“Niệm cuối cùng quyết định vãng sanh” là một quan điểm vô cùng sai lầm, không đúng với giáo lý Tịnh Độ và trái ngược hoàn với bản hoài của Phật! Nó khiến vô số người niệm Phật cầu vãng sanh hoang mang, khởi nghi nan, rồi tự mình chướng ngại đường vãng sanh của chính mình. Thật vô cùng đau xót!
Người niệm Phật cần phải biết rằng: Việc quyết định vãng sanh nằm ở chỗ: “Bạn có tin nhận nguyện lực cứu độ bình đẳng vô điều kiện của đức Phật A Đà, có phát nguyện vãng sanh rồi xưng danh hiệu của Ngài hay không, chứ không nằm ở niệm cuối cùng trước khi chết.”
Niệm cuối cùng quyết định vãng sanh – Có thật như thế không?
Tổ Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh cùng chăng do tín nguyện có hay không. Phẩm vị cao thấp do sức hành trì sâu hay cạn”. Trong pháp quán thứ 9, kinh Quán Vô Lượng Thọ, đức Phật Thích Ca dạy rằng:” Ánh hào quang của đức Phật A Di Đà soi khắp các cõi ở mười phương, thâu nhiếp tất cả chúng sanh niệm Phật.” Ánh hào quang của Phật A Di Đà luôn thâu nhiếp, bảo vệ người niệm Phật cho đến lúc lâm chung. Việc này là để đảm bảo việc vãng sanh được thành tựu. Nếu niệm cuối cùng quyết định vãng sanh thì ánh háo quang này thâu nhiếp chúng sanh niệm phật còn có ý nghĩa gì?
Nếu như bảo rằng: “Đối với những người niệm Phật, niệm cuối cùng trước khi chết phải là A Di Đà Phật thì mới được vãng sanh”, thì cả đời người ta niệm Phật không có tác dụng gì cả hay sao? Nếu điều đó là đúng thì hằng ngày ta niệm Phật để làm gì, để đến lúc lâm chung mới niệm có phải tốt hơn không?
Và nếu điều đó là đúng thì trên là Phật Thích ca, Phật A Di Đà, dưới là chư Tổ sư đều phạm vọng ngữ cả. Tại vì sao? Tại vì các ngài chỉ dạy chúng tín nguyện niệm Phật cầu vãng sanh. Nương nơi Phật lực và nguyện lực của Phật A Di Đà là được Vãng sanh về Cực Lạc, các ngài không hề dạy về niệm cuối cùng này!
Lại nữa, niệm cuối trước lúc chết là niệm vào thời điểm nào? Vì chết là một tiến trình duyên sinh vô cùng phức tạp, không phải cứ tắt hơi là chết như hầu hết phàm phu chúng ta đang lầm tưởng.
*
Để bác phá luận điểm này, ta sẽ phải xét trên hai khía cạnh cốt lõi:
- Thứ nhất: Câu nói này có y cứ ở đâu nơi Tịnh Độ Tam Kinh, y cứ ở đâu nơi Kinh Niệm Phật Ba La mật và y cứ ở đâu nơi trước tác của chư Tổ?
- Thứ hai: Niệm cuối trước lúc chết là niệm vào thời điểm nào? Vì chết là một tiến trình duyên sinh vô cùng phức tạp. Không phải cứ tắt hơi là chết như hầu hết phàm phu chúng ta đang lầm tưởng.
“Niệm cuối cùng quyết định vãng sanh” – Y cứ ở nơi Kinh nào của Phật?
Chúng ta hãy xem “niệm cuối cùng quyết định vãng sanh có được y cứ nơi kinh nào hay không?
1. Kinh Vô Lượng Thọ
Kinh Vô Lượng Thọ có nội dung chủ yếu nói về 48 đại nguyện của đức Phật A Di Đà, trong đó, trọng yếu nhất là nguyện thứ 18. Đức Phật A Di Đà nguyện rằng: “Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.”
