Lời hứa gió bay ám chỉ cho thói gian trá của người đời, đôi khi chỉ vì được việc cho mình mà thề thốt, hứa nhăng hứa cuội cho xong rồi để đó chẳng làm. Thế gian lầm tưởng rằng việc ấy vô hại, nhưng không phải đâu: “Thà rằng bị mất lòng hay hỏng việc, chớ một khi đã hứa với ai điều gì, dù bé nhỏ đến đâu cũng gắng mà thực hiện. Đừng theo thói à uôm của đời mà gánh chịu quả bảo đau thương.”
Chuyện thất hứa đặc biệt bị người đời xem nhẹ. Như bậc làm cha mẹ hứa cuội để dỗ con ăn vạ. Khi nó nín khóc rồi thường quên ngay lời hứa hão của mình. Lâu ngày chày tháng, việc ấy in sâu nơi tâm thức trẻ thơ, khiến nó cũng xem chuyện nói dối là bình thường, không chút chi hổ thẹn. Thành ra, chúng ta vô tình dạy con mình gian trá mà chẳng biết.
Trong tình yêu đôi lứa, chuyện này còn nặng nề hơn. Vì để thỏa mãn dục vọng và thói trăng hoa, người ta buông ra vô số lời hứa hẹn. Đến lúc đạt được mục đích rồi thì quất ngựa truy phong. Kẻ lường gạt nhởn nhơ khoe chiến tích mà chẳng biết rằng: Tuy lời hứa theo gió bay đi, nhưng quả báo còn lơ lửng treo ở đó. Lại vì phạm tà dâm cùng gian trá nên ngay trong đời này sẽ chịu quả báo rất nặng nề. Cả quãng đời còn lại nếu chẳng long đong nghèo túng ắt cũng bệnh tật lâm thân.
*
- Quả báo tội ngoại tình, tà dâm.
- Nhân quả ba đời là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- Cách tu tại gia.
- Vi Đà Hộ Pháp là ai.
- Tâm sanh tướng là gì.
- Cận tử nghiệp đáng sợ vô cùng.
Lời hứa gió bay nhưng quả báo lại nặng nề
Bạn cần hết sức cẩn trọng, chớ bao giờ hứa hẹn hay buông những lời thề gian trá. Những câu chuyện sau đây là lời cảnh tỉnh vô cùng đáng kinh sợ!
Theo Nhân quả báo ứng hiện đời, tập 5, Ni sư Hạnh Doan dịch: “Chuyện xảy ra hơn ba mươi năm trước ở Đài Loan. Do thời ấy nghèo nên nhiều người chở hàng đi bán rong. Lần nọ, có một anh bán vải chở hàng vào thôn, các phụ nữ liền bu đến xem. Họ cầm vải chuyền tay nhau cùng xem rồi luân phiên bình phẩm, nhưng không ai mua. Người bán thấy vậy bèn thu vải về. Thế nhưng khi kiểm hàng, người bán phát hiện bị mất một xấp vải. Lúc này ai cũng nói mình không có lấy. Trong đám phụ nữ có một chị không những hung hăng xác định mình không lấy mà còn thề độc như sau:
– Tôi mà có lấy vải thì sau này sẽ bị xe tông chết!
Sau đó chị ta chuyển đến Kim Môn sống. Một ngày nọ chị đang ngồi trong nhà thì một chiếc xe tải bị đứt thắng, đâm thẳng vào nhà và tông chết chị.
Khi tin này truyền ra, mọi người ai cũng bàn tán xôn xao, cho đây là nhân quả báo ứng đáng sợ vô cùng.”
*
Trong Niệm Phật Thập Yếu, Ngài Thiền Tâm kể: “…Một vị bác sĩ bên Pháp tuổi trẻ, góa vợ, buồn lòng đến miền quê du ngoạn để giải khuây. Nhân khi ngụ ở nhà người thợ rèn, thấy cô gái con gia chủ có sắc đẹp, mới tỏ thật chuyện mình, xin cưới cô này làm vợ, và được chấp thuận. Nhưng lúc chưa làm lễ cưới, bác sĩ đã ăn nằm với cô gái, rồi bỏ về đô thị.
