Dâng Đèn cúng Phật là pháp cúng dường Phật có công đức vô cùng thù thắng. Ánh sáng tượng trưng cho Trí huệ, bóng đêm tượng trưng cho Vô minh. Cho nên khi ta thắp đèn cúng Phật cũng chính là thắp lên ánh sáng trí huệ của chính mình. Nhờ ánh sáng ấy mà vượt thoát khỏi vô minh tăm tối, mà tránh được ma quân, mà vững bước trên đường giải thoát. Cũng nhờ có ánh đèn mà chúng sanh được thấy Phật, lễ Phật nên siêu vượt khổ đau. Ta do đó được công đức vô lượng vô biên, ý nghĩa của dâng Đèn cúng Phật là như thế đó!
- Cách tụng chú Đại Bi tại nhà đúng Pháp.
- Cách hồi hướng công đức.
- Thập Thiện Nghiệp là gì.
- Ngày Thập Trai là ngày nào.
- Sự thật về hoa Ưu Đàm.
- Cách đi lễ Chùa đúng Pháp.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
*
Công đức thắp đèn cúng Phật thù thắng như thế nào? Ta hãy xem câu chuyện nhỏ trong kinh Thí Dụ: “Xưa thời đức Phật còn tại thế, Đại Mục-kiền-liên là đại đệ tử của đức Phật, vận thần thông đi đến cõi Trời Đao Lợi, vào trong vườn của Đế thích đi khắp nơi ngắm nhìn, thấy một Thiên nữ hình dáng tướng mạo đoan chánh sáng ngời, chiếu soi rực rỡ siêu tuyệt so với mọi người.
Mục Liên thấy rồi, bèn hỏi Thiên nữ: “Thân trước kia của cô đã gieo trồng phước duyên gì, nay thọ nhận báo ứng kỳ diệu vô lượng như vậy?”
Thiên nữ đáp rằng: “Thân trước kia của tôi là người phục vụ trong cung của Bình Sa Vương. Lúc ấy trong cung vua có Tinh xá của Phật. Tôi thường về đêm đi ngang qua đó. Thấy trong tháp Phật tối tăm không có ánh sáng, tôi liền thắp đèn đặt trong Tinh xá. Nhờ nhân duyên này nay nhận được báo ứng thân thể sáng ngời kỳ diệu như vậy; ở cõi trời thọ nhận phước báo vui sướng không cùng tận”.
Lời Phật dạy về Công đức dâng Đèn cúng Phật
Kinh Thí Đăng công đức nói: “Đức Phật bảo với Xá-lợi-phất: Hoặc có người ở trước hình tượng và tháp miếu thờ Phật mà thiết lễ cúng dường, cho nên dâng cúng đèn sáng, thậm chí dùng một ít đèn nến, hoặc là xoa dầu thắp nến mang đến dâng cúng, ánh sáng ấy chỉ soi chiếu một con đường-một bậc thềm.
Này Xá-lợi-phất! Phước đức như vậy không phải là tất cả Thanh văn-Duyên giác mà có thể biết được, chỉ riêng Phật Như lai nói có năng lực được. Cầu quả báo thế gian, phước đức hãy còn như vậy, huống hồ dùng tâm thanh tịnh vô cùng vui thích, liên tục không gián đoạn ý niệm về công đức của Phật? Soi chiếu một con đường-một bậc thềm mà phước đức hãy còn như vậy, huống soi sáng toàn bộ hết thảy bậc thềm-đường đi? Hoặc là hai-ba-bốn bậc thềm và đường đi, hoặc là thân tháp một bậc-hai bậc cho đến nhiều bậc, một phía, hai phía cho đến bốn phía, cho đến hình tượng đức Phật.
*
Xá-lợi-phất! Ngọn đèn đã thắp ấy, có lúc mau tắt, hoặc gió thổi tắt, hoặc dầu cạn mà tắt, hoặc bấc đèn cháy hết mà tắt, hoặc tất cả đều tắt hết, dâng cúng đèn sáng nơi tháp miếu thờ Phật trong chốc lát như vậy, bởi vì niềm tin Phật pháp Tăng, cho nên phước thiện dâng cúng một ít đèn sáng như vậy, tích tụ phước đức hãy còn nhiều không thể tính được.
