“Tâm Bình Thường Là Đạo” là một công án nổi tiếng bậc nhất chốn Thiền Môn, gắn liền với tích Ngộ Đạo của Ngài Triệu Châu. Tổ Ấn Quang bảo: “Khi Thiền Tông còn hưng thịnh, chư Tổ Sư khi quán xét căn cơ từng người mà dùng Cơ phong chuyển ngữ (Tức Hỏi ở nơi đáp, đáp ở nơi hỏi.) để giúp người đoạn nghi khai ngộ. Cơ phong chuyển ngữ là những câu Thiền ngữ giúp cho đương cơ triệt ngộ thiền cơ, minh tâm kiến tánh.
Cơ phong còn gọi là công án: Chẳng hạn như “Phật là gì?” Thiền Sư bèn đáp “con mèo trèo lên cây cột”; Hoặc giơ nắm tay, dựng đứng phất trần; Hoặc nói, hoặc im lặng, mọi thứ tác dụng đều thuận theo căn cơ của người đến tham vấn để chỉ quy hướng thượng.
- Hòa Thượng Tuyên Hóa khai thị về Tham Thiền.
- Ngồi Thiền có tác dụng gì.
- Ngũ Ấm Ma là gì.
- Bốn cảnh giới của Thiền Định.
- Tứ chủng thanh tịnh minh hối là gì.
- Cách ngồi thiền tại nhà đúng pháp.
- Các cảnh giới trên bước đường học Phật.
*
Những câu chuyển ngữ ấy nhằm để nêu bày lẽ hướng thượng. Là ngón tay chỉ mặt trăng thật sự; Chứ không phải những câu chuyển ngữ đó chính là lẽ hướng thượng hay mặt trăng thật sự. Nếu có thể nương theo ngón tay nhìn vào mặt trăng thì ngay khi đó sẽ tự thấy được vầng trăng thật sự.
Những lời ứng với căn cơ gọi là “cơ phong”, hoặc gọi là “chuyển ngữ”. Ấy đều là muốn cho người ta tham thấu tự hiểu, nên không có nghĩa lý gì. Nếu hiểu được thì là may mắn lớn. Nếu không hiểu thì lấy câu nói ấy làm bổn mạng nguyên thần: Quên ăn bỏ ngủ, suốt ngày thâu đêm như một người chống lại vạn người, chẳng dám có chút gián đoạn, phóng túng. Một năm chẳng ngộ bèn tham hai năm, mười năm chẳng ngộ bèn tham hai mươi năm. Một đời chẳng ngộ bèn đời đời tham.”
*
Một bạn đọc hỏi: Tuệ Tâm có biết công án ấy hay không?
Tôi bảo: Đó là một trong những công án nổi tiếng bậc nhất trong Tông Môn. Hai chữ “Bình Thường” ấy tuyệt chẳng bình thường chút nào đâu. Bậc thượng thượng căn giới hạnh tinh nghiêm, để đạt được lợi ích ở hai chữ ấy còn phải huân tu nhiều trong nhiều kiếp. Phàm phu nghiệp nặng tâm tạp như bọn ta, nhiếp tâm niệm Phật vài phút còn chẳng nổi, trí huệ đâu ra mà dám lạm bàn!
Phật pháp trọng yếu ở nơi thực hành. Nếu chỉ bàn luận suông chẳng được ích lợi gì, vẫn chỉ là đếm tiền cho người khác tiêu mà thôi, mình đói nghèo thế nào vẫn y nguyên như thế. Tu Thiền rất khó, duy có bậc thượng căn, giới hạnh tinh nghiêm may ra mới được chút lợi ích. Nếu chẳng trì giới thì tuy nói rằng xếp bằng tĩnh tọa, nhưng cũng chỉ là tu trên đầu lưỡi, cách với đạo rất xa. Nói luôn dễ hơn làm, người học Phật phải hết sức cẩn trọng.”
*
Hòa Thượng Hư Vân kể câu chuyện để cảnh tỉnh người học Phật như thế này:
“Xưa kia, có một vị lão tu hành, sống trong đại chúng rất lâu, tánh tình khoan dung độ lượng, tiếp đãi người rất nồng hậu, và thường khuyên kẻ khác xả bỏ chấp nê.
