Học Phật pháp bắt đầu từ đâu, nên bắt đầu như thế nào là tốt nhất? Có trăm ngàn lý do người ta tìm đến Phật Pháp: Gia đình không an, nghèo khổ, tật bệnh. Công việc khó khăn, con cái nay ốm mai đau, tiền bạc thiếu trước hụt sau. Hoặc cuộc sống nhiều trở ngại, xui xẻo. Hoặc bệnh tật dây dưa không khỏi, hoặc muốn siêu độ ông bà tổ tiên. Hoặc ham muốn thần thông, ham muốn điều mới lạ. Hoặc muốn chạm vào thế giới tâm linh…
- Cách tụng kinh cho người mới mất.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Hội Long Hoa là gì.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Thiên ma là loại ma gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật ở Việt Nam
- 10 Chuyện nhân quả báo ứng có thật
Học Phật pháp bắt đầu từ đâu
Học Phật bắt đầu từ đâu, nên bắt đầu thế nào. Giữa trăm ngàn đường tu, chọn pháp nào để tập là mối quan tâm của hầu hết những người đang tìm hiểu về Phật pháp. Mới nghe thấy phức tạp vậy thôi, nhưng không phải vậy đâu. Phật pháp thực ra rất đơn giản và dễ hiểu cho những người mới. Đạo của Trí Huệ và Từ Bi mà. Để giúp bạn trả lời cầu hỏi: “Học Phật pháp bắt đầu từ đâu“. Tuệ Tâm xin được chia sẻ chút kinh nghiệm nho nhỏ của mình, mong sẽ mang đến cho bạn chút lợi ích nào đó.
Hòa Thượng Tuyên Hóa, là hóa thân của đức Quán Thế Âm Bồ Tát dạy: “Phật Pháp rất bình đẳng và rất thâm áo. Khi ở trong Phật pháp mình không cảm thấy chỗ nào tốt, khi ở ngoài Phật pháp mình cũng chẳng thấy chỗ nào xấu. Song, trong Phật giáo một phần công, một phần tội đều chẳng bao giờ sai lạc. Ðạo Phật hết sức tự do, bình đẳng, chẳng có chuyên chế, cũng chẳng đi vào chỗ cực đoan.
Tại sao nói là hết sức bình đẳng? Bởi vì tất cả chúng sinh, bất luận là ngạ quỷ địa ngục, hung thần ác thú, kẻ dữ người xấu, nếu phát tâm tu hành, quay đầu về bến, đều có thể thành Phật. Không giống như thuyết ngoại đạo rằng: “Kẻ ác người xấu thì vĩnh viễn là xấu ác, không có cách gì có thể độ được. Hoặc rằng mãnh hổ ác thú vì tánh tình vô cùng tàn bạo, sẽ không được cứu vớt.”
*
Ðời nhà Minh bên Trung Quốc có vị Ðại sư tên là Liên Trì. Ngài có một đệ tử là con cọp, thường hay ở bên cạnh để hộ vệ Ngài. Nhưng vì cọp là loài ác thú, nên mọi người thấy đều sợ hãi. Do đó, Ðại sư mới dạy con cọp nầy, rằng mỗi lần đi ra đi vô thì không được đi thẳng; con cọp liền nghe lời Ngài, khi ra vô đều đi lui. Nên mọi người không còn sợ, vì biết là cọp thiện. Con cọp nầy cũng biết đi khắp nơi để hóa duyên cho Liên Trì Ðại sư. Khi người ta thấy con cọp thiện này tới, ai nấy đều tranh nhau bố thí cúng dường. Thành ra cọp cũng có thể quy y Tam bảo, hộ trì Phật pháp, và có thể thành Phật vậy.
