Học phật mà còn phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa, tất chưa hiểu sâu về Phật pháp. Cách với đạo rất xa! Bởi Pháp nào cũng là từ đức Phật thuyết ra mà có. Bạn nếu khởi tâm chê bai ắt tự mắc phải cái tội báng Pháp, quả báo thật vô cùng nặng nề!
Mạt pháp tu hành, chánh pháp suy vi, ngoại đạo lừng lẫy. Người có nhân duyên phát tâm tu học Phật pháp rất hiếm. Dẫu chưa giải thoát thì cũng gieo được nhân giải thoát về sau. Vậy cũng đã tốt lắm rồi, còn hơn chẳng gieo được một chút căn lành, để muôn kiếp trôi lăn trong sinh tử. Pháp nào cũng là Phật pháp, cũng đều là hương vị của Thanh Lương. Cũng đều là phương tiện để rời xa sanh tử, phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa để làm chi?
- Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
- Thiền Tông và Tịnh Độ Tông.
- Thiền Tông là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- Cảnh giới trên bước đường học Phật
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
- Phân biệt tiểu thừa và đại thừa
Đại thừa và Tiểu thừa
Đại thừa và tiểu thừa là hai trường phái tu tập chính của Phật pháp. Do thiếu bi tâm và cũng bởi trường danh sắc lợi, nên những tranh cãi về hai trường phái này liên miên không dứt. Ai cũng tự cho pháp mình tu là đúng, là duy nhất đúng. Người tu khác mình là sai, là không đúng chánh pháp. Vậy nên, tranh cãi liên miên hết đời này qua đời nọ. Việc tranh cãi chẳng mang đến lợi ích gì cho Phật pháp, cho chúng sinh. Cũng chẳng mang đến lợi ích gì cho người tu tập. Có chăng, chỉ là danh lợi dành cho những người khởi lên tranh cãi mà thôi.
Luận về pháp, Tổ Thiền Tâm nói: “Những pháp nào đi đến Phật quả cứu cánh, giảng thuyết rộng về giới ngoại và sự lợi tha (lợi ích cho nhiều người), đó là pháp Đại Thừa. Ngược lại, chính là pháp Tiểu Thừa. Nhưng điểm chủ yếu để phân định Đại Thừa hay Tiểu Thừa, là thuộc về tâm chớ không phải pháp. Nếu dùng pháp Tiểu Thừa hoằng hóa, làm phương tiện để dẫn đến Phật quả, thì đó chính là Đại Thừa”. Bậc Tổ Sư đại triệt đại ngộ, kết luận đơn giản vậy thôi, nhưng người ta không muốn hiểu!
*
Phân biệt Đại thừa và Tiểu thừa để làm gì? Bạn muốn tu pháp nào thì cứ tu, miễn lợi người lợi mình, miễn giải thoát là được. Đúng sai làm gì, để thời gian mà tu có phải tốt hơn không? Khi giới hạnh chưa tinh nghiêm, tâm còn chưa rỗng rang thì đừng khởi phân biệt Tiểu hay Đại. Chẳng mang đến ích lợi gì cho mình và cũng không có ích cho tha nhân. Muốn được lợi ích nơi Phật pháp, đừng khởi tâm cống cao ngã mạn. Đừng khởi tâm phân biệt môn đình, đừng tranh cãi thị phi!
Tổ Ấn Quang nói:” Thuốc không quý tiện, lành bệnh là thuốc hay. Pháp chẳng thấp cao, hợp cơ là pháp diệu”. Hóa thân của Đại Thế Chí Bồ Tát nói như vậy, phàm phu chúng ta không tin thì còn tin ai? Sao còn khởi tâm phân biệt Đại thừa với Tiểu thừa để làm chi?
Tuệ Tâm có anh bạn tại gia, ngày ăn một bữa, tu hành tinh tấn. Anh trì Chú Lăng Nghiêm trong chín năm ròng rã. Nhờ đó, trí tuệ và một số khả năng khác được khai mở. Tôi rất ngưỡng mộ anh vì biết anh chân thật tu trì và cũng biết rằng: Chỉ thuộc được Chú Lăng Nghiêm thôi, người căn tánh nhanh nhạy cũng phải mất sáu tháng.
