Đức Phật A Di Đà khai thị những lời vô cùng trọng yếu cho chúng sanh thời mạt Pháp. Thầy tôi đã khóc nửa ngày trong Thất sau khi đọc được lời khai thị này. Một lời khai thị phá hết nghi tâm! Chưa bao giờ ta thấy đường về Tây Phương Tịnh Độ lại dễ dàng đến thế!
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- Hội Long Hoa Là gì.
- Từ Bi là gì.
- Cách niệm Phật tại nhà
- Niệm Phật A Di Đà được cảm ứng
- Đức Phật A Di Đà có thật không
- Chuyện Tâm linh có thật tại Việt Nam

Đức Phật A Di Đà Khai Thị
“Thệ Nguyện của ông thì không thể nghĩ bàn vì đã thương xót hết thảy chúng sanh, bằng cách khuyến khích họ tu một pháp niệm Phật. Đây là thiện căn tối thượng, Từ bi cực độ. Tuy nhiên, ông đã phân biệt người tin hay không tin? Pháp hợp căn cơ hay pháp không hợp căn cơ? Vấn đề này thì trái với Bổn nguyện. Trong tương lai, khi Chánh pháp và Kinh điển tận diệt. Dựa vào đâu để phân biệt đức tin? Dựa vào đâu để phân biệt căn cơ? Bấy giờ chỉ căn cứ vào việc xưng niệm danh hiệu nhiều hay ít. Tùy theo niệm nhiều ít này mà tội chướng được trừ diệt tương xứng.
Hiện nay, Phật pháp đang phổ biến, mà người tin thì ít, người không tin thì rất nhiều. Xét hết thảy chúng sanh, đa phần chưa được nghe Phật pháp; Ngoài ra, còn có nhiều hạng người, như cô độc, hèn hạ, độc ác, bệnh tật…Huống gì đến thời điểm Chánh pháp và Kinh điển tận diệt thì như thế nào nữa?
*
Mong rằng, từ đây về sau, ông hãy lấy Trí tuệ gánh vác chúng sanh, lấy Từ bi để tự quản lý. Không kể người thanh tịnh hay cấu uế, người thiện hay ác, người tin hay nghi…
Tóm lại, không thể bàn về tâm chánh hay tâm tà, đã là tâm phàm phu dù thiện hay ác cũng nằm trong vòng mê, nên không thể dùng pháp tu căn bản (Giới, Định, Huệ) giúp họ ra khỏi sanh tử. Chỉ có xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật thì được vãng sanh mà thôi” (Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh, tr 150).
Trên đây là lời của đức Phật A Di Đà khai thị cho Nhất Biến Thượng Nhân – Tổ Tịnh Độ Tông của Nhật Bản. Rất nhiều người có nhân duyên đọc được lời khai thị này đã đoạn hết nghi: Tin chắc mình “Niệm Phật chắc chắn được vãng sanh”! Sau bao nhiêu năm ẩn tu, Thầy tôi đã khóc nửa ngày trong núi khi đọc được những lời khai thị này.
Cần hiểu đúng về việc tiếp dẫn vãng sanh của đức Phật A Di Đà
Thời @ này, khi thế giới mỗi ngày một phẳng hơn. Người Phật tử chỉ giữ được 5 giới cơ bản, ở dạng thô thôi, cũng đã hiếm lắm rồi. Kinh dạy: Một niệm sai trái khởi lên đã là tội. Xét trên khía cạnh “giới hạnh tinh nghiêm” thì chỉ một ngày thôi, chúng ta đã tạo vô biên tội lỗi. Ra đường đầy rẫy cảnh ăn mặc hở hang. Báo chí, ti vi đầy rẫy những hình ảnh xấu ác. Nào chém giết, nào lộ hàng, nào clip nóng lạnh… Bạn nhìn những cảnh đấy có khởi tà niệm như tôi chăng?