Phật giáo hết sức là tự do, bởi vì giáo lý trong Kinh Phật chỉ khuyên dạy người ta làm thiện tránh ác. Làm ác thì tự mình thọ quả báo. Nhưng Phật giáo cũng không bắt ép người ta làm chuyện tốt, cũng không dọa rằng: “Nếu không nghe lời, chuyên tạo ác nghiệp thì bị bỏ vào tù.” Bởi vì mọi thứ đều do tâm tạo, thiên đường hay địa ngục đều do tư tưởng và nghiệp lực của mình tạo thành. Phật pháp dạy người ta rằng: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” Nghĩa là đừng làm chuyện ác, chỉ làm tất cả điều lành, đồng thời xiển minh đạo lý nhân quả, không sai lạc được dù đối với việc nhỏ như sợi tóc, để người ta nhận thức được chân lý siêu xuất luân hồi.“
Học Phật pháp bắt đầu từ đâu: 1. Trước phải tin sâu nhân quả
Nhân quả là một quy luật hoàn toàn khách quan và là nền tảng quan trọng nhất trong Phật pháp. Bạn không tin nhân quả, không tin gieo gió thì gặt bão, thì không thể học Phật được. Thế nên, trước khi học Phật, hãy tìm đọc sách về nhân quả báo ứng để tăng trưởng tín tâm. Sách viết về nhân quả khá nhiều, theo Tuệ Tâm, trước bạn nên đọc “Nhân quả bảo ứng hiện đời“. Đây là bộ sách được thuật lại của cư sĩ Quả Khanh,một người đã khai mở trí huệ, có đủ thần thông, một kiệt tác đã thay đổi số phận của rất, rất nhiều người. Đừng ngạc nhiên, đọc đi bạn sẽ hiểu và thu được nhiều lợi ích nơi bộ sách này.
Học Phật pháp bắt đầu từ đâu: 2. Lựa chọn một bản kinh dễ đọc
Kinh Phật có rất nhiều, nội dung sâu sắc và nhiều bản Kinh cực khó hiểu. Bạn phải biết khôn ngoan lựa chọn theo tiêu chí đầu tiên: Dễ đọc, dễ hiểu. Điều này vô cùng quan trọng bạn ạ. Rất nhiều người đã bỏ cuộc khi đến giai đoạn này, tự đoạn mất cơ duyên học Phật của mình…
Gần 10 năm về trước, có một người bạn khá thân của Tuệ Tâm. Trong khoảng thời gian tăm tối và bơ vơ nhất cuộc đời, khi vợ vừa mất. Bạn tìm hiểu về Phật pháp để mong tự chữa lành những vết thương trong tâm… Thay vì tìm bộ Kinh dễ đọc, lại vì không có người hướng dẫn, bạn đọc ngay Kinh Lăng Nghiêm.( sau khi đọc ở đâu đó trên mạng rằng: Lăng Nghiêm là bộ Kinh quan trọng nhất của đạo Phật – mặc dù sự thật đúng là như vậy). Kết quả, bạn bỏ cuộc sau 30 phút “kiên trì” đọc. Lý do: ” Chẳng hiểu gì, học Phật sao khó thế!”.
*
Đau xót nhất là một thời gian ngắn sau, bạn bập vào PLC, một loại Tà Đạo thuộc loại kinh hoàng nhất của thời đại này. Khi Tuệ Tâm biết thì đã vô phương cứu vãn. Khá nhiều lần, vì thương bạn lạc đường, Tuệ Tâm khuyên bạn quay về Chánh pháp. Kết quả: Chẳng thay đổi được gì, mất luôn người bạn thân.
Bạn thấy không, bước chân đầu tiên luôn quan trọng nhất trong mỗi cuộc hành trình. Lệch một chút thôi, hậu quả là không thể cứu vãn. Lại Kinh Phật thường nói về nhiều cảnh giới, nhiều khái niệm đặc thù mà bạn chưa nghe bao giờ. Vậy nên, bạn hãy bắt đầu từ những bộ Kinh dễ đọc, dễ hiểu nhất hiện nay, bao gồm:
Bốn cuốn Kinh nhất định phải đọc trong đời
Ba bộ Kinh đầu được gọi là Tịnh Độ Tam Kinh. Là nền tảng trọng yếu của pháp môn niệm Phật. Nội dung chính là đức Phật thuyết về cõi Cực Lạc và các phương pháp tu tập để được vãng sanh.
Kinh Bản Nguyện của Bồ Tát Địa Tạng là một bộ kinh cực kì quan trong trong thời đại này. Kinh mô tả đầy đủ về hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng, nhân quả, tội phước và các cảnh giới của Địa Ngục. Rất nhiều người nhờ chí tâm tụng niệm kinh này mà khai mở trí huệ, thần thông và nhiều khả năng đặc biệt khác.
Sau khi bạn đã khởi sự tu tập một thời gian, đã thấm nhuần Phật pháp rồi, bạn hãy nên đọc các bộ Kinh như: Bát Nhã Tâm Kinh; Kinh Thủ Lăng Nghiêm; Kinh Pháp Hoa; Kinh Hoa Nghiêm…
Học Phật pháp bắt đầu từ đâu: 3. Chọn pháp dễ tu
Đại ý tu hành, Phật pháp có ba trường phái tu tập chính:
- Tịnh Độ Tông.
- Thiền Tông.
- Mật Tông.
TỊNH ĐỘ TÔNG
Tịnh Độ Tông lấy niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương làm yếu chỉ tu hành. Đây là trường phái được nhiều người tu nhất, lý do: Dễ tu nhất, an toàn nhất, ai cũng tu được. Lại vì thuận theo bản nguyện của Phật nên được chư vị Hộ Pháp vô hình che chở, nhiếp hộ. Pháp này đặc biệt thích hợp với người tu tại gia. Do người tại gia thân vướng lưới thế gian, không thể buông bỏ tất cả để tu hành được.
THIỀN TÔNG
Cách đây một vài trăm năm trở về trước, Thiền Tông khá thịnh hành. Lý do vì căn cơ con người thời đó khá trong sáng, dễ tĩnh tọa thiền tập. Đặc trưng của Thiền Tông là hành giả hoàn toàn nương vào Tự Lực của chính mình để tu.( gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma). Do không nương vào tha lực, người tu Thiền phải Trì Giới. Nếu giới hạnh không tinh nghiêm, đừng mong chi quả ngọt của Thiền.
MẬT TÔNG
Người tu Mật tông vừa dùng tự lực vừa dùng tha lực. Tu Mật Tông khó nhất ở chỗ: Bạn sẽ đụng chạm vào thế giới tâm linh rất nhanh. Nếu người tu không có giới hạnh và đặc biệt: Nếu vị Thầy dạy pháp, là Hộ pháp chính của bạn, chưa phải bậc Chân Tu thì vô cùng nguy hiểm. Lệch một chút là tẩu hỏa nhập ma ngay. Dân tu tập hay gọi là” Tàu hỏa vào ga”. Thế giới tâm linh không phải là nơi dành để đùa, sểnh một ly đi ngàn dặm ngay.
Học Phật pháp bắt đầu từ đâu: 4. Nên chọn Pháp tu nào
Vì bạn là người thế tục, còn có gia đình, có cha mẹ, anh em và bè bạn. Chọn pháp tu nào để tu tập, vừa tốt đời vừa đẹp đạo, khi mà cuộc sống còn mưu sinh, còn trách nhiệm và vô số thứ buộc ràng?
Câu trả lời là: Nên tu Tịnh Độ, chuyên một pháp trì sáu chữ hồng danh ” Nam Mô A Di Đà Phật”. Trong Tịnh Độ cũng bao gồm rất nhiều cách tu: Có người niệm Phật để cầu vãng sanh. Có người tụng Kinh để cầu vãng sanh. Hoặc có người vừa niệm Phật vừa tụng Kinh để cầu vãng sanh Cực Lạc.
Về quan điểm nhận thức về Tinh Độ thì sơ sơ gồm có: Tịnh độ của Thiền tông. Tịnh độ của Tông pháp hoa. Tịnh độ của Tông Hoa Nghiêm…và Tịnh độ Thuần chánh. Tuy nhiều quan điểm tu, nhưng tựu chung chỉ là khác về quan điểm nhìn nhận, còn thì cốt yếu vẫn lấy niệm Phật làm nền tảng.
Bạn muốn pháp nào thì tùy, đều tốt cả, nhưng nếu cần lời khuyên thì Tuệ Tâm khuyên bạn chọn Tịnh độ thuần chánh.
Tịnh độ thuần chánh
Tịnh độ thuần chánh là pháp tu chuyên tu, bắt nguồn từ tổ “Thiện Đạo”, một hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Nền tảng của Pháp tu này là Đại Nguyện thứ mười tám của Đức Phật A Di Đà, còn gọi là BẢN NGUYỆN NIỆM PHẬT.
Cách thực hành: Chỉ niệm một danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, niệm đủ sáu chữ nhé! Chuyên tu là niệm Phật suốt đời, không kiêm thêm trì Chú, Tụng kinh hay Thiền định gì hết. Bạn cứ niệm Phật và sống bình thường như bao người bình thường khác, bất kỳ lúc nào nhớ ra thì niệm Phật ngay.
Niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Dù bạn đang ở bất cứ đâu, đang làm gì cũng niệm được, không có bất kỳ kiêng kị nào hết. Nhớ nhé” Không phải kiêng gì hết”Tại sao Tuệ Tâm khuyên bạn? Vì pháp tu này dễ thực hành, nhiều lợi ích, quan trọng là: Ai tu cũng được.
Niệm Phật là Vua trong các pháp
Không phân biệt bạn Quy y hay chưa, thờ Phật hay chưa. Không kể bạn thuộc chủng loại nào: Trời, Người, A Tu La, Súc Sanh, hay Ngạ Qủy.. Không phân biệt bạn giàu hay nghèo, sang hay hèn, giữ giới hay ko giữ giới. Không phân biệt bạn Bố thí hay không Bố thí, bạn xây Chùa hay không xây Chùa, bạn làm phước hay không làm phước… Đều tu và đều được vãng sinh hết, như Tổ Ấn Quang dạy” Vạn người tu vạn người về”.
Cứ chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật và phát nguyện vãng sinh thì chắc chắn được vẵng sinh. Không phải nói nhiều, vì Bổn nguyện của Phật A Di Đà là vậy. Lại niệm Phật vừa được vô vàn lợi ích ở hiện tại và tương lai. Nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước tăng…cuộc sống luôn khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn
Tuệ Tâm vừa chi sẻ với bạn chút kiến thức nhỏ nhoi về Phật Pháp của mình, mong sẽ giải đáp được chút ít cho bạn về chủ đề ” Học Phật Pháp Bắt Đầu Từ Đâu“. Nguyện bạn sớm phát tâm học Phật và bước vào con đường của Trí Tuệ, Từ Bi và Giải Thoát.
( Học Phật pháp bắt đầu từ đâu )
Tuệ Tâm 2019.
Thúy trần viết
Nam Mô A Di Đà Phật!
Con theo lời chỉ bảo của thầy bắt đầu đọc từ bài viết này của thầy. Trong bài viết này có 1 câu con có chút thắc mắc muốn thầy chỉ giảng cho ạ. Đó là câu:
“Cách thực hành: Chỉ niệm một danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, niệm đủ sáu chữ nhé! Chuyên tu là niệm Phật suốt đời, không kiêm thêm trì Chú, Tụng kinh hay Thiền định gì hết.”
Như này nếu muốn đọc Chú Đại Bi hay đọc kinh Địa Tạng hoặc 1 kinh khác có được không?
Cảm ơn thầy.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Không nên, chuyên tu là tốt nhất bạn ạ! Đức Phật Thích Ca vì căn tánh chúng sanh chẳng đồng nên tùy bệnh cho thuốc, thuyết vô lượng pháp môn. Vì thế, Phật pháp mênh mông như đại dương, càng vào sâu càng không thấy đáy. Trong Kinh Đại Tập, Ngài huyền ký: “Trong đời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo, chỉ nương theo pháp môn Niệm Phật mà thoát luân hồi.” Nay đã sâu vào thời mạt, pháp nhược ma cường, chúng sanh ai nấy nghiệp chướng lẫy lừng. Lại Phật tử sơ cơ thường chẳng biết cách hành trì nên hoặc tạp tu, hoặc dùng tự lực, bị ma chướng rất nhiều. Rốt cuộc chỉ gieo được nhân giải thoát về sau chớ chẳng giải thoát được trong hiện tại.
Đây là lý do tại sao Tuệ Tâm chỉ khuyên người ta niệm Phật cầu vãng sanh. Trong ánh sáng nhiếp hộ của Phật A Di Đà, hành giả thường được an ổn, tiêu nghiệp tăng phước, các nạn ma hiếm khi gặp, lúc thọ mạng tận liền nương nơi Phật lực, vãng sanh về Cực Lạc, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi…
Bạn muốn đọc thêm chú hoặc tụng thêm kinh thì chịu khó niệm Phật lấy chừng 5 năm, lúc nghiệp tiêu trí rạng, chướng tận, phước tăng, đọc thêm cũng không có muộn gì!
Thúy trần viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cảm ơn Tuệ Tâm rất nhiều. Mình sẽ theo lời chỉ bảo của Tuệ Tâm.
