện không thể nào có được.
Nếu quý vị có thể chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tức là đừng làm các việc ác, nên làm các việc lành thì quý vị sẽ không bị mất thân người. Người nào kiếp trước tu hành đầy đủ cả phước lẫn huệ thì sẽ được sanh vào nhà phú quý, mọi việc đều thuận lợi, thêm mạnh khỏe, lại sống lâu và được tướng hảo trang nghiêm. Còn nếu những ai kiếp trước không tu phước huệ thì sẽ sanh vào cảnh bần cùng, cả đời lận đận, nhiều bệnh tật, chết yểu, tướng mạo lại xấu xí. Đó đều là do luật nhân quả, là định luật bất biến, không thay đổi. Làm lành thì được phước báo, làm ác thì bị ác báo.
*
Có người bởi kiếp trước không tu, cho nên đời nay phải chịu khổ, nếu như họ lại không tu thì đời sau còn không được như đời nay. Nếu như họ phát nguyện tu hành, nhất định kiếp sau của họ sẽ tốt hơn kiếp nầy. Có người nhân vì kiếp trước tu hành, cho nên kiếp nầy họ gặp mọi việc đều thuận lợi. Như quả kiếp nầy họ lại tu hành tiếp, nhất định kiếp sau của họ còn tốt hơn, thuận lợi hơn kiếp nầy. Nếu họ không tu hành, nhất định kiếp sau của họ tuyệt đối không bằng kiếp nầy. Đạo lý nầy rất đơn giản, ai ai cũng có thể hiểu rõ được. Đời sau gặp thuận hay nghịch cảnh, hoàn toàn đều do quý vị tự quyết định. Phật, Bồ Tát có muốn giúp, giúp cũng không nổi việc nầy đâu.
Tại sao chúng ta điên đảo? Bởi vì không có trí huệ. Vì đâu mà bội giác hiệp trần, hiệp với trần cảnh mà quay lưng với giác ngộ? Cũng là do không có trí huệ. Vì đâu mà luân chuyển trong sáu nẻo? Lại cũng là do không có trí huệ. Bởi vậy cho nên, tu đạo phải lấy trí huệ làm đầu. Phật phải tu phước và tu huệ, phước huệ cùng tu, Ngài mới chứng bậc Vô thượng giác.
“Chớ cho rằng điều thiện nhỏ mà không làm,” tu phước là như thế đó. “Chớ thấy điều ác nhỏ mà làm,” đó là tu huệ. “Các điều ác không làm,” đây là tu huệ. “Các điều thiện đều làm,” vậy là tu phước.
*
Cho nên người tu đạo chớ có ham những tiện nghi nhỏ, lấy cái ít làm đầy đủ, và phải nhớ rằng tất cả đều là mộng huyễn, như bọt như ảnh, chẳng được lâu dài. Ðiều nhận thức cần thiết này phải hiểu cho rõ, không để cho lợi danh chốn thế tục làm cho mê mờ. Như câu: “Thấy sự tỉnh sự là xuất thế gian, thấy sự mê sự là bị trầm luân.” Vậy nên chúng ta phải hết mực nhanh chóng vượt khỏi sáu nẻo luân hồi. Ðức Phật Thích Ca, từ lúc xa xưa còn tu phước và tu huệ, đã trải qua ba đại A-tăng-kỳ kiếp mới thành Chành Giác. Ngài đã:
Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi,
Vật dĩ ác tiểu nhi vi chi.
Dịch là:
Ðừng cho việc thiện nhỏ mà không làm,
Ðừng cho việc ác nhỏ mà cứ làm.
Lúc Ðức Phật Thích Ca hành đạo Bồ-tát, Ngài chẳng bao giờ bỏ qua việc thiện dù nhỏ như sợi tóc; và cũng chẳng bao giờ làm việc ác, dù nhỏ như hạt bụi. Do đó, phước huệ công đức viên mãn rồi thì Ngài thành Lưỡng Túc Tôn. (Đấng có đầy đủ phước và huệ).
