Vọng Tưởng là những ý niệm, suy nghĩ liên miên khởi lên trong đầu ta. Chúng lăng xăng hết chuyện Đông tây, trong ngoài, hết quá khứ đến hiện tại, vị lai…Chẳng theo một quy luật hay định hướng nào và liên tục phán xét đúng sai. Vọng tưởng như một con rận lải nhải không ngừng về những thứ linh tinh tà vạy. Nó miên man vận hành và điều khiển ta. Nó thúc đẩy từng ý tưởng, lời nói, việc làm, cảm xúc mà ta tưởng rằng ta làm, ta muốn, ta cảm nhận hoặc ta đau khổ.
- Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ
- Thập thiện là gì
- Thiên ma là loại ma gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Vọng tưởng là gì
*
Tuy vậy thế gian lại cực ít người nhận ra vọng tưởng. Bởi thế nên: “Khi một người lẩm bẩm nói một mình suốt ngày thì ta cho rằng người ấy mắc bệnh tâm thần. Còn bản thân ta và tất cả mọi người còn lại thì cũng nói suốt ngày đêm, không ngừng nghỉ. Khác chăng là ta nói âm thầm trong đầu, không phát thành lời mà thôi. Đây là một căn bệnh trầm kha nhưng vì mọi người ai cũng bị mắc phải bệnh này nên tưởng rằng đây là một trạng thái “bình thường”.
Vọng tưởng là nguyên nhân chính khiến chúng ta vô thỉ kiếp đến nay trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Vì thế, Thích Ca Mâu Ni Thế Tôn thị hiện thành Phật đạo, lúc Ngài chứng ngộ triệt để Phật quang bèn than: “Lạ thay! Lạ thay! Hết thảy chúng sanh đều có đủ Như Lai trí huệ, đức tướng. Chỉ do vọng tưởng, chấp trước nên chẳng thể chứng đắc. Nếu lìa được vọng tưởng thì Nhất Thiết Trí, Tự Nhiên Trí, Vô Ngại Trí sẽ được hiện tiền”
Vọng Tưởng là gì
Hòa Thượng Hư Vân giảng: “Cổ nhân nói: – Luận việc thành đạo rất dễ, nhưng muốn trừ vọng tưởng lại rất khó. Đạo là lý. Lý là tâm. Tâm, Phật, chúng sanh, tuy là ba, nhưng nào có sai khác! Người người vốn có đầy đủ; ai ai cũng sẽ viên thành quả vị Phật. Tâm tánh đó, tại Thánh không tăng, tại phàm chẳng giảm. Nếu ai hiểu được tâm này thì đại địa không còn một tấc đất.
Mọi pháp thế gian cùng xuất thế gian, phàm phu thánh hiền, đều vốn không thật, sao lại có sanh tử? Vì thế, bảo: – Luận bàn thành Phật rất dễ. Tâm thể này tuy sáng soi vi diệu, nhưng bị bao loại vọng tưởng che lấp, ánh sáng không cách chi hiển hiện, nên muốn trừ vọng tưởng thật không dễ dàng.
Vọng tưởng có hai loại: Thô kệch và vi tế. Lại nữa, tâm có vọng tưởng hữu lậu và vô lậu. Vọng tưởng hữu lậu khiến chúng ta cảm thọ quả báo khổ nhọc hay sung sướng ở cõi trời và người. Vọng tưởng vô lậu khiến chúng ta có khả năng thành Phật làm Tổ, thoát khỏi sanh tử, xuất ra ba cõi. Vọng tưởng thô kệch khiến lãnh thọ quả báo xấu, đọa vào ba đường khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Vọng tưởng vi tế khiến tạo bao việc lành thiện như niệm Phật, tham thiền, tụng kinh, trì chú, lễ bái, hộ trì giới luật, v.v…
*
Vọng tưởng thô tương ưng cùng nghiệp xấu, tức khởi mười điều ác. Ý khởi tham lam, sân hận, si mê. Miệng nói láo, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời ác độc. Thân tạo nghiệp giết hại, ăn cắp, tà dâm. Đây là mười việc ác do thân miệng ý tạo ra. Trong đó, phân biệt tùy theo cấp bậc nặng nhẹ. Tạo nghiệp thượng phẩm của mười điều ác thì đọa địa ngục. Trung phẩm thì đọa ngạ quỷ. Hạ phẩm thì làm súc sanh.