Trước đây khi mới lấy chồng con khó có e bé, vc lấy nhau được gần 2 năm mà ko có e bé. Rồi 1 chị họ xa có nói chuyện bảo với con là: e gái của chị cũng lấy chồng 5 năm không có con rồi đi chùa đc mách bảo về nhà chuyên niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật vào buổi tối, trước khi đi ngủ và nghĩ đến mong muốn có con của mình và hơn tháng sau thì e của chị cũng có bầu e bé. Chị cũng bảo con nên làm như vậy, con cũng làm theo thì 1 tháng sau con cũng đậu e bé bây giờ bé học lớp 7 rồi. Nhưng lúc đó con cũng chưa được toàn tin vào đức Phật và nghĩ có khi là trùng hợp. Bẵng 1 thời gian dài, bây giờ con lại tìm hiểu đọc thông tin tìm hiểu về đức Phật và được Tuệ Tâm chỉ dẫn con đã toàn tin vào Phật rồi.
Con cảm ơn Tuệ Tâm.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm cho con hỏi, khi lần chuỗi niệm phật có cần phải cung kính nghiêm trang rửa tay sạch sẽ không ạ. Hay cứ tùy thời cầm chuỗi niệm cũng được. Vì để trị thói giải đãi nên con cứ tùy thời cầm chuỗi mà niệm, cũng không để ý lắm đến nghi thức ạ. Con xin cám ơn ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn cứ tùy thời mà lần niệm, không sao cả. Nhớ rằng chỉ dùng chuỗi lúc bình thường, khi ngồi tĩnh tọa chớ có dùng, vì “hễ lần chuỗi tâm sẽ khó lắng bặt suy tư, có thể bị bệnh.”
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
May quá được Tuệ Tâm chỉ dẫn, không con lại phạm phải điểm này mất. Nhưng con vẫn chưa phân biệt được giữa ngồi tĩnh toạ với ngồi thông thường khác nhau như nào ạ, mong Tuệ Tâm hướng dẫn. Hay là cứ ngồi là không nên lần chuỗi ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ngồi tĩnh tọa, ngắn gọn và dễ hiểu, là khi bạn ngồi xếp bằng(hoặc kiết già, bán già) chỉ để nhiếp tâm niệm Phật. Khi ngồi như thế thì không nên lần chuỗi.
Nếu mỗi lần có thể ngồi được tối thiểu 1 giờ thì nên thực hành thế này: “Khi ngồi niệm Phật nên buông rèm mắt xuống, tức là hạ thấp mí mắt xuống, chớ nên mở banh mắt. Mắt đã nhiếp rồi thì mũi cũng chẳng thể ngửi loạn được, tức là mũi cũng được nhiếp! Thân phải cung kính tức là thân cũng bị nhiếp. Sáu căn đã nhiếp, chẳng tán loạn thì tâm không vọng niệm, chỉ nghĩ đến Phật; đấy mới là tịnh niệm. Khi niệm thì tâm chuyên chú nơi danh hiệu Phật, tức là nhiếp Ý Căn. Miệng phải niệm sao cho rõ ràng rành rẽ, tức là nhiếp Thiệt Căn. Tai nghe cho rõ ràng rành rẽ tức là nhiếp Nhĩ Căn. Ba căn ấy được nhiếp trong Phật hiệu thì mắt quyết chẳng thể nhìn ngó loạn xạ.” Đây gọi là pháp “Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối” của Đại Thế Chí Bồ Tát dạy trong Kinh Lăng Nghiêm.
Bạn bật file của Thầy Nhuận Hà lên, niệm theo cách Tổ Ấn Quang dạy ở trên sẽ nhanh vào tịch tĩnh, vọng niệm ít sanh khởi. Ngồi chừng 1 vài tiếng cũng chỉ cảm giác như mới được mươi phút, thật vô cùng màu nhiệm!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con xin cảm tạ Tuệ Tâm chỉ dạy pháp mầu.
Con nghiệp chướng nặng nề, tâm lại vọng động thích chạy lung tung, nên tu theo pháp nhiếp trọn sáu căn rất khó. Mỗi ngày đều có thời khoá, nhưng cũng chỉ có thể duỗi chân, lưng dựa ghế mà niệm Phật (nói ra thật xấu hổ quá), trong lúc niệm thì tâm chạy mãi đâu đâu, nhiếp một căn cũng chẳng làm được.