Người thợ rèn thấy con gái bụng ngày một lớn, chàng sở khanh tuyệt tích như cánh chim hồng, nghĩ mình nhà nghèo thế yếu không thể kiện thưa, tức giận quá mỗi buổi chiều cầm búa đập vào tấm sắt kêu gọi tên vị bác sĩ đòi đánh bể đầu, để tiết bớt niềm phẫn hận. Nhưng ở đô thành cứ vào năm giờ chiều, vị bác sĩ nọ bỗng ôm đầu rên la, chữa trị đủ cách vẫn không khỏi.
Sau người bạn của bác sĩ trong lúc về thăm quê, vào buổi chiều đi ngang nhà thợ rèn nghe tiếng đập sắt và kêu gọi tên bạn mình trách mắng, mới vào gạn hỏi. Khi hiểu rõ sự việc, suy gẫm ra biết nguyên nhân căn bịnh của bạn mình. Ông về khuyên vị bác sĩ phải đến xin lỗi và cưới cô gái con người thợ rèn. Sau khi hôn lễ thành, bịnh vị bác sĩ mới khỏi.”
Mù một mắt cho đúng lời thề
Theo An Sĩ Toàn Thư: “Tống Khâm Tông là hoàng đế cuối cùng của triều Bắc Tống. Ông cùng với vua cha bị giặc Kim bắt lên phương bắc trong chiến tranh. Không lâu sau, hai nước ký kết hòa ước, Khâm Tông bị giữ lại. Hoàng thái hậu Hiển Nhân sắp về nam, vua cầm tay khóc mà nói: “Nếu con được về nam, chỉ mong được phong làm chủ cung Thái Ất là đủ rồi, chẳng dám cầu gì hơn.” Ý ông muốn bảo mẹ nhắn với em rằng mình không hề muốn giành lại ngôi vua.
Khi ấy, Thái hậu liền thề với vua: “Nếu ta về rồi mà sau này không đón con thì mắt ta sẽ bị mù.”
Đến khi thái hậu về cung rồi, em trai ông là Tống Cao Tông lại hoàn toàn không có ý tìm cách đón ông về cung. Thái hậu buồn lòng nhưng lại lặng thinh không dám mạnh dạn nói ra. Chẳng bao lâu sau thái hậu liền bị mù mắt, thầy thuốc khắp nơi không ai chữa khỏi.
Về sau có một đạo sĩ vào cung, dùng kim vàng khêu vào mắt trái liền sáng. Thái hậu mừng lắm, xin chữa luôn mắt bên phải. Đạo sĩ nói: “Thái hậu nhìn một mắt thôi, còn một mắt phải giữ cho đúng lời thề.”
Thái hậu nghe nói kinh sợ, liền đứng dậy cảm tạ thì đạo sĩ đã đi mất rồi.
Chu An Sĩ tiên sinh bảo:
“Xem nhẹ lời hứa ắt sẽ bị người oán trách, xem nhẹ lời thề ắt phải bị trời trách phạt. Hoàng thái hậu Hiển Nhân không giữ được như lời, không phải phụ lời hứa, mà vì tình thế ép buộc. Nhưng ví như lúc ấy hoàng thái hậu đau đớn khóc lóc trước mặt Tống Cao Tông để thỉnh cầu, cho dù ý vua nhất quyết không thay đổi, thì thái hậu cũng có thể xem như không phụ lời thề. Chỉ là bà ta không làm được như thế, nên việc chịu mù một mắt cho đúng lời thề biết đâu lại chẳng là đã xét cái tình của bà rồi mới trách tội như vậy.””
Lời hứa gió bay: Thề độc phải chịu quả báo tàn khốc
Kể cả là đùa vui, bạn cũng chớ nên thề độc, vì quả báo vô cùng bi thảm. Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Vào thời đức Phật còn tại thế, có vị tỳ-kheo ni tên là Vi Diệu, sau khi chứng đắc quả A-la-hán liền tự nói ra với ni chúng những quả báo thiện ác của chính mình trong đời trước.
Tỳ-kheo-ni Vi Diệu kể lại rằng: “Vào đời quá khứ, ta từng làm vợ của một vị trưởng giả rất giàu có. Ông này chưa có con nối dõi. Nhân có người tiểu thiếp sinh được đứa con trai. Ta do ghen tị mà lén lút giết chết đứa trẻ. Người thiếp ấy oán hận lắm, mắng nhiếc rất nhiều câu khó nghe. Khi ấy ta liền tự phát lời thề độc rằng: ‘Nếu quả thật tôi giết con của cô thì sau này chồng tôi sẽ bị rắn cắn, con tôi sinh ra sẽ bị nước cuốn trôi, bị sói ăn thịt, tự tôi sẽ ăn thịt con mình, thân tôi sẽ bị chôn sống, cha mẹ người nhà đều sẽ bị lửa lớn thiêu chết.’
