Tư tưởng Tịnh Độ của Đại Sư Thiện Đạo là cuốn sách được biên tập từ các bài giảng giảng của Pháp Sư Tịnh Tông, do Trung tâm Dịch thuật Hán nôm Huệ Quang dịch. Sách dày 807 trang, với 19 chương, lột tả đến tận cùng tư tưởng Tịnh Độ của Tổ Thiện Đạo – Hóa thân của đức Phật A Di Đà và là Tổ sư khai sáng Tịnh Độ Tông.
“Nội dung quyển Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư Thiện Đạo nêu lên những quan điểm cốt ủy nhất của Ngài về Pháp Môn Tịnh Độ, là chính thống, mẫu mực của Tịnh Độ Tông. Tư tưởng Tịnh Độ của Đại sư bao hàm trong một câu nói: “Bản nguyện xưng danh, phàm phu nhập báo.” Nghĩa là hoàn toàn nương vào sức bản nguyện của đức Phật A Di Đà, phàm phu tội chướng chỉ cần xưng niệm danh hiệu Ngài, nhất định được về cõi Báo Độ Cực Lạc thành Phật. Theo đây thì người người đều an tâm, ai ai cũng chẳng còn lo sợ, thật là vạn người tu vạn người được vãng sanh.”
*
Cuốn sách thực đúng là cẩm nang gối đầu giường dành cho người niệm Phật cầu vãng sanh. Bởi tư tưởng niệm Phật của Tổ giúp ta phá sạch các nghi nan về niệm Phật, giúp ta nhổ tận gốc rễ những bám chấp thâm căn cố đế về “nhất tâm bất loạn, niệm Phật thành phiến…”
Cầm cuốn sách này trên tay, bạn sẽ thấu hiểu được thế nào là bi tâm độ sanh của chư Phật; hiểu thế nào là Tự lực và tha thực; hiểu thế nào là Nan hành đạo và Dị hành đạo; hiểu thế nào là Thánh Đạo môn và Tịnh độ môn; hiểu thế nào là Yếu môn và Hoằng nguyện; hiểu thế nào là Chánh hạnh và Tạp hạnh…Nhờ đó bạn sẽ tự mình phá hết sạch những lầm lạc về Vọng niệm, tán loạn…để tin sâu nơi bản nguyện tiếp dẫn và ánh hào quang nhiếp thủ bất xả của Phật A Di Đà.
Cho nên, hễ ai y theo pháp của Tổ Thiện Đạo mà thực hành, thì niệm Phật trở thành niềm vui rất lạ lùng, cuộc sống an nhiên tự tại một cách vô bờ bến. Vì ta biết chắc chắn một điều rằng: “Bản nguyện tiếp dẫn của Phật A Di Đà không hư dối. Mình niệm Phật là chắc chắn được vãng sanh.” Chúng ta hãy xem Pháp ngữ của Tổ Thiện Đạo để nắm được đại lược:
- Bản nguyện niệm Phật – trọng yếu đường tu thời mạt pháp.
- Thiện Đạo Đại Sư là ai.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Sự thật về hạn Tam Tai.
- Sự thật về Trùng Tang.
- Cách giúp đỡ những người bị ma nhập.
- Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân.
Tư Tưởng Tịnh Độ Của Đại Sư Thiện Đạo: Pháp Ngữ của Tổ Thiện Đạo
Tư Tưởng Tịnh Độ Của Đại Sư Thiện Đạo: 1
1. Phần Lưu Thông – Quán Kinh dạy: Đức Phật bảo A Nan: “Thầy hãy khéo léo bảo trì lời căn dặn này, bảo trì lời căn dặn chính là bảo trì danh hiệu đức Phật Vô Lượng Thọ”. Trong Quán Kinh Sớ, Đại sư Thiện Đạo giải thích rằng: “Đức Phật bảo A Nan – Thầy hãy khéo léo bảo trì căn dặn này” kế đến những câu tiếp theo, chính là xác minh sự phú chúc bảo trì danh hiệu đức Phật A-di đà mãi được lưu thông lâu xa trong tương lai.