Thôi thì cũng kệ, con cứ niệm. Tu kém tu vụng cũng được, đằng nào cũng vãng sanh.
Sau này nghiệp chướng dần tiêu trừ, con mới tu theo pháp nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối cũng chưa muộn phải không ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Thật ra cứ mặc kệ vọng niệm, khéo tu cũng được mà vụng tu cũng chẳng quan tâm. Chỉ cần tin chắc mình niệm Phật, nương nơi Bản nguyện của Phật, chắc chắn được vãng sanh là bậc nhất. Về Cực Lạc rồi muốn tu pháp gì cũng không có muộn.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con xin cám ơn Tuệ Tâm ạ.
Về pháp nhiếp tâm này, nếu chỉ nhiếp mỗi nhĩ căn thì hiệu quả so với nhiếp cả sáu căn như thế nào ạ? Con nhận thấy, trong sáu căn, nhiếp nhĩ căn thì rất dễ mà nhiếp ý căn lại khó hơn lên trời. Các pháp sư Huệ Tịnh, Tịnh Tông cũng dạy phương pháp lắng tai nghe này. Hơn nữa con từng nghe ở đâu đó, nếu nhĩ căn được nhiếp thì ý căn cùng các căn khác cũng tự được nhiếp theo.
Rất mong được Tuệ Tâm chỉ dạy. Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Nhiếp nhĩ căn thực ra đã bao gồm cả nhiếp ý căn, do chẳng tập trung thì tai không thể nào nghe rõ ràng được. Niệm Phật mà dùng tai lắng nghe thì ít vọng niệm, chớ không phải là không có, bởi vọng niệm là căn bản của chúng sanh nơi cõi này. Khi vọng niệm ít sanh khởi thì định lực sinh ra, có định lực thì trí huệ dần dần khai mở… Tất cả cũng chỉ là kỹ thuật, giúp hành giả nhanh phát sinh định lực, được khai mở trí huệ để độ sanh mà thôi. Còn như để giải thoát sanh tử thì chỉ cần tín nguyện niệm Phật, tịnh cũng được mà không tịnh cũng chẳng sao.
Tuy là kỹ thuật nhưng nền tảng của định lực vẫn là giữ giới. Nếu không giữ được giới, kỹ thuật có cao siêu đến đâu cũng chỉ sinh ra Tà Định. Mà một khi đã rơi vào tà định, hành giải khó phân biệt, rất dễ đọa lạc.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con đã hỏi rất nhiều mà Tuệ Tâm không nề hà sự phiền phức, lại còn trả lời tất cả vấn đề của con vô cùng thoả đáng. Con cảm thấy mãn nguyện lắm ạ. Xin tri ân Tuệ Tâm. Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm chỉ là phàm phu niệm Phật, trí huệ thô lậu. Những giải đáp cho bạn đọc, thật ra, cũng chỉ là nhắc lại lời dạy của chư Tổ đó thôi. Mong bạn vững tin hành trì!
Cung Kính viết
LIÊN HOA Ở THẾ GIỚI CỰC LẠC CÓ TÊN CỦA CHÚNG TA
Chủ giảng: Pháp sư Huệ Tịnh
Người dịch: Thích nữ Hòa Ý
Người đọc: Diệu Hương
——————————————–
Liên quan đến sự tiếp dẫn của liên hoa Phật A-di-đà. Tôi kể một câu chuyện.
Câu chuyện liên hoa ở thế giới Cực Lạc có tên của chúng ta, xảy ra ở Tam Trọng Đài Bắc, có một vị liên hữu, bà tên Lưu Kim Châu, năm nay 70 tuổi. Bà học Phật, niệm Phật cũng rất lâu rồi. Thời gian dài đều ở học hội tại Tam Trọng, đánh chuông, dẫn chúng niệm Phật. Con gái của bà cũng giống như vậy, tham gia đoàn thể niệm Phật, cũng làm duy-na dẫn chúng cộng tu. Chồng của Lưu Kim Châu không hề học Phật, nhưng cũng không phản đối bà Lưu Kim Châu học Phật, đến niệm Phật đường cộng tu niệm Phật.
