Diêm Vương có thật không? Diêm Vương hoàn toàn có thật, Ngài chính là vị chúa tể cai quản toàn bộ cõi Địa Ngục, cõi thấp nhất và khổ hải vô biên trong Lục đạo Luân Hồi. Trong kinh Phật cũng như sách thế gian Ngài Diêm Vương được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau, như Vua Diêm La, Diêm La Vương, Diêm Ma.
Một bạn hỏi: Tôi nghe có người bảo: Cõi địa ngục và Vua Diêm La chỉ là quyền biến, không có thật. Việc ấy là như thế nào?
Tôi bảo: Kẻ nào thốt ra lời ấy là phạm tội hủy báng Tam Bảo. Vì tội ấy chắc chắn sau này đọa thẳng vào địa ngục! Tại sao thế? Bởi Địa Ngục là một trong sáu nẻo luân hồi, chúa tể cai quản cõi ấy là Vua Diêm La. Việc này đức Phật nói đến trong vô vàn Kinh sách. Đức Phật không bao giờ nói dối, lời Ngài luôn là chân thật ngữ và Lục đạo chúng sanh là một trong những giáo lý nền tảng của Phật Pháp. Kẻ ngu si nào cuồng ngạo hủy báng lời Phật, ắt đang sống mà một phần thần thức đã thọ báo nơi Địa ngục mất rồi. Ôi chúng sanh si mê, thật đáng xót thương!
- 10 điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- 33 Tầng trời trong Phật Pháp là gì.
- Tam giới là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- Thiên Ma là loại ma gì.
- Tứ Đại Thiên Vương là những ai.
- Tánh hóa linh tàn – Thật vô cùng kinh sợ.
Sự tích về Diêm Vương và Quyến Thuộc
Theo các Kinh Vấn Địa Ngục và Tịnh Độ Tam Muội thì “Vua Diêm La ngày xưa là quốc vương Tỳ sa cùng với vua Duy Đà Thủy Sinh giao chiến, binh lực yếu hơn, nên lập lời thề cầu nguyện làm chúa tể địa ngục. Có mười sáu vị tướng tá thống lãnh hàng trăm vạn quân sĩ, đầu mọc sừng, hai tai vểnh lên vì giận dữ, cùng lập lời thề, sau này sẽ xin kính giúp nhà vua trừng trị tội nhân ấy. Quốc vương Tỳ Sa chính là vua Diêm La hiện nay. Mười tám vị đại thần là các tiểu vương ngày nay. Trăm vạn quân lính là bọn ngục tốt vậy”.
Lại theo kinh Trường A Hàm: “Phía Nam châu Diêm-phù-đề có núi Kim cương, trong đó có cung điện của vua Diêm La, ngang dọc rộng sáu ngàn do tuần. Mỗi ngày đêm, vào lúc canh ba, có vạc đồng tự nhiên xuất hiện trước điện. Nếu vạc đồng chạy vào trong cung, nhà vua đâm ra sợ hãi, bỏ chạy ra ngoài cung. Nếu vạc đồng chạy ra ngoài cung, nhà vua bỏ chạy vào trong cung. Có tên ngục tốt cao lớn bắt nhà vua nằm trên sắt nóng, lấy móc sắt móc miệng, rót đồng chảy vào, từ yết hầu lọt xuống, tất cả đều cháy tan. Xong xuôi, nhà vua lại cùng các thể nữ vui chơi. Các vị đại thần cũng đều được hưởng phước báo như thế”.
18 vị Tiểu Vương giúp Diêm Vương cai quản Địa Ngục
Kinh Vấn Địa Ngục nói: “Mười tám vị tiểu vương cai quản trong địa ngục là:
- Ca Diên trông coi địa ngục.
- Khuất Tuân trong coi núi dao.
- Phất Tiến Thọ trông coi cát nóng bắn ra.
- Phân Bắn trông coi phân bắn.
- Ca Thế trông coi địa ngục Hắc nhĩ.
- Khái Tra trông coi xe lửa.
- Thang Vị trông coi vạc nước sôi.
- Thiết Ca nhiên trông coi giường sắt.
- Ác Sinh trông coi núi ép.
- … trông coi địa ngục Giá lạnh.
- Tỳ Ca trông coi lột da.
