Bản Nguyện của Đức Phật A Di Đà là dùng Danh Hiệu của Ngài để cứu độ tất cả chúng sanh. Đây gọi là Bản nguyện niệm Phật! Có thể khẳng định rằng: Nếu không có Bản nguyện niệm Phật, chúng sanh thởi mạt pháp vô phương thoát khỏi sanh tử luân hồi!
- Chuyện Nhân quả báo ứng có thật
- Tự lực và Tha lực niệm Phật.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Hội Long Hoa là gì.
- Thiện Đạo Đại Sư.
- Chuyện Tâm linh có thật ở Việt Nam.
- Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân.
- Bản nguyện niệm Phật
Nói như vậy không phải Tuệ Tâm tôi phân biệt hơn kém giữa các pháp. Nhưng xét trong thời thế hiện nay, người thực tu rất ít, kẻ giả tu lại nhiều. Đa phần mới chỉ mon men phía ngoài, hiếm có kẻ thực trên đường đạo. Nội việc giữ năm giới cơ bản một cách tinh nghiêm, ở dạng thô nhất thôi, đã chẳng có mấy người. Việc giữ giới ở mức tế, hoặc vi tế bàn đến làm chi nữa!!!
Mà tu học, nếu giới hạnh chẳng tinh nghiêm thì Thiền làm sao, Mật làm sao? Giới không tinh nghiêm thì nội Cảnh giới còn xa mới gặp, nói chi đến Ngũ Ấm Ma với rỗng rang thành đạo?
Nơi Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn huyền ký:” Trong thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo. Chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi.” Thời ngũ trược ác thế, chúng sanh nghiệp nặng tâm tạp, lại chẳng có Thiện Tri Thức để tựa nương. Không nương nơi Bản nguyện niệm Phật của đức A Di Đà, tất vĩnh kiếp trôi lăn trong sinh tử!
Bản Nguyện Niệm Phật
Bản Nguyện của Đức Phật A Di Đà là dùng Danh Hiệu của Ngài để cứu độ tất cả chúng sanh. Bởi không rõ lý nầy, người ta thường cho niệm Phật là dành cho hạng hạ căn thấp kém. Còn hàng thượng căn phải tu các pháp như: Thật Tướng niệm Phật, Quán Tưởng, Quán Tượng niệm Phật, v.v…
Lầm lẫn nguy hại nhất hiện nay là người niệm Phật thì phần đông dùng tự lực: Cầu niệm Phật nhất tâm để vãng sanh. Bởi thế, chư Tổ thường than: “Đường Tây Phương thoáng rộng chẳng có người, đường Địa ngục chật hẹp lại hùa nhau chen chúc. Chỉ dùng tự lực niệm Phật, tất đường tu nhọc nhằn vất vả. Lại chẳng nắm chắc là mình có được vãng sinh hay không. Tâm nghi sanh khởi nên vô phương vãng sanh Tịnh Độ.
Tha lực niệm Phật, Dị hành đạo và Nan hành đạo
Bản Nguyện niệm Phật dùng ” Tha lực niệm Phật” làm cốt yếu tu hành. Nhận thức này khiến niệm Phật trở thành niềm vui không ngằn mé. Bởi hành giả nắm chắc chắn rằng: “Bình sanh nghiệp thành”. Nghĩa là khi bạn niệm Phật, việc vãng sinh Cực Lạc đã chắc chắn rồi, không cần đợi đến lúc lâm chung! Do đó mà an nhiên niệm Phật, không nghi, không cầu, chắc chắn được vãng sanh!
Nan hành đạo, tức là Thánh Đạo Môn. Dị hành đạo tức Tịnh Độ Môn. Thánh Đạo môn tuy thâm diệu, nhưng thời điểm và căn cơ không còn tương ứng. Tịnh Độ Môn tuy bình dân, nhưng thời điểm và căn cơ đã chín muồi. Bởi thế nên nơi Kinh Đại Tập, đức Thế Tôn huyền ký:” Trong thời mạt pháp, ức ức người tu hành, ít có kẻ nào đắc đạo. Chỉ nương theo pháp môn niệm Phật mà thoát khỏi luân hồi.
