Tôi lúc mới mon men trên đường đạo, nhờ đọc được những lời khai thị vàng ngọc của chư Tổ mà rõ biết đường về. Tuy biết rõ là như thế nhưng tâm vẫn đầy phiền não không yên. Nghĩ sức mình phàm phu, nghiệp nặng, tâm tạp, duyên đời bận buộc đa đoan, không biết có được giải thoát hay không. Lại thường lo sợ kiếp này mình tinh tấn hành trì mà không giải thoát, kiếp sau ắt hưởng phước nhân thiên, tạo ác, rồi lại đọa lạc tam đồ…
Về sau đọc phải thuyết “nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh” lại càng thêm phiền não. Nghĩ biết bao bậc đại hùng tâm giới hạnh tinh nghiêm, tu trì cẩn mật mà chẳng giải thoát, kiếp sau đọa làm vua quan, hưởng phước rồi chẳng ác nào không làm. Kết cục đều lấy Địa ngục làm nẻo chỉ quy, thật vô cùng kinh sợ!
Chông chênh như thế nhiều năm, cho đến ngày duyên gặp được Niệm Phật Tông Yếu của Pháp Nhiên Thượng Nhân, tâm như trút được gánh nặng ngàn cân, thấy đường giải thoát rộng thênh thang, nắm chắc được trong lòng bàn tay không còn nghi ngờ. Từ đó buông sạch mong cầu chấp trước, tâm không còn tìm kiếm, không còn khởi mong cầu gì nữa.
*
Xin chia sẻ cùng bạn đọc những lời khai thị vàng ngọc dành cho người học Phật thời mạt. Nội dung bài viết này được trích dẫn từ “Trí Tịnh Toàn Tập”, văn từ rất dung dị và dễ hiểu. Dù bạn chưa tu tập hay đang tu tập, dù bạn đang tu thiền, mật, hay tịnh…cũng đều nên đọc qua lấy một lần. Những lời dạy ẩn mật của chư Tổ thật quý hơn vàng bạc châu báu vậy!
- Muốn thấy được Rồng thật, phải khai được Ngũ Nhãn.
- Chết bất đắc kỳ tử là như thế nào.
- Vị Phật đầu tiên là ai.
- Đức năng thắng số là gì.
- Nghiệp lực từ đâu sinh ra.
- Thần chú chữa chứng trẻ khóc đêm.
- Niệm Phật nhất định vãng sanh – Chứng cứ là đây.
Những lời khai thị vàng ngọc cho người học Phật thời mạt pháp: Mã Minh Bồ Tát
Đại sĩ, người nước Tang Kỳ Đa thuộc Đông Thiên Trúc. Có bầy ngựa nghe tiếng Đại sĩ thuyết pháp là buồn cảm hí kêu, nên người thời ấy gọi Đại sĩ là Mã Minh Tôn giả. Về dòng Tổ chánh truyền, bắt đầu từ ngài Ma Ha Ca Diếp là Tổ thứ nhứt, ngài A Nan Đà là Tổ thứ hai… thời Đại sĩ là Tổ thứ 12, đắc pháp nơi Tổ thứ 11, ngài Phú Na Dạ Xà Tôn giả.
Đại sĩ từng trứ tác bộ Đại thừa Khởi Tín Luận, y cứ nơi chúng sanh tâm mà hiển thị Đại thừa nghĩa. Tất cả pháp nhiễm ô sanh tử của phàm, và tất cả pháp thanh tịnh giải thoát của Thánh đều duy tâm tùy duyên tịnh hay nhiễm mà tạo thành.
*
Mê tâm, thời khởi vô minh, phân biệt chấp kiến, rồi gây nghiệp mà chác lấy quả sanh tử khổ lụy. Ngộ tâm, thời dứt nghiệp phá chấp kiến, hết vô minh mà chứng đặng quả giải thoát an vui. Chứng ngộ tự tâm, tín thật đó là tâm tánh của mình, vĩnh viễn không mê mờ quên lãng tự tâm bổn tánh ấy, đây gọi là bậc tín tâm bất thoái của Đại thừa. Đưa người đến bậc Đại thừa, tín tâm bất thoái là mục đích chủ chính của bộ Đại thừa Khởi Tín Luận.
