Công đức tiền nơi Đền hoặc Chùa là việc rất bình thường. Cứ vào dịp cuối năm và đầu một năm mới, khắp mọi miền trên đất nước đều nhà nhà đi lễ, người người đi lễ. Đầu năm đi lễ, xin vay đủ thứ, cuối năm lại khệ nệ lễ lạt tạ ơn. Dù già hay trẻ, không đến những nơi linh thiêng ấy thì thôi, hễ đến thì dù giầu hay nghèo cũng đều tùy sức của mình mà công đức chút ít tiền bạc. Tuy nhiên công đức như thế nào là đúng pháp, là được phước, thì cực hiếm người biết.
Bạn đọc thân mến! Tôi viết bài này cho cả hữu hình và vô hình cùng đọc. Như có chư vị quỷ thần nào không ưng, cũng xin chớ khởi tâm sân giận. Bởi người đi lễ mà đúng pháp, chư vị được phước, nhưng nếu ngược lại, phước đức của chư vị sẽ hết rất nhanh. Mà một khi hết phước ắt sẽ lại đọa tam đồ, chịu khổ chẳng biết đến kiếp nào mới lại được làm người, đừng nói đến việc làm Thần mà hưởng phước được thờ cúng làm chi cho nhọc lòng.
- Chuyện thôi miên chữa bệnh và soi tiền kiếp.
- Diêm vương có thật không.
- Luận về Bản Ngã.
- Thuyết Duyên Khởi.
- Diêm vương có thật không.
- Ăn chay có được ăn trứng không
- Công đức xây Chùa tạc Tượng lớn như thế nào.
Công đức tiền nơi Đền Chùa như thế nào là đúng
Chúng ta quen theo tâm tham, duyên theo mê tín, nên đa phần làm công đức một cách rất tùy tiện. Hoặc đặt tiền lên mâm lễ thờ Phật, hoặc cầm tiền xoa vào tôn Tượng, hoặc rải tiền lẻ khắp nơi. Có người còn nhất quyết một hai ghi vào sổ công đức, cầm tờ giấy về rồi đặt lên bàn thờ nhà mình…Những việc ấy tổn phước vô cùng!
Lại khi quỳ lạy nơi chánh điện, thay vì giữ tâm thanh tịnh cùng niệm Phật, ta lại để nó khởi lên muôn vàn điều xấu ác. Những niệm tham lam, tà dâm, chửi mắng, lường gạt, toan tính..khởi lên như sóng cuộn. Nơi Đền thì chẳng gì lắm, nhưng ở Chùa lại là chuyện hoàn toàn khác: Bạn vừa tổn phước vừa bị Hộ Pháp quở trách. Vì sao thế? Vì ta tham phước nên phạm tội bất kính. Phước đâu chưa biết, nhưng riêng cái tội bất kính này, bị chư Hộ Pháp quở ngay lập tức!
Vậy công đức tiền nơi đền và Chùa như thế nào là đúng?
Khi bạn đi lễ, dù là Đền hay Chùa mà muốn công đức tiền bạc thì chỉ nên âm thầm làm và chỉ bỏ tiền vào một nơi duy nhất. Nghĩa là bạn tìm hòm công đức rồi tùy điều kiện của mình mà cho tiền vào đó. Vậy là xong, đừng hòm nào cũng bỏ một ít, cũng không cần phải ghi giấy để làm gì.
Khi tâm ta khởi một niệm công đức, trong vô hình chư Phật, Bồ Tát cùng chúng quỷ thần đều rõ biết. Và theo quy luật của tự nhiên: Bạn bố thí cúng dường, dù nhiều hay ít, chỉ phát tâm thôi cũng đã có phước báo rồi. Cho nên chỉ bỏ tiền công đức vào một chỗ quy định mà thôi. Không có vị thần nào trách phạt vì bạn công đức ở ban thờ này mà không công đức ở ban thờ khác đâu mà lo. Và bạn cần biết việc này: Tiền công đức ấy là để hương hoa, tu bổ, tôn tạo và trang nghiêm nơi tâm linh. Chư Phật, Bồ Tát hay quỷ thần không có dùng chi đến tiền ấy hết.