Điểm cốt lõi của Bản Nguyện niệm Phật
Chẳng luận có tội hay vô tội, chẳng kể là trì giới hay phá giới. Chẳng luận là nghèo hèn hay giầu sang, thông minh hay ngu muội…Hàng phú quý, hạng bần cùng, người tham lam, kẻ tánh nóng. Hàng có từ bi, hạng không có từ bi… hễ phát tâm niệm Phật, chắc chắn được vãng sanh. Vì sao? Vì thuận với Bản Nguyện niệm Phật.
Niệm Phật là hạnh tương ưng với Bản Nguyện của Đức Phật A Di Đà, nên mười phương hằng sa chư Phật đều chứng minh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ chép rằng: “Quang minh soi chiếu khắp mười phương thế giới, thâu nhiếp không rời các chúng sinh niệm Phật ”. Quang minh của Đức A Di Đà chỉ soi chiếu người niệm Phật, chẳng soi chiếu người tu các hạnh khác. Bởi thế người cầu sinh sang cõi Cực Lạc phải biết Niệm Phật là trọng yếu.
Niệm Phật không có hình thức. Ngoài việc xưng Danh hiệu, không có hình thức gì cả. Chỉ cần biết rằng: “Hễ xưng Danh hiệu Đức Phật A Di Đà thì được sinh sang cõi Cực Lạc ”. Niệm Phật thì đến lúc lâm chung nhất định Phật lai nghinh. Vì sao thế? Vì “Bổn Nguyện của Đức A Di Đà chẳng hư dối, hễ xưng niệm danh hiệu của Ngài thì nhất định được vãng sinh”. Ngoài ra không cần nghĩ gì khác.
Pháp nhiên Thượng Nhân luận về Bản nguyện
Pháp Nhiên Thượng Nhân từ nơi Tổ Thiện Đạo mà truyền thừa Tông Tịnh Độ. Bản nguyện niêm Phật của Ngài là con đường duy nhất có thể liễu thoát sinh tử trong một đời.
Có người hỏi: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật hơn kém ra sao?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Người xuất gia niệm Phật với người tại gia niệm Phật công đức bằng nhau không có hơn kém.
Hỏi: Chỗ này quả thật tôi không hiểu. Vì sao người xuất gia không gần đàn bà, ăn chay trường mà niệm Phật, do đó rất đáng quý. Người tại gia thường hay nghĩ đến sắc dục, ăn thịt uống rượu mà niệm Phật, hẳn nhiên là thấp kém. Làm sao mà bằng nhau được?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Công đức bằng nhau không có hơn kém. Vì sao vậy? Người không biết Bản nguyện niệm Phật của đức A Di Đà nên mới có nghi vấn này!
Tán tâm niệm Phật và Tịnh tâm niệm Phật
Hỏi: Niệm Phật khi tâm thanh tịnh với niệm Phật khi tâm động hơn kém ra sao?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Công Đức bằng nhau, không có gì sai khác!
Hỏi: Tôi tuy niệm Phật mà tâm cứ tán loạn không biết làm sao đây?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Chuyện đó thì Pháp Nhiên nầy cũng làm không nổi! Tâm của hạng phàm phu làm sao mà không tán loạn được. Cũng chính vì thế mới gọi là Pháp Môn Dễ Tu. Đã sinh làm người trong “cõi dục giới tán địa” nầy thì tâm ai cũng tán loạn cả. Nếu bảo rằng phải bỏ cái tâm tán loạn mới vãng sinh được thì thật là vô lý. Tán tâm niệm Phật mà được vãng sinh, đó là chỗ kỳ đặc của Bản nguyện niệm Phật vậy.
Tâm vọng niệm vẫn được vãng sanh
Trong khi niệm Phật mà tâm vọng động là thông bệnh của tất cả hạng phàm phu. Nhưng hễ nguyện vãng sinh mà Niệm Phật thì tuyệt đối không chướng ngại. Ví như chỗ thâm tình của cha con, dù có bất hòa đôi chút, thì chỗ thâm tình đó vẫn không thay đổin. Không cần để ý đến vọng niệm, tán loạn… mà chỉ chuyên cần xưng Danh hiệu. Nếu thường xưng Danh hiệu thì do công đức của Phật Danh, vọng niệm tự dừng, tán loạn tự yên, tam nghiệp (thân, khẩu, ý) tự điều hòa, nguyện tâm tự phát. Bởi thế:
Khi nguyện tâm còn yếu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tâm tán loạn nhiều, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi vọng niệm sinh khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thiện tâm phát sinh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi bất tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi thanh tịnh, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm còn thiếu kém, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm hiện khởi, cũng Nam Mô A Di Đà Phật.