Huống là sau khi Ta diệt độ ở nơi chùa tháp thờ Phật, hoặc là tự mình làm-hoặc bảo người khác làm, hoặc thắp một ngọn đèn-hai ngọn đèn cho đến nhiều ngọn đèn, hương hoa chuỗi ngọc-phan lọng-cờ phướn phú quý, và các loại cúng dường tốt đẹp tuyệt diệu khác ư? Lại nữa, nếu có người ở nơi tháp miếu thờ Phật dâng cúng đèn sáng rồi, lúc sắp mạng chung có được ba loại sáng suốt. Những gì là ba loại?
Một là lúc người ấy sắp mạng chung, phước thiện đã làm trước đây thảy đều hiện rõ trước mắt; nhớ lại thiện pháp mà không quên mất; vì vậy niệm rồi làm cho tâm sinh ra phấn chấn vui vẻ.
Hai là nhân đây thuận tiện có thể niệm Phật-tâm; có thể thực hành bố thí đạt được tâm hoan hỷ, không có nỗi khổ của cái chết.
Ba là nhân đây thì tâm có thể nghĩ đến giáo pháp.
*
Lại nữa, này Xá-lợi-phất! Người ấy lúc sắp mạng chung, lại được trông thấy bốn loại ánh sáng. Những gì là bốn loại?
Một là lâm chung trông thấy vầng mặt Trời tròn đầy xuất hiện sáng rực.
Hai là trông thấy vầng trăng tròn đầy trong sáng hiện bày.
Ba là trông thấy chư Thiên cùng chung một xứ sở mà sanh ra.
Bốn là trông thấy Đức Như lai Ứng Chánh biến Tri, an toạ dưới cội Bồ-đề đạt được Bồ-đề, tự thấy chính mình tôn trọng Như lai, chắp hai tay mà đứng hầu cung kính.
Lại nữa, Xá-lợi-phất! Đối với tháp miếu thờ Phật dâng cúng đèn rồi, vào lúc lâm chung, được thấy bốn loại ánh sáng như vậy, chết rồi liền sanh lên cõi Trời Tam Thập Tam; sanh đến cõi Trời ấy rồi, đối với năm loại sự việc mà được thanh tịnh.
- Một là được sức lực thanh tịnh.
- Hai là ở giữa chư Thiên được uy đức thù thắng.
- Ba là thường được niệm tuệ thanh tịnh.
- Bốn là thường được nghe âm thanh thâu nhiếp ý.
- Năm là được quyến thuộc thường bảo vệ ý đó làm cho tâm được hoan hỷ.
*
Ở tại cung Trời ấy bỏ mạng rồi, không rơi vào đường ác, sanh vào giữa loài người luôn luôn ở trong nhà tin thờ Phật pháp có dòng họ thuộc đẳng cấp cao nhất. Thời gian ấy nếu thế gian không có Phật, cũng không sanh vào gia đình tà kiến hèn hạ. Bởi bố thí đèn sáng nên lại được bốn loại pháp thật là vui vẻ. Những gì là bốn pháp?
Một là sắc lực, hai là tiền của, ba là thiện tâm, bốn là trí tuệ. Nếu như người an trú trong Đại thừa, đối với tháp miếu thờ Phật cúng dường đèn sáng rồi, đạt được tám loại pháp thật là an lạc thù thắng. Những gì là tám pháp?
- Một là đạt được nhục nhãn thù thắng.
- Hai là đạt được ý niệm thù thắng không thể nào suy lường được.
- Ba là đạt được thiên nhãn thù thắng thanh tịnh.
- Bốn là bởi vì tu tập đầy đủ đạo pháp cho nên giới không hề khiếm khuyết.
- Năm là đạt được trí tuệ đầy đủ chứng đến Niết-bàn.
- Sáu là trước đã làm những thiện nghiệp đạt được dễ dàng.
- Bảy là thiện nghiệp đã làm được gặp chư Phật, có năng lực làm ánh mắt cho tất cả chúng sinh.
