Hoa Ưu Đàm là loài hoa cực kỳ khó gặp. Theo lược khảo trong kinh Đại Bi Phân Đà Lợi thì cây Ưu Đàm thuộc loài thân gỗ, dạng cổ thụ, có tuổi thọ lên đến hàng vạn năm và khoảng ba ngàn năm nở hoa một lần.
Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thì: “Hoa ưu đàm bát la chẳng dễ gì gặp được lúc nở. Hoa này nở ra là tàn liền, thời gian rất ngắn, trong chốc lát thì tàn rụng.” Nếu chẳng phải người có đại phước duyên ắt trong vô lượng kiếp chẳng một lần được nhìn thấy hoa nở. Bởi thế nên trong Kinh thường ví: “Gặp Phật ra đời khó như thấy hoa Ưu Đàm nở”.
- Sự thật về Đồng bóng.
- Sự thật về Cầu Cơ
- Cách tụng kinh tại nhà.
- A La Hán là gì.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Cách cắt duyên âm tại nhà.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
Hoa Ưu Đàm vô cùng khó gặp như thế, chớ chẳng phải cây Sung, cũng chẳng phải là loại Nấm Nhầy mà hàng Tà Đạo rao truyền trên mạng để dụ người mê muội đâu!
Như vậy, Hoa Ưu Đàm là hình tượng dùng để mô tả những điều vô cùng quý hiếm và vô cùng khó gặp. Nó không mang ý nghĩa về mặt tâm linh, kiểu như: Hoa Ưu Đàm nở là Phật sắp ra đời hay một bậc Thánh nhân nào đó sắp xuất thế.
Hoa Ưu Đàm trong Kinh Phật
Gặp hoa Ưu Đàm nở khó như được gặp Phật ra đời và cũng khó như chúng sinh được sanh làm kiếp người. Tại sao được làm người lại khó? Kinh Rùa Mù Tìm Bộng Cây, đức Phật ví được sanh làm người khó như: “Có con rùa mù ở giữa biển, cứ 100 năm mới nổi lên một lần. Lại có khúc cây có lỗ bộng, cứ 100 năm mới trôi ngang qua chỗ con rùa một lần. Nếu có khi nào con rùa tình cờ nổi lên đúng vào lúc khúc cây trôi qua, lại đúng vào chỗ bộng cây để chui vào thì thật là chuyện cực kỳ hiếm có”.
Muốn được sinh làm người hoặc đủ phước duyên gặp được Phật cũng khó như thế.
1. Hoa Ưu Đàm trong Kinh Đại Bi Phân Đà Lợi
Kinh Đại Bi Phân Đà Lợi nói: “Đức Phật dạy: Ta nhớ thời quá khứ vô lượng kiếp, cõi Phật này tên là Nhật Nguyệt Minh. Vào thời năm trược, Ta ở cõi Diêm Phù Đề này làm Chuyển Luân Vương, tên gọi là Đăng Minh, dùng thiện hạnh khuyến khích giáo hóa tất cả chúng sanh. Lúc Ta đi dạo chơi ngắm nhìn vườn cây, thấy có một người bị trói chéo hai cánh tay thật là khốn khổ, liền hỏi các quan: Người này phạm tội gì?
Các quan thưa rằng: Người này dối gạt Vương pháp, dám cho mình là dân cõi Trời. Nó thường đi qua lấy trộm đồ vật, sáu phần trộm lấy một, người này làm trái phép tắc quy định.
Nhà vua liền bảo với các quan: Nhanh chóng cởi trói cho người này, lương thực dầu sữa cất giữ đừng khởi công tìm lấy nữa!
Các quan thưa với nhà vua rằng: Cuối cùng không có người nào có thể dùng tâm thiện trộm lấy các đồ vật của nhà vua. Nhà bếp cung cấp mọi thứ cần dùng đều là từ dân chúng sản xuất ra, đương nhiên không phải sức lực của nhà vua thì rốt cuộc không thể có được.