Khi tam tâm thành tựu, cũng Nam Mô A Di Đà Phật ”.
Đây là phương tiện để chắc chắn được vãng sinh, xin ghi khắc vào tâm can chớ quên!
Con đường để ra khỏi sinh tử tuy chẳng giống nhau, nhưng trong thời mạt pháp thì Xưng Danh Đức Phật A Di Đà là hơn cả. Hạng tội chướng nặng nề ngu si ám độn đi nữa, nếu chịu trì Danh thì sẽ được vãng sinh. Lỡ phạm tội chướng nặng nề cũng mặc kệ, vì ngũ nghịch, thập ác cũng được vãng sinh. Dù mười niệm hay một niệm đi nữa, hễ chí tâm thì Phật lai nghinh.
Bản nguyện niệm Phật là vua trong các pháp
Chẳng kể là phá giới hay giữ giới, giàu hay nghèo, căn cơ cao hay thấp. Hễ xưng niệm Danh hiệu Ngài thì như gạch ngói biến thành vàng ròng. Ngài nhất định lai nghinh. Đó là thệ nguyện của Đức Phật A Di Đà.
Hỏi: Niệm Phật mà không phát bồ đề tâm thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không giữ giới thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà không có trí tuệ thì làm sao được vãng sinh? Niệm Phật mà vọng niệm không ngừng thì làm sao được vãng sinh?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Hỏi như vậy là vì không biết và hiểu kinh Vô Lượng Thọ. Phật có đại nguyện tiếp dẫn, chúng ta có lòng muốn sinh sang đó, làm sao mà chẳng toại nguyện? Nếu đi bằng thuyền thì người sáng mắt hay kẻ đui mù đều có thể đến bờ bên kia. Tuy có con mắt trí tuệ mà không niệm Phật thì không phù hợp với Nguyện Lực. Tuy ngu si ám độn mà có thể niệm Phật, nương vào Nguyện Lực của Phật, vẫn chắc chắn vãng sinh.
Phá chấp
Không để ý đến thiện ác của bản thân, chỉ một lòng cầu vãng sinh mà Niệm Phật. Đó gọi là Tha Lực Niệm Phật. Cho rằng bản thân bị tội chướng khó được vãng sinh là điều sai lầm rất lớn.
Chẳng cần để ý là tâm mình thiện hay ác, tội chướng nặng hay nhẹ. Chỉ nên dùng miệng xưng Nam Mô A Di Đà Phật và phát khởi cái tâm quyết định! Nương Bản Nguyện Niệm Phật chắc chắn vãng sinh!!!
Thâm tâm tức là cái tâm tin sâu. Tin sâu điều gì? Tin rằng: Hạng phàm phu phiền não sâu dày, nghiệp chướng nặng nề, thiện căn thiếu kém. Nhờ tin vào Nguyện Lực Đại Bi của Đức Phật A Di Đà, rồi chấp trì danh hiệu. Hoặc 100 năm, hoặc 45 năm, 20 năm, 10 năm, cho đến một hai năm. Từ khi phát tâm cho đến lúc lâm chung không thối chuyển. Hoặc 7 ngày, hoặc 1 ngày, cho đến 10 niệm, 1 niệm. Dù nhiều hay ít, người xưng danh Niệm Phật chắc chắn được vãng sinh.
Tóm lại, đối với chuyện vãng sinh mà không nghi ngờ thì gọi là “Thâm Tâm”.
Vãng sanh rất dễ
Bản Nguyện của Đức Phật A Di Đà là thệ nguyện dùng Danh Hiệu của Ngài để tiếp chúng sanh tội chướng. Do đó, người niệm Phật thì sẽ được lai nghinh. Đạo lý này tuyệt đối không thể nghi ngờ.
Hỏi: Chỉ xưng Danh một niệm mà có thể diệt được trọng tội ngũ nghịch, thập ác ư?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Đừng nghi!
Khi tạo ngũ nghịch mà được nghe Danh Hiệu của Đức Phật A Di Đà thì cảnh địa ngục tự nhiên biến mất, liên đài hiện đến lai nghinh. Người tội chướng nặng nề không có phương tiện gì khác để giải thoát, do xưng Danh Hiệu được vãng sinh Cực Lạc. Đó là nhờ vào Nguyện Lực của Đức Phật A Di Đà.
