Kinh Vu Lan Bồn hay còn gọi là Kinh Vu Lan Báo Hiếu. Đây là bản kinh về Hiếu Hạnh nổi tiếng bậc nhất trong Phật Pháp. Kinh này Đức Phật vì ông Đại Mục Kiền Liên và mọi người mà chỉ dạy phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua cùng cả lục thân quyến thuộc.
Bồn là bồn, thau, tượng, chậu, đồ bằng sành, bằng thiếc, hoặc bằng thau, đồng v.v… để đựng chứa đồ ăn. Vu Lan là Phạm âm, Hán dịch là Giải đảo huyền, nghĩa đen: Là tháo mở sự treo ngược. Sự treo ngược là ám chỉ cho tất cả sự thống khổ nặng nề. Đem bồn đựng đồ ăn cúng dường Phật và chúng Tăng, trong ngày rằm tháng bảy để cứu độ cha mẹ v.v… khỏi sự thống khổ nên gọi là Vu Lan Bồn.
- Kinh Pháp Diệt Tận.
- Kinh Lăng Nghiêm.
- Kinh Vô Lượng Thọ.
- Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
- Kinh Quán Vô Lượng Thọ
- Cách tụng kinh tại nhà.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Kinh Thập Thiện Nghiệp.
*
Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn
Hán Dịch: Đời Tây Tấn, ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ
Việt Dịch: Hòa Thượng Thích Trí Tịnh
*
Tôi nghe như vầy:
Một lúc nọ, đức Phật ở trong vườn Kỳ Thọ Cấp Cô Độc tại nước Xá Vệ. Ông Đại Mục Kiền Liên vừa mới chứng được sáu pháp thần thông(2) ông muốn cứu độ cha mẹ của ông để đền đáp công ơn bú mớm. Ông liền dùng đạo nhãn(3) xem khắp trong thế gian, thấy bà vong mẫu(4) của ông sanh vào trong loài ngạ quỷ(5) chẳng được uống ăn, thân thể ốm gầy da bọc lấy xương.
Thấy thế, ông Mục Liên chẳng xiết xót thương, liền lấy bình bát đựng cơm đem dâng cho mẹ ông. Mẹ ông tiếp được bình bát cơm, bèn dùng tay trái che bát, tay mặt bốc cơm. Cơm của bà bốc chưa vào đến miệng đã hóa thành than lửa, bà ăn không đặng. Ông Mục Liên kêu to, buồn rầu khóc lóc, vội vã trở về bạch với đức Phật, thuật đủ những việc như thế.
Đức Phật dạy rằng:
Tội căn(6) của mẹ ông gây kết sâu nặng, chẳng phải thần lực của một mình ông mà có thể làm cứu được. Dầu rằng ông có lòng hiếu thuận, tiếng tăm vang động cả trời đất, mà những vị thiên thần, địa kỳ, tà ma, ngoại đạo, đạo sĩ và bốn vị Thiên vương thần(7) cũng không thể làm thế nào cứu được. Cần phải nhờ đến sức oai thần của chúng Tăng ở mười phương, mẹ ông mới có thể giải thoát. Nay Ta sẽ nói phương pháp cứu tế, làm cho tất cả kẻ bị hoạn nạn như thế, đều được thoát khỏi những sự buồn khổ.
*
Đức Phật bảo ông Mục Liên:
Ngày rằm tháng Bảy là ngày Tự Tứ của chúng Tăng ở mười phương(8), đến ngày ấy người làm con phải nên vì cha mẹ trong bảy đời đã qua(9) và cha mẹ trong đời hiện tại đang bị khổn trong vòng ách nạn, mà sắm những giường trải nệm chiếu, những bồn chậu đựng nước rửa, hương dầu, đèn nến, năm thứ trái, cơm canh trăm thứ những đồ ăn ngon lành nhứt trên đời, đựng vào trong bồn cúng dường cho hàng Đại đức Tăng ở mười phương(10).
Đang trong ngày đó, tất cả Thánh chúng: hoặc những người tu thiền nhập định ở trong núi, hoặc những vị chứng được bốn đạo quả(11), hoặc những người đi kinh hành dưới cội cây hoặc những bực Thanh văn và Duyên giác(12) đủ sáu pháp thần thông tự tại giáo hóa, hoặc là hàng Thập địa Bồ tát Đại nhơn(13) quyền hiện làm Tỳ kheo(14)… đồng hội về ở trong Đại chúng đều đồng nhứt tâm lãnh thọ bát cơm, đạo đức của hàng Thánh chúng hoàn toàn giới hạnh thanh tịnh đó rất là rộng lớn.
