Lục là sáu, căn là giác quan, Lục căn là sáu giác quan của con người, gồm có: Nhãn căn, Nhĩ căn, Tỷ căn, Thiệt căn, Thân căn và Ý căn, tương ứng với Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Sáu căn có đối tượng tiếp xúc riêng, gọi là trần, vậy nên Lục trần là sáu trần, gồm có: Sắc trần (Cảnh vật), Thanh trần (Âm thanh), Hương trần (Mùi hương), Vị trần (Mùi vị), Xúc trần (Cảm giác ở thân) và Pháp trần (Cảnh ở trong tâm).
Khi Lục căn tiếp xúc với Lục trần, nghĩa là: Mắt thấy được hình ảnh, mũi ngửi được mùi thơm, lưỡi nếm được chất cay đắng, tai nghe được to nhỏ, thân cảm thấy nóng lạnh và còn ý có suy nghĩ phân biệt. Chính sự phân biệt, thấy biết và phán đoán đúng sai này được gọi là thức. Do đó Lục thức gồm có: Nhãn thức, Nhĩ thức, Tỷ thức, Thiệt thức, Thân thức và Ý thức.
- Tam giới là gì.
- Tham sân si là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Chánh kiến tà kiến.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Lục Căn, Lục Trần và Lục Thức
Lục căn, Lục trần và Lục thức còn gọi là mười tám giới phân biệt. Chúng hình thành nên bản ngã của chúng ta. Cái chấp ngã của ta được tạo dựng và huân tập nơi tạng thức từ vô thỉ kiếp đến nay. Cái ngã mà ta tưởng là “Ta” thực ra là giả dối. Nó tồn tại mãnh liệt, tác oai, tác quái và sai sửa khiến ta chìm trong vọng tưởng vô minh. Nó khiến ta vô thỉ kiếp nay trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.
1. Lục Căn là gì.
Căn tức là chỗ nương tựa, làm gốc cho những cái khác nẩy nở, phát sinh. Lục căn ở đây tức là: Nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn.
- Nhãn căn: Tức là hai con mắt, bộ phận để làm chỗ nương tựa cho sự nhận thấy của người được rõ ràng, khi tiếp xúc với cảnh vật chung quanh.
- Nhĩ căn: Tức là hai lỗ tai, bộ phận làm chỗ phát sinh cho sự nghe biết của người được rõ ràng, khi tiếp xúc với tiếng động ở chung quanh.
- Tỷ căn: Tức là lỗ mũi, bộ phận làm chỗ nương tựa cho sự ngửi biết được xác thực, khi tiếp xúc với các mùi như thơm, thối…ở chung quanh.
- Thiệt căn: Tức là cái lưỡi, bộ phận làm chỗ nương tựa của sự nếm biết của người được rõ ràng khi tiếp xúc với các chất như chua, mặn v.v…ở ngoại cảnh.
- Thân căn: Tức là da bao bọc thân người, bộ phận làm cho nhận biết được cảm giác, nóng, lạnh, cứng, mềm của các vật chung quanh.
- Ý căn: Tức là bộ phận để cho sự phân biệt phát sinh, tức là thức thứ Bảy. Phần này rất tinh tế thuộc về tinh thần. Cho nên không có hình sắc như năm căn trước.
*
Trừ ý căn ra thì năm căn đầu là năm bộ phận thuộc về thể chất nằm ở bên ngoài, dễ tiếp xúc với ngoại vật. Chúng có hình tướng to tứ đại hợp thành. Có thể thấy được, chỉ được, rờ mó được. Duy thức học liệt chúng về nội căn sắc pháp. Nội căn sắc pháp này có thể phân tách ra làm hai phần: Phù trần căn và Tịnh sắc căn.
Phù trần căn là chỉ cho hình tướng thô phù hiện ra bên ngoài, như tròng mắt, vành tai, lưỡi đỏ v.v…Còn tịnh sắc căn là chỉ cho phần ẩn phục của năm căn, tức là phần ứng dụng, phần hoạt động, phần sống của năm căn.
Nói một cách rõ ràng đơn giản hơn, tức là những dây thần kinh hệ của con người vậy. Phù trần thì thô thiển, tinh sắc lại tế ẩn. Nếu hai phần này rời nhau, năm căn sẽ vô dụng.
