Kinh Tam Bảo còn gọi là Bộ Tam Bảo là bộ kinh được tổng thành từ năm cuốn kinh, bao gồm:
- Kinh Phật thuyết A Di Đà.
- Hồng Danh Bửu Sám.
- Kinh Vu Lan Bồn.
- Phẩm Quán Thế Âm Bồ tát Phổ Môn.
- Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
Ở năm phần nầy, những hàng Phật tử, cả tại gia và xuất gia, mỗi khi muốn chỉ chung năm thứ kinh trên đây phần nhiều đều nói: Bộ Tam Bảo. Như: – Tôi nguyện tụng… Bộ Tam Bảo – Tôi đi thỉnh Bộ Tam Bảo – Tôi thọ trì Bộ Tam Bảo – Tôi ấn tống Bộ Tam Bảo v.v…
Tại sao năm thứ kinh nầy gọi là Bộ Tam Bảo? – Ai là người thuyết ra danh từ đó trước nhứt? – Vấn đề ở câu hỏi thứ hai không sao tìm ra manh mối để giải đáp cho có bằng cớ xác thực; vì đã trải qua nhiều thời gian, vả lại dấu vết ấy không thấy ghi lại trong quyển sách vở nào. Mà đến vấn đề trong câu gạn thứ nhứt cũng chưa được thấy ở đâu có lời giải thích rạch ròi.
Thiết tưởng, người có ý thức, phàm những lời nói ra cũng như ở việc làm trước phải hiểu rõ. Đặc biệt cần phải tránh hay phải giảo chánh những điều không ý nghĩa hoặc mạo nhận. Như thế nghĩa là bao giờ chúng ta cũng cần suy cứu, nghiên tầm những danh từ quan trọng, cũng như tất cả điều quan trọng khác, khi chúng ta muốn dùng đến, nếu nơi đó chúng ta còn chưa rành rẽ.
*
Bộ Tam Bảo phải chăng là một danh từ qua trọng? Và ý nghĩa của nó là một vấn đề mà chúng ta cần phải suy nghiệm? Chúng ta không thể bỏ qua đối với vấn đề ấy, vì chúng ta vẫn luôn luôn dùng đến nó kia mà! Bộ Tam Bảo hẳn đã đành là một danh từ không có quy cứ ở trong thánh giáo. Có lẽ nó chỉ là do trong thời kỳ trước: Một vị nào đó sắp đặt ra để kêu gọi năm thứ kinh nầy cho được dón gọn, mà hiện nay không do đâu để suy ra nguyên bổn được.
Nhưng vấn đề suy cứu ý nghĩa của nó là điều khẩn yếu hơn. Dưới đây, tôi xin trình bày một vài ý nghĩa của danh từ. Bộ Tam Bảo và tuần thứ của nó, những ý nghĩa riêng của tôi nhận xét, còn phần đúng cùng chăng, hoàn bị hay khuyết điểm xin nhường ở sự thẩm định của các bậc cao minh thức giả. Biện về ý nghĩa có 2 phần:
- Học Phật pháp bắt đầu từ đâu
- Tứ chủng Thanh tịnh minh hối.
- Thập thiện là gì.
- Cách sám hối tại nhà.
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Sự hiểu lầm tai hại về niệm Phật nhất tâm bất loạn.
Ý Nghĩa của Kinh Tam Bảo
Trong năm thứ kinh đã kể ở trên, đó là gọi cho gọn, chớ kỳ thật là bốn kinh và một sám văn; mỗi kinh đều thấy đủ cả Phật, Pháp và Tăng. Cứ đó mà suy thời trong năm thứ đó có đủ cả Phật, Pháp và Tăng. Ngoài ra trong các kinh khác như kinh Địa Tạng, kinh Pháp Hoa v.v… không bộ nào là chẳng đủ Phật, Pháp và Tăng.