Không nên đổi tiền lẻ đi Đền Chùa
Bạn đừng bao giờ đổi tiền lẻ khi đi lễ, việc ấy thật mê muội và chẳng có ích gì. Như ta muốn công đức 100 ngàn thì cứ cho cả 100 ngàn ấy vào hòm công đức. Ban quản lý nơi ấy được trọn vẹn 100 ngàn để cho vào quỹ tôn tạo, ta cũng được trọn phước cúng dường. Còn ngược lại, ta đem 100 ngàn đổi một xấp tiền lẻ thì chỉ được chừng 80 ngàn. Như vậy tự dưng ta mất không cho người đổi tiền 20 ngàn.
Bạn có thấy vô lý hay không? 20 ngàn ấy ta công đức thì được phước, chớ cho người đổi tiền thì chỉ giúp họ nhanh giàu, ta nào có được gì đâu? Lại ta đổi tiền rồi rải khắp nơi, ban quản lý di tích họ lại phải mất công gom lại. Việc khiến họ vất vả cũng khiến ta mất một phần phước cho họ. Thật chẳng đáng phải như thế!
Tiền công đức chớ dùng xoa lên tôn Tượng
Dù bạn đến Chùa hay đến Đền cũng ngàn vạn lần chớ dùng tiền xoa lên tôn Tượng. Việc này, vì ai cũng làm vậy nên ta thấy bình thường, chớ thực ra ta đang phạm tội bất kính. Vì sao thế? Vì tiền là vật bất tịnh! Phàm phu bọn ra chẳng thấy, cũng chẳng biết điều này. Cho nên hễ có được liền hoan hỉ cho ngay vào túi. Còn với người đã khai mở đạo nhãn, họ nhìn tiền chẳng khác chỉ vật nơi hầm phẩn, được bao bọc bởi một trường năng lượng đen kịt, vô cùng độc hại.
Bạn chỉ cần hình dung đại khái thế này thôi cũng thấy:
Về mặt thực tại: Từ khi tiền rời nhà in đến tay bạn, nó đã trải qua vô số bàn tay cùng nước bọt của vô số người. Vì thế trên bề mặt đồng tiền bẩn thỉu như thế nào, thiết nghĩ không cần bàn thêm nữa.
Về mặt tâm linh: Trên đồng tiền có dính chất độc, nó âm thầm hủy hoại linh tánh của con người. Chỉ là, rất hiếm người biết về việc này mà thôi. Tôn tượng cần luôn được giữ gìn cho trang nghiêm thanh tịnh. Nay ta đem vật nhơ bẩn ấy xoa lên tôn tượng. Bạn xem thế có được hay không? Lại càng nhiều người xoa thì tôn tượng càng nhanh hỏng.
Việc xoa tiền lên tượng vô tình khiến bạn phạm hai đại tội:
- Hủy hoại tôn Tượng.
- Bất kính: Do đem thứ ô uế bất tịnh xoa lên tôn tượng.
Hai tội này đều rất nặng mà chúng ta đa phần không biết. Bảo sao người đi lễ đền chùa, phước lắm nhưng tội cũng nhiều. Tất cả cũng đều do mê muội thiếu hiểu biết mà ra. Sau này quả lành ác trổ ra, cái nào đến trước thì thọ nhận cái ấy.
Tuyệt đối không dùng lễ mặn dúng dường.
Dù bạn đi đền hay chùa cũng chỉ nên mua hương hoa, bánh kẹo, tuyệt chớ dùng đồ mặn mà rước họa vào thân. Chuyện không dùng đồ mặn lễ ở Chùa nhiều người biết nên tôi không bàn. Nay chỉ bàn riêng việc lễ mặn nơi các Đền.
Sự thật nơi các Đền miếu
Ở Đền thờ, dù vị ngụ ở nơi đó tự xưng là tiên này, thánh nọ… thì cũng chỉ là nói cho vui thôi. Bậc Tiên Thánh thường ở những cõi giới thanh tịnh, lâu các trang nghiêm. Chẳng có Tiên nào, Thánh nào mà lại ngụ ở cái cõi uế trược và thọ hưởng máu thịt chúng sanh này cả. Cho nên chư vị nơi đền miếu đều ở trong cảnh giới của quỷ thần.
Quỷ thần ở đây có thể là chánh thần hoặc tà thần. Chánh thần là kẻ kiếp trước có công với nước với dân nên chết đi được hưởng phước làm Thần, được nhân dân lập đền thờ cúng. Tà thần thường là đám linh xà, hồ ly, chuột, rết…do hấp thụ nhật nguyệt tinh khí mà thành tinh, có chút thần thông lặt vặt. Đám này ngày nay đặc biệt nhiều! Tuy nhiên, dù chánh hay tà thì cũng đều chẳng biết gì về Phật pháp.
Nếu biết chắc họ chẳng dám thọ hưởng đồ cúng mặn, cũng tuyệt chẳng dám cho ai lễ lạy. Vì sao thế? Vì thọ hưởng đồ cúng mặn thì tạo sát nghiệp, rất nhanh hết phước làm thần. Một khi hết phước làm thần sẽ đọa địa ngục ngay lập tức.
Cho nên năm xưa Đông Nhạc Thánh đế, là một trong Ngũ Nhạc Đại đế, nắm quyền sinh sát khắp một vùng, lúc ngộ ra liền khẩn khoản đến quy y Nguyên Khuê Thiền Sư. Ông ta quy y rồi liền xin thọ năm giới để tránh đọa vào Địa ngục.
*
Nếu biết Phật pháp quỷ thần cũng chẳng dám để cho ai lạy. Vì sao? Vì người lạy ta thì họ được phước mà ta thì tổn phước. Về phước đức thì chỉ có đức Phật và Bồ Tát có công đức viên mãn. Viên mãn nghĩa là công đức có thể ban cho vô lượng chúng sinh mà vẫn tròn đầy. Không vì ban cho chúng sanh nhiều ít mà có vơi hay ít đi. Cho nên bạn lạy Phật cùng Bồ Tát thì được phước, nhưng phước đức của các Ngài vẫn y nguyên, chẳng có hao tổn gì. Còn quỷ thần chẳng có công đức vô lậu ấy. Cho nên càng nhiều người lễ lạy, họ càng nhanh hết phước. Một khi hết phước liền đọa ngay vào địa ngục.
Thời mạt này còn có một mối quy vô cùng kinh khủng đối với chúng quỷ thần ở các đền thờ. Cái họa ấy đến từ một số người xuất gia không hiểu biết đến đền lễ lạy. Chỉ cần thần nhận một lạy của người xuất gia, vô lượng kiếp sẽ phải đọa vào địa ngục. Thật vô cùng đáng thương xót! Vì người xuất gia, dù phạm giới hay giữ giới, đều là nơi phước điền vô lậu, trời người tôn kính. Nếu lễ lạy quỷ thần, vừa làm trái ngược lời Phật dạy, vừa khiến thần chịu quả báo đọa địa ngục. Cho nên mong chư vị quỷ thần hết sức thận trọng với việc này!!!
Lời Phật dạy về cúng dường tiền của nơi đền chùa
Theo An Sĩ Toàn Thư: “Trong Kinh Tăng nhất A-hàm, đức Phật dạy rằng: “Có năm loại bố thí không hề được phước. Một là giúp cho người khí giới để giết hại. Hai là giúp cho người thuốc độc để hại người khác. Ba là giúp cho người trâu dữ không thuần tính, có thể gây hại. Bốn là giúp cho người phụ nữ dâm loàn, khiến người hư hỏng. Năm là xây dựng miếu thờ tà thần.”
Người đời có những kẻ si mê, được gặp ruộng phước Tam bảo thì không chịu cúng dường bố thí, nhưng đối với những miếu thờ quỷ thần tà vạy thì mừng vui góp sức xây dựng. Đó là vì con mắt chân chánh chưa được khai mở. Một khi xây dựng thành tựu, lại cho ghi khắc tên tuổi rằng “ngày ấy tháng ấy năm ấy, do tên tuổi ấy kiến lập”, rồi dương dương tự mãn cho rằng mình đã bỏ tiền tạo được phúc lớn.
Than ôi, đâu biết rằng từ đó về sau, lễ cúng lớn thì giết dê mổ lợn, lễ cúng nhỏ thì gà, vịt, cá, tôm… phải đau đớn rên xiết vì dao thớt cắt xẻ, phải tuyệt vọng giãy giụa trong nước sôi dầu nóng, không thể biết được đã lên đến số lượng là bao nhiêu trăm ngàn vạn ức.
*
Quả thật là: “Thiên đường còn chưa thành tựu, địa ngục trước đã nên hình.” Khổng tử có nói: “Đối với những thần linh không đáng cúng tế mà cúng tế, đó gọi là tà vạy. Cúng tế tà vạy thì không có phúc đức.” Lành thay lời dạy của bậc thánh nhân, thật không khác biệt với lời Phật dạy
Những người khi sống thông minh chính trực, sau khi chết ắt sẽ là bậc thần linh. Lý lẽ ấy đối với thế gian là chắc chắn. Lại nói theo thế tục thì đó gọi là siêu thăng. Nhưng dùng sự thấu hiểu sáng suốt mà quán xét thì đó chính là đọa lạc. Ấy là vì người thế tục chỉ biết đời thứ hai mà không biết được đến đời thứ ba sau đó. Một khi đã là thần linh, tất phải thọ hưởng những phẩm vật cúng tế. Mà phần nhiều là do người đời sát sinh hại vật mà dâng cúng. Đã thọ hưởng những thứ ấy, ắt đời sau không tránh khỏi đọa vào các cảnh giới địa ngục, súc sinh, chỉ là việc đến ngay trong khoảng chớp mắt mà thôi.
Cho nên, trong lúc thay trời hành đạo dạy người, phải luôn cảnh giác với mối nguy hiểm tiềm tàng là tái sinh vào cảnh giới thần linh. Phải gấp rút cầu sinh Tịnh độ, xác lập rõ ràng định hướng cho đời mình. Phải thường xuyên phát khởi thệ nguyện rộng sâu. Dựa vào đó mà làm kiên cố thêm nền tảng tâm đạo Bồ-đề. Có như vậy thì mới tránh được mối nguy đọa lạc vào cảnh giới xấu ác.”
(Công đức tiền nơi Đền Chùa như thế nào là đúng?)
Tuệ Tâm 2022.
Đỗ Văn Học viết
Dạ xin hỏi Tuệ Tâm ạ!
Bình thường khi thắp hương ở nhà chúng ta đều vái lạy thần linh và ông bà tổ tiên. Theo trong này viết thì ko cần vái lạy nữa mà chỉ cần đọc khấn thôi là được đúng ko ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm đọc đi đọc lại bài viết mà vẫn không biết mình viết sai ở chỗ nào để đến nỗi khiến bạn nảy sinh ra cái tà kiến lạ lùng ấy? Đạo Phật lấy Hiếu làm nền tảng và Đức Phật dạy đại ý rằng: “Cha mẹ chính là hai vị Bồ Tát ở trong nhà” và “Cúng dường cha mẹ có công đức ngang với cúng dường bậc Nhất Sanh Bổ Xứ Bồ Tát”. Cho nên dù cha mẹ còn sống hay đã mất, ta lạy họ đều được phước báu vô biên. Sao lại không vái lạy ông bà tổ tiên cho được?
Về Thần Linh trong nhà, họ quanh năm che chở cho gia đình bạn, bạn thắp hương chẳng nhẽ chẳng chắp tay vái vài vái để tỏ lòng biết ơn chư vị hay sao? Lại nữa, “vái” và “lạy” khác nhau. Vái là hành động chắp chay trước ngực, kiểu xá chào, còn lạy là chắp tay nhưng quỳ xuống lạy, đầu chạm đất. Chắp tay “vái” cũng như lời chào, nhưng mức độ cung kính và tôn trọng vượt xa một bậc. Ngoài đời, ta gặp người lớn tuổi còn phải chào hỏi, chẳng nhẽ trước tượng thần linh không chắp tay xá chào người ta hay sao?
Về lạy, khi ta lạy với tư thế ngũ thể đầu địa để tỏ lòng tôn kính thì ta được phước, nhưng người được lạy, như Phật, Bồ Tát, quỷ thần…có nhận hay không thì lại là chuyện khác. Phật và Bồ Tát thì luôn thọ nhận, vì các Ngài nhận để chúng sanh được phước, để gieo nhân giải thoát cho chúng sanh. Còn với quỷ thần hay chư Thiên như Đế Thích, nhận hay không còn tùy vào sự hiểu biết về nhân quả của họ: Nếu không hiểu biết họ có thể nhận, còn nếu hiểu biết họ thật chẳng dám nhận đâu.
Đỗ Văn Học viết
Như vậy là em có sự nhầm lẫn giữa vái và lạy. Cảm ơn Tuệ Tâm đã chỉ rõ!
Cho e hỏi một chút về Thần Linh ạ. Ngài khi sống là người có đức hiếu sinh, sống có đức hạnh, là 1 người tốt. Vậy lẽ ra sau khi chết ngài nên được sanh vào cõi người hay cõi trời mà lại sanh vào cõi ngạ quỷ rồi lầm thần linh thế ạ?
Xin cảm ơn ạ!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Muốn tái sanh vào cõi trời, phải tu Thập Thiện ở mức thượng phẩm. Còn chánh nhân sanh trong cõi người là tu Thập Thiện Nghiệp ở mức trung phẩm. Mà sống trong cõi uế trược này, để tu được thập thiện vô cùng khó. Hạ phẩm thập thiện còn đếm trên đầu ngón tay, trung phẩm thập thiện trong 1 triệu người may lắm được 1-2. Cho nên chư Tổ bảo cõi ngũ trược này, vãng sanh về Cực Lạc Tịnh Độ, do nương vào Phật lực nên dễ hơn gấp vạn lần được tái sanh làm người là như thế!
Chư tôn thần lúc còn ở cõi người chẳng biết đến Phật pháp, nhân quả thì không biết nhân quả ba đời, chỉ biết thứ nhân quả tà kiến của thế gian. Cho nên dù có làm lành giúp dân, nhưng các nghiệp như sát, đạo, dâm, vọng…gây tạo vô biên. Vì thế mà may lắm chỉ vào được cõi quỷ thần!
Lê viết
Dạ.Nếu ta lạy 1 người phàm phu nào đó thì ta được phước còn người đó bị tổn phước.Ông thày pháp mà con kể trước đây với Tuệ Tâm,ổng tự xưng là hóa thân của 1 vị A La Hán và có căn Giáng Long La Hán nên ông ta kêu gọi mọi người lễ lạy ông ta y hệt như lạy Phật để được tiêu nghiệp tăng phước,con thấy mọi người lễ lạy ông ta như lạy Phật.”Ổng nói là ổng nhận lạy để mọi người được tiêu nghiệp tăng phước vì ổng nói ổng là hóa thân của 1 vị A La Hán”.Ổng lấy vợ lẻ rồi phá thai 4 lần với vợ lẻ.Ổng toàn phạm những tội cùng hung cực ác.Nên con chỉ biết thầm thương xót cho ông ta mà thôi.Nam mô A Di Đà Phật