Lúc ấy Ta ưu sầu mà tự tư duy: Ngôi vị Quốc Vương này bây giờ nên giao phó cho ai? Ta có năm trăm người con đều khuyến khích thuận theo Bồ đề, liền phân cõi Diêm Phù Đề này làm thành năm trăm phần giao cho các con. Rồi lập tức rời bỏ mà đi đến chốn rừng núi cầu Tiên tu phạm hạnh.
*
Ngồi thiền trong khu rừng Ưu Đàm Bát La, phía Nam tiếp cận biển rộng, ăn trái quả cỏ cây để giúp duy trì thân mạng, dần dần không lâu sau đạt được năm thần thông. Lúc bấy giờ ở cõi Diêm Phù Đề có năm trăm người buôn, đi vào biển thu thập vật báu, kiếm đựơc rất nhiều châu báu.
Chủ buôn trong mọi người tên là Túc Vương, có chút phước đức cho nên có được ngọc Ma ni Như ý; Từ đảo châu báu kia lấy được nhiều loại châu báu cùng với ngọc Ma ni. Lúc bắt đầu dẫn lối lên đường thì nước biển cuộn sóng tung lên, các loài rồng làm não loạn, khóc lóc kêu cứu. Trong đó có con rồng thành Tiên, tên gọi là Mã Tạng, thật sự là Bồ-tát, mà vì bổn nguyện cho nên sanh vào trong đó. Đại Bồ-tát ấy dìu dắt che chở đoàn khách buôn vượt qua biển rộng yên ổn, tự trở lại trú sở của mình.
Đi theo đoàn khách buôn ấy có một La Sát hung ác, luôn luôn đuổi theo ở phía sau rình rập mong tìm được cơ hội thuận tiện. La Sát ấy ở giữa ban ngày làm cho gió mưa bất ngờ nổi lên, khiến những người buôn lạc mất đường đi. Họ không biết hướng về nơi nào cho nên vô cùng sợ hãi, kêu gào khóc lóc, cầu khấn các Thần thần và gió-thần mưa…
*
Lúc bấy giờ Ta dùng Thiên nhĩ nghe thấy âm thanh ấy, liền có lời an ủi nói rõ: Khách buôn các người đừng sợ hãi gì cả. Ta sẽ chỉ rõ đường đi cho các người khiến các người được an ổn đến cõi Diêm Phù Đề. Vào lúc bấy giờ Ta liền dùng lụa màu để tự buộc vào tay mình. Bên trong tẩm dầu lấy lửa châm vào, phát ra lời nói chí thành:
Ta ở trong rừng 36 năm đi qua 4 cõi Phạm. Vì lợi ích của chúng sanh cho nên ăn các loại quả; Đã cảm hóa tám mươi bốn ngàn các loài rồng-Dạ xoa khiến an trú không còn thối chuyển. Vì thiện căn này khiến cho Ta đốt tay, để nguyện cho những người buôn này đến được cõi Diêm Phù Đề. Tay đốt như vậy trải qua bảy ngày bảy đêm, những người buôn ấy an ổn đến được quê nhà, liền tự lập nguyện:
Châu báu như vậy, nếu tôi được thành tựu A nậu Bồ đề, thì khiến cho tôi được làm chủ ngọc Như ý. Từ cõi Phật này hướng về trong hư không của hằng hà sa số cõi Phật vào thời năm trược. Khắp tất cả mười phương mưa xuống các thứ báu. Trong mỗi một phương đều bảy lần mưa xuống các loại châu báu, tùy ý được đầy đủ; Khiến cho vô lượng A-tăng-kỳ chúng sanh an trú trong Tam Thừa.”