“Do nghiệp ác đó, sau khi chết ta bị đọa vào địa ngục chịu vô số những khổ não đau đớn. Sau khi chịu tội ở địa ngục xong, trong đời này ta được sinh làm con gái một vị Phạm chí. Khi ấy, ta mang thai sắp đến ngày sinh nở, liền cùng chồng đi về nhà cha mẹ. Giữa đường chợt đau bụng sắp sinh, phải dừng lại sinh trong đêm dưới một gốc cây, bỗng có con rắn độc cắn chết chồng ta.
*
Ta đau buồn khóc lóc, đợi trời vừa sáng thì tay dắt đứa con lớn, tay bồng đứa con nhỏ, gạt nước mắt mà tiếp tục lên đường. Phía trước bỗng gặp một con sông chắn ngang, không có thuyền bè qua lại. Ta liền để đứa con lớn ở bờ sông bên này, bế đứa con nhỏ bơi qua sông trước. Đặt con nhỏ trên bờ rồi mới quay lại đón đứa con lớn. Con ta nhìn thấy mẹ thì từ bờ sông chạy ngay ra. Do nước xiết nên con liền bị nước cuốn trôi đi mất. Ta không cứu được đứa con lớn. Khi quay lại chỗ đứa con nhỏ thì nó đã bị sói ăn thịt mất rồi, chỉ thấy máu thịt còn lênh láng nơi ấy. Đau buồn thống thiết vì cốt nhục chia lìa, ruột gan ta như đứt đoạn, chết đi sống lại.
“Ta tiếp tục đi về nhà thì gặp một vị Phạm chí là người quen thân với cha mẹ. Ta liền kể hết những nỗi khổ của mình rồi hỏi thăm sức khỏe cha mẹ. Vị ấy liền nói: ‘Cách đây mấy hôm nhà bị cháy, hai ông bà cùng tất cả người nhà đều chết cả.’
Nhân đó, ông liền đưa ta về nhà, nuôi dưỡng như con gái.
*
Về sau ta lại tái hôn với một người khác. Khi mang thai đến ngày sinh nở thì vừa gặp lúc chồng ta đi uống rượu về. Vì không ai mở cửa nên ông tự phá cửa vào. Đang lúc say rượu điên cuồng, chồng ta liền trói ta lại rồi đánh đập tàn độc. Sau đó ông lại nấu thịt đứa con mới sinh bắt ta phải ăn. Ta quá sợ phải cố nuốt vào một miếng, đau xé tâm can. Sau việc đó, ta bỏ chồng trốn chạy đi thật xa.
Đến nước Ba-la-nại, dừng nghỉ dưới gốc cây thì gặp một người vừa chết vợ. Ta liền cùng ông ta kết làm vợ chồng. Vừa được mấy hôm, người chồng này bỗng lăn ra chết. Theo luật của nước ấy: Nếu vợ chồng vẫn còn đang sống với nhau thì khi chồng chết, vợ phải bị chôn theo. Thế là ta bị chôn sống theo chồng. May thay lúc đó có một bọn trộm cắp kéo đến đào mộ để lấy của cải. Ta nhờ đó mà được cứu ra còn sống.
“Khi ấy ta tự suy nghĩ, không biết mình đời trước đã tạo tội gì mà chỉ trong một thời gian ngắn đã phải liên tục gặp những tai họa khủng khiếp đến như thế. Khi nghe biết đức Phật Thích-ca đang ở nơi tinh xá Kỳ Hoàn, ta liền tìm đến chỗ Phật, cầu xin được xuất gia. Vì trong quá khứ ta đã có lần cúng dường thức ăn cho một vị Phật Bích-chi. Lại nhân đó có phát nguyện tu hành, nên nhờ nhân duyên ấy mà đời này được gặp Phật. Cuối cùng nhờ gặp Phật nên tu tập chứng đắc quả A-la-hán.”
Tuệ Tâm 2022.
Đỗ Văn Học viết
Xin hỏi Tuệ Tâm những trường hợp mà tự tử thì là do nghiệp báo, hay do ma quỷ xui khiến, hay do bản thân muốn?
