Cách Tu Tịnh Độ, đặc biệt với pháp Trì Danh, là đường lối dễ tu, điều này ai cũng có thể biết. Nhưng “dễ tu” lại có nhiều nghĩa, việc này vị tất mọi người đã am tường.
Tổ Ấn Quang bảo: “Thời Mạt pháp đời nay, chúng sanh Nghiệp nặng tâm tạp, nếu ngoài pháp môn Niệm Phật mà tu các pháp khác. Xét về gieo căn lành Phước trí thì có, còn xét về mặt thoát ly Sanh tử thì không”
- Niệm Phật như thế nào để chắc chắn vãng sanh.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Tự lực và Tha lực niệm Phật.
- Niệm Phật Tam Muội là gì.
- Sự hiểu lầm tai hại về Nhất tâm bất loạn.
- Bản nguyện niệm Phật – Trọng yếu đường tu thời mạt Pháp.

Bởi tu các pháp môn khác, nếu từ Giáo mà đi vào, thì kinh điển mênh mang, nghĩa lý vô cùng sâu sắc. Trước tiên người học Phật phải lãnh hội nghĩa căn bản, rồi từ đó lần lượt ngộ giải những nghĩa sai biệt. Sau đó lại phải dung thông các đạo lý, rút lấy chỗ tinh hoa, và chọn lựa vạch mở đường lối tu tập để trọn đời noi theo. Sự kiện này nếu chẳng phí vài mươi năm công phu khổ nhọc, tất không thể hoàn thành.
Tu Tịnh Độ tại gia: Pháp môn dễ hành trì
Nếu từ Luật mà đi vào, thì phải xuất gia. Mà giới tướng rộng nhiều, hành giả cần phải rành rẽ về danh, chủng, tánh, tướng của các loại giới pháp. Lại phải có trí huệ để thông hiểu thế nào là nghĩa cùng ngữ, để áp dụng các điểm khai giá, trì, phạm tùy theo xứ sở thời cơ. Cho nên học kinh chưa phải là khó, học luật mà biết quyền biến khéo léo để không rời luật cũng không bị luật buộc ràng mới là khó. Hiểu rành xong về luật, lại phải có tinh thần nhẫn nại, có nghị lực chịu kham khổ, mới đi đến chỗ thành công.
Nếu từ Thiền mà đi vào, như túc huệ chưa gieo, căn khí chẳng hợp. Muốn đem cơ yếu kém để mong cầu pháp cao mầu, tất sự chia ánh sáng truyền đăng cũng tuyệt phần hy vọng. Cho nên ông Tạ Linh Vận, một danh sĩ học Phật khi xưa đã bảo: “Tu Thiền để thành Phật, phải là hàng huệ nghiệp văn nhơn.” Lời này vẫn không phải sai lầm hoặc quá đáng.
Riêng về pháp Trì Danh của môn Tịnh Độ. Khi đã phát lòng tín nguyện, dù căn cơ nào cũng có thể niệm Phật tu hành. Lại các pháp môn khác duy cậy nhờ tự lực, môn Tịnh Độ đã dùng hết tự lực, còn được thêm phần tha lực. Sức tha lực tức nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà vô cùng lớn mạnh; Dù người chưa sạch nghiệp hoặc, cho đến kẻ tạo nghiệp ác quá nặng biết hồi tâm niệm Phật, cũng được đón rước về Tây Phương.
*
Cổ nhơn đã từng so sánh: “Tu các môn khác khó khăn vất vả như con kiến bò lên non cao. Niệm Phật vãng sanh mau chóng dễ dàng như đi thuyền theo nước xuôi gió thuận.” Lời này thật rất xác đáng. Hơn nữa, khi sanh về Cực Lạc rồi, sống trong cảnh đẹp mầu an thuận, thường gần gũi với Phật Bồ Tát. Dù tu pháp môn nào cũng đều mau thành tựu. Như lăn khúc gỗ tròn từ trên non cao xuống, thế vẫn tiến mãi không tạm dừng.
Tóm lược qua các điều trên, sự dễ tu của môn Tịnh Độ gồm có ba điểm: Một là dễ thật hành, hai là dễ vãng sanh, ba là dễ thành Phật. Do sự dễ dàng đó mà kết quả tu chứng xưa nay về môn Tịnh Độ như ngọc chạm vàng khua tiếng vang thảnh thót; Sen cười cúc mỉm mấy phẩm tươi thơm.