Tổng quát, cho dầu vọng tưởng thô hay vi tế, tất cả đều phát khởi từ một tâm niệm. Mười pháp giới cũng từ tâm niệm này phát sanh, nên bảo rằng tất cả đều do tâm tạo. Cội gốc bổn địa phong quang của chúng ta, vốn không mang một sợi tơ trói buộc, và chẳng bị phiền trược trần lao làm ô nhiễm, chỉ bất đắc dĩ mới gọi là vọng tưởng thô. Khi chúng diệt thì còn vọng tưởng vi tế. Lúc đó, mạng căn vẫn chưa đoạn.
Hiện tại, muốn trừ vọng tưởng, phải nương theo một câu thoại đầu hay chú tâm vào một tiếng niệm Phật, để đập ngói cửa thành quân địch; đem vọng tưởng vi tế để hàng phục vọng tưởng thô, tức là lấy độc trị độc. Hàng phục vọng tưởng thô rồi, chỉ còn lại vọng tưởng vi tế. Lúc ấy mới tương ưng cùng đạo. Tiếp tục mài giũa, công phu lâu ngày được thuần thục, thì vọng tưởng vi tế cũng không còn.
*
Biết vọng tưởng không tốt, nên phải đoạn trừ chúng. Song, biết mà lại cố phạm, vẫn khởi bao vọng tưởng, chạy đuổi lưu chuyển theo tập khí. Gặp nghịch cảnh vẫn khởi vô minh, làm biếng giải đãi, cầu danh lợi, nghĩ ngợi việc dâm dục v.v… Tuy biết chúng chẳng tốt lành, mà không thể xả bỏ được. Vì sao? Do từ đời vô thủy đến nay, huân tập khí nhiễm ô thâm sâu, nên trở thành thói quen tập quán. Như chó thích ăn phẩn, tuy cho thức ăn ngon, nhưng khi nghe mùi phẩn, nó vẫn chạy đến. Đây là tập quán trở thành tánh khí.
Có một câu chuyện, miêu tả cách diệt trừ vọng tưởng của người xưa. Thiền sư Pháp Đường, núi Đại Mai, đến tham vấn Mã Tổ, hỏi: – Thế nào là Phật?
Mã Tổ bảo: – Tâm tức là Phật.
Thiền sư bèn đại ngộ, rồi lên núi Đại Mai, kết am ẩn tu. Mã Tổ nghe tin, bảo tăng đến đó hỏi nguyên do.
Thiền sư đáp: – Mã Tổ dạy tôi rằng tâm tức là Phật, nên mới trụ nơi đây tu hành.
Tăng bảo: – Gần đây Mã Tổ dạy Phật pháp có khác đôi chút.
– Khác như thế nào?
– Phi tâm, phi Phật.
– Lão già làm mê hoặc người chẳng có ngày nào thôi. Mặc tình lão phi tâm phi Phật, tôi chỉ biết tâm tức là Phật.
Tăng trở về thuật lại. Mã Tổ bảo: – Trái mai đã chín.
*
Những hành động của chư Tổ Sư, đều đánh thẳng vào tâm người, khiến họ đoạn trừ vọng tưởng. Chúng ta là người xuất gia, hành cước tham học, chưa đoạn sanh tử, phải sanh tâm hổ thẹn sâu xa, cùng phát tâm đại dũng mãnh, chớ để tập khí xoay chuyển.
“Giả sử có vòng lửa sắt, cháy rực trên đầu, quyết không vì khổ này mà thối thất tâm Bồ Đề”. Bồ Đề tức là giác. Giác tức là đạo. Đạo tức là diệu tâm. Tâm này xưa nay vốn viên mãn tròn đầy, chẳng hề khiếm khuyết. Nay muốn tìm về tự tánh, phải tự phát tâm, hướng vào tự tánh mà tầm cầu. Ngược lại, ngay cả Phật Thích Ca xuất thế, e rằng cũng không giúp được gì!
