Oan nghiệt ai ai cũng có, lúc nào cũng có. Và nếu “nó” chẳng ở ngoài đường phố hay công sở, ắt cũng có sẵn ngay ở trong nhà. Chúng ta vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sanh tử luân hồi, từ tam nghiệp mà gieo ân oán với chúng sanh vô lượng vô biên. Ngày nay tuy có phước được thân người, nhưng cần phải biết rằng:
Trong số những người ta gặp trong đời, dù chỉ là kẻ liếc qua trên đường, cũng đã là nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp. Trong số ấy, kẻ chờ báo ân rất nhiều mà kẻ đợi báo oán cũng đông không kể xiết. Kẻ báo ân thì mang đến niềm vui cùng thuận lợi, kẻ báo oán thì mang đến tai vạ cùng nghịch cảnh, hễ ân oán, nợ nần, thiếu hụt nhau cái gì, nay gặp lại nhau ắt phải đền trả cái ấy.
Vậy nên nhiều người chẳng hiểu tại sao thời nay có lắm chuyện oái ăm, kiểu như: Đang chạy trên đường, vô tình liếc nhìn một người liền bị nó đánh chết. Mà cái lý do bị đánh chết ấy không thể kỳ quặc hơn: Nhìn Đểu! Còn thế nào là nhìn đểu thì chịu, không ai định nghĩa được!
- Cách giúp đỡ những người bị ma nhập.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Hội Long Hoa là gì.
- Thiên Ma là loại ma gì.
- Cận tử nghiệp đáng sợ vô cùng.
- Chuyện Tâm linh có thật.
- Chuyện nhân quả báo ứng có thật.
*
Người thế gian đắm chìm theo ngũ dục, chẳng tin hiểu nhân quả nên khi phước đến thì vui mừng mở tiệc; lúc họa lâm thì muôn phương tìm cách tránh. Chẳng biết rằng: Một khi đã hội đủ nhân duyên, nghiệp lực đã chín muồi, oan nghiệt đến thì vô phương trốn chạy. Lúc ấy nếu càng an nhẫn sám hối đến trả bao nhiêu thì oan nghiệt chóng dứt bấy nhiêu. Còn như oán trời trách đất, hay vùng vẫy trốn chạy, thì oan nghiệt như cái thòng lọng tròng vào cổ: Càng vùng vẫy bao nhiêu, nó càng siết chặt bấy nhiêu!
Nhân gian nay đã sâu vào thời mạt, chúng sanh ai nấy nghiệp chướng lẫy lừng. Cho nên suốt cuộc đời, gặp cảnh thuận thì ít mà gặp cảnh nghịch thì nhiều. Phần đông nếu chẳng nghèo cùng túng thiếu, thì cũng cơ cực mưu sinh; phần ít còn lại tuy giàu sang nhưng cháu con toàn hạng báo oán cùng đòi nợ… Rốt cuộc thật hiếm có nhà nào được hưởng chút an yên! Người thế gian quay cuồng theo danh lợi nên chìm trong phiền não đã đành. Người học đạo cũng hiếm kẻ nhận thức được rõ căn nguyên của oan nghiệt. Thế nên bảo rằng “Cuộc đời là bể khổ”, thật chẳng phải là xác đáng đó ư?
Oan nghiệt do đâu mà có
Trong Khai Thị, Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy:
Yếu học hảo, oan nghiệt trảo,
Yếu thành Phật, tiên thọ ma.”
Dịch là:
Muốn học tốt, oan nghiệt tìm,
Muốn thành Phật, trước gặp ma.”
“Muốn học tốt, oan nghiệt tìm.” Mình muốn làm chuyện tốt thì thế nào oan nghiệt cũng đến tìm. Càng làm tốt thì oan nghiệt kiếm mình càng gắt bởi vì nó muốn thanh toán nợ nần với mình!
Từ vô lượng kiếp đến nay, đời này qua đời khác mình tạo nghiệp thiện ác lẫn lộn, không có rõ ràng; bởi vậy khi muốn tu Ðạo thì chủ nợ họ đều tới tìm mình để đòi nợ. Ví dụ có kẻ mượn người khác tiền mà chưa trả sòng phẳng. Lúc y chưa phát tài thì chủ nợ biết y chẳng có tiền nên chẳng đến đòi; nhưng khi y mà phát tài thì chủ nợ liền đập cửa đòi nợ. Vì sao? Vì chủ nợ biết y có tiền! Nếu y không tới đòi thì chẳng biết lúc nào đòi đặng, cho nên phải đòi.