Rõ ràng, Ngài chỉ yêu cầu chúng ta một việc vô cùng đơn giản: “Chí tâm tin ưa, xưng danh hiệu tôi cho đến 10 niệm” là được vãng sanh. Ngài nào có bảo niệm cuối cùng trước khi chết quyết định vãng sanh đâu?
2. Kinh Quán Vô Lượng Thọ
Kinh Quán Vô Lượng nói về 16 pháp quán và một pháp tu phước để vãng sanh, tức là Tịnh Nghiệp Tam Phước. Điểm cốt lõi của kinh này là phần phó chúc danh hiệu, đức Phật Thích Ca dặn ngài A Nan: “Này A Nan! Ông nên ghi nhớ lời này, thọ trì lời này chính là thọ trì danh hiệu Phật Vô Lượng Thọ. Trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Tổ Thiện Đạo giải thích đoạn kinh văn này là:” Bổn nguyện của đức Bổn Sư là muốn chúng ra nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Phật A Di Đà.
Cũng trong Hạ Phẩm Hạ Sanh của kinh này, kẻ tạo tội nặng như ngũ nghịch thập ác, nhờ được thiện tri thức dạy cho niệm Phật. Họ do bị cận tử nghiệp bức bách, đau đớn, khổ sở. Do không bấu víu được vào đâu liền tin nhận rồi xưng 10 niệm Nam mô A Di Đà Phật, nhờ đó liền được vãng sanh. Nếu không có tín nguyện dẫn dắt, hạng phàm phu cực ác này làm sao khởi được tâm niệm Phật?
3. Kinh A Di Đà
Trong Kinh A Di Đà, sau khi mô tả y báo và chánh báo của cõi Cực Lạc, đức Phật Thích Ca dạy rằng: “Này Xá-lợi-phất, nếu có hàng thiện nam thiện nữ nào nghe nói về Phật A Di Ðà rồi chấp trì danh hiệu Ngài, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Người ấy khi lâm chung thấy Phật A Di Ðà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi chết người ấy tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà.
Tổ Thiện Đạo giải thích: “Chấp trì danh hiệu nghĩa là tin sâu bản nguyện của Phật A Di Đà, phát nguyện rồi chuyên xưng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật.” “Nhất tâm bất loạn nghĩa là Chuyên lại càng chuyên.” Như thế liền được vãng sanh. Phật đâu có nói niệm cuối cùng quyết định vãng sanh đâu?
4. Kinh Niệm Phật Ba La Mật
Kinh Niệm Phật Ba La Mật có nội dung giải thích về nội hàm của sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. Trong kinh này đức Phật Thích Ca bảo Diệu Nguyệt cư sĩ:
“Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được Y Báo và Chánh Báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau, lập tức vào Phổ Đẳng Tam Muội của Đức Phật A Di Đà, được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây Phương, vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn sanh tử luân hồi..Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển.”
Điều này có nghĩa là gì? Có nghĩa là khi bạn chuyên xưng danh hiệu Phật thì y báo và chánh báo của bạn đã được thành tựu. ĐÂY GỌI LÀ ĐỊNH NGHIỆP VÃNG SANH. Mà đã là Định Nghiệp thì không thế lực nào can thiệp được. Ngay cả Phật cũng không can thiệp được thì lý do gì mà niệm cuối cùng không niệm Phật lại không được vãng sanh?
“Niệm cuối cùng quyết định vãng sanh” – Y cứ ở nơi luận nào của Tổ?
Tổ Ngẫu Ích bảo: “Được vãng sanh cùng chăng do tín nguyện có hay không, phẩm vị cao thấp do sức trì danh sâu hay cạn.”. Còn Tổ Thiện Đạo, là hóa thân của đức Phật A Di Đà, trong Pháp sự tán và quán niệm pháp môn, ngài bảo rằng: “Chúng sanh thuần nhất chuyên xưng danh hiệu, trên thì 1 đời, dưới đến 10 niệm, không ai không được vãng sanh.” Ngài lại bảo: “Chúng sanh thuần nhất chuyên xưng danh hiệu cầu vãng sanh, gọi là bình sanh nghiệp thành, nghĩa là nghiệp vãng sanh đã thành tựu, không đợi đến lúc lâm chung”
Tổ Thiện Đạo bảo rằng: Người niệm Phật có hai loại căn cơ: Căn cơ bình thời và căn cơ lúc lâm chung.