Trong ấy lịch trình từ phàm phu cho đến khi thành Phật cũng có giai cấp mà cũng không giai cấp. Vì khi được vãng sanh tức đã thoát khỏi sống chết luân hồi, và niệm Phật tức là thành Phật. Như con tằm, nhộng, và bướm vẫn không thể chia phân. Nói bướm nguyên là tằm, hay tằm là bướm cũng chẳng xa chi mấy.(Niệm Phật Thập Yếu)
Hướng Dẫn Tu Tịnh Độ
1. Tổng quan về các Pháp Tu Tịnh Độ
Tu pháp Tịnh Độ tối thiểu cũng có năm cách:
- Một là, tụng đọc ba bộ Kinh, một bộ Luận căn bản của Tịnh Độ.
- Hai là quán sát Chánh báo, Y báo cõi Cực lạc.
- Ba là chỉ lễ bái đức Phật A Di Đà.
- Bốn là, chỉ tán thán, cúng dường đức Phật A Di Đà.
- Năm là, tinh chuyên xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà.
Bốn cách tu đầu gọi là Trợ nghiệp, tức cách tu trợ duyên, chứ không phải chủ yếu để được vãng sanh. Cách tu thứ năm là Chánh nghiệp, tức cách tu chân chánh để được vãng sanh. Xưng niệm danh hiệu Phật, chính là Tôn chỉ của tông Tịnh Độ.
Hòa thượng Thiện Đạo, chính là hóa thân của đức Phật A Di Đà đã xác minh nhất định rằng: “Chuyên tu chuyên niệm mười người tu vãng sanh cả mười; Tạp tu, Tạp hạnh, ngàn người tu không có một người giải thoát”. Thời cận đại, Tổ Ấn Quang tán thán cực độ câu xác minh này. Ngài bảo: “Đây là lời chân thật quý giá hơn vàng ngọc, sẽ hiện hữu hàng ngàn năm không thể đổi thay”.
Thời mạt pháp này nếu không tuân theo lời răn bảo của Hòa thượng Thiện Đạo. Không Thuần nhất nương vào Bản Nguyện đức Phật A Di Đà; Không thuần nhất xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, thì vấn đề vãng sanh Cực lạc sẽ giống như bọt nước, ảnh tượng.
2. Chỉ nên chọn pháp Trì Danh
Tổ Ngẫu Ích nói: “Được vãng sanh hay không, hoàn toàn do tín nguyện có hay không? Phẩm vị cao hay thấp hoàn toàn do trì danh sâu hay cạn”. Theo đây thì biết, được vãng sanh Cực Lạc thì tín nguyện quan trọng bậc nhất!
Lại Kinh Niệm Phật Ba La Mật, đức Phật dạy:
“Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào có đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi. Thì hiện tiền chiêu cảm được Y Báo và Chánh Báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc.
Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau. Lập tức vào Phổ Đẳng Tam Muội của Đức Phật A Di Đà. Được Phật tiếp dẫn về Tịnh Độ Tây Phương, vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn sanh tử luân hồi…Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển. Từ lúc ấy nhẫn về sau, vượt qua Thập Địa, chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”
3. Chỉ niệm Nam mô A Di Đà Phật, không tạp tu
Kinh Niệm Phật Ba La Mật, đức Phật dạy: “Danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật chính là Pháp Thân Viên Mãn Chu Biến Nhất Thiết Xứ, là Phật Tánh Thậm Thâm. Có đầy đủ mọi năng lực vô úy bất tư nghị. Có đầy đủ diệu dụng vô ngại bất tư nghị. Là cứu cánh siêu việt tối thượng, có đầy đủ năng lực bất khả thuyết, bất khả xưng tán, để chuyển hóa vô minh thành giác ngộ, sinh tử thành niết bàn. Là phương tiện vi diệu bậc nhất, thường cải biến hết thảy sở y và sở hành của mọi chúng sinh. Đưa tất cả tướng trạng hữu lậu, trói buộc trở về với bản tánh vô lậu giải thoát.
Ngài lại dạy: “Muốn vãng sinh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm Danh Hiệu Phật là đủ. Vì Danh Hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân. Cho nên Niệm Danh Hiệu tức là Niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi Danh Hiệu Nam Mô A Di Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng, vô biên công đức. Vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực… không thể nghĩ bàn.”