- Diên Đầu trông coi súc sinh.
- Đề Bạc trông coi chiến tranh.
- Di Đại trông coi cối mài.
- Duyệt Đầu trông coi địa ngục Nước.
- … trông coi rào sắt.
- Danh Thân trông coi dòi bọ.
- Quan Thân trông coi đồng sôi”.
Tên 5 chức quan trông coi địa ngục giúp Diêm Vương
Theo kinh Tịnh Độ Tam Muội: “Lại có ba mươi địa ngục, mỗi địa ngục đều có người trông coi. Không cần kể rõ, chỉ ghi tên năm chức quan:
- Tiên quan cấm sát sinh.
- Thủy quan cấm trộm cướp.
- Thiết quan cấm tà dâm.
- Thổ quan cấm nói hai lưỡi.
- Thiên quan cấm uống rượu”.
Kinh Vấn Địa Ngục nói: “Các địa ngục sắp hàng tại bốn phía Đông Tây Nam Bắc của thành vua Diêm La. Tuy có ánh sáng của mặt trời mặt trăng nhưng không chiếu rõ. Riêng địa ngục Hắc nhĩ ánh sáng không chiếu đến. Khi người chết, sinh vào Trung ấm.
Trung ấm nghĩa là đã bỏ Tử âm, chưa đến Sinh âm. Các tội nhân ở đấy nương theo Trung ấm đi vào thành Nê lê. Thành Nê lê là chỗ tội nhân cùng nhau tập hợp trước thời gian chịu tội. ( Nê Lê là tên khác của Địa Ngục.). Cơn gió tài tình thổi qua, tùy theo nghiệp nặng nhẹ, các người chết thọ lãnh thân hình lớn nhỏ khác nhau. Cơn gió thối thổi qua, tạo thành thân hình thô xấu dành cho tội nhân. Cơn gió thơm thổi qua, tạo thành thân hình nhỏ bé dành cho người có phước đức…”
Diêm vương là ai
Vua Diêm Vương cùng quyến thuộc cai quản toàn bộ cõi Địa Ngục. Tuy Ngài được hưởng phước làm chúa tể một cõi giới, nơi ở là một vùng lâu các trang nghiêm xinh đẹp, thọ hưởng thức ăn toàn trân vị, vui chơi cùng thể nữ…Tuy nhiên do nghiệp nhân hằng ngày Ngài và quyến thuộc mỗi ngày đều phải ba lần phải chịu khổ hình: Bị ngục tốt đổ nước đồng sôi vào miệng, thân thể bị thiêu hóa chết đi sống lại.
Theo kinh Khởi Thế, đức Phật dạy: “Ở phía ngoài hai ngọn núi Thiết Vi thuộc phía Nam châu diêm-phù-đề có cung điện của vua Diêm Ma, ngang dọc đều bằng nhau, rộng sáu ngàn do tuần. Có bảy lớp tường thành, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới gắn lục lạc. Phía ngoài có bảy lớp hàng cây Đa la bao bọc chung quanh. Có nhiều màu sắc rực rỡ đáng xem do bảy loại châu báu tạo thành. Tại bốn phía đều có cửa lớn. Mỗi cửa đều có lầu canh giặc. Đền đài cung điện, vườn tược ao hồ có đủ loại hoa thơm quả ngọt đẹp đẽ. Gió thoảng mùi hương, chim chóc hót ca.
Nhà vua vì nghiệp ác phải chịu quả báo không lành, nên vào lúc canh ba của mỗi ngày đêm, tự nhiên có nước đồng nấu sôi đỏ rực hiện ra ở trước mắt. Cung điện của nhà vua liền biến thành sắt xám. Công đức ngũ dục cũng biến mất, không hiện ra. Nhà vua thấy xong, sợ hãi thất thần, lông tóc đều dựng đứng, phải bỏ chạy ra ngoài. Nếu nước đồng sôi hiện ra ở phía ngoài, nhà vua phải bỏ chạy vào cung.
