Nghi ngờ là căn bệnh trầm kha trong cuộc sống hiện tại. Nguyên nhân chính là do thiếu Tri thức và cái tâm đầy loạn động của ta gây nên. Tuy không có hình tướng nhưng “Nghi ngờ” hủy hoại ta một cách rất tinh vi. Về mặt đời: Nó khiến cuộc sống của ta và những người xung quanh chẳng được chút an yên. Về mặt đạo: Nó đoạn hết sạch thiện căn của ta, khiến ta không thể nào đặt được chân vào đường giải thoát. Sanh tử luân hồi thế nào, muôn kiếp vẫn y nguyên như thế!
“Nghi” có nghĩa là không phân biệt được được đúng sai nên chẳng tin nhận, “Ngờ” ở đây nghĩa là ngờ vực. Như thế, nghi ngờ là một trạng thái tiêu cực của tâm thức, do không thể phân biệt được đúng hay sai nên không tin và ngờ vực những điều mình thấy biết.
Trong Phật Pháp, Nghi ngờ là một trong 10 Kiết Sử, nghĩa là một trong mười thứ trói buộc và sai sử, khiến người ta luôn sống trong khổ đau. Nghi ngờ có ba phương diện:
- Nghi mình: Tức là nghi ngờ chính bản thân mình, không thể phân biệt được mình đúng hay sai.
- Nghi người: Tức là nghi ngờ hành động, lời nói và việc làm của người khác. Cho dù việc người làm có lợi cho mình đi chăng nữa cũng không chịu tin là đúng.
- Nghi pháp: Tức nghi ngờ lời dạy của Thánh nhân, của Phật của Tổ. Dù lời dạy để giúp mình hết khổ đau, được hạnh phúc, nhưng mình cũng chẳng chịu tin nhận, chẳng chịu thực hành.
*
Những người có tánh đa nghi thì ngoài xã hội chẳng tin đã đành, ngay cả đối với bạn bè và người thân, họ cũng thấy không có ai tin cậy. Sống mà tâm thức bị dày vò như thế chẳng phải là quá đau khổ hay sao?
Điều nguy hại nhất hiện nay là đa phần người ta sống trong nghi ngờ và tôn vinh nó. Việc này khiến niềm tin trong xã hội trở nên vô cùng hiếm hoi. Những thể chế gian dối lường gạt, nơi người ta chẳng biết tin vào điều gì thì chẳng cần nói; nhưng lạ kỳ thay: Chính những nền văn minh đề cao tự do, lại chính là nơi nghi ngờ được ca tụng và cổ xúy như một thứ tà giáo ma mị. Nó khiến lòng tin về những điều tốt đẹp của con người bị xói mòn đến cùng cực. Và đau xót hơn: Nó khiến người ta không biết mình phải tin vào điều gì, sống vì điều gì!
- Thân người khó được, Phật pháp khó nghe.
- Cách đi lễ Chùa đúng pháp.
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
- Khẩu nghiệp họa hại như thế nào.
- Bị vong nhập, chuyện giờ Thầy mới kể.
- 33 Tầng trời trong Phật giáo là những gì.
- Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa – Cẩn thận phạm vọng ngữ.
Luận về nguyên nhân và sự nguy hại của Nghi ngờ
Nghi ngờ còn gọi là “Hoài Nghi.” Người thế gian suốt đời cứ nghi ngờ hết việc này đến việc khác. Ai nói gì cũng không tin, ai làm gì cũng không theo, nên rốt cuộc không làm nên được việc gì cả. Ðối với người thân trong gia đình, họ không tin cậy giao phó công việc; đối với bạn bè, họ nghi ngờ tất cả mọi thiện chí. Ngay đối với mình, họ cũng không tự tin nữa. Ðã không tự tin, họ còn gây hoang mang cho người chung quanh, làm cho người khác ngã lòng, thối chí.
Tạng Thư Sống Chết luận: “Tâm chúng ta thường giao động và hoang mang vì hoài nghi. Đôi khi tôi nghĩ “Nghi” quả là một chướng ngại bế tắc tiến hóa nhân loại hơn cả tham lam chấp thủ. Xã hội chúng ta đề cao sự khôn khéo thay vì trí tuệ, và ca tụng những khía cạnh nông cạn, khó chịu và ít lợi ích nhất của trí thông minh. Chúng ta đã trở nên quá tinh khôn và loạn thần kinh đến nỗi ta xem chính hoài nghi là chân lý, và sự hoài nghi – mà chỉ là nỗ lực vô vọng của bản ngã để tự vệ – lại được thần thánh hóa xem như mục tiêu và kết quả hiểu biết.