4. Niệm Phật như thế nào
Từ ngày phát tâm niệm Phật cho đến lúc vãng sanh, chỉ niệm một câu sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật. Không kiêm thêm thì chú hay tụng kinh, thì gọi là Chánh Hạnh Niệm Phật. Người chuyên tu niệm Phật thế này không ai chẳng được vãng sanh! Đây cũng gọi là Bản Nguyện Niệm Phật. Cách niệm Phật thế nào?
Chỉ niệm sáu chữ Hồng danh Nam mô A Di Đà Phật:
- Bất kỳ lúc nào trong ngày nhớ ra thì niệm Phật. Khi đi đường, khi làm việc, khi uống ăn, khi đi chơi…lúc nào cũng niệm được, không phải kiêng kỵ gì.
- Khi bên cạnh có người, hoặc ở nơi bất tịnh như nhà cầu, nằm ngủ, chỉ niệm thầm trong tâm. Khi không phiền đến ai thì niệm thành tiếng. Công đức đều như nhau, không có sai khác.
Chuyên tu Tịnh Độ, khi niệm Phật cần xả bỏ hết mọi bám chấp:
Người nào thường xuyên xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật chính là niệm Phật đúng Bản nguyện, điều này gọi là Chất phác Niệm Phật. Hạnh tu Niệm Phật không kể căn cơ thanh tịnh hay ô uế; Không kể tội nặng hay nhẹ, phú quý hay hèn hạ, Trí tuệ hay ngu si; Chỉ cần xưng niệm danh hiệu đức Phật đều là hạnh tu để được vãng sanh!
Thuần nhất xưng niệm danh hiệu Ngài nhằm xả bỏ những quán niệm vọng động của tâm, nghĩa là:
- Xả bỏ những tư duy về thiện – ác, tịnh – uế.
- Xả bỏ những chấp trước về tin- nghi, mê – ngộ.
- Xả bỏ các sự phân biệt Tăng – tục, trí – ngu.
*
Tất cả những quán niệm của tâm đều xả bỏ, chỉ duy nhất trú tâm vào một câu Nam mô A Di Đà Phật. Điều này có nghĩa là:
- Khi cảm ân hoan hỷ cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi xót thương bản thân, không cảm ân, không hoan hỷ cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi tàm quý sám hối cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi rất xấu hổ cho bản thân, không tàm quý, không sám hối cũng Nam mô A Di Đà Phật.
- Khi tâm thanh tịnh cũng Nam mô A Di Đà Phật, khi tâm tán loạn cũng Nam mô A Di Đà Phật.
Không kể thiện – ác, tội – phước; Không kể trí – ngu, mê – ngộ; Không kể tịnh – uế, tin – nghi; Không kể thời gian, nơi chốn, mọi công việc; Không kể mười phương, ba đời, thanh thoát tự tại, tánh linh sáng suốt để mà xưng niệm danh hiệu. Đây gọi là là Pháp niệm Phật chắc chắn được vãng sanh!
Tu Tịnh Độ nên tụng kinh gì
Tu Tịnh Độ lấy niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật làm yếu chỉ tu hành. Chỉ cần bạn thuần nhất chuyên xưng, không tu tạp là chắc chắn vãng sanh. Do đó bạn không cần thiết phải “tụng” kinh làm gì. Bởi thêm tụng kinh nghĩa là đã tạp tu rồi.
Tuy vậy bạn cũng nên “đọc” các kinh Tịnh Độ như: Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ, Kinh Quán Vô Lượng Thọ. Ngoài ra cũng nên đọc thêm các kinh như: Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Địa Tạng, Kinh Niệm Phật Ba La Mật.
Nhớ rằng: Bạn “đọc” chớ không phải là “tụng” đâu nhé.
Câu hỏi là tại sao lại cần đọc kinh? Chư Tổ dạy rằng đọc kinh tăng trưởng trí huệ. Lại nữa, nếu chẳng đọc các kinh Tịnh Độ ở trên, làm sao bạn biết được cõi Cực Lạc trang nghiêm thanh tịnh như thế nào? Nếu chẳng đọc kinh Địa Tạng, làm sao biết được cách cảnh giới và nhân quả tội phước? Nếu chẳng đọc kinh Lăng Nghiêm, một mai tâm địa rỗng rang, ma cảnh hiện tiền. Nếu chẳng biết Ngũ Ấm Ma là gì tất dễ bị lạc vào ma cảnh hoặc bị ngoại Ma ám phá?
Hướng Dẫn Cách Tu Tịnh Độ Tại Gia: Lời Kết
Hòa Thượng Thiện Đạo, hóa Thân của Phật A Di Đà dạy:” Niệm Phật chuyên tu theo đúng chánh hạnh này, vạn người tu vạn người được vãng sanh”.