*
Một hôm, nhân lúc trà dư anh hỏi: Chú hiểu Đại thừa và Tiểu thừa thế nào? Thiền và Tịnh có khác nhau không? Tôi buột miệng đáp: Em chẳng thấy có gì khác nhau cả. Anh mỉm cười chẳng nói gì thêm. Chưa một lần tôi thấy anh luận pháp với người. Anh bảo:” Chỉ cần thấy có người tu học Phật là vui rồi, còn họ tu pháp nào cũng được”. Người chân thật tu trì luôn đơn giản như thế đấy! Đến bây giờ anh em vẫn chơi thân, vẫn quý trọng nhau. Anh trì Chú còn tôi vẫn niệm Phật, nào có sao đâu?
Sau này khi hiểu thêm được đôi chút về Phật pháp, tôi vẫn thấy Thiền và Tịnh vốn chẳng khác gì nhau. Lấy Tĩnh vào Tĩnh, lấy Động vào Tĩnh, cũng đều là vào Tĩnh cả đấy thôi. Chẳng phải pháp nào cũng đều chung mục đích cuối cùng là ra khỏi tam giới đó sao? Đã tu sao còn phân biệt pháp hơn pháp kém?
Dù chuyên tu Tịnh Độ nhưng đến giờ tôi vẫn mến thích những ai “chân thật” tu Thiền. Bởi phải nương hoàn toàn vào tự lực, người tu Thiền phải trì giới tinh nghiêm mới mong có quả ngọt. Khi Nội cảnh giới hoặc Ngoại cảnh giới phát sinh, nếu Định lực còn non yếu, tất sẽ dễ lạc vào Ngũ Ấm Ma.
*
Vậy nên, nếu bạn đã có duyên học Phật thì cứ thế mà tu. Đừng khởi tâm phân biệt Đại thừa hay Tiểu thừa làm gì, vô ích. Căn tánh và nhân duyên của mình phù hợp pháp nào thì dành thời gian tu pháp đó. Mình chưa độ được mình thì vọng cầu chi đến việc độ người.
Thế gian có khoảng hơn bảy tỉ người. Có bao nhiêu trong số đó biết tới Phật pháp đâu. Người ta biết đến Phật pháp, biết đến tu tập là tốt lắm rồi. Đừng vì hộ trì tông môn, đừng vì ngã mạn của mình mà khởi tâm lôi kéo, tranh cãi, làm tổn hại đến duyên học Phật của người khác.
Chư Tổ Sư dạy: “Tâm còn khởi phân biệt, cách với đạo rất xa”. Đoạn mất đường giải thoát của người, nhân quả không bút mực nào tả hết được đâu! Xin chắp tay, cúi đầu mong bạn ghi nhớ.
Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa: Lời cảnh tỉnh của Thiền Sư
Tôi mỗi lần lần đọc lại chuyện này lại thấy tâm mình dấy lên niềm thương cảm rất lạ. Một hôm duyên gặp một bậc chân tu, Thầy ấy bảo: “Ấy là do túc nghiệp vậy. Kiếp năm xưa từng trong hoàn cảnh ấy, nên ngày nay gặp cảnh tương ưng, tâm sẽ không tránh khỏi bùi ngùi!”. Nay xin mạn phép tác giả đưa lên đây để lợi lạc cho người học Phật.
“Một vị thiền sư trước khi lâm chung đã bày tỏ sự sám hối về những việc đã từng làm trong suốt cuộc đời của mình, cũng là lời cảnh cáo cho tất cả những người đã và sẽ bước đi trên con đường tu luyện.
Vị thiền sư ấy là một người bạn thâm giao nhiều năm của tôi, mắc phải bệnh nan y, trong thiền định mà đối mặt với cái chết, cũng như tham ngộ về cái chết.
Vốn là bạn tốt của nhau, trước lúc ông qua đời, tôi thường xuyên đến thăm và lắng nghe những lời chỉ bảo từ ông ấy. Mỗi lần tôi đến, thấy ông luôn ngồi ngay ngắn, trên gương mặt tiều tụy luôn mỉm cười.
