Nên chọn bạn mà chơi, bởi gần mực thì đen gần đèn thì sáng. Ta chơi với kẻ hiền lương trong sáng, ắt tâm lượng cũng rộng lớn sáng trong. Còn chơi với phường bạc ác, ắt cũng theo đó mà tiêm nhiễm đủ thứ gian tà.
Thế gian hiếm kẻ biết được rằng: Từ kẻ thân người sơ cho đến bạn bè ta gặp trong đời này, đều do bốn nhân duyên mà đến. Bốn nhân duyên ấy là: Báo ân, báo oán, trả nợ và đòi nợ. Như ta may mắn gặp người bạn đến để báo ân hoặc trả nợ thì chẳng có chi bằng, còn như gặp phải phường báo oán cùng đòi nợ, ắt bị họ làm cho lao tâm khổ tứ, điên đảo không yên. Người không rõ lý này gặp bạn ác ắt chìm trong sân hận, bị oán thù thiêu đốt tâm can cho đến cuối đời. Người hiểu rõ lý này nếu lỡ gặp phải bạn ác hại cho khốn đốn cũng dễ buông bỏ, tuy có giận hờn nhưng không đến nỗi đắm chìm trong sân hận.
- Con người sinh ra để làm gì.
- Cách thay đổi vận mệnh.
- Từ bi là gì.
- Âm đức là gì.
- Sự thật về Đồng Bóng.
- Sự thật về Hoa Ưu Đàm.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.

Nên chọn bạn mà chơi, bởi gần mực thì đen gần đèn thì sáng.
Chúng ta vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sanh tử luân hồi, ân oán đã gieo cùng chúng sanh vô lượng vô biên. Cho nên, kẻ theo ta báo ân nhiều vô cùng, mà kẻ theo chờ báo oán cũng đông không kể xiết. Nay ta do phước nghiệp được thân người, nên khéo chọn bạn mà chơi. Người bạn tốt được ví như thiện tri thức, sẽ giúp ta an ổn trên đường đời và đạo. Còn bạn xấu ví như ác tri thức, sẽ khiến ta khốn đốn mà đọa lạc.
Chọn bạn mà chơi: Nhờ bạn lành mà thoát nạn sát thân
Theo Thọ Khang Bảo giám: “Tào Trĩ Thao đỗ Tiến Sĩ trong đời Sùng Trinh nhà Minh. Lúc còn là chư sanh, đã tư thông với một người đàn bà hàng xóm. Chồng cô ta biết chuyện, muốn giết chết, giả vờ nói: “Ngày mai ta sẽ đi xa, vài hôm mới về”. Vợ nghe nói mừng lắm, ngỡ là thật, liền hẹn hò Trĩ Thao đến nhà.
Ngày hôm ấy, nhằm đúng kỳ hẹn các bạn văn họp mặt, từ sáng sớm, bạn bè đã đến lôi kéo Trĩ Thao. Trĩ Thao từ chối, bạn bè biết rõ nguyên do, cưỡng ép đến chỗ họp mặt bàn luận thơ văn. Bạn bè nói với vị chủ trì cuộc họp mặt: “Hôm nay viết văn, phải chiếu theo cách thức viết trong trường thi Hội. Tiệc đêm, ắt phải uống say khướt mới về. Nếu chẳng tuân theo quy ước, sẽ bị phạt”, lại bảo người chủ trì khóa chặt cửa nẻo, các thư sinh chẳng được tự tiện ra vào.
Trĩ Thao hết sức bồn chồn, bất đắc dĩ, ngoáy bút cho xong bài văn, muốn về trước. Các bạn ồn ào: “Có hẹn trước à? Về gấp vậy?” Đến tối, trong khi uống rượu, Trĩ Thao có tâm sự, cố ý uống ít. Các bạn ép phải uống, [không uống], sẽ trừng phạt nghiêm khắc. Trĩ Thao say mèm, các bạn đưa về, không thể đến chỗ hẹn được!