Vì bất luận kinh nào, trong đó cũng có đức Phật là vị thuyết pháp chủ hay danh hiệu của chư Phật, lời của Phật dạy hoặc của Bồ tát v.v… giải bày cùng bốn bộ chúng v.v… dự hội. Cứ lấy ý nầy, thời tất cả những bộ kinh điển trong nhà Phật đều có thể gọi là kinh Tam Bảo. (kinh thuộc về Phật, Pháp và Tăng). Suy rộng thêm một chút thời Bộ Tam Bảo có thể là danh từ để dùng vào sự gọi tắt toàn cả đại tạng giáo điển.
Dầu vậy, nhưng nay đã riêng định áp dụng ba chữ đó để làm một danh từ đại diện cho năm thứ kinh trên. Vì thứ kinh trên chính thật là kinh điển trong nhà Phật. Người trước nhứt đã áp dụng riêng biệt như vậy; có lẽ vì năm thứ kinh nầy là mấy thứ kinh thông dụng, để trì tụng hằng ngày của người tu Phật. Đây có lẽ vì chứng mang tính phổ cập nhất trong thời đại gần đây!
Ý Nghĩa của danh từ Kinh Tam Bảo
Trong năm thứ kinh nầy nếu tế thẩm về phần đại thể quan yếu, thời thấy rằng:
1. Kinh Phật Thuyết A Di Đà và Hồng Danh Bửu Sám có thể phối với Phật Bảo. Vì trong kinh A Di Đà khuyên người tin Phật A Di Đà cùng cầu nguyện vãng sanh về cõi của Ngài. Trong văn Bửu Sám, một phần lớn là xưng niệm và lễ lạy hồng danh của chư Phật.
2. Kinh Vu Lan Bồn và phẩm Quán Thế Âm Bồ tát Phổ Môn có thể phối với Tăng Bảo. Vì chủ chính của kinh Vu Lan là nói nhân duyên của ngài đại A la hán Ma Ha Mục Kiền Liên. Ngài vì lòng hiếu từ mà độ cho mẹ. Đại thể trong phẩm Phổ Môn là bày tỏ thần lực tự tại cùng phương tiện độ sanh của đức Quán Thế Âm Bồ tát. A la hán và Bồ tát là hiền thánh Tăng!
3. Cuối cùng kinh kim Cang Bát Nhã Ba La Mật có thể phối với Pháp Bảo. Vì toàn bộ kinh Kim Cang là đức Phật vì ông Tu Bồ đề và chúng hội mà giảng rõ diệu lý “thật tướng ly tướng”; hiển bày “Pháp thân bất động”; và trực chỉ “tự tánh đại trí huệ cứu cánh kim cang bát nhã”.
Hai món đầu phối Phật bảo, một kinh sau cùng phối Pháp bảo. Hai thứ giữa phối Tăng bảo. Hiệp chung cả năm thứ lại gọi tổng là Bộ Tam Bảo. Cứ theo đoạn nầy đã tế thẩm phần đại thể của năm thứ phối hiệp với Phật, Pháp, Tăng, thời ba tiếng Bộ Tam Bảo dùng làm cái hiệu đại diện cho năm thứ kinh đây cũng có ý nghĩa đúng lắm.
Mật Ý Kinh Tam Bảo: Con Đường Tu Tập
Đã lược định xong ý nghĩa của danh từ Bộ Tam Bảo. Vậy phần ý nghĩa về tuần thứ thời như thế nào? Tuần thứ của Bộ Tam Bảo tức là thứ tự trước sau của bốn kinh và một sám văn đã kể ở đoạn đầu.
Xét kỹ đến thời thấy có ý nghĩa rất hay về sự luân quán. Nghĩa là nếu xâu hiệp lại thời năm món sắp để trước sau rất có ý nghĩa; và cứ thứ tự đó, năm món tương quan tương trợ nhau mà làm cho hành nhân được nhiều điều lợi ích. Nếu tinh ý sẽ nhận ra con đường tu tập về quán niệm.
1. Vì hợp với căn cơ chúng sanh
Chúng sanh trong thời mạt thế, tuổi thọ đoản thúc lại thêm chướng duyên rất nhiều, tội nghiệp sâu nặng. Cứ tự lực, khó có thể trong khoảng thời gian ngắn ngủi mà siêu phàm nhập thánh được. Không chống nổi tứ ma, mắc phải hoặc triền, nghiệp phược; chốn lục đạo, nẻo luân hồi, tránh sao khỏi đời đời khổ lụy. Tự lực không chưa đủ, còn cần phải nương tha lực.