2. Lục Trần là gì.
Trần, nghĩa đen là bụi. Bụi thì nhơ nhớp luôn luôn dời đổi, lăng xăng, tụ tán không chừng. Nghĩa bóng, Trần tức là chỉ cho phần vật chất, cảnh vật chung quanh con ngươi. Sáu trần là: Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần.
- Sắc trần: Là những gì có hình tướng, đường nét hình dáng, những gì mà mắt có thể thấy được.
- Thanh trần: Là tiếng do vật hữu hình hay vô hình phát ra, nghĩa là những tiếng mà tai nghe được.
- Hương trần: Là mùi do vật hữu hình hay vô hình bốc lên, tỏa ra, vật mà mùi ngửi được.
- Vị trần: Là chất trong vật hữu tình hay vô tình, vậy mà lưỡi nếm được.
- Xúc trần: Là những thứ mềm, cứng, trơn, nhám…của vật hữu tình hay vô tình, những vật mà thân tiếp xúc được.
- Pháp trần: Là những hình ảnh, màu sắc, hương vị.. trừu tượng của năm trần lưu lại sau khi đã năm căn duyên, chính là cảnh bị duyên của ý căn.
*
Màu sắc, tiếng tăm, hương vị ở đây không phải là vật thật của ngoại cảnh mà chỉ là những hình bóng, âm vang…của ngoại cảnh sau khi đã lọt qua năm giác quan, và đang bị ý căn duyên.
Chúng ta có thể làm một thí dụ thô thiển sau đây cho dễ hiểu: Sắc trần dụ như cảnh vật bên ngoài. Nhãn trần dụ như cái máy quay phim. Pháp trần dụ như những hình ảnh đã giữ được trong cuốn phim. Ý căn dụ như người xem hình trong cuốn phim chiếu lên.
Có thể làm một thí dụ thứ hai sau đây: Thanh trần dụ như các tiếng hát của một ca sĩ. Nhĩ căn dụ như cái máy ghi âm. Pháp trần dụ như cuốn băng nhựa đã ghi âm. Ý căn dụ như người nghe tiếng do cái máy phát ra.
3. Lục Thức là gì.
Thức là sự phân biệt, hiểu biết, phán đoán do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà phát sinh. Nó thuộc về tâm pháp (vô hình). Sáu thức là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
- Nhãn thức: Là sự phân biệt, hiểu biết do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần mà phát sinh.
- Nhĩ thức: Là sự phân biệt hiểu biết do nhĩ căn tiếp xúc với sắc trần phát sinh.
- Tỷ thức: Là sự phân biệt hiểu biết do tỷ căn tiếp xúc với hương trần mà phát sinh.
- Thiệt thức: Là sự phân biệt do thiệt căn tiếp xúc với vị trần mà pháp sinh.
- Thân thức: Là sự phân biệt, hiểu biết do thân căn tiếp xúc với xúc trần mà phát sinh.
- Ý thức: Là sự phân biệt, hiểu biết, phê phán do ý căn tiếp xúc với pháp trần mà phát sinh.
*
Chúng ta có thể làm một thí dụ cụ thể sau đây cho dễ nhận: Sáu thức như một hội đồng giám khảo của cuộc thi thì về văn nghệ, nữ công và gia chánh. Hội đồng này gồm có sáu người: Một ông chủ tịch và năm hội viên chuyên môn về năm ngành: Một người chuyên về màu sắc và hình ảnh. Một người chuyên về âm thanh. Một người chuyên về mùi hương. Một người chuyên về chất vị. Một người chuyên về xúc giác.
Năm hội hiên này sau khi lấy khả năng chuyên môn của mình ra phân tách, phê phán rồi, liền trình sự nhận xét của mình lên ông chủ tịch. Ông này thu góp tất cả những nhận xét của năm hội viên, làm tổng kết và tuyên bố kết quả của cuộc thi ấy. Ông chủ tịch này chính là ý thức hay là thức thứ sáu.