Bởi vậy, trong quá trình tu Ðạo mình sẽ gặp nghịch cảnh, mà gặp nghịch cảnh thì mình phải càng dũng mãnh tinh tấn, không có thối thất tâm Bồ Ðề. Những nợ nần mà người chủ nợ đến đòi thì mình phải trả cho hết; tức là đem công đức tu hành của mình hồi hướng tới chủ nợ, tới những người oán, kẻ thân; để khi họ nhận được công đức của mình, họ sẽ ly khổ đắc lạc, liễu sinh thoát tử, đến lúc đó món nợ của mình mới hoàn toàn phủi sạch.
*
Từ vô lượng kiếp tới nay, do đủ thứ nhân duyên nên mình mắc nợ không phải ít. Ngay đời này, thử suy nghĩ một cách chín chắn coi mình đã giết bao nhiêu sinh mạng rồi? Có bao nhiêu chuyện không công bình mình đã tạo ra? Ðối với chúng sinh, nếu mình chưa có giết qua một sinh vật nào, thí dụ như sư tử, voi, heo, gà, trâu, bò v.v… nhưng rất có thể là mình đã sát hại những sinh vật nhỏ hơn như ruồi, muỗi, dế, thằn lằn… Dù nói rằng mình chưa từng giết những sinh vật nhỏ như vậy, nhưng chắc chắn mình vẫn có ý niệm sát sinh tồn tại trong lòng.
Lúc nhỏ, vì mình không để ý, bất giác giết hại rất nhiều côn trùng nhỏ, cái đó gọi là Vô tri tội, tội sát mà không có cố ý. Nhưng những chúng sinh bị mình đoạt mạng thì giờ đây, khi mình muốn tu Ðạo, thì bọn chúng chắc chắn sẽ tới tìm để đòi nợ. Cái thứ oan nghiệt này không phải chỉ có một, hai mà thôi, mà là vô số, bởi vì đời này qua đời khác mình tích lũy nó, nhiều kể không hết!
Do vậy, đừng nói rằng ông Trời bất công: “Tôi bây giờ tu hành rồi, tôi không muốn nhận tất cả những oan gia nghiệp báo, nợ nần hồi xưa.” Nghĩ như thế thì vĩnh viễn mình không thể thành Ðạo được, bởi vì lòng ta không công bình. Tâm mà công bình thì mình phải nhận nợ. Cho nên nói rằng: “Muốn học tốt, oan nghiệt tìm”; khi mình trở nên giàu đột ngột, thì bạn bè nghèo cùng đều tới đập cửa để đòi nợ.
*
“Muốn thành Phật, trước gặp ma.” Phật mà thành Ðạo là do ma giúp đỡ, nếu như không có ma thì không có Phật. Ma đến khảo nghiệm làm cho mình tiến bộ; nên nói rằng: Dục cùng thiên lý mục, Cánh thượng nhất tằng lâu. Nghĩa là: Muốn thấy tận cùng ngàn dặm, Phải bước lên thêm một tầng lầu.
Ma coi thử “hỏa hầu” của mình có đủ chưa. Nếu đủ thì ngàn con ma tới mình cũng không thay đổi, vạn con ma tới mình cũng không thối lui, không thối thất tâm Bồ Ðề. Càng khốn khổ gian nan bao nhiêu, thì càng tinh tấn bấy nhiêu. Hễ nơi nghịch cảnh chằng chịt, rối ren bao nhiêu, thì tâm càng phải an nhiên, bình thản bấy nhiêu. Ðừng nghĩ là bất công, cũng đừng oán trời, trách người.