Đến bậc bất thoái này, theo trong luận, phải là người đủ năng lực thiện căn huân tập, thâm tín nhơn quả, chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, phát Bồ đề tâm, đặng gặp chư Phật gần gũi cúng dường, tu Bồ tát hạnh. Tu tập các hạnh như vậy đủ một vạn đại kiếp, tín tâm thành tựu chứng bậc bất thoái. Nếu là người chưa đủ tất cả các điều kiện trên đây, thời là còn có thể bị thoái chuyển, nơi đạo Vô thượng chưa được bảo đảm. Rốt sau, Đại sĩ có lời khuyên người nên cầu sanh Tịnh độ để được mau thành tựu tín tâm, chắc chắn trụ bậc “bất thoái”.
*
Đây là lời Đại sĩ khuyên:
“Chúng sanh vì ở Ta bà thế giới này, tự sợ chẳng được thường gặp chư Phật để gần gũi cúng dường, e rằng tín tâm khó thành tựu được. Phải biết rằng đức Thích Ca Như Lai của chúng ta có chỉ dạy một phương tiện siêu thắng để nhiếp hộ tín tâm. Tức là đức Bổn sư dạy chuyên tâm niệm Phật. Do vì chuyên tâm niệm Phật, nên tùy nguyện được sanh về Tịnh độ, thường gần bên Phật, vĩnh ly ác đạo. Như trong kinh: Nếu người chuyên niệm Tây phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, bao nhiêu thiện căn công đức của mình tu tập đều hồi hướng nguyện cầu về thế giới ấy, thời bèn đặng vãng sanh. Khi được sanh về Cực Lạc Tịnh độ rồi, vì thường được thấy Phật nên vĩnh viễn không còn bị thoái chuyển”.
Vì nhân duyên như vậy nên đức Bổn sư ta, nơi pháp hội Kỳ Viên thuyết kinh A Di Đà, ba bốn phen cặn kẽ khuyên bảo mọi người nên đồng phát nguyện cầu sanh về Cực Lạc thế giới. Bổn sư lại nói chúng sanh nào sanh về Cực Lạc thế giới đều là bậc bất thoái chuyển. (Cực Lạc thế giới, chúng sanh sanh giả giai thị A bệ bạt trí). Về sau, Đại sĩ phó pháp cho Tổ thứ 13, Ca Tỳ Ma La Tôn giả, rồi nhập chánh định Long phấn tấn tam muội, thân vọt bay lên hư không tròn sáng như mặt trời, giây lát trở về pháp tòa ngồi kiết già mà nhập diệt. Theo lời người xưa, Đại sĩ là bậc Pháp thân địa thượng Bồ tát.
Những lời khai thị vàng ngọc cho người học Phật thời mạt pháp: Long Thọ Bồ Tát
Bồ tát người Nam Ấn từng ở núi tu tập thiền định. Trên núi ấy có một cội cổ thụ rất cao lớn, dưới tàng cây có 500 con rồng ở. Bồ tát hiện thần lực thâu phục bầy rồng, và thường ngày thuyết pháp giảng đạo cho. Vì thế, người đời gọi ngài là Long Thọ Tôn giả. Ngài đắc pháp với Tổ thứ 13, đức Ca Tỳ Ma La Tôn giả, rồi kế vị làm Tổ thứ 14. Ngài có ý muốn rộng truyền kinh giáo.
Bấy giờ, Đại Long Bồ tát rước ngài vào long cung trong đại hải, mở kho thất bảo, cho ngài tự tiện đọc xem kinh tạng. Ngài chuyên tâm xem trong 90 ngày đêm, thông thuộc được rất nhiều. Sau 90 ngày, Đại Long Bồ tát đưa ngài về Thiên Trúc để hoằng thuyết Chánh pháp. Bộ kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm (Phạn văn) chính tự tay ngài chép ra sau khi ở long cung về. Ngài có trứ tác bộ Tỳ Bà Sa Luận. Trong luận đó có lời xưng tán đức Phật A Di Đà, đại lược như vầy:
*
Nếu ai nguyện làm Phật
Tâm niệm A Di Đà
Phật liền hiện thân đến
Cho nên tôi quy mạng.
Do bổn nguyện của Phật
Nên thập phương Bồ tát
Đến cúng dường nghe pháp
Vì thế tôi cúi đầu.
Bồ tát ở Cực Lạc
Thân xinh đẹp trang nghiêm
Đủ cả các tướng hảo
Nay tôi quy mạng lễ.
Bồ tát ở Cực Lạc
Ngày ngày trong ba thời
Cúng dường thập phương Phật
Nên tôi cúi đầu lạy.
Nếu người trồng căn lành
Nghi thời hoa không nở
Người tín tâm thanh tịnh
Thời hoa nở thấy Phật.
Hiện tại thập phương Phật
Vì muốn độ chúng sanh
Mà ca tụng Di Đà
Nên tôi quy mạng lễ.
Cõi đó rất trang nghiêm
Thanh tịnh hơn thiên cung
Công đức rất sâu dày
Nên tôi lạy chân Phật.
*
Ngài lại tạo bộ Trí Độ Luận. Trong luận ấy, nơi chương dạy về Pháp môn niệm Phật, có lời như vầy: “Niệm Phật tam muội trừ được các thứ phiền não và tội nghiệp của đời trước. Các môn tam muội khác, có môn trừ được dâm tâm mà không thể trừ sân. Có môn trừ được sân mà không thể trừ dâm tâm. Có môn trừ được si mà không trừ được dâm và sân. Có môn trừ được tham sân si mà không trừ được tội nghiệp đời trước. Niệm Phật tam muội này trừ được các thứ phiền não và các thứ tội nghiệp.
Lại nữa, Niệm Phật tam muội có đại phước đức có thể độ chúng sanh. Các vị Bồ tát muốn độ chúng sanh, các tam muội khác phước đức không bằng Niệm Phật tam muội. Tam muội này mau trừ diệt được các tội chướng. Lại nữa, Phật là đấng Pháp Vương, còn chư Bồ tát như Pháp tướng. Chỗ tôn trọng của Bồ tát chỉ là Phật Thế Tôn, vì thế nên phải thường niệm Phật. Ví như quan đại thần được đức vua yêu chuộng, nên thường nhớ tưởng đến vua mình. Bồ tát cũng vậy, biết rằng những công đức cùng vô lượng trí huệ của mình đều từ nơi đức Phật mà đặng. Vì ơn Phật rất nặng nên thường niệm Phật. Lại do vì niệm Phật luôn, tâm không rời Phật, nên Bồ tát thường được gặp chư Phật”.
Hỏi: Bồ tát phải hóa độ chúng sanh, sao lại muốn thường gặp chư Phật?
Đáp: Những người chưa nhập Bồ tát chánh vị, chưa chứng đặng bậc Bất thoái chuyển, chưa được Phật thọ ký, nếu rời chư Phật thì hư hoại các thiện căn, chìm trong vực phiền não. Tự độ lấy mình còn chưa được, đâu có thể độ người.
Như người đi thuyền, giữa dòng thuyền hư bể, muốn vớt chở người khác, mà mình đã bị chìm. Nơi tâm thời muốn được, nhưng nơi sự thời không thành mà lại thêm hại. Lại như đem một ít nước sôi đổ vào ao lớn đông giá. Dù băng tan một ít chỗ nhưng rồi nước sôi ấy trái lại bị đông thành giá! Bồ tát chưa nhập pháp vị nếu xa rời chư Phật, không phương tiện lực mà dùng một ít công đức đi hóa độ chúng sanh. Dù cũng có thể được chút ít kết quả, nhưng trái lại tự bị đọa lạc. Vì thế nên các bậc Bồ tát này phải thường gần Phật, không được rời!
Các vị A la hán cùng Bích Chi Phật, dầu có kết quả chứng Niết bàn. Nhưng các Ngài vì chưa có Nhứt thiết chủng trí không thể dìu dắt các Bồ tát. Duy chư Phật đã thành tựu Nhứt thiết chủng trí nên có thể chỉ dạy dắt dìu chư Bồ tát. Như voi sa lầy thời chỉ có dùng voi mới cứu được. Bồ tát nếu sa vào phi đạo thời chỉ có Phật mới cứu được, vì đồng một đạo Đại thừa vậy. Vì những lẽ trên, Bồ tát phải gần Phật!