*
Người đàn bà hàng xóm chờ Trĩ Thao đã lâu, tựa cửa trông ngóng. Có gã vô lại biết người đàn bà ấy quen thói lăng nhăng, thấy bà ta tựa cửa chờ đợi, ắt có kẻ ước hẹn chẳng tới, bèn ve vãn, bà ta cũng chẳng cự tuyệt. Người chồng nấp sẵn, liếc thấy, cầm rìu giết chết hắn và giết luôn mụ vợ.
Ngày hôm sau, Trĩ Thao nghe chuyện ấy, bèn nhờ các bạn làm chứng, thề với thần minh, thề sẽ làm lành bù lỗi, trọn chẳng đi theo đường tà nữa. Mấy năm sau, thi đỗ Tiến Sĩ. Thuở ấy, Trĩ Thao đang sống mà đáng chết, lẽ ra phải chết mà được sống, chỉ trong đường tơ kẽ tóc, là do nhờ bạn lành cứu vớt. Gã vô lại kia do thấy có thể làm chuyện dâm dục mà lao vào, quên bẵng mối họa ẩn tàng, trong nháy mắt bị chết dưới lưỡi rìu. Ngạn ngữ có câu: “Gian tất sát” (Gian dâm ắt bị giết), đúng thay!”
Chọn bạn mà chơi: Bạn tốt như Thiện Tri Thức
Theo Tứ Phần Luật: “Ý nghĩa của thân hữu, cần phải có đủ bảy pháp mới thành thân hữu. Đó là:
- Việc khó làm có thể làm được cho nhau.
- Vật khó giúp có thể giúp được cho nhau.
- Điều khó nhẫn có thể nhẫn được giúp nhau.
- Điều bí mật bày tỏ với nhau.
- Che chở giữ gìn lẫn nhau.
- Gặp khổ đau không từ bỏ bạn mình.
- Không coi khinh khi bạn nghèo hèn.
Người có thể thực hành bảy pháp như vậy, chính là thiện hữu thân thiết, nên gần gũi nương nhờ!”
Cho nên trong Đại Trang Nghiêm Luận, Đức Phật thuyết kệ rằng:
“Lợi ích bậc nhất là không bệnh
Giàu có bậc nhất là biết đủ
Thân thiết bậc nhất là bạn tốt
Niềm vui bậc nhất là Niết-bàn”.
*
Gần gũi bạn bè như nhiễm hương, như trong Kinh Phật Bổn Hạnh nói: “Lúc bấy giờ Đức Thế tôn lại cùng với Trưởng lão Nan-đà đi vào một tiệm bán hương liệu, thấy trong tiệm ấy có các loại hương liệu, thấy rồi liền bảo với Trưởng lão Nan-đà như vậy: Này Nan-đà! Ông hãy lấy vật đựng các loại hương liệu trong tiệm này!
Lúc ấy Nan-đà liền theo lời Đức Phật dạy đi vào trong tiệm ấy lấy các loại hương liệu. Đức Phật bảo với Nan-đà: Ông làm cho chảy ra một chút và nắm giữ hương liệu trong chốc lát, sau đó đặt xuống đất.
Bấy giờ Trưởng lão Nan-đà nghe Đức Phật bảo làm như vậy rồi, tay nắm hương liệu này trong chốc lát, trở lại đặt xuống mặt đất. Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với Trưởng lão Nan-đà: Nay ông hãy tự ngửi vào tay mình xem!
Bấy giờ Nan-đà nghe Đức Phật dạy rồi, liền ngửi tay mình. Đức Phật bảo với Nan-đà: Ông ngửi tay như vậy có mùi như thế nào?
Nan-đà thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế tôn, tay con có mùi thơm vô cùng vi diệu.
Đức Phật bảo với Nan-đà: Đúng như vậy, đúng như vậy! Nếu như người gần gũi các vị thiện tri thức, luôn luôn cùng bên nhau tùy thuận, học hỏi luyện tập, nhờ gần gũi nhau cho nên nhất định sẽ có được thanh danh vang lừng khắp nơi.
Lúc bấy giờ Đức Thế tôn nhân sự việc này mà thuyết kệ rằng:
*
“Nếu như có người tay cầm hương Trầm thủy
Và cầm các loại Hoắc Hương với Xạ Hương
Cầm giữ chốc lát mùi hương tự xông ướp
Gần gũi thân thiết thiện hữu cũng như vậy.