*
Hình thức hoài nghi nhỏ nhen thấp kém này là chúa tể thảm hại của luân hồi sinh tử, được phụng sự bởi một đám “chuyên gia”, chuyên dạy cho ta không phải thứ hoài nghi rộng mở mà Phật xác nhận là cần thiết để thử nghiệm nền giáo lý, mà một hình thái hoài nghi phá hoại, không chừa lại cho ta một điều gì để tin vào, không có gì để hy vọng, và không có gì để sống theo.
Như thế nền giáo dục hiện đại đã nhồi sọ chúng ta trong sự tôn vinh hoài nghi. Trong đó muốn được xem là thông minh thì ta phải hoài nghi tất cả mọi sự. Phải luôn luôn bới lông tìm vết và ít khi hỏi có cái gì là đúng, tốt lành; phải chế nhạo mọi lý tưởng tâm linh, mọi triết lý ta thừa hưởng; hoặc nhạo báng bất cứ gì được làm với tâm vô tư và thiện chí.”
Có một “Sự Nghi ngờ cao cả”
Đức Phật kêu gọi ta đến một hoài nghi khác: “Như phân tích vàng: Nướng nó lên, cắt, cọ xát để thử tính chất nó có thực sự là vàng ròng hay không.” Để có được thứ hoài nghi thực sự sẽ đưa ta đến chân lý ấy, muốn theo đến cùng, quả thực chúng ta không đủ tri kiến, can đảm, và cũng không được huấn luyện để làm việc ấy. Chúng ta đã được huấn luyện cho quen cái thói mâu thuẫn, vẫn thường xuyên tước đoạt khỏi ta hết mọi sự cởi mở, để đón nhận bất cứ một sự thật nào khoáng đạt và cao quý hơn.
Thay vì hình thái hoài nghi chấp đoạn diệt như hiện nay, tôi sẽ mời bạn đặt một nghi vấn mà tôi gọi là “hoài nghi cao cả.” Một thứ hoài nghi vốn là một thành phần làm nên con đường đưa đến giác ngộ. Chân lý rộng lớn của những giáo lý mật tông được truyền lại cho chúng ta ngày nay, quả không phải là một cái gì mà thế giới đang lâm nguy hiện nay có thể bác bỏ được.
*
Thay vì nghi ngờ những giáo lý ấy, tại sao ta không nghi ngờ chính ta: Sự ngu dốt của ta, sự hợm hĩnh tự cho ta đã hiểu biết tất cả mọi sự; thói chấp thủ và tránh né của ta; lòng say mê đối với những cái gọi là giải thích thực tại…Những giải thích không giống chút nào với trí tuệ bao la khả úy, mà những bậc thầy, những sứ giả của Thực tại, đã cho ta biết? Loại hoài nghi cao cả ấy giục ta tiến lên; gợi cảm hứng cho ta, thử thách ta; làm cho ta càng ngày càng trở nên chân thực; thêm năng lực cho ta và kéo ta lại gần từ trường của chân lý.
Khi gần những bậc thầy, tôi thường hỏi đi hỏi lại những vấn đề tôi cần giải đáp. Đôi khi tôi không được những giải đáp rõ ràng; song tôi không nghi ngờ thầy, hay nghi ngờ nền giáo lý. Đôi khi tôi có thể nghi mình chưa đủ trình độ tâm linh; hoặc nghi khả năng nghe (văn tuệ) của mình chưa đủ để hiểu trọn vẹn.
Và thường khi, tôi cứ tiếp tục hỏi đi hỏi lại cho đến khi có được một giải đáp rõ ràng. Và khi giải đáp ấy đến, vang lên một cách mạnh mẽ trong sáng trong trí tôi; tim tôi nhói lên một niềm tri ân đón nhận. Khi ấy trong tôi phát sinh một lòng tin kiên cố. Cho dù cả thế giới đầy những người nhạo báng cũng không phá hoại nổi.
Bản chất của Nghi ngờ là thiếu Tri Kiến
Tôi nhớ vào một đêm mùa đông trăng sáng. Tôi cùng lái xe với một trong những sinh viên của tôi từ Paris xuống Ý. Bà ta là một nhà chữa tâm bệnh, và đã qua nhiều loại huấn luyện. Bà bảo tôi, điều bà nhận thấy là: Càng biết nhiều, ta càng nghi ngờ nhiều; và càng viện cớ để nghi mỗi khi sự thật bắt đầu động chạm đến mình một cách sâu xa. Bà bảo, bà đã cố nhiều lần để chạy trốn giáo lý này, nhưng cuối cùng bà nhận ra rằng không chạy đâu thoát được; vì thực sự là bà đang chạy trốn chính mình.