Lần nọ, có người hỏi: – Thầy khuyên dạy người, vậy tự chính mình có làm được không?
Thầy đáp: – Ba mươi năm về trước, tôi đã cắt đứt vô minh, sao không làm được?
Sau này, sống trong đại chúng, cảm thấy có vài việc không được tự do tự tại, nên Thầy bỏ chạy vào núi sâu, kết am tu hành. Sống nơi đơn độc cô phong, không người lui tới, tự do tự tại, không còn phiền não.
Nào ngờ, vào ngày nọ, đang lúc ngồi thiền, Thầy nghe bên ngoài cửa, có một lũ mục đồng nhốn nháo đùa giỡn, và bảo nhau rằng muốn vào am tranh xem chơi. Có đứa nói rằng không nên làm động tâm người tu hành. Có đứa nói rằng người tu hành không còn bị động tâm niệm. Lát sau, cả lũ mục đồng ùa vào am tranh, nhảy nhót đùa giỡn. Tuy biết, Thầy vẫn ngồi thiền, an nhiên bất động, không màng đến chúng.
*
Lũ mục đồng nhốn nháo kêu la, nhưng Thầy vẫn không thèm để ý. Chúng tưởng đâu Thầy đã chết, vì khi lung lay thân, mà không thấy động đậy. Lúc chúng sờ vào thân Thầy thì cảm thấy vẫn còn hơi nóng.
Có đứa bảo: – Thầy này chắc đã nhập định rồi!
Có đứa bảo rằng không tin. Để kiểm nghiệm, chúng lấy cọng rơm, ngoáy vào bắp đùi, ngoáy vào tay, ngoáy vào bụng, ngoáy vào lỗ tai, mà Thầy vẫn không động đậy. Lúc chúng ngoáy vào lỗ mũi, khiến Thầy bị hắt xì.
Mở mắt ra, Thầy mắng chúng: – Đánh chết tụi bây!
Khi ấy, Bồ Tát Quán Âm hiện ra trên không trung, bảo: – Ba mươi năm trước, ông đã đoạn hết vô minh rồi. Sao hôm nay vẫn còn phiền não, chưa xả bỏ được?
Qua câu chuyện, chúng ta thấy rõ, nói được một trượng mà hành chẳng được một thước. Nói được một thước mà hành chẳng được một tấc. Không bị cảnh chuyển, chẳng phải dễ dàng.”
Công Án Tâm Bình Thường Là Đạo
Hòa Thượng Hư Vân khai thị: “Xưa kia, Triệu Châu hỏi Nam Tuyền:
– Thế nào là đạo?
Ngài Nam Tuyền đáp:
– Tâm bình thường là đạo.
– Có thể hướng đến được không?
– Nếu vừa nghĩ hướng đến tức có giai cấp.
– Nếu không suy nghĩ thì làm sao biết đó là đạo?
– Đạo không bám chấp vào cái biết hay cái không biết. Biết tức là vọng giác. Không biết tức là vô ký. Nếu thật sự đạt đến chỗ không còn nghi ngờ gì về đạo, giống như hư không, rộng rãi thênh thang, sao còn bám vào thị phi nhân ngã?
Triệu Châu nghe lời này bèn ngộ đạo.
Chúng ta bắt chước người xưa, nói lời trống rỗng, bảo để tâm bình thường, mà tâm này ai ai cũng có, nhưng thấy được đạo gì? Điều trọng yếu là nếu nhận ra tâm bình thường, thì nơi nơi đều là đạo. Không nhận biết tâm bình thường thì điên đảo suốt ngày. Tại sao? Chúng ta không chịu xoay đầu, nhìn lại chính mình, chỉ lo hướng ngoại truy cầu, bỏ tánh giác, hợp với trần lao. Từ sáng đến tối, lưu chuyển theo ngoại cảnh, bỏ đạo rong đuổi bên ngoài, tìm sờ không được gương mặt của mình.
