Những tội chịu quả báo nặng nhất là gì? Đó là sáu tội cực nặng, bao gồm: Lấy trộm đồ vật của Tăng và năm tội thuộc về Ngũ Nghịch Vô gián. Người không biết bộp chộp phạm phải một trong sáu tội này, thần thức sẽ bị đọa ngay lập tức vào Vô gián Địa ngục! Xếp theo thứ tự tăng dần thì sáu tội chịu quả báo nặng nhất như sau:
- Giết cha.
- Giết mẹ.
- Giết A La Hán.
- Làm thân Phật chảy máu.
- Phá hòa hợp Tăng chúng.
- Lấy trộm đồ vật của Tăng.
Điều khủng khiếp nhất là: Tội trộm đồ vật của Tăng nặng nề bậc nhất, quả báo khủng khiếp bậc nhất, nhưng lại rất nhiều người vô tình phạm phải mà không biết! Lại những tội như giết cha, giết mẹ và giết A La Hán cực hiếm, nhưng dễ nhận biết để tránh. Còn như tội làm thân Phật chảy máy và phá hòa hợp Tăng thì lại ít người biết hình tướng cụ thể như thế nào.
Tôi khi đọc về những tội chịu quả báo nặng nhất này trong Pháp Uyển Châu Lâm và bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa mà sợ dựng lông đựng tóc. Nay chép vào đây để người học Phật chân chánh khắp thế gian cùng biết mà tránh. Nguyện hết thảy cùng truyền bá lời dạy của Thượng Nhân, để không còn ai do vô tình mà phạm phải những tội cực nặng này!
- Những điềm lành khi đức Phật đảnh sanh.
- Vô gián Địa ngục là gì.
- Âm đức là gì.
- Chí tâm đảnh lễ là như thế nào.
- 12 Loại quả báo của chúng sanh.
- Chú Phật đảnh tôn thắng Đà Ra Ni.
- Ngồi kiết già có lợi ích như thế nào.
*

Những tội chịu quả báo nặng nhất
Tại sao trộm đồ vật của Tăng lại là tội chịu quả báo nặng nhất? Bởi theo kinh Phương Đẳng: “Bồ Tát Hoa tự bày tỏ: Tội lỗi ngũ nghịch – tứ trọng tội tôi cũng có thể cứu được, trộm vật của Tăng thì tôi không thể nào cứu được”.
Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới: “Điều là tội ngũ nghịch, nhưng giết cha thì nhẹ, giết mẹ thì nặng, giết A-la-hán nặng hơn giết mẹ, làm thân Phật chảy máu nặng hơn giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng lại nặng hơn làm thân Phật chảy máu”.
Những tội chịu quả báo nặng nhất: 1. Trộm đồ vật của Tăng
Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Ngũ Phần Luật nói: “Mượn vật của Tăng không trả, coi như trực tiếp phạm tội nặng”. Lại trong kinh Quán Phật Tam Muội nói: “Lấy trộm vật tốt đẹp của Tăng, còn hơn tội lỗi giết hại tám vạn bốn ngàn bậc cha mẹ”. Còn trong kinh Bảo Lương nói: “Thà ăn thịt thân mình chứ dứt khoát không được sử dụng vật của Tam Bảo”. Lại dựa theo kinh Phương Đẳng nói: “Bồ Tát Hoa tự bày tỏ: Tội lỗi ngũ nghịch – tứ trọng tội tôi cũng có thể cứu được, trộm vật của Tăng thì tôi không thể nào cứu được”.
Kinh Đại Tập – phẩm Tế Long nói: “Lúc ấy có các loài rồng đạt được Túc mạng, tâm tự nghĩ đến nghiệp quá khứ mà đau lòng rơi nước mắt như mưa, đi đến trước Đức Phật cùng thưa như vầy:
*
Con nhớ xưa kia, ở trong Phật Pháp có lúc vì nhân duyên thân thuộc với người thế tục, có lúc lại vì nhân duyên nghe pháp, vốn có tín tâm bố thí các loại hoa quả ăn uống, cùng với các Tỳ kheo thứ tự mà ăn.
Hoặc có người nói rằng: Con đã từng ăn các thứ hoa quả và đồ ăn thức uống của chúng Tăng bốn phương.
