Bản ngã là gì? Bản ngã thường được diễn giải là “cái ta” hay “cái tôi” của mỗi con người. Nhưng “cái tôi” là gì thì không ai định nghĩa được, và bởi không định nghĩa được nên thế gian thường lầm lạc cho rằng: “Cái tôi” là chính là tính cách của mỗi người. Sự lầm lạc này là bởi người ta không biết rằng: Tính cách cũng chỉ là một trong những bộ phận như tim, gan, mắt, mũi…của con người. Nó không thể bị ngộ nhận là toàn thể cái tôi được. Cho nên tính cách không phải là bản ngã của ta.
Như vậy, bản ngã không phải là kinh nghiệm, tính cách hay thân thể của một cá nhân. Bản ngã chỉ là một danh từ giả tạm, dùng để định danh cho sự hiện diện về thân và tâm của một cá nhân. Bản Ngã xét rốt ráo là không thực có, nhưng người ta một hai chấp chết cứng rằng nó có thực, bởi vậy nên suốt cuộc đời bị nó sai sử, khiến cuộc sống muộn phiền, đau khổ.
- Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
- Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
- Vô Ngã là gì.
- Đế Thích Thiên là ai.
- Sự thực về vua A Xà Thế.
- Chuyện tâm linh có thật.
- Hòa Thượng Hư Vân, Cuộc đời và Đạo nghiệp
Bản Ngã Là Gì
“Hãy tưởng tượng bạn thình lình tỉnh dậy ở bệnh viện sau một tai nạn xe hơi, và thấy mình hoàn toàn mất trí nhớ. Bên ngoài, mọi sự vẫn y nguyên: Ta vẫn nguyên vẹn là ta. Gương mặt ấy, hình dáng ấy, các giác quan và tâm vẫn ở đấy; nhưng ta hoàn toàn không nhớ thực sự mình là ai. Cũng y hệt như vậy, ta không thể nhớ được bản lai diện mục của mình. Khinh hoàng, sợ hãi, ta nhìn quanh và đặt bày ra một lý lịch khác; một lý lịch ta bám lấy với tất cả sự tuyệt vọng của một người đang rơi vào hố thẳm. Cái lý lịch giả tạo, được bày đặt trong lúc vô minh đó gọi là cái tôi hay “tự ngã.”
Vậy, ngã là sự vắng mặt tri kiến chân thực về ta là ai, cùng với những hậu quả của nó: Một sự bám víu tuyệt vọng, bằng mọi giá, vào một khối chắp vá, một hình ảnh tạm thời về cái ta, một tự ngã luôn luôn biến chuyển và phải biến chuyển để duy trì cái ảo tưởng về hiện hữu của nó. Ngã như vậy được định nghĩa là những di chuyển không ngừng của sự chấp thủ; một quan niệm lừa dối về “tôi” và “của tôi,” tự và tha, và chấp thủ mọi khái niệm, ý tưởng, dục vọng, và hoạt động nào sẽ duy trì cái cấu trúc giả tạo ấy.
Một sự bám víu như vậy là vô lối ngay từ khởi thủy, và đương nhiên phải bất mãn, vì không có cơ sở chân lý nào trong đó, vì những gì ta bám víu tự bản chất đã không thể nắm bắt.
*
Sự kiện chúng ta cần bám víu và cứ vẫn tiếp tục bám víu, chứng tỏ rằng: Tự thẳm sâu trong bản thể ta, ta biết cái ngã đó vốn không có thực chất nội tại. Từ cái biết âm thầm, làm ta bực bội đó, phát sinh mọi nỗi bực bội đó, phát sinh mọi nỗi bất an lo sợ trong ta.
Bao lâu ta chưa lột mặt nạ cái ngã thì nó còn tiếp tục đánh lừa chúng ta; như một chính trị gia bịp bợm luôn luôn rêu rao những hứa hẹn giả dối; hay một luật sư không ngừng phát minh những lời nói dối và biện hộ tinh vi; hay một chuyên viên quảng cáo cứ tiếp tục ba hoa những lời thuyết phục ngọt lịm mà trống rỗng.
Nhiều đời kiếp vô minh đã đưa ta đến chỗ đồng hóa toàn diện bản thể mình với cái ngã. Chiến thắng lớn nhất của cái ngã là thuyết phục được cho ta tin rằng lợi lạc nhất cho nó cũng là cho ta; và lại còn đồng hóa sự sống còn của ta với của chính nó. Đây là một mỉa mai to lớn, khi ta xét rằng ngã và sự chấp thủ của nó chính là gốc rễ mọi đau khổ của ta. Nhưng vì chúng ta đã bị cái ngã lừa bịp quá lâu, bị nó thuyết phục quá hay, đến nỗi nội cái ý nghĩ rằng ta có thể trở thành vô ngã làm cho ta sợ hãi.
*
Cái ngã rỉ tai ta rằng: Vô ngã là mất hết tất cả huyền thoại phong phú của con người, chỉ còn là một người máy vô vị, hay một cây cỏ không óc não. Cái ngã đánh một đòn xuất sắc vào nỗi sợ hãi căn để của ta: Sợ mất quyền kiểm soát, sợ cái mà ta chưa từng biết.
Ta có thể tự nhủ: – “Mình cũng nên buông cái ngã ra lắm chứ. Mình đau khổ vì nó, nhưng nếu mình làm thế, thì cái gì sẽ xảy đến cho mình?” Cái ngã sẽ tán đồng ngay trong một cách ngọt lịm:
– “Tôi biết đôi khi tôi cũng rầy rà thực; và thực tình tôi hoàn toàn thông cảm nếu anh muốn buông tôi ra. Nhưng có thực anh muốn như thế không nào? Ai sẽ săn sóc anh? Ai sẽ che chở và thương lấy anh như tôi đã làm bao nhiêu năm nay?”