Tổ Ấn Quang cũng bảo: “Nếu niệm Phật như thế mà chẳng được vãng sanh; Thì mười phương ba đời chư Phật đều mắc tội vọng ngữ”.
Một bậc Chân tu tại Việt Nam ta cũng từng bảo: “Nếu các vị từ nay cho đến hết đời chỉ niệm Phật theo cách này mà chẳng được vãng sanh, tôi nguyện đọa Địa Ngục thay cho quý vị!”
“Thời mạt pháp người niệm Phật nhiều mà người được vãng sanh ít là bởi tạp tu. Lại người niệm Phật chẳng cầu vãng sanh, chỉ cầu nhất tâm nên lạc vào Tự Lực Niệm Phật. Mà tự lực niệm Phật thì vạn người tu chỉ một hai người vãng sanh là cùng!” Người Tu Tịnh Độ cầu giải thoát sanh tử ngàn lần xin lưu ý!!!
File niệm Phật dành cho người chuyên tu niệm theo
Bạn đọc thân mến!
Nếu bạn niệm Phật hằng ngày, hãy sử dụng file niệm Phật được chúng tôi chia sẻ dưới đây. Đây là file niệm Phật mà chúng tôi sử dụng để niệm theo hằng ngày. Niệm theo rất dễ, nhiếp tâm cũng rất dễ. Chỉ cần kiên trì niệm theo một thời gian, bạn sẽ cảm được lực gia trì của Tam Bảo, khiến tâm được nhẹ nhàng, an tịnh. Duy chỉ có điều, trường năng lượng của file này rất mạnh, nếu người không đủ nhân duyên Tịnh Độ sẽ không thể nào chịu nổi…
Trong file là Sư Thầy niệm cùng đại chúng. Bạn chỉ cần niệm theo giọng đại chúng(giọng nữ) là được.
Mong bạn tin tấn trì niệm hằng ngày. Nam mô A Di Đà Phật!
**
(Hướng dẫn cách tu Tịnh Độ tại gia – Theo Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh)
Tuệ Tâm 2021.
Thanh Huyền viết
Con kính chào thầy ạ! Mong hữu duyên được thầy trả lời ạ!
1/ Con mới bước đầu tu tập, con có chép xong được 1 quyển vở 200 trang Chú Đại Bi 108 biến, hiện tại con đang để ở phòng thờ gia đình. Và con đang chép đến quyển thứ 2. Chép xong con hay đọc lại, mỗi ngày ít nhất 5 biến từ vở chép của mình.
Chú Đại Bi nhiệm màu là pháp con được biết đến đầu tiên. Chỉ sau khoảng hơn 1 tháng đọc Chú Đại Bi, con đã được thấy Phật pháp thật kì diệu ạ!
2/ Con cũng được gieo duyên chép Kinh Pháp Hoa để gửi lên chùa cúng dường, con đã chép xong 7 quyển của Kinh, vì còn thừa trang vở nên con đang chép Nam Mô Pháp Hoa Đại Hội Thượng Phật Bồ Tát để hoàn thiện
—-> con rất trân quý những quyển vở chép của con ạ. Nhưng giờ khi biết đến các hướng dẫn của thầy trên web, con cũng sợ có đôi lúc con có tâm chép chú, chép Kinh nhưng vẫn phạm phải lỗi khinh nhờn, vậy
con có nên tiếp tục hoàn thiện vở chép Kinh Pháp Hoa để gửi lên chùa k ạ? Con có được tiếp tục giữ vở chép tay Chú Đại Bi ở phòng thờ không ạ?
3/ Vì chưa thỉnh được sách Kinh nên con hay đọc Kinh Địa Tạng, Kinh Trường Thọ và Kinh Dược Sư trên web của thầy. Con chỉ đọc như đọc sách thôi ạ! Và con đã có ý định chép ra vở để có thể dễ đọc cho lần tiếp sau hơn và cũng có thể hiểu rõ hơn nghĩa của từng câu từng chữ. Giờ con có thể chép hoàn thiện nốt để giữ đọc được không ạ? Vì con cứ có thời gian rảnh rỗi là con ngồi chép ạ.
4/ Ngoài ra con có bật Kinh Địa Tạng, Kinh Trường Thọ, Chú Đại Bi, Chú Vãng Sanh với âm lượng rất nhỏ, vì được hướng dẫn như vậy âm khí xung quanh nơi mình ở sẽ tốt hơn.