Tâm ta một ngày khởi lên biết bao nhiêu ác niệm. Suốt ngày nó lăng xăng hết đông lại tây, lăng xăng hết trong nhà ra ngõ. Giới hạnh chẳng có thì Thiền làm sao được, Mật làm sao được? Không niệm Phật, không nương nơi bổn nguyện của đức Phật A Di Đà thì đi đâu về đâu, làm sao mà giải thoát?
Niệm Phật phải nhất tâm mới được vãng sanh – một quan điểm sai lầm
Ngặt nỗi, bao lâu nay chúng ta bị nhồi nhét vào đầu rằng: Muốn vãng sinh Tây phương tịnh độ, phải niệm Phật được nhất tâm. Tôi hỏi bạn, Thế giới này có bao nhiêu người niệm Phật được nhất tâm? Nếu niệm Phật nhất tâm mới được vãng sinh, thì hóa ra những câu chuyện vãng sinh mà chúng ta từng đọc trong: “Tịnh độ Thánh Hiền Lục”. Trong “Mấy Điệu Sen Thanh”. Trong “Chuyện vãng sanh”…là giả hết ư? là chư Tổ sư dối gạt chúng ta đó ư? Không nói dối là một trong năm trọng giới cơ bản của Phật Pháp, chư Tổ sư giới hạnh cực tinh nghiêm, há lại dối gạt chúng ta ư?
Đức Phật A Di Đà mà chỉ tiếp dẫn những người niệm Phật được nhất tâm, thì Ngài độ được mấy người? thì hóa ra Ngài chẳng từ bi ư? Hóa ra Ngài đánh đố chúng sinh ư? Hóa ra trong cõi “Dục giới tán địa này”, đức Phật bỏ rơi chúng ta ư?
Vâng, không phải vậy đâu, đừng khởi tâm nghi mà tự đoạn mất cơ hội vãng sinh của mình. Bạn niệm sáu chữ Hồng danh Nam Mô A Di Đà Phật, dẫu không nhất tâm vẫn được vãng sanh, bạn nhé. Vì Bổn nguyện của ngài là tiếp dẫn chúng sinh niệm danh hiệu của ngài về Tây Phương Cực Lạc. Và quan trọng nhất là: ” Đức Thích ca không bao giờ nói dối, đức Phật A Di Đà không bao giờ nguyện dối”. Thế nên, bạn niệm Phật nhất định được vãng sanh, đừng bao giờ vì nghe bất cứ ai mà nghi ngờ điều này cả. Pháp sư Tịnh Tông, trong cuốn “Niệm Phật Nhất Định Được Vãng Sanh”, có tâm sự rằng:
*
“Tôi vốn biết sâu sắc rằng, mình đã tạo tội ác sâu dày, đang đón nhận quả khổ đau nặng nề. Nếu không có bổn nguyện của đức Phật A Di Đà cứu độ thì chẳng có một pháp nào khác. Khi chết chắc chắn địa ngục là nhà, Địa ngục là quê hương. Do vậy, tôi đem cả thân mạng quy hướng đức Phật A Di Đà, tinh chuyên niệm sáu chữ hồng danh. Mặc kệ những ai tu tập nổi tiếng, có đại trí tuệ, có đại công đức. Đối với tôi tuyệt chẳng có một chút hâm mộ, tuyệt đối chẳng bị ảnh hưởng và chi phối để thay đổi đường hướng mà tu tập theo lối tạp hạnh, tạp tu…
Thực sự không có trí tuệ nào vượt qua trí tuệ niệm Phật. Không có pháp tu nào vượt qua pháp xưng danh. Không có công đức nào vượt qua công đức sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật.”
Lời Đức Phật A Di Đà khai thị cho Nhất Biến Thượng Nhân quả thực là vô giá! Nguyện Pháp giới chúng sanh đều cùng phát tâm trì niệm danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Nguyện “vạn người niệm Phật, vạn người cùng vãng sinh Tây Phương”.