Có người nào cúng dường cho hàng chúng Tăng Tự Tứ dường ấy, thì cha mẹ cùng lục thân(15) quyến thuộc trong đời hiện tại của người đó được ra khỏi chốn khổ tam đồ(16), liền giải thoát hưởng thọ những đồ mặc, món ăn tự nhiên. Như cha mẹ hiện đang còn sống, thời sống lâu trăm tuổi hưởng phước an vui. Còn cha mẹ trong bảy đời đã qua, đều được sanh lên cõi trời, hóa sanh tự tại vào trong cõi trời sáng đẹp.
*
Bấy giờ, đức Phật truyền chúng Tăng ở mười phương, trước phải vì người thí chủ mong chờ chú nguyện, cầu cho cha mẹ bảy đời, mà chuyên ý thiền định(17) rồi sau mới thọ thực.
Lúc ban đầu thọ thực, trước hết để món ăn nơi trước đức Phật, hay để trước tượng Phật trong chùa tháp, chúng Tăng đồng chú nguyện xong, rồi mới tự thọ thực.
Lúc đó, ông Mục Liên Tỳ kheo và hàng đại Bồ tát đều rất vui mừng, tiếng buồn rầu khóc lóc của ông Mục Liên liền nín lặng. Chính trong ngày đó, bà mẹ của ông Mục Liên được thoát khỏi một kiếp chịu khổ trong loài ngạ quỷ. Ông Mục Liên lại bạch với đức Phật rằng:
Sanh mẫu(18) của đệ tử nay do nhờ sức công đức của Tam Bảo và sức oai thần của chúng Tăng mà được khỏi khổ. Còn về đời vị lai, tất cả đệ tử của Phật cũng phải phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua, làm như thế được chăng?
*
Đức Phật nói:
Ông hỏi rất hay! Chính là Ta vừa muốn nói, mà ông nay hỏi liền.
Nầy thiện nam tử! Những người tu hạnh hiếu từ hoặc là Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, hoặc là quốc vương, thái tử, quan đại thần, tể tướng, tam công, trăm quan, muôn dân, kẻ thứ thấp hèn v.v… đến ngày rằm tháng Bảy, ngày đức Phật hoan hỷ, ngày chúng Tăng Tự tứ, đều nên trước vì cha mẹ hiện tại và cha mẹ trong bảy đời đã qua, mà sắm cơm và đồ ăn trăm vị thơm ngon để vào Bồn Vu Lan cúng dường cho chúng Tăng Tự tứ ở mười phương.
Cầu nguyện cho cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, không đau ốm, không tất cả hoạn nạn khổ não, nhẫn đến cầu nguyện cho cha mẹ trong bảy đời đã qua thoát khỏi chốn khổ ngạ quỷ, sanh vào trong loài người, hoặc cõi Trời hưởng phước vui vô cùng.
Là hàng đệ tử của Phật tu hạnh hiếu thuận, trong mỗi niệm phải thường nhớ tưởng cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời. Mỗi năm đến ngày Rằm tháng Bảy, do lòng hiếu thuận(19) thường nhớ tưởng đến cha mẹ đã sanh mình, vì cha mẹ sắm Bồn Vu Lan cúng dường đức Phật và chúng Tăng, để đền đáp công ơn từ ái nuôi nấng của cha mẹ. Nếu làm đệ tử của đức Phật, tất cả phải nên phụng trì phương pháp báo hiếu nầy.
Bấy giờ, ông Đại Mục Kiền Liên Tỳ kheo và bốn hàng đệ tử(20) đều vui mừng tuân theo thực hành.
(Kinh Vu Lan Bồn – Hết)
Thích nghĩa Kinh Vu Lan Bồn
[1] Phật tức là đức Thích Ca Mâu Ni Phật trong kinh nầy. Đức Phật vì ông Đại Mục Kiền Liên và mọi người mà chỉ dạy phụng Bồn Vu Lan để cứu độ cha mẹ hiện tại, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đã qua cùng cả lục thân quyến thuộc. Bồn là bồn, thau, tượng, chậu, đồ bằng sành, bằng thiếc, hoặc bằng thau, đồng v.v… để đựng chứa đồ ăn. Vu Lan là Phạm âm, Hán dịch là Giải đảo huyền, nghĩa đen: là tháo mở sự treo ngược. Sự treo ngược là ám chỉ cho tất cả sự thống khổ nặng nề. Đem bồn đựng đồ ăn cúng dường Phật và chúng Tăng, trong ngày rằm tháng bảy để cứu độ cha mẹ v.v… khỏi sự thống khổ nên gọi là Vu Lan Bồn.