*
Lại nữa, Bồ tát tự nghĩ rằng ta chưa có Phật nhãn không khác kẻ mù lòa. Nếu không được đức Phật dẫn đạo thời vì không thấy đường mà sẽ bị lạc vào nẻo khác. Giả sử được nghe Phật pháp, nhưng vì ở khác chỗ của Phật mà thực hành, thời sẽ có sự hại là chưa rõ thời tiết giáo hóa, nơi pháp nên thực hành nhiều hay ít. Vì thế nên Bồ tát phải thường gần Phật.
Lại nữa, Bồ tát gần Phật, hoặc mắt thấy Phật mà tâm thanh tịnh, hoặc nghe Phật dạy tâm liền vui thích pháp vị mà được đại trí huệ, rồi tu hành theo pháp mà được đại giải thoát. Gần Phật được vô lượng lợi ích lớn như vậy, há lại chẳng nên nhứt tâm cầu muốn thấy Phật, gần Phật ư?
Như trẻ thơ chẳng nên rời mẹ. Người đi đường xa vắng chẳng nên rời lương thực. Mùa nóng bức chẳng nên rời gió mát nước lạnh. Mùa quá rét chẳng nên rời lửa; qua dòng sâu rộng chẳng nên rời thuyền. Người bệnh chẳng nên rời lương y. Bồ tát chẳng nên rời chư Phật, lại là vấn đề thiết yếu hơn các việc trên. Những sự lợi ích đem lại do nơi cha mẹ, thân thuộc, các trí thức, cùng nhơn vương, thiên vương, nhẫn đến tất cả, đều không bằng sự lợi ích được nơi đức Phật. Đức Phật làm cho các vị Bồ tát được sự lợi ích lớn: Khỏi các nẻo khổ, an ở nơi Phật địa.
Hỏi: Làm thế nào để đặng không rời chư Phật?
Đáp: Chúng sanh đều có tội nghiệp nhân duyên trong vô lượng kiếp, dầu thực hành phước đức mà trí huệ cạn cợt, dù tu hành trí huệ mà phước đức kém mỏng. Bồ tát cầu Phật đạo phải thực hành Sanh nhẫn và Pháp nhẫn. Vì thực hành Sanh nhẫn mà đối với tất cả chúng sanh phát tâm từ bi, nên diệt được vô lượng tội chướng, tăng trưởng vô lượng phước đức. Vì thực hành Pháp nhẫn phá vô minh, nên đặng vô lượng trí huệ. Đủ cả hai hạnh Sanh nhẫn và Pháp nhẫn thời được đời đời không rời chư Phật.
Lại nữa, vì Bồ tát thường thích niệm Phật nên đời đời luôn luôn gặp chư Phật. Ví như chúng sanh nào lòng dâm quá nặng thời sẽ thọ thân dâm điểu (se sẻ, vịt, v.v…). Chúng sanh nào tâm sân hận quá trọng thời sẽ sanh vào các loại độc trùng (rắn, rết, v.v…) Cũng vậy, Bồ tát không màng sự giàu sang phước báu của người của trời, chỉ thích thường niệm Phật. Vì thường niệm Phật nên tùy tâm nguyện được sanh về Tịnh độ. Lại nữa, do vì Bồ tát thường khéo tu Niệm Phật tam muội, nên sanh vào đâu cũng thường gặp chư Phật. Kinh Bát Chu tam muội có nói: “Bồ tát nhập tam muội này, thời hiện đời sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật A Di Đà…”
*
Về sau nhân duyên giáo hóa đã mãn, Long Thọ Bồ tát phó pháp cho ngài Ca Na Đề Bà Tôn giả rồi nhập tam muội mà thị tịch. Trong pháp hội Lăng Già, đức Bổn sư từng nói với Đại Huệ Bồ tát rằng: “Ông Đại Huệ nên biết: Sau khi Phật diệt độ, tương lai sẽ có người hộ trì chánh pháp Phật, là người Nam Thiên Trúc đại danh đức Tỳ kheo tôn hiệu là Long Thọ. Tỳ kheo đó phá được các hữu tông, vô tông, để hiển pháp Vô thượng Đại thừa của Phật dạy. Long Thọ đó chứng bậc Hoan Hỷ địa Bồ tát, vãng sanh Cực Lạc quốc”.
Đây là lời huyền ký của đức Bổn sư, mà cũng là lời thọ ký cho Long Thọ Bồ tát vậy
Những lời khai thị vàng ngọc cho người học Phật thời mạt pháp: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Đời Đường có ngài Thích Pháp Chiếu trụ trì chùa Vân Phong ở Hoành Châu. Ngài hàng ngày tinh tấn tu hành không bê trễ. Năm Đại Lịch thứ hai, một buổi sáng nọ, ngài thấy trong bát cháo nơi nhà Tăng hiện bóng mây lành năm màu. Trong mây hiện ra một cảnh chùa, hướng Đông Bắc ngõ chùa có dãy núi, chân núi có khe nước. Phía Bắc của khe có một cửa ngõ bằng đá. Trong ngõ đá lại có một ngôi chùa to để hiệu Đại Thánh Trúc Lâm Tự.
Ít hôm sau, ngài lại thấy trong bát cháo hiện cảnh chùa, vườn, ao, lâu đài đồ sộ, và một vạn vị Bồ tát ở trong đó. Ngài mới đem cảnh tượng đã thấy mà hỏi cùng các bậc trí thức.
Một Đại đức bảo: “Việc biến hiện của chư Thánh khó nghĩ bàn được. Nhưng nếu luận về thế diện phương hướng núi sông, thời đó là cảnh Ngũ Đài Sơn”.
Nghe Đại đức nói, ngài có ý muốn viếng cảnh Ngũ Đài Sơn. Năm Đại Lịch thứ tư, ngài Pháp Chiếu gặp một cụ già bảo: “Ông từng có ý muốn đến Kim Sắc thế giới (Ngũ Đài) để kính lễ Đại Thánh (Văn Thù), sao đến nay vẫn chưa đi?”.
Ngài bèn cùng với các pháp hữu đi Ngũ Đài. Năm Đại Lịch thứ năm, ngày mùng sáu tháng tư thời đến chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Đài.
*
Đêm ấy, vào lối canh tư, ngài bỗng thấy ánh sáng lạ từ xa xẹt đến chiếu mình ngài. Ngài liền nhắm theo tia sáng mà đi. Đi được năm mươi dặm thời đến một dãy núi, dưới chân núi có khe, phía Bắc của khe có ngõ đá. Nơi ngõ có hai đồng tử đứng chực sẵn xưng tên là Thiện Tài và Nan Đà. Hai đồng tử dắt ngài đến một ngôi chùa to, trên bảng đề hiệu Đại Thánh Trúc Lâm Tự, đất vàng, cây báu rất trang nghiêm. Giống hệt như cảnh đã thấy trong bát cháo lúc trước. Ngài vào chùa, lên giảng đường, thấy phía Tây thời đức Văn Thù, phía Đông thời đức Phổ Hiền, hai vị đại Bồ tát đều ngự trên tòa cao lớn, đương thuyết pháp cho một vạn vị Bồ tát.
Ngài Pháp Chiếu cung kính đến trước tòa đảnh lễ rồi bạch rằng: “Phàm phu thời mạt pháp, cách Phật đã xa, chướng sâu nghiệp nặng, phước mỏng trí cạn. Dầu sẵn đủ Phật tánh, nhưng không sao phát hiện được. Phật pháp quá mênh mông, chưa rõ nên tu pháp môn nào cho thích hợp?”.
Đức Văn Thù dạy: “Nay ông niệm Phật chính là phải lúc. Các môn tu hành không môn nào qua môn niệm Phật cả. thêm cúng dường Tam Bảo, gồm tu cả phước và huệ. Hai môn này rất là thiết yếu. Về thuở quá khứ, nhờ quán Phật, niệm Phật, cúng dường Phật, mà ta chứng đặng Nhứt thiết chủng trí. Vì thế nên tất cả các pháp môn: Bát nhã Ba la mật, thậm thâm thiền định, đến như Phật cũng đều từ niệm Phật mà sanh. Do đây nên biết, niệm Phật là vua trong các pháp môn”.