Đến cuối năm, chồng của bà vãng sanh. Thỉnh hội niệm Phật ở Đài Bắc đến trợ niệm, kết được duyên này. Sau khi trợ niệm, thân thể của chồng bà mềm mại, ngoài thân thể mềm mại thì không còn thụy tướng nào khác. Nói nhìn thấy Phật tượng, liên hoa hoặc là Phật quang, hoặc là nghe tiếng thiên nhạc, hoặc là ngửi được hương thơm ngập tràn, hoặc là khi ai đó buổi tối đang ngủ thì mộng thấy người nào đó được Phật tiếp dẫn vãng sanh v.v., những điều này đều không có, chỉ có thân thể mềm mại mà thôi. Đồng thời cũng vì duyên như thế, bà liền tiếp xúc với pháp môn của chúng ta, rất thích pháp môn này của chúng ta, bởi đây mới là điều bà cần, vì thế bà liền rời khỏi đoàn thể kia, cũng dẫn theo rất nhiều người bước vào giáo đoàn này của chúng ta.
Vào giữa tháng 4 năm nay, bà và con gái của bà, con gái bà tên Lâm Tư Hảo đến đạo tràng của chúng tôi, gặp tôi, còn có chồng của Lâm Tư Hảo, chính là con rể của bà Lưu Kim Châu. Tôi biết họ đều là người học Phật, niệm Phật, con rể bà không thường niệm Phật, song cũng hộ trì một giáo đoàn. Giáo đoàn này chủ yếu hoằng dương Phật giáo nhân gian. Trong khi nói chuyện, tôi biết họ đều có học Phật, hơn nữa Lâm Tư Hảo có một bé con gái, khoảng 6, 7 tuổi. Tôi nói với họ, có thể khuyến khích cô bé của các vị niệm Phật, có thể khi cô bé ngủ sẽ mộng đến thế giới Cực Lạc.
Tôi kể một câu chuyện ví dụ, tôi nói, vào năm Dân quốc 80, tôi có từ Nhật Bản trở về ở tại nhà của em trai ở Tân Trang, Đài Bắc. Em trai tôi có một cô con gái, tên là Đỗ Kỳ Mục, đang học mẫu giáo lớn. Dưới sự khuyến khích của tôi, nên em trai cũng mua sách thiếu nhi Phật giáo và băng đĩa Phật giáo cho con gái xem. Một hôm, cô bé kể với tôi về giấc mộng đến thế giới Cực Lạc, còn có một vị Bồ-tát đưa cô bé đi. Thế giới Cực Lạc toàn là vàng ròng châu báu, đến đâu cũng sáng rực rỡ. Cô bé muốn ăn canh rau tím, chỉ là vừa động niệm mà thôi, thì trước mặt lập tức có một cái dĩa, dĩa đó làm từ bảo vật. Trên dĩa có một cái bát, bát cũng là bảo vật, trong đó có rau tím, cũng có canh, canh rau tím cũng lấp lánh, thế giới Cực Lạc rất đẹp đẽ. Khi cô bé đang kể thì con gái của em gái tôi, nhỏ hơn cô bé 1 tuổi vừa nghe thì liền nói, em không tin đâu, làm gì có nơi như thế. Tôi liền nói với đứa cháu này: “Cháu đừng không tin, cháu có thể thử xem”. Cô bé hỏi: “Thử thế nào ạ?” Tôi nói: “Buổi tối khi cháu sắp đi ngủ thì thành kính niệm Phật, như thế Phật A-di-đà sẽ dẫn cháu đến thế giới Cực Lạc”. Do tâm tư con nít rất đơn thuần, mọi người nói như thế thì cô bé liền nói: “Được ạ, vậy cháu thử xem ạ”. Cho nên ngay tối đêm ấy, cô bé thành kính niệm Phật rồi ngủ. Sáng sớm hôm sau ngủ dậy, cô bé liền nói với tôi: “Có thật đấy ạ, có thế giới Cực Lạc”. Đây là trải nghiệm của con gái của em trai và con gái của em gái tôi. Tôi kể trải nghiệm này cho Lưu Kim Châu và Lâm Tư Hảo nghe, bởi vì tôi nghĩ họ là gia đình học Phật, sẽ khuyến khích con gái trải nghiệm thực tiễn. Nếu không phải là gia đình học Phật thì e là sẽ không làm theo.
