Hỏa hoạn không xảy ra thì thôi, hễ xảy ra thì hậu quả thường vô cùng thảm khốc! Người thế gian hao tiền tốn của, tìm đủ muôn cách để phòng chống hỏa hoạn mà chẳng biết được rằng: Có một cách phòng chống hỏa hoạn vô cùng màu nhiệm, đơn giản và chẳng tốn kém tiền của gì, đó là nương nơi bản nguyện của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Dù bạn ở công sở, ở nhà, hay trên xe ô tô…chỉ cần bạn thường niệm danh hiệu của Bồ Tát, hoặc đặt một tôn tượng nhỏ của Ngài, thì nạn hỏa hoạn sẽ không bao giờ xảy ra với bạn. Ngay cả khi do cộng nghiệp, những người xung quanh bị nạn lửa, bạn cũng sẽ được Bồ Tát âm thầm gia bị, khiến lửa chẳng thể đến được nơi thân.
- Cách giúp đỡ những người bị Ma nhập.
- Sự thật về đồng bóng.
- Kinh Pháp Diệt Tận.
- Sự thật về Trùng Tang.
- Sự thật về hạn Tam Tai.
- Cách giúp những người bị Ma nhập.
- Thân trung ấm, cảnh giới sau chết và tái sinh.
Cách phòng chống Hỏa Hoạn nhiệm màu nhất.
Tôi nhớ năm 2015 ở Sài Gòn xảy ra hỏa hoạn, lửa cháy rụi một lúc 6-7 ngôi nhà liền kề. Khi cháy đến một ngôi nhà thì lửa tự nhiên dừng lại. Về sau, người ta mới phát hiện ra ngôi nhà không cháy ấy là gia đình một Phật tử, họ có thờ một tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát ở ban công. Lửa không cháy tới được là nhờ sức Bổn nguyện Tầm Thanh Cứu Khổ của Ngài.
“Năm Dân Quốc 11 (1922), Nhật Bản động đất. Đại biểu của Phật Giáo Phổ Tế Nhật Tai Hội (hội Phật giáo cứu tế tai nạn tại Nhật Bản) là các ông Bao Thừa Chí, Dương Thúc Cát v.v… sang Nhật cứu trợ, gởi thư cho ngài Thích Ấn Quang, trong ấy có đoạn:
“Số người chết ở Nhật Bản lần này ước chừng hơn ba mươi vạn, hài cốt chất như núi. Khu Thiển Thảo (Asakusa) ở Đông Kinh gần như hoàn toàn hủy hoại, công viên, ao nước bị thiêu cạn. Trong công viên có Quán Âm Đường, gồm ba gian xây theo lối cũ. Nạn dân bị lửa bao vây, ùa nhau chạy vào đó ước chừng hơn ba vạn người. Trong chánh điện và các gian nhà phụ đều đầy ắp người, cùng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, đều được thoát nạn ấy, mà cũng chỉ có ngôi điện đường ấy là còn nguyên. Do vậy, người Nhật ca ngợi không ngớt lời”.”
*
Bạn thân mến! Thế gian càng sâu vào thời mạt sẽ càng nhiều thiên tai dịch họa, cái sau thường hung hiểm hơn cái trước vạn phần. Chúng ta tuy do nghiệp lực nên sanh vào cõi này, nhưng trong cộng nghiệp có biệt nghiệp, và chư Phật, Bồ Tát từ bi, luôn giang tay cứu vớt hết thảy những ai cầu đến, bất kể người ấy thiện hay không thiện, tin Phật hay không tin Phật, hễ có cầu ắt có ứng. Vì thế, cho dù bạn có tin Phật hay không, trong lúc nguy nan gắng nhớ niệm danh hiệu của Ngài. Nương nơi sức bản nguyện Đại từ đại bi, chắc chắn sẽ gặp hung hóa cát!!!
Nay tôi trích đăng loạt bài về đức Quán Thế Âm Bồ Tát, trích trong sách “Quán Thế Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng”, mỗi bài sẽ riêng về một hạnh nguyện của Ngài. Nguyện có bạn nào hữu duyên đọc được đều khởi phát tín tâm mà trì niệm Thánh hiệu của Ngài. Gần thì các nạn nước lửa chẳng đến nơi thân, xa ắt vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ, vĩnh viễn ra khỏi sanh tử luân hồi!
Nam mô A Di Đà Phật.
Quán Thế Âm Bồ Tát cứu nạn Hỏa Hoạn
(1). Theo Liên Tông Bảo Giám, ngài Tuân Thức đời Tống hiệu là Từ Vân Sám Chủ, dựng chùa Hạ Thiên Trúc gồm mấy trăm gian. Mỗi lần bắc một cây kèo đều tụng bảy biến chú Đại Bi. Ba lượt giặc đốt phá chùa, lửa đều tự tắt.
Theo Biện Chánh Luận. Ông Trúc Trường Thư đời Tấn, chuyên dốc lòng tụng Quán Âm Kinh, ngụ cư ở đất Ngô. Khi những nhà xung quanh bị cháy, ông Thư đứng phía dưới chiều gió, nhất tâm niệm Quán Thế Âm. Lửa cháy đến gần, đột nhiên gió thổi ngược lại, lửa tắt. Cả ấp kinh dị.
Có kẻ ác nghi ngờ sự linh cảm ấy bèn đợi đến đêm lúc gió mạnh, đem bó củi đã nhóm lửa ném vào nhà ông Trúc, ném khắp bốn mặt đều tắt. Khi ấy, hắn mới than thở, công nhận thần lực, khấu đầu tạ tội.
Ông Thư nói: “Ta tụng niệm Quán Thế Âm chẳng biếng nhác, hễ có tai nạn gì đều liền thoát khỏi”.
*
(2). Theo Cao Tăng Truyện, tập Hai. Sư Thích Pháp Trí đời Ngụy, lúc còn tại gia, đi một mình trong vùng đầm lầy. Đột nhiên lửa dữ bốc cháy đùng đùng, bốn mặt lửa đều ùa tới. Sư tự nhủ “ta ắt phải chết” rồi chí tâm niệm Quán Thế Âm. Trong khoảnh khắc, lửa cháy ào qua, mọi thứ đều cháy sạch, không còn sót một cọng cỏ nào. Chỉ có chỗ đất nơi Pháp Trí đứng là không sao cả.
Lại nữa, sư Thích Pháp Lực đời Ngụy sửa tháp, dựng nhà, xin được một xe gai. Lúc sư đi qua nơi đầm lầy, chợt gặp lửa đốt đồng. Nhằm lúc mệt mỏi, buồn ngủ, lửa đã bén tới, bèn to tiếng xưng niệm chữ Quán, chưa kịp niệm tới chữ Thế Âm. Theo tiếng niệm, gió đã xoay chiều, lửa liền tắt.
(3). Trong sách Linh Nghiệm Ký, ông Lý Ấn Vạn nói: “Mẹ tôi theo lời cha tôi dặn trong thư, trở về quê. Trong thuyền, hơ quần áo trên lồng ấp, nửa đêm quần áo bén lửa. Mẹ tôi mộng thấy trên hư không có tiếng hô hoán: Bồ Tát đến rồi, tiếng reo hò dồn dập. Kinh sợ, tỉnh giấc, lửa đỏ đã ngập thuyền, lan kín cả mui, vội dập tắt lửa”.
Theo Ứng Nghiệm Ký, Diệp Dục Tinh kiền thành tụng Cao Vương Kinh. Một ngày nọ, trong lúc bạn bè tụ họp, họ bèn mời ông tụng niệm. Cô em gái còn bé nghe tụng kinh bèn chạy đến nghe, liếc thấy trên lầu có ánh lửa bèn hô lên. Dập tắt được lửa, mền nệm đều cháy sạch, nhưng màn treo vẫn còn.
*
(4). Theo sách Nam Hải Từ Hàng, tại Sơn Âm. Ba anh em ông Trần Quốc Khanh ở cùng một nhà. Tuy nhiên chỉ riêng Quốc Khanh ưa làm lành, sáng chiều kiền thành tụng chú Quán Âm. Một đêm nọ, do không cẩn thận nhà bị bốc cháy. Quốc Khanh thấy Bạch Y Đại Sĩ cứu vớt che chở liền thoát được, các em đều bị chết cháy.
Theo Phổ Đà Chí. Vào năm Càn Long thứ 3 (1738) đời Thanh, lầu trống chùa Pháp Vũ bị hỏa hoạn, gió rất mạnh, sắp cháy lan sang những căn lầu như Thủy Nguyệt v.v… chợt Hỏa Thần thị hiện, gió chuyển hướng, thổi ra ngoài, các lầu không bị sao cả.
(5). Theo Hiện Quả Tùy Lục, ông Uông X… đời Minh sống ở Côn Sơn, ăn chay ba năm, tính sang Phổ Đà dâng hương. Nhằm hôm Nguyên Đán, ông gói ghém hành trang xuống thuyền, chợt những căn nhà bên cạnh cửa tiệm bốc lửa, người nhà vội báo cho ông hãy về ngay. Ông Uông nói:
“Ta dốc lòng Thành suốt ba năm rồi mới triều bái Bồ Tát. Há vì một cái tiệm mà thay đổi chí hướng của ta ư? Dẫu cháy sạch, cũng không trở về”.
Nói rồi cứ căng buồm ra đi. Dâng hương xong, trở về Côn Sơn, thấy nhà cửa ở bốn phía tiệm ấy đều đã cháy tan, chỉ còn mỗi cái tiệm của chính mình.
*
Theo Tín Tâm Lục, ông Thái Tư Tương được cử giữ chức Thôi Tào Vận (kiểm soát vận chuyển đường thủy), thuê nhà dân để làm công sở, bốn phía không có tường, ở sát với nhà dân. Chợt hàng xóm bốc lửa, mọi nhà đều lo cứu đồ đạc, ông Thái ngồi yên không động đậy. Kẻ hầu nhiều lần van nài ông Thái hãy lánh nạn, nhưng ông ta chẳng đoái hoài. Lửa cháy lan tới, vượt qua công sở của ông Thái, còn cháy thêm mấy nhà nữa rồi mới tắt.
Người ta hỏi ông có thuật gì, ông đáp: “Tôi kiền thành tụng chú Đại Bi”.
Người ta bảo: “Thần chú cố nhiên linh nghiệm, lỡ vạn nhất không ứng nghiệm, thì há chẳng phải là chết uổng một mạng ư?”
Ông Thái nói: “Nhà tôi nhiều đời trì tụng, những sự tích thoát khỏi những ách nạn đao binh, nước lửa, nạn gấp v.v… chẳng thể kể xiết. Còn như tôi trì chú đã hai mươi năm, phàm gặp phải nạn gấp, hễ cảm đều thông.
*
Trong thời Càn Long, khi tôi sống ở kinh đô, nhà hàng xóm ở phía Nam bốc lửa, lại gặp trận gió nồm, lửa càng cháy mạnh, dọn chạy đồ đạc không kịp. Tôi tụng chưa xong một biến chú này, gió đã đổi chiều, lửa cháy ngược lại phía Nam, riêng nhà tôi không sao. Vì thế, biết sâu xa chú này được chư thần ủng hộ, gìn giữ, có thể chuyển biến ách nạn. Nếu lòng tin không chân thành, làm sao dám coi thường hiểm nạn cho được? Nhưng phải sám hối tội trước, tận lực làm chuyện lành. Mỗi ngày sáng tối kiền thành tụng chú năm bảy lượt thì sở cầu không chi chẳng được toại ý!”
Theo sách Liệt Tử, Trọng Ni nói: “Người có lòng tin chí thành sẽ động trời đất, cảm quỷ thần, ngang dọc khắp trời đất không trái nghịch”, há phải chỉ là trải nỗi nguy hiểm, vào trong nước lửa mà thôi!
*
(6). Theo Mặc Ký, Lý Hậu Chúa nhà Nam Đường đích thân chép Tâm Kinh bằng chữ vàng, ban tặng cung nhân Kiều Thị. Về sau, Kiều Thị bị đưa vào cung nhà Tống, nghe tin Hậu Chúa đã chết, bèn bỏ cuốn kinh ấy trong tướng luân của tháp chùa Thiên Hỷ. Về sau, nhà chùa bị hỏa hoạn, tướng luân bị rơi xuống, nhưng kinh vẫn còn nguyên.
Theo Linh Nghiệm Ký, ông Lý Vạn Ấn làm quan Tỷ Bộ. Khi cha ông làm quan ở Giang Hữu, có thờ tượng Đại Sĩ [bằng tranh vẽ]. Tàn đuốc chợt nổ tung, rơi xuống, những món đồ thờ đều bị cháy sạch, nhưng cuốn trục tranh thờ [vẽ hình Đại Sĩ] vẫn còn nguyên.
(7). Theo sách Quán Âm Kinh Cận Nghiệm, vùng Mão Điền ở Thiện Ấp nhiều lần bị hỏa hoạn, nhưng nhà Ngu Khải nhiều lần thoát nạn. Lửa cháy đến gian nhà phụ bên trái nhà họ Ngu đều tự tắt. Do vậy, họ bèn lục lọi để kiếm xem có gì lạ không thì từ trên tấm lót trần nhà tìm được một bản khắc gỗ Quán Âm Kinh đã cũ, mới biết nguyên do thoát khỏi hỏa hoạn. Vì thế, nhà nhà khắc kinh này, trai giới trì tụng, đến nay đã ba mươi năm chưa hề bị hỏa hoạn.
( Theo Quán Thế Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng)
Tuệ Tâm 2023.
LƯƠNG QUAN MINH viết
KÍNH THƯA THẦY, CHO TRÒ HỎI, NẾU ĐÃ CHUYÊN TU NIỆM PHẬT, CÒN KÈM THÊM TRÌ CHÚ ĐẠI BI, CÓ MẮC LỖI TẠP TU KHÔNG. RẤT CÁM ƠN THẦY
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tổ Thiện Đạo dạy rằng: “Trì danh hiệu Phật gọi là Chánh Hạnh Vãng Sanh.” Cho nên nếu tu thêm món khác thì gọi là tạp hạnh tạp tu. Bạn trì thêm chú Đại Bi, nếu vì ưa thích hoặc vì mục đích khác, không phải để hồi hướng cầu vãng sanh thì cũng không sao cả. Tuy nhiên, bậc thượng căn rộng tu để độ sanh thì không vấn đề gì, còn phàm phu bọn ta, tâm phân biệt đầy loạn động, định lực không có mà chẳng chịu chuyên tu thì khó vãng sanh. Bởi vì sao? Vì lúc cận tử nghiệp đến, tứ đại phân ly, thân đau đớn bứt rứt không an, tâm mịt mờ như đang trong giấc mộng…Lúc ấy nếu chẳng nhờ bản nguyện nhiếp hộ của Phật A Di Đà thì thần thức liền rong ruổi theo gió nghiệp, thật vạn phần nguy hiểm. Cầu nhất tâm bất loạn cũng vậy, bậc thượng căn cầu để rộng độ chúng sanh, dù chưa đắc vẫn an nhiên vãng sanh, nhưng phàm phu mà cưỡng cầu thì lại vô cùng nguy hiểm: Bởi lúc lâm chung chưa đắc nhất tâm ắt nghi nan sanh khởi. Lúc ấy tự khởi nghi rằng: “Mình chưa đắc nhất tâm, không biết Phật có đón mình hay không?”. Một niệm nghi nan khởi lên trong lúc cận tử nghiệp thì chẳng khác gì núi Tu Di, bít chặt đường về Cực Lạc, thật không thể không biết điều này!
LƯƠNG QUAN MINH viết
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT,
TRÒ NGU MUỘI CHƯA HIỂU RỎ LẮM, KÍNH XIN THẦY TỪ BI GIẢNG RỎ HƠN. THÀNH KÍNH BIẾT ƠN THẦY
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Câu hỏi của bạn trả lời đơn giản thì là thế này: Nếu bạn tu tập để cầu vãng sanh thì chỉ nên chuyên niệm Phật, kiêm thêm trì trú là tạp tu rồi vậy.
Diệu Tịnh viết
Nam Mô A Di Đà Phật 🪷🪷🪷 hoan hỉ cư sĩ tiếp tục đăng bài ạ 🙏
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
LƯƠNG QUAN MINH viết
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, CÁM ƠN THẦY
Phạm Thị Ly Na viết
Nam mô A Di Đà Phật 🪷
Con nguyện hết đời này được vãng sanh về Tây phương Cực Lạc thế giới.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Về với Phật thôi, cõi này nhiều khổ lụy, chúng sanh cang cường, lấy khổ làm vui mà không biết!
Lê Hồng Phúc viết
ĐỨC QUÁN THẾ ÂM ĐẠI TỪ ĐẠI BI CỨU KHỔ, GIÚP ĐỠ CHÚNG SINH.
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT
NAM MÔ QUÁN THẾ ÂM BỒ TÁT