- Tám là nhờ thiện căn ấy được làm Chuyển-luân-vương, đã đạt được vòng xe quý báu không bị gì khác làm chướng ngại, thân ấy đoan chánh, thành hàng đế thích, có được uy lực to lớn đầy đủ mười loại nhãn; hoặc là Phạm vương, khéo mở rộng việc làm cõi phạm đạt được Đại thiền định.
*
Này Xá-lợi-phất! Dùng thiện căn ấy hồi hướng cho chí nguyện Bồ-đề, đạt được tám loại pháp an lạc thù thắng này.
Lại nữa, Xá-lợi -phất! Nếu như người ở trước Đức Như lai, thấy người khác cúng dường đèn sáng mà tín tâm thanh tịnh, chắp hai tay khởi tâm tùy hỷ; nhờ thiện căn này đạt được tám loại pháp Tăng thượng. Những gì là tám pháp?
- Một là được Tăng thượng về sắc thân.
- Hai là có được quyến thuộc Tăng thượng.
- Ba là có được giới Tăng thượng.
- Bốn là ở trong Trời người được sanh vào nơi Tăng thượng.
- Năm là có được niềm tin Tăng thượng.
- Sáu là có được biện giải Tăng thượng.
- Bảy là có được Thánh đạo Tăng thượng.
- Tám là đạt được A Nậu Bồ-đề.
Đức Thế tôn lại bảo với Xá-lợi-phất: Có năm loại pháp rất là khó được. Một là khó có được thân người; hai là đối với chánh pháp của Phật khó có được niềm tin và niềm vui; ba là khó có được niềm vui xuất gia trong Phật pháp; bốn là khó có đủ giới pháp thanh tịnh; năm là khó có được lậu hoặc sạch sẽ. Tất cả chúng sinh đối với năm pháp này, nói là khó có được, mà các ông đã có được”.
Ý Nghĩa dâng Đèn cúng Phật
Kinh A-xà-thế Vương Thọ Quyết nói: “Lúc ấy vua A-xà-thế thỉnh Phật thọ trai xong, Đức Phật trở về Kỳ-hoàn. Nhà vua cùng với Kỳ-bà bàn bạc rằng: Đức Phật thọ trai đã xong, lại nên làm thế nào?
Kỳ-bà nói: Chỉ có thắp nhiều ngọn đèn.
Nhà vua bèn truyền chỉ chuẩn bị một trăm Hộc dầu mè, bắt đầu từ cổng Hoàng cung thắp đến Tinh xá Kỳ-hoàn.
Lúc ấy có bà cụ nghèo túng trông thấy nhà vua làm công đức liền cảm kích lòng dạ. Bà đi xin được hai đồng tiền, đem đến người bán dầu mua dầu. Chủ bán dầu nói: Bà xin được hai đồng tiền, sao không mua thức ăn mà lại dùng để mua dầu như vậy?
Bà cụ nói: Tôi nghe đức Phật sanh ra khó gặp, trăm kiếp một cơ hội. Tôi may mắn gặp đức Phật nhưng không có gì cúng dường. Hôm nay thấy nhà vua làm công đức to lớn, nên muốn thắp một ngọn đèn làm gốc rễ cho đời sau.
Chủ bán dầu tán thưởng ý niệm chân thành ấy, so ra hai đồng tiền thì dầu sẽ được hai ca, đặc biệt thêm cho bà 3 ca, tất cả có được 5 ca. Bà cụ hướng đến mà thắp ở trước đức Phật, tính ra số dầu này không đủ nửa đêm, mới tự thề rằng: Nếu con ở đời sau đắc đạo giống như Phật, thì dầu này thắp sáng suốt đêm không hết. Thề xong làm lễ mà đi.
*
Đèn của nhà vua đã thắp có ngọn thì tắt có ngọn khô dầu. Đèn của bà cụ đã thắp, ánh sáng rực rỡ khác thường và hơn hẳn các ngọn đèn khác, suốt đêm không tắt, dầu lại không cạn, thắp sáng đến ngày hôm sau.