Tôi bảo bà rằng hoài nghi không phải là một cái bệnh. Đó chỉ là một triệu chứng của thiếu ‘Tri kiến’, thiếu sự nhận chân về bản tính tự nhiên của tâm. Khi có Tri kiến, thì không thể nào nghi ngờ gì nữa; vì khi ấy ta sẽ nhìn thực tại với chính con mắt của thực tại. Nhưng khi ta chưa đạt giác ngộ, tôi nói, thì đương nhiên phải còn hoài nghi. Vì nghi ngờ là hoạt động căn bản của cái tâm chưa ngộ. Và cách duy nhất để xử lý những hoài nghi là: Không đàn áp chúng, nhưng cũng không say mê theo chúng.
*
Cần có sự khéo léo để xử lý những hoài nghi; nhưng tôi để ý ít ai biết cách theo dõi những hoài nghi hoặc xử dụng chúng. Có phải mỉa mai chăng, trong một nền văn minh sùng thượng thế lực của sự giảm giá và hoài nghi như vậy, lại không có ai can đảm để hạ giá chính những tuyên bố của hoài nghi, để làm như một bậc thầy Ấn Độ đã nói:
“Hoài nghi chính cái sự hoài nghi; lột mặt nạ tính đa nghi và tìm xem nó có nguồn gốc từ nỗi tuyệt vọng nào? Nó tới từ nỗi sợ hãi gì và nó từ đâu tới? Khi ấy hoài nghi không còn là một chướng ngại, mà là một cánh cửa mở đến thực chứng; và mỗi khi hoài nghi xuất hiện trong trí, một người tầm đạo sẽ đón nó như một phương tiện để đi sâu vào sự thật.”
Có một câu chuyện về một thiền sư mà tôi rất thích. Thiền sư này có một đệ tử trung thành nhưng rất ngốc nghếch. Y luôn xem ông như một vị Phật sống.
Một hôm tình cờ ngồi trên một cây kim. Ông la lên “Ối” rồi tung mình lên để tránh. Người đệ tử liền mất hết tin tưởng nơi vị thầy và bỏ đi. Anh bảo rằng anh ta rất thất vọng vì thấy thầy mình chưa chứng đạo. Bởi nếu chứng thì ông đã không nhảy lên mà la lớn như thế.
Vị thầy buồn bã khi nghe người đệ tử đã bỏ đi, và bảo: – Tội nghiệp cho y! Nếu y hiểu được rằng kỳ thực không có ta, không có cây kim, cũng không có tiếng la nào thực hữu!
*
Ta không nên lập lại cái lỗi của người đệ tử nọ. Đừng nên xem những hoài nghi quan trọng quá mức. Đừng để cho chúng lớn quá cỡ, hay trở nên cuồng tín về chúng. Điều ta cần học là: Làm thế nào dần dần chuyển được sự vướng vào hoài nghi, do bối cảnh văn hóa, thành ra một hoài nghi có tính chất hài hước và bi mẫn.
Điều này có nghĩa hãy cho những nghi ngờ có thời gian; và cho chúng ta có thời gian, để tìm giải đáp cho những nghi vấn của mình. Những nghi vấn không phải chỉ có về phương diện tri thức hay triết lý, mà thực, sống, và có thể giải được. Những hoài nghi không thể tự chúng giải quyết ngay; nhưng nếu chúng ta đủ kiên nhẫn thì một khoảng không có thể được sinh ra trong nội tâm ta. Ở đó những hoài nghi có thể được xem xét cẩn thận, khách quan; và do đó được gỡ rối, được giải quyết.
*
Không nên quá hấp tấp để giải quyết tất cả mọi vấn đề và hoài nghi của bạn; vì các bậc thầy nói: “Hãy gấp rút một cách từ từ.” Tôi luôn luôn bảo sinh viên tôi đừng có những mong đợi phi lý, vì sự tiến bộ tâm linh cần thời gian. Muốn học Nhật ngữ thật giỏi, hay trở thành bác sĩ, cũng phải cần nhiều năm. Làm sao chúng ta có thể hy vọng có được tất cả những giải đáp chỉ trong vài tuần, huống gì là đạt giác ngộ?
Cuộc hành trình tâm linh là một cuộc học hỏi và thanh luyện không ngừng. Khi biết như vậy, bạn sẽ trở nên khiêm cung. Có một châm ngôn Tây Tạng rằng: “Đừng lầm hiểu với chứng ngộ, và đừng lầm chứng ngộ với giải thoát.”
Và Milapera nói: “Không nên hy vọng chứng đạo, mà hãy hành đạo suốt đời bạn.”
Một trong những điều tôi thích nhất trong truyền thống tôi, là sự thực tế giản dị, và ý thức mãnh liệt rằng: Những thành tựu lớn nhất cần có sự kiên nhẫn sâu xa và thời gian dài nhất.”