Nghịch cảnh lại thì thuận theo nó mà tiếp nhận, để tu hạnh nhẫn nhục Ba La Mật. Ðó là công phu mà mình phải tập, khi ma chướng lại thì mình không có đối đầu với chúng, mình chỉ nhịn thêm một chút khổ cũng chẳng hề chi; mình phải phát nguyện độ bọn ma đó, làm cho chúng quy y Tam Bảo, phát tâm Bồ Ðề. Ðối với người nào cũng vậy, đừng sinh ra lòng oán cừu, được vậy thì mình có thể biến gươm giáo thành ngọc cẩm, biến cừu hận thành an tường. Do đó, phải luôn tìm điểm tốt nơi bề xấu của sự tình. Cho nên nói:
“Hành hữu bất đắc, Tắc phản cầu chư kỷ. ” Nghĩa là: “Làm mà không xong thì phải quay ngược về mình mà tìm.” Ðừng bao giờ làm luật sư tự biện hộ cho chính mình, bất cứ chuyện gì cũng phải nghĩ rằng:
*
Chân nhận tự kỷ thác,
Mạc luận tha nhân phi.
Tha phi tức ngã phi,
Ðồng thể danh Ðại bi”
Dịch là:
Nhận thật rằng mình sai,
Ðừng để ý lỗi người.
Lỗi người tức lỗi ta,
Cùng thể tức Ðại bi.”
Vì đồng một thể nên bao quát ma quỷ. Ma là một bộ phận của tự tánh. Nếu tự tánh có ma thì mình mới làm bọn ma bên ngoài xâm nhập được. Tự tánh không có ma thì ma bên ngoài không có cách gì tiến vô đặng. Thế nào là tự tánh ma? Tức là tham, sân, si! Nhược vô miêu thực oản, Tắc bất chiêu thương dăng. Tức: Nếu bát đồ ăn của mèo không để ra, thì không có ruồi bu tới.
Khi biết mình còn “vẩn đục” thì ma tìm cách “thừa nước đục thả câu,” muốn làm chuyện rối loạn, muốn hiển lộ cái “ma thông” của nó. Cho nên mỗi cử chỉ, hành động, mỗi lời nói, ý nghĩ phải hết sức chân thật: “Ngôn tất trung tín, Hành tất đốc kính”. Tức: Lời nói phải trung thật, thành tín, Hành động phải hoàn toàn cung kính.
Không được nói dối trá. Không dám nhận lỗi, lúc nào cũng che đậy lỗi lầm của chính mình: Đó không phải là hành vi của người tu Ðạo. Cho nên mình phải hết sức chân thành mà bộc bạch, hết sức khẳng khái nói ra lỗi lầm của mình. Luôn luôn cư xử theo đạo đức lương tâm. Nếu những điều gì không hợp với đạo đức lương tâm thì đừng bao giờ làm cả.
*
Người tu Ðạo cần có đủ trí huệ chân chánh. Kẻ có trí huệ chân chánh thì không bao giờ khen ngợi chính mình và hủy báng người khác, cũng không bao giờ nói rằng: “Bạn coi tôi đây, tôi là số một, thanh cao nhất, còn những người kia toàn là thứ tệ hại, bần tiện.” Phàm những kẻ tự khen thì không còn đường tiến nữa; tuy sống nhưng thực ra như là kẻ đã chết rồi; bởi vì họ đã đi ngược lại với đạo đức lương tâm, khinh thường kẻ khác, chỉ biết có chính họ. Ðó là những người mà chư Phật, Bồ Tát không bao giờ hoan nghinh!
Nếu muốn được Phật, Bồ Tát hoan hỷ bảo vệ thì điều mình nói và việc mình làm phải nhất trí: Ngôn cố hành, Hành cố ngôn. Tức: Lời nói theo việc làm, Việc làm theo lời nói. Ngôn và hành không được mâu thuẫn nhau. Ðừng nên lúc nào cũng tự khoe là tôi tốt thế này, tôi tốt thế kia, song đến khi làm thì lại toàn là những chuyện bại hoại!
*
Người tu Ðạo không nên có tâm ích kỷ, tâm tự lợi, trái lại phải làm lợi ích kẻ khác. Ðừng làm hại người để lợi mình, hoặc coi thường người khác. Cho nên các vị phải biết hồi quang phản chiếu, xét lại chuyện quá khứ đã làm, chuyện hiện tại đang làm, rồi quán chiếu chuyện tương lai. Lúc nào cũng vậy, bất cứ giờ nào phút nào cũng không quên lương tâm, đạo đức, thì qua một thời gian lâu, thiện căn sẽ tự nhiên tăng trưởng, tâm Bồ Ðề sẽ lớn vững. Bấy giờ mình mới có thể thực hành Ðạo Bồ Tát, làm lợi ích cho chúng sinh được; cho nên cái quan hệ đó là liên đới.