2. Hoa Ưu Đàm trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa
“Ðức Phật bảo Xá Lợi Phất! Diệu pháp như thế, khi đúng thời thì chư Phật Như Lai mới nói. Như hoa Ưu đàm bát, đúng thời mới hiện. Xá Lợi Phất! Các ông nên tin lời của Phật nói, chẳng có hư vọng. Xá Lợi Phất! Chư Phật tùy nghi nói pháp ý thú khó hiểu. Vì sao? Ta dùng vô số phương tiện, đủ thứ nhân duyên lời lẽ thí dụ, để diễn nói các pháp. Pháp đó chẳng phải suy lường phân biệt mà hiểu được, chỉ có chư Phật mới biết được. Vì sao? Chư Phật Thế Tôn chỉ vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện ra đời.”
Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng: “Phật bảo Xá Lợi Phất! Diệu pháp như thế, khi đúng thời thì chư Phật Như Lai mới nói: Diệu pháp nầy chẳng phải bất cứ lúc nào cũng nghe được, phải đợi đến khi nhân duyên chín mùi thì mới nói. Diệu pháp nầy có một ví dụ. Ví dụ gì? Ví dụ hoa Ưu Ðàm Bát đúng thời mới hiện. Thứ hoa nầy chỉ nở trong thời gian rất ngắn thì tàn, cho nên rất trân quý ít có. Hiện tại thứ hoa nầy và diệu pháp nầy đều ít có như nhau. “Xá Lợi Phất! Các ông nên tin lời của chư Phật nói chẳng có hư vọng.” Lời lẽ của Phật nói đều chân thật chẳng hư.
*
Lại trong Kinh, đức Phật thuyết kệ:
Như chư Phật ba đời.
Nghi thức nói các pháp.
Ta nay cũng như thế.
Nói pháp không phân biệt.
Chư Phật hiện ra đời.
Lâu xa khó gặp được.
Gặp lúc Phật ra đời.
Nói pháp nầy khó hơn.
Vô lượng vô số kiếp.
Nghe pháp nầy cũng khó.
Người nghe được pháp nầy.
Người đó càng khó hơn.
Ví như hoa Ưu Ðàm.
Tất cả đều ưa thích.
Ít có trong trời người.
Ðúng thời mới xuất hiện.
Nghe pháp vui mừng khen.
Cho đến nói một lời.
Tức là đã cúng dường.
Tất cả Phật ba đời.
Người đó rất ít có.
Hơn cả hoa Ưu Ðàm.
*
Ngài Tuyên Hóa giảng: “Người đã nghe được Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nầy. “Người đó càng khó hơn” : Người nầy chẳng dể gì tìm được. “Ví như hoa Ưu Ðàm” : Như hoa Ưu Ðàm ít có. Hoa Ưu Ðàm dịch là “Tường Đoan”. Hoa nầy ba ngàn năm mới nở một lần, mà một khi nở thì tàn, cho nên đặc biệt ít có. “Tất cả đều ưa thích, ít có trong trời người” : Vì hoa Ưu Ðàm ít có, cho nên người trên trời, dưới nhân gian đều ưa thích hoa nầy. “Ðúng thời mới xuất hiện” : Nếu chưa đến thời, thì chẳng bao giời xuất hiện ra đời. “Nghe pháp vui mừng khen”.
Nếu nghe thấy Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, mà người đó sinh tâm vui mừng khen ngợi. “Cho đến nói một lời”: Hoặc chỉ nói một câu để khen ngợi Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. “Tức là đã cúng dường, tất cả Phật ba đời”: Tức là đã cúng dường tất cả chư Phật trong mười phương ba đời. “Người đó rất ít có, hơn cả hoa Ưu Ðàm”: Người nầy so với hoa Ưu Ðàm càng ít có hơn. Do đó có thể thấy, nghe pháp thật là không dễ dàng, trừ khi đến thời cơ mới nghe được.
*
Cũng trong Kinh: “Lúc đó, tất cả Ðại Phạm Thiên Vương đều ở trước Phật, một lòng đồng thanh dùng kệ, để khen ngợi đức Ðại Thông Trí Thắng Như Lai.
Thế Tôn rất khó gặp.
Bậc phá các phiền não.
Qua trăm ba mươi kiếp.
Nay mới gặp một lần.