Chúng tôi ngồi xuống nói chuyện, ông nói:
– “Cả một đời của tôi đắm chìm trong hư danh. Tuy nhìn bề ngoài rất có tiếng tăm, cũng xuất bản sách, cũng có người theo tôi học Phật. Nhưng tôi biết rõ, bản thân mình vốn không thật sự giác ngộ, cũng không thấy được chân ngã của mình. Bây giờ nghĩ lại mới thấy tưởng thông minh lại bị thông minh hại”.
*
Tôi nói:
– “Các đấng tôn sư xưa nay, chẳng phải cũng có những người đã đắc Đạo trước lúc lâm chung hay sao?”
Ông nói:
-“Đó là người đại căn khí, buông bỏ vạn duyên, tâm hồn thanh tịnh, không giống loại tiểu căn khí như tôi. Cả đời này của tôi, chính vì rất thông minh, rất có tài, rất có tình, vì vậy mà có quá nhiều thứ không thể buông bỏ được.”
Tôi lại hỏi:
– “Thế ông gần đây tu luyện thế nào vậy? Mỗi lần tôi tới, đều thấy ông đang ngồi thiền, tôi cũng không đành lòng quấy rầy ông, chỉ đứng ở bên ngoài niệm Phật, cầu nguyện cho ông!”
Thiền sư cười nhạt một tiếng, nói:
-“Cảm ơn ông! Về chuyện sinh tử, khi nào chết, thậm chí kiếp sau đầu thai nơi nào, tôi đều đã biết được”.
Tôi nói:
– “Thế chẳng phải là ông đã tu được rất cao rồi sao? Ông đã biết được khi nào sẽ chết, đầu thai nơi nào, vậy mà còn chưa khai ngộ sao?”
Thiền sư có chút hổ thẹn nói:
– “Đấy chỉ là chút bản sự cỏn con, không có chút quan hệ gì với khai ngộ cả, càng không có quan hệ với việc tìm được chân ngã của mình. Từ khi 3 tuổi, tôi đã có thể nhớ lại nhân duyên đầu thai của mình. Đời này của tôi từ sớm đã biết rõ bản thân ‘sống đến từ đâu’, một đời tu hành chỉ là muốn biết được ‘chết đi về đâu’.
*
Bây giờ có thể biết rõ ngày chết, cũng biết sau khi chết sẽ đi về đâu, chẳng qua vẫn là luân hồi làm chúng sinh trong Tam giới. Cái kiểu tu hành qua loa này nếu đem so với việc đắc Đạo hoặc khai ngộ; hoặc tìm lại được chân ngã của mình thì hãy còn xa lắm”.
Tôi hỏi:
-“Vậy sao gần đây ông tinh tấn tu hành vậy?”
Thiền sư nói:
– “Một lòng sám hối những nghiệp chướng đó, tịnh hóa từ trong tâm. Tôi là một người sắp chết, mong sao trước khi chết, thanh lọc nội tâm mình. Mấy tháng nay tôi không ngừng sám hối.
Tôi sám hối cho những nghiệp chướng tôi đã tạo ra; sám hối cho những việc làm sai trái mà tôi đã phạm phải. Sám hối bản thân mình đã không tận hiếu thật sự; sám hối bản thân mình đã làm tổn thương người thân bạn bè; sám hối bản thân đã từng nói rất nhiều lời ngông cuồng; sám hối bản thân đã từng miệng nói một đằng, tâm nghĩ một nẻo; sám hối vì tôi đã làm tổn thương về tâm hồn đối với những cô gái đã từng yêu tôi; sám hối những lời dối trá đối với đồng tu…”.
Thiền sư đã nói nhiều sự tình cần phải sám hối như vậy, lúc nói ông còn chảy nước mắt. Ông nói với tôi:
-“Một người, trước khi lâm chung mà thành tâm sám hối, chính là buông bỏ gánh nặng, nhẹ nhàng mà lên đường”. Nói đến câu này, ông nở nụ cười. Ai cũng biết “lên đường” là có ý gì.
*
Ông muốn tôi tìm một cái thau bằng sắt thật lớn, rồi mang những bản thảo trong suốt một đời của ông, cao chừng 1 mét, đốt trước mặt ông.
Giúp ông đốt bỏ ư? Tôi không đành lòng, nói:
-“Đây vốn là tâm huyết cả đời của ông. Có bao nhiêu nhà xuất bản muốn mua bản thảo của ông, cớ sao lại muốn đốt bỏ chứ? Không phải rất tốt sao?” Tôi quả thực không muốn đốt.