Hoặc có người nói rằng: Con đi đến chùa miếu bố thí chúng Tăng, hoặc là lễ bái và ăn uống như vậy, thậm chí từ thời Thất Phật đến nay, từng làm người thế tục có tín tâm; bởi vì cúng dường cho nên bố thí nhiều thứ hoa quả và các loại đồ ăn thức uống. Tỳ kheo có được rồi trở lại bố thí cho con, con có được thì ăn.
Do nghiệp duyên ấy vào trong địa ngục, trải qua vô lượng kiếp, sống trong lửa vô cùng ác liệt; hoặc đốt hoặc nấu, hoặc uống nước đồng sôi, hoặc nuốt viên sắt nóng. Từ địa ngục thoát ra lại rơi vào trong súc sanh; xả thân súc sanh thì sanh vào trong ngạ quỷ, nhận chịu đầy đủ các loại cay đắng khổ đau như vậy.
Đức Phật bảo với các loài rồng: Ác nghiệp này cùng với tội lấy trộm đồ vật của Phật như nhau, chứ không có gì sai biệt. Tỳ kheo tạo nghiệp ngũ nghịch thì tội lỗi ấy chỉ bằng một nửa, nhưng mà tội báo này khó có thể thoát được, ở trong kiếp Hiền gặp được Đức Phật sau cuối, danh hiệu là Lâu Chí, ở thời kỳ Đức Phật ấy thì tội lỗi mới được trừ diệt”.
Vì sao lấy trộm đồ vật của Tăng mà sử dụng thì tội lỗi ấy lại nặng nề vậy?
Bởi hễ lấy trộm một vật, tức là nhằm vào mười phương phàm Thánh, trên đến chư Phật, dưới đến phàm Tăng, tùy theo cảnh giới vô biên, lại kết thành vô biên tội lỗi, bụi nhỏ hãy còn có thể biết được số lượng, nhưng tội báo của người lấy trộm này thì không thể lường tính được.
Nguyên cớ vì sao? Bởi vì thí chủ ấy vốn xả bỏ một chút tiền bạc gạo rau, muốn cung cấp cho phàm Thánh xuất gia mười phương, để dùng làm thức ăn ngày đêm tu đạo đức, chứ không muốn cung cấp cho phàm tục. Vì vậy một tiếng chuông ngâm vang thì xa gần cùng ăn, phàm Thánh đều giúp đỡ cùng thành tựu đạo nghiệp, âm thầm giúp đỡ thí chủ có được lợi ích vô biên. Nghĩ rằng công đức phước lợi này sánh bằng pháp giới, chiêu cảm thiện duyên đã nhiều thì chuốc lấy tội lỗi lẽ nào lại ít?
*
Nay thấy chúng sanh si mê ngu muội, không lựa chọn sang hèn, không tin vào Tam Bảo. Nếu như tham vật phước thiện lấy sử dụng cho mình; hoặc ăn thức ăn của Tăng hay hưởng thụ hoa quả; hoặc sử dụng các loài vật của Tăng, hay lấy sức lực của Tăng sử dụng. Hoặc vay mượn đồ vật vay mượn đồ vật của Tăng lâu ngày không trả. Thấy Tăng nhiều lần đòi lấy mà lại sanh ra hủy báng làm nhục; hoặc cậy thế quan quyền chờ đợi tìm sai sót của Tăng. Những loại có hại như vậy nêu ra đầy đủ khó mà hết được. Lặng yên suy nghĩ tội lỗi này há không đau lòng ư?
Nay tiếc rẻ không giúp đỡ Phật tử, không phải là ham tiếc keo kiệt không ban ân; mà vì thương xót cho hàng bạch y, lo rằng họ nhận chịu đau khổ đời sau. Nếu đem giúp đỡ thì không những làm hại thế tục, mà cũng gây tội đến người có trách nhiệm. Đời sau sanh cùng xứ sở cùng chịu chung tai ương đó.
Vì vậy trong kinh Phật Bổn Hạnh nói: “Một niệm ác có thể mở toang 5 cửa bất thiện, đó là:
- Niệm ác có năng lực đốt cháy thiện căn của người.
- Từ niệm ác lại sanh khởi điều ác.
- Bị Thánh nhân quở trách.
- Lui sụt đạo quả.
- Chết đi vào đường ác”.
Những tội chịu quả báo nặng nhất: 2. Tội Ngũ Nghịch
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Trong Phật Giáo, “phá hòa hợp Tăng” là một trong năm tội nghịch nghiêm trọng nhất, đó là:
1. Giết cha mình. ( Thí phụ);
2. Giết mẹ mình. ( Thí mẫu);
3. Giết bậc đã chứng quả A La Hán ( Thí A La Hán);
4. Làm mất sự hòa hợp giữa chư Tăng với nhau. ( Phá hòa hợp Tăng). Ví dụ, với vị Sư này thì quý vị kể lể những khuyết điểm, sai sót của vị Sư kia: Rằng vị ấy có lỗi với vị này như thế nào… Còn với vị Sư kia thì quý vị lại mách những nhược điểm, thiếu sót của vị Sư này: Rằng vị này có lỗi với vị kia như thế nào, đố kỵ chướng ngại ra sao… khiến cho giữa những người xuất gia không còn sự hòa thuận, chư Tăng không thể cùng ở chung (cộng trụ) với nhau được nữa, và rốt cuộc là Tăng đoàn bị chia rẽ, phân tán—như thế là quý vị đã “phá hòa hợp Tăng” vậy.
5. Làm thân Phật chảy máu (xuất Phật thân huyết). Ðây là tội nghịch thứ năm. Hiện tại Ðức Phật không còn tại thế, song nếu quý vị thiêu đốt tranh ảnh có hình Phật, hoặc phá hủy tượng Phật, thì cũng chẳng khác nào “làm thân Phật chảy máu” vậy!
Thế nào gọi là “phá hòa hợp Tăng”?
Người cư sĩ tại gia thì không được rao nói lỗi của người xuất gia: Những vị Tỳ Kheo và Sa Di đã thọ giới Sa Di hoặc giới Bồ Tát. Bởi quý vị học Phật Pháp là học từ những người xuất gia, từ các vị Tỳ Kheo và Sa Di này; cho nên, quý vị không được học Phật Pháp rồi sau đó lại đi phá hoại Phật Pháp, gây sự xích mích trong đoàn thể Tăng Già. Nếu quý vị dùng lời nói làm cho Tăng Già trở nên bất hòa, tức là quý vị đã “phá hòa hợp Tăng,” và mắc tội “lưỡng thiệt, ác khẩu” vậy.
Ngũ nghịch là sao? Đó là các tội: giết cha là một, giết mẹ là hai, giết thầy là ba – giết thầy cũng như giết A-la-hán – phá sự hoà hợp của Tăng đoàn là bốn và làm chảy máu Phật là năm.
*
Giết sư phụ của mình là một tội trong ngũ nghịch. Tôi giảng cho quý vị nghe như vậy thì tôi dám chắc không ai dám giết tôi đâu. Giết A-la-hán cũng được coi như tội ngũ nghịch thứ ba này. Bây giờ đến tội phá hòa hợp Tăng, có thể lấy thí dụ như sau: Trong đạo tràng các Tăng chúng đương sống trong sự yên ổn, hoan hỷ, quý vị đến nơi ấy phá hoại sự an lạc của họ.
Còn tội làm chảy máu Phật thì nay Phật không còn trụ thế. Cho nên tội này bao gồm những hành động như phá hủy hình và tượng của Phật, hoặc giả đập bể tượng Phật bằng đất, đốt tượng Phật bằng gỗ, như vậy gọi là làm chảy máu Phật. Đây chỉ kể những việc làm cố ý. Nếu chỉ vì vô ý mà gây nên sự hư hại đến tượng Phật thì không có tội.
Quý vị nên lưu ý điểm này, về sau đừng có hồ đồ la hoảng lên: “Tôi làm bể tượng Phật mất rồi, làm sao bây giờ? Tôi có bị đọa địa ngục không? Sư phụ ơi! Cứu con với!” Cái đó là very stupid! (quá ngu ngốc).”
Những tội chịu quả báo nặng nhất: Luận về Tội Ngũ Nghịch
Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Trí Độ Luận nói: “Đệ tử của Phật là Đề -bà-đạt-đa, là em họ của Đức Phật; xuất gia học đạo tụng được sáu vạn pháp tụ, tinh tiến tu hành tròn mười ba năm; sau đó vì tham cúng dường cho nên đi đến chỗ Phật cầu học thần thông.
Đức Phật bảo rằng: Này Kiều Đàn! Ông quán xét năm ấm vô thường có thể đắc đạo, cũng có được thần thông.
Đức Phật không nói cho biết phương pháp đạt được thần thông. Ông bèn đến cầu xin Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, nhưng ngay cả năm trăm A-la-hán cũng không nói cho biết, mà chỉ nói rằng: Ông nên quán xét năm ấm vô thường có thể đắc đạo, có thể đạt được thần thông.