Trong mười hai thời, chớ phân biệt động tịnh, đi đứng nằm ngồi. Nếu sống lại với thể tướng như như của chân tâm mà không khởi vọng tưởng, thì lo gì chẳng đoạn sanh tử? Nếu không như thế thì luôn luôn bận bịu, từ sáng đến tối, từ sanh đến tử, chỉ lãng phí thời gian. Một đời tu hành khổ cực, mà không được lợi ích gì. Ngày ba mươi tháng chạp đến, khát nước mới đào giếng, thì ra tay sao kịp; dẫu có hối hận nhưng đã quá muộn! Đây là những lời tha thiết của tôi. Hy vọng mọi người hãy tự dụng tâm lãnh hội.”
Đại lược về vọng tưởng
Theo Niệm Phật Thập Yếu: “Vọng tưởng cũng có hai phần: Thô và tế. Vọng tưởng thô ai cũng biết, bởi hành tưởng nó rất rõ ràng. Người xưa bảo: “Mới tu sợ vọng tưởng, tu lâu sợ hôn trầm.” Lời này duy đúng một phần, không được cứu cánh lắm, vì đó chỉ nói về phần tán loạn thuộc vọng tưởng thô. Đến như về phần vọng tưởng vi tế, người tu già dặn cũng phải e ngại. Bởi khi niệm Phật dụng công chặt chẽ kín đáo, tạp tưởng thô phù cố nhiên phải lặng chìm, song rất khó nhận được tướng qua lại của phần vọng tưởng vi tế.
Ví như một ao nước đục, khi bọt nổi lên mặt ao ta mới nhận thấy. Còn phần khí thể nhỏ nhẹ từ dưới đáy ao được cổ động lên, hoặc sôi tim nhỏ trên mặt nước, hoặc đến nửa chừng rồi không lên được, muốn thấy rõ nó, cần phải có một ao nước thật trong. Người niệm Phật lâu, đến trình độ nước tâm trong lặng, mới thấy biết được vọng tưởng vi tế.
Bạch Thánh pháp sư, một buổi sáng từ nơi giường bước lại ghế ngồi, trong khoảng chừng ba giây đồng hồ, đã phát giác trong tâm mình nổi lên đến vài mươi vọng niệm sai biệt. Chừng ấy Ngài mới chứng minh được lời nói trong kinh Phật: “Một niệm có chín mươi sát na, một sát na có chín trăm sanh diệt.” Đây là vọng tưởng thuộc loại vi tế.
Vọng tưởng vi tế
Nhân tiện xin nhắc lại một câu chuyện về vọng tưởng vi tế, cho các bạn đồng tu thêm phần nhận thức: Quang Huệ và Giới Diễn là hai vị thiền sư đều ngộ đạo. Một hôm trong khi đồng ngồi thiền, nơi tiềm thức của ngài Giới Diễn thoạt nổi lên một niệm sắc ái, Ngài liền diệt trừ. Song bên kia Quang Huệ thiền sư đã hay biết. Sau khi xuất định, ngài Quang Huệ làm bài kệ có ý trêu cợt ngài Giới Diễn. Giới Diễn thiền sư buồn thẹn, liền thâu thần nhập diệt.
Ngài Quang Huệ hối hận, gọi đệ tử đến phó chúc rằng: “Bạn ta trong khi thiền định có một niệm sắc ái, sau tất lụy về sắc. Vì phiền ta mà thị tịch, sau sẽ phá hoại Tăng Bảo. Lỗi ấy một phần do ở nơi ta, nếu ta không theo hóa độ, tất sẽ mang lấy hậu quả.”
Dặn dò xong, Ngài cũng viên tịch theo luôn. Sau Quang Huệ chuyển thân làm thiền sư Phật Ấn; Giới Diễn chuyển kiếp làm Tô Đông Pha.
Đông Pha do kiếp trước có tu nên làm quan, thông minh trí huệ mà cũng đa tài đa tình. Ông có đến bảy người thiếp, và thường đem sự thông minh bác lãm của mình mà vấn nạn các vị Thiền sư. Về sau bị ngài Phật Ấn chiết phục, ông mới quay lại đường lối tu Phật. Cho nên vọng tưởng vi tế, người tu lâu cũng phải e ngại là thế.
Sức phá hoại của Vọng tưởng
Vọng tưởng phá hoại người tu vô cùng khủng khiếp nên ta phải hết sức lưu tâm mới mong có ngày thành tựu. Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt. Hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bức rức không an.
Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng khởi sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm, xuống nằm gác tay suy nghĩ vẫn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn gặp ngay người đó la hét một hồi, hoặc tìm cách trả thù cho đã giận… Đến đây coi như bị vọng tưởng che mắt trí huệ rồi, còn mong ngày thành tựu làm chi nữa?
Vọng khởi ma sanh
Khi xưa, ở chùa núi Chung Nam tại Trung Hoa, có một vị sư đang tham thiền. Nhân khi trời lạnh bụng đói, Sư động niệm vọng tưởng ăn. Bỗng thấy một thiếu phụ bưng thức ăn đến cúng dường. Thiếu phụ quỳ sớt đồ ăn vào bát, thỉnh sư nên dùng liền kẻo nguội lạnh, mất ngon.
Sư vì đói muốn thọ dụng ngay, nhưng nghĩ chưa đến giờ thọ trai, nên nhẫn nại bảo hãy tạm để một bên, chờ đúng giờ rồi sẽ ăn. Thiếu phụ nghe nói, có vẻ hờn giận bỏ đi. Giây lâu sau đúng ngọ, sư giở bát ra thấy trong ấy toàn là dòi bò lúc nhúc. Chừng ấy ông mới tỉnh ngộ, biết vừa động sanh vọng niệm, liền rước lấy cảnh ma. May nhờ có chút định lực mới khỏi ăn đồ dơ và phạm giới sát.
*
Lại một vị sư cũng tu thiền trong non, thấy mình lẻ loi cô quạnh, nên sanh vọng tưởng muốn được một ít người cùng ở cho vui. Vừa đâu có bà lão dẫn hai cô gái trẻ đẹp, bảo nhà ở dưới làng chân núi, tìm đến am tranh cầu xin dạy đạo. Vị tăng ban sơ không nghi ngờ, liền thuyết pháp khai thị. Tới lui như thế lâu ngày, một hôm bà lão thưa bạch xin cho hai cô gái làm thị giả lo việc giặc giũ cơm nước để sư đỡ nhọc.
Sư nghe nói thoáng sanh lòng ngờ lạ, liền nghiêm trách từ chối. Ba người đó có vẻ hờn thẹn bỏ đi. Sư lén theo dõi qua một khúc quanh bỗng chợt mất bóng, đến xem thì đã cùn đường, lại không có nhà cửa chi cả, chỉ thấy ba gốc cổ thụ, một to hai nhỏ. Ông suy nghĩ biết đây là yêu tinh cổ thụ làm quái. Muốn đem búa chặt đốn hoặc nổi lửa thiêu đốt để dứt trừ hậu hoạn. Vừa nghĩ đến đó bỗng thấy ba người hiện ra cầu sám hối và xin tha mạng.
Thế nên biết, tâm yên cảnh lặng, vọng khởi ma sanh, người tu phải ghi nhớ điều này.”
( Vọng tưởng là gì )
Tuệ Tâm 2021.
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật
Đêm qua con nằm mơ thấy ác mộng kinh hoàng. Hồi còn nhỏ con cũng hay gặp ác mộng, từ khi biết niệm Phật ác mộng liền dứt, cũng đã vài năm. Không hiểu sao đêm qua tự nhiên con lại gặp ác mộng rất đáng sợ: quỷ ăn thịt rất nhiều người, xương máu be bét, có ông đạo sĩ (phái Đạo gia) bị ăn gần hết thân, nhưng ông ta vẫn dùng pháp thuật duy trì thân thể sinh mệnh để sống rồi tiếp tục làm ác hại người v.v., sau đó giấc mộng vẫn còn dài và đáng sợ nên con không kể thêm nữa.
Con đã tự trấn an “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” rồi vẫn bắt đầu thời khoá sáng như thường lệ, tâm cũng bớt sợ hãi hoảng kinh nhưng vẫn còn lo lắng. Có phải đó là điềm báo tai hoạ gì không ạ?
Còn nữa là con dùng câu trong kinh để tự trấn an có bị coi là tự lực tu hành không ạ? Hay trong lúc đấy chỉ nên niệm Phật thôi?