Nếu là căn cơ bình thời thì việc quyết định vãng sanh phải căn cứ vào lúc bình thời: Người ấy có phát nguyện vãng sanh và niệm Phật thường xuyên hay không, có tạp tu hay không. Nếu như mà người ấy chỉ niệm Phật cầu vãng sanh, không có tạp tu thì cho dù người ấy chết dưới bất kỳ hình thức nào, dù bệnh nặng hay tai nạn chết bất đắc kỳ tử đi, trước lúc chết không niệm được câu phật hiệu nào hay không để lại thoại tướng gì đi chăng nữa, vẫn chắc chắn được vãng sanh.
Bởi lúc bình thời phát nguyện niệm Phật cầu vãng sanh thì như Tổ Thiện Đạo dạy, nghiệp vãng sanh đã thành tựu. Đây là định nghiệp và không có bất kỳ thế lực nào có thể can thiệp được. Cũng như người tạo tội cực nặng, nghiệp địa ngục thành tựu, dù đang sống nhưng một phần thần thức đã thọ tội trong địa ngục, cho nên chết đi liền hóa sanh vào địa ngục ngay lập tức.
*
Còn như người ấy tạp tu, tức không tin sâu nguyện lực của Phật thì vô cùng khó được vãng sanh. Chuyện khởi được niệm cuối cùng là niệm Phật vô cùng hi hữu, trong hàng triệu người niệm Phật may lắm được 1 đến 2 người là cùng.
Nếu là căn cơ lúc lâm chung, tức là người lúc lâm chung mới biết đến pháp niệm Phật. Thì ngay cả lúc này cũng phải do nơi tín nguyện mà phát khởi nên việc niệm danh hiệu Phật. Do biệt nghiệp và tính cường liệt của cận tử nghiệp, lúc này người ấy chỉ cần niệm được 1 niệm hay 3 niệm 10 niệm cũng được vãng sanh. Nhưng nếu người lâm chung không có tín nguyện thì sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật làm sao có thể phát khởi được? Mà không phát khởi ra được thì đào ở đâu ra được niệm cuối cùng để được vãng sanh?
*
Trong Tây phương xác chỉ, giác minh diệu hạnh bồ tát dạy: “Cõi ta bà này hễ có một người phát nguyện vãng sanh thì nơi ao thất bảo liền mọc lên một nụ hoa sen”
Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Khi chúng ta niệm “Nam mô A Di Ðà Phật”, thì trong nước Bát công đức của ao thất bảo nơi thế giới Cực Lạc phương Tây sẽ mọc lên một hoa sen. Niệm Phật càng nhiều thêm thì hoa sen càng lớn dần, nhưng vẫn chưa nở. Ðợi đến lúc chúng ta mạng chung thì đương nhiên chúng ta sẽ sanh vào trong hoa sen ở thế giới Cực Lạc.”
Và có lẽ thì đã nhìn thấy kiến giải sai lầm về niệm cuối cùng quyết định vãng sanh, cho nên khi giảng kinh A Di Đà, Thượng Nhân dạy như thế này:
“Người ấy khi lâm chung, người ấy chờ đến khi chết, Ðức Phật A Di Ðà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Bấy giờ Ðức Phật, Bồ-tát Quán Thế Âm, Ðại Thế Chí, Thanh tịnh đại hải chúng Bồ-tát cùng đến và đều đưa tay rước người ấy về thế giới Cực Lạc. Dù có muốn rút lui cũng không thể được. Người ấy khi lâm chung tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Ðà. Bấy giờ tâm của người ấy dù có tư tưởng điên đảo, cũng không thể nói: “Tôi không muốn đi, nơi đó không có ý nghĩa gì.” Người ấy không thể cự tuyệt lời mời gọi của Phật A Di Ðà, tức khắc vãng sanh về thế giới Cực Lạc.