Ta đừng vì sợ ma mà thối thất tâm Bồ Ðề. Ma chướng là thử thách, khảo nghiệm. Cũng như học sinh lúc mới bắt đầu đi học thì cảm thấy bài học rất khó, nhưng thời gian qua, khi đã nhập môn biết chút đỉnh rồi thì không còn thấy khó nữa. Từ lúc học Tiểu học, lên Trung học rồi đến Ðại học, ai cũng có tâm trạng như vậy, cho nên nói rằng: “Không qua một phen lạnh thấu xương. Sao đặng hoa mai nở ngát hương?
Và: Thập niên hàn song vô nhân vấn, Nhất cử thành danh thiên hạ tri! Tức: Mười năm cửa lạnh không ai hỏi, Một sớm danh thành mọi người hay!
*
Giống như chàng tú tài bỏ mười năm học đơn côi, lạnh lẽo, chẳng ai thèm để ý, chừng khi anh ta đỗ đạt nổi danh thì lúc đó ai cũng biết. Lúc mình tu hành, đừng vọng tưởng muốn “xuất phong đầu,” muốn người ta để ý tới mình!
Sau khi xuất gia rồi, nếu còn cầu danh, cầu lợi thì đó là chuyện thật chẳng ra gì. Chúng ta khi đã xuất gia thì phải nhận chân tu hành một cách thiết thực, phải tài bồi cái gốc phước huệ của mình. Tu phước thì phải làm lợi ích người khác, tu huệ thì phải nghiên cứu kinh điển. Thường làm chuyện lợi ích thì mới sinh được phước đức.
Có người hỏi: “Làm thế nào để lợi ích người khác? Phải chăng là dùng tiền làm chuyện công đức?” Chẳng phải vậy! Chỉ cần tâm mình đừng có lòng giết hại, đừng có lòng trộm cắp, đừng có lòng tà dâm, đừng có lòng dối trá, cũng đừng rượu chè, thì đó là mình bồi đắp cho ruộng phước của mình rồi. Cho nên nói: “Từ bi khẩu, Phương tiện thiệt, Hữu tiền vô tiền, Ðô tác đức.” Nghĩa là: Với miệng từ bi, Với lưỡi phương tiện, Dù có tiền hay không có tiền, Cũng làm được chuyện có đức.
*
Nếu miệng mình không chưởi rủa người khác, chẳng nói lời thô kệch, độc ác, làm tổn thương người khác thì đó là công đức. Bất cứ ở mọi nơi phải biết tiếc phước đức của mình, đừng làm việc tổn phước. Ở chỗ nào mình cũng phải tu phước, tu huệ. Tu phước, tu huệ không phải một ngày một đêm mà thành đặng; phải cần một thời gian, mà mỗi giờ mỗi phút mình phải làm liên tục không ngừng. Không thể là: Nhất nhật bộc chi, thập nhật hàn chi. Nghĩa là: Một ngày phơi nắng, mười ngày để lạnh. Hay: Một ngày làm, mười ngày nghỉ.
Nếu mình như vậy thì vĩnh viễn không tiến bộ được. Cho nên phải nhận định tông chỉ, dũng mãnh tinh tấn, đừng thụt lùi, thối chuyển. Ðó là điều căn bản mà người tu Ðạo phải có đủ!
Oan nghiệt tới chỉ nên an nhẫn đền trả
Vạn Phật Thành là nơi các Thánh nhân tu đạo, cho nên ma vương đến nhiễu loạn tâm người tu đạo thanh tịnh. Vì muốn chiến thắng Thánh nhân và chiếm độc bá một phương, cho nên Ma vương mới gây phiền phức khắp nơi để Thánh nhân phải đầu hàng và quỳ gối xưng thần. Quý vị nên kiên nhẫn, đừng thối chí và tuyệt đối không được dựng cờ trắng đầu hàng. Quý vị phải phấn đấu cho đến cùng và thắng lợi sau cuối sẽ thuộc về quý vị.