Bóng tối nghi ngờ
Trong Hiểu Về Trái Tim, Ngài Minh Niệm bảo: “Khi không hiểu được sự thật thì ta dễ phát sinh thái độ nghi ngờ. Đây là một loại phản ứng bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình. Bởi hầu hết những nghi ngờ của ta đều cho rằng người kia có thể là kẻ xấu, chứ ít khi nào ta nghi ngờ ngược lại. Trong khi bản chất của sự nghi ngờ chỉ là thái độ thắc mắc, suy đoán, hay thử đặt ra những giả thuyết khác có thể xảy ra. Nên đó cũng là cơ hội tốt để ta bắt tay vào công trình khám phá thêm sự thật về đối tượng ấy.
Nhưng thói quen “kinh điển” của ta là: Khi nghi ngờ điều gì thì hầu như ta tin chắc đó là sự thật. Ta không muốn tìm hiểu hay khám phá thêm nữa. Thậm chí, khi được cung cấp những thông tin có cơ sở, chứng minh rõ ràng để giúp ta hiểu đúng đắn hơn về đối tượng ấy, thì ta cũng không dễ dàng mở lòng ra tiếp nhận.
Ta luôn nghĩ:
Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người”.
Ta biến lời nhắc nhở nên cẩn thận, khi đặt niềm tin thành câu thần chú bất di bất dịch, để che đậy sự sợ hãi, yếu đuối và thiếu trách nhiệm của mình. Thế nên, có khi sự thật hiện bày sờ sờ ra đó nhưng ta lại chìm đắm trong những vọng tưởng miên man; rồi rơi vào những nhận thức và phán xét sai lệch.
*
Càng sống trong điều kiện tiện nghi thì nội lực của ta càng yếu kém. Khả năng quan sát tinh tường để quyết đoán đúng sai, hay thật giả của ta, không còn nhạy bén như xưa nữa. Ta đã đặt đời sống của mình ở bên ngoài quá nhiều; đã hy vọng điều kiện hạnh phúc từ những đối tượng khác quá lớn. Cho nên lúc nào ta cũng lo sợ nghịch cảnh sẽ ập tới.
Nếu ta từng bị lừa dối, từng lăn xả trong chốn thương trường hay hoạt động chính trị. Ta rất dễ hình thành thói quen cảnh giác với tất cả mọi đối tượng, dù đó là ai. “Không có lửa thì làm sao có khói.” Ta vẫn thường dùng hình ảnh này để giải mã mọi vấn đề. Trong khi thực tế không có vấn đề nào giống hệt như vấn đề nào. Cũng như khói không nhất thiết phải sinh ra từ lửa; vì ngay cả khí lạnh cũng có thể sinh ra khói kia mà.
Ngay khi người kia không có một tín hiệu nào khả nghi cả, họ rất tốt và dễ thương, ta biết rõ điều ấy nhưng ta vẫn không cưỡng lại nổi cố tật nghi ngờ của mình. Ta nghĩ thà nghi lầm còn hơn là tin lỡ. Đó là một sai sót rất lớn của cơ chế tâm lý. Nếu không chữa trị thì sớm muộn gì nó cũng chuyển sang mức độ nặng hơn, như là phán xét hay vu khống. Trong khi một người có nội lực vững vàng thì không bao giờ nghi ngờ người khác làm điều xấu với mình. Vì họ có đủ sức ứng phó một cách bình thản trước mọi biến động.
*
Lỡ như những nghi ngờ của ta hoàn toàn đúng với sự thật thì sao? Ta mong muốn kết quả nào? Dường như ta đang cố gắng phanh phui những điểm yếu, hay những vụng về lầm lỡ của người kia; để ta tránh xa hoặc cổ vũ người khác tẩy chay họ, chứ không phải để hiểu và thương họ hơn.
Phần lớn những nghi ngờ của ta đều nhắm vào mục đích thỏa mãn bản ngã. Dù có khi ta nhân danh tập thể hay cộng đồng nào đó để lên tiếng. Vậy có khi nào nhân danh đạo đức hay tình nhân ái mà ta chú ý đến những cái hay cái đẹp để ca ngợi; còn những biểu hiện khả nghi kia, ta vẫn im lặng quan sát và tìm cách giúp đỡ không?
Tại sao ta không giữ thái độ tôn trọng người ấy dù ta đang có vài nghi ngờ về họ? Tại sao ta không tự hỏi do người ấy rất đáng để ta nghi ngờ, hay tại ta mắc chứng bệnh nghi ngờ quá nặng? Tại sao ta không dám đứng ra xin lỗi người ấy khi phát hiện ra mình đã nghi oan cho họ? Thế nên, nghi ngờ thường chỉ làm cho ta yếu đuối và hèn nhát hơn mà thôi.
*
Ta không hề biết rằng: Mỗi khi phát sinh ý niệm nghi ngờ kẻ khác. Dù họ có xấu thật hay không, thì trong tâm ta đã tạo ra một nguồn năng lượng rất độc hại. Nó đốt sạch năng lượng an lành trong ta; khiến ta đánh mất cơ hội tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm. Bởi vì lúc nào ta cũng bận tâm tìm kiếm thêm chứng cớ.
Dù ta chưa thốt ra lời nói hay hành động nào để thể hiện sự nghi ngờ. Nhưng một khi ta đã hướng tâm tới người khác để gửi sự nghi ngờ, tức là ta đã gửi đi một năng lượng xấu. Đúng hơn là ta nợ họ một cảm xúc xấu. Theo “quy luật cân bằng cảm xúc” thì họ sẽ tìm cách trả lại ta một cảm xúc xấu khác tương ứng – Nếu họ nhận ra sự nghi ngờ của ta có tính chất xấu. Còn không, vũ trụ cũng sẽ nhờ đối tượng khác trả lại ta một cảm xúc xấu khác.
Tệ hại nhất là ta lỡ nghi oan cho một bậc nhân từ, đức hạnh – Nơi quy tụ vô số năng lượng an lành của vũ trụ – Thì hậu quả sẽ khôn lường. Đó là món nợ cảm xúc khổng lồ, ta và con cháu ta nhiều đời mới trả hết. Cho nên, đừng bao giờ dễ dãi buông ra sự nghi ngờ. Hãy tập tự hối tâm, hoặc bày tỏ sự ăn năn trực tiếp, khi phát hiện ra mình đã lỡ nghi oan cho ai đó, để hóa giải phần nào hậu quả.”
Về sự nghi ngờ trên đường Đạo
Một bạn đọc hỏi: “Tôi có tánh nghi ngờ rất sâu nặng. Đối với pháp môn tịnh độ, mặc dù tôi rất cung kính, không dám kinh nhờn. Nhưng tôi vẫn không thể dứt khỏi hoài nghi. Tôi cũng biết rằng nếu lỡ mất cơ duyên này thì vạn kiếp nan tao ngộ, cũng biết rằng nghi hoặc lời Phật là sai, nhưng không biết làm sao để đoạn nghi ngờ, sanh tín tâm. Xin cho tôi một lời khuyên…”
Tôi bảo: “Cái tánh nghi ngờ sâu nặng ấy của bạn là do chướng nghiệp ngăn che; là tập khí từ nhiều đời nhiều kiếp rồi, không phải bây giờ mới có đâu! Rất có thể trong một kiếp nào đó, do học Phật nhưng hủy báng pháp môn Tịnh Độ mà chiêu cảm lấy. Cho nên nay gặp được Pháp môn Tịnh Độ, nghi mà vẫn cung kính là nhờ sức gia bị của Tam Bảo mà được. Nếu không có sức gia bị ấy, chắc đã sanh tâm hủy báng lâu rồi.
*
Đối trị cái tập khí ấy khó nhưng không phải là không có cách. Cách ấy đơn giản như thế này: Hễ khi tâm mình khởi một niệm nghi ngờ thì ngay đó khởi niệm xin sám hối; rồi niệm Phật lấy ít câu, cầu Phật gia bị cho sớm được tiêu trừ túc nghiệp. Niệm Phật xong thì miệng tự bảo mình thế này: Cảm ơn ông! Nhờ cái tà kiến của ông nên đến hôm nay, không biết bao nhiêu đức Phật đã ra đời rồi mà tôi vẫn đang còn nổi chìm trong cõi Ta Bà đầy trược ác này, khổ không để đâu cho hết! Xin ông từ bi tha cho tôi. Nam mô A Di Đà Phật!
Kinh Hoa Nghiêm dạy: “Lòng tin là bước đầu vào đạo, là mẹ của tất cả công đức…” Cho nên: Người tin Phật, học Phật thì được lợi ích; còn như chẳng tin thì muôn kiếp trôi lăn theo gió nghiệp, xuống lên trong sáu nẻo, chẳng biết bao giờ ra được khỏi tam giới! Lại ta là phàm phu, nghiệp sâu chướng nặng, bị nó ngăn che nên tâm sanh khởi vô biên các loại tà kiến. Cho nên, để đoạn nghi sanh tín thì phải hiểu được rằng: “Mình là phàm phu đầy ngã chấp, trí huệ không có. Chỉ nên ngửa mặt tin lời Phật, lời Tổ là tốt nhất. Bởi chỉ có ta nói dối, chớ Phật hay Tổ không bao giờ dối gạt chúng sanh.”