Niệm cuối cùng quyết định vãng sanh là niệm vào lúc nào?
Thế gian thấy người ta tắt hơi, không còn thở nữa thì cho là chết. Chúng ta đều không biết rằng: Chết là một tiến trình, và chuyện tắt hơi không còn thở chỉ là việc đầu tiên của tiến trình chết. Tiến trình chết hay còn gọi là cận tử nghiệp, gồm hai giai đoạn:
- Giai đoạn phân rã của Tứ Đại, tức là sự phân ra của Thân
- Giai đoạn phân rã của Tâm.
Về sự phân rã của Thân: Giai đoạn này, theo Mật giáo bao gồm bốn sự phân rã của Tứ Đại, gồm có:
- Sự phân rã của Địa Đại.
- Sự phân rã của Thủy Đại
- Sự Phân rã của Hỏa Đại
- Sự phân rã của Phong Đại.
Trong cái sự đau đớn khủng khiếp của sự phân rã này, nếu chẳng có Phật A Di Đà cùng thánh chúng hiện ra, khiến bạn được chánh niệm, thì bạn không thể nào làm được hay nói được điều gì cả. Vì sao? Vì nó quá kinh khủng!
*
Về tiến trình chết này, nếu bạn muốn tìm hiểu kỹ hơn thì hãy xem lại bài: Chết là gì . Bạn truy cập đọc sẽ nắm rõ hơn. Ở đây tôi chỉ sơ lược để cho bạn thấy rằng: Niệm cuối cùng trước khi chết quyết định vãng sanh là không có ý nghĩa gì, vì sao, vì nó mơ hồ và bạn chẳng thể xác định được cuối cùng là thời điểm nào.
Nếu bảo đấy là niệm trước lúc cận tử nghiệp xảy ra thì rõ ràng đó chưa phải là niệm cuối, bởi từ khi cận tử nghiệp cho đến khi xảy ra sự phân rã của tâm thức bên trong, tức là khi chết hẳn, đang còn một thời gian khá dài nữa. Và trong thời gian này tâm ta sẽ khởi vô biên vọng niệm.
Còn nếu bảo là niệm cuối cùng xảy ra trong lúc cận tử nghiệp thì đây là điều không tưởng, bởi cận tử nghiệp kinh khủng như thế, thân đau đớn và tâm thì mơ hồ tán loạn, như thế làm sao mà chúng ta niệm Phật được?
Cho nên niệm cuối cùng quyết định vãng sanh y cứ nơi kinh sách không đúng, y cứ lời dạy của chư Tổ không đúng và y cứ nơi trạng thái Cận tử nghiệp cũng không thể nào xảy ra được. Vì vậy mong bạn chớ có tin mà tự đoạn đường về cực lạc của chính mình! Hãy nhớ lời Tổ Thiện Đạo dạy: Vững tín nguyện mà nhất hướng chuyên xưng danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Đừng tạp tu thêm bất cứ môn gì thì gọi là Chánh Hạnh, là chắc chắn được vãng sanh!
Tuệ Tâm 2024.
Hội viết
chào Tuệ Tâm!
tôi có một câu hỏi xin Tuệ Tâm khai thị dùm ạ:
chẳng là thời gian gần đây tôi có tụng đọc Kinh Địa Tạng,có điều là lúc tụng kinh thì tôi quỳ để tụng đọc,thú thật tụng đọc hết một cuốn kinh cũng khoảng 2,5 giờ,nên chân rất là tê đau,giờ tôi muốn ngồi tụng đọc có được không?và vấn đề ở đây là tượng nhà tôi thờ là tây phương tam thánh đứng,có lần tôi đọc ở đâu đó hoà thượng Tuyên Hoá có nói”tượng đứng thì không được ngồi,tượng ngồi thì không được nằm”.nên tôi rất phân vân chỗ này.mong Tuệ Tâm giải đáp giúp.cảm ơn Tuệ Tâm!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Cốt yếu của tụng đọc kinh nằm ở chỗ giữ được cái tâm không vọng niệm. Cảm ứng nhanh hay không, công đức lớn hay nhỏ cũng nằm ở điểm này. Việc ngồi hay quỳ thực ra cũng chỉ là một phương tiện, giúp người ta thêm nhiếp tâm và cung kính mà thôi, bạn đừng chấp vào chỗ ấy. Theo Tuệ Tâm, bạn nên ngồi an nhiên mà tụng, quỳ thân đau, tâm rất dễ tán loạn đã đành, việc kiểm soát hơi thở cũng khó khăn, rất dễ bị tổn khí.