Cho nên nói: “Muốn thành Phật ắt bị ma phá, muốn làm người tốt thời oan nghiệt tìm.” Kẻ không có đủ đức hạnh sẽ tùy theo gió thổi bập bềnh nổi trôi rồi đọa lạc. Người có đủ đức hạnh sẽ không bị ma vương làm dao động. Tại sao vậy? Bởi đời đời kiếp kiếp họ đã có căn tu hành thâm hậu, thành thử bất cứ ma gì họ cũng không sợ.
Tật xấu mà chúng ta thường hay phạm là thích được người ta tán thán và ưa được tâng bốc. Như khi được người khen một câu thôi là mình đã thấy lâng lâng mê mẩn tinh thần rồi. Vậy làm sao thành được Phật đây? Tự chính mình cũng không biết, không rõ. Nếu có thể giữ giới và tu định, chúng ta sẽ có trí huệ. Khi đã có trí huệ rồi, chúng ta sẽ không động tâm bởi những lời khen chê, phỉ báng. Nếu ai phỉ báng mình, trong lòng mình cũng không chút gì bực bội; nếu có người khen mình, lòng mình cũng không chút gì mừng vui.
*
Thực ra, sự khen chê hoặc phỉ báng chỉ là những thứ gió của thế gian, gọi là “Tám gió thổi không động.” Sao gọi là bát phong, tám gió? Đó là xưng, cơ, khổ, lạc, lợi, suy, hủy, dự; tức là: khen ngợi, chê bai, khổ sở, vui vẻ, lợi lộc, suy yếu, hủy báng và danh dự. Nếu bị tám gió nầy thổi đến mà tâm bị dao động, thế tức là quý vị không có nền tảng vững vàng. Cái gì gọi là nền tảng? Đó là đức hạnh. Người không đủ đức hạnh thì tánh tình rất nóng nảy, vô minh cũng rất nặng nề. Người có đức hạnh sẽ không nóng giận, và có thể biến hóa vô minh thành trí tuệ. Cho nên, chúng ta tu hành là phải lo bồi dưỡng đức hạnh.
Người học Phật phải chú trọng đến đức hạnh và không được làm những chuyện thất đức, vì đó là chân đế của sự tu hành. Muốn tiêu trừ nghiệp chướng, chúng ta phải cúng dường. Vì cúng dường có thể bồi phước, bồi huệ, cho nên chúng ta phải tu đạo, tu đức. Bằng không, dù chúng ta có tu Lục Độ cũng chẳng có tác dụng đâu. Lục độ được lập ra là để cho chúng ta chuyên tu đạo, tu đức. Người tu hành nếu không chú trọng đến đạo đức thì sẽ tạo nghiệp!
( Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị )
Tuệ Tâm 2022.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, lần đầu tiên quả báo tới đệ tử hốt hoảng, tâm thần khg yên, rối loạn,…. may mà nhận được lời chỉ dạy tận tình của thầy và làm theo.
Lần này quả báo tới hung mãnh như có ai điều khiển vậy, đệ tử lần này mắc quái bệnh, ngay cả đi khám ở bác sĩ đa liễu có kinh nghiệm cũng bảo chưa bao giờ gặp bệnh như vậy…..Có 1 loại côn trùng, ký sinh trùng nhỏ như đầu kim, lớn bay được nhỏ thì nhảy, con lớn mang 1 bọc trứng, ngay cả trứng cũng cắn được, chúng có mỏ nhọn bám vào da là khg buông ra, chúng hút máu và hễ cắn thì đau ngứa vô cùng, chúng màu trắng tiệp với màu da, mắt thường khg thấy được, chỉ khi chúng chết mới biến thành màu đen….
Mới đầu đệ tử bị cắn từ đầu tới chân, ngủ được 2 giờ thức dậy do đau ngứa, cảm giác có con gì bò trên thân, trên đầu. Nhà có cái vợt muỗi đệ tử đập những chỗ ngứa đau thì hết, cứ lập lại mãi như thế….