*
Sao gọi là tâm bình thường? Tâm bình thường tức là tâm dài lâu. Từ đầu năm đến cuối năm, từ sanh đến tử, thường thường như thế, mới gọi là tâm bình thường. Ví như người thế tục, nếu tiếp đãi khách quen thuộc, thì chỉ dùng cơm nước bình thường, mà không bày biện món ngon vật lạ. Tiếp đãi như thế, có thể làm dài lâu, tức là bình thường. Nếu khách quý đến, phải bày biện món ngon vật lạ, nhưng chỉ có thể thiết đãi trong vài ngày, nên nào phải là bình thường. Nhà nhà không thể thường có lễ lộc, vì chiêu đãi khách khứa bất bình thường thì không thể làm dài lâu.
Người tu đạo, nếu dụng tâm không tạo tác, không an bài, không cải biến, không có lời hoa ngôn xảo ngữ, tức là hợp với đạo, tức là tâm bình thường, và tức là khởi trực tâm.
Lục Tổ bảo thiền sư Trí Hoàng: – Nếu tâm ông như hư không, chẳng chấp không kiến, ứng dụng vô ngại, động tĩnh vô tâm, tình ái phàm thánh đều quên, năng sở đều câu thông diệt mất, thì tánh tướng như như, không thời bất định.
Những lời này, bàn về tâm bình thường. Nếu không thể tu hành tương ưng với những lời dạy đó thì luôn sống trong hang động quỷ ma, tức tâm không bình thường.
*
Đêm qua, tôi có nói đến giới luật. Người vừa phát khởi tín tâm, liền quy y Tam Bảo, cầu thọ năm giới. Tiến lên một bước, biết đời người là khổ, nên xả tục xuất gia, vào núi tu đạo. Nhận biết tỳ kheo là tôn quý, nên phát tâm thọ giới cụ túc. Lại phát tâm rộng lớn, cầu thọ giới Bồ Tát. Tại giới đường, nghe thầy dẫn lễ bảo:
– Phải luôn khởi tâm sám hối, hổ thẹn. Khi ấy, vì sợ khổ đau trong sáu đường luân hồi mà phát tâm tu hành. Nghe pháp mà rơi lệ.
Tiếp đến, hòa thượng giới sư bảo: – Quý vị có thể trì giới được không?
Các tân giới tử liền đáp: – Chúng con có thể phụng trì.
Như thế, liền thọ xong giới. Song, vừa thọ giới xong các thói quen tật xấu lại phát sanh, khiến thối thất đạo tâm, tức tâm không bình thường. Nghĩa là cứ mãi dùng tham sân si làm tâm bình thường.
Người hiểu đạo, động tĩnh vô tâm, không nghĩ thiện ác. Tánh không tức vô tâm. Vô tâm tức là đạo. Người vừa xuất gia, không biết như thế nào là Phật pháp, quy củ, tu hành. Nếu muốn cắt đứt sanh tử, phải hành theo quy củ. Khổng Tử chế lễ nhạc chẳng ngoài việc dạy quy củ cho người. Thân chấp trì giới pháp tức là trừ khử tập khí. Thân được tự do, thì tâm có chỗ để nương y.
*
Người xưa có viết kệ về bốn oai nghi, đi đứng nằm ngồi:
“Cử tiếng niệm Phật, nước chảy chậm
Tụng kinh hành đạo, nhạn du hành
Chắp tay trước ngực, như bưng nước
Thân thẳng trên đầu, tựa chén dầu
Xem trước nhìn sau, nhẹ nhàng bước
Phải trái xoay thân, khép nửa mắt
Oai nghi động tĩnh, thường như thế
Chẳng uổng cửa không, làm tỳ kheo”.
Âm thanh ngọc ngà trong trẻo thanh khiết, xưng niệm thánh hiệu chư Phật, tức là hành pháp môn niệm Phật. Tiến lên một bước, tự hỏi mình rằng ai đang niệm Phật, tức tham thiền. Không chịu xoay đầu nhìn lại chính mình, miệng chỉ niệm Phật mà tâm lại khởi vọng tưởng, lưu chuyển theo vọng tình. Nếu như thế, niệm Phật thật vô dụng. Khi niệm Phật, miệng niệm tâm phải tư duy, và dùng trí quán chiếu; âm thanh không nhanh không chậm, như nước chảy từ từ. Miệng niệm, tai lắng nghe, không khởi vọng tưởng, thì niệm niệm lưu nhập vào biển khổ Ta Bà.