*
Bấy giờ, có ngục tốt canh cửa bắt lấy vua Diêm ma, giơ lên cao, rồi đánh nằm xuống trên mặt đất sắt nóng hổi. Mặt đất ấy phừng phừng rực lên ánh lửa vô cùng mãnh liệt. Sau khi ngục tốt đã đánh nhà vua nằm ngã xuống, bèn lấy kềm sắt banh miệng rộng ra, rót nước đồng sôi vào miệng. Bấy giờ, vua Diêm Ma bị thiêu cháy miệng mồm. Kế đó cháy lưỡi, sau đó cháy cổ họng, rồi cháy cả ruột non ruột già. Lần lượt thiêu cháy tất cả, liền thoát ra ngoài.
Bấy giờ, nhà vua ấy suy nghĩ thế này: “Tất cả chúng sinh, do thời tiền kiếp, thân làm việc ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ đều ác và các chúng sinh khác cùng tạo nghiệp ác, đều phải chịu nỗi khổ này. Ta nguyện từ nay, sau khi từ bỏ xác thân này, có lại thân khác, được sinh làm người trên chốn nhân gian. Đối với chánh pháp của Như Lai, phải có lòng tin hiểu. Cạo bỏ tóc râu, mặc áo cà sa, đạt đến tin hiểu chân chính. Từ nhà xuất gia, sau khi đã xuất gia, cầu chứng được đạo. Sinh tử đã hết, Phạm hạnh đã thành. Chuyện cần phải làm, đều đã làm xong. Sẽ không còn thọ sinh lại vào kiếp sau nữa.
Khi vừa phát ra những ý nghĩ tốt lành được huân tập đến mức ấy, lập tức cung điện đang ở biến thành thất bảo giống như của chư Thiên. Công đức ngũ dục xuất hiện đầy đủ. Nhờ ba nghiệp thiện, thân tâm của nhà vua ấy liền được an lạc tự tại”
Vua Diêm Vương Xét Xử Tội Nhân Trong Địa Ngục
Cũng theo Kinh Khởi Thế, đức Phật dạy: “Có ba vị sứ giả. Những gì là ba? Một là già, hai là bệnh, ba là chết. Nếu có chúng sinh nào thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác, thì sau khi qua đời bị đọa vào địa ngục. Lúc này, ngục tốt dẫn tội nhân đến chỗ vua Diêm-la. Đến nơi rồi, thưa rằng: ‘Đây là người Thiên sứ cho đòi. Vậy xin Đại vương hỏi cung hắn.’
Vua Diêm-la hỏi người bị tội: ‘Ngươi không thấy sứ giả thứ nhất sao?’
Người bị tội đáp: ‘Tôi không thấy.’
Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, có thấy người nào già nua, đầu bạc, răng rụng, mắt lờ, da thịt nhăn nheo, lưng còm chống gậy, rên rỉ mà đi, hay thân thể run rẩy, vì khí lực hao mòn; ngươi có thấy người này không?’
Người bị tội đáp: ‘Có thấy.’
Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Tại sao ngươi không tự nghĩ rằng mình cũng sẽ như vậy?’
Người kia đáp: ‘Vì lúc đó tôi buông lung, không tự hay biết được.’
Vua Diêm-la nói: ‘Ngươi buông lung không tu tập thân, miệng và ý, bỏ ác mà làm lành. Nay Ta sẽ cho ngươi biết cái khổ của sự buông lung.’
Vua lại nói tiếp: ‘Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả; cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.’
*
“Bấy giờ, vua Diêm-la cho hỏi tội nhân về vị Thiên sứ thứ nhất xong, lại hỏi về Thiên sứ thứ hai: ‘Thế nào, nhà ngươi có thấy vị Thiên sứ thứ hai không?’
Đáp rằng: ‘Không thấy.’
Vua lại hỏi: ‘Khi nhà ngươi còn ở trong loài người, ngươi có thấy kẻ bị bệnh tật, khốn đốn, nằm lăn lóc trên giường, thân thể lăn lộn trên phân dãi hôi thối, không thể đứng dậy được; cần phải có người đút cơm cho; đau nhức từng lóng xương, nước mắt chảy, rên rỉ, không thể nói năng được; ngươi có thấy người như thế chăng?’
Tội nhân đáp: ‘Có thấy.’
Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị tai hoạn như vậy?’
Tội nhân đáp: ‘Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được.’
Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không bỏ việc ác mà làm điều lành. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung.’
Vua lại nói: ‘Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.’