Pháp môn niệm Phật là pháp tu nương vào Nguyện lực của Phật A Di Đà để thoát khỏi sanh tử luân hồi. Phàm hễ bạn phát nguyện vãng sanh mà chuyên một pháp niệm Phật, không bị pháp sư giảng kinh làm lung lạc, không bị trước tác của người làm thối chuyển, thì chắc chắn được vãng sanh. Tại sao như thế? Bởi nương hoàn toàn vào lực nhiếp hộ của Phật A Di Đà vậy!
Đức Phật A Di Đà và Pháp môn Niệm Phật
Chúng sanh thời mạt pháp hiện nay, nếu không có pháp môn niệm Phật, chắc chắn không thể ra khỏi sanh tử! Niệm Phật là pháp dễ tu, đặc biệt thích hợp cho người tại gia. Do người tại gia thân vướng lưới thế gian, không thể buôn bỏ hết để tu hành được. Ngài Mộng Đông nói: “Thật vì sanh tử, phát Bồ đề tâm, dùng tín nguyện sâu trì danh hiệu Phật“. Mười sáu chữ khai thị này thâm sâu và khẩn thiết đến cùng cực, được Tổ Ấn Quang gọi là Đại cương tông của pháp môn Niệm Phật. Đây cũng chính là Tông chỉ của Pháp môn niệm Phật.
Pháp môn niệm Phật truyền thừa hoàn chỉnh nhất từ Tổ Thiện Đạo, là hóa thân của Phật Di Đà. Ngài dạy Chuyên Tu vì sợ hành nhân tâm chí bất định, bị các pháp môn khác đoạt chí. Ngài thường nói “Dẫu cho khắp tất cả từ Sơ, Nhị, Tam, Tứ Quả thánh nhân. Các Bồ Tát Trụ, Hạnh, Hướng, Địa, Đẳng Giác. Cuối cùng là mười phương chư Phật tận hư không, trọn pháp giới. Hiện thân phóng quang khuyên bỏ Tịnh Độ, giảng cho diệu pháp thù thắng tôi cũng chẳng chịu nhận. Bởi thoạt đầu đã phát nguyện chuyên tu Tịnh Độ, chẳng dám trái nghịch nguyện ấy”.
*
Lại bảo: “Chúng sanh đời Mạt Pháp thần thức chông chênh, tâm thô, cảnh tế, quán khó thành tựu. Vì thế, Đại Thánh bi mẫn, riêng khuyên chuyên trì danh hiệu Phật. Vì xưng danh dễ dàng, niệm Phật liên tục bèn được sanh”.
Dù có đại thần thông, có đại trí huệ, xiển dương Tịnh Độ rộng rãi, nhưng Ngài không chuộng huyền diệu, chỉ trọng chỗ chân thật, thiết thực, bình phàm, thực tiễn để dạy người tu trì. Về Pháp môn niệm Phật, lời dạy của Ngài về Chuyên Tu lợi ích vô cùng. “Chuyên Tu nghĩa là chỉ dùng Nguyện thiết với Tin sâu mà niệm sáu chữ Nam mô A Di Đà Phật. Từ lúc phát tâm cho đến lúc mãn phần, không mảy may xen tạp. Như thế thì vãng sanh Tây Phương vạn người chẳng sót một”. Về sau, đúc kết lại ý của Tổ Thiện Đạo và Tổ Ấn Quang, Pháp sư Huệ Tịnh đề xướng:
Tin nhận Di Đà cứu độ
Chuyên xưng Di Đà Phật danh.
Nguyện sanh Di Đà Tịnh Độ.
Độ khắp mười phương chúng sanh.
Đây chính là con đường tắt để đưa hết thảy chúng sanh lìa xa tam giới.