Lúc bấy giờ Đức Thế tôn lại thuyết kệ rằng:
Nếu người nào gần gũi với ác tri thức
Đời hiện tại không được sanh tiếng tốt đẹp
Chắc chắn vì gần gũi cùng với bạn xấu
Đời vị lai cũng vào A Tỳ địa ngục
Nếu người nào gần gũi với thiện tri thức
Tùy thuận với những nghiệp hành giống như thế
Tuy không chứng được lợi ích đời hiện tại
Mà làm nhân vị lai sẽ được hết khổ”.
Chọn bạn mà chơi: Cứu người bạn bị đọa lạc làm Quỷ thần.
Theo An Sĩ Toàn Thư: “Thời Đông Hán, ở Lạc Dương có vị cao tăng là An Thế Cao, vốn là thái tử của quốc vương nước An Tức, từ thuở nhỏ đã nổi tiếng là người chí hiếu. Ngài thông minh trí tuệ hơn người, đọc hiểu thấu suốt sách vở trong thiên hạ, thông thiên văn, hiểu rành y học, có khả năng thông hiểu được ý nghĩa trong âm thanh của các loài chim thú…
Ngài An Thế Cao tự kể lại rằng, trong đời trước ngài cũng xuất gia học đạo, có người bạn đồng tu tính tình nóng nảy sân hận, can ngăn nhiều lần nhưng không thay đổi. Ngài có lời hứa đến đời này sẽ hóa độ cho người ấy.
Khoảng cuối đời Hán Linh Đế, ngài quyết định đến Giang Nam hoằng hóa, cũng là để hóa độ cho người bạn đời trước. Ngài đi đến một cái miếu ở hồ Cung Đình, nổi tiếng rất linh thiêng, khách buôn vãng lai đến đó cầu khấn đều có thể biết trước được hướng gió thuận hay nghịch, vì thế nên người cầu đảo cúng tế ở đây không lúc nào ngớt.
*
Khi ngài An Thế Cao còn chưa đến, người giữ miếu nghe tiếng thần giữa hư không bảo rằng: “Trên thuyền sắp đến kia có một vị cao tăng, nên thỉnh vào miếu.”
Người giữ miếu theo lời mách bảo của thần, đón thuyền mời ngài An Thế Cao vào miếu. Cùng đi trên thuyền có hơn 30 người cũng đều đi theo.
Khi vào miếu liền nghe tiếng thần nói rằng: “Tôi ngày trước ở đất nước khác, cùng với thầy học đạo, nay tôi làm thần ở miếu này. Trong phạm vi ngàn dặm quanh đây đều do tôi cai quản. Nhờ đời trước tu hạnh bố thí nên đời này được hưởng phước rất lớn, nhưng do tâm nhiều sân hận nên phải đọa trong cảnh giới quỷ thần. Mạng tôi nay sắp dứt, chỉ còn trong sớm tối. Do những người vì tôi cúng tế cầu đảo thường giết hại sinh linh rất nhiều nên tôi sợ rằng sau khi chết không khỏi đọa vào địa ngục, xin thầy từ bi cứu độ. Tôi có được ngàn cây vải lụa cùng nhiều đồ vật quý báu ở đây, xin thầy vì tôi dùng những thứ ấy lo việc phụng sự Phật pháp.”
*
Ngài An Thế Cao bảo thần hiện thân gặp mặt, thần nói: “Thân hình tôi cực kỳ xấu xí, nếu hiện ra nhất định sẽ làm hại mọi người ở đây vì kinh sợ.”
Ngài Thế Cao nói: “Không sao, mọi người đã biết, sẽ không lấy làm sợ hãi đâu.”
Thần liền từ phía sau điện thờ hiện thân, đưa phần đầu ra, thật là một con mãng xà cực lớn, không biết được phần thân với đuôi dài đến mức nào. Mãng xà bò đến sát bên gối của ngài An Thế Cao. Ngài hướng về phía mãng xà tụng chú nhiều lần, rồi dặn dò dạy bảo nhiều điều. Mãng xà lắng nghe rồi rơi lệ như mưa, thân hình sau đó dần dần biến mất. Ngài An Thế Cao nhận lấy vải lụa và những vật quý của thần miếu đã gửi gắm rồi từ biệt ra đi, mang những thứ ấy vì thần miếu mà xây dựng ngôi chùa Đông Tự, hồi hướng phước báo cho thần miếu trong cảnh giới tái sinh.