*
Ngài Pháp Chiếu bạch: “Nên niệm Phật như thế nào?”.
Đức Văn Thù dạy: “Hướng Tây của thế giới này có đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Cực Lạc. Nguyện lực của đức Phật ấy không thể nghĩ bàn. Ông nên chuyên niệm đức Phật A Di Đà cho được không gián đoạn, đến lúc lâm chung quyết định vãng sanh, vĩnh viễn không thoái chuyển đạo Vô thượng”.
Dứt lời, hai vị Đại Thánh đồng đưa tay vàng xoa đầu ngài Pháp Chiếu mà phán rằng: “Nhơn vì ông niệm Phật, không bao lâu ông sẽ chứng quả Vô thượng Bồ đề. Nếu thiện nam tín nữ nào nguyện mau thành Phật, không gì qua niệm Phật. Niệm Phật quyết mau chứng quả Vô thượng Bồ đề”.
Hai Đại Thánh thọ ký xong, ngài Pháp Chiếu vui mừng đảnh lễ, rồi từ tạ lui ra. Hai đồng tử đưa ngài ra khỏi ngõ chùa, ngài ngước đầu ngó lại, bỗng người, cảnh đều biến mất. Ngài bèn dựng đá đánh dấu chỗ ấy rồi trở về chùa Phật Quang.
Đến ngày 13 tháng tư, ngài đi cùng năm mươi vị Tăng, đồng đến hang Kim Cương thành tâm đảnh lễ danh hiệu của 35 đức Phật. Ngài Pháp Chiếu lễ vừa được 10 bận, bỗng tự thấy hang Kim Cương rộng lớn trang nghiêm thanh tịnh, có cung điện bằng lưu ly, thấy đức Văn Thù cùng đức Phổ Hiền đồng ngự trong ấy.
*
Hôm khác, ngài Pháp Chiếu đi riêng một mình đến hang Kim Cương cầu nguyện cho thấy Đại Thánh, rồi gieo mình rập lạy. Ngài bỗng thấy Thánh Tăng tự giới thiệu là Phật Đà Ba Lợi dắt ngài vào một viện. Ngài ngước mắt nhìn thấy bảng đề Kim Cương Bát Nhã Tự. Toàn viện báu đẹp trang nghiêm ánh sáng chiếu lấp lánh. Dầu đã nhiều lần thấy sự linh dị, nhưng ngài vẫn chưa thuật với ai cả.
Tháng Chạp năm ấy, ngài nhập đạo tràng niệm Phật nơi chùa Hoa Nghiêm. Ngài tuyệt thực nguyện vãng sanh Tịnh độ. Đến ngày thứ bảy, đầu hôm, đương lúc niệm Phật, ngài thấy một Thánh Tăng vào bảo rằng: “Ông đã được thấy cảnh giới ở Ngũ Đài Sơn, sao ông không truyền cho đời được cùng biết!”.
Nói xong, Thánh Tăng liền ẩn. Rạng đông, ngài lại thấy Thánh Tăng vào bảo như hồi đầu hôm. Ngài mới đáp: “Chẳng phải là tôi có lòng dấu kín Thánh đạo, chỉ sợ rằng nói ra người đời không tin mà sanh sự chê bai thôi!”.
Thánh Tăng bảo: “Đức Đại Thánh Văn Thù hiện tại ở Ngũ Đài mà còn không khỏi có người hủy báng. Ông nên đem các cảnh giới mà ông được thân thấy ở Ngũ Đài, truyền khắp với mọi người, làm cho mọi người được nghe biết mà phát Bồ đề tâm”.
*
Ngài Pháp Chiếu tuân lời, nhớ kỹ lại những sự đã thấy, rồi chép ra truyền cho mọi người. Năm sau, ông Thích Huệ Tùng với chư Tăng chùa Hoa Nghiêm đi cùng ngài Pháp Chiếu đến hang Kim Cương lễ Phật. Sau họ đến chỗ dựng đá lúc trước để chiêm ngưỡng cựu tích. Mọi người đương ngưỡng vọng ngậm ngùi, bỗng đồng nghe tiếng hồng chung từ vách đá vang ra, tiếng chuông ngân nga, nhặt khoan rành rẽ. Ai nấy đều lấy làm lạ và đồng công nhận những lời thuật của ngài Pháp Chiếu là thật.