Lúc ấy A-nan chưa đạt được Tha Tâm Trí nên trao pháp cho Đề -bà-đạt-đa. Đề-bà-đạt-đa học được pháp luyện thần thông liền vào núi tu luyện, không bao lâu thì đạt được năm thần thông. Đạt được năm thần thông rồi tự nghĩ rằng: Ai sẽ làm đàn việt cho mình? Như Vương tử A-xà-thế có tướng mạo Đại vương, ta nên đến thân cận.
Ông liền đến cõi Trời lấy thức ăn cõi Trời, trở về cõi Uất Đan Việt lấy gạo canh tự nhiên, đến trong rừng Diêm-phù lấy quả Diêm-phù, mang cho Vương tử A-xà-thế. Có lúc ông tự biến hóa thân mình làm voi báu ngựa báu để mê hoặc; có lúc làm trẻ nhỏ với các loại trạng thái không bình thường để kích thích tâm Vương tử.
*
Ý của Vương tử đã bị mê hoặc, xây dựng tinh xá to lớn ở trong Nại Viên, cúng dường bốn loại và cung cấp tiện nghi, không có thứ gì không đầy đủ, để tạo điều kiện cho Đề-bà-đạt-đa. Vương hàng ngày dẫn theo các Đại thần, chuyển đến năm trăm nồi canh và bánh trái. Đề-bà-đạt-đa được cúng dường nhiều, mà đồ chúng chẳng có ai; tự nghĩ rằng mình có ba mươi tướng tốt thua Phật chẳng là bao, dứt khoát bởi vì đệ tử chưa quy tụ. Nếu đại chúng vây tròn thì khác gì so với Phật?
Tư duy như vậy rồi sanh tâm phá hoại giành được năm trăm đệ tử. Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên thuyết pháp giáo hóa Tăng trở lại hòa hợp. Lúc bấy giờ Đề-bà-đạt-đa liền sanh ác tâm, đẩy núi đè Phật. Kim Cang lực sĩ dùng chày Kim Cang mà từ xa ném đến; đá nát vụn tóe ra làm tổn thương ngón chân của Phật.
Tỳ-kheo-ni Hoa Sắc trách móc. Đề-bà- đạt-Đa dùng nắm tay đánh, Tỳ-kheo-ni lập tức lồi mắt mà chết. Gây ra ba tội lỗi ngang ngược. Ông cùng với ác tà sư ngoại đạo là Phú Lan Na kết giao; thân thiết nồng hậu, đoạn các thiện căn mà tâm không hề hối hận. Lại dùng chất độc hiểm ác đặt vào trong móng tay, muốn nhân lúc lễ Phật mà đâm làm tổn thương Phật. Khi ông chưa đến thì đất ở trong thành Vương xá tự nhiên nứt toác, xe lửa ngùn ngụt đến đón sanh vào địa ngục.
Đề-bà-đạt-đa thân có ba mươi tướng tốt, mà không có năng lực nhẫn nại điều phục tâm mình. Vì lợi ích cúng dường mà gây ra tội lỗi to lớn sanh vào địa ngục”.
*
Lại theo kinh Niết-bàn nói: “Tỳ kheo Thiện Tinh, tuy là đọc tụng mười hai bộ kinh đạt được Tứ Thiền, mà thậm chí không hiểu được nghĩa của một kệ, một câu, một chữ; gần gũi với bạn ác mà giảm mất Tứ Thiền. Giảm sút Tứ Thiền rồi sanh ra tà kiến xấu ác, nói như vậy: Không có Phật – không có pháp – không có Niết-bàn. Sa môn Cù Đàm khéo biết về tướng pháp; vì vậy có thể biết được tâm tư của người khác.
Thậm chí lúc bấy giờ Như lai liền cùng với Ca-diếp đi đến chỗ Thiện Tinh. Tỳ kheo Thiện Tinh từ xa nhìn thấy Như lai đến, trông thấy rồi liền sanh tâm tà ác; bởi vì ác tâm cho nên thân đang sống mà rơi vào A Tỳ địa ngục”.
