Sát sanh là gì? “Sát” nghĩa là giết hại, “Sanh” nghĩa là sanh mạng của chúng hữu tình, Sát sanh nghĩa là giết hại sinh mạng của chúng sanh. Bạn thân mến! Cho dù bạn có ăn mặn đi chăng nữa cũng nên mua đồ bán sẵn, chớ sát sanh hại mạng mà chuốc họa vào thân. Chúng ta thường không biết được rằng, khi con vật bị ta giết hại, sẽ có hai việc xảy ra:
1. Do kinh hãi mà chết nên thịt của con vật sanh ra chất độc. Ta ăn thịt nhiều nên chất độc theo năm tháng tăng dần, quái bệnh do đó sinh ra.
2. Thần thức con vật do oán hận nên đeo bám trên thân ta chờ ngày báo oán. Hễ chúng tụ họp nhiều ở đâu thì bệnh sanh ra ở đó. Khi phước đức của ta suy hao, không còn được phước thần bảo vệ, chúng sẽ tác động vào tâm trí của ta, thậm chí còn ám nhập vào ta, khiến cuộc sống của ta không khác chi địa ngục.
Nếu bạn chịu khó để ý xung quanh, bạn sẽ thấy rằng: “Người đời ai cũng muốn được giàu có, nhưng làm nghề đồ tể lại thường nghèo mạt. Người đời ai cũng muốn khi chết được an lành tốt đẹp, nhưng làm nghề đồ tể ắt phải chết bất đắc kỳ tử. Người đời ai cũng muốn gia đình đoàn tụ, nhưng làm nghề đồ tể thì gia đình thường ly tán. Hậu quả của những làng giết mổ nổi tiếng như Nhật Tân, nếu bạn đọc được ắt sẽ kinh tâm động phách!”
*
- Vì sao Sắc Dục là xiềng xích của đời người.
- Cách phóng sinh tại nhà đúng pháp.
- Ăn chay có được ăn trứng không.
- Luận về cái Tôi và Bản ngã.
- Bệnh tật và nghiệp chướng.
- Giàu sang phú quý do đâu mà có
- Hôn nhân là nghiệp duyên nhiều đời kiếp.
*
Bởi vậy nên trong luận Trí Độ, Đức Phật bảo với Ưu bà tắc Nan Đề Ca rằng: Sát sanh có mười tội lỗi. Những gì là mười tội lỗi? Đó là:
- Tâm thường ôm ấp độc hại đời đời không dứt.
- Chúng sanh căm ghét mặt không ưa thấy.
- Thường ôm ấp ý niệm độc ác suy nghĩ về việc xấu ác.
- Chúng sanh sợ hãi như trông thấy cọp beo rắc độc.
- Lúc ngủ thì tâm sợ hãi lúc thức cũng không yên lành.
- Thường có ác mộng.
- Lúc mạng chung điên cuồng sợ hãi nên chết rất dữ dằn.
- Gieo nhân duyên cho nghiệp mạng sống ngắn ngủi.
- Thân mạng đến lúc kết thúc rơi vào địa ngục Nê lê.
- Nếu sinh ra làm người thì thường chịu báo ứng mạng sống ngắn ngủi.
Tổ Ấn Quang bảo: “Nên biết, nạn binh đao tai kiếp vốn đều do nghiệp giết hại của chúng sinh chiêu cảm mà có. Nếu không có nghiệp giết hại, cho dù tự thân có gặp phải bọn giặc cướp, ắt chúng cũng khởi tâm lành mà không giết hại ta. Hơn nữa, những nạn khổ như ôn dịch, lũ lụt, lửa cháy hoặc những tai nạn bất ngờ đều rất ít xảy ra với những người giữ giới không giết hại, thực hành phóng sinh. Cho nên biết rằng, việc bảo vệ sự sống của chúng sinh vốn cũng là bảo vệ chính mình. Người giữ giới không giết hại thì bản thân không bị chư thiên giết hại, không bị quỷ thần giết hại, không bị giặc cướp giết hại, cũng không bị giết hại bởi sự báo oán qua lại trong tương lai.”
Sát Sanh Là Gì
Theo Phật Học Tinh Yếu, sát sanh có năm tướng trạng:
- Cố tâm.
- Sanh mạng khác.
- Nghi tâm.
- Thân làm hoặc miệng bảo.
- Dùng phương tiện.
1. Thế nào là Cố Tâm: Nếu có tâm giết hại, dù giết sanh mạng lớn nhỏ, cũng đều mang tội. Như vô tâm ngộ sát thì không thành tội. Nếu vô tâm giết mà thành tội thì bậc A-la-hán cũng không ưng đắc Niết-bàn. Bởi bậc A-la-hán, đã đoạn nhân thế gian, như vô tâm giết rồi bị đọa luân-hồi, thì không thành A-la-hán. Nhưng sự thật chẳng phải thế; vì nghĩa nầy nên biết vô tâm giết không thành tội sát.
2. Thế nào là Sanh Mạng Khác: Nói “sanh mạng khác”, tức không phải chính mình. Nếu giết sanh mạng khác mới đắc tội, còn tự sát thì không thành tội sát sanh.
3. Thế nào là Nghi Tâm: Nếu dùng nghi tâm mà giết hại, cũng mang tội sát, bởi kẻ ấy đã thiếu lòng từ bi.
4. Thế nào là Thân Làm Miệng Bảo: Tự mình giết, hoặc dùng tay chân, dao gậy, cung tên, thuốc độc, thư ếm, đã đành đắc tội. Như không tự giết mà bảo kẻ khác giết, nếu sự giết thành, người bảo liền mang tội sát.
5. Thế nào là Dùng Phương Tiện: Tuy thân không làm, miệng không bảo, nhưng khởi ý giết hại, dùng mưu mô phương tiện để đưa người đến chỗ chết, nếu kết quả thành cũng mang tội sát.
Lời Phật dạy về Không Sát Sanh
Đức Phật dạy rằng: “Các loài có mạng sống đều có thể là cha mẹ, thân quyến từ nhiều đời trước của chúng ta.” Mỗi kiếp sinh ra làm người, tất nhiên đều có cha mẹ, quyến thuộc. Từ vô thủy đến nay, nếu chúng ta thác sinh qua số kiếp nhiều như số cát một sông Hằng, ắt phải từng có số cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của số kiếp nhiều như số cát một sông Hằng. Nếu thác sinh qua số kiếp nhiều như số cát trăm ngàn sông Hằng, ắt phải từng có số cha mẹ, thân bằng quyến thuộc của số kiếp nhiều như số cát trăm ngàn sông Hằng, lẽ nào có thể mê muội sát sanh bừa được sao?
Trong kinh Thập-Thiện-Nghiệp-Ðạo, Đức Phật bảo: “Nầy Long-vương! Nếu không sát sanh, tất được thành tựu mười pháp ly não. Mười pháp ấy là:
- Bố thí vô úy cho tất cả chúng-sanh.
- Ðối với hữu-tình thường khởi lòng đại từ.
- Dứt hết tập khí giận hờn.
- Thân thường không bịnh.
- Thọ mạng lâu dài.
- Hằng được loài phi nhân thủ hộ.
- Giấc ngủ yên ổn không ác mộng.
- Giải trừ hết oán thù.
- Không sợ đọa vào ác đạo.
- Mạng chung sanh lên cõi trời.
Ðó là mười pháp. Nếu đem công đức ấy hồi hướng quả Vô-thượng-bồ-đề, về sau khi thành Phật, sẽ được thọ mạng tùy tâm tự tại.”
Không sát sanh là một trong năm trọng giới của người học Phật. Đức Phật khuyên chúng ta không được giết hại sanh mạng, từ loài người cho đến loài vật. Phật-giáo cấm sát sanh bởi những lý do sau:
1. Không sát sanh vì tôn trọng Phật tánh bình đẳng:
Ðức Phật bảo: Tất cả chúng-sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng thành Phật. Chân tánh đã bình đẳng thì chúng ta không nên cho rằng Phật tánh ở người có giá trị hơn ở vật, ở màu da này, giai cấp này, có giá trị hơn màu da kia, giai cấp kia. Cho nên giết hại một sanh mạng là giết hại một Đức Phật ở tương lai.
2. Không sát sanh vì tôn trọng sự công bình:
Mọi loài đều biết ham sống sợ chết, trừ gặp cảnh cùng quẫn hay lý do quan trọng khác, nên mới phải quyên sinh. Chúng ta đã xem sanh mạng mình là quý, nếu ai mưu hại thì dùng đủ cách để tự bảo vệ, tại sao lại ỷ khôn mạnh mà giết loài ngu yếu để thỏa lòng căm tức hoặc cầu miếng thơm ngon? Việc mình không muốn lại đem ra đối xử với kẻ khác, loài khác, ấy là mất sự công bình. Vậy nên lấy lòng mình suy lòng người, cho đến loài vật, chớ giết, chớ bảo giết.
3. Không sát sanh vì nuôi dưỡng lòng từ bi:
Ðã là chúng-sanh có tình thức thì loài nào cũng biết đau đớn, vui buồn. Một chuyện nhỏ nhặt như khi chúng ta đi lỡ vấp, tự có cảm giác đau đớn, và trong cảnh tử biệt sanh ly ai cũng thương buồn! Thế thì tại sao ta lại nhẫn tâm làm cho kẻ khác hoặc vật khác, trước khi tắt hơi thở phải rên siết trong lệ nóng, quằn quại trong máu đào, và chịu nỗi thương tiếc đau buồn trong cảnh sanh ly tử biệt? Một chút đau đớn chính mình còn khó kham chịu, lại gây cho chúng-sanh nỗi thống khổ vô hạn, tức không có lòng từ bi, không xứng đáng là con của Phật.
4. Không sát sanh vì tránh nhân-quả xấu ác:
Khi ta giết một người, tất đã gây mối oán hờn với gia đình quyến thuộc họ. Trong lúc thế cô sức yếu, thân thích nạn nhân chỉ đành ôm hận, nhưng họ vẫn rình rập chờ cơ hội báo thù. Loài vật cũng vậy, nếu có thể báo oán nó không dung tha kẻ giết. Theo kinh Phật, kẻ giết hại lâu ngày thì nghiệp sát càng nặng, sau khi chết phải đọa vào Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh, chịu vô lượng sự khổ. Ðến khi được thân người lại bị nhiều bịnh hoặc chết non. Cho nên càng sát hại, càng tăng thêm nghiệp khổ, mãi xoay vần trong nẻo luân-hồi, không biết ngày nào được ra khỏi.
Nhân quả báo ứng của Sát Sanh
Sát sanh là một trong những tội cực nặng, thường phải chịu báo ứng ngay trong đời này. Cổ kim chuyện quả báo sát sanh nhiều không kể xiết. Chuyện xưa e kể lại nhiều người chẳng tin. Nay tôi trích đôi câu chuyện báo ứng nhẹ nhàng, trong sách “Nhân quả báo ứng hiện đời” – do Ni sư Hạnh Doan dịch. Nguyện có bạn đọc khởi phát được tín tâm mà ăn chay giới sát, hưởng cuộc sống khỏe mạnh an lành!
Quả báo Sát Sanh: 1. Sức mạnh của Sám hối.
Theo Nhân quả báo ứng hiện đời, tập bốn: “Tổng giám đốc Trần là nữ doanh nhân, chủ một đại xí nghiệp thành đạt. Bà học Phật đã hơn hai năm. Dưới ảnh hưởng của bà, nhiều nhân viên trong xí nghiệp cũng bắt chước ăn chay tập tu theo. Nhờ đó mà đời họ thay đổi, xí nghiệp càng phát mạnh. Là một nữ lãnh đạo nổi tiếng trong giới kinh doanh, bà được mọi người khâm phục, ngợi khen.
Ngày nọ bà Trần đến nhà tôi, kể về tình trạng sức khỏe mình. Bà than thời gian gần đây mình hay bị nhức đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân. Chứng bịnh này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác, sinh hoạt và việc tu tập của bà.
Lúc bà đương kể lể về chứng nhức đầu, tôi bỗng nhìn thấy từ vai trái đến gáy của bà xuất hiện một con cá sấu to. Nó không ngừng cắn xé nơi cổ bà, khiến máu chẳng cung ứng đủ cho não trái. Tôi không kìm được, vội hỏi:
*
– Bà có từng ăn thịt cá sấu hay loài vật hoang dã nào không?
– Ôi chao! Tôi đã ăn qua rất nhiều thịt động vật. Trước đây, khi còn ăn mặn, do phải thường xuyên tiếp khách, nên tôi đã ăn hầu hết mọi loài hoang dã như: Đà điểu, rùa, thỏ rừng, gà tuyết, độc xà, thậm chí cả cá sấu nữa! Nhưng thịt cá sấu tôi chỉ ăn qua có một lần, hơn nữa lại là dạng thịt đông lạnh mà thôi.
Tôi giải thích:
– Mặc dù bà chỉ ăn một miếng thịt, nhưng chính bà là người đứng ra mời khách, tự xuất tiền cho vụ tạo ác nghiệp này! Phải biết những loài động vật hoang dã có tính linh rất lớn, chẳng nên tùy tiện giết nó. Không nên vì ham ngon miệng no bụng mà ăn thịt chúng. Ngài Tuyên Hóa từng giảng vì sao không nên sát sanh. Lý do như sau: “Chúng ta ăn thịt chúng sinh, sẽ thu nạp khí và máu huyết súc sinh vào thân chúng ta. Thần thức nó cũng đeo theo quấy phá”.
Chính con cá sấu đã ra tay báo thù, khiến thân thể bà luôn bịnh hoạn, cực suy! Hiện giờ thần thức nó đang ở phía bên trái, từ vai đến gáy của bà. Nó không ngừng cắn xé cổ bà, làm cho não bên trái máu không cung ứng đủ. Đó là nguyên nhân vì sao bà bị nhức đầu.
*
Bà Trần tỉnh ra:
– Nói như thế thì tội tôi quá lớn, vì tôi từng ăn qua rất nhiều động vật hoang dã. Nhất định tôi phải sám hối, tụng kinh, phát nguyện. Trước tiên phải hồi hướng cho con cá sấu này.
Tối đó, tắm rửa xong, bà Trần quỳ trước Phật tụng Kinh Địa Tạng hồi hướng cho con cá sấu đã bị giết hại. Trong quá trình tụng kinh, bà ráng chịu đựng, kiên trì tụng hai bộ Kinh Địa Tạng. Nhờ đó bà khắc phục được các chứng chóng mặt, nhức đầu.
Qua hôm sau gặp lại, tôi thấy tinh thần và tướng mạo bà đã có thay đổi tốt. Mặt bắt đầu tươi tắn hồng hào, những vết ám đen cũng tan hơn phân nửa.
Chiều đó mấy đạo hữu đến thăm bà Trần. Trước mặt mọi người, bà Tổng giám đốc oai vệ này đã buông bỏ hết vẻ cao ngạo quan liêu. Bà thành khẩn kể lể phát lộ những lỗi lầm mình từng phạm trong quá khứ. Lại chân thành sám hối tội minh đã từng ăn và giết hại nhiều sinh vật. Bà sám hối ngày xưa làm lãnh đạo đã có tâm cống cao ngã mạn, nóng nảy hẹp hòi. Sám hối mình lúc chưa học Phật đã tạo nhiều ác nghiệp.
*
Ngay lúc bà đang sám hối, những vết ám đen còn lưu trên mặt dần dần tan biến hết. Khuôn mặt bà trở nên sáng rỡ, hồng hào tươi tắn.
Lúc này tôi nhìn thấy: Những chúng sinh từng bị bà làm hại đang thấp thoáng ẩn hiện. Dưới uy lực chân thành sám hối của bà, chúng sinh tâm tha thứ hỉ xả. Rồi từng tốp, từng tốp cùng bay lên, trong chốc lát đã vãng sinh vào thiện đạo.
Sức mạnh sám hối thù thắng và cực kỳ lớn như thế, đã khiến mọi người xúc động sâu sắc. Cả hội trường nhốn nháo, cùng nhau thú tội, thế là: “Anh một câu tôi một câu”, ai cũng thành tâm phát lộ nhận lỗi, tự kiểm điểm ác nghiệp và những lầm lỡ, sai quấy mình đã tạo trong quá khứ.
Sức mạnh của sám hối đúng như Phật từng thuyết trong “Kinh nghiệp báo sai biệt” như sau: “Nếu người tạo tội nặng mà biết ăn năn tự trách, sám hối lỗi xưa, nguyện không tái phạm, ắt có thể nhổ sạch tận gốc mọi ác nghiệp”.
Nhân quả sát sanh: 2. Vì sao hài nhi khóc
Nơi bếp núc trong mỗi gia đình chính là nơi hội tụ những oan nghiệp oán hận lớn lao. Tuy chỉ vuông vức mỗi bề chừng ba, bốn mét, nhưng tiếng khóc la cầu cứu thường xuyên vang lên trong ấy. Mẹ con ly tán cũng thường xuyên xảy ra nơi ấy; banh gan mổ ruột, moi tim móc phổi cũng thường xuyên xảy ra nơi ấy.
Oán khí tích lũy lâu ngày có thể thấy chứa đầy nơi ấy. Ma quỷ oán hận khóc than, tiếng buồn đau vang suốt đêm thâu. Có khi chúng hiện hình thành ma không đầu, hoặc hiện thân hình đầy máu me, hoặc hiện hình hai mắt nhắm nghiền, hoặc mắt trợn trừng, hoặc hiện hình lắc đầu đập cánh, hoặc phát âm thanh phì phò như phun máu, hoặc tiếng rên rỉ đau đớn, hoặc tiếng than vãn khổ sở, tất cả đều nghiến răng đấm ngực, nhe nanh múa vuốt, quyết được đối mặt trả oán mới cam lòng.
Cho nên, trời đất linh thiêng, quỷ thần qua lại, đều đã ghi chép tội lỗi đành rành, khiến cho kẻ ác lúc sống phải chịu vô vàn nạn khổ, chết đi phải đọa trong ba đường dữ, không ai có thể cứu thoát được. Vậy nên ngàn vạn lần xin chớ sát sanh ở trong nhà, họa hại thật khôn lường!
*
Theo Nhân quả báo ứng hiện đời, tập năm: “Đầu xuân năm nọ, Tiết Nhan, nhà láng giềng, đột nhiên gọi điện cho tôi nhờ trợ giúp. Anh bảo khi đến chúc tết nhà của sếp, gặp lúc hai vợ chồng họ khốn khổ bởi đứa con mới sinh hơn tháng khóc thét không ngừng suốt hai ngày. Do các bệnh viện không tìm ra nguyên nhân vi sao bé khóc, nên lòng họ nóng như lửa đốt.
Tiết Nhan thấy tình cảnh này, vội gọi điện cho tôi cầu cứu. Tôi bèn chuyển điện thoại đến cho sư phụ.
Sư phụ bảo Tiết Nhan trao điện thoại cho cha mẹ bé, rồi hỏi:
– Nhà các người có phải rất ưa ăn hải sản?
Họ đáp:
– Dạ phải. Dân ở Đài Loan thường ăn các thứ này, chúng tôi cũng vậy!
Sư phụ bảo:
– Nếu bây giờ hai vị phát tâm không ăn hải sản nữa và chịu niệm Phật siêu độ cho những con vật đã ăn thì con các vị sẽ lập tức ngưng khóc ngay!
Họ không hiểu, chất vấn:
– Đứa bé khóc thì có liên quan gì đến việc ăn tôm, cua, cá…của chúng tôi?
Sư phụ giải thích:
– Đài Loan đạo Phật rất thịnh, thế mà hai vị đối với Phật giáo lại không biết chút gì sao?
Họ đáp:
– Chúng tôi là ngoại đạo, theo tín ngưỡng thờ Lão giáo của Đài Loan. Mà đạo này không cấm ăn các thứ hải sản tươi sống.
Sư phụ nói:
*
– Thần thức các loài thủy tộc mà hai vị đã ăn qua đang ôm hận và chực sẵn chờ đợi thời cơ báo thù. Nhưng do hai vị hiện thời phúc báo chưa tận, tuổi trẻ dương khí thịnh, nên các oan gia này bèn chuyển sang quấy rối đứa nhỏ. Chúng hóa hiện thành đủ hình dạng xấu xí đề nhát dọa hù cho đứa trẻ sợ. Các vị có thấy hai cánh tay của bé không ngừng quơ quơ giữa không chăng? Đó là vì muốn chống lại những linh quỷ dị dạng xấu hình đang khuấy phá. Oan gia đang dùng cách này làm cho các vị phải sầu muộn lo lắng, tâm lực tiều tụy. Như thế thì chẳng bao lâu nữa là chúng có thể đạt được mục đích báo thù!
Phải biết các trẻ dưới ba tuổi bình thường đều còn nhục nhãn thông. (Có thể nhìn thấy cảnh giới mà mắt người không nhìn thấy.). Sau ba tuổi, do dục vọng thế gian tăng gia, dần dần che mờ hết nên chúng sẽ thấy bình thường lại như người lớn. Nếu muốn oan gia không quấy nhiễu hù dọa đứa bé nữa, thì ngay bây giờ hai vợ chồng phải lập tức phát thệ không ăn hải sản nữa! Hai vị cần tuyên bố như vậy. Sau đó phải vỉ những con vật mình từng ăn qua niệm thánh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật” để siêu độ chúng. Làm được vậy thì cháu bé sẽ ngưng khóc ngay. Ta biết hai vị không tin, nhưng lẽ nào không muốn thử nghiệm xem sao ư?
*
Đối phương do dự một lúc, bất đắc dĩ đành phải phát lời thề nguyện: “Chúng tôi từ nay về sau không ăn hải sản nữa!”
Sau đó sư phụ dạy họ niệm thánh hiệu “Nam mô A Di Đà Phật!” Họ chỉ lặp lại mới vài câu, thì tiếng khóc đứa bé nhỏ dần, rồi từ từ dứt hẳn.
Điều này khiến ông chủ Đài Loan cảm thấy bất ngờ và bị chấn động, cất tiếng cảm tạ sư phụ không ngừng. Vợ ông cũng bật khóc, nói cảm ơn lia lịa như người máy .
Sư phụ bảo họ:
– Hiện giờ đứa bé đã ngừng khóc. Bắt đầu từ hôm nay trở đi hằng ngày các vị phải vì những con vật mình ăn qua, siêng năng niệm Phật siêu độ chúng. Chưa hết, từ đây về sau còn phải phóng sinh cho nhiều để giúp tiêu nghiệp cũ. Nên nhìn chút thời gian đến Thiền viện Đại Bi thỉnh một số kinh sách về đọc.
Hai vợ chồng đều hứa nhất định họ sẽ lảm theo và siêng năng lễ tụng…
Hai ngày sau, Tiết Nhan cùng hai vợ chồng nọ đi đến tìm Hòa thượng Diệu Pháp lễ tạ. Nhưng sư phụ đã ra đi từ tối hôm qua. Tôi bảo họ hãy đem lễ vật cúng dường Thiền viện Đại Bi.”
(Sát sanh là gì)
Tuệ Tâm 2022.
Vân viết
Nam mô A Di Đà Phật
mình chào tuệ tâm
Mình niêm Phật dạo này mình hay có thói quen hể thấy con vật côn trùng nào bay vào phòng ,trong nhà,mình đều tìm vật gì đó đưa chúng ra ngoài sân, tránh để trong nhà vì mình nghĩ ở trong nhà vô tình mình sẽ làm hại chúng, con rết bé tí mình cũng đưa ra ngoài
Hôm nay lúc vào nhà tắm mình thấy 2 con rết bé định là đưa ra ngoài nhưng trời tối rồi, nên mình lấy một vật trong nhà tắm khều chúng lại đường cống thoát nước do khều nên con một con bị thương
Lúc xong mình lại sợ nên có niêm Phật ít câu hồi hướng cho họ
Như vậy mình có phải sát sanh không
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Bạn có tâm từ bi, không muốn làm tổn hại đến chúng sanh thì không có tội gì cả đâu, chớ lo lắng quá. Bạn nếu có thể ăn chay trường, siêng năng sám hối cùng niệm Phật, hồi hướng công đức cho trùng kiến, một thời gian sau chúng nó sẽ chẳng làm phiền đến cuộc sống của bạn nữa đâu.
Cách này Tuệ Tâm bày cho nhiều người, hiệu nghiệm vô cùng!