*
Nghe một danh hiệu Phật, được vô lượng công đức. Chỉ dùng một danh hiệu Phật, mà có thể độ vô lượng chúng sanh. Khi tụng kinh, hoặc nhìn thẳng mà đọc, hoặc ngồi mà đọc, hoặc quỳ mà đọc, hoặc mặc niệm mà đọc, hoặc học thuộc lòng, v.v…, mọi cách thức đều được cả. Tùy theo kinh văn mà quán tưởng, và xem trong kinh bàn luận về đạo lý gì.
Hành đạo tức đi kinh hành. Đi từng bước chân chậm rãi, không loạn động, không nghiêng bên đông, ngả bên tây, mà đi như nhạn bay trật tự trên nền trời. Từng bước đi không khẩn cấp, không chậm chạp. Mọi cử chỉ hành động đều dụng công. Chấp hai bàn tay lại mà chẳng để vô tâm. Mười ngón tay khắn khít với nhau, không chênh lệch, không co giản, dạng trạng như bưng cốc nước. Nếu nghiêng lệch, thì nước liền đổ ra.
Thân đứng thẳng như cây tùng. Hai bàn chân hợp lại thành chữ bát. Hai ngón chân cái cách nhau khoảng tám phân. Hai gót chân cách nhau khoảng hai phân. Gáy cổ phải chạm cổ áo. Đầu thẳng thừng, không nghiêng ngửa, như đang đội chén dầu, nếu không chú ý thì sẽ đổ xuống. Đi như gió, phải xem xét trước sau. Bước đi nhẹ nhàng, không kéo lê giày dép. Đi trên cầu thang, chớ làm vang tiếng động lớn. Cỏ xanh chớ dẫm, phải thương mến hộ trì sanh vật. Mắt chỉ nên mở phân nửa, nhìn không quá năm bảy thước. Đi đứng nằm ngồi, oai nghi nếu trang trọng nghiêm túc, sẽ khiến người nhìn, sanh tâm cung kính.
*
Lúc đầu, nếu không tự khiển trách, thì tương lai làm sao giáo hóa chúng sanh được! Tự thúc thủ hành vi chân chánh, không bị đọa lạc, thì mới nhiếp hóa chúng sanh. Có tu đạo hay không, cử chỉ hành động như thế nào, người khác nhìn vào liền biết rõ. Tâm bình thường tức là tâm trước sau như một. Trải qua bao phong ba hiểm nạn, tâm này vẫn như như bất động.
Ví như Hám Sơn lão nhân, Ngài là bậc mô phạm cho chúng ta. Ngài sanh vào đời nhà Minh, ngày mười hai tháng mười năm Gia Tĩnh thứ hai mươi lăm (1546). Năm mười hai tuổi, xin cha mẹ cho xuất gia, rồi lễ hòa thượng Tây Lâm tại chùa Báo Ân, ở Nam Kinh, làm thầy thế độ. Sau đó, Ngài thọ giới cụ túc nơi hòa thượng Vô Cực. Sau khi hòa thượng Tây Lâm viên tịch, dầu chỉ mới được hai mươi tuổi, mọi việc lớn nhỏ trong chùa, đại chúng đều nghe theo sự quyết định của Ngài.
Sau này, Ngài theo đại sư Vô Cốc ngồi thiền tại chùa Thiên Giới. Năm hai mươi tám tuổi, nhân du hành đến núi Ngũ Đài, thấy cảnh núi Hám Sơn thâm sâu hùng vĩ, nên Ngài tự lấy tên núi mà đặt danh hiệu cho mình. Năm hai mươi chín tuổi, Ngài duyệt xem “Triệu Luận”, bèn liễu ngộ mà không bám văn nghĩa. Thiền sư Cao Phong, pháp lữ của Ngài, bảo:
– Xin chúc mừng! Thầy có vốn trụ núi rồi!