Và ngay dù ta thấy rõ tận ruột gan những lời dối trá của cái ngã; chúng ta cũng quá sợ không dám bỏ nó, vì ta chưa biết một tí gì về tự tính của tâm ta, lý lịch chân thực của ta, nên rõ ràng ta không có cách nào khác hơn là bám lấy ngã. Chúng ta tuân theo những đòi hỏi của nó với thái độ tự khinh ghét, như bợm rượu với lấy chất uống mà y biết đang tàn phá y; hoặc như kẻ ghiền ma túy lục tìm chất kích thích, mà họ biết sau một hồi “phi” ngắn ngủi, sẽ đem lại cho họ sự chán chê tuyệt vọng.
Bản ngã trên con đường Tâm Linh
Chấm dứt sự chuyên chế oái ăm của bản ngã chính là lý do ta bước lên đường tu tập tâm linh, nhưng quyền năng của cái ngã hầu như vô tận, và mỗi giai đoạn nó đều có thể phá hoại và và xoay chuyển ta khỏi cái ước muốn giải thoát nó.
Chân lý thật giản dị và những lời dạy cũng vô cùng sáng sủa. Nhưng nhiều lần tôi phải buồn bã mà thấy rằng: Mỗi khi giáo lý bắt đầu lay chuyển được chúng ta, thì cái ngã lại cố làm cho những lời dạy trở thành rắc rối; vì nó biết nó đang bị đe dọa tận căn để.
Lúc đầu, khi chúng ta mới khởi sự say mê con đường tu tập với những khả năng của nó, thì cái ngã có thể cổ vũ ta và bảo: Thật là kỳ diệu. Chính là điều anh nên làm. Lời dạy này hoàn toàn có lý.
Rồi khi chúng ta nói chúng ta muốn thử thực tập thiền, hay nhập thất, thì cái ngã vỗ về: – Thật là một ý nghĩ tuyệt vời. Tại sao tôi lại không theo anh. Cả hai chúng ta có thể học được vài điều.
*
Suốt kỳ trăng mật của sự tu tập tâm linh, cái ngã cứ giục ta: – Thật tuyệt, thật lạ lùng, gợi cảm hứng… Nhưng vừa khi chúng ta đi vào giai đoạn mà tôi gọi là “thời kỳ bếp núc” của con đường tu tập, và giáo lý bắt đầu động tới bản ngã sâu xa của chúng ta, thì không sao tránh khỏi chúng ta va chạm với sự thật về bản ngã.
Khi cái ngã được phơi bày, những chỗ yếu của nó bị động tới, là đủ mọi thứ vấn đề bắt đầu nổi lên. Nó như một tấm gương để ngay trước mặt chúng ta mà ta không thể tránh nhìn chỗ khác. Tấm gương hoàn toàn trong sáng, nhưng trong đó có một cái mặt xấu xí, cau có, cái mặt chúng ta, đang trừng trừng nhìn lại chúng ta.
Chúng ta khởi sự nổi loạn phản kháng vì ta ghét cái gì mình không thấy; chúng ta có thể nổi giận đập vỡ cái gương, nhưng nó chỉ vỡ ra thành hàng trăm gương mặt xấu xí giống nhau, và vẫn trợn trừng nhìn lại chúng ta. Bấy giờ là lúc chúng ta bắt đầu nổi đóa và phàn nàn một cách cay đắng: – Thế thì ngã của ta nằm ở đâu?
Cái ngã đang đứng bên ta một cách trung thành, xúi giục: Anh hoàn toàn đúng. Chuyện này xúc phạm quá thể chịu đựng.
*
Đừng theo nó! Khi chúng ta mê mẩn lắng nghe, thì cái ngã tiếp tục hô triệu đủ loại hoài nghi, cảm xúc, hốt hoảng, như đổ thêm dầu vào lửa: Anh không thấy giáo lý ấy không thích hợp với anh à? Tôi đã bảo. Anh không thấy ông ta không xứng làm thầy của anh sao? Hãy xem: Anh là một con người tây phương thông minh, tân tiến, từng trải; còn những chuyện xa lạ như thiền, Sufi, Zen, Phật giáo Tây Tạng… thuộc về văn hóa phương đông. Một triết học ở tuốt trên dãy Hy Mã Lạp Sơn một ngàn năm về trước thì phỏng có ích lợi cho anh được?
Khi cái ngã vui mừng ngắm ta càng lúc càng bị vướng vào lưới của nó, nó còn trách móc ta về tất cả những nỗi nhọc nhằn, cô đơn, gian khổ mà chúng ta đã trải qua, khi chúng ta biết được chính mình qua lời giảng dạy, và qua bậc thầy: – Những ông đạo sư ấy không cần biết anh đã phải trải qua những gì. Họ chỉ cốt khai thác anh. Họ chỉ xử dụng những danh từ như từ bi, sùng tín, để làm cho anh rơi vào quyền năng của họ…
Cái ngã quá khôn lanh tới độ có thể bóp méo giáo lý để xài cho mục tiêu của nó; vì “Quỷ Xa tăng có thể trích dẫn kinh thánh cho mục đích mình.”
Khí giới cuối cùng của cái ngã là chỉ ngay vào mặt ông thầy và những tín đồ mà bảo: – Không có ai ở đây sống đúng theo giáo lý ấy được cả.