Chánh niệm lúc lâm chung
Hỏi: Niệm Phật lúc lâm chung với Niệm Phật lúc bình thường, bên nào thù thắng hơn?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Giống nhau!
Người Niệm Phật cầu vãng sinh, không nghi Bản Nguyện niệm Phật, thì khi lâm chung không bị điên đảo. Sở dĩ được như vậy là nhờ Phật lai nghinh. Phật lai nghinh là để người tu Niệm Phật lúc lâm chung được chánh niệm, chứ không phải lúc lâm chung cần phải chánh niệm thì Phật mới lai nghinh.
Người không biết nghĩa nầy đều cho rằng lúc lâm chung cần phải chân chánh niệm Phật, Phật mới lai nghinh. Kiến giải như vậy là không tin vào Phật Nguyện và cũng không hiểu kinh văn nữa.
Vì người chết mà niệm Phật hồi hướng thì Phật A Di Đà phóng quang minh soi chiếu địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Kẻ bị chìm trong ba đường dữ mà chịu khổ thì hết khổ. Người chết sau khi lâm chung được giải thoát.
Niệm Phật diệt tội
Tuy biết rằng: “Dù tội ngũ nghịch cũng không chướng ngại vãng sinh” nhưng phải cẩn thận ngay cả tội nhỏ cũng chớ phạm. Tuy biết rằng “một niệm cũng đủ” nhưng gắng niệm cho nhiều. Tin rằng một niệm cũng vãng sinh mà niệm suốt một đời.
Hỏi: Vì Bổn Nguyện không loại trừ kẻ ác, nên người ta đều muốn tạo ác nghiệp, làm sao đây?
Pháp Nhiên Thượng Nhân: Phật A Di Đà tuy không bỏ rơi kẻ ác, nhưng người tạo ác nghiệp thì chẳng phải là đệ tử của Phật. Tất cả Phật Pháp là để chế phục điều ác. Vì hạng ngu si phàm phu không dễ gì làm được, nên khuyên Niệm Phật để diệt tội. Đức Phật A Di Đà thương xót tất cả chúng sinh, dù thiện hay ác Ngài đều cứu độ. Nhưng thấy người lành thì Ngài vui, thấy kẻ ác thì Ngài thương xót.
Người xưa nói: “Phiền não như ảnh tùy thân, muốn bỏ mà không xong. Bồ Đề như trăng trong nước, muốn lấy mà không được”.Tuy vậy, hễ có tín tâm thì tội lớn cũng diệt, không có tín tâm thì tội nhỏ vẫn còn. Nên hổ thẹn là mình không có tín tâm!
Niệm Phật và cuộc sống
Đã tu Tịnh Độ thì mọi chuyện trong đời đều y theo Niệm Phật mà quyết định. Tất cả đều là trợ duyên cho niệm Phật, hễ làm chướng ngại thì nên từ bỏ.
Sống một mình không Niệm Phật được thì ở chung mà niệm Phật. Sống chung không Niệm Phật được thì ở một mình mà niệm Phật. Tại gia mà không niệm Phật được thì xuất gia mà niệm Phật. Xuất gia mà không niệm Phật được thì tại gia mà niệm Phật. Sống giữa đời không niệm Phật được thì trốn đời mà niệm Phật. Trốn đời không Niệm Phật được thì sống giữa đời mà niệm Phật.
Thành Phật tuy khó nhưng cầu vãng sinh thì dễ được. Nhờ sức Bản Nguyện làm cường duyên, nên tuy là phàm phu mà được vãng sinh Báo Độ. (Thực Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ).
Hỏi: Thường nghĩ đến chuyện “Bỏ ác tu thiện” mà Niệm Phật, so với thường nghĩ đến ý chỉ của Bổn Nguyện mà Niệm Phật. Điều nào hay hơn?
Pháp Nhiên Thượng Nhân: Bỏ ác tu thiện tuy là lời răn chung của chư Phật, nhưng hạng phàm phu thời mạt pháp như chúng ta thường làm ngược lại!
Khai thị
Vị tăng hỏi: Trong khi xưng Danh hiệu, có nên để tâm mình vào tướng hảo của Phật hay không?
Thị giả đáp: Quả thật là nên.