Đức Phật bảo với Mục Liên: Nay Trời đã sáng hãy tắt những ngọn đèn!
Mục Liên theo lời dạy mà lần lượt tắt đèn, những ngọn đèn đều tắt, chỉ riêng một ngọn đèn của bà cụ ba lần tắt mà không được, bèn đưa ca sa để quạt đèn thì ánh sáng càng sáng rực. Thế là dùng uy thần dẫn theo gió núi để tiếp tục thổi ngọn đèn, ngọn đèn càng rực cháy hơn nữa, trên chiếu rọi đến cõi Phạm Thiên, xung quanh soi sáng Tam Thiên thế giới, tất cả đều trông thấy ánh sáng đó.
Đức Phật bảo với Mục Liên: Dừng lại, dừng lại! Đây là ánh sáng công đức của vị Phật tương lai, không phải uy thần của ông mà tắt được. Túc mạng bà cụ này cúng dường tám mươi ức đức Phật; đã từ trước kia được đức Phật quyết định thọ ký. Do kiếp trước chưa rỗi tu hạnh bố thí, cho nên ngày nay nghèo túng không có tiền bạc châu báu. Về sau ba mươi kiếp bà ấy sẽ được làm Phật, danh hiệu là Tu di Đăng Quang Như lai, Chí Chân Đẳng chánh Giác. Thế giới ấy không có mặt trăng mặt Trời; trong thân thể của nhân dân đều có ánh sáng to lớn, ánh sáng chiếu rọi lẫn nhau như cõi Trời đao lợi.
Bà cụ nghe rồi hoan hỷ làm lễ mà đi xa.
*
Nhà vua hỏi Kỳ-bà: “Ta làm công đức to lớn đồ sộ như vậy, đức Phật không ban quyết định cho ta. Bà cụ này chỉ một ngọn đèn thì ban cho quyết định thọ ký. Tại vì sao?”
Kỳ-bà nói: “Công đức nhà vua đã làm tuy nhiều mà tâm không chuyện nhất, không bằng bà cụ này chú tâm hướng đến đức Phật.”
Sau đó vua A-xà-thế dùng tâm chí thành, dâng hương hoa dầu đèn cúng dường đức Phật. Đức Phật liền thọ ký cho nhà vua rằng: “Tám vạn kiếp sau này, kiếp tên là Hỉ Quán, nhà vua sẽ làm Phật, Phật hiệu là Tịnh Kỳ.”
Thái Tử của Vua A-xà-thế tên gọi Chiên Đà Hòa Lợi năm ấy mới tám tuổi. Thấy vua cha được quyết định thọ ký thì vô cùng hoan hỷ. Thái tử liền cởi các thứ báu của mình để rải trước đức Phật và nói rằng: “Nguyện ở nơi đức Phật Tịnh Kỳ, con làm Kim Luân Vương được cúng dường đức Phật. Lúc đức Phật nhập Niết-bàn con sẽ tiếp nối làm vị Phật.
Đức Phật dạy: “Chắc chắn như nguyện của con, sẽ làm Phật danh hiệu là Chiên Đàn”.
Tiền thân của đức Phật đã dâng đèn cúng Phật như thế nào
Kinh Hiền Ngu nói: “A nan thưa với đức Phật: “Không biết Đức Thế tôn, trong đời quá khứ làm thiện căn gì, dẫn đến quả báo cúng dường đèn sáng không cùng tận này?”
Đức Phật bảo với A nan: “Chín mươi mốt kiếp trong hai A-tăng-kỳ thời quá khứ; cõi Diêm-phù-đề này, có vị đại quốc vương, tên gọi Ba tắc Kì. Đại phu nhân sanh ra một Thái Tử, thân màu vàng tía đầy đủ tướng tốt; sau dần trưởng thành xuất gia thành Phật, giáo hóa nhân dân độ thoát rất nhiều người.
Lúc bấy giờ vua cha thỉnh Phật và chúng Tăng cúng dường ba tháng. Có một Tỳ-kheo tên là Thánh Hữu, ở trong ba tháng làm đàn việt lo chuyện đèn sáng; ngày ngày đi vào hoàng thành cầu xin cầu xin các thứ dầu –bấc đèn đầy đủ.