Pháp môn Tịnh Độ trọng yếu ở niềm tin, vãng sanh hay không cũng do niềm tin quyết định. Nay gặp rồi mà không đoạn được nghi tâm, ắt sẽ lại lấy địa ngục làm nhà trong muôn kiếp; chẳng phải là đáng kinh sợ lắm hay sao?
*
( Nghi ngờ là căn bản khổ của kiếp người )
Tuệ Tâm 2022.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật,
Xin kính chào Tuệ Tâm.
(Con có mail Tuệ Tâm nhờ trợ giúp mà chưa thấy có phản hồi, có lẽ đã bị xếp vào mục spam nên Tuệ Tâm chưa nhìn thấy, con đành tìm bài viết đúng chủ đề này để đăng lên đây. Nếu Tuệ Tâm thấy không tiện trả lời công khai thì con mong được Tuệ Tâm email riêng chỉ dẫn, hoặc câu hỏi của con khó có được câu trả lời thì kính xin Tuệ Tâm xoá bình luận này giúp con)
1. Hiện tại quá trình tu tập của con phát sinh chướng ngại. Nhiều năm về trước lúc mới học Phật, do hành trì lâu ngày không cảm ứng nên sanh nghi ngờ, về sau học Phật lâu rồi mới biết cái nghi ngờ ấy là sai, khó khăn lắm mới chế phục được để nó không khởi lên. Nhưng có lẽ do tập khí nghi quá nặng đã ăn sâu vào tâm thức hay sao mà tự nhiên mấy hôm nay khi con phát tâm chăm chỉ tinh tấn niệm phật hơn mọi khi thì trong đầu con lại tự nhiên bật lên những niệm nghi ngờ như khi trước. Con sợ lại rơi vào lưới nghi không lối thoát như xưa nên vội vàng mail hỏi Tuệ Tâm cách xử lý.
Cái nghi này của con có lẽ không phải do ác kiến hay ác tư duy gây nên, vì dù sao con cũng đã nhiều năm đọc Phật pháp cùng lời dạy của các bậc Cổ Đức, nên dù cái thấy biết phàm tình có đôi chút sai lệch nhưng không đến nỗi quá đáng tới mức gây oan trái không dứt. Con cảm giác cái nghi này do nghiệp chướng ngăn che, hoặc do quen thói xưa kia mà thành.
Con tự ý thức được sức mình tuy đôi lúc có thể tạm chế ngự, nhưng chẳng đoạn thể tận gốc nghi được nên muốn niệm Phật để tiêu trừ cái nghiệp này, nhưng khi niệm Phật lại lo lắng khôn nguôi rằng: mình tín tâm yếu mỏng, tâm vướng nghi ngờ thế này, không biết nếu niệm Phật thì có cảm được Phật gia trì cho tiêu nghiệp đoạn nghi không? Ôi nếu không được thì xong đời mất rồi. Vì vậy nên niệm Phật mà tâm mãi chẳng an.
2. Con xem thấy trong phần bình luận có nhiều bạn đọc gặp chướng ngại đạo đời, thấy Tuệ Tâm nhiều lần khuyên họ hành trì nghi thức niệm Phật sáng tối. Cho con hỏi nếu con hành trì theo như vậy thì có thể tiêu trừ nghiệp chướng, đoạn sạch nghi hoặc không? Nếu có thể được xin thề sẽ dốc lòng phụng hành, đến chết không đổi.
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuần vừa rồi Tuệ Tâm bận việc nên không trả lời được, mong bạn tùy hỉ. Sáng Tuệ Tâm có gửi mail cho bạn rồi, bạn kiểm tra lại mail nhé!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa Tuệ Tâm, con để ý là khi bình thường không nghĩ ngợi gì cả thì tâm con rất an ổn, mọi lời của bậc Thánh đều thấy đó là tự nhiên, không cần bàn cãi gì. Nhưng khi con nghĩ tới lời khuyên của cổ đức rằng cần phải tin lời Phật, Tổ; lúc đó con liền khởi niệm cố gắng muốn tin tưởng, nhưng càng muốn tiến thì lại càng bị lùi, càng cố tin lại càng phản tác dụng, sanh khởi những nghi nan như liệu có thật không,…, khiến tâm trí lao xao mệt mỏi. thì liền rắc rối.
Con xin được thỉnh giáo thiện tri thức, đây là loại tâm bệnh nào ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ý nghiệp thuộc về Tế, ta là phàm phu học Phật, cốt yếu giữ giới ở dạng Thô, tu trì lâu năm may ra mới khống chế được Tế, còn dạng Vi Tế thì vô cùng khó đoạn trừ.
Nghi là căn bản của phàm phu thời mạt bọn ta, bạn nên xác định là chuyện bình thường, đừng cố gắng chống trái, cũng đừng lo lắng làm gì, chỉ phiền não vô ích mà thôi. Nó khởi kệ nó, không khởi cũng kệ nó, tốt xấu cũng kệ nó, cứ an nhiên mà niệm Phật. Vì nếu ta kệ thì nó đến rồi đi, nếu ta để ý đến ắt bị nó dắt đi rồi phiền não không an, thật không cần thiết!
Người học Phật khi hiểu sâu về nhân quả, giáo lý, thường tự làm khổ chính mình vì “lấy giới của người xuất gia áp cho hàng tại gia.” Chính vì vậy mà càng tinh tấn tu trì càng thấy mình thêm phiền não. Khuyên bạn buông hết ra, tâm khởi gì kệ nó, cứ an nhiên niệm Phật cầu vãng sanh mà thôi. Phần Giới hạnh thì chỉ trọng yếu ở 5 giới căn bản, tức không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Ta giữ trọn được phần thô là tốt lắm rồi, đừng ép buộc mình phải giữ ở mức Tế hay Vi Tế. Ta đều là phàm phu, mà phàm phu thì không ai không có lỗi lầm. Có lỗi lầm thì sám hối, vậy thôi, chớ ép mình phải làm thánh nhân mà phiền não không an. Phật tử ngày nay lầm lạc ở điểm này nhiều vô kể, vì tự mình làm khổ mình nên tu mà chẳng được an vui, thật đáng tiếc lắm thay!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con mới thực hành theo Tuệ Tâm nói, buông bỏ hoàn toàn sự khống chế đối với tâm nghi hoặc ra. Quả thật là cảm thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nhưng tâm nghi với Pháp nó cũng khởi mạnh mẽ hơn thường ngày. Nó càng khởi thì con càng chẳng quan tâm đến nó, cũng không sao hết.
Thế nhưng con chỉ lo mỗi một điều là nghi như thế thì chướng ngại vãng sanh mà thôi. Con có nên buông luôn cái lo này đi không ạ? Vì vãng sanh là chuyện con đã mong chờ suốt cả đời rồi, khó mà không lo lắng được.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Buông nốt đi bạn! Phải luôn nhớ rằng: “Mình niệm Phật là thuận theo Bản Nguyện của Phật A Di Đà, chắc chắn được vãng sanh. Người ta niệm 10 câu còn vãng sanh, ta niệm Phật cả đời chẳng nhẽ Phật lại bỏ rơi hay sao?” Phật A Di Đà không bao giờ nguyện dối, cho nên ta niệm Phật cầu vãng sanh thì “Bình Sanh Nghiệp Thành”, nghĩa là quả vãng sanh đã thành tựu, có gì đâu mà phải lo lắng?
Khuyên bạn nên thường xuyên nghe các video được Tuệ Tâm chia sẻ, một thời gian, tâm sẽ vững như bàn thạch mà thôi. Lúc đấy dù có nghe pháp sư khác dạy ngược lại, tâm cũng không còn nghi hay dao động!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Dạ vâng, con sẽ buông hết ra. Con cũng sẽ cố gắng sắp xếp để nghe Pháp. Con xin cám ơn Tuệ Tâm nhiều
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Buông đi bạn, tâm bám chấp khiến ta không yên, nó khởi gì kệ nó, đừng lo lắng mà bị nó dẫn dắt nhé!
Cung Kính viết
Dạ thưa Tuệ Tâm
Con đã thực hành niệm Phật hai thời khoá sáng tối được một thời gian.
Hiện giờ con đã có sự hiểu biết rõ ràng rằng những gì Phật thuyết đều là sự thật (dù trước đây cũng thường được nghe câu này rất nhiều lần nhưng giống như nước đổ lá khoai, gần đây mới bắt đầu thể hội sâu sắc hơn trước). Và cũng do vậy nên con đã hiểu rằng Phật thuyết pháp môn Tịnh Độ cũng chân thật, chân thật từ cảnh giới đến nhân vật. Và con cũng hoàn toàn hiểu những hoài nghi của mình là vô lý, sai lầm.
Nhưng con vẫn không hiểu, tại sao đã có sự hiểu biết rõ ràng như trên rồi nhưng trong tâm vẫn có một lực cản vô hình nào đó ngăn cản con khiến cho con khó chấp nhận sự thật ấy. Có lẽ cũng do thế giới kia quá thù thắng tuyệt diệu, còn tâm lượng phàm phu lại nhỏ hẹp nên không thể tiếp nhận nổi chăng.