Sự liên hệ của lục Căn, lục Trần và lục Thức
Vẫn biết căn là một nội sắc, nhưng chúng ta rất quan hệ mật thiết. Căn là phần chủ động, có khả năng duyên được với trần, còn trần là phần bị động “được duyên” với căn. Nhờ có căn phù trần và tịnh sắc, nên con người mới có thể nhận biết các cảnh vật chung quanh trong sự sống hằng ngày.
Nếu không có căn, dĩ nhiên không có thức, thì con người không phải là con người. Họ không sáng tác, xây dựng, cải cách, tiến hóa, và thế giới này phải là thế giới “chết”, mờ mịt không có ý nghĩa.
Nếu không có trần, con người cũng không sống nổi. Ngoại cảnh là trường hoạt động của con người. Nó dạy khôn dạy khéo cho con người trong cuộc sinh hoạt và làm cho con người có ý thức về cuộc sống của mình.
Thức lại tác động vào căn và trần làm cho cuộc sống càng thêm tiến bộ, sung túc thịnh vượng.
Ba thứ này ảnh hưởng lẫn nhau như cây quẹt, chất dẫn và đốm lửa. Sự liên quan này chứng minh một cách hùng hồn sự không độc lập của sắc pháp và tâm pháp, cả về phương diện cá thể lần phương diện tổng thể.
Sự giả dối của lục Căn, lục Trần và lục Thức
Chúng ta thấy cái ngã không thể do tổng hợp của căn, trần và thức mà có được một cách thuần nhứt. Ðến đây, chúng ta sẽ đi sâu vào một tầng nữa: Quán sát xem cái ngã có thể có trong một phần nào của căn, trần và thức chăng?
Sáu căn là ngã căn?
Trước tiên, chúng ta hãy xét bản chất của sáu căn là gì? Chính là một khối xương da máu thịt, hợp lại có trật tự, có tổ chức, chứ không gì khác. Mà đã là thịt da, xương máu thì không có gì là bền bỉ, thuần nhất. Từ “khi trắng răng đến thuở bạc đầu”, thử xem con người đã mấy lần thay đổi. Và sau một trăm năm, thử hỏi thể xác ấy sẽ còn lại gì, ngoài “nắm cỏ khâu xanh rì”?
Giả sử có một cái ngã ở sáu căn, thì thử hỏi: Nếu cái ngã ở nơi mắt, thì năm căn kia không phải là ngã. Nếu cái ngã ở nơi tai, thì năm căn kia không phải là ngã. Lần lượt xét cả sáu căn, chúng ta không thể nói được cái ngã ở một phần nào trong sáu căn. Nếu cho rằng sáu căn đều là ngã, thì thành ra con người có đến sáu cái ngã. Nói thế chắc không ai công nhận được.
Còn nếu bảo rằng: Do sáu căn hòa hợp mà có cái ngã, thì với trái với định nghĩa về cái ngã, là thuận nhất, bất biến. Vả lại khi đã cho rằng cái ngã do nhiều thứ hợp lại, thì cũng phải công nhận luôn là cái ngã ấy là không thật, là giả hợp. Do đó, Duy thức học bảo “nhân vô ngã”.
Sáu trần là ngã căn?
Trần với căn không khác gì mấy. Căn đã không tự tại trong cuộc sinh tồn, thì trần làm sao đứng vững. Giả sử, “ngã” nằm trong sắc, thì trên thế giới này phải không có sự đổi trắng, thay đen. Như hoa nở rồi tàn, hết ngày rồi đêm, bãi bể biến thành vườn dâu, cuộc đổi thay đã bày rành rành ra trước mắt.
Vậy “ngã” nằm trong thanh chăng? Cũng không có lý. Thanh không bao giờ tự nhiên mà có. Nếu có không do vật hữu tình phát ra, thì cũng do sự va chạm của những vật vô tình mà có. Như thế, thanh rõ ràng là một pháp hữu vi, có tạo tác. Mà đã là hữu vi, thì thế nào cũng vô thường. Vả lại, vật sinh ra nó là sắc kia đã là vô ngã, vô thường, thì nó không thể nào thường, là ngã được. Cho đến hương, vị, xúc, pháp cũng đều là vô thường, vô ngã như sắc, thanh cả. Chúng chỉ như làn gió thoảng qua, như màn sương phảng phất; Đã vô hình lại bất định, nên sự vô ngã của chúng lại càng rõ rệt hơn sắc, thanh nhiều.