Pháp Nhiên Thượng Nhân bảo, tôi thì chẳng vậy. Hãy nhớ rằng kinh dạy: “Khi tôi thành Phật, mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi dù chỉ có mười lần, nếu chẳng được vãng sinh, tôi sẽ không ở ngôi Chánh Giác”.( Kinh Vô Lượng Thọ).
Lại Tổ Thiện Đạo dạy: “Đức Phật A Di Đà nay đang tại thế thành Phật. Bởi thế nên biết rằng Bản Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm thì tức nhiên được vãng sinh”. Theo thiển ý, dù quán tướng hảo của Phật chăng nữa cũng chẳng phải như thuyết quán. Chẳng bằng nương tựa Bản Nguyện, miệng xưng Danh hiệu là hơn cả, vì đó là chánh hạnh.
Có người hỏi rằng: Nhật khóa xưng danh sáu vạn, mười vạn lần mà chẳng như pháp: so với xưng danh hai vạn, ba vạn lần mà như pháp. Bên nào tốt hơn?
Pháp Nhiên Thượng Nhân: Hạng phàm phu loạn tưởng xưng danh ít lần mà như pháp tu hành, sự thật rất là khó. Chẳng bằng nhật khóa xưng danh cho nhiều. Chỗ trọng yếu của xưng danh là để tâm niệm tương tục. Niệm Phật không ngớt miệng là đủ, cần gì phải cho là như pháp hay chẳng như pháp ư!
Tịnh Độ Thuần Chánh
Thiện Đạo Đại Sư dạy: “Tất cả các hạnh khác tuy gọi là thiện, nhưng nếu so với niệm Phật thì hoàn toàn không thể so sánh nổi”. Các Đại sư hoằng dương Tịnh Độ thời nào cũng khuyên người tu Tịnh Độ phát Bồ Đề Tâm. Lấy hạnh “Quán Tưởng” làm chánh. Duy một mình Đại sư Thiện Đạo cho rằng: Không phát Bồ Đề Tâm cũng được vãng sinh! Ngài nhận định rằng hạnh “Quán Tưởng” chỉ là trợ nghiệp cho hạnh “Xưng Danh” mà thôi. Người tu Tịnh Độ nếu không tuân theo ý của Ngài Thiện Đạo thì e rằng khó được vãng sinh. Hãy ghi nhớ!
Nói về tín thì một niệm hay mười niệm, kẻ ngu cũng làm được. Bản Nguyện vốn vì “mười phương chúng sinh” mà có. Không để sót bất cứ căn cơ nào, không bỏ rơi bất kỳ ai. Trong mười phương chúng sinh, thì có trí hay vô trí, có tội hay vô tội, phàm phu hay Thánh nhân. Trì giới hay phá giới, người nam hay người nữ, ông già hay trẻ con… cho đến căn cơ của thời Tam Bảo đã diệt đều bao gồm cả. Hễ gặp được Bổn Nguyện, được nghe Danh Hiệu Nam mô A Di Đà Phật và tin theo. Phát tâm niệm Phật thì Đức Phật A Di Đà dùng Quang Minh Biến Chiếu thu nhiếp chẳng rời.
Siêu thế nguyện
Chuyện Ngài lai nghinh để tiếp dẫn người xưng Danh là Bổn Nguyện của Ngài, điều nầy thật dễ hiểu.
Những người tội chướng vô trí, không nên hoài nghi vãng sinh. Nếu mà nghi ngờ là hoàn toàn không biết gì về Phật Nguyện cả. Bản Nguyện được phát ra là để cứu những người tội chướng vậy. Bởi thế hãy nỗ lực xưng Danh chớ khá nghi ngờ. Chỉ sợ không ưa cõi Cực Lạc, không tin Niệm Phật thì sẽ chướng ngại vãng sinh.
Vì vậy gọi là “Tha Lực Nguyện”, là “Siêu Thế Nguyện”.
A Di Đà Bản Nguyện phát ra không phải vì hạng thiện nhân mà là vì hạng ác nhân, tội chướng không có phương tiện để giải thoát.
Những hàng Bồ Tát, Thánh Hiền cũng có thể nương vào đó mà cầu vãng sinh. Hạng thiện nhân phàm phu cũng hướng về lời nguyện nầy mà được vãng sinh. Hạng ác nhân phàm phu lại càng nên nương vào Tha Lực, chớ nên hiểu sai lầm mà bám chấp vào tà kiến. Hãy nhớ A Di Đà Bản Nguyện căn bản là vì hạng phàm phu, gồm luôn cả Thánh Nhân. Xin hiểu rõ lý nầy.