Rồi mua cồn về xịt sát trùng mỗi ngày, đập vợt muỗi, quỳ cầu đức phật và tam bảo gia hộ …. Hơn 1 tháng đầu đệ tử còn lạy phật niệm phật mỗi đêm, nhưng sau đó hoàn toàn khg lạy phật niệm phật được, nó cứ bu lại cắn từ đầu đến chân, mỗi lần như hổ đói vồ mồi, từ đầu tới chân là hàng chục ngàn con, mỗi ngày đệ tử đều bận việc xịt cồn, hút bụi, lau nhà, đập vợt muỗi vào thân mình cho đỡ đau ngứa, đến nổi có chỗ sưng bầm rất nhiều…. Thuốc bôi uống của bác sĩ da liễu chỉ có tác dụng tạm thời
Được khoảng 2 tuần loay hoay như vậy hốt nhiên đệ tử tỉnh ngộ, khg lạy phật niệm phật được ở nhà, đệ tử đem vở mỗi tối ra ngồi quán cafe chép hồng danh phật, hồi hướng công đức cho chủng loại côn trùng ký sinh trùng đã bị giết hại đó…..Tâm đệ tử khg hề muốn giết chúng, chỉ vì chúng cắn quá đau ngứa khg chịu nổi, mà phải đập chúng thôi, cả đêm hầu như chỉ ngủ được vài ba giờ,… đệ tử luôn cảm nhận được sự gia hộ của Đức phật A Di Đà và tam bảo, nếu khg đệ tử còn thê thảm hơn
Chép hồng danh phật được 1 thời gian, đệ tử có cơ hội rời nhà ở, đến 1 nơi khác nghỉ dưỡng, nghiệp báo giờ vẫn còn chút ít, nhưng đệ tử mỗi đêm lạy phật niệm phật chép hồng danh phật hồi hướng cho chủng loại côn trùng ký sinh trùng đó, chắc chắn sẽ được đức phật gia hộ trả sạch nghiệp. Đệ tử thật may mắn ngộ, tin tưởng pháp môn niệm phật và được đọc những bài viết hay của thầy
Kính chúc thầy luôn khỏe mạnh bình an hỉ lạc
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nghiệp chướng đến mà biết an nhẫn niệm Phật đền trả, tâm cầu đạo của bạn thật là hiếm có! Chướng nạn ấy, theo Tuệ Tâm, chỉ là thử thách thôi. Đến được chỗ thử thách này là nhờ tinh tấn dụng công, người học Phật ngày nay chẳng được mấy người chạm đến được cái ngưỡng ấy đâu! Việc biết uyển chuyển hành trì cho phù hợp với hoàn cảnh, Tuệ Tâm nghĩ rằng cũng là nhờ Tam Bảo trong âm thầm gia bị. Tuy nhiên, bọn ta đều là phàm phu, khi niệm Phật nhớ chỉ cầu vãng sanh, chớ vọng cầu sạch nghiệp. Bởi một khi đã phát nguyện cầu trả sạch nghiệp thì chướng ngại cùng thử thách đến ngay lập tức. Khi ấy mà nhỡ chưa có định lực, không kham nhẫn được thì gay go lắm. Bạn nhớ lưu ý nhé! Nam mô A Di Đà Phật!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Dạ, đệ tử nhớ lời dạy của thầy
Cảm ơn thầy rất nhiều
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con sực nhớ ra, khi niệm Phật thi thoảng con khởi niệm cầu Phật gia bị cho trừ hết nghi nan, sanh tín tâm kiên cố (trước đây con còn mong tiêu trừ nghiệp chướng nữa, từ đợt được Tuệ Tâm khuyên, con không còn cầu như thế). Có phải sự cầu mong như vậy cũng sẽ sanh chướng ngại giống như sự cầu mong tiêu trừ chướng nghiệp không ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cầu trong Phật pháp là cầu “ở nơi chính mình”, “cầu mà không cầu”, nghĩa là cứ an nhiên tu tập, khi nghiệp tiêu, trí rạng, chướng tận, phước tăng thì chẳng cần cầu những ước mong cũng đều thành tựu. Còn như ta khởi tâm mong cầu mà tu tập thì tâm dễ bị loạn động, khó cảm ứng đạo giao đã đành, lại dễ rơi vào cái nạn “cầu bất đắc khổ”.
Thực ra, dù chúng sanh có cầu hay không thì Tam Bảo vẫn luôn âm thầm gia bị cho ta một cách vô điều kiện, chỉ là, rất khó để tin nhận được điều này mà thôi!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con xin kính tin lời dạy bảo của Tuệ Tâm ạ.