Lúc ấy con gái của vua tên là Mâu Ni, lên trên lầu cao trông thấy Tỳ-kheo này, ngày ngày đi vào Hoàng thành cầu xin tìm kiếm những thứ cần thiết; công chúa nhìn thấy sinh tâm thương xót, sai người đến hỏi. Tỳ-kheo trả lời rằng:
“Nay trong ba tháng tôi lo chuyện đèn sáng cho đức Phật và chúng Tăng. Cầu xin đàn việt các loại đồ dùng là dầu và bấc đèn. Người ấy trở về báo lại rõ ràng, con gái nhà vua hoan hỷ bảo: Từ nay về sau không phải đi xin. Tôi sẽ cung cấp cho ông dầu và bấc đèn. Tỳ-kheo đồng ý. Thế là sau đó thường xuyên tặng cho dầu và bấc đèn đầy đủ. Tỳ-kheo Thánh Hữu tâm thành mang ân sâu nặng.
*
Đức Phật thọ ký cho rằng: Ông đời vị lai trong A-tăng-kỳ kiếp, sẽ được làm Phật danh hiệu là Định Quang ( Kinh khác gọi là Nhiên Đăng Phật). Con gái nhà vua là Mâu ni nghe Tỳ kheo Thánh Hữu được thọ lý làm Phật, tâm tự nghĩ rằng: Vật dụng đèn đuốc của đức Phật đều là vật của mình; có Tỳ-kheo đã thọ ký chỉ có mình không được thọ ký.
Dấy lên ý niệm này rồi hướng đến nơi đức Phật tự bày tỏ tâm tư của mình. Đức Phật tiếp tục thọ ký, bảo với mâu ni rằng: Con ở đời vị lai trong hai A-tăng-kỳ chín mươi mốt kiếp, sẽ được làm Phật danh hiệu là Thích Ca Mâu Ni, có đầy đủ mười hiệu.
Con gái nhà vua nghe Phật thọ ký hoan hỷ phát tâm, hóa thành thân nam; Bèn tiếp tục lạy dưới chân đức Phật, cầu xin làm Sa-môn. Đức Phật tiếp nhận rồi tu tập tinh chuyên không nghỉ.
Bởi vì xưa bố thí đèn sáng, từ đó đến nay không vô số kiếp, ở trên cõi Trời hay giữa loài người thọ nhận phước thiện tự nhiên, thân thể thù thắng siêu việt tuyệt vời khác người; cho đến bây giờ thành Phật, thọ nhận phước báo của nhân đèn sáng này”.
Công đức thắp đèn cúng Phật của Tôn giả A Na Luật
Kinh Thí Dụ nói: “Xưa thời Phật còn tại thế, đức hạnh trong các đệ tử tất cả không như nhau. Như Xá-lợi-phất có trí tuệ bậc nhất, Đại Mục-kiền-liên có thần thông bậc nhất. Như A Na Luật có thiên nhãn bậc nhất; có năng lực thấy rõ tam thiên đại thiên thế giới, cho đến vi tế không có nơi sâu thẳm nào không nhìn thấy.
A nan thấy rồi bèn thưa với đức Phật rằng: A Na Luật này xưa kia có nghiệp gì mà thiên nhãn vi diệu như vậy?
Đức Phật bảo với A nan: Chín mươi mốt kiếp quá khứ trước kia, sau khi đức Phật Tỳ-bà-thi nhập Niết-bàn. A Na Luật lúc bấy giờ thân làm giặc cướp. Một hôm vào trong tháp Phật muốn lấy trộm đồ. Lúc ấy đèn thắp trước Phật trong tháp sắp tắt. Tên trộm liền dùng mũi tên sửa lại đèn làm cho sáng lên. Khi đèn sáng, anh ta thấy uy quang của Phật nghiêm khắc mà sởn tóc gáy rồi tự nghĩ rằng: “Người khác còn có thể xả bỏ đồ vật để cầu phước, mình vì sao lại lấy trộm?”