Sáu thức là ngã căn?
Như đoạn trên đã nói, thức là sự nhận biết do căn và trần đối nhau mà có. Ðiều ấy đã chứng minh rằng thức không thật có. Nói một cách đơn giản thì Thức là do căn và trần đối nhau mà thành. Nhưng nếu chia chẽ một cách rốt ráo theo duy thức học, thì thức sỡ dĩ có được còn là nhờ nhiều nhân duyên khác nữa. Chẳng hạn như nhãn thức, sanh khởi được là nhờ chín duyên sau đây:
- Không: là khoảng trống không, cách biệt giữa căn và cảnh vật.
- Minh: là ánh sáng soi chiếu bởi mặt trời, trăng, sao, hay đèn đóm.
- Căn: là chỗ nương tựa của thức.
- Cảnh: là các sự vật mà căn duyên được.
- Tác ý: là sự mong muốn được thấy.
- Phân biệt y: là chỗ nương để phân biệt, tức là ý thức, hay thức thứ sáu.
- Nhiễm tịnh y: là thức thứ bảy hay là tiềm thức.
- Căn bản y: là thức thứ tám. Chủng tử: Bản năng sẽ được phát sinh.
Ðể có một ý niệm rõ ràng hơn về nhãn thức, ta giảng giải chín duyên trên ra như sau:
*
Khi mắt ta thấy một vật gì: Nó phải ở cách vật ấy gần hay xa (Không ). Khi thấy là ban ngày, hay ban đêm có trăng, sao, hoặc pha đèn (Minh). Sự thấy ây dĩ nhiên là phải từ con mắt mà có (Căn) và đồng thời, lúc đó phải có vật gì mới thành sự thấy (Cảnh). Trước lúc thấy, ta đã có ý muốn ngó rồi (Tác ý). Tác ý đây lại do ý thức đã khởi động trước (Phân biệt y). Ý thức lại phải nương thức thứ bảy, vì là căn của nó (Nhiễm tịnh y). Thức thứ bảy lại luôn luôn chấp thức thứ tám là ngã (Căn bản y). Thức này lại là nơi dung chứa các thức chủng tử. Chủng tử là cái nhơn chánh để có ra sự vật.
Xét từ trong đến ngoài, từ duyên đầu đến duyên chót, nhãn thức đã không có mảy may gì là chơn thật cả. Các thứ kia như nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức cũng như vậy cả, nhưng ít duyên hơn. Như nhĩ thức thì chỉ có tám duyên (vì không có Minh: nghe không cần có ánh sáng). Còn tỷ, thiệt và thân thức, thì chỉ bảy duyên (Vì không cần có Minh và Không). Ý thức thì chỉ có năm duyên là: Căn, cảnh, tác ý, căn bản y, chủng tử.
Xem thế thì đủ rõ sáu thức đều là không thật, nghĩa là cũng vô ngã như sáu căn và sáu trần. Tóm lại, từ căn thân cho đến thế giới, gồm trong mười tám giới, đều không thật có, không thật ngã. Hành tướng do nhân duyên hòa hợp thì có, những thật thể thì hoàn toàn không.( Phật học phổ thông – HT Thiện Hoa)
Lục căn viên thông
Luc căn viên thông hay còn gọi là lục căn hỗ dụng, nghĩa là việc sáu căn có thể dùng thay cho nhau. Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Đừng theo đuổi sáu trần rồi cặp chúng với cái thấy, cái biết của mình. Nếu quý vị không đuổi theo sáu trần, thì quý vị sẽ thấy như thể là không thấy và nghe như là không nghe. Vì mình không bị ám ảnh bởi cảnh giới của sáu trần. Thì cái sáng suốt sẽ không theo căn. Nó không giao tiếp với trần cảnh nên tánh sáng suốt liền hiển hiện. Cái biết (hư vọng phân biệt) không còn có mặt trong đó nữa. Tánh giác sáng suốt của chính bản tâm mình không truy đuổi theo các căn.