Xin tri ân công đức của Tuệ Tâm.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Nói ra thật xấu hổ, nhưng vùng hạ thể của con bị nứt nẻ, ngứa rát, sưng tấy lên, cứ chốc chốc lại dội lên cơn đau thấu tận tâm can, giống như có lửa thiêu, lại cũng như có hàng ngàn cây kim cùng lúc đâm vào. Đêm đến con cứ oằn mình chịu đau cả đêm mà không thể ngủ được. Ban ngày thì nó cứ hành con cả ngày đứng ngồi không yên. Trong tâm con cũng chỉ biết niệm Phật, ngoài ra chẳng thể nương tựa ở đâu được. Con đoán đây là lúc phải trả nghiệp báo tà dâm khi trước, có thể là của đời này, do hồi tuổi mới lớn nhiễm phải thói xấu thủ dâm, xem phim đen, hoặc cũng có thể là từ đời trước. Dù là từ đời nào thì con cũng xác định đây là bệnh nghiệp, Hoa Đà có tái thế cũng chẳng trị khỏi. Chỉ biết dốc một hơi uống lấy vị thuốc A Già Đà do bậc Đại Y Vương ban cho mà thôi.
Đợt đau bệnh này quả thật khó kham nhẫn vô cùng. Các khổ trong ba cõi đầy dẫy, thật đáng kinh sợ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bệnh tật trên thân chúng sanh vốn do nghiệp lực cảm thành, không có gì tự nhiên cả. Cái khổ hôm nay có thể là khảo nghiệm, cũng có thể là để tránh cái khổ lớn hơn ở tương lai. Mong bạn cố gắng ôm chặt câu Phật hiệu, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi…
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con cám ơn thầy đã an ủi ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Lê viết
Dạ.Thưa Tuệ Tâm,những người ta gặp trong kiếp này,dù là liếc thấy qua 1 lần trong đời thôi đã có nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp về trước.Từ nhỏ đến giờ con gặp rất nhiều oan gia hữu hình làm cho con rất đau khổ.Khoảng 1 tháng nay con có kết bạn zalo với 1 anh sinh năm 2002 mà trước đây con gặp trực tiếp.Dạo này con có cảm giác như con và anh đó sẽ hãm hại lẫn nhau.Bây giờ con phải làm sao đây.Xin Tuệ Tâm cho con lời khuyên.Kính chúc Tuệ Tâm thân tâm luôn an lạc
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn nên siêng năng niệm Phật, chớ vọng động những chuyện phiền phức bên ngoài là được rồi.
Lê viết
Dạ.Trước đây con cũng bị oan nghiệt rượt,khổ không thể tả.Nay đã đỡ hơn trước rất nhiều rồi.Con hiện tại đang đau khổ trong tâm,trong tâm luôn phiền não những chuyện không đâu.Con sẽ luôn siêng năng niệm Phật để các oan gia trái chủ của con được siêu thoát ạ.Con có nên lên chùa để lạy Phật không ạ.Xin Tuệ Tâm cho con lời khuyên
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn không cần phải lên chùa, cũng không nên tìm cầu sự giúp đỡ ở bên ngoài. Cứ tự mình tinh tấn niệm Phật, mọi chuyện sẽ dần ổn mà thôi!
Lê viết
Dạ.Thưa Tuệ Tâm,con biết là những người mà ta gặp trong kiếp này là do có duyên nhiều đời nhiều kiếp về trước:Báo ân,báo oán,đòi nợ,trả nợ
Con bị rất nhiều người con gặp mang đến cho con rất nhiều đau khổ🥺.Con nhận ra rằng tất cả những gì trên cõi đời này chỉ là vay trả trả vay,thật không có cái gì thật có.Con nghĩ chỉ nên niệm Phật,buông bỏ chấp trước.Nghĩ rằng người nào đối xử vô cùng tốt với ta thì cũng chỉ là vay trả trả vay mà thôi.Con suy nghĩ như vậy có đúng không ạ.Xin Tuệ Tâm cho con lời khuyên.Nam mô A Di Đà Phật🙏🙏🙏
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Đúng rồi bạn ạ! Buông xả đi mà chân thật niệm Phật, rồi cũng sẽ đến lúc cảm ứng đạo giao cùng Tam Bảo, mọi chuyện sẽ ổn mà thôi.