Về chuyện “tượng đứng thì không được ngồi,tượng ngồi thì không được nằm” khi tụng kinh thì không biết bạn đọc ở đâu, chớ Tuệ Tâm đọc khắp các bản khai thị, chú giải, giảng kinh của Thượng Nhân, không thấy Ngài nói lời này. Tuệ Tâm e rằng lời này không phải của Thượng Nhân nói ra đâu. Bạn cứ yên tâm ngồi tụng, chớ phân vân mà mất phần lợi ích!
Hội viết
cảm ơn Tuệ tâm nhiều!
Cung Kính viết
TẠI SAO CÓ KHI NIỆM PHẬT TRONG LÚC GẶP ÁC MỘNG KHÔNG MẤY HIỆU QUẢ?
Tác giả: Pháp sư Tịnh Tông
Người dịch: Nhuận Mãn Qua
___________________________
Hỏi: Tại sao niệm Phật trong khi gặp ác mộng, có khi có thể chuyển xấu thành tốt, có thể tỉnh lại ngay, có khi lại không thể? Khi trong giấc mơ bị xâm hại thì liền ra sức niệm Phật, nhưng hiệu quả thì rất ít. Chẳng phải niệm Phật bất luận là tâm chuyên nhất hay tâm tán loạn, chỉ cần xưng niệm, công đức không chút sai khác sao? Vấn đề này cứ mãi quanh quẩn trong con nhiều năm nay.
Đáp: Vấn đề này rất khó trả lời. Một là đề cập đến cảnh giới Phật, hai mắt chúng ta toàn đen; hai là đề cập đến cảnh giới mơ, vô cùng sâu xa, mặc dù mỗi ngày chúng ta mơ, nhưng tình trạng trong mơ đa phần lộn xộn điên đảo, vì vậy rất khó để nói cho rõ ràng.
Chúng ta không ngại ngần nói rõ với trạng thái tỉnh táo thông thường, nhưng trạng thái tỉnh táo này của chúng ta, thì xét theo góc độ A-la-hán, Đại Bồ-tát trong mơ cũng giống như vậy, bởi vì chúng ta chấp trước những thứ ngoại cảnh. Trong trạng thái tỉnh táo, có một vài việc chúng ta niệm Phật hiệu quả cảm ứng rất nhanh, nhưng có vài việc dường như không có hiệu quả.
Ví như bây giờ trời lạnh, bạn không mặc áo ấm, cứ ngồi đó ra sức niệm Phật, thì vẫn sẽ bị lạnh run như thường. Nhưng nếu như trong tâm có hổ thẹn, áy náy, thông qua niệm Phật có thể nhanh chóng được an ủi. Tại sao lại như vậy? Bởi vì nhân khác nhau. Trời lạnh thì liền mặc áo ấm, hiệu quả sẽ càng tốt hơn; niệm Phật là nhắm trực tiếp vào tâm của chúng ta, trong tâm nghĩ tới vấn đề này thì khởi tác dụng càng nhanh. Đây là hai loại hình khác nhau.
Như vậy phải chăng Phật hiệu không có công đức nữa? Không phải vậy.
Phật hiệu trong cuộc sống hiện thực của chúng ta không thể xem như cơm, như quần áo, bởi vì những cái đó đều là pháp hữu vi sinh diệt; bản thân Phật hiệu là vô vi, không sanh diệt. Mặc dù Phật hiệu không có chút công năng về phương diện hữu vi này, không thể nói nó không thể cứu độ chúng ta xuất ly sanh tử, không có công năng, ngược lại công đức của nó là viên mãn. Pháp nhân duyên của thế gian này đều là biến hóa sanh diệt, phương pháp đối trị của nó là lạnh thì mặc áo, đói thì ăn, ngược lại càng có hiệu quả. Là nguyên nhân như vậy.