Nếu tự tử khi xuống âm phủ có bị Diêm vương trách phạt vì tội chưa bắt đã tự động xuống ko?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tự Tử, nhà Phật gọi là “Phi hành tự hại”, trong nhiều trường hợp do bị ma quỷ xúi giục, tuy nhiên cũng đều không ra khỏi nhân quả nghiệp báo: Kiếp trước ta xúi người đi vào chỗ chết nên kiếp này chịu cái quả báo ấy. Người tự tử nếu biết cái quả báo khủng khiếp phải trả sau khi chết chắc không ai còn dám tự tử nữa. Đại khái thì nếu số mạng thọ 90 tuổi mà tự tử lúc 30 tuổi thì 60 năm còn lại vong linh bị giam cầm một nơi riêng. Hằng này, đúng giờ ấy, đúng chỗ ấy, bị ngục tốt giải đi bắt phải thực hiện lại hành vi. Chết thế nào, đau đớn thế nào, tứ đại phân ly thế nào…đều phải trải qua không khác lần đầu. Trả hết số ngày rồi mới đọa vào địa ngục để trả báo.
Trong hai loại tự tử thì bị xúi giục tự tử chịu quả báo nhẹ hơn người tự mình tự tử. Trong vô hình, chỉ cần bạn khởi tâm muốn tự tử liền chiêu cảm ngay đám oan gia trái chủ đến xúi giục. Chúng che chướng, xô đẩy, bày ra đủ trò, khiến bạn mê muội mà đi vào chỗ chết. Trước đây, khi thầy tôi đến một vùng miền trung cũng từng gặp trường hợp bị xúi giục tự tử: Trong nhóm Phật tử ở đạo tràng ấy có một bà cụ bị vong đứa cháu ruột đi theo. Anh trai bà trước đây làm nghề thầy cúng hay đồng bóng gì đó. Do gạt người kiếm sống nên thờ cúng đám quỷ mị trong nhà, chúng xúi đứa con trai duy nhất trong nhà tự tử…Ông cháu tự tử đã nhiều năm, nay nhờ được bà cô ruột niệm Phật hồi hướng công đức cho nên có biệt phước được theo bà đến gặp Thầy. Chuyện khổ anh kể hôm ấy không ai không rơi nước mắt cảm thương. Sau anh khẩn khoản xin thầy tôi quy y, dạy cho niệm Phật…
Chủ đề này có riêng một bài rồi, bạn chịu khó đọc sẽ nắm rõ hơn: Quả báo tự sát.
Đỗ Văn Học viết
Xin hỏi Tuệ tâm 1 chút ạ. Chị em mất từ nhỏ do bị vi trùng uốn ván ở rốn đã được 40 năm nay. Những lúc chị nhập vào mẹ e thì lần nào cũng đau đớn, quằn quại ở rốn. Xin hỏi có cách nào giúp chị em thoát khỏi cơn đâu suốt 40 năm này ko ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Vong linh khi chết vì tai nạn hay tật bệnh, thường tâm thức họ bị trói chặt vào cảnh giới trước khi chết. Như người chết đuối luôn thấy bị ngạt, người chết tai nạn luôn thấy thân hình mình tàn phế, người bạo bệnh thường thấy mình bị đau đớn…Họ đều chẳng biết rằng đó chỉ là do tâm thức của họ bị che chướng, chớ họ làm gì còn thân đâu mà bệnh hay tàn tật!
Những trường hợp này cực dễ giải quyết: Nếu chị nghe lời thì bạn khai thị ít câu về sự nhiệm mầu của Phật pháp, sau đó khuyên vong linh niệm Phật. Chỉ cần vong linh chịu niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật thôi sẽ có lại được thân thể trang nghiêm, không tật bệnh hay đau đớn gì nữa. Nên khuyên mẹ niệm Phật và chính bạn cũng nên siêng năng niệm Phật, Tuệ Tâm cảm nhận bạn và gia đình bạn có quá nhiều vấn đề. Lại nên thận trọng với những vong linh nhập, việc ấy hại cho người bị nhập vô cùng, không phải chuyện chơi đâu.
Đỗ Văn Học viết
Xin hỏi Tuệ Tâm. Hôm trước e có đọc thấy bảo tài lộc mỗi người do ngài Chủ tài quỷ vương quyết định. Như vậy thì việc chúng ta thờ ông thần tài trong nhà có tác dụng gì ko ạ, thờ như thế đúng hay là sai ạ?
Xin cảm ơn!