Tuy nhiên, bản tánh giác ngộ sáng suốt của mình được tìm thấy ngay nơi cửa của sáu căn. Khi tánh giác bản hữu tự hiển lộ, thì lục căn viên thông, tức sáu căn có thể được dùng thay cho nhau. Điều nầy không thể có nếu quý vị còn dùng vọng minh và vọng giác. Điều nầy, Lục căn hỗ dụng chỉ xảy ra khi mình dùng tánh sáng suốt chân thật vốn có của bản giác. Thế là sáu căn–mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý–có tác dụng hỗ tương. Mắt có thể nói và tai có thể thấy.
Lục căn viên thông: Không có mắt vẫn thấy
Có những vị đã có được lục căn hỗ dụng. Đó là A na luật đà. Quý vị có nhớ ngài không? Ngài là người bị mù khi cố gắng không ngủ. A na luật đà là anh em họ với Đức Phật, ngài là con vua Bạch Phạn. Ngài thích ngủ, và ngủ bất kỳ lúc nào Đức Phật giảng pháp. Đức Phật trách mắng ông về thói quen nầy, Đức Phật nói rằng:
Nầy! Nầy! Sao còn ngủ?
Như loài trai sò kia
Ham ngủ một ngàn năm
Chẳng nghe được tiếng Phật.
Sau khi bị quở trách như vậy, trong nỗ lực của nhiệt tâm, A na luật đà không ngủ suốt bảy ngày đêm. Cuối cùng ngài bị mù vì mất ngủ. Đức Phật thấy thương xót nên mới truyền dạy cho ngài pháp tu Nhạo kiến chiếu minh kim cương tam muội. Nhờ tu pháp này, ngài chứng được thiên nhãn thông. Mắt trần của ngài bị mù, nhưng ngài trở nên đệ nhất thiên nhãn. Ngài có thể nhìn thấy mọi vật rất rõ ràng.
Quý vị không nên nghĩ rằng khai nhãn là giống như nhau trong mọi trường hợp. Có người thấy mọi vật rất rõ ràng, và có người thấy không được rõ. A na luật đà thấy rõ nhất trong tất cả. Ngài có thể thấy tam thiên đại thiên thế giới nhƯ thấy một vật trong bàn tay. Đây là không có mắt mà vẫn nhìn thấy suốt.
Lục căn viên thông: Không có tai vẫn nghe
Đức Phật lại nhắc đến rồng Bạt nan đà không có tai mà vẫn nghe. Đây là loại thần long bảo hộ cho xứ Ma kiệt đà, chăm sóc cho việc mưa thuận gió hòa. Loài rồng nầy được người dân trong xứ quý mến, nên họ đặt tên là Upananda, Hán dịch là Thiện hoan hỷ.
Mặc dù không có tai, nhưng loài rồng nầy có thể nghe bằng râu mọc trên đầu. Thế nên A na luật đà không dùng mắt mà vẫn thấy. Rồng Bạt nan đà không dùng tai mà vẫn nghe. Đây chính là sáu căn hỗ dụng mà chúng ta đang bàn đến.
Lục căn viên thông: Không có mũi vẫn ngửi được
Còn có Thần nữ Căng già không có mũi mà ngửi được mùi hương. Sông Hằng, sông Sindhu, sông Vakshu và sông Sutlej đều phát nguyên từ trên đỉnh núi Tuyết sơn thuộc dãy Hy mã lạp sơn. Thần nữ Căng già tức nữ thần của sông Hằng, vì sông phát nguyên từ hồ A nậu đạt trên đỉnh Tuyết sơn. Nữ thần nầy là chủ của các vị thần sông. Thần nầy không có mũi, nhưng có thể ngửi được mọi thứ. Bởi bà dùng mắt để ngửi.
Lục căn viên thông: Không có thân vẫn biết xúc chạm
Thần Thuấn nhã đa không có thân mà vẫn biết xúc chạm. Thuấn nhã đa là thần Hư không. Vị Thần hư không nầy không có thân mà vẫn biết sự xúc chạm. Việc đó xảy ra như thế nào? Do hào quang của Như Lai ánh ra mà tạm hiện có thân, chứ bản chất của ông là gió, chứ không có thân thể.