Chẳng bao lâu sau, ngày nọ bỗng thấy có một thiếu niên đến quỳ gối lễ tạ trước mặt ngài Thế Cao, sau đó biến mất. Ngài Thế Cao bảo người chung quanh rằng: “Đó là thần miếu hôm trước, nay đã thoát được hình thể xấu xí rồi.”
Sau đó có người nhìn thấy trong một cái đầm rộng lớn nổi lên xác con mãng xà cực lớn, thân dài nhiều dặm. Chỗ ấy nay chính là Xà thôn thuộc quận Tầm Dương.”
Chọn bạn mà chơi: Bạn xấu như Ác Tri Thức
Theo kinh Niết-bàn, đức Phật dạy: “Bồ-tát Ma-ha tát, quán xét voi dữ và ác tri thức như nhau không có gì sai khác. Tại vì sao? Bởi vì đều làm hại thân mình. Bồ-tát Ma-ha tát, đối với loại voi dữ tâm không hề sợ hãi, đối với ác tri thức thì sanh tâm sợ hãi. Tại vì sao?
Bởi vì loài voi dữ chỉ có thể làm hại đến thân chứ không thể làm hại đến tâm, còn ác tri thức vốn hủy hoại cả thân và tâm. Loại voi dữ thì chỉ làm hại một thân này, còn hạng ác tri thức thì hủy hoại vô lương thiện thân-vô lượng thiện tâm. Loại voi dữ thì chỉ phá hoại thân thể hôi thối bất tịnh này, còn hạng ác tri thức luôn luôn hủy hoại thân thanh tịnh và tâm thanh tịnh. Loại voi dữ thì có thể hủy hoại thân máu thịt này, còn hạng ác tri thức thì phá hoại Pháp thân.
Bị voi dữ giết hại không đi vào ba đường ác, bị ác hữu giết hại chắc chắn đi vào ba đường ác. Loại voi dữ thì chỉ gây ra oán hận cho thân thể, còn hạng ác tri thức thì làm cho oán hận đối với thiện pháp. Vì vậy Bồ-tát, luôn luôn phải xa lìa các hạng ác tri thức!”
*
Theo kinh Thi Ca La Việt Lục Phương Bái nói: “Ác tri thức thì có bốn loại: 1. Bên trong có tâm oán hận mà bên ngoài gắng gượng làm tri thức. 2. Ở trước mặt người nói năng tốt đẹp mà sau lưng nói xấu người ta. 3. Lúc xảy ra việc cấp bách ở trước mặt người ta tỏ vẻ buồn lo đau khổ mà sau lưng hớn hở vui mừng. 4. Bên ngoài như thân thiết sâu đậm mà bên trong dấy lên mưu mô ác hiểm. Lại Ác tri thức lại có bốn loại: 1. Xâm phạm đôi chút thì đùng đùng nổi giận. 2. Có nhờ vả làm gì thì không chịu làm. 3. Gặp người có chuyện cấp bách thì tìm cách tránh né chẳng chịu giúp đỡ. 4. Thấy người qua đời mặc kệ không quan tâm làm gì”.
Theo kinh Phật Bổn Hạnh, đức Phật dạy về tác hại của việc gần gũi bạn ác như sau: “Bấy giờ Đức Thế tôn Đà đi vào Đô thành Ca Tỳ La Bà Tô, đi vào rồi từ từ đến một cửa hàng bán cá. Lúc bấy giờ, Đức Thế tôn thấy trong cửa hàng kia, trên sạp cỏ tranh có một trăm con cá chết nát rữa hôi thối, bỏ nơi rạp cỏ ấy. Thấy rồi bảo với Trưởng lão Nan-đà như vậy: Này Nan-đà! Ông đến lấy một nắm cỏ tranh nơi rạp cá ấy!
Nan-đà bèn thưa với Đức Phật rằng: Con sẽ làm như Đức Thế tôn dạy.