Nói theo giấc mơ cũng như vậy. Ác mộng mà bạn gặp phải không biết được là do nguyên nhân gì. Nếu ác mộng này có tương quan với tâm tánh, ví như lừa gạt người khác, hoặc oan gia trái chủ đến lấy công đức, đến đòi nợ, hiển hiện cảnh mơ trong hoàn cảnh như vậy, gọi là nghiệp chướng hiện ra, nếu niệm Phật thì liền có hiệu quả. Bởi vì Phật pháp là tâm pháp, khởi tác dụng trực tiếp từ tâm, hiệu quả rất nhanh.
Nếu giống với một vài ác mộng khác, như có một vài ác mộng có liên quan đến cơ thể, cơ thể mắc căn bệnh nào đó, khí huyết trong quá trình lưu thông đến một vùng nào đó, thì sẽ hiển hiện tình cảnh khốn khó ở trong mộng; hoặc tư thế khi ngủ không đúng, tay đè lên ngực, cứ mãi vùng vẫy ở nơi đó. Với những trường hợp như vậy, có thể vì bạn có thói quen niệm Phật, trong mơ vẫn biết niệm Phật, nhưng hiệu quả không nhanh như vậy.
Điều này nói rõ hiệu quả niệm Phật của chúng ta, đầu tiên là từ trong tâm —– nơi trọng tâm kín kẽ này bắt đầu thay đổi, sau đó phát triển đến cơ thể, lại mở rộng ra thế giới bên ngoài. Bởi vì có thứ lớp như vậy, những vấn đề và vướng mắc phát ra từ trong tâm chúng ta, thì hiệu quả của niệm Phật đương nhiên sẽ nhanh hơn.
Quyền Dương Văn viết
Chào Thầy Tuệ Tâm !
Con có câu hỏi này kính mong thầy khai thị giúp cho con được rõ. Con là phàm phu mới biết tới Phật Pháp và Pháp môn Tịnh Độ. Nhưng con chưa quy y tam bảo và ở nhà con cũng không thờ Phật. Vậy con phát nguyện niệm hồng danh Nam Mô A Di Phật cần làm những gì, và muốn tạo cho mình thời khoá niệm Phật cố định vào buổi sáng sớm có được không. Khi niệm Phật có cần quay mặt về hướng Tây không và ngồi ghế trên trước mặt có bàn như đọc kinh niệm Phật có được không vì con chưa có bàn thờ Phật. Khi Niệm phải phát ra tiếng hay niệm nhỏ hoặc niệm thầm cũng được. Việc chưa quy y có ảnh hưởng gì đến việc phát nguyện niệm Phật không. Xin thầy khai thị chỉ rõ giúp con, con xin tri ân công đức của Thầy. Nam Mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn có duyên lành nên mới phát tâm đã vào được cửa Tịnh Độ, thật đáng mừng! Theo Tuệ Tâm, trong hoàn cảnh của bạn thì nên như thế này:
1. Nên cố định thời khóa buổi sáng lúc 5h. Nếu ngồi hướng về Tây mà không có chướng ngại thì tốt, nếu nhà chật hẹp, có chướng ngại thì chẳng cần, cứ chọn một góc yên tĩnh, sạch sẽ là được.
2. Trước tiên bạn tụng nghi thức này: Nghi thức niệm Phật. Đọc đến chỗ, ngồi niệm Phật thì ngồi mà niệm Phật, không cần bàn ghế gì cả. Thời gian niệm nhiều ít tùy sức của mình, nếu ngồi kiết già được thì tốt, không thì ngồi bán già hoặc xếp bằng đều được. Nhớ niệm đủ 6 chữ Nam mô A Di Đà Phật, chớ niệm 4 chữ. Thời khóa thì nên niệm ra tiếng vì người sơ cơ niệm thầm dễ bị tán loạn và buồn ngủ. Nếu không phiền đến ai thì niệm bình thường, nếu làm phiền đến người khác thì niệm nhỏ thôi.