Ông nói:
-“Ông không đốt, vậy thì tôi tự mình đốt. Những thứ này không có giá trị gì hết, không đốt bỏ đi thì dùng để làm gì? Tôi không đắc Đạo, những lời giải thích loạn bậy Phật Pháp kia, suy cho cùng đều chỉ là ma chướng. Bản thân tôi vốn biết rất rõ.
Đốt bỏ những bản thảo này để tránh dẫn thế hệ sau lầm đường lạc lối, cũng là để tránh tăng thêm tội lỗi của tôi. Bản thân không có tìm được chân ngã của mình, thì hết thảy những gì mình nói ra thảy đều là “chồn cáo hoang”. Ông muốn tôi bị sa vào địa ngục sao?”
Ông trầm tĩnh nói:
-“Tôi cả đời thuyết Pháp giảng Kinh, biện luận thị phi. Bởi vì không đắc Đạo, không thấy được chân tướng, nói những lời lộng ngôn cùng những luận giải bất chính… Giờ đây, báo ứng tại thân, mắc bệnh tại khoang miệng, thực quản, dạ dày”.
*
Mặt của ông càng ngày càng gầy gò, bởi vì ngồi thiền nên tinh thần vẫn còn đỡ một chút. Tôi cùng với ông đốt từng quyển từng quyển sách một, gồm cả nhật ký của ông, khá nhiều được dùng bút lông ghi, chữ viết vô cùng ngay ngắn.
Nhìn dáng vẻ điềm tĩnh và thoát tục của ông tôi rất cảm động; cũng muốn trước khi tôi chết, sẽ giống như ông: Đốt hết tất cả nhật ký, bản thảo của mình; không lưu giữ những thứ tạp nham, hoàn toàn sạch sẽ, không một chút lo lắng mà rời đi. Tâm tư của tôi vừa động, ông cười, nói:
– “Đừng học theo tôi, học tôi không có tiền đồ gì cả”.
Nhiều lần tôi đến, thiền sư đều nói là đang sám hối nghiệp chướng, sám hối tội lỗi trong quá khứ, ông nói với tôi:
-“Khẩu nghiệp là điều khó sám hối nhất. Trong một đời này, tôi giảng Kinh thuyết Pháp, miệng nói ra những lời xằng bậy, nói những điều không phải về người khác, khẩu nghiệp chất cao như núi”.
Ông thở dài:
-“Cho dù khẩu nghiệp sâu nặng, tôi vẫn là muốn sám hối cho hết để cái chết được thanh thản. Xem ra, tôi còn phải chết muộn hơn một tháng so với dự tính trước đó. Một tháng này chuyên dùng vào việc sám hối khẩu nghiệp. Những người tu Đạo học Phật chỉ nói thôi cũng là tạo nghiệp, huống chi tôi tạo khẩu nghiệp, nói lời không phải, tranh giành đúng sai, nói chuyện không chính đáng. Không biết một tháng này có đủ để sám hối không? Chờ tôi sám hối xong rồi, chính là ngày mà tôi sẽ rời đi”.
*
Ông vừa là người bạn, vừa là người thầy trong nhiều năm của tôi nên tôi rất buồn, hỏi ông:
– “Ông phải đi rồi, ông có lời khuyên hay cảnh cáo sau cùng gì dành cho tôi không?”
Thiền sư nói:
– “Tôi biết con đường tương lai của ông, nhưng không thể nói ra được. Nếu như nói ra thì chính là hại ông vậy. Con đường tương lai ở trong lòng của ông, nếu như vào mỗi buổi tối ông có thể tĩnh tọa, nhìn vào trong tâm mình, thì cũng sẽ biết được thôi.
Kinh nghiệm trong một đời này của tôi, có thể nói cho ông hay, chính là: Nếu như bản thân không có đắc Đạo, không có khai ngộ, không có thấy được chân ngã của mình thì quyết không được làm thầy người ta. Làm thầy người ta thì sẽ hại người ta. Dẫn người ta đi sai lệch thì cũng chính là làm hại sinh mệnh người đó, quả báo thật nặng nề. Báo ứng của tôi chính ở trước mắt ông đây, vì vậy, quyết không được làm thầy người ta!
Thứ hai, nếu như ông đã khai ngộ, tìm lại được chân ngã của mình rồi, thì vẫn cần phải giữ vững chuyện tu hành. Sau khi tu được cao rồi thì mới bước ra hoằng dương Phật Pháp. Dẫu cho ông đã có đệ tử, thì cũng hãy nhớ: Đừng nên tiếp nhận cúng dường, quyết không được ngược đãi đệ tử. Những chuyện trong chốn này tôi đã thấy nhiều rồi. Rất nhiều người làm thầy sai khiến đệ tử giống như là đầy tớ vậy, tội ấy rất nặng.
*
Thứ ba, chớ coi thường bất kỳ người nào không hiểu Phật Pháp. Dẫu cho hiểu biết của họ còn non nớt, sai lệch đi nữa, thì cũng đều không thể cười nhạo người ta. Tôi trong suốt một đời này đã cười nhạo rất nhiều người có kiến giải sai lệch; kết quả bản thân đã gặp phải báo ứng.
Mỗi một người chưa khai ngộ đều có thể là một vị Phật trong tương lai. Một khi đã khai ngộ thì chính là Giác giả, ông há có thể cười nhạo Giác giả được? Đạo lý này tôi hiểu, nhưng cái thói xấu xa, bản tính kiêu ngạo dẫn dắt đã rước lấy không ít nghiệp chướng cho mình. Hết thảy những gì sám hối trong một tháng gần đây, chính là sám hối tội lỗi với những người mà tôi đã từng xem thường trước đây.
Thứ tư, sau này nếu như ông có gặp người khác, cho dù là các đấng tôn sư ngoại đạo đi nữa thì cũng không nên so sánh rằng ai cao ai thấp. Tại cõi người này có vô số Bồ Tát hóa thân dạy bảo người ta. Ngoại đạo lẽ nào không có được Bồ Tát giáo hóa chăng? Không nên mang theo cái tâm phân biệt và thành kiến. Ông hãy một lòng lắng nghe, nhìn vào bên trong mình: Trí huệ bên trong sẽ tự sinh ra, sinh mãi không ngừng. Bản thân tôi trước đây rất thích tranh luận, rất thích tranh đấu với người ta; lấy ngòi bút làm vũ khí, kết quả bản thân mắc phải ung thư vòm họng, ung thư thực quản… Tội nghiệp quả thật là sâu nặng thay”.
*
Miệng ông đang nói, còn nước mắt thì không ngừng rơi. Đó chính là những giọt nước mắt ân hận, giọt nước mắt thức tỉnh; cũng là những giọt nước mắt khuyên răn.
Ông nhìn tôi: “Đã nhớ chưa?”.
Tôi nói: “Nhớ rồi”.
Trong mười năm nay tôi cũng có một chút hư danh. Đôi lúc cũng có một số người tìm đến bái tôi làm thầy. Nhưng tôi nhớ kỹ lời dạy của thiền sư, trước giờ chưa từng nhận qua đồ đệ. Có người quỳ xuống dập đầu bái lạy tôi, tôi cũng vội vàng quỳ xuống dập đầu bái lạy lại. Đây đều là những lời dạy bảo của thiền sư ấy.
Một tháng sau, ông nói:
-“Tôi phải đi rồi, vẫn là chuyển sinh ở vùng Tây Bắc, vùng đó tuy nghèo, nhưng con người thật thà chất phác, gốc rễ của tâm linh Phật, Đạo rất sâu, không giống như người Giang Nam, dùng Phật, Đạo để kiếm tiền, cũng không giống như những người Đông Bắc, thực chất bên trong vốn không hề tôn kính Phật. Tôi chuyển sinh vào vùng Tây Bắc, nếu như hai anh em chúng ta có duyên, ba mươi năm sau, còn có thể gặp lại, khi ấy ông là anh cả, tôi là em trai, ông cần phải giúp tôi đấy nhé!”
Chúng tôi đều cười. Tôi nói:
-“Khi tôi học thiền với ông không có thăng tiến, ông đã từng đá tôi, lúc đó cũng là lúc tôi phải đá lại ông rồi”.
Ông nói:
-“Nếu được thì hãy cứ đá mạnh một chút. Mong sao dưới một cú đá này, tôi sẽ khai ngộ ngay lúc đó”.
*
Ông thật sự đã ra đi vào đúng cái ngày ông nhận định, nhục thể được hỏa táng. Tôi lấy một chút tro cốt của ông mang theo lúc chuyển nhà. Có một năm, tôi phát hiện cái cây mọc ngoài cửa sổ lại chính là cây hải đường. Cây thu hải đường, lúc này mới đột nhiên nhớ lại bài thơ trước lúc lâm chung của ông:
Hải đường phong quá thiền hồn hương,
mênh mông thanh thiên thị cố hương.
Trở lại cầu Đạo, Đạo còn đâu?
An khang phúc thọ chẳng mong cầu.”
Tôi bỗng nhiên ngộ ra, liền đem số tro cốt của ông rải xuống dưới cây hải đường bên ngoài cửa sổ. Trước đây chỗ đó vốn có cây thông, trồng được hai năm, do công việc của tiểu khu nên đã dời chuyển cây thông đi chỗ khác, trồng cây hải đường vào đó.
Được khoảng 5 năm, vào mùa hè, hải đường rậm lá, có vô số ve sầu ca hát dưới tán lá. Vào cuối thu, hoa hải đường đỏ chói, tiếng ve kêu dừng hẳn, ban đêm lại yên ắng đến lạ thường, yên ắng đến nỗi khiến người ta cảm thấy không quen với những đêm không có tiếng ve sầu, “tiếng ve ồn ào rừng muốn tĩnh, chim kêu đồi núi càng âm u”.
*
Người ta thường coi “phúc, thọ, an, khang, chết già” là năm cái phúc của đời người. Vị thiền sư đó không cầu năm điều phúc ấy của nhân gian, mà chỉ cầu đại Đạo.
Ông ấy hiển lộ ra điều thần kì khi đoán trước nơi ở sau này của tôi; tro cốt của ông ấy sẽ thấm vào các nhánh cây hải đường. Ông nói những thứ này đều là vô thường cả, còn cách đại Đạo, cách chân ngã của sinh mệnh rất xa. Ngay đến cả tu hành như ông ấy vẫn còn chưa có thoát khỏi sinh tử; chưa có khai ngộ, chưa có tìm được chân ngã của sinh mệnh bản thân mình.
Khi viết bài này, thiền sư ấy đã viên tịch hơn mười năm rồi. Nghĩ về chuyện tu hành của bản thân thì thật không khỏi cảm thấy xấu hổ. Vị thiền sư đó là ai vậy? Tôi không muốn nói ra tên của ông ấy. Ông đã đốt bỏ toàn bộ bản thảo của mình thì cũng tức là không muốn ai nhớ đến ông ấy nữa. Tôi tin tưởng rằng sẽ có một ngày, tôi sẽ gặp lại ông ấy giữa biển người mênh mông.”
( Không nên phân biệt Phật giáo Đại Thừa và Tiểu Thừa )
Tuệ Tâm 2019.
Hóa Khoa viết
Đọc qua câu chuyện trong bài viết, chợt nhớ đến 2 đoạn sau đây trong kệ Tứ Liệu Giản của Vĩnh Minh Diên Thọ thiền sư :
Có Thiền, không Tịnh Độ
Mười tu, chín lạc lộ
Ấm cảnh nếu hiện ra
Chớp mắt đi theo nó.
Không Thiền, có Tịnh Độ
Muôn tu, muôn người sanh
Khi được gặp Di Đà
Lo gì không khai ngộ !
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT !
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, mới niệm phật đệ tử nghĩ pháp môn niệm phật dễ tu dễ thành công mà ít người tin, người thân quen đều hăng hái nói với họ,… Lâu dần niệm phật đệ tử tự hiểu ra mỗi người đều tự có duyên pháp và nghiệp riêng của mình, họ khg tin thì thôi, tùy duyên vậy, họ có chút duyên với phật pháp là tốt rồi
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Đúng vậy bạn ạ! Mọi thứ đều có nhân duyên, trừ bậc tu hành có đạo hạnh ra, rất khó để khuyên được người khác. Vì thế, ta khuyên một vài lần mà họ không nghe thì thôi, chớ cưỡng cầu mà phát sanh phiền não!