Nói lời này xong liền vào dưới rạp cá nơi cửa hàng kia, rút lấy một nắm cỏ tranh hôi thối. Đã cầm lấy rồi, Đức Phật lại bảo rằng: Này Nan-đà! Nắm giữ một lúc rồi lại đặt xuống đất.
*
Nan-đà thưa rằng: Con sẽ làm như Đức Thế tôn dạy. Thế là cầm nắm cỏ trong tay.
Bấy giờ Nan-đà cầm nắm cỏ ấy, qua một lúc sau thì đặt xuống đất. Lúc bấy giờ Đức Phật lại bảo Nan-đà rằng: Ông hãy ngửi tay mình.
Bấy giờ Nan-đà liền ngửi tay mình. Lúc bấy giờ Đức Phật lại bảo với Nan-đà rằng: Tay ông có mùi gì?
Nan-đà thưa rằng: Thưa Đức Thế tôn, chỉ có mùi tanh hôi bất tịnh.
Bấy giờ Đức Phật bảo với Trưởng lão Nan-đà: Đúng như vậy, đúng như vậy! Nếu người gần gũi với những ác tri thức, cùng làm bạn bè qua lại quan hệ với nhau, tuy trải qua một thời gian ngắn cùng tùy thuận với nhau, sau đó bởi vì ác nghiệp cùng vấy nhiễm thành thói quen, làm cho tiếng xấu đồn đãi loan xa khắp nơi. Lúc bấy giờ Đức Thế tôn, bởi vì sự việc này mà thuyết kệ rằng:
“Giống như từ dưới rạp cá ươn thối kia,
Đưa tay cầm lấy một nắm cỏ nơi rạp,
Tay người ấy liền hôi thối giống như cá,
Gần gũi bạn bè xấu ác cũng như vậy”.
Lại trong kinh Tăng Nhất A-hàm, Đức Thế tôn thuyết kệ rằng:
“Không nên gần gũi ác tri thức
Cũng không nên ngu muội làm theo
Nên gần gũi với thiện tri thức
Là tốt đẹp nhất trong mọi người.
Trong lòng người không có điều ác thiện,
Thói quen gần gũi ác tri thức
Sau ắt phải gieo trồng ác căn,
Hành vĩnh viễn ở trong tăm tối”.
*
Theo kinh Phật Bổn Hạnh: “Lúc bấy giờ Đức Phật bảo với các Tỳ kheo rằng: Ta nhớ thời quá khứ xa xưa, ở dưới chân núi Tuyết có con chim hai đầu cùng chung một thân, sống ở nơi ấy, một đầu có tên gọi là Ca lâu đồ điểu, một đầu có tên là Ưu-ba-ca-lâu-đồ-điểu. Nhưng mà hai đầu con chim ấy, nếu một đầu ngủ thì một đầu thức.
Đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ có ấy có lúc ngủ say, gần đầu chim đang thức kia có một cây ăn quả, tên gọi Ma đầu ca, hoa trên cây đó rụng xuống, gió thổi đến bên đầu chim đang thức kia, đầu chim ấy lúc bấy giờ dấy lên ý nghĩ như vậy: Nay mình tuy là một mình ăn hoa này, nếu vào trong bụng thì cả hai đầu đều có được hình sắc sức lực đồng thời trừ được đói khát. Nhưng mà đầu chim đang thức kia tùy ý mình chứ không khiến đầu chim đang ngủ ấy tỉnh giấc, cũng không nói cho biết, im lặng ăn hoa ấy.
*
Đầu chim đang ngủ ấy vào sau lúc tỉnh giấc, trong bụng no đủ thở ra, liền nói với đầu chim kia như vậy: Ông từ nơi nào có được đồ ăn thức uống thơm ngon vi diệu này mà ăn uống vậy, khiến thân thể tôi no đủ an lành, khiến tôi đã phát ra âm thanh vi diệu thế này?
Đầu chim thức ấy trả lời rằng: Lúc ông ngủ say, nơi này cách bên đầu tôi không xa, có cây Ma Đầu Ca đang ra hoa kết trái, đang lúc ấy có một cành hoa rơi xuống ở bên đầu tôi, vào lúc bấy giờ tôi dấy lên suy nghĩ như vậy: Nay mình chỉ nên một mình ăn hoa này, nếu vào trong bụng thì cùng có được hình sắc sức lực và trừ được đói khát. Vì vậy lúc ấy tôi không khiến ông thức giấc, cũng không nói cho biết liền ăn hoa này.