Nhân vì muốn người đời phát đạo tâm, nên Tăng chúng khắc sự tích của ngài Pháp Chiếu được thấy vào vách đá. Ít năm sau, chư Tăng lại dựng một kiểng chùa ngay nơi chỗ ngài Pháp Chiếu đánh dấu, để hiệu là Trúc Lâm Tự, nơi mà ngài Pháp Chiếu được đức Văn Thù cùng đức Phổ Hiền giảng dạy và thọ ký lúc trước.
( Những lời khai thị vàng ngọc dành cho người học Phật thời mạt.)
Tuệ Tâm 2023.
Hi viết
Những ngày tết nhiều bạn chơi pháo hoa pháo nổ liệu có gieo nhân bất thiện không tuệ tâm !
Nam mô A Di Đà Phật 🙏🙏🙏🙏
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Pháo nổ là mục nhà nước cấm, người bình thường còn phải tuân thủ luật pháp, ta là người học Phật lẽ nào lại đi làm ngược lại? Vả lại chuyện ấy chỉ là thú vui của thế gian, Tuệ Tâm không dám lạm bàn, điều ấy sẽ gây tranh cãi không cần thiết. Khuyên bạn nếu chân chánh học Phật thì chỉ nên tìm niềm vui nơi Đạo thôi, còn việc đời thì cứ tùy duyên tùy phận mà sống.
Xin thường niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật viết
Cảm ơn tuệ tâm ạ !
Xin Thường Niệm Nam mô A Di Đà Phật con nguyện sau khi chết được phật A Di Đà Phật dẫn con về tây phương cực lạc không gián đoạn.
Nam mô A Di Đà Phật.
Đỗ Văn Học viết
Xin hỏi Tuệ Tâm khi xây nhà mà xem hướng nhà, hướng bàn thờ, ngày đẹp động thổ thì có bị coi là mê tín ko ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Với người hiểu đạo thì mấy chuyện như “hướng nhà, hướng bàn thờ, ngày đẹp động thổ…” chỉ là quan niệm dân gian. Nhà xây hướng nam thì Đông ấm hè mát, còn như nghe mấy ông thày bói toán, phong thủy bảo rằng do mệnh, tuổi…mà phải xây hướng Bắc thì là mê tín. Bàn thờ chỉ là một cánh cổng tâm linh, chỉ cần đặt nơi thanh tịnh, cao nhất trong nhà để cho tôn nghiêm là được, còn như bảo phải hướng này hướng kia cho hợp mệnh hợp tuổi thì là mê tín. Ngày giờ thì trong Phật pháp không có chuyện ngày giờ tốt hay xấu.
Vậy cho nên, những chuyện trên, bạn lựa rồi tùy thuận sao cho những người không hiểu đạo trong nhà không tranh cãi là được, còn mình hiểu đạo thì đừng chấp chuyện ấy làm chi!
Đỗ Văn Học viết
Xin cảm ơn ạ!
Phan Lâm Trúc Thy viết
Nam Mô A Di Đà Phật . Xin Cho con được mạn phép hỏi : Con mới học phật gần đây, con chưa quy y , con nên học phép học phật nào ? Con thích Trì Chú Đại Bi Và Niệm Hồng Danh phật . và xin sư chỉ giáo cho Phàm Phu như con , con muốn mỗi khi niệm phật xong thì hồi hướng cho chúng sinh , ba mẹ , và cửu huyền thất tổ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn chỉ nên chuyên tu một pháp niệm Phật là tốt nhất. Trong ánh hào quang nhiếp hộ của Phật A Di Đà, hành giả luôn được an lành, các nạn ma gần như không có. Còn về chú Đại Bi, nếu muốn có được lợi ích thực sự nơi chú phải ăn chay, giữ giới và kiêng cử ngũ vị tân mà đọc tụng. Về niệm Phật và hồi hướng công đức, trên web có cả rồi, bạn chịu khó đọc hai bài này để nắm rõ hơn nhé:
Cách niệm Phật tại nhà.
Cách hồi hướng công đức.