*
Quý vị hãy chú ý! Việc thiện tuy nhỏ, quý vị cũng phải tu. Bởi vì tích lũy từng hạt bụi hạt cát có thể xây đặng ngôi tháp, tức thành việc thiện lớn. Việc ác tuy nhỏ, nhưng nếu cứ làm mãi thì “tích tiểu thành đại”; trở thành đại ác, rồi mãi mãi không sao thành Ðạo được. Tu hành là: “Chớ làm các việc ác, hãy làm mọi việc lành.”
Nếu không làm việc ác thì phước càng ngày càng nhiều. Nếu làm mọi việc lành thì trí huệ càng ngày càng tăng. Càng tăng thì chúng ta càng phải tiếp tục tu hành, đừng để gián đoạn, mới thành tựu được.
Bây giờ ở trong Thiền-đường, khi quý vị đi rồi ngồi, ngồi xong lại đi; dụng công tu hành, chính là tu phước huệ. Tu phước ra sao? Tức là “không làm điều ác.” Tu huệ thế nào? Tức là “làm mọi điều lành.” Ðến khi phước báo viên mãn, mà trí huệ cũng viên mãn, thì quý vị sẽ thành tựu Phật đạo rất nhanh chóng, chẳng cần phải trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp.
Ðức Thích Ca Mâu Ni Phật khi xưa, trong lúc tu hành Ngài đã đi lầm đường rất nhiều lần; song Ngài vẫn kiên nhẫn, chẳng chịu thua; cứ tiếp tục tinh tấn, siêng tu Giới Ðịnh Huệ, chấm dứt tham sân si, cuối cùng đạt thành quả vị Phật.
Giờ đây chúng ta tu hành Phật-pháp, so với Ðức Thích Ca, chúng ta thật may mắn vô cùng. Ðức Phật đã truyền lại cho chúng ta con đường chân chính; chỉ cần theo đó mà bước tới, thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu rất mau chóng.”
Lời đức Phật dạy về Tu Phước
Kinh Cựu Tạp Thí Dụ nói: “Xưa bên ngoài thành Xá-vệ có người phụ nữ, niềm tin trong sáng giới hạnh thuần khiết chu toàn. Đức Phật tự đến trước cổng khất thực, người phụ nữ mang cơm đặt vào bình bát của Phật, rồi lùi lại làm lễ.
Đức Phật dạy: Trồng một sanh ra mười; trồng mười sanh ra trăm; trồng trăm sanh ra ngàn; trồng ngàn sanh ra vạn, sanh ra ức, được thấy đạo chân thật.
Chồng người phụ nữ không tin, lặng lẽ ở phía sau lắng nghe đức Phật chú nguyện.
Người chồng nói: Sa-môn Cù-đàm nói sao mà quá đáng, bố thí một bát cơm quả là được phước như vậy, mà còn thấy được đạo chân thật.
Đức Phật hỏi: Ông từ đâu đến?
Đáp rằng: Từ trong thành đến.
Đức Phật hỏi: Ông thấy cây Ni-câu-đà cao bao nhiêu vậy?
Đáp rằng: Cao khoảng bốn-năm dặm. Cuối năm thu được mấy vạn hộc quả, hạt trong quả ấy to bằng hại cải.
Đức Phật nói: Ông nói quá đáng, làm gì có trồng một hạt cải mà lại cao bốn-năm dặm, cuối năm thu hoạch mấy chục vạn hạt cải?
Đáp rằng: Người thế gian cùng trông thấy thật sự là như vậy.
Đức Phật dạy: Đất là vật vô tri mà năng lực báo đền hãy còn như vậy, huống gì con người là hữu tình, hoan hỷ mang một bát cơm dâng lên đức Phật, thì phước thiện ấy rất lớn không thể kể được!
Cả hai vợ chồng hiểu ý thông suốt tâm tư, hợp thời liền đạt được quả vị Tu-đà-hoàn”.
*
Trí Độ Luận nói: “Xưa kia lúc đức Phật tại thế, đức Phật cùng với A nan từ thành Xá-bà-đề, hướng đến thành Bà-la-môn. Lúc ấy nhà vua trong thành Bà-la-môn thuộc về ngoại đạo, nghe đức Phật sắp đến thì lập tức đưa ra lệnh ngăn cấm: Nếu người nào cho Phật thức ăn, cùng Phật chuyện trò thì sẽ phạt năm trăm đồng tiền vàng.
Sau đó đức Phật đến đi vào trong thành khất thực, mọi người đều đống cửa. Đức Phật và A nan ôm bình bát trống rỗng mà đi ra. Một bà lão mang đồ dùng bằng sành bị vỡ, đựng cháo bột hư thối đi ra ngoài vứt bỏ. Bà ta trông thấy đức Phật tướng tốt trang nghiêm, ôm bình bát trồng rỗng mà đi, tâm nghĩ rằng muốn bố thí. Đức Phật biết ý bà lão, đưa bình bát đi theo xin cháo bột được đem vứt bỏ ấy. Bà lão ấy lập tức lòng dạ thanh tịnh mang đến bố thí đức Phật.
*
Đức Phật nhận sự bố thí rồi nói với A nan rằng: Người vú già này nhờ bố thí mà trong mười lăm kiếp, nhận được phước báo vui sướng trên cõi Trời-người, chứ không rơi vào đường ác. Sau đó chuyển thành thân nam xuất gia học đạo thành vị Bích-chi-Phật.
Lúc ấy gần bên đức Phật có một Bà-la-môn, nghe đức Phật nói lời này, liền nói với đức Phật rằng: Ngài là Thái Tử của vua Tịnh Phạm, tại sao vì miếng ăn mà phát ra lời nói xằng bậy?
Lúc ấy đức Phật liền đưa lưỡi ra che kín mặt lên đến chân tóc, mà nói lời rằng: Ông có thể trông thấy người nào có lưỡi như vậy mà phát ra lời nói xằng bậy hay không?
Bà-la-môn nói: Nếu như lưỡi che kín mũi thì hãy còn không nói xằng bậy, huống hồ là che kín mặt lên đến chân tóc!
Tức thì sanh tâm tin tưởng mà thưa với đức Phật rằng: Nay con không hiểu được vì sao bố thí ít mà phước báo nhiều?
*
Đức Phật bèn nói cho biết rằng: Ông có thể đã từng thấy sự việc hiếm có hay không?
Bà-la-môn nói: Con đã từng đi gặp cây Ni-câu-đà, cây ấy tỏa bóng che phủ năm trăm cỗ xe.
Đức Phật liền hỏi rằng: Hạt cây ấy lớn nhỏ?
Người kia đáp rằng; Lớn bằng một phần ba hạt cải.
Đức Phật lại nói rằng: Ai sẽ tin lời ông?
Bà- la-môn nói: Thật sự như vậy, thưa đức Thế tôn, mắt con trông thấy chứ không phải lời nói xằng bậy.
Đức Phật liền nói rằng: Ta thấy người vú già này tâm tư thanh tịnh bố thí đức Phật, được quả báo to lớn cũng giống như cây này, nhân ít mà báo nhiều.
Lúc ấy Bà-la-môn hiểu ý thông suốt tâm tư, hướng về đức Phật sám hối. Đức Phật thuyết pháp cho nghe, đạt được quả vị Tu-đà-hoàn, lập tức đưa tay cất tiếng nói to rằng: Tất cả mọi người ơi! Cửa cam lộ mở thông, tại sao không ra ngoài?
Mọi người nghe rồi đều đưa năm trăm đồng tiền vàng cho nhà vua, thỉnh đức Phật chánh pháp lập tức phá bỏ điều lệnh ngăn cấm. Nhà vua và quần thần cũng quy y đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho nghe tất cả đều đạt được đạo quả. Vì nhân duyên này mà Như lai đã thuyết giảng thì không có điều gì hư vọng, quả báo thiện ác nhất định phải nhận lấy không sai lệch, tất cả chúng sinh cần phải tin tưởng tiếp nhận!”
Tu Huệ Không Tu Phước, A La Hán cũng ôm bình bát không
Kinh Thí Dụ nói: “Xưa có hai Tỳ-kheo cùng đạt được quả vị Tu-đà-hoàn: Một người thường đi giáo hóa ăn xin, dùng để làm phước Bố thí cơm ăn cho Tăng; một người chỉ dứt khoát ngồi thiền tự giữ lấy mình mà không thích làm phước. Lúc ấy người ngồi thiền nói với người ăn xin rằng: Sao không ngồi thiền mà tự để uổng phí công lao chịu khó chịu khổ?
Người tu phước nói: Đức Phật cũng thường thuyết giảng cho Tỳ-kheo rằng: “Nên tu hạnh bố thí”.
Sau đó cùng mạng chung đầu thai vào nhà Trưởng giả. Người ăn xin làm phước là con trong nhà Trưởng giả, được nô tỳ cung cấp hầu hạ cơm ăn áo mặt tự nhiên, vui sướng vô cùng. Người chỉ ngồi thiền ấy sanh làm con của nô tỳ, ngồi ở nơi hiu quạnh đói khát quá đỗi mà khóc nỉ non. Hai người đều biết rõ thân mạng đời trước.
Lúc ấy con của Trưởng giả nói với con của nô tỳ rằng: Trước kia tôi nói với cậu, cậu nên bố thí mà không chịu nghe lời; là cậu tự sai lầm, tại sao lại ngồi khóc nỉ non? Người con của Trưởng giả trưởng thành cỡi xe đi ra ngoài dạo chơi ngắm cảnh, tất cả tôi tớ khách bạn và con của nô tỳ đều đi theo ra ngoài để hầu hạ. Về sau cả hai người cùng cầu xin xuất gia.
*
Đã xuất gia rồi đạt được quả vị A-la-hán, người con của Trưởng giả thường thường không ngừng ngồi trang nghiêm, mọi người đều tranh nhau đưa cơm ăn áo mặc đến giúp đỡ; người con của nô tỳ thì lang thang ở bên ngoài cầu xin mà người ta không cho, luôn luôn chịu sự đói khát. Vì nhân duyên này mà người hành đạo, không những trì giới-ngồi thiền-tụng niệm mà thôi, cũng cần phải bố thí làm những điều phước đức!”
Vì vậy trong kinh Ái Đạo, đức Phật thuyết kệ rằng:
Sớm tối không chịu học hành,
Cả ngày không có ích gì,
Thường thường vào trong lỗi lầm,
Trằn trọc càng lún vào sâu.
Tự nhấn chìm Thể tánh ấy,
Cũng là cay đắng do mình,
Đi tới mà không quay lại,
Bỏ thân mạng vào Thái Sơn.
Tội lỗi nơi chốn địa ngục,
Khó mà có thể chịu đựng,
Lúc sống không lo học hỏi,
Chết sẽ đi vào vực sâu.
Già không ngăn lại chuyện dâm,
Trần lao tràn ngập thế gian,
Hơi thở mà không còn nữa,
Nào đủ để quý trọng.
Luôn luôn tự mình hối cải,
Giữ thân mạng rất chân thật,
Đời nay diệt trừ tội lỗi,
Kiếp sau lại được làm người,
Có tiền của không bố thí,
Đời đời nhận chịu nghèo hèn”.
( Phước Huệ Song Tu là gì )
Tuệ Tâm 2022.
Nam Mô A Di Đà Phật Chuyên Lại Càng Chuyên viết
Niệm Phật Là Phước Huệ Song Tu, Niệm Phật vãng sanh nhờ Phật Lực, Được Thành Phật🪷