[2] 1. Thiên nhãn thông: Thiên nhãn thấy xa đến cả thế giới, thấy rõ vật nhỏ như vi trùng v.v… thấy suốt thấu các chất ngại. 2. Thiên nhĩ thông: Thiên nhĩ nghe được xa và nghe được tiếng rất nhỏ, cùng tiếng nói của tất cả loài. 3. Túc mạng thông: Biết rõ những đời trước của mình và của người khác. 4. Tha tâm thông: Hiểu biết tâm niệm, tư tưởng của người khác. 5. Thần túc thông: Bay đi mau lẹ tự tại, ý muốn đến đó thời thân liền đến đó. 6. Lậu tận thông: Những phiền não loạn tưởng đã dứt sạch, thấy suốt đời vị lai.
[3] Đạo nhãn: chính là thiên nhãn thông. Do tu hành đạo hạnh thành tựu đạo quả mà có nên gọi là đạo nhãn.
Thích nghĩa Kinh Vu Lan Bồn
[4] Vong mẫu là người mẹ đã qua đời.
[5] Ngạ quỷ (quỷ đói). Loài nầy cả đời chịu khổ về đói khát. Không hề được uống, vì thấy nước thành máu mủ hay lửa hừng, nước dính vào miệng nó làm phỏng cả miệng lưỡi, mà cũng không hề được ăn, vì cuống họng nhỏ bằng cây kim, bụng lớn như trống, mà đồ ăn đến miệng lại biến thành than lửa, nên dầu có cũng không ăn được. Trên đây là nói về hạng vô tài ngạ quỷ, mẹ ông Mục Liên bị đọa sinh vào loài nầy. Ngoài ra còn hạng hữu tài ngạ quỷ, loài sau nầy có phần ít đói khát hơn. Trong kinh nói: Những người bị đọa vào ngạ quỷ vì gây nhiều tội ác mà tánh ích kỷ, bỏn sẻn, tham lam là phần chính.
[6] Tội căn: Cội gốc tội lỗi, đã kết thành quả báo xấu khó lay chuyển như cây có gốc rễ.
[7] Các vị thần trên cõi trời gọi là thiên thần, những vị thần ở mặt đất gọi là địa kỳ. Giữa chừng núi Tu Di bốn mặt có bốn cõi trời, mỗi cõi có một vị thiên vương cai quản gọi đó là Tứ Thiên Vương.
Thích nghĩa Kinh Vu Lan Bồn
[8] Chúng tăng là đoàn thể Tăng già từ bốn vị xuất gia trở lên y theo sáu pháp hòa hiệp mà trụ. Tự tứ là tha hồ, mặc tình, hứa cho không ngăn cấm. Sau ba tháng an cư (16/4- 15/7), thời tất cả chúng Tăng trong một đại giới đều câu hội lại rồi y theo luật pháp mà chỉ chỗ lỗi lầm lẫn nhau; Để cùng nhau sám hối, cốt ý để chứng tỏ sự thanh tịnh (nếu không phạm lỗi) hay làm cho thanh tịnh (nếu có phạm lỗi) trong toàn thể đại chúng và khỏi những điều nghi ngờ.
Trong khi đó ai ai cũng sẵn sàng bằng lòng cho người khác chỉ trích lỗi của mình đã phạm trong ba tháng hạ mà mình không tự biết; Và sẵn sàng vui lòng nhận lấy lỗi của mình, trực nhớ lại, hoặc lời chỉ trích hữu lý cùng có bằng cớ. Vì thế nên ngày rằm tháng bảy gọi là ngày Tăng tự tứ.
[9] Phật dạy mọi người chẳng phải chỉ có một đời hiện tại mà về quá khứ, đã thọ nhiều thân, trải qua nhiều đời sống, một lần sinh, một lần chết gọi là một đời, một đời sống thời có một đời cha mẹ, đã trải qua nhiều đời sống là đã có nhiều cha mẹ chớ chẳng phải nội bảy đời thôi, song trong kinh đây nói cha mẹ trong bảy đời đã qua, đó là vì ba lẽ: 1. Số bảy là con số của đức Phật thường dùng, vì nó có quan trọng đối với sự biểu pháp. 2. Ước lược mà nói. 3. Còn gần với hiện tại, dễ hiểu biết và có phần thân thiết hơn.
Thích nghĩa Kinh Vu Lan Bồn
[10] Cơm trăm vị là cơm rất thơm ngon đủ các mùi vị. Câu: Đem đủ cả những đồ ăn ngon lành có trên đời (tận thế cam mỹ) là ý nói hết sức lo sắm sửa, người giàu thời tột sức của phận giàu, người nghèo thời tận lực của phận nghèo. Năm thứ trái: 1. Loại trái có hột lớn, như: táo, xoài v.v… 2. Loại trái dầy cơm, như: dưa, hồng v.v… 3. Loại trái có vỏ cứng, như: lựu, măng v.v… 4. Loại trái mềm mại, như: nho v.v… 5. Loại trái có sừng khía, như: ấu v.v…
[11] Bốn đạo quả xem lời thích nghĩa ở sau Kinh Kim Cang.