***Hiện giờ con phải làm gì tiếp ạ? Có cần phải kiêm thêm phương pháp đối trị nào nữa không ạ?
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
“tại sao đã có sự hiểu biết rõ ràng như trên rồi nhưng trong tâm vẫn có một lực cản vô hình nào đó ngăn cản con khiến cho con khó chấp nhận sự thật ấy.”. Cái này gọi là “Tập Khí”, nó đã huân tập trong tạng thức của ta trong vô lượng vô biên kiếp. Chính vì “nó” nên hiện nay ta vẫn ở trong sanh tử luân hồi. Cái tập khí này không ai không có, chỉ là nhiều hay ít mà thôi. Và để đoạn trừ được nó, trừ bậc Tổ sư giới hạnh tinh nghiêm, hoặc bậc thị hiện ra, gần như là chuyện không thể! Vì vậy bạn nên siêng năng niệm Phật, còn nó khởi hay không kệ nó, chẳng ảnh hưởng gì đến chuyện vãng sanh của ta cả. Nếu nó khởi lên thì niệm Phật lấy ít câu, đừng chống trái, muộn phiền hay khởi niệm đoạn trừ nó. Phàm phu bọn ta nghi đủ thứ, hơi đâu mà quan tâm đến làm gì!
Cung Kính viết
Ôi nếu thật thế thì còn gì bằng ạ. Nếu không ảnh hưởng đến vãng sanh thì con cũng chẳng bận tâm làm gì nữa.
Cảm tạ Tuệ Tâm rất nhiều.
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa Tuệ Tâm gần đây con đang có một vấn đề. Con thấy mình càng niệm Phật thì nghi phiền não càng khởi lên lừng lẫy, giống như voi say điên cuồng quấy phá vậy (con làm theo lời Tuệ Tâm khuyên là mặc kệ và không cố chế ngự nó nữa).
1. Vậy con muốn hỏi là tình trạng gần đây của con có phải dấu hiệu xấu gì không ạ, vì chắc chắn không phải là Phật hiệu khiến người khởi phiền não được.
2. Những lúc như thế con có nên tiếp tục niệm Phật không hay nên tạm dừng rồi niệm sau ạ?
Con xin cám ơn.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Theo chỗ ngu kiến của Tuệ Tâm thì đấy chỉ là thử thách thôi. Người không thật tu thì thôi, còn một khi đã chân thật hành trì, đến một ngưỡng nào đó sẽ có thử thách. Những lúc tâm rối loạn như thế thì nên tạm dừng, đi lại, hoặc ra ngoài làm việc khác, lúc tâm an tịnh thì vào niệm tiếp, đừng ép mình thái quá! Tu là một quá trình lâu dài, không phải chuyện sớm chiều, 1 năm hay 10 năm. Phải uyển chuyển dụng tâm thì mới bền lâu được!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, nương nhờ Phật lực, con đã gần như không còn phiền khổ, lo sợ vì nghi ngờ nữa. Nhưng có những lúc đột nhiên những suy nghĩ tiêu cực như trước lại dội lại, làm con thấy khó chịu vô cùng, có lúc con cảm thấy khó thở và như có cái gì đó chèn ép trong lồng ngực mình mỗi khi những niệm đó khởi lên. Con không biết tại sao lại có cảm giác này ạ?
Có lẽ do sự ám ảnh ấy quá nặng (6,7 năm trường con sống hoàn toàn chìm trong nỗi lo sợ ấy), nên giờ tuy đã được thoát khỏi một thời gian rồi nhưng tập khí vẫn còn nguyên đó chăng? Cho nên nhiều lúc nó ảnh hưởng tới con mà con cũng không biết nên làm gì, chỉ để nó như vậy mà thôi, mặc dù có hơi khó chịu nhưng không có cách nào cả.
Con cúi xin thầy chỉ bảo ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Thời nay vô cùng nguy ngập, chúng sanh ác nghiệp sâu dày, lại thêm nhiều thế lực tà ác, đi cùng những trường năng lượng tiêu cực, độc hại, tràn ngập nhân gian…Phàm phu chúng ta không có lực, tuy được Phật lực che chở nhưng ít nhiều cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Nay ta gặp đạo, phải gắng tinh tấn, trước tự cứu lấy chính mình, sau cứu vớt những người hữu duyên. Phải cố gắng niệm Phật, không có cách nào khác cả đâu!
Cung Kính viết
Con xin bổ sung thêm bình luận trước là: con cũng đã nhận ra được vấn đề không phải là ở bản thân tâm nghi ngờ, mà vấn đề là ở sự sợ hãi, ám ảnh cái nghi ngờ, trên đầu lại chồng thêm một cái đầu nữa. Do không còn vấn đề về tâm nghi ngờ nữa, nên hiển nhiên sự lo sợ không được vãng sanh khi trước cũng không còn. Hiện chỉ còn mỗi một việc là đôi khi nỗi ám ảnh trong quá khứ dội lại khiến con khó chịu rồi lại chìm đắm trong tiêu cực tại một khoảng thời gian nào đó mà thôi.