Trí Độ Luận nói: “Có một Tỳ kheo nhờ đạt được Tứ Thiền, sinh tâm tăng thượng mạn nói là đạt được quả vị A-la-hán; cậy vào điều này mà dừng lại chứ không tiếp tục cầu mong tiến lên. Lúc thọ mạng sắp chấm dứt thấy có tướng Trung ấm Tứ Thiền xuất hiện, liền sanh ra tà kiến. Ông ta bảo là không có Niết-bàn, mình bị Phật lừa dối. Bởi vì tà ác sanh ra cho nên lập tức mất đi Trung ấm Tứ Thiền mà thấy tướng Trung ấm Nê Lê ở địa ngục A Tỳ hiện ra; mạng chung liền sanh vào địa ngục A Tỳ. Đức Phật vì vậy mà thuyết kệ rằng:
*
“Đa văn trì giới đạt đến thiền,
Nhưng chưa đạt được pháp vô lậu,
Cho dù có công đức như vậy,
Điều này không thể tin chắc được”.
Lại trong kinh Tạp Bảo Tạng nói: “Xưa kia trong thôn Cưu Đà Phiến thuộc nước Ca Mặc có một bà cụ, chỉ có một người con. Người con ấy ngang ngược hung tàn, không tu dưỡng nhân ái hiếu thảo. Một hôm vì giận mẹ cho nên đưa tay hướng về phía mẹ, đánh mẹ một cái. Ngay hôm ấy đi ra ngoài, gặp phải giặc cướp chặt gãy một cánh tay. Tội lỗi bất hiếu lập tức nhận lấy báo ứng hiện tại, khổ đau như vậy; sau vào địa ngục thì khổ đau không thể nào nói hết”.
Tụng rằng:
Vua quý trọng trung thần,
Cha thương con hiếu thảo,
Huống gì Phật Đại Từ bi,
Luôn luôn ban vui cứu khổ,
Không mang nặng ân đức ấy,
Hại cha mẹ giữ cho mình,
Một khi rơi vào đường dữ,
Bao đời kiếp chịu khổ đau!”
( Những tội chịu quả báo nặng nhất )
Tuệ Tâm 2022.
Bùi Minh Hằng viết
Con xin phép hỏi lại điều này để rõ hơn ạ:
Mùa hè lúc con 12-13 tuổi, con có học võ tại chùa, sư thầy cũng dạy chúng con thêm về các môn học trên lớp. Gần đây con có nghe một vị pháp sư nói rằng ăn trộm cây kim, ngọn cỏ của Tam Bảo cũng là tội. Và tội ăn trộm của Tam Bảo thì rất lớn. Trong ký ức của con, con không ăn trộm gì cả. Nhưng con lại bất chợt lo lắng, sợ trong lúc học nhỡ may bút con bị hỏng, con mượn của sư thầy rồi quên trả. Hoặc tệ hơn lúc đó con có suy nghĩ lấy cây bút làm của riêng, rồi cầm về, vì nghĩ cây bút không có gì to tát( vì lúc ấy con còn trẻ con, có thể con có suy nghĩ này. Nhưng con không chắc lúc đó con có nghĩ như vậy, hoặc làm như vậy không. đây là những điều con suy nghĩ nhỡ may con làm những việc này và giờ quên mất) Con không còn nhiều ký ức về lúc đấy, nên con không biết được thực sự như nào. Nhưng con cứ lo lắng mãi, trong trường hợp sự việc tệ như con nghĩ thì như vậy có phải ăn trộm đồ của Tam Bảo không ạ, con nên làm gì ạ.
2. Hoặc nếu con mượn bút của vị sư, vị sư nói hãy nhớ trả lại, mà con lại quên hoặc cố tình ăn trộm thì sao ạ. ( cái này con cũng suy nghĩ ra, chứ không có ký ức rõ ràng gì về điều này)
Vị sư hiện đã không còn ở Chùa, nên con không hỏi được. Con hy vọng được trả lời câu này để bớt lo lắng, con xin cảm ơn.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn còn chẳng nhớ thì nghĩ ngợi hay lo lắng nào có ích gì ngoài phiền não đâu? Để thời gian và tâm trí mà niệm Phật chẳng phải tốt hơn sao? Nếu tâm còn lăn tăn những thứ vụn vặt ấy thì hôm nào đến chùa, bạn mua ít giấy bút đến cúng dường là xong, có gì đâu mà phải lo lắng quá như thế.
Bùi Minh Hằng viết
dạ vâng, con cảm ơn ạ. con hay bị lo lắng thái quá ạ. Cảm ơn các thầy vẫn trả lời câu hỏi của con
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!