Hào quang của Đức Phật khiến cho vị thần nầy tạm thời xuất hiện, dù vị thần nầy lặng không như gió và không có hình thể gì cả. Nhưng khi thần nầy xuất hiện trong ánh hào quang của Đức Phật, thì vẫn cảm nhận được những cảm giác xúc chạm. Điều đó làm cho thần hư không rất vui mừng, “Tôi thực sự không có thân, nhưng nay tôi đã có.” Mọi chúng sinh đều sợ bị mất thân mạng, thế nên khi được phép hiện thân, vị thần nầy rất hoan hỷ.” (Kinh Lăng Nghiêm lược giảng: HT Tuyên Hóa)
( Lục căn, Lục trần và Lục thức là gì )
Tuệ Tâm 2021.
Trần Anh Hoài viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Con cảm ơn vị tác giả, bài giảng đã giúp con có thêm kiến thức trên con đường tu tập.
Sau khi đọc con có vài điều rất bâng khuâng, cái bâng khuâng này có từ khá lâu mà con vẫn chưa đủ duyên để lĩnh hội. Con kính mong được Hành giả rộng lượng chỉ dạy và giải đáp!
Hỏi: “Ngã là giả dối, quả đúng không nằm trong 18 giới căn-trần-thức. Vậy, nếu không có ‘ta’ thì thứ gì sẽ nhận thức được là ta đã đến Cực Lạc hay đến bất kì cảnh giới nào sau khi chết? Cách nào cho người mới tu tập như con có thể thực tập hiệu quả để bắt đầu bước vào thiền định và chiếu vào bên trong?”
Con rất mong được chỉ bảo bởi các vị tiền bối!
Chờ phản hồi qua email. Xin chân thành cảm ơn!
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Câu hỏi của bạn Tuệ Tâm không đủ trí huệ để trả lời, mong bạn tùy hỉ. Chỉ khuyên bạn: Chúng ta đã ở quá sâu vào thời mạt, tâm thô cảnh tế, các phép quán gần như chỉ có bậc Thượng Thượng Căn, giới hạnh tinh nghiêm, tu trì miên mật mới mong có ngày thành tựu. Pháp Thiền Định phải có bậc thiện tri thức hướng dẫn, may ra đường tu được an ổn, còn không, trong 100 người, có đến 99,9 người lạc vào lưới ma. Nếu thiền định chơi chơi cho vui khỏe thì được, còn như để liễu sanh thoát tử thì thực vô cùng nguy hiểm, không phải chuyện chơi đâu!
Bởi vậy nên chư Tổ hễ gặp người hỏi đạo đều một hai khuyên người ta niệm Phật, cầu vãng sanh Tây Phương, dùng sức phàm phu nhưng nương nơi Bản nguyện của đức Phật A Di Đà mà ra khỏi sanh tử luân hồi. Nay thấy bạn có niệm Phật, sao không chuyên một pháp trì danh, vừa dễ tu, vừa an toàn, lại dấn vào Thiền định để làm chi? Còn như bạn vẫn một hai tu Thiền, trước khi tập nhất định phải đọc qua Kinh Lăng Nghiêm hoặc chí ít phải đọc qua phần Ngũ Ấm Ma để biết về các ma chướng mà tránh vậy…
Nam mô A Di Đà Phật.
khanh nguyen viết
Nam mo AMIDAPHAT.
“Ngã la giả dối” la tam vong, la tam Tham, tam San, tam Si, Man, Nghi, Ac kien.
“Chan nga” la Tanh Thay, Nghe, Hay, Biet. Tanh nay thuong tru khap muoi phuong.
Neu “Vo nga” thi ai do chung sinh?.
Ai hoa than trong khap muoi phuong the gioi de cuu do chung sinh?.
co phai chinh la “Chan nga”?.
Thoi nay, chi co mot cach, va chi co mot cach duy nhat de thoat khoi sanh tu luan hoi la Niem Phat. Day la van lan chan that, hay can than.
Tha la ca doi khong ngo, chu khong de mot phut giay lot vao ma dao…!
Nam mo AMIDAPHAT.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Khanh Nguyen, lần sau xin vui lòng viết tiếng Việt có dấu ạ, cảm ơn bạn!