Ở trên, khi trình bày về lợi ích của “Hai môn Định thiện và Tán thiện”, nhưng hướng vọng về Bổn nguyện đức Phật A-di-đà, thì tâm ý của chúng sanh chỉ “Thuần nhất chuyên niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà” mà thôi.
2. Gọi là Hoằng nguyện, như Đại Kinh dạy: “Hết thảy phàm phu dù thiện hay ác đều được vãng sanh, tất cả không phải là không nhờ vào Tăng thượng duyên của năng lực đại nguyện đức Phật A-di-đà hay sao!”
3. Nếu chúng sanh nào được sanh về thế giới phương Tây của đức Phật Vô Lượng Thọ, đều nhờ vào Tăng thượng duyên của năng lực các đại nguyện đức Phật A-di-đà.
*
4. Đức Thế Tôn A-di-đà vốn đã phát thệ nguyện thâm trọng, dùng hào quang và danh hiệu của mình để nhiếp hóa mọi chúng sanh trong mười phương, mục đích giúp họ khởi tín tâm niệm Phật, trên là niệm Phật trọn đời, dưới cho đến niệm mười tiếng hay chỉ một tiếng, nhờ năng lực Bổn nguyện đức Phật nhằm dễ được vãng sanh.
5. Tâm Đại bi chư Phật đối với chúng sanh khổ đau, tâm ấy luôn thương xót nghiêng về những chúng sanh đang chìm đắm sâu nặng trong đau khổ, ấy là khuyến khích họ trở về với Tịnh Độ. Tương tự, như người đang bị nước trôi thì cần phải cứu gấp, còn người ở trên bờ thì đâu cần cứu vớt!
6. Hỏi: Đức Phật và thế giới ấy gọi là Pháp thân, Báo thân, Thường Tịch Quang độ và Báo độ, tức thực tại của “Pháp báo” cao diệu, hàng tiểu Thánh cũng khó hội nhập, thì làm sao hàng phàm phu đầy Nghiệp chướng cấu uế mà được hội nhập?
Đáp: Thật sự những chúng sanh đầy Nghiệp chướng cấu uế thì rất khó hội nhập (Vãng sanh); nhưng nhờ nguyện lực của đức Phật làm Tăng thượng duyên, giúp hết thảy các căn cơ của Ngũ thừa đều được hội nhập.
7. Hàng phàm phu nương vào năng lực đại nguyện của đức Phật, thì nhất định được vãng sanh.
8. Phát khởi tín tâm không nghi ngờ, nương nhờ năng lực đại nguyện đức Phật hẳn được vãng sanh.
*
9. Ban đầu không làm điều thiện, thì Địa ngục lửa đến nghinh đón; về sau, vì làm điều thiện mà đức Hóa Phật đến nghinh tiếp. Điều này đều là do năng lực đại nguyện của đức Phật A-di-đà vậy.
10. Nhờ năng lực đại nguyện của đức Phật, những kẻ phạm tội Ngũ nghịch, Thập ác, những tội ấy vẫn được tiêu diệt để vãng sanh. Những kẻ Nhất-xiển-đề phỉ báng Chánh pháp, nếu hồi tâm vẫn được vãng sanh.
11. Ngưỡng nhờ đức Thích-ca ở phương này chỉ bày, đức A-di-đà ở cõi kia đến nghinh đón. Đã được chỉ bày này, kêu gọi kia, há không đi hay sao!
12. Ngưỡng nhờ đức Thích-ca chỉ bày con đường quy hướng phương Tây, lại được nương nhờ tâm Đại bi mời gọi của đức A-di-đà, nay tin tưởng và thuận theo tâm ý của hai đức Từ Tôn, không nhìn lại hai sông Nước – Lửa, ý niệm này nối tiếp ý niệm kia liên tục, nương vào nguyện lực của đức Phật A-di-đà mà tu tập, đến khi lâm chung sẽ được vãng sanh về thế giới Cực lạc, diện kiến đức Phật, làm sao không hân hoan cùng tột!
*
13. Thứ nhất, thâm tín nhất định rằng: Bản thân hiện tại là kẻ phàm phu đang chứa đựng những tội ác sanh tử, từ vô thủy đến nay mãi bị chìm đắm, trôi lăn trong vòng sanh tử ấy, không có cơ hội thoát khỏi. Thứ hai, thâm tín nhất định rằng: Bốn mươi tám đại nguyện của đức Phật A-di-đà luôn nhiếp thọ hết thảy chúng sanh nên không lo nghĩ không nghi ngờ, mà chỉ nương vào nguyện lực của Ngài thì nhất định được vãng sanh.
14. Thâm tâm chính là tín tâm chân thật: Tin hiểu bản thân là kẻ phàm phu đầy đủ phiền não, thiện căn yếu kém, đang lưu chuyển trong ba cõi, không ra khỏi nhà lửa, nay tin hiểu Bổn thệ nguyện rộng sâu của đức Phật A-di-đà, và xưng niệm danh hiệu cho đến mười tiếng, một tiếng v.v… thì nhất định được vãng sanh. Dù cho một niệm cũng không khởi nghi tâm, vì thế gọi là thâm tâm.
15. Nhất tâm chuyên niệm danh hiệu Phật A-di -đà, dù đi – đứng – ngồi – nằm không kể thời tiết hiện tại quá khứ hay tương lai, niệm niệm không gián đoạn thì gọi là Chánh định Nghiệp, vì đúng với đại nguyện của đức Phật
Tư Tưởng Tịnh Độ Của Đại Sư Thiện Đạo: 2
1. Gọi là Nam mô: Chính là quy mạng, cũng là ý nghĩa phát nguyện hồi hướng; gọi là A-di-đà Phật: Chính là hạnh tu ấy (Niệm Phật). Vì do ý nghĩa này tất nhiên được vãng sanh.
2. Trong Bốn mươi tám đại nguyện, nguyện nào cũng nói: Nếu Con thành Phật, chúng sanh trong mười phương xưng niệm danh hiệu của Con, nguyện sanh về thế giới của Con, dưới đến mười niệm, nếu không được sanh thì Con không giữ ngôi Chánh giác.
3. Nếu Con thành Phật, chúng sanh trong mười phương nguyện sanh về thế giới của Con, xưng danh hiệu của Con, dưới đến mười tiếng, nương vào nguyện lực của Con, nếu không được sanh thì Con không giữ ngôi Chánh giác.
4. Nếu Con thành Phật, chúng sanh trong mười phương xưng niệm danh hiệu của Con, dưới đến mười tiếng, nếu không được sanh thì Con không giữ ngôi Chánh giác. Hiện nay đức Phật ấy đã thành Phật tại thế giới ấy; qua đây chúng ta biết rằng, Bổn thệ nguyện sâu rộng ấy không hư dối; nên chúng sanh nào xưng niệm danh hiệu hẳn nhiên được vãng sanh.
5. Nhất tâm tin tưởng, vui thích cầu nguyện vãng sanh, trên là trọn đời, dưới thâu vào mười niệm, nương nhờ nguyện lực của đức Phật, không ai là không được vãng sanh.
*
6. Chỉ thường xưng niệm trên là trọn đời, dưới đến mười niệm, nhờ nguyện lực của đức Phật, không ai là không được vãnh sanh, vì thế gọi là dễ vậy.
7. Hết thảy phàm phu không kể tội phước trong hiện tại hay quá khứ nhiều hay ít, chỉ thường xưng niệm trên là trọn một trăm năm, dưới đến bảy ngày hay một ngày; nhất tâm chuyên niệm danh hiệu đức Phật, thì nhất định vãng sanh; hẳn nhiên không có gì để nghi ngờ.
8. Nếu đức Phật còn tại thế hay sau khi đức Phật nhập diệt, hết thảy những phàm phu đã tạo tội ác, chỉ hồi tâm niệm Phật A-di-đà nguyện sanh Tịnh Độ; trên là trọn một trăm năm, dưới đến bảy ngày, một ngày, mười tiếng, ba tiếng hay chỉ một tiếng v.v… đến khi thân mạng kết thúc, đức Phật cùng Thánh chúng tự đến nghinh tiếp, liền được vãng sanh.
9. Trên là trọn đời, dưới đến một ngày, một thời, một niệm v.v… hoặc từ một niệm, mười niệm cho đến một thời, một ngày hay trọn đời. Đại ý: Một lần phát tâm cho đến về sau, thệ nguyện ấy đã thành tựu đối với sự vãng sanh, không bị thối chuyển nữa; duy chỉ có thời hạn về Tịnh Độ sai khác mà thôi.
*
10. Thế nào gọi là Hộ Niệm? – Nếu có chúng sanh nào xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, hoặc bảy ngày hay một ngày, dưới đến mười tiếng cho đến một tiếng, một niệm v.v… hẳn nhiên được vãng sanh. Chứng minh sự thành tựu thực tại này, cho nên gọi là Kinh Hộ Niệm.
11. Chỉ nương theo công đức xưng danh niệm Phật, thì Tôi đến nghinh đón ông; không kể sự kiện được nghe Kinh điển. Nhưng, theo ý nguyện đức Phật: Chủ yếu là khuyến khích Chánh niệm xưng danh hiệu; đây là pháp tu để được vãng sanh nhanh chóng; không giống như tu tập theo Định thiện, Tán thiện là loại Tạp tu.
12. Các pháp tu khác dù là thiện pháp, nhưng so với pháp Niệm Phật tuyệt đối không thể sánh bằng. Chính thế, trong các Kinh, Kinh nào cũng tán thán rất nhiều về công năng niệm Phật. Như trong Bốn mươi tám đại nguyện trình bày ở kinh Vô Lượng Thọ, chỉ xác định chuyên niệm danh hiệu A-di-đà thì được vãng sanh. Lại như trong kinh A-di-đà, trình bày một ngày… bảy ngày chuyên niệm danh hiệu A-di-đà thì được vãng sanh. Lại nữa, vô số chư Phật trong mười phương đều chứng minh sự thành thật ấy là không hư dối. Hơn nữa, trong các đoạn văn nói về Định thiện, Tán thiện của Kinh này, cũng chỉ nêu lên chuyên niệm danh hiệu thì được vãng sanh.
Tư Tưởng Tịnh Độ Của Đại Sư Thiện Đạo: 3
1. Miệng thường xưng niệm danh hiệu đức Phật, thì đức Phật nghe rõ tiếng niệm ấy; thân thường cung kính lễ lạy đức Phật, thì đức Phật thấy rõ sự lễ lạy ấy; ý thường nhớ nghĩ đến đức Phật, thì đức Phật biết rõ sự việc ấy. Tóm lại, chúng sanh luôn tưởng nhớ đức Phật, thì đức Phật cũng luôn tưởng nhớ chúng sanh. Ba Nghiệp Thân – Khẩu – Ý của hành giả và đức Phật không tách rời nhau; cho nên gọi là Thân duyên vậy.
2. Hào quang vô lượng của đức Phật ấy, chiếu khắp các thế giới mười phương không có gì trở ngại; nhưng chỉ xem xét chiếu soi nhiếp lấy những chúng sanh niệm Phật không gián đoạn, cho nên gọi là A-di-đà.
3. Chúng sanh nào chỉ chuyên niệm Phật A-di-đà, thì ánh Tâm quang của đức Phật ấy sẽ luôn soi chiếu nhiếp lấy người đó không gián đoạn. Ánh Tâm quang ấy không bao giờ soi chiếu nhiếp lấy các hành giả Tạp tu khác. Đây cũng là Tăng thượng duyên hộ niệm trong đời này vậy.
*
4. Hào quang đức Phật soi chiếu khắp nơi, nhưng chỉ soi chiếu nhiếp lấy những người niệm Phật.
5. Nếu ai xưng niệm danh hiệu Phật cầu vãng sanh, thường được Hằng hà sa số chư Phật trong sáu phương hộ niệm.
6. Người nào nhất tâm chuyên niệm Phật A-di-đà để nguyện vãng sanh, thì người ấy thường được Hằng hà sa số chư Phật trong sáu phương đến hộ niệm, chính thế mới gọi là Kinh Hộ Niệm. Ý nghĩa của Kinh Hộ Niệm là không để cho các Thần – Quỷ ác dữ được thuận tiện; cũng không có những tai họa bất ngờ, bệnh tật bất ngờ, hay chết oan v.v… Tất cả mọi tai chướng hẳn nhiên biến mất, trừ niệm Phật không chí tâm.
7. Người nào chuyên niệm danh hiệu Phật A-di-đà, thì Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí thường ở bên cạnh bảo hộ; cũng như bạn thân tri thức vậy.
*
8. Kinh Thập Vãng Sanh dạy: Nếu chúng sanh nào xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để nguyện cầu vãng sanh, thì đức Phật A-di-đà liền cử Hai mươi lăm vị Bồ-tát đến bảo hộ hành giả. Hành giả hoặc đi- đứng – nằm – ngồi; hoặc ngày hay đêm; bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào cũng không để Thần – Quỷ ác dữ làm hại.
9. Lại như, kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng dạy: Nếu người nào lễ lạy, xưng niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để nguyện cầu vãng sanh thế giới ấy, thì đức Phật A-di-đà liền cử vô số Hóa Phật, vô số Hóa Bồ-tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí đến hộ niệm hành giả; lại cùng Hai mươi lăm vị Bồ-tát (nói trên) v.v… bao quanh hành giả hằng trăm hằng ngàn vòng; cho dù hành giả đi-đứng-nằm-ngồi, bất cứ chỗ nào, lúc nào, ngày hay đêm, chư vị không bao giờ lìa xa hành giả. Giờ đây đã có sự lợi ích thù thắng làm bảo chứng; mong rằng quý vị hành giả, mỗi người nên thành thật chí tâm cầu nguyện vãng sanh.
10- Người nào xưng niệm Phật A-di-đà để cầu nguyện vãng sanh, thì đời này tuổi thọ sẽ được tăng thêm, không gặp tai họa của Cửu hoạnh
Tư Tưởng Tịnh Độ Của Đại Sư Thiện Đạo: 4
1.
Bốn tám nguyện rộng có nhiều môn
Riêng nêu niệm Phật lắm thiết thân,
Ai hay niệm Phật, Phật ghi nhớ,
Ai chuyên tưởng Phật, Phật tri tường.
2.
Cõi Cực lạc – Niết-bàn vô vi,
Khó vãng sanh với duyên Tạp thiện,
Nên đức Như Lai chọn pháp gốc,
Dạy chuyên niệm hiệu Phật Di-đà.
3.
Sắc thân Di-đà tựa vàng ròng,
Hào quang tướng hảo chiếu mười phương,
Riêng người niệm Phật được soi chiếu,
Nên biết Bổn nguyện rất hùng cường.
4.
Tướng hảo nhiều đến Tám vạn tư,
Mỗi mỗi hào quang chiếu mười phương,
Không chiếu những ai tu pháp khác,
Chỉ chiếu người niệm Phật nguyện sanh.
5.
Liên tục, mỗi mỗi hào quang chiếu,
Tìm chiếu người niệm Phật nguyện sanh,
So sánh cõi Phật khắp mười phương,
An thân Cực lạc đâu sánh bằng.
*
6.
Bốn tám nguyện ân cần mời gọi,
Nương nguyện Phật cầu vãng phương Tây,
Không kể tội phước nhiều hay ít,
Thành tâm niệm Phật chớ sanh nghi.
7.
Chớ nghĩ Di-đà đón hay không,
Mà hỏi chuyên tâm phát nguyện chăng,
Nếu hồi tâm nhất định trở về,
Lâm chung hoa lọng tự đến nghinh.
8.
Danh hiệu Di-đà là kiếm bén,
Một tiếng xưng niệm tội liền tiêu,
Báng Pháp, Xiển đề cùng Mười ác,
Hồi tâm niệm Phật tội đều trừ.
9.
Tu các pháp thảy đều giải thoát,
Chẳng sánh niệm Phật vãng phương Tây,
Nhiều niệm trọn đời, ít mười niệm,
Năm niệm, ba niệm, Phật đến nghinh,
Thệ nguyện Di-đà thật sâu rộng,
Giúp ai có niệm ắt vãng sanh.
10.
Chỉ cần chuyên tâm niệm hiệu Phật,
Mười người niệm Phật, mười người sanh,
Tạp tu chẳng chuyên tâm niệm Phật,
Trong ngàn người, không một người sanh.
( Theo niệm Phật nhất định vãng sanh )
Để lại một bình luận