Các chúng sinh đói khác.
Đều thấm nhuần mưa pháp.
Xưa chưa từng gặp Phật.
Bậc vô lượng trí huệ.
Như hoa ưu đàm bát.
Hôm nay mới gặp được.
Các cung điện chúng con.
Nhờ ánh sáng nghiêm sức.
Thế Tôn đại từ mẫn.
Cúi xin hãy nhận ở.
Ngài Tuyên Hóa giảng: “Trăm ngàn vạn kiếp rất khó gặp được Phật. Phật là bậc đại giác ngộ, đã phá trừ tất cả vô minh phiền não. Ðức Thế Tôn là bậc vô lượng vô biên đại trí huệ, như hoa Ưu Ðàm Bát chẳng dễ gì gặp được, mà chúng con nay gặp được Phật. Cung điện mà chúng con ưa thích đây, nay gặp được Phật, đều nguyện xả bỏ cung điện. Nhờ quang minh của Phật trang nghiêm cung điện chúng con. Thỉnh cầu đức Thế Tôn phát tâm đại từ bi thương xót, xin hãy nhận cung điện nầy.”
Hoa Ưu Đàm là hoa gì: Lời Kết
Bạn đọc đến đây ắt đã hiểu Hoa Ưu Đàm là như thế nào rồi phải không? “Không nói dối” là một trong năm trọng giới cấm của Phật pháp. Đức Phật đã dùng sự khó gặp, khó thấy vô cùng tận của Hoa Ưu Đàm, làm ví dụ cho chúng ta thấy hiểu: Được sinh làm người vô cùng khó, được đủ phước duyên gặp Phật cũng khó và được đủ duyên học Phật lại là vô cùng khó.
Vì thế nếu bạn còn nghe thấy ở đâu nói đến chuyện Hoa Ưu Đàm nở thì chớ tin. Chắc chắn đó là lời của Ma nói, hoặc của hàng Tà Đạo cố tình bày ra để mê hoặc người cả tin và ưa chuyện độc lạ. Những hình ảnh chụp Hoa Ưu Đàm tràn lan trên mạng, Tuệ Tâm dám khẳng định mà không sợ mắc tội vọng ngữ rằng: Đó chỉ là một loại Nấm Nhầy!
(Hoa Ưu Đàm là loại hoa gì)
Tuệ Tâm 2021.
Hội viết
A di đà phật.Tuệ Tâm nói chẳng sai,bản thân mình cũng chẳng tin mấy cái hình hoa ưu đàm vớ vẩn trên mạng đâu
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Chúng ta sanh nhằm thời mạt, nghiệp nặng tâm tạp là như thế! Loại Nấm nhầy mọc linh tinh ở khắp nơi, bị hàng Tà Đạo phóng đại lên thành Hoa Ưu Đàm. Phi lý đến như thế mà người ta vẫn u mê mù quáng tin theo. Phật tử nhiều người chẳng hiểu Pháp, cũng mê muội rồi tự đưa mình vào lưới của của Thiên Ma… Thật đáng buồn lắm thay!
Thuy Woodman viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bài viết của Tuệ Tâm đã làm sáng tỏ nghi ngờ của đệ tử về hoa Ưu Đàm.
Đệ tử đã nhìn thấy loại nấm trắng này mọc ở mọi nơi xung quanh môi trường nhà – vườn ở bang Queensland – Úc. Lạ một điều là tuy là loại nấm nhưng nó có thể mọc ở trên lưới cửa sắt, tường gạch, trên vỏ cây tươi hay thân gỗ khô mà không chỉ mọc trên một loại nào nhất định.
Cảm ơn Tuệ Tâm đã cho đệ tử thấy hoa Ưu Đàm chắc chắn là loại hoa thật là vô cùng đặc biệt và hy hữu để có thể được chiêm ngưỡng và ca tụng.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cầu mong Tam Bảo gia bị cho bạn luôn vững vàng chánh kiến, đời đạo được an vui!