Thánh Đạo môn và Tịnh Độ môn
Tu Thánh Đạo Môn thì tột cùng trí tuệ để lìa sinh tử. Tu Tịnh Độ Môn thì trở lại ngu si để vãng sinh. Bởi thế khi hướng về Thánh Đạo Môn thì trau dồi trí tuệ, giữ cấm giới, rèn luyện tâm tánh làm tông chỉ.
Còn bước vào Tịnh Độ Môn thì chẳng dựa vào trí tuệ, chẳng lo tròn đạo hạnh, chẳng cần điều hòa tâm tánh, mà chỉ tự thấy mình là người vô năng, vô trí; cần nương vào Bổn Nguyện mà Niệm Phật mà cầu vãng sinh.
- Muốn mau lìa sinh tử: Trong hai loại thắng pháp; Bỏ qua Thánh Đạo Môn, mà vào Tịnh Độ Môn.
- Muốn vào Tịnh Độ Môn; Trong hai hạnh Chánh, Tạp; Hãy bỏ các Tạp hạnh, mà quay về Chánh Hạnh.
- Muốn tu nơi Chánh Hạnh; Trong hai Chánh; Trợ Nghiệp; Chớ dính nơi Trợ Nghiệp; Hãy nên chuyên Chánh Định.
- Chuyên tu Chánh Định Nghiệp; Tức là Xưng Phật Danh; Xưng Danh tất vãng sinh; Bởi do Phật Bổn Nguyện.
Yếu đạo để ra khỏi sinh tử, không gì hơn vãng sinh Tịnh Độ. Hạnh tu để vãng sinh Tịnh Độ tuy nhiều, không gì hơn Xưng Danh. Vì xưng Danh là hạnh tương ưng với A Di Đà Bổn Nguyện. Bởi vậy Hòa Thượng Thiện Đạo dạy rằng:
“Kinh Vô Lượng Thọ” chép: “Khi tôi thành Phật, nếu mười phương chúng sinh xưng Danh hiệu của tôi, dù chỉ mười lần mà không được vãng sinh thì tôi chẳng ở ngôi Chánh Giác. Đức Phật kia hiện tại thế thành Phật. Nên biết rằng Bổn Nguyện Trọng Thệ chẳng hư dối. Chúng sinh xưng niệm, tất nhiên được vãng sinh”. Do đó ngoài xưng Danh không cần quán tưởng gì khác. Hiểu và tin như trên, lâm chung chắc chắn Phật lai nghinh.
Bản Nguyện Niệm Phật: Lời Kết
Đệ tử Nhất Hiền Chân hỏi: Thưa Thầy! Để mau chóng lìa khỏi sinh tử, thì Chân Ngôn (Mật Tông), Chỉ Quán (Thiên Thai), Hoa Nghiêm, Phật Tâm (Thiền Tông) phải thâm diệu hơn Tịnh Độ chứ?
Pháp Nhiên Thượng Nhân đáp: Pháp môn thì vô lượng nhưng luận về chỗ cấp yếu, thì tối thượng là Tịnh Độ. Các giáo pháp tuy nhiều nhưng xét đến chỗ cương yếu, thì Tha Lực Đốn Giáo thù thắng hơn cả. Vì dễ tu mà công cao, dễ hành mà lý thâm. Bởi thế Tổ Huệ Viễn nói rằng: “Các môn Tam Muội tuy nhiều nhưng công cao mà dễ tu thì Niệm Phật là hơn cả”.
Ngài Nguyên Chiếu nói rằng: “Niệm Phật Tam Muội là pháp để hạng phàm phu ngu độn trong sát na siêu việt thành Phật. Cho thấy rằng Tịnh Độ Giáo Pháp, Niệm Phật Tam Muội là Đại Thừa, Chí Cực, Tốc Tật, Giải Thoát”.
(Theo Bản nguyện niệm Phật)
Tuệ Tâm 2019.
Hùng viết
Nam Mô A Di Đà Phật. Cho con hỏi, mọi người cứ nói câu, Hồi Hướng Trang Nhiên Tịnh Độ, ý nghĩa là thế nào ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Hồi hướng trang nghiêm Tịnh Độ là khi mình làm được công đức gì, dù bé như hạt cải hay lớn như núi Tu Di, cũng hồi hướng về Cõi Tây Phương Tịnh Độ. Đây là phương tiện của chư Tổ, giúp tâm của hành giả luôn quy hướng về Tịnh Độ để nuôi dưỡng cái nguyện được vãng sanh. (Bởi trong ba thứ Tín Nguyện Hạnh thì nguyện là quan trọng bậc nhất với người niệm Phật.) Thực ra, cõi Tịnh Độ do nguyện lực và công đức của Phật A Di Đà cảm thành. Ngài cũng vô số kiếp huân tập công đức vô lậu vào nơi danh hiệu của mình. Bởi vậy nên khi ta niệm Phật, công đức ta có được là “Công đức của Phật ban cho ta”. Khi ấy phải hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh cùng lìa khổ được vui mới là đúng bản ý của Phật. Chớ Phật ban công đức cho ta, ta lại hồi hướng ngược về Cực lạc nữa làm chi? Vậy nên bạn chuyên tu niệm Phật thì chỉ nên hồi hướng cho Pháp giới chúng sanh. Đó gọi là “Trên báo ân Phật, dưới cứu khổ chúng sanh” vậy!
Nam mô A Di Đà Phật.
Hùng viết
Nam Mô A Di Đà Phật. Con sin sám hối ạ.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ngân viết
Cho con xin chia sẻ bài Pháp bằng in ra hoặc chia sẻ trên mạng ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn thoải mái sao chép và chia sẻ mà không cần xin phép nhé. Toàn lời Phật, lời Tổ dạy cả mà, có phải Tuệ Tâm viết ra đâu!
Nam mô A Di Đà Phật.
Hiến Đinh viết
Dạ thưa sư Tuệ Tâm, con có một thắc mắc xin sư giải đáp. Con có đọc thấy sư có viết Đại sư Thiện Đạo ngài dạy: “Chuyên tu chuyên niệm mười người tu vãng sanh cả mười. Tạp tu, Tạp hạnh, ngàn người tu không có một người thoát khỏi sanh tử”. Nhưng con cũng có đọc thấy rằng có người cũng vãng sinh khi tạp tu. Vậy con nên chuyên tu niệm Phật, không còn phải trì chú đọc kinh, hay niệm Phật làm chánh và những pháp khác làm phụ ạ? Xin sư giải đáp thắc mắc giúp con
Nam Mô A Mi Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tổ Thiện Đạo là hóa thân của đức Phật A Di Đà. Bởi chư Tổ Thiền Tông khi đắc đạo đều quay sang hoằng dương niệm Phật. Nhiều trước tác của các Ngài về Tịnh Độ, do dành cho bậc thượng thượng căn nên giải thích sai ý kinh. Phật A Di Đà vì thương xót hàng phàm phu thời mạt nên phải hóa thân để “Khải định cổ kim” về pháp môn tịnh độ. Theo đó, Tịnh độ có nhiều pháp tu, nhưng chung quy đều quy về hai: Chánh hạnh và Tạp hạnh. Hai pháp ấy đều nhiều người được vãng sanh, nhưng khó dễ khác nhau. Tổ nói: “Chuyên tu chuyên niệm mười người tu vãng sanh cả mười. Tạp tu, Tạp hạnh, ngàn người tu không có một người thoát khỏi sanh tử.” là nêu lên cái dễ của chuyên tu và cái khó của tạp tu, khiến người ta chọn dễ mà bỏ khó vậy! Nếu căn tánh của bạn thuộc hàng thượng thượng căn thì tạp tu cũng tốt, nhưng không phải căn tánh ấy thì thật vô cùng khó vãng sanh!
Khuyên bạn nên chuyên tu niệm Phật, niệm đủ sáu chữ, an nhiên mà niệm. Trì chú và đọc kinh thì để lúc về Cực lạc học cũng không muộn. Còn như các pháp trợ hạnh: Phóng sinh, từ thiện….thì tùy duyên tùy phận mà làm, miễn đừng đặt nặng việc tạo công đức để hồi hướng là được. Bạn tham khảo thêm bài Cách niệm Phật tại nhà và Niệm Phật Tông Yếu để rõ hơn nhé.
Nam mô A Di Đà Phật!
Hiến Đinh viết
Dạ vâng con cảm ơn. Một điều nữa cho con hỏi là: con thay pháp chép hồng danh Phật hiệu viết ra tập giấy bằng cách đánh máy được không ạ?