Xin cám ơn Tuệ Tâm nhiều lắm!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cảnh giới biến hiện trong giấc mơ, dù thiện lành hay hung hiểm cũng mặc kệ, đừng quan tâm làm gì cả. Vạn sự trên đời đều có nhân duyên, việc gì đến ắt sẽ đến. Bạn siêng năng niệm Phật, lâu ngày trong mơ dù có gặp ác cảnh cũng tự nhiên niệm Phật được. Tuệ Tâm trước đây cũng từng gặp ác mộng, lúc gấp gáp nguy nan tự nhiên chắp tay niệm Phật liền tỉnh lại…
Bạn vẫn chưa nắm rõ thế nào là tự lực, thế nào là tha lực. Khuyên bạn nên thường xuyên nghe các video Tuệ Tâm đã đăng về Bản Nguyện, nếu chịu khó nghe thì nghi nan nào cũng sẽ bị phá sạch mà thôi!
Cung Kính viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Vâng ạ.
nammoadidaphat chuyên lại càng chuyên niệm viết
Bởi vì không tin có quỷ vô thường, không tin sự cứu độ của Đức Phật A Di Đà Phật là bình đẳng và vô điều kiện, nên bây giờ ta vẫn ở trong luân hồi chịu đau khổ và phiền não,bạn dạy con vẹt niệm Phật, con vẹt chẳng biết niệm Phật để làm gì, những con vẹt vẫn cứ chuyên niệm Nam Mô A Di Đà Phật, đến lúc thọ mạng hết, Đức Phật A Di Đà Phật hiện ra tiếp dẫn, liền về tịnh độ tu hành cho đến quả vị Phật,còn ta đây có cho việc niệm Phật cầu vãng sanh thì lơ là, giãi đãi ngày càng giãi đãi, không bằng một người ngu si vô trí, dạy họ niệm Phật, bèn chẳng sanh tâm nghi ngờ, niệm Phật luôn chuyên cần, lúc thọ mạng hết được Phật tiếp dẫn về tịnh độ, ta tưởng mình thông minh, thế trí biện thông nên từ đó mà vọng tưởng, phiền não, phân biệt, chấp trước sanh ra, tự chướng ngại đường giải thoát sanh tử luân hồi, nghe pháp thì phải có con mắt trạch pháp nhẫn, phải biết lựa pháp mà nghe, tránh nghe pháp bậy bạ, người ta nói phải niệm Phật được nhất tâm, thành phiêmn, tam muội hiện tiền,vv…, mới được vãng sanh, ta nghe theo mà không tìm lại kinh sách xem thử lời người khác dạy có nói trong kinh không? Trong kinh niệm Phật ba la mật, Phật dạy: Nếu muốn vãng sanh, chỉ cần niệm Phật là đủ. Ta nay theo Phật không tin Phật, thì tin ai!
Người cả đời tạo ác, lúc lâm chung nghe thiện tri thức, giảng có về thế giới cực lạc, phát khởi tín tâm, niệm Phật còn vãng sanh, huống hồ chi ta niệm cho đến hết thọ mạng mới thôi, lo gì Đức Phật A Di Đà Phật không tiếp dẫn!
Hãy buông hết mọi chấp trước trong tâm, buông hết mọi mong cầu dục vọng, ta đưa niệm Phật là cuộc sống, cuộc sống là niệm Phật, thì quả vãng sanh đã thành tựu ngay lúc còn sống, Chư Tổ Sư gọi là bình sanh nghiệp thành dựa vào đại nguyện thứ 18 của Đức Phật A Di Đà!
Tổ Thiện Đạo(là hoá thân của Đức Phật A Di Đà) dạy rằng: Nhất Tâm là không hai lòng, không hai lòng chính là chuyên. Bất loạn là không tạp, không tạp loạn cũng chính là Chuyên. Cho nên Nhất Tâm Bất Loạn chính là “Chuyên lại càng chuyên”. Người chuyên tu niệm Phật, do luôn trong vòng Phật Quang nhiếp hộ của Phật A Di Đà nên không có chướng ngại lúc vãng sanh. Lúc lâm chung, nhờ đức Phật A Di Đà cùng Thánh Chúng hiện ra tiếp dẫn nên tâm không điên đảo, cũng nhờ đó các ma chướng không cách chi có thể chướng ngại được!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, đọc xong bài viết và nghe xong video về vọng tưởng tán loạn, đệ tử thấu suốt rất nhiều…
Cảm ân Phật vô cùng tận
Cảm ân thầy rất nhiều
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.