Nghĩ vậy rồi bỏ lại mà đi. Nhờ vào nhân duyên phước đức sửa lại bấc đèn, từ lúc ấy đến nay trong chín mươi mốt kiếp, luôn luôn sanh ở nơi tốt lành; dần dần bỏ những điều ác, phước thiên ngày càng Tăng thêm. Nay được gặp Ta mà xuất gia tu đạo, đạt được quả vị A-la-hán; ở giữa mọi người có thiên nhãn bậc nhất nhìn thấy thấu suốt tất cả. A Na Luật vô tình thắp đèn cúng Phật mà được phước lớn như thế đó”.
Lời Phật dạy về Cách Thắp đèn cúng Phật
Tăng Kỳ Luật nói: “Đức Phật dạy: Từ hôm nay nghe công đức thắp đèn, thì nên đặt lửa một bên theo thứ tự mà thắp. Nên trước tiên thắp để soi sáng Xá-lợi và kinh tượng đức Phật. Trước khi lễ lạy, nên ra ngoài lần lượt thắp những nơi khác. Lúc tắt không được tắt hết; nên nói các Đại Đức sắp tắt đèn, không được dùng miệng thổi tắt. ( Nghĩa là có loài sâu ăn tàn lửa, sợ rằng hơi miệng của người làm tổn hại côn trùng; cho nên không được dùng miệng thổi tắt.)
Người tắt tùy ý dùng tay hoặc vạt áo để quạt tắt. Nên nán lại chuyển đầu cháy để gạt bớt tàn lửa. Lúc đi vào không được bất ngờ đi vào, nên nói to rằng: Các Đại Đức sắp đi vào mới được đi vào. Nếu không như vậy thì vượt qua pháp tắc oai nghi”.
Tam Thiên Oai Nghi nói: “Thắp đèn có năm sự việc cần lưu ý:
- Một là nên cầm khăn sạch lau trong ngoài làm cho sạch sẽ.
- Hai là nên làm bấc đèn sạch sẽ.
- Ba là nên tự mình pha dầu vào đèn.
- Bốn là pha dầu không được làm cho đầy tràn, cũng không được làm cho thiếu hụt.
- Năm là nên giữ gìn khiến cho chắc chắn, đừng treo cao làm trở ngại đến người khác hành đạo”.
Trong Ngũ Bách Vấn nói: “Nối tiếp ánh sáng của Phật thì ban ngày không được tắt. Phật không có sáng-tối, bởi bì căn bản là vô ngôn, nghĩ đến giới hạn như nhau. Cho nên tắt thì có tội”.
( Dâng Đèn cúng Phật có ý nghĩa và Phước báu thế nào – Theo Pháp Uyển Châu Lâm)
Tuệ Tâm 2022.
Thu Hương viết
Dạ Sư cho con hỏi, việc dâng đèn cúng Phật cũng như treo phang chỉ có thể làm tại Chùa thôi phải không ạ, nếu làm ở nhà thì có được không ạ. Xin Sư hoan hỉ chỉ dạy!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Dâng đèn hoặc treo Phan cúng Phật thì cứ hễ ở đâu có thờ Phật thì đều cúng dường được, cho nên ở nhà bạn làm được, cứ yên tâm nhé. Chỉ là ở bàn thờ Phật tại nhà thì nên dùng đèn thờ bằng điện cho thanh sạch, Phan thì treo loại bé thôi cho phù hợp với không gian thờ cúng.
Nam mô A Di Đà Phật.
Thu Hương viết
Dạ con cảm ơn Sư nhiều ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Đinh Ngọc Chinh viết
Thầy cho con hỏi, con muốn cúng dường đèn lên Phật trên chùa thì dâng đèn dầu hay đèn điện ạ. Mong thầy hoan hỷ chỉ bảo ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ngày nay các Chùa đều dùng điện để thắp sáng cả rồi. Cho nên bạn muốn dâng đèn cúng Phật thì hoặc dâng Nến hoặc dâng Đèn Điện là được. Đèn dầu không dùng được đã đành, nếu có dùng quý thầy cô cũng phải vất vả đi mua dầu, thật không nên!
Nam mô A Di Đà Phật.