Bấy giờ đầu chim kia nghe nói vậy rồi, liền sanh tâm sân hận hiềm khích, dấy lên nghĩ như vậy: Đầu chim ấy đã được ăn, không nói cho mình biết, không gọi mình tỉnh giấc, tùy ý tự nhiên ăn, nếu như vậy thì từ nay về sau mình có được đồ ăn thức uống, mình cũng không gọi đều kia tỉnh ngủ – không nói cho biết.
*
Rồi đến một lúc hai đầu chim ấy đi qua nhiều nơi, bỗng nhiên gặp phải một loài hoa rất độc, đầu chim Ưu Ba Ca lâu Đồ liền dấy lên nghĩ rằng: Mình ăn loại hoa này, nguyện làm cho cả hai đầu cùng lúc nhận lấy cái chết!
Lúc ấy nói với đầu chím Ca lâu Đồ kia rằng: Nay ông hãy ngủ còn tôi sẽ thức!
Lúc ấy đầu chim Ca Lâu Đồ nghe đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ kia nói như vậy rồi, nhân tiện liền ngủ say. Đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ kia ăn hoa độc.
Đầu chim Ca Lâu Đồ đã tỉnh ngủ rồi, nôn ọe thở dốc, ngay sau đó liền biết là có chất độc này, mà nói với đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ như vậy:
Lúc ông còn thức đã ăn thức ăn độc hại gì, làm cho thân thể tôi không được yên ổn, mạng sống sắp muốn chết lại khiến cho tôi bây giờ nói năng rất khó khăn, muốn phát ra âm thanh mà chướng ngại không thông suốt được vậy?
*
Đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ trả lời đầu chim Ca Lâu Đồ rằng: Lúc ông ngủ say rồi đã ăn hoa độc, nguyện làm cho cả hai đầu cùng lúc nhận lấy cái chết. Lúc ấy đầu chim Ca Lâu Đồ nói lời từ biệt đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ rằng: Ông đã làm một điều quá sức vội vàng, tại sao lại gây ra sự việc xấu xa như vậy? Liền nói kệ rằng:
Ngày xưa vào lúc ông đang ngủ ngon giấc
Tôi ăn hoa mùi thơm ngọt tuyệt vời.
Hoa đó gió thổi đến ở bên đầu tôi
Ông lại sanh lòng sân hận quá như vậy!
Phàm là người si mê nguyện đừng tiếp xúc
Cũng nguyện đừng sống chung với người si mê
Cùng sống chung với si mê chẳng ích gì
Tự hại mình và hại đến thân người khác.
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Các ông nếu có tâm nghi ngờ, đầu chim Ca lâu Đồ ăn hoa tốt lành lúc ấy chính là Ta bây giờ. Đầu chim Ưu Ba Ca Lâu Đồ ăn hoa độc lúc ấy, nay chính là Đề-bà-đạt-đa. Ta ở lúc ấy vì làm lợi ích, trở lại sinh tâm sân hận. Nay cũng như vậy, Ta khuyên bảo làm điều lợi ích, trở lại lấy Ta làm kẻ oán thù”.
(Nên chọn bạn mà chơi, bởi gần mực thì đen gần đèn thì sáng )
Tuệ Tâm 2022.
Lê viết
Dạ.Thưa Tuệ Tâm,con cũng đang lựa bạn mà chơi.Nhưng những người bạn con gặp đa phần đều vô cùng xấu ác(Tà Dâm,Bất Hiếu,chơi trò chơi điện tử,…).Vậy con phải làm sao để gặp 1 người bạn tốt đây(Thiện Tri Thức).Xin Tuệ Tâm cho con lời khuyên.Kính chúc Tuệ Tâm luôn an lạc
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn nên siêng năng niệm Phật, bớt vọng duyên bên ngoài. Đến lúc nghiệp tiêu trí rạng, mọi chuyện sẽ không cầu mà tự ổn!