[12] Bích chi Phật là Phạm âm, quả vị đồng với bậc A la hán (quả thứ tư trong hàng Thanh văn hoặc tiểu thừa) nhưng về công hạnh tu hành thời khác, có hai hạng: 1. Ra đời không gặp đức Phật mà cũng không gặp được Phật pháp, do căn lành đã vun trồng từ nhiều đời trước, xuất gia thấy cảnh sống chết của người vật, thấy cảnh tươi héo của cỏ hoa v.v… mà tự ngộ lý vô thường, vô ngã, chứng sanh không quả gọi là vị Độc giác. 2. Ra đời gặp Phật hay giáo pháp của đức Phật, y theo phép quán mười hai nhân duyên mà tu tập, đoạn hoặc chứng chân thành quả vô sanh gọi là vị Duyên giác.
Thích nghĩa Kinh Vu Lan Bồn
[13] Bồ tát là người phát đại tâm, tu hành đại thừa, chứng thành đại quả nên gọi là đại nhơn. Đức Phật là đấng đã chứng pháp tánh thân hoàn toàn; còn những bậc cũng chứng pháp tánh thân mà chưa được hoàn toàn thời có hàng Thập địa Bồ tát: 1. Hoan Hỷ địa 2. Ly Cấu địa 3. Phát Quang địa 4. Diệm Huệ địa 5. Nan Thắng địa 6. Hiện Tiền địa 7. Viễn Hành địa 8. Bất Động địa 9.Thiện Huệ địa 10. Pháp Vân địa
[14] Người xuất gia thọ 250 điều giới pháp Tỳ kheo thời gọi là thầy Tỳ kheo.
[15] Cha, mẹ, anh, em, chồng, vợ gọi là lục thân.
[16] Tam đồ: 1. Hỏa đồ, tức địa ngục, chốn lửa đốt cháy ngày đêm. 2. Đao đồ, tức là ngạ quỷ, thường dùng dao gậy chém đập nhau. 3. Huyết đồ, tức là súc sinh, thường bị cắt cổ mổ bụng máu chảy lai láng.
Thích nghĩa Kinh Vu Lan Bồn
[17] Chuyên ý thiền định là chú ý lặng lòng để tưởng niệm, khiến cho sự cầu nguyện được mau thành tựu.
[18] Sanh mẫu là mẹ đẻ, mẹ ruột.
[19] Câu: Do lòng hiếu từ là ý chỉ rõ rằng do lòng hiếu từ thiết tha nhớ tưởng đến cha mẹ mà làm lễ Vu Lan để cầu phước cho cha mẹ, chớ chẳng phải làm theo lệ lấy có, hay cầu tiếng khen v.v…
[20] Bốn hàng đệ tử: 1. Tỳ kheo: Xuất gia thọ 250 điều giới pháp. 2. Tỳ kheo ni: Xuất gia thọ 348 điều giới pháp. 3. Ưu bà tắc: Người nam tu tại gia quy y thọ năm điều giới pháp. 4. Ưu bà di: Người nữ tu tại gia quy y thọ năm điều giới pháp.
(Kinh Vu Lan Bồn – Hòa Thượng Trí Tịnh Dịch)
Tuệ Tâm 2021.
Hào viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Kính chào Thầy, Cô Tuệ Tâm,
Con có câu hỏi, kính mong Tuệ Tâm chỉ dạy ạ.
Trước đây, ngày rằm tháng 7 con chỉ soạn lễ vật thắp hương như mồng 1 đầu tháng: Hoa quả, cau trầu và lễ vật, con cũng không biết khấn sao cho đúng.
Kính nhờ Tuệ Tâm chỉ giúp con cùng mọi ngươit bài văn khấn và soạn lễ vật sao cho đúng, để hồi hướng công đức cho Cha, Mẹ được trọn vẹn với ạ.
Con xin cảm ơn!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn đã niệm Phật và hành trì theo thời khóa niệm Phật rồi thì không cần phải khấn vái gì cả đâu. Cứ thắp hương rồi trước tụng nghi thức, sau tùy thời gian mà ngồi niệm Phật. Kết thúc thời khóa đọc bài kệ là xong. Cha mẹ và con cái có sợi dây liên kết trong vô hình rất mạnh, bạn chí tâm hành trì họ cũng được phước báu lớn lao, nếu có gặp nạn cũng được Tam Bảo âm thầm che chở mà thôi.