*
“Khi vua Diêm-la hỏi người bị tội về Thiên sứ thứ hai xong, bấy giờ lại hỏi về Thiên sứ thứ ba: ‘Thế nào, nhà ngươi không thấy vị Thiên sứ thứ ba chứ?’
Đáp: ‘Không thấy.’
Vua Diêm-la hỏi tiếp: ‘Khi còn làm người, ngươi có thấy người chết, thân hư hoại, mạng chung, các giác quan đều bị diệt hẳn, thân thể ngay đơ cũng như cây khô, vứt bỏ ngoài gò mả để cho cầm thú ăn thịt, hoặc để trong quan tài, hoặc dùng lửa thiêu đốt chăng?’
Tội nhân đáp: ‘Có thấy.’
Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Tại sao nhà ngươi không tự nghĩ: rồi đây ta cũng sẽ bị chết như người đó không khác gì?’
Người bị tội đáp: ‘Vì khi ấy buông lung tôi không tự hay biết được.’
Vua Diêm-la nói tiếp: ‘Vì chính ngươi buông lung, nên không thể tu tập thân, miệng và ý, không cải đổi việc ác mà thực hành điều thiện. Nay ta sẽ cho ngươi biết thế nào là cái khổ của sự buông lung.’
Vua lại nói: ‘Nay ngươi phải chịu tội, không phải là lỗi của cha mẹ, không phải là lỗi của anh em, cũng không phải là lỗi của Thiên đế, cũng không phải là lỗi của tổ tiên, cũng không phải là lỗi của hàng tri thức, đầy tớ, sứ giả, cũng không phải là lỗi của Sa-môn, Bà-la-môn. Chính ngươi làm ác, nên chính ngươi phải chịu tội.’
Bấy giờ, vua Diêm-la hỏi về Thiên sứ thứ ba xong, bèn giao lại cho ngục tốt. Khi đó ngục tốt liền dẫn đến địa ngục lớn. Địa ngục lớn này ngang dọc một trăm do-tuần, sâu một trăm do-tuần.”
*
Bấy giờ đức Thế Tôn liền nói bài kệ:
Bốn hướng có bốn cửa,
Ngõ ngách đều như nhau;
Dùng sắt làm tường ngục,
Trên che võng lưới sắt.
Dùng sắt làm nền ngục,
Tự nhiên lửa bốc cháy;
Ngang dọc trăm do-tuần,
Đứng yên không lay động.
Lửa đen phừng phực cháy,
Dữ dội khó mà nhìn;
Có mười sáu ngục nhỏ,
Lửa cháy do ác hành.
Đức Phật bảo các Tỳ-kheo: “Khi ấy vua Diêm-la tự nghĩ: ‘Chúng sinh ở thế gian, vì mê lầm không ý thức, nên thân làm ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ điều ác. Do đó sau khi lâm chung, ít có ai không chịu khổ này. Nếu như những chúng sinh ở thế gian, sửa đổi điều ác, sửa thân, miệng, ý để thực hành theo điều lành, thì sau khi lâm chung sẽ được an vui như hàng chư Thiên vậy.
Sau khi lâm chung được sinh vào trong cõi người, nếu gặp được đức Như Lai, thì sẽ ở trong Chính pháp, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y, xuất gia tu đạo, đem lòng tin trong sạch để tu hành Phạm hạnh thanh tịnh. Những điều cần làm đã làm xong, đã đoạn trừ sinh tử, tự mình tác chứng ngay trong hiện tại, không còn tái sinh.’”
*
Bấy giờ, đức Thế Tôn đọc bài kệ:
Tuy là thấy Thiên sứ
Nhưng vẫn còn buông lung;
Người ấy thường âu lo
Sinh vào nơi ti tiện.
Nếu người có trí tuệ,
Khi gặp thấy Thiên sứ,
Gần gũi pháp Hiền Thánh,
Mà không còn buông lung.
Thấy thụ sinh mà sợ,
Do sinh, già, bệnh, chết.
Không thụ sinh, giải thoát,
Hết sinh, già, bệnh, chết.
Người đó được an ổn.
Hiện tại chứng vô vi,
Đã vượt qua lo sợ,
Chắc chắn nhập Niết-bàn.”
( Diêm Vương có thật không )
Tuệ Tâm 2022.
Hiếu viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Mong mọi người thấy được quả báo địa ngục mà hành thiện tránh ác.