3. Trong ngày, dù bận hay nhàn, dù đi đường hay làm việc, dù ở bất kỳ đâu, hễ nhớ ra thì niệm. Niệm thầm, niệm to hay nhỏ đều được, công đức như nhau. Khi nằm ngủ và lúc ở trong nhà cầu thì chỉ nên niệm thầm. Vì lúc nằm mà niệm ra tiếng thì bị tổn khí; lúc ở nhà cầu mà niệm to thì hơi thiếu cung kính.
4. Việc quy y hay không chẳng ảnh hưởng gì đến việc niệm Phật cầu vãng sanh cả. Tuy nhiên, về lâu dài thì sau này có điều kiện vẫn nên quy y Tam Bảo. Cuối thu Thầy Nhuận Hà ra Quảng Lạc, Sóc Sơn cầu siêu cho thai nhi, nếu bạn có thể thì xin quy y dịp ấy với thầy là tốt nhất.
5. Trong cuộc sống thường ngày thì nên làm lành lánh ác, bớt tham sân si. Nếu có thể ăn chay được thì tốt, còn nếu không ăn chay được thì nên ăn nhiều rau ít thịt. Cư xử với người thân và xã hội thì nên khiêm hạ giữ mình, chớ buôn lung theo thói xấu của thế gian là được.
Quyền Dương Văn viết
Dạ con cảm ơn thầy đã khai thị chỉ rõ cho con.
1.Hiện tại con đang ở trong Bình Dương nên việc sắp xếp cuối thu này gặp Thầy Nhuận Hà để quy y chắc không được.
2.Thầy cho con hỏi khi quy y có cần chuẩn bị gì không. Thầy Nhuận Hà hiện ở chùa nào khi nào con có điều kiện tới chùa của Thầy quy y có được không ạ.
3. Hiện tại con cũng tự phát tâm tập tháng ăn chay 10 ngày nếu đủ sức khỏe để lao động làm việc con sẽ cố gắng chuyển sang chay trường. Những ngày còn lại con chỉ ăn tôm, cá không ăn thịt các loài thú lớn bò, lợn, gà… Vì con có xem video Thầy Thích Giác Khang khai thị ăn các loài thú nhỏ linh hồn của nó yếu hơn có đúng vậy không thầy. Nhưng những ngày ăn chay món canh rau, củ có nấu cùng thịt và tôm con chỉ ăn rau, củ và nước canh không ăn thịt, tôm như vậy có ảnh hưởng gì ko Thầy. Cúi mong Thầy giảng giải giúp con cho thấu hiểu điều này, con xin tri ân công đức của Thầy. Nam Mô A Di Đà Phật !
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Thầy Nhuận Hà ở Trung Tâm Dịch Thuật Hán Nôm Huệ Quang – TP.HCM, bạn tra trên mạng sẽ có địa chỉ cụ thể. Sau này đủ duyên quy y với Thầy là tốt nhất! Về ăn chay thì trên web này có nhiều bài rồi, bạn chịu khó tìm đọc sẽ nắm rõ hơn. Đại lược về ăn chay thì nếu ăn được, tu tập sẽ thuận lợi hơn, chướng ngại sẽ ít hơn. Nếu vì hoàn cảnh chưa thể trường chay thì giảm dần dần, cứ siêng năng niệm Phật, khi tâm từ bi tăng trưởng sẽ tự nhiên không muốn ăn thịt cá nữa. Còn về ăn thịt thì Ngài Giác Khang phương tiện nên dạy cho người sơ cơ vậy thôi, chớ thực ra chúng sanh đều bình đẳng, linh tánh không có phân biệt to hay nhỏ. Ta sát hại con trùng kiến cũng không khác chi sát hại voi hay hổ; cũng chớ nghĩ rằng ăn con nhỏ thì nghiệp nhẹ hơn ăn con to, không có chuyện ấy đâu!
Ta do biệt phước được thân người, chúng do ác nghiệp phải đọa trong hàng dị loại, nên khởi tâm từ bi thương xót thì tâm tương ưng với đạo, tu tập nhanh được tiến bộ!
Lê viết
Dạ.Thưa Tuệ Tâm,con đã từng hủy báng Sư Thầy hồi nhỏ.Bây giờ con phải làm sao đây.Xin Tuệ Tâm cứu con với
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Siêng năng sám hối cùng niệm Phật đi anh bạn trẻ!
Lê viết
Dạ.Vâng ạ
Nam Mô A Di Đà Phật Chuyên Lại Càng Chuyên viết
Dạ Những Người Hủy Báng Chánh Pháp, Thật Sự là họ sẽ ở vĩnh viễn luôn ở luân hồi ạ, con nghe nói là tất cả chúng ta từ vô thỉ kiếp đến nay chưa tội nào chưa làm và chưa có cảnh giới nào chưa trải qua ạ, Và những chúng sanh Phỉ Báng Chánh Pháp, cũng có Phật Tánh ạ!
Dạ con xin thắc mắc ạ, một người vài năm trước hủy báng Chánh Pháp, nhưng vài năm sau họ Giác Ngộ Ra, và họ quay đầu sám hối và niệm Phật Cầu Sanh Cực Lạc Ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Chúng sanh phạm đại tội, đọa địa ngục trả bao giờ hết ngiệp sẽ thoát ra, không có chuyện vĩnh viễn. Chỉ là, tội càng nặng thời gian thọ khổ càng lâu, có khi triệu tỉ kiếp vẫn còn ở trong địa ngục.
Người phạm tội dù nặng đến đâu, nếu chịu hồi đầu sám hối, siêng năng tu tập để cứu chuộc lại lỗi lầm thì vẫn bình đẳng liễu sanh thoát tử. Chỉ là, họ sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường mà thôi. Điều nan giải là ở chỗ: Phàm phu chướng ngại nhiều vô kể, khi phạm lỗi xong sám hối quay đầu cũng ít người thực lòng, chừng ít năm nửa tháng có khi lại quay lại con đường cũ. Mà khi phạm tội hủy báng, nghiệp rất nặng nên chướng ngại rất nhiều, tâm không có lực sẽ dễ bị thối hơn người thường gấp trăm vạn lần. Đây là lý do tại sao chư Tổ đặc biệt răn nhắc chuyện hủy báng vậy!
Nam Mô A Di Đà Phật Chuyên Lại Càng Chuyên viết
Trong Tâm em nó hay nói là thôi mày niệm Phật Theo Tịnh Độ Thuần Chánh Của Đại Sư Thiện Đạo Chỉ Nương Hoàn Toàn Vào Tha Lực Của Đức Phật A Di Đà Thì mày cũng không vãng sanh đâu, vì biết đâu mày trong quá khứ đã từng hủy báng chánh pháp, tội này Đức Phật A Di Đà Cũng không cứu nổi thôi mày đừng mơ tưởng chuyện vãng sanh nữa ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Bạn học Phật cũng lâu rồi, sao chẳng chịu chân thật hành trì, để đến nỗi tâm khởi nhiều tà kiến và u mê như thế? “Người phạm tội dù nặng đến đâu, nếu chịu hồi đầu sám hối, siêng năng tu tập để cứu chuộc lại lỗi lầm thì vẫn bình đẳng liễu sanh thoát tử. Chỉ là, họ sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường mà thôi. Điều nan giải là ở chỗ: Phàm phu chướng ngại nhiều vô kể, khi phạm lỗi xong sám hối quay đầu cũng ít người thực lòng, chừng ít năm nửa tháng có khi lại quay lại con đường cũ. Mà khi phạm tội hủy báng, nghiệp rất nặng nên chướng ngại rất nhiều, tâm không có lực sẽ dễ bị thối hơn người thường gấp trăm vạn lần. Đây là lý do tại sao chư Tổ đặc biệt răn nhắc chuyện hủy báng vậy!”
Tuệ Tâm đã giải thích kỹ như vậy mà chẳng chịu hiểu là làm sao?