*
Năm ba mươi tuổi, Ngài đốn ngộ, bèn viết kệ:
“Chớp mắt tâm niệm cuồng dừng
Căn trần nội ngoại đều thấu suốt
Thân bay độc phá thái hư không
Vạn tượng xum la từ khởi diệt”.
Từ lúc cắt tóc xuất gia, đến năm bảy mươi mốt tuổi, đôi chân Ngài đi du hành khắp nơi. Mỗi lần Ngài lên tòa thuyết pháp, nói một hơi cả ngàn lời. Việc này được thị giả ghi lại đầy đủ trong quyển tiểu sử niên giám của Ngài. Sự tích về cuộc đời Ngài, kể rõ rằng trong bao thập niên, dầu hoàn cảnh thiên biến vạn hóa, chịu muôn ngàn khổ đau, nhưng đạo tâm thủy chung bất biến. Đó là tâm bình thường, dài lâu. Lúc bị đày đến Lôi Dương, Ngài có viết bài Quân Trung Ngâm:
“Cởi áo tu liền đổi dạng
Vốn tin tùy duyên là đạo tràng
Chịu đựng nắng gắt như lửa cháy
Nan tiêu băng tuyết lạnh tâm tràng”.
Tâm Ngài kiên cố bất biến, mới thổ lộ ra những lời này. Ngài chính là bậc mô phạm cho chúng ta.
*
Ngày nay, Phật pháp bị suy vi quá mức, vì trải qua bao phong ba bão táp. Trước ngày giải phóng, tăng ni toàn quốc có khoảng tám trăm ngàn vị. Năm ngoái, chỉ còn bảy mươi ngàn vị. Trong mười người thì có tới chín người hoàn tục. Đó là vì tâm không dài lâu, và không kiên cố. Bị lửa đốt một chút là chân đứng không yên.
Nếu là Phật tử chân chính, phải nên lập chí nguyện, có đầy đủ tâm tràng sắt đá. Đầu tiên phải học oai nghi, tuân theo quy củ, mà không sợ kẻ khác bảo mình là người cứng đầu. Phải giữ tâm đến chết, mãi mãi tôn kính giáo giới của Phật. Do bao kiếp trồng căn lành, nên đời này mới được vào cửa Phật. Phải nỗ lực cầu đạo, trừ khử tập khí. Làm được những việc này rồi, thì từ từ sẽ trở thành những bậc đại tu hành, sớm đắc nhập lý thể. Chớ chạy vào chợ búa danh lợi, làm tay sai cho quốc vương. Tâm phải kiên cố, vĩnh cửu không đổi. Tâm bình thường động tĩnh nhất như.”
Tâm Bình Thường Là Đạo: Hòa Thượng Hư Vân Khai Thị
Hòa Thượng dạy: “Cổ đức nói: – Tâm bình thường là đạo.
Đạo của ông Khổng Tử không ngoài “Trung Dung”. Bàn về lý thuyết thì không thiên chấp tức là “Trung”. Không biến đổi tức là “Dung”. Bàn về sự thì “Trung” tức là trung đạo. Việc gì cũng không thái quá hay không thiếu thốn. Dung tức là dung thường, xa rời tất cả quái lực loạn thần, thuận theo bổn phận làm người, chẳng làm điều kỳ lạ.
Phật pháp cũng như thế. Chúng ta phải vận dụng tâm bình thường chân thật mà xem xét thì mới thấy chân tâm thân thiết. Nhờ làm việc bình thường chân thật mà thấy được chân tâm thân thiết, nên mới có ít phần tương ưng, khiến không phạm tội nói khoác. Pháp của tâm bình thường chân thật, không khác mười điều thiện, tức trì giới không tham lam, sân hận, si mê, giết hại, ăn cắp, tà dâm, Ỷ ngữ, vọng ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu. Mười việc thiện này, lão tăng đã từng đàm luận rồi. Nếu có thể hành trì thật tiễn thì đó là nền tảng căn bản của việc tu hành thành Phật Tổ, cũng khiến cho thế giới thái bình, tạo nên nhân gian Tịnh Độ.
Lục Tổ bảo: – Tâm bình thì nhọc gì trì giới.