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Lần tới bạn gắng hỏi đúng chủ đề, vừa lợi mình vừa lợi cho người khác nhé, chủ đề này chẳng liên quan gì đến thờ thần linh cả. Bài viết ấy bạn đọc lướt nên mới hỏi thế này mà thôi. Chủ tài quỷ vương là vị cai quản tài lộc của con người. Tuy nhiên Ngài ấy cũng phải tuân theo luật nhân quả. Nghĩa là nếu kiếp trước bạn chẳng bố thí cúng dường, kiếp này bạn có thờ Ngài ấy trang trọng thế nào, mâm cao cỗ đầy thế nào, Ngài ấy cũng chẳng giúp được gì cho bạn cả. Còn như kiếp trước bạn biết bố thí cúng dường, kiếp này chẳng cần thờ Ngài ấy cũng vẫn được hưởng quả báo giầu sang mà thôi.
thuanmv viết
Con đọc link bài “Quả Báo Tự Sát” mà còn hãi hùng, lạnh và sợ, và thương chúng sinh quá ạ Thầy Tuệ Tâm ơi. Vô minh, vô trí, tham sân si đã che mờ đi trí tuệ của bao con người.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Chúng ta sanh vào thời mạt, ai nấy đều nghiệp chướng lẫy lừng, bị nó ngăn che nên tâm bị trói chặt trong tà kiến, thường lấy khổ làm vui mà không tự biết…Cho nên Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chúng sinh phần lớn chẳng biết mình sinh ra để làm gì. Cho nên sanh ra hồ đồ, chết đi cũng hồ đồ, vô thỉ kiếp đến nay xuống lên bất tận trong sáu nẻo”, ngẫm lại thật đúng lắm thay!
Phàm phu viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy trước đây khi còn 14-15 tuổi, do còn trẻ con nên con đã hứa với người yêu là đến độ tuổi x chúng con sẽ cưới nhau, lại còn từng ở 1 ngôi đền mà xin rằng cho 2 đứa thành vợ chồng. Sau đó 1 năm, chúng con đã đường ai nấy đi. Nay con đã đến độ tuổi mà con hứa sẽ cưới người đó, lại có duyên biết đến Pháp môn Tịnh Độ, hằng ngày con niệm Phật cầu vãng sanh, nhưng gần đây lại nhớ về người đó, ngủ cũng mơ thấy, lại đem lòng nhớ nhung, dù con đã yêu người khác, rất lâu không liên quan người kia…Đây có phải do lời hứa khi xưa không ạ ?
Ngoài ra lúc trước khi biết đến Phật Pháp, con có lần nhắc lại việc làm sai của mẹ con trong quá khứ, nhưng mẹ con liên tục phủ nhận đã làm việc đó. Con tức quá bèn bảo: nếu con nói sai cho mẹ, con sẽ hộc máu mồm tại đây….Giờ sau khi biết đến Phật Pháp con mới thấy những điều con nói là ngu si, con nên làm gì để hoá giải những lời hứa, lời thề độc miệng này ạ ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Người học Phật thường nếu trong quá khứ gây ra tội lỗi gì, thường được Tam Bảo phương tiện gợi cho nhớ ra để sám hối cho tiêu trừ chướng nghiệp. Còn nếu trong hiện tại làm sai điều gì thường sẽ được nhắc nhở ngay. Cho nên phàm khi gặp những việc như, vấp ngã, kẹt tay…đều do được nhắc nhở. Lúc ấy nên nhớ xem mình vừa phạm lỗi gì để mà sám hối.
Học Phật trọng yếu ở nơi tu Tâm. Cho nên phàm mỗi khi nhớ đến lỗi lầm gì, gây ra cho ai trong quá khứ thì nên nghĩ đến người ấy rồi nguyện thầm như thế này: “Nam mô A Di Đà Phật(3 lần)! Tôi(Con) biết rằng trong kiếp trước và kiếp này tôi(con) đã gây ra cho bạn(cha, mẹ) vô lượng vô biên ác nghiệp, khiến bạn(cha, mẹ) đau khổ không yên. Nay hết thảy tôi(con) xin sám hối, mong bạn(cha, mẹ) từ bi tha thứ cho tôi(con). Nam mô A Di Đà Phật(3 lần)” Sau đó niệm Phật lấy chừng 10 câu.
Thực hành như thế thường xuyên, bạn sẽ thấy mối quan hệ giữa mình với kẻ oán người thân chuyển hóa rất tích cực, nhiệm mầu không thể tả được!
phàm phu viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con cảm ơn thầy ạ