Cho nên, buổi tối hôm đó trở về, Lâm Tư Hảo nói với cô con gái nhỏ của mình, muốn cô bé niệm Phật khi ngủ, có thể mộng đến thế giới Cực Lạc. Qua mấy ngày sau, họ lại đến gặp tôi, kể lại buổi tối hôm đó, cô bé mộng đến thế giới Cực Lạc, cũng nghĩa là, buổi hôm hôm đó trở về, Lâm Tư Hảo nói với con gái cô, muốn cô bé niệm Phật đến thế giới Cực Lạc, cô bé cũng rất vui mừng, cho rằng niệm Phật được đến thế giới Cực Lạc thì thật hiếm có, nên cô bé vô cùng phấn khởi. Cho nên ngay tối đó liền nằm mộng đến thế giới Cực Lạc. Mộng đến thế giới Cực Lạc là cảnh tượng nào. Lâm Tư Hảo nói cô bé nhìn thấy ông ngoại ở thế giới Cực Lạc, hơn nữa ông ngoại rất trẻ, rất đẹp trai, đồng thời cũng nhìn thấy Phật A-di-đà, cũng thử vẽ lại Phật A-di-đà, Phật A-di-đà đứng trên hoa sen, đầu của Phật A-di-đà có từng hạt, từng khoanh nhỏ cũng vẽ ra. Mặc dù bức tranh cô bé vẽ không đẹp lắm nhưng ít nhất mức độ hình dung này của cô bé, Lưu Kim Châu, Lâm Tư Hảo nói với tôi như vậy.
Tôi liền hỏi ngược họ, tôi nói, cô bé mộng đến thế giới Cực Lạc, mộng cảnh là rất trang nghiêm, hơn nữa cảnh quan rất nhiều, cô bé chỉ nói ba của bạn ở thế giới Cực Lạc rất trẻ trung, cũng nhìn thấy Phật A-di-đà rồi vẽ hình ảnh Phật A-di-đà. Nhưng hãy hỏi cô bé về những cảnh tượng khác, căn cứ theo kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ để hỏi cặn kẽ cô bé. Cô bé có thể mô tả lại những gì cô bé đã nhìn thấy ở thế giới Cực Lạc, nếu không cô bé kể không hoàn chỉnh. Ví như có thể hỏi cô bé đất ở thế giới Cực Lạc như thế nào. Nhà cửa ra sao, cây cối hoa cỏ như thế nào. Còn có thế giới Cực Lạc có rất nhiều hoa sen, hoa sen đều có tên của người niệm Phật chúng ta. Bạn có thể hỏi thử có tên của mọi người không. Tôi nói với họ như vậy.
Hai mẹ con trở về liền hỏi cô bé.
– Có nhìn thấy hoa sen không?
– Có.
– Có nhìn thấy hoa sen, hoa sen có tên không?
– Có.
– Tên của ai?
– Có tên của mẹ, cũng có tên của bà ngoại Lưu Kim Châu, hơn nữa bà ngoại không chỉ là Lưu Kim Châu, bà là Lâm Lưu Kim Châu.
Bởi vì chồng của bà họ Lâm, nên thời xưa đều thêm họ của chồng. Cho nên chứng minh thư của bà là Lâm Lưu Kim Châu, nhưng bên ngoài thì đều dùng ba chữ Lưu Kim Châu, rất ít người gọi bà là Lâm Lưu Kim Châu. Cô cháu ngoại thế mà lại từ hoa sen ở thế giới Cực Lạc nhìn thấy nó, cho nên nói đùa với bà ngoại: Bà ngoại, tên của bà là Lâm Lưu Kim Châu, cho nên trên hoa sen ở thế giới Cực Lạc, xuất hiện tên của người niệm Phật có bà ngoại Lưu Kim Châu, mẹ Lâm Tư Hảo.
Còn hỏi:
– Ba con thì sao?
– Không có tên ba.
Vì ba của bé không niệm Phật, bởi đoàn thể mà ba cô bé hộ trì đó xem trọng Phật giáo nhân gian, không nhấn mạnh tương lai phải vãng sanh thế giới Cực Lạc.
Các vị liên hữu, câu chuyện này có hay không? Câu chuyện này có lẽ là cô bé bịa ra chăng, phải không? Không phải, cô bé này không bịa ra nổi câu chuyện thế này. Nam-mô A-di-đà Phật