Đó là nói về bậc thượng căn lợi trí; các ngài nghe một lời đạo pháp thì hạnh giải đều tương ưng, như voi vượt sông theo dòng mà qua đến bờ kia. Tướng thiện lành còn không có, hà huống có tướng ác!
*
Đối với người trung căn và hạ căn, họ thường bị gió chuyển. Hai chữ “Tâm Bình”, đàm luận thì dễ. Gió có tám loại: Lợi ích, suy đồi, hủy hoại, khen ngợi, tán thán, chửi mắng, khổ nhọc, an lạc. Phàm phu gặp gió lợi lạc thì sanh tâm tham trước. Gặp gió sầu thảm thì sanh tâm bi lụy khổ sở. Gặp gió hủy báng thì sanh tâm sân hận. Gặp gió khen ngợi thì sanh tâm vui thích. Gặp gió tán thán thì tâm trụ không nghi. Gặp gió quở trách thì sanh tâm xấu hổ, khiến trở thành hờn oán. Gặp gió khổ đau thì tâm đầy bi thương. Gặp gió an lạc thì liên tục chạy theo vọng tưởng. Tám gió khởi lên, tâm liền theo đó mà chuyển.
Lúc sanh lúc chết, làm sao đối kháng được? Phải đi từng bước, tức từ sự tướng mà nhận thức thể tánh; khi khởi tâm động niệm, luôn tu hành mười điều lành. Sự tướng tuy là cành lá, nhưng phải nhiếp thọ cành lá trở về cội gốc, thì mới mau đạt đạo Bồ Đề. Lại nữa, Phật giáo lược khai có mười tông và hơn bốn mươi phái mà bốn tông như Thiền, Tịnh, Luật, Mật nhiếp căn cơ chúng sanh rất rộng rãi.
*
Quý vị thiện tri thức ! Cảnh giới của chư Phật như vương đô, mà các tông phái như những đại lộ. Dẫu đại lộ nào cũng dẫn về vương đô. Chúng sanh phân tán khắp bốn phương, do điểm xuất phát không đồng, nhưng khi đến nơi vua trú thì đồng một dạng giao cảm.
Kinh Kim Cang nói: “Pháp này bình đẳng, không có cao thấp !” Tuy nhiên, nếu hôm nay đi đại lộ này, rồi ngày mai lại chạy qua đại lộ khác, cứ chạy qua đường này lộ nọ, nên cuối cùng chẳng đi đến đâu. Lục Tổ bảo:
– Rời đạo mà tìm đạo, thì cả đời chẳng thấy đạo. Lang thang suốt cuộc đời, chẳng đạt được gì, phải nên tự trách.
Thật là lời răn nhắc thâm sâu! Vì vậy, chúng ta phải thâm nhập vào một pháp môn mà không để phân tâm, hay thối chuyển. Như chuột gặm quan tài, phải từ một nơi mà dụng công thì hồi lâu sẽ đục thủng. Nếu muốn thông đạt hết các tông, phải nên nhận ra chủ bạn. Người hành Thiền tông, phải nên lấy pháp môn của Thiền tông làm chủ (chính), còn giáo lý của những tông khác, phải xem là bạn (phụ). Người hành tông Tịnh Độ, phải lấy pháp môn Tịnh Độ làm chủ, và xem giáo lý của các tông khác là bạn. Luật tông và Mật tông cũng như thế, thì mới tránh việc Hàn Lô tranh khoảnh đất bùn.
*
Đối với giới luật trong nhà Phật, các tông phái đều phải nghiêm trì. Biết chủ bạn như đi trên đường biết phương hướng. Trì giới luật như đi trên đường có lương thực. Yếu chỉ của các tông phái tuy không đồng, nhưng lên đến đảnh thì cùng một dạng. Thế nên bảo:
– Trở về nguồn tánh không hai, nhưng phương tiện thì lại có nhiều môn. Hôm nay, trong chúng hội đều là những bậc thượng thiện nhân, cùng Phật có phần. Hư Vân tôi nói nhiều lời, bất quá chỉ như vạch hư không mà thôi. Trân trọng!”
( Tâm bình thường là đạo – Theo Hư Vân Pháp Ngữ )
Tuệ Tâm 2022.
Hiếu viết
Nam mô A Di Đà Phật.