Nam mô A Mi Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Chép Hồng Danh bằng cách đánh máy cũng được, nhưng về mặt công đức và diệu dụng thì không thể so sánh với viết tay được! Bạn cứ thử nghiệp mỗi thứ một thời gian ắt sẽ nhận ra được sự khác biệt mà thôi.
Hiến Đinh viết
Dạ vậy những cuốn tập sau khi con chép xong mà không có chỗ để thì sao ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nếu chép nhiều quá không có chỗ cất đặt thì hóa đi. Pháp hóa tốt nhất nên làm như sau: Bạn mua 1 cái chậu mới, 1 túi vải mới. Cho cuốn viết vào chậu hóa, nhớ đừng để tro bay ra ngoài. Hóa xong cho tro vào túi rồi kiếm một cái cây nào đó buộc treo lên là xong.
An Diệp viết
Nam Mô A Di Đà Phật. Cho con hỏi,nếu người k hề tin Phật pháp và cũng chưa từng niệm Phật trước lúc lâm chung họ dc họ hàng thân bằng quyến thuộc , các cụ già trong làng tới tục kinh niệm Phật giúp thì người mất có dc vãng sang Tây Phương cực lạc k ạ
Nam Mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Được vãng sanh hay không do tín và nguyện quyết định. Nếu tín nguyện bền chắc, chỉ 10 niệm cũng được vãng sanh. Còn như chẳng có tín nguyện, dù có được người thân hộ niệm thì may lắm thì được tái sanh vào các cõi lành, còn khả năng vãng sanh Cực Lạc vô cùng hi hữu, 1 triệu người may ra được 1,2. Vậy cho nên: “Người k hề tin Phật pháp và cũng chưa từng niệm Phật.Trước lúc lâm chung họ dc họ hàng thân bằng quyến thuộc , các cụ già trong làng tới tục kinh niệm Phật giúp” sẽ xảy ra ba trường hợp thế này:
1. Người ấy do nghe được danh hiệu Phật, thiện nghiệp phát sanh, nên lẩm nhẩm niệm theo. Một câu niệm Phật trong lúc cận tử nghiệp diệt được trọng tội trong 80 ức kiếp sanh tử. Khi ấy Phật A Di Đà cùng thánh chúng hiện ra, nếu người ấy phát một niệm quy y liền theo Phật vãng sanh về Cực Lạc. Khả năng này có nhưng cực hiếm.
2. Người ấy do nghe được danh hiệu Phật, chướng nghiệp tiêu trừ, thiện nghiệp phát sanh, nên được vãng sanh về các cõi trời người. Khả năng này chiếm phần lớn! Nhưng nếu con cháu vì người chết mà liên tục khai thị cùng niệm Phật trong khoảng 49 ngày, cơ hội vãng sanh Cực Lạc của vong linh vẫn cao. Chủ yếu ở nơi vong linh phát được tâm niệm theo. Còn như vong linh không chịu niệm, Phật cũng bó tay.
3. Người ấy nghe được danh hiệu Phật, nhưng do cả đời không tin Phật, ác nghiệp hiện tiền nên khởi niệm khó chịu, chống trái. Do đó bị đọa liền vào địa ngục. Sau khi trả báo xong nhờ phước đức được nghe danh hiệu Phật sẽ được tái sanh nơi cõi trời người. Khả năng này hiếm khi xảy ra, do phước đức nơi danh hiệu Phật vô lượng vô biên, giúp tiêu trừ ác nghiệp.
Cận tử nghiệp vô cùng kinh sợ! Khi tứ đại phân ly, thần thức như con cua bị lột, như con cá rớt vào nồi nước sôi, mờ mịt như mộng như huyễn, không làm chủ được bất cứ thứ gì. Lúc ấy trôi lăn theo gió nghiệp, thiện hay ác, cái nào đến trước thì thọ nhận cái đó. Nếu là ác nghiệp thì đọa tam đồ, là thiện nghiệp sẽ tái sanh nơi cõi trời người. Cho nên khi người mới mất, con cháu ngoài nhờ người hộ niệm ra phải rộng tu thánh đạo, rồi hồi hướng công đức cho vong linh thì mới được vãng sanh về cõi lành. Còn như mê muôi sát sanh cúng tế, tội của người chết nặng thêm nhiều lần, đa phần đọa vào tam đồ.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật