Khi còn tu Bồ Tát Đạo, đức Phật A Di Đà đã vì chúng sanh tội khổ trong mười phương thế giới mà phát ra 48 Đại Nguyện. Trong đó, nguyện thứ 18 nguyện rằng: “Nếu ta thành Phật, 10 phương chúng sanh, chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, xưng danh hiệu ta cho đến 10 niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi Chánh giác.”
Tổ Thiện Đạo bảo: “Nay Ngài đã Thành Phật, nguyện lực đã thành tựu, chúng sanh 10 phương chỉ cần tin theo nguyện lực của Ngài mà trì danh thì chắc chắn được vãng sanh.”
Ngặt vì pháp dễ quá nên chúng sanh khó tin khó nhận. Vì thế riêng nguyện này, Pháp sư Huệ Tịnh dựa trên nền tảng lý luận của Đại Sư Thiện Đạo, là hóa thân của đức Phật A Di Đà, giảng giải riêng để giúp người phá nghi sanh tín.
Nguyện cho bất kỳ ai có nhân duyên nghe đọc được “Giảng nguyện thứ 18” này đều tin sâu nguyện thiết mà niệm Phật, vứt bỏ sạch sẽ những vọng cầu về “Nhất Tâm Bất Loạn”, “Tam muội hiện tiền”, “Thức ngủ nhất như”, “Đoạn trừ vọng niệm”….Đưa niệm Phật vào cuộc sống, cuộc sống là niệm Phật, an nhiên tự tại trong ánh sáng nhiếp hộ của Phật A Di Đà để nắm chắc phần vãng sanh…
Tuệ Tâm 2023.
Phạm Thành Long viết
Con chào thầy ạ!Thưa thầy con tên là Phạm Thành Long,năm nay con 32 tuổi,chưa lập gia đình.Con có mong muốn là trong 1 2 năm tới sau khi lo hết chuyện gia đình xong sẽ đi ở ẩn để tu tập.Con muốn kiếm một nơi yên tĩnh ít người để có thể thuận tiện cho việc tu tập và đọc kinh sách nhưng giờ lại chưa biết đến nơi nào.Xin thầy cho con lời khuyên và hướng đi như thế nào để con có thể định hướng được ạ.Con cám ơn thầy ạ!
Nam Mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Năm xưa có người hỏi Thầy tôi câu này, Ngài bảo: “Ngày nay đã sâu vào thời mạt, ở nhà sống tốt đời, ăn chay niệm Phật cầu vãng sanh là bậc nhất.” Lúc ấy tôi cũng ngạc nhiên, nhưng sau thấy đời rối loạn, đạo còn rối ren hơn gấp nhiều lần mới ngẫm lại lời Thầy dạy. Ngày nay thêm cái nạn tà sư thuyết pháp, như trong kinh Pháp Diệt đức Phật đã huyền ký, đạo lại càng rối ren. Cửa Chùa chịu nạn Sư Tử Trùng đã đành, các đạo tràng cũng liên tục bị ma phá, thật thập phần kinh sợ.
Khuyên bạn thật lòng: “Chỉ nên ở nhà, tùy duyên tùy phận sống sao cho tốt. Kế đó phát nguyện trường chay niệm Phật cầu vãng sanh, ấy là bậc nhất.” Những nơi bạn đang nghĩ là yên tĩnh ấy, thực chẳng yên tĩnh chút nào cả đâu!!!
LƯƠNG QUAN MINH viết
XIN THẦY HOAN HỶ GIẢI RỎ: TỔ SƯ DẠY :NẾU CHUYÊN TU NGÀN NGƯỜI TU NGÀN NGƯỜI VÃNG SANH. CÒN TẠP TU NGÀN NGƯỜI CHỈ CÓ VÀI NGƯỜI VÃNG SANH. NHƯ VẬY NẾU NIỆM PHẬT LÀ CHÁNH HẠNH THÊM TRỢ HẠNH TRÌ CHÚ ĐẠI BI, THÌ CÓ LỌT VÀO TRƯỜNG HỌP NẦY KHÔNG? KÍNH XIN THẦY DẠY BẢO. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Câu này cũng gần như câu bạn hỏi trong bài “Cách giúp đỡ những người bị ma nhập”, Tuệ Tâm đã trả lời, bạn vào mà xem nhé. Chuyên tu nghĩa là chuyên một pháp, không xen tạp bất cứ môn gì. Niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật gọi là chánh hạnh vãng sanh, do thuận theo đại nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà nên gọi là “Bình Sanh Nghiệp Thành”, nghĩa là quả vãng sanh đã chắc chắn thành tựu, không đợi đến lúc lâm chung.
Danh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” được đức Phật A Di Đà huân tập vô lượng vô biên công đức. Công đức ấy là công đức vô lậu, viên mãn tròn đầy, như viên minh châu như ý vô cùng quý giá và cũng chính là thứ hình thành nên Thế giới Cực Lạc.
Phật A Di Đà dùng danh hiệu ấy để cứu độ chúng sanh tội khổ trong mười phương thế giới. Cho nên khi ta niệm danh hiệu của Ngài thì có được công đức tương ưng với cõi Cực Lạc, như tấm vé để lên máy bay, ta luôn ngồi trên máy bay ấy nên chắc chắn về Cực Lạc. Trợ hạnh hoặc tạp hạnh, như tụng kinh, trì chú, ngồi thiền…tuy đều phát sanh công đức vô lậu, nhưng do chúng ta là phàm phu, thân tâm trược loạn, nên khi hành trì, công đức có được tuy nói là vô lậu nhưng thực ra nó không được viên mãn. Dùng thứ công đức này hồi hướng vãng sanh về thế giới Cực Lạc thì không tương ưng nên vô cùng khó vãng sanh.
Nôm na dễ hiểu thì bạn tưởng tượng thế này: Danh hiệu Phật là kim cương, thế giới Cực lạc được hình thành bởi thứ kim cương ấy. Nay ta tạp hạnh thì chỉ tạo ra vàng bạc, mà vàng bạc thì chẳng thể nào trang nghiêm được thế giới ấy. Cho nên tu chánh hạnh thì ai cũng dễ dàng được vãng sanh, còn tạp hạnh hoặc trợ hạnh khổ cực mà rất khó vãng sanh.
Nay bạn đã biết chánh hạnh dễ dàng, đầy đủ công đức, chắc chắn vãng sanh, sao còn thêm trợ hạnh để làm gì? Nếu bảo rằng phải thêm trợ hạnh để viên mãn công đức ắt tâm chưa tin sâu nơi nguyện lực của Phật A Di Đà. Mà Tịnh Độ thì tin sâu là quan trọng bậc nhất, nó quyết định nguyện và hạnh. Cho nên nếu tin không sâu, rất khó vãng sanh. Đây là lý do tại sao Tổ Thiện Đạo và Pháp Nhiên Thượng Nhân chỉ hướng người ta tu theo Chánh Hạnh vậy.
Nếu bạn tụng chú Đại Bi vì yêu thích thì cứ tụng, bởi chú có nhiều công năng để giúp mình, giúp đời, còn như tụng chú để làm trợ hạnh vãng sanh thì thật không cần thiết. Để chắc chắn được vãng sanh, chỉ cần chuyên xưng danh hiệu là đủ rồi!!!
LƯƠNG QUAN MINH viết
THẦY HOAN HỶ CHO TRÒ HỎI RỎ HƠN CHỨ KHÔNG CÓ Ý GÌ KHÁC. TRONG KINH NIỆM PHẬT BA LA MẬT 2 VỊ BỒ TÁT CÓ DẠY TRÌ THÊM 2 CÂU MINH CHÚ BẠT NHẤT THIẾT NGHIỆP CHƯỚNG VÀ VÔ LƯỢNG THỌ NHƯ LAI. NẾU HÀNH GIẢ TRÌ THÊM THÌ LẠI RƠI VÀO TẠP HẠNH KHÓ VÃNG SANH CHĂNG. VÀ CỐ HT. THÍCH THIỀN TÂM CŨNG DẠY NÊN TRÌ THÊM CHÚ BẠT NHẤT THIẾT NGHIỆP CHƯỚNG. ĐẠI SƯ ẤN QUANG KHUYÊN NÊN NIỆM THÊM HỒNG DANH BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM TRONG 1 LÁ THƯ GỬI KHẮP. THÀNH TÂM TRI ÂN THẦY.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn có nhân duyên biết đến giáo lý Tịnh Độ Thuần Chánh của Tổ Thiện Đạo, nhưng lại chưa nắm vững được yếu chỉ của pháp môn này là chỉ chuyên dùng tha lực, nghĩa là nương hoàn toàn vào bản nguyện của Phật A Di Đà. Lại bị tập khí trì chú chướng ngại níu kéo nên tâm không phá được “Chấp Pháp”, dù tu tịnh độ nhưng niệm trì chú vẫn móng khởi trong tâm. Đây là bệnh chung của những người tu Thiền và Mật. Nếu không mạnh mẽ dứt trừ cái tập khí này thì tâm luôn khởi nghi nan, rất khó vãng sanh!
Kinh Niệm Phật Ba La Mật, đức Thế Tôn xác quyết răng: “Muốn vãng sinh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm Danh Hiệu Phật là đủ. Vì Danh Hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân, cho nên Niệm Danh Hiệu tức là Niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa.”– Đây cũng chính là Chánh Hạnh niệm Phật mà Tổ Thiện Đạo hoằng dương – là pháp chỉ dùng tha lực.
Còn về Chân ngôn trong kinh ấy là để giúp hành giả “thủ hộ thân tâm, nhổ tận gốc rễ nghiệp chướng, trừ sạch phiền não, được mau chóng sinh về Cực Lạc”. Chân ngôn này thuộc dạng vừa dùng tự lực vừa dùng tha lực, hành giả phải trường chay, giữ giới tinh nghiêm, tâm ý thanh khiết, buộc tâm một chỗ mà trì niệm mới có thể cảm ứng đạo giao. Mà thời nay chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, ăn chay còn khó, giữ giới dạng thô thôi, chưa nói đến tế còn chẳng được mấy người. Trì chân ngôn như thế thì cảm ứng làm sao được mà mộng vãng sanh?
Đường về Tịnh Độ có nhiều lối đi, trong ấy có khó có dễ, có người chỉ ưa dùng tự lực lực niệm Phật, có người vừa dùng tha lực vừa dùng tự lực, có người lại chỉ nương nơi tha lực của Phật A Di Đà. Như Pháp của Ngài Thiền Tâm là “Mật Tịnh Song Tu” – Vừa dùng tự lực vừa dùng tha lực. Pháp này bậc thượng căn, giới hạnh tinh nghiêm tu theo thì được lợi ích, còn hạng phàm phu ngu độn nghiệp nặng bọn ta tu sao cho nổi?
Pháp của Tổ Thiện Đạo bị thất truyền hơn ngàn năm, ẩn mật nơi Nhật Bản, đến lúc nhân duyên chín muồi mới xuất thế. Khi ấy Tổ Ấn Quang chính là người đã hiệu đính bản “Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ” từ Nhật Bản về. Nếu chẳng có Tổ, chúng ta chẳng thể nào biết được Bản Nguyện Niệm Phật hôm nay. Tuy nhiên thời ấy Thiền Định thịnh hành, chúng sanh căn tánh vẫn còn trong sáng, ưa tu thiền định. Với căn cơ chúng sanh và thời thiết nhân duyên như thế, Tổ khuyên được họ niệm Phật cầu vãng sanh đã khó rồi, nói chi đến nương hoàn toàn nơi Phật lực để chắc chắn được vãng sanh. Vì chúng sanh không tin sâu Phật lực nên Tổ buộc phải khuyên một số đệ tử tại gia niệm thêm Thánh Hiệu, cốt là để cho họ nương nơi bản nguyện tầm thanh cứu khổ của Bồ Tát mà an ổn tu trì. Người đời sau không hiểu, lại lầm lạc cho rằng Tổ khuyên người ta tạp tu, thật cô phụ ơn Tổ quá thế!
Tuệ Tâm khuyên bạn mạnh mẽ phá sạch cái tập khí trì chú đi, chỉ chuyên niệm sáu chữ hồng danh để nắm chắc đường về nhà. Nếu vẫn vương vấn chuyện trì chú, rất dễ bị các vị hộ pháp bên mật giáo tác động. Rốt cuộc do chẳng tin sâu Phật lực, lúc lâm chung tay chân cuống quýt, chú chẳng niệm được mà danh hiệu Phật cũng chẳng thể nào khởi lên, luân hồi thế nào vẫn y nguyên như thế. Mà càng sâu vào thời mạt, chúng sanh càng xấu ác, duyên gặp Phật pháp càng hiếm hoi, chẳng có gì đảm bảo ta cơ duyên cho ta tu học lần nữa đâu!!!
LƯƠNG QUAN MINH viết
vô cùng biết ơn lời khai ngộ của Thầy, xin y giáo phụng hành.
Lê viết
Dạ.Bây giờ trong người con đủ thứ bệnh tật trong người,bây giờ con chỉ nên niệm Phật cầu tiếp dẫn phải không ạ.Xin ngài hãy giải đáp giúp con
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Buông hết mà niệm Phật đi bạn, nếu thọ mạng còn ắt sẽ nhanh thay đổi số phận, nếu thọ mạng hết thì an nhiên về với Phật. Ngoài cách ấy ra không có cách chi hơn được!
Lê viết
Dạ.Con cảm ơn ngài rất nhiều.Dạo gần đây con hay thấy Phật A Di Đà đến rước con.Con cũng mong các oan gia trái chủ của con cùng con vãng sanh Cực Lạc.Bây giờ con đang giấu bệnh với cha mẹ
Cung Kính viết
Bồ Tát Long Thọ nói về Bản Nguyện của Phật A Di Đà
_______________________________
NGUYÊN TÁC: PHÁP SƯ TỊNH TÔNG
Người Dịch: Thích Phương Giác
Người Đọc: Tuệ Tri
—————–
Bồ-tát Long Thọ nói: “Đức Phật A-di-đà có bản nguyện như vậy”
Vì sao pháp môn niệm đức Phật A-di-đà lại dễ dàng đến thế? Bồ-tát Long Thọ đã nói rất rõ, ngài bảo:
Đức Phật A-di-đà có bản nguyện như vậy.
‘Như vậy’, nghĩa là pháp vốn như vậy, pháp tự nhiên như vậy, không cần cố gắng tạo tác, xưa nay vốn đã như thế.
Lấy sự tạo tác pháp hữu vi của chúng ta thì chẳng thể tương ưng, vì pháp hữu vi, pháp hữu lậu, pháp tạo tác, không thể khế nhập thật tướng. Tu hành theo Thánh đạo môn, ngộ được chân tâm, xưa nay hoàn toàn vô sở đắc, đắc vô sở đắc! Tuy nói ngày ngày tu hành, thật ra đều không có tướng tu hành có thể đắc, pháp nhĩ như thị, xưa nay tự đầy đủ.
Pháp môn Tịnh Độ cũng tương tự như vậy, đem sự tạo tác hữu vi của phàm phu mà muốn vãng sanh về Báo độ Cực Lạc của đức Phật A-di-đà là không thể được. Đại sư Thiện Đạo nói:
Cực Lạc là cảnh niết-bàn vô vi
Tùy duyên, tạp thiện khó được về.
Cảnh giới ở thế giới Cực Lạc là cảnh giới vô vi, là cảnh giới niết-bàn xa lìa tạo tác, bất sanh bất diệt; tùy duyên tạp thiện là hữu vi, là tạo tác hữu lậu, lấy pháp hữu vi mà muốn nhập vào cảnh giới vô vi thì nhân quả không phù hợp với nhau.
Chúng ta niệm Phật, vốn dĩ ‘đức Phật A-di-đà có bản nguyện như vậy’, nên chúng ta đã niệm Phật thì không cần phải băn khoăn, kiểu như: “Mình phải đạt được như thế nào đó…”, không cần phải đạt được như thế nào, đây mới chính là niệm Phật! Pháp nhĩ như thị, chính là xưng niệm Nam-mô A-di-đà Phật!
“Nam-mô A-di-đà Phật, Nam-mô A-di-đà Phật…”, từng câu, từng câu nối tiếp nhau, đây là điều mà người niệm Phật cần phải có.
Phải niệm Phật theo quy cách nào mới đúng? Niệm Phật rất đơn giản, chẳng cần theo quy cách nào cả! Tùy vào căn cơ, miệng xưng danh hiệu, vì bản nguyện của đức Phật A-di-đà không hề giả dối, bất kỳ ai cũng đều quyết định được vãng sanh, cho nên nói ‘bản nguyện như vậy’.
Nam-mô A-di-đà Phật