5/ Khi đi đường con rất hay đọc các bài chú con thuộc: Chú Đại Bi, Chú Vãng Sanh, Phật Mẫu Chuẩn Đề Thần Chú. Như vậy con có phạm tội khinh nhờn không ạ?
Con cảm ơn thầy đã đọc ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
1. Về chú Đại Bi. Bạn chép xong thì để ở nơi cao ráo sạch sẽ, tốt nhất là nên kiếm 1 chiếc hộp rồi cất riêng vào. Bạn nhanh được cảm ứng là do túc nghiệp sâu dày, trong nhiều kiếp đã từng biết đến chú đại bi. Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng: Những gì cảm ứng đều là cảnh giới, qua rồi thì thôi, chớ bám chấp mà sanh ra chướng ngại trên đường tu tập. Và nhớ chép bản chú đầy đủ nhé, hiện các bản lưu truyền trên thế gian phần lớn đều thiếu 5 chữ Na Ma Bà Tát Đa ở câu thứ 16.
2. Nay bạn biết về lỗi khinh nhờn rồi thì gắng giữ như pháp mà chép cho hết rồi gửi lên Chùa là được. Những lỗi trước đây do không biết thì phát nguyện sám hối là được, không có gì phải lo lắng cả. Người chép kinh ngày nay phần lớn đều chép không đúng pháp, cái lỗi khinh nhờn ấy không nhỏ tẹo nào đâu! Vở chép chú cứ để ở nhà, nếu có chỗ trang nghiêm sạch sẽ. Còn như không có chỗ trang nghiêm thì nên gửi lên Chùa.
3. Bạn đọc là tốt rồi, tụng kinh khó lắm, không dễ tẹo nào đâu. Nếu đã chép dở thì nên chép cho trọn vẹn, sau đó thì thôi, đừng chép kinh nữa, để thời gian mà niệm Phật tốt hơn nhiều. Các bản kinh trên web đều được Tuệ Tâm và bạn đọc kiểm tra từng chữ, nội dung không một chút sai lệch. Tuy đọc hơi mỏi mắt, nhưng lợi lạc vô cùng. Các bản in ngày nay do biên tập cẩu thả nên thi thoảng vẫn có lỗi chính tả.
4. Bật kinh chú cúng dường chúng sanh rất tốt, nên làm.
5. Không phạm lỗi gì cả, nhưng mà bạn tu tạp nhạp quá. Có vẻ như bạn học Phật đang cầu phước chứ chưa phải cầu giải thoát. Chỉ nên chuyên tu 1 pháp thôi, đi đường nên niệm Phật là an ổn nhất.
Niệm Phật đi viết
Em có câu hỏi rất muốn hỏi là sao lúc Chư Phật tới tiếp dẫn sao không hiện thân ra cho đại chúng thấy ạ, để họ có tín tâm ạ!Em thấy câu này trên mạng, cũng không biết giải thích thế nào! Họ còn nói sao người ở thế giới cực lạc không dùng thân kim sắc tử na của mình đến đây để họ phát khởi tín tâm ạ! Và sao để biết đó là hoá thân của Đức Phật hay Bồ Tát ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Chư Phật ở trong Diệu Giác, chúng sanh bọn ta ở trong Trần Lao. Ta bị lớp nghiệp chướng sâu dày như Đại Dương che mờ chân tánh, cho nên các Ngài dù có hiện thân ngay trước mắt cũng không cách chi nhìn thấy được.
Pháp Tịnh Độ khó tin khó nhận, ta gieo duyên ai tin nhận thì tốt, ai không tin nhận thì thôi. Đó là phước nghiệp của họ, đừng quan tâm đến làm gì cho nhọc công tốn sức, lại rước thêm phiền não vào thân!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Bài viết quá hay
Cảm ân thầy rất nhiều
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Mạnh Cường viết
Kính thưa quý thầy ạ ! Con mong có một số vấn đề mong quý thầy giúp con giải đáp thắc mắc
1. Con có chép kinh nhưng có một thời gian do công việc bận quá lúc về nhà thì đã muộn và mệt có gián đoạn công việc chép kinh một hai hôm việc đó có gây nên tội khinh nhờn không ạ và con phải sám hối như thế nào ạ.
2. Con muốn hồi hướng công đức niệm phật cho cha con và con muốn hồi hướng cho mẹ con đã khuất thì có được không và nên hồi hướng như thế nào cho đúng ạ
Con cảm ơn quý thầy đã đọc câu hỏi của con ạ