*
Bây giờ cái ngã lại đóng vai trò trọng tài công bình cho mọi hành vi: Vị trí láu cá hơn hết, từ điểm này nó có thể phá hỏng niềm tin của bạn, và làm tiêu ma bất cứ sự sùng kính nào, sự phát nguyện tu tập nào mà bạn đã có.
Nhưng dù cái ngã cố hết sức để phá hoại con đường tu của bạn, nếu bạn thực sự tiếp tục thực hành thiền định, bạn sẽ dần nhận ra mình đã bị cái ngã gạt gẫm như thế nào:
Hy vọng và lo sợ hão huyền. Dần dần bạn thấy rằng cả hy vọng lẫn lo sợ đều là kẻ thù của sự an tâm; hy vọng đánh lừa bạn, bỏ bạn thất vọng trống rỗng, còn sợ hãi thì làm bạn tê liệt trong tù ngục hẹp hòi của bản ngã giả tạo.
*
Bạn bắt đầu thấy cái ngã đã lung lạc tâm bạn như thế nào, và trong bầu trời giải thoát mà thiền định đã mở ra, mỗi khi bạn tạm thời thoát khỏi chấp thủ, bạn hé thấy cái khoáng đạt của tự tính chân thực. Bạn nhận ra rằng trong hàng bao nay cái ngã của bạn, giống như một kẻ lường gạt bạn với đủ kế hoạch hứa hẹn mà toàn thị là láo khoét, chỉ có đưa bạn đến sự phá sản tâm linh.
Khi bạn thấy điều này trong sự an tĩnh của thiền định, mà không an ủi hay muốn che đậy những gì bạn thấy, thì tất cả kế hoạch mưu đồ của ngã tự cho thấy nó trống rỗng, và bắt đầu sụp đổ. Đây không phải là một tiền trình phá hoại thuần túy. Vì cùng với sự nhận chân đau đớn tính giả dối tội lỗi của cái ngã của bạn, và của mọi người, phát sinh một cảm thức về tầm bao la của nội tâm, một trực cảm về vô ngã và tính duyên sinh của vạn pháp, và tính hài hước độ lượng, mà chính là dấu hiệu của giải thoát.
Nhờ bạn đã tập đơn giản hóa sự sống và làm cho cái ngã bớt có cơ hội quyến rũ bạn, và nhờ bạn đã tập sự tỉnh giác của thiền định – do vậy nới lỏng kềm tỏa của tính bạo động, bám víu và tiêu cực trong bạn – mà tuệ giác từ từ có thể ló dạng. Trong ánh sáng soi cùng khắp của nó, tuệ giác này có thể chỉ cho bạn một cách rõ ràng trực tiếp, những vận hành tinh vi nhất của tâm bạn, và đồng thời, bản chất của thực tại.
Bản Ngã là gì: Hướng Đạo Minh Triết
Hai con người đã luôn sống trong bạn suốt cả đời bạn. Một người là bản ngã, nói nhiều, đòi hỏi, nóng nảy, tính toán; người kia là con người tâm linh kỳ bí mà tiếng nói lặng lẽ minh triết của y bạn hiếm khi nghe được hoặc nghe theo. Khi bạn càng học giáo lý, quán xét, và hòa nhập giáo lý đời sống của bạn, thì tiếng nói bên trong bạn, trí phân biệt bẩm sinh của bạn được đánh thức và tăng trưởng, và bạn khởi sự phân biệt giữa sự hướng dẫn của nó với những tiếng nói của bản ngã.
Kí ức về bản lai diện mục của bạn bắt đầu trở về với tất cả vẻ huy hoàng và tin tưởng. Bạn sẽ thấy bạn đã tìm ra trong chính bạn người hướng đạo cho bạn. Vì người ấy biết rõ bạn – y chính là bạn – nên có thể giúp bạn dàn xếp mọi rắc rối của tư tưởng và cảm xúc bạn.
Người hướng đạo của bạn có thể có mặt thường xuyên, vui vẻ, đôi khi chế nhạo, người luôn luôn biết cái gì là tốt hơn cả cho bạn, giúp bạn càng lúc càng tìm ra lối thoát khỏi những ám ảnh của những phản ứng do thói quen và những cảm xúc mê mờ.
*
Khi tiếng nói của “trí phân biệt” trong bạn càng mạnh và rõ hơn, bạn sẽ phân biệt được chân lý của nó và những lừa bịp của bản ngã, và bạn có thể lắng nghe nó với niềm tư tưởng. Bạn càng thường xuyên nghe theo người hướng đạo này, thì càng dễ dàng thay đổi được những tâm thái tiêu cực nơi bạn. Dần dần bạn sẽ thấy mình có thể thoát ra càng ngày càng nhanh hơn, khỏi những cảm xúc đen tối đã ngự trị đời bạn, và khả năng làm được việc ấy là phép lạ mầu nhiệm nhất.
Terton Sogyal, nhà thần bí Tây Tạng, đã nói rằng, ngài không khâm phục gì một người có thể biến hóa được cái nền nhà thành trần nhà, hay lửa thành nước. Phép lạ đích thực theo ngài là người nào có thể giải tỏa một cảm xúc tiêu cực.
Như vậy, dần dà, thay vì nghe tiếng lải nhải của bản ngã, bạn sẽ thấy mình càng ngày càng nghe được trong tâm mình nhưng chỉ dẫn rõ ràng của giáo lý đang khởi hứng, khuyên bảo, hướng đạo, chỉ thị cho bạn ở mỗi khúc quanh. Càng lắng nghe, bạn càng nhận được những hướng dẫn.
*
Nếu bạn nghe theo tiếng nói của người hướng đạo minh triết ấy, của trí phân biệt nơi bạn, và để cho bản ngã im tiếng, thì bạn sẽ kinh quá sự hiện diện của trí tuệ và phúc lạc mà chính thực là bạn. Một cuộc đời mới hoàn toàn khác cuộc đời trước đây khi bạn còn khoác cái lốt bản ngã, bắt đầu trong bạn. Và khi cái chết đến, thì bạn đã biết cách làm thế nào để kiểm soát những cảm xúc và ý tưởng nổi lên trong các trạng thái trung gian, những cảnh tượng mà nếu bạn không biết trước thì có vẻ thực một cách ghê gớm.
Khi bệnh mất trí nhớ của bạn về chính mình bắt đầu được chữa khỏi, cuối cùng bạn sẽ nhận ra rằng sự chấp thủ bản ngã, là căn nguyên mọi đau khổ của bạn. Bạn sẽ hiểu nó đã tàn hại bạn và kẻ khác đến mức nào, và sẽ thấy rằng điều cao quý nhất và lại khôn ngoan nhất để làm, là yêu thương người khác thay vì yêu thương chính mình. Việc ấy sẽ chữa lành trái tim, khối óc của bạn, và chữa lành tâm linh bạn.
Điều quan trọng là luôn luôn nhớ rằng nguyên tắc vô ngã không phải là lúc đầu có một bản ngã, rồi theo Phật thì phải từ bỏ bản ngã. Trái lại, vô ngã có nghĩa là tự khởi thủy chưa bao giờ có một cái ngã, và nhận chân được điều này gọi là thấy “vô ngã”.” ( Tạng Thư Sống Chết )
Ví dụ về Bản Ngã không thực có
Bản Ngã không thực có, ta hãy xem cuộc trò chuyện của Tỳ Kheo Na Tiên và Vua Di Lan Đa, trong kinh Mi Tiên Vấn Đáp để hiểu cho tường tận về sự hư giả của Bản Ngã:
“Vua Di Lan Ðà ngự đến chùa San khế đa, chỗ đại đức Na Tiên bây giờ đang tạm trú với tám chục tỳ kheo, ông tiến đến trước mặt Ðại đức và cung kính vái chào. Ðại đức đáp lễ. Sau lễ tương kiến, nhà vua cung kính ngồi né một bên.
Ðoạn, vua khởi chuyện hỏi rằng:
– Kính bạch Ðại đức, trẫm muốn hỏi ngài ít câu có được không?
– Xin Ðại vương cứ phán hỏi, bần tăng xin nghe.
– Bạch Ðại đức, quý danh là gì?
– Người ta gọi bần tăng là Na Tiên. Các pháp hữu của bần tăng cũng gọi bần tăng bằng tên ấy. Nhưng dù cho cha mẹ bần tăng có đặt cho bần tăng tên Na Tiên hay một tên nào khác, chẳng hạn như Duy Tiên, Thủ La Tiên hoặc Duy Ca Tiên…, thì chẳng qua cũng chỉ là những tên suông, đặt ra để phân biệt người nọ với người kia mà thôi. Trong những cái tên đó không hề có cái “ta” hay cái “của ta” như tà kiến và ngã chấp thường lầm nhận.
Nhà vua kinh ngạc quay sang đám tùy tùng hộ vệ và chư vị tỳ kheo trong chùa để phân bua:
*
– Này năm trăm quan chức và tám chục tỳ kheo! Tất cả quý vị hãy ghi nhớ lời nói của Ðại đức Na Tiên hôm nay. Ngài nói: Tên là do cha mẹ đặt ra và bạn hữu dùng để gọi, chứ trong đó không có cái “ta”. Như vậy trẫm có thể tin được lời ngài chăng?
Phân bua xong, nhà vua quay lại hỏi Ðại đức Na Tiên rằng:
– Bạch Ðại đức! Nếu không có cái “ta” trong đó thì khi tín thí cúng dường y bát, vật thực, phòng xá, thuốc men, dụng cụ…, ai thâu nhận các món cúng dường ấy? Ai bảo tồn luân lý, đạo nghĩa? Ai tham thiền nhập định? Ai hành đạo, đắc quả và nhập niết bàn?
Nếu không có cái “ta” trong người thì ai giữ giới? Ai phạm giới? Ai sát sanh? Ai trộm cướp? Ai hành dâm? Ai nói dối? Ai say sưa? Nếu quả như vậy thì không ai tạo nghiệp lành, cũng chẳng ai tạo nghiệp dữ. Luôn cả nghiệp lành dữ cũng không có. Những việc làm lành hay làm dữ không có quả báo gì hết.
Bạch Ðại đức, như thế thì nếu có kẻ giết Ðại đức cũng không phạm tội sát sanh chăng? Và trong chư tăng, không có ai là giáo thọ giảng dạy, chẳng có ai là hòa thượng truyền giới thu nhận đệ tử tu lên bậc trên? Ngay các pháp hữu của Ðại đức gọi Ðại đức là Na Tiên cũng không có nốt? Và cái tên Na Tiên đó là ai? Kính mong Ðại đức giải cho trẫm được biết. Thưa Ðại đức đã nghe rõ rồi chứ?
*
– Tâu Ðại vương, bần tăng đã nghe rõ rồi.
– Người nghe đó có phải là Na Tiên không?
– Tâu Ðại vương, không phải đâu.
– Thế thì ai là Na Tiên? Cái gì là Na Tiên? Tóc trên đầu là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Lông là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Móng là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Hay răng, da, thịt, tủy, gân… là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương cũng không phải.
– Sắc là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Thọ là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Tưởng là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Hành là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Thức là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Hay nhãn căn là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Hay nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn hoặc ý căn là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Hay tất cả năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hợp lại là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, không phải.
– Hay ngoài năm uẩn ra còn có cái gì đó là Na Tiên chăng?
– Tâu Ðại vương, cũng không phải nốt.
*
– Bạch Ðại đức, nãy giờ trẫm gạn hỏi tường tận về 32 thể trược, 5 uẩn và 18 giới có phải là Na Tiên không; hết thảy đều bị Ðại đức phủ nhận. Theo lời dạy bảo của Ðại đức, trẫm quán tưởng cũng thấy rằng trong từng cái nêu hỏi đều không có Na Tiên; và Na Tiên cũng không có trong tất cả những cái đó hợp lại. Na Tiên chỉ là cái danh suông.
Như vậy trong đoạn trước, Ðại đức bảo với trẫm rằng người ta gọi Ðại đức là Na Tiên; như thế là Ðại đức đã nói dối, chứ thật ra không có Na Tiên. Này năm trăm quan chức và tám chục tỳ kheo! Xin các vị hãy làm chứng cho.
Bấy giờ, Ðại đức Na Tiên chậm rãi tâu lại nhà Vua rằng:
– Tâu Ðại vương, Ðại vương thật là một bậc đế vương thanh nhã, hưởng nhiều phước báo an vui. Nhưng trên con đường từ hoàng cung đến chùa nầy, chắc hẳn vì gặp lúc khí trời oi bức, Ðại vương thấy trong người khó chịu, ngọc thể bất an, nên tâm trí Ðại vương có phần nóng nảy kém thanh tịnh. Chẳng hay Ðại vương đến đây bằng bộ hay bằng xe?
– Bạch Ðại đức, trẫm đến bằng xe. Chỉ khi tiến vào đây, trẫm mới đi chân. Nghe nhà Vua nói xong, Ðại đức Na Tiên hướng về đám tùy tùng hộ vệ của nhà Vua mà phân bua rằng:
*
– Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy ghi nhớ lời nói của nhà Vua. Ngài bảo rằng đến đây bằng xe. Xin quý vị hãy nhớ và làm chứng cho. Phân chứng cớ xong, Na Tiên quay lại hỏi nhà Vua:
– Tâu Ðại vương, Ðại vương bảo rằng ngài ngự đến bằng xe. Ðó là ngài nói thật chứ?
– Bạch Ðại đức, trẫm nói chắc thật.
– Vậy xin Ðại vương cho bần tăng biết rõ về cái xe. Gọng có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Trục có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Bánh có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Căm có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Thùng có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Ách có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Chỗ gác chân có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Mui có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Dây cương có phải là xe không?
– Thưa, không phải.
– Hay cây roi là xe?
– Thưa, không phải.
– Hay tất cả các món ấy họp lại và buộc chung với nhau là xe?
– Thưa, không phải.
– Hay ngoài các món ấy ra còn có một món nào khác gọi là xe?
– Thưa cũng không phải.
– Hay tiếng khua động là xe?
– Thưa, cũng không phải nốt.
– Vậy chớ xe là cái gì?
Nhà Vua lặng thinh, không trả lời.
*
Ðại đức Na Tiên dừng nghỉ một lát, rồi tâu rằng:
– Tâu Ðại vương! Nãy giờ bần tăng đã gạn hỏi tường tận về từng món một như gọng, mui, thùng… có phải là xe không; hết thảy đều bị Ðại vương phủ nhận. Theo lời phán bảo của Ðại vương, bần tăng quả thật cũng thấy rằng trong từng món nêu hỏi đều không có xe, và xe cũng không có trong tất cả những món đó họp lại; xe chỉ là cái danh suông.
Như vậy, khi Ðại vương nói với bần tăng rằng Ðại vương đến đây bằng xe, điều đó tưởng e đáng ngờ vực lắm. Ðại vương là một vị đại hoàng đế cao cả, làm chủ một vùng đất nước mênh mông, thật hẳn không đáng lại đây để nói những lời luống dối như thế.
Này năm trăm quan chức! Xin quý vị hãy làm chứng cho.
*
Thấy nhà Vua ngồi câm nín và các quan chức thì tỏ lòng tán dương bằng nhiều cách khác nhau. Ðại đức Na Tiên bèn từ hòa tâu với nhà Vua rằng:
– Trong kinh, Phật có dạy như vầy: “Hiệp các món gọng, thùng, bánh, mui… theo một mẫu mực nào đó thì thành một cái mà người ta tạm gọi là xe. Cũng như thế, hiệp tất cả đầu, mặt, tay, chân, hơi thở, lời nói, sự khổ, sự vui, điều lành, điều dữ… thì cũng thành một đơn vị mà người ta tạm gọi là “cái ta” để tiện bề phân biệt. Chứ thật ra thì không có “cái ta” chân thật nào cả!
Ðúng như lời của nữ tôn giả Hoa Si Ra (Vajirã) đã bạch với Ðức Thế Tôn khi Ngài còn tại thế: “Danh xưng xe sở dĩ có là do nhiều món đồ hợp lại là vẽ thành. Nhiều món cơ thể vẽ thành một vật mệnh danh là chúng sanh”.
Vua Di Lan Ðà nghe đến đây, lấy làm hoan hỷ, cực lực tán thán Ðại đức Na Tiên:
– Hay thay! Hay thay! Chớ chi Ðức Phật còn tại thế thì hẳn Ngài phải khen ngợi Ðại đức lắm.”
Ví dụ về Bản Ngã gây khiến chúng ta lầm lạc
Theo Tại& Hiện: “Sự bám chấp nặng nề về bản ngã là nguyên nhân gây nên khổ đau và phiền não, là tác nhân chính gây nên những cảm xúc buồn phiền, đau đớn hay giận dữ. Sự lầm lẫn này có thể dẫn ta đến những hành động có tính cách hủy hoại như tự tử, giết người, nghiện ngập, trả thù. v.v. Ta hãy xem sự chấp thủ dẫn đến nhầm lẫn của bản ngã qua một vài ví dụ:
Sự lầm lạc của Bản Ngã – Ví dụ thứ nhất:
Khi mắt bạn nhìn thấy bạn gieo một hạt giống xuống đất; một thời gian ngắn sau, mắt lại thấy nơi đó mọc lên một cái cây, cái tôi kết luận là “cây đó tôi trồng”; thậm chí nó còn đi xa hơn khi quả quyết rằng “cây đó của tôi”. Thực tế thì ta chỉ nhìn thấy hai việc: Một là tay bạn gieo hạt giống; hai là tại chỗ ấy có một cây mọc.
Chỉ thấy hai điều trên nhưng cái ngã đã vội kết luận sai lầm. Bởi mắt không hề nhìn thấy nhiều yếu tố khác nữa đã tạo nên cái cây như: đất, nước, không khí, ánh nắng mặt trời, khoáng chất, phân bón v.v.
Nhưng nếu kết luận rằng: “Cái hạt giống là do tôi gieo. Nhờ đất, nước, mặt trời v.v. mà cây mọc lên.” thì cái kết luận của trí phàm này cũng vẫn không chính xác. Tại sao? Đó là bởi vì mắt “thật sự” chỉ “thấy” việc gieo hạt giống và thấy có cây mọc lên mà thôi; nó có thấy gì khác đâu!
Cái tôi lấy kiến thức có sẵn từ “kho trí nhớ” (đất, nước, ánh sáng, v.v…) ráp chúng với các hiện tượng thấy – biết (gieo hạt và cây mọc lên) rồi đưa ra một kết luận. Tuy nhiên, nó đâu biết rằng cái cây đó có thể là do một hạt giống khác; hoặc do một người khác trồng; hoặc do một ngàn lẻ một lý do khác thì sao? Do đó, khi mắt nhìn thấy “A” rồi thấy tiếp theo là “B” thì cũng chưa có gì chắc chắn “B” là kết quả của “A”.
Sự lầm lạc của Bản Ngã – Ví dụ thứ hai:
Thầy thuốc “chữa bệnh” xong, bệnh nhân hết bệnh. Cái tôi của vị thầy thuốc kết luận: “tui chữa hết bệnh”. Cái tôi đó có thể cũng không chính xác. Vì biết đâu sau khi vị thầy thuốc “chữa bệnh” xong, rất có thể là muôn ngàn thứ khác như: Thực phẩm, hơi thở điều hòa, tinh thần thay đổi; tâm trí yên vui, duyên nghiệp đã dứt v.v… hợp với cái “chữa bệnh” kia đã làm cho bệnh nhân hết bệnh.
Cái tôi không hề nhận được những thông tin này. Giả như nó có nhận được đi nữa, nó vẫn tự động kết luận theo những cái biết sẵn có của nó. Cũng như khi thầy thuốc chữa, mà bệnh nhân chết hoặc không hết bệnh, thì cũng không thể kết luận là do thầy thuốc tồi quá; cũng không thể kết luận là thuốc dở quá.
Sự lầm lạc của Bản Ngã – Ví dụ thứ ba:
Vợ chồng giao hợp, sau chín tháng sinh ra một “con người” nhỏ xíu. Cái tôi kết luận rằng: “Con người đó tôi tạo nên. Nó là con của tôi và nó thuộc về tôi”. Bản ngã mù quáng kết luận như thế mà không biết rằng: Có thể còn có những nhân duyên nào, hoặc lực nào khác đã đưa cái “sinh linh” kia vào cuộc đời này?
Trong ba thí dụ trên, cho dù bản ngã có dùng những kiến thức cất chứa sẵn để kết luận khác đi, thì cũng vẫn không chính xác; vì nó luôn bị giới hạn trong cái “biết” của nó. Trong cái giới hạn quan sát, nó có thói quen diễn giải, lý luận và đem những “kiến thức” cũ lắp vào các khoảng trống của hiểu biết rồi kết luận.”
( Bản ngã là gì )
Tuệ Tâm 2022.
Thanh Tịnh viết
Nam mô A di đà Phật.
Kính chào Tuệ Tâm,
Đọc bài viết mà tôi giật mình. Như có người đang chỉ thẳng vào “tôi” mà nói lên rõ mồn một cái tâm bệnh của tôi vậy. Quả thật tôi chấp thủ quá nặng nề.
Đơn cử như cái tâm nghi hoặc kéo dài (mà tôi đã chia sẻ cùng Tuệ Tâm) tôi chợt nhận ra là do bản thân quá ương bướng cố chấp mà ra. Nếu nghi hoặc trong thời gian ngắn thì có thể cho đó là sự tự vệ nhất thời của cái tôi, hoặc do thiếu trí huệ, nhưng nếu nghi hoặc trong thời gian dài thì có lẽ là do thêm cái lỗi ương ngạnh cố chấp. Không biết có phương cách nào để trị triệt để thói ương bướng cố chấp không?
Ngày nay người ta thường có thói quen chấp vào cái thấy thường tình để luận bàn xằng bậy những việc ngoài tầm thấy biết của họ. Lắm kẻ bài nhân bác quả, hủy báng kinh pháp mà cứ ngỡ là bản thân là chân lý rồi khiến mình lầm lạc, người lầm lạc. Kính mong Tuệ Tâm có thể thi thoảng đăng một số bài viết nhằm giúp cho những bạn đọc hữu duyên có thể nhìn thấu để xả bớt những chấp trước của bản thân, giảm bớt phiền não, tăng tiến trên đường đạo. Tôi cũng mong chờ lắm.
Bài viết rất hay, xin cám ơn Tuệ Tâm rất nhiều.
Nam mô A di đà Phật.
Kính thư.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Nghi là một trong 10 kiết sử, đoạn được nó không phải là chuyện một sớm một chiều. Người ta thường bảo tâm nghi là do thiếu trí Huệ, điều này đúng, nhưng thực ra nghiệp chướng ngăn che mới là phần cốt lõi gây nên Nghi. Bởi nghiệp chướng ngăn che nên nhiều khi ta biết lời Phật, lời Tổ là chân thật ngữ…nhưng vẫn nghi, ấy là do bởi nghiệp chướng ngăn che vậy.
Không phải ngẫu nhiên Kinh Địa Tạng dạy rằng: “Nghiệp chướng nặng nề có thể ngăn che Thánh đạo”. Người học Phật ngày nay thường nóng vội tu ngay, quên mất sám hối, nên khi chướng trổ ra thường khó kham nhẫn được. Hành trì lâu ngày chẳng thấy chi, không mấy kẻ không quay lại bài nhân bác quả, hủy báng Tam Bảo; Tự đoạn mất pháp thân huệ mạng của mình để lấy Địa ngục làm nẻo chỉ quy, thật vô cùng đáng tiếc vậy! Chư Tổ năm xưa hễ có người đến cầu đạo, thường trước dạy sám hối, sau mới dạy pháp hành trì. Lý do ẩn mật vẫn là lấy sám hối làm nền tảng để nhập vào đạo. Bởi “nghiệp tiêu trí mới rạng, chướng tận phước mới tăng”, không thể khác được!
Khuyên bạn nên siêng năng niệm Phật, lạy Phật để sám hối túc nghiệp, duy có cách ấy mới nhanh đoạn trừ được nghi tâm trong thời mạt pháp này!
Nam mô A Di Đà Phật.
Thanh Tịnh viết
Nam mô A di đà Phật. Nghiệp chướng của tôi quá sâu dày rồi.
Tuệ Tâm cho tôi hỏi.
Nếu niệm Phật để sám hối thì vừa niệm Phật vừa khởi lên niệm sám hối, hay là sám hối trước rồi niệm Phật, hay là niệm Phật xong rồi sám hối? Hay là chỉ để trong lòng một câu Phật hiệu, không cần để ý đến sám hối hay không sám hối, nghi hay không nghi,…? Nếu như thế nghiệp chướng liệu có được tiêu trừ?
Nhà tôi không có tượng Phật, có thể hướng về Tây lạy Phật được không? Làm như thế có thể tiêu nghiệp chướng giống như lạy tượng Phật trước mặt được không ạ? Hay bắt buộc phải có tượng mới được?
Tôi xin cám ơn hồi đáp của Tuệ Tâm.
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
1.Bạn chỉ cần mỗi sớm mai thức dậy, hoặc trước mỗi thời khóa, chắp tay hướng về Tây mà nguyện sám hối hết thảy mọi tội lỗi đã gây ra cho pháp giới chúng sanh trong từ vô thỉ kiếp đến nay; lại nguyện hồi hướng hết thảy công đức niệm Phật của mình cho pháp giới cùng lìa khổ được vui, đồng vãng sanh Cực Lạc, cầu Phật phóng quang chứng minh gia hộ. Cái này chi cần phát nguyện một lần là được, nhưng vì ta là phàm phu, tâm trược loạn, nên ngày nào cũng nên thầm nguyện như thế để luôn nhớ không quên.
Thực ra, khi bạn niệm Phật cầu vãng sanh thì sáu chữ hồng danh ấy đã bao gồm tín nguyện hạnh và sám hối. Tại sao như thế? Bởi như kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy: “Chí tâm niệm Phật một câu trừ được tội nặng trong 80 ức kiếp sanh tử”; chư Tổ cũng thường bảo: “Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng. Lạy Phật một lạy tội diệt hà sa.” Niệm Phật nếu không bao gồm sám hối thì tội do đâu mà được diệt? Cho nên nếu bạn chân thực niệm Phật cầu vãng sanh thì không cần chấp vào chuyện: “Nếu niệm Phật để sám hối thì vừa niệm Phật vừa khởi lên niệm sám hối, hay là sám hối trước rồi niệm Phật, hay là niệm Phật xong rồi sám hối? Hay là chỉ để trong lòng một câu Phật hiệu, không cần để ý đến sám hối hay không sám hối, nghi hay không nghi,…? Nếu như thế nghiệp chướng liệu có được tiêu trừ?”. Niệm Phật là diệu pháp là như thế đó, chỉ hiềm vì chúng ta nghiệp sâu chướng nặng, bị nó ngăn che nên chẳng tin nhận được đó thôi!
2. Nhà không có bàn thờ Phật thì chắp tay hướng về Tây mà lạy. Bạn khởi một niệm thiện ác trong đầu quỷ thần còn rõ biết, chư Phật và Bồ Tát há lại không biết hay sao? Tâm chí thành lễ lạy, chư Phật đại từ đại bi, há lại không phóng quang chứng minh gia hộ hay sao mà còn phân vân thế? Phật pháp trọng yếu ở nơi Tâm chí thành khẩn thiết, hình tướng bên ngoài có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao, cứ thuận theo hoàn của mình mà hành trì là đúng pháp.
Câu mong Tam Bảo gia bị cho bạn sớm kiên cố lòng tin. Nam mô A Di Đà Phật.
Thanh Tịnh viết
Nam mô A di đà Phật.
Tôi thật quá hồ đồ. Nhiều việc không đáng có mà cứ tự sinh sự rồi khúc mắc mãi trong lòng, lâu dần cố kết thành một khối khó thể buông bỏ. Hổ thẹn sâu sắc vì ngày ngày vẫn đọc vẫn biết đó đều là hư vọng.
Tạ ơn Tuệ Tâm đã chỉ bảo.
Nam mô A di đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cung Kính viết
Nam mô A di đà Phật.
Trước đây con bị tâm nghi chướng ngại. Tìm đọc đủ các sách mà chẳng thể giải nghi. Sau nghe lời chư Tổ dạy Pháp môn Tịnh Độ đến bậc Đăng Địa Bồ Tát còn chưa hiểu hết, huống là phàm phu đòi tìm hiểu, từ đó mới biết dù có tìm hiểu đến hết đời cũng khó giải nghi cho đặng. Do đọc được lời dạy của một vị cao tăng (nếu con nhớ không nhầm thì là Pháp Nhiên Thượng Nhân) bảo là chí ít cũng nên giữ tâm rỗng rang, để không mất phần vãng sanh, chớ có nghi hoặc. Vậy nên sau này dù nghi nổi lên con cũng quyết vứt nó vào sọt rác, cố giữ tâm rỗng rang, không để ý đến nó. Đến nay tình hình đã khá hơn. Nếu như vẫn quen thói cũ như ngày xưa, đào sâu tìm hiểu thêm hòng rõ mối nghi về pháp khó hiểu khó tin này, giống như khoét sâu thêm vào vết thương chưa lành, thì có lẽ giờ này con đã quay cuồng điên loạn mất rồi.
Nam mô A di đà Phật. Nguyện Phật gia bị cho con vĩnh viễn không còn rơi vào lưới nghi nữa.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Đức Thích Ca dạy rằng Pháp môn Tịnh Độ rất khó tin nhận. Nay bạn tin nhận, lại có biệt duyên gặp được Chánh Hạnh Niệm Phật, chỉ nên ngửa tin lời Phật, lời Tổ mà hành trì là nắm chắc phần vãng sanh. Nên trân quý cái duyên trăm vạn kiếp khó gặp này, chớ lấy cái trí phàm phu của mình mà suy lường ý Phật, rất dễ vướng phải cái đại nạn của “Thế trí biện thông.”
Cung Kính viết
Nam mô A di đà Phật.
Hôm trước đọc nhiều bài viết, con đã hỏi nhiều câu hỏi như vậy mà vẫn được Tuệ Tâm quan tâm trả lời nhanh chóng, thoả đáng. Con xin cảm ơn rất nhiều. Kính chúc Tuệ Tâm nhiều sức khoẻ để có thể hỗ trợ thêm nhiều người gặp khó khăn, khổ nạn nữa.
Nam mô A di đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Cảm ơn bạn đã động viên! Mong bạn tinh tấn hành trì và luôn ở trên thuyền Đại Nguyện của Phật A Di Đà!
Lê viết
Thưa thầy, dạo này niệm dâm đê hèn của con nổi lên liên tục.con năm nay 14 tuổi.phạm tà dâm năm 12 tuổi.chỉ trong 2 năm phạm tà dâm nhưng con xem phim sex và thủ dâm rất nhiều.từ khi biết đến phật pháp con đã bỏ rồi.Nhưng con đã ko sám hối vội niệm phật luôn.bây giờ con phải làm sao đây.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn tuổi còn trẻ mà phát nguyện không tà dâm, thực vô cùng hiếm có! Thường khi phát nguyện đoạn một việc ác nào đó, một thời gian sau sẽ có chướng duyên đến khảo, để xem ta có thực tâm hành trì hay không. Lúc nó đến mà nỗ lực an nhẫn vượt qua thì nguyện lực sớm được thành tựu, còn như giải đãi buông lung thì cũng chỉ là nguyện suông, quỷ thần thấy vậy khinh ghét chê cười. “Niệm tà dâm sanh khởi liên tục” là chướng duyên đến khảo mà thôi, cố gắng gắng niệm Phật cùng Thánh hiệu Quán Thế Âm Bồ tát, cầu các Ngài gia bi thêm. Lúc ổn rồi thân tâm đều thanh tịnh, an vui vô bờ bến!
Xin thường niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật 🙏 viết
Vạn vật chi trung hà vô tướng
Hà vật tối đại chốn nơi nao
Nhân ngã tối cao cùng pháp tánh
Tức thì Phật tánh hiện trong Ta
Ý nghĩa của câu này là sao ạ.
Nam mô A Di Đà Phật 🙏
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Vụ này bạn phải chịu khó đi hỏi người khác rồi, Tuệ Tâm chỉ biết niệm Phật, thật không đủ trí huệ để trả lời bạn.
Xin thường niệm sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật 🙏 viết
Nam mô A Di Đà Phật 🙏 xin thường niệm Nam mô A Di Đà Phật 🙏