Cần hiểu đúng về nhất tâm niệm Phật
Bạn hay nghe rằng, muốn được vãng sanh Cực Lạc, phải niệm Phật được nhất tâm. Xin khẳng định: Điều này hoàn toàn không đúng! Tổ Ấn Quang dạy: Pháp môn Niệm Phật đặc biệt chú trọng Tín – Nguyện. Có Tín – Nguyện nhưng chưa đắc nhất tâm cũng có thể vãng sanh. Đắc nhất tâm nhưng không có Tín – Nguyện, vẫn chẳng được vãng sanh!
Người đời phần nhiều chú trọng nhất tâm, chẳng chú trọng Tín – Nguyện, tức là đã đánh mất điều quan trọng cốt lõi nhất. Nếu lại còn sanh khởi mối nghi “chưa đắc nhất tâm, sợ rằng chẳng được vãng sanh” thì hoàn toàn trái nghịch với lòng tin chân thành, nguyện thiết tha mất rồi! Kiểu suy nghĩ này tợ hồ là suy nghĩ tốt, nhưng thật ra, nếu do đây sẽ càng tăng thêm tín nguyện để đạt đến nhất tâm thì đó là cách suy nghĩ tốt. Còn nếu do chưa được nhất tâm bèn thường nghĩ chẳng thể nào vãng sanh được thì sẽ trở thành cách suy nghĩ xấu, chẳng thể không biết!
Pháp môn Niệm Phật chỉ cần đầy đủ lòng tin chân thành, nguyện thiết tha, chí thành niệm Phật. Đến khi lâm chung ắt được Phật từ tiếp dẫn vãng sanh Tây Phương. Ví như trẻ thơ do cha mẹ nâng dắt, liền có thể về thẳng đến nhà của chính mình. Con người gần đây thích lập dị, chẳng chịu thực hiện công phu thật thà, nên mới có kẻ học Thiền tông, Tướng tông, Mật Tông.
*
Ba pháp môn này đều chẳng thể nghĩ bàn, nhưng đều thuộc về tự lực. Mật Tông tuy có giáo nghĩa “hiện thân thành Phật” (thành Phật ngay trong thân này). Thế nhưng rốt cuộc có mấy ai thành Phật ngay trong đời này? Đừng nói chi người học Mật chẳng thể thành Phật ngay trong thân hiện tại. Ngay cả các vị Hoạt Phật truyền dạy Mật Tông cũng chẳng phải là người có thể thành Phật ngay trong thân hiện tại được!
Pháp môn niệm Phật rất thân thiết với người tại gia. Do tại gia bị bận buộc nhiều thứ, nên chẳng thể trì giới tinh nghiêm. Tuy vậy, người niệm Phật cần phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận. Cần phải dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành. Khi đó mới có thể dùng thân để hướng dẫn người khác, tự lợi, lợi tha vậy.
Nếu luân thường khiếm khuyết, người ta sẽ chẳng sanh lòng khâm phục, kính trọng; Cho nên đối với kẻ hiểu lý còn khó thể khuyến hóa; Đối với kẻ chẳng hiểu lý, do chính ta còn thiếu sót trong chuyện tận tụy thực hành, họ sẽ chẳng chịu nghe theo lời ta nói. Đấy chính là dùng lời nói để dạy sẽ bị tranh cãi; dùng thân để dạy, người ta nghe theo. Phàm mọi chuyện đều phải lấy thân làm gốc, huống chi dạy người pháp môn niệm Phật để thoát khỏi sanh tử đó ư?
( Đức Phật A Di Đà khai thị )
Tuệ Tâm 2019.
mope65 viết
Nam Mô A Di Đà Phật
Nguyện Sinh Tây Phương Tịnh Độ
Kinh Ngiệm Học Phật viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Quảng Tiến viết
Cảm ơn Tuệ Tâm đã chia sẽ những lời khai thị vô cùng quý giá này.
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Nam Mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Lê viết
Con nguyện cầu sanh Tịnh Độ.Xin đức Phật A Di Đà từ bi rước chúng con về cõi Tây phương Cực Lạc
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật
Nam mô A Di Đà Phật