Nguyện lực của đức Phật A Di Đà rất rộng lớn, nhiếp thủ không rời những chúng sanh nào có lòng muốn theo Ngài, muốn về nương với đức Phật; lại thêm trong cõi Cực Lạc ròng rặc những thuận duyên thù thắng – Về đó rồi mới nắm chắc phần thoát khỏi hẳn biển trầm luân cùng vượt qua dòng sinh tử. Do cớ đó nên: Trước phải tụng Kinh A Di Đà để rèn bền tín tâm, lập vững chí nguyện; tinh tấn trì danh hiệu của Phật, cần cầu được vãng sanh về cõi Cực Lạc:
Về Cực Lạc hầu đức Phật A Di Đà làm chỗ quy thú duy nhứt của đời mình. Chỗ quy thú đã lập, dầu vậy, xong ở nơi hành nhân không sao khỏi bị túc chướng nó nhiễu nhương khuấy rối; hoặc làm cho tâm tạp loạn, hoặc làm cho thân ốm đau…
2. Vì muốn hộ trì người tu.
Muốn yên ổn trên đường tu hành, phải phát nguyện rộng lớn: Lễ 89 vị Phật chí thành cầu ai sám hối; để tiêu trừ nghiệp căn tội chướng của mình đã gây tạo ra từ vô thỉ đến nay. Văn Hồng Danh Bửu Sám, sắp vào hàng thứ hai vì cớ nầy vậy.
Đã phát nguyện rộng, lập chí lớn, thời chẳng những lo giải thoát phần mình, mà còn gấp toan lợi ích quần sanh. Loài ngạ quỷ là một hạng chúng sanh đang bị thống khổ không ngần. Công ơn cha mẹ đối với con có phần sâu dày bậc nhứt mà cũng là thân thiết nhứt. Lẽ tất nhiên, khổ nhiều phải cứu gấp, thân thiết phải độ trước; do đây mà hàng thứ ba có kinh Vu Lan Bồn vậy.
Song thân đã có phương độ, ngạ quỷ đã có chước cứu. Nhưng pháp giới rộng vô biên, chúng sanh đông vô lượng; lấy sức kém, trí nhỏ đâu có thể thực hiện được chí nguyện rộng lớn. Một gáo nước có thấm vào đâu đối với kiếp hỏa! Vậy phải làm thế nào thân đồng pháp giới, lực dụng vô biên, tự tại độ mọi loài mới mãn bốn thệ được.
Nên tiếp đến hàng thứ tư có Phổ Môn Phẩm chính là để học hạnh của Quán Thế Âm nhập như huyễn văn huân văn tu kinh Kim Cang tam muội; trên cùng chư Phật hiệp một sức từ, dưới với chúng sanh đồng một bi ngưỡng; một thân ứng khắp mười phương, hiện ba mươi hai tướng, nương mười bốn món vô úy; dùng mười chín loại thuyết pháp, viên thành diệu hạnh để phổ nhiếp mọi loài trong pháp giới vậy.
3. Vì để phá ngã chấp.
Dầu rằng quy thú đã phải chỗ, tội căn đã sám trừ; nguyện lớn đã thực hành, diệu hạnh đã tu tập; song còn e trước tướng tấn tu, trệ ngại nơi sắc thinh mà xa cách Pháp thân; công đức hữu hạn nên rốt sau trì kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật để phá tâm trụ trước, trừ niệm ngã pháp; hầu thâm nhập diệt lý thí không thí, tu không tu, đắc không đắc; chứng không chứng, ly tất cả cảnh tướng, bặt tất cả duyên niệm, để viên mãn thí, tu, đắc, chứng.
Nơi tâm rỗng rang như hư không, nơi trí lặng lẽ dường gương sáng; chứng Pháp thân thật tướng, nhập chân tánh diệu cảnh; hiển kim cang bát nhã diệu dụng…
( Mật Ý của Bộ Kinh Tam Bảo – Hòa Thượng Thích Trí Tịnh)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận