Tà Kiến là gì? Tà nghĩa là tà vạy, Kiến nghĩa là thấy, tà kiến nghĩa là cái nhìn tà vạy, sai lệch, không đúng với bản chất của sự vật. Tà Kiến là một trong Thập ác, do tâm người thiếu trí huệ mà sanh ra. Vì cái nhìn tà vạy nên khiến miệng và thân buông lung theo ác nghiệp. Chúng sanh vì tà kiến nên lấy khổ làm vui, vô thỉ kiếp đến nay cũng do đó mà trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi. Thật đáng xót thương!
Người sơ cơ học Phật cần phải lấy tín tâm làm đầu. Vì như có người đi đến nơi hòn núi châu báu, nếu không có niềm tin thì tay không mà trở về, chẳng có ích lợi gì cả. Hành tướng của những kẻ tà kiến như thế nào? Kinh dạy: “Người ngu si dốt nát không nhận thức được nhân quả, vọng tưởng khởi lên tà kiến bài báng cho rằng: Không có Tam Bảo – Tứ Đế. Không có họa – không có phước, thậm chí không có thiện – không có ác, cũng không có nghiệp báo của thiện ác, cũng không có chúng sanh thọ sanh ở đời này và đời sau. Người như vậy, đạp đổ tư tưởng về pháp thiện pháp ác, đó gọi là đoạn diệt thiện căn, chắc chắn phải rơi vào địa ngục A tỳ.”
- Chánh hạnh niệm Phật vãng sanh yếu lược.
- Tứ Sanh là gì.
- Từ Bi là gì.
- Cách tu tâm tích đức.
- Liễu Phàm Tứ Huấn trọn bộ.
- Thần chú chữ chứng trẻ khóc đêm.
- Cách cúng Thần linh tại nhà đúng pháp.
Tà Kiến là gì?
Kinh Đại Phẩm nói: “Nếu người không tin mà phỉ báng kinh Đại thừa Bát Nhã, thì dứt khoát rơi vào địa ngục A tỳ, nhận chịu khổ đau vô cùng trong vô lượng trăm ngàn vạn ức năm. Từ một địa ngục đến một địa ngục, nếu kiếp này hết thì sanh vào trong địa ngục lớn ở phương khác. Kiếp ở phương khác hết thì lại sanh trong địa ngục lớn ở phương này. Như vậy lần lượt chuyển vòng khắp nơi mười phương thế giới. Kiếp ở phương khác hết sanh trở lại trong địa ngục lớn nơi này.
Tội báo địa ngục chấm dứt thì sanh trong loài súc sanh, cũng khắp nơi mười phương thế giới. Tội báo súc sanh chấm dứt, sanh đến nơi không có Phật pháp ở trong loài người. Chịu nghèo khó hèn hạ thiếu khuyết các căn, thường ngu si điên cuồng khờ dại không phân biệt hiểu biết được gì. Tuy không ngu dần như loài vật mà cho dù là người thông minh, vọng tưởng nảy sinh cố chấp lạ lùng thì cũng gọi là tà kiến”.
Do đó, trong Thành Thật Luận nói: “Ngu si có sự sai biệt, nguyên cớ do đâu? Bởi vì không phải tất cả ngu si đều là bất thiện. Nếu ngu si tăng lên chuyển thành tà kiến, thì gọi là nghiệp đạo bất thiện. Vì vậy từ ngu si tăng lên thành tà kiến, thì trở thành tội lỗi sâu nặng, chắc chắn rơi vào địa ngục A tỳ. Cứ như ngay nơi tà kiến tự nó cũng có nặng nhẹ. Nhẹ thì có thể chuyển hóa, nặng thì không thể chuyển hóa”.
*
Vì vậy trong kinh Bồ Tát Địa trì nói: “Tà kiến có hai loại: Một là có thể chuyển hóa, hai là không thể chuyển hóa. Phỉ báng nhân quả – nói không có Thánh nhân, đó gọi là loại không thể chuyển hóa. Không phải là nhân xem là nhân, không phải là quả xem là quả, loại này gọi là có thể chuyển hóa. Vì thế cho nên ác nghiệp gọi là tà kiến, thiện nghiệp thì gọi là chánh kiến.”
Do đó, trong luận Đại Trang Nghiêm nói: “Ví như sư tử vào lúc bị bắn, mà sư tử kia tìm đuổi theo người chạy. Ví như con chó ngu si có người ném đá, liền đuổi theo hòn đá mà không biết tìm nguồn gốc do đâu. Nói sư tử là dụ cho người trí tuệ biết tìm cầu nguồn gốc sự việc mà diệt trừ phiền não. Nói con chó ngu si, tức là dụ cho ngoại đạo dùng năm thứ móng thiêu đốt thân thể mà không biết do tâm làm gốc. (Bốn phía bày những ngọn lửa, phía trên có mặt trời thiêu đốt, thân mình ở trong chỗ ấy để lấy khổ đau mà cầu đạo).
Nhưng các loại phàm phu dốt phần nhiều mê mờ đạo lý chân thật, không biết quán sát thân tâm vô ngã, chỉ bắt chước khổ hạnh mà lấy đó làm đạo, thì giống như ngoại đạo vọng tưởng thực hành tà pháp- sai lầm chấp trước trái ngược chân lý chỉ trở thành ác pháp”.
*
Vì vậy trong Trí Độ Luận nói: “Tà kiến vốn là tội lỗi sâu nặng, tuy trì giới và nghiệp thân miệng tốt đẹp, nhưng đều thuận theo ác tâm tà kiến. Như Đức Phật tự giải thích thí dụ: Như gieo trồng chủng loại đắng chát tuy là do bốn Đại mà thành nhưng đều tạo thành vị đắng chát. Người tà kiến này cũng như vậy, tuy tinh tiến trì giới mà đều trở thành ác pháp, không bằng không chấp trước mà thực hành một ít tuệ thí. Không có chấp trước thì dễ dàng cảm hóa, có chấp trước thì khó mà hóa độ, không phải tự hủy hoại mình thì cũng làm tổn hại người khác”.
Do đó, trong Thành Thật Luận nói: “Thà rằng dừng lại thực hành chứ đừng thực hành tà đạo. Đến lúc thân hoại mạng chung sẽ rơi vào ác thú khổ đau”. Còn trong kinh Chánh Pháp Niệm nói: “Diêm La Vương thuyết kệ quở trách sai lầm của tội nhân rằng:
“Ngươi tà kiến ngu si dốt nát
Lưới ngu si ràng buộc con người
Nay phải rơi vào địa ngục này
Nằm ở biển khổ đau vô hạn.
Ác kiến đốt cháy mọi thiện căn
Phàm phu nhất ở trong loài người
Ngươi sợ hãi địa ngục ràng buộc
Đây đều là nhà cửa của ngươi.
Nếu như người thuộc về tà kiến
Thì người kia không phải thông tuệ
Tất cả hành động của địa ngục
Do tâm oan gia mà lừa dối.
Tâm chính là kẻ thù thứ nhất
Kẻ thù này thật là tàn ác
Kẻ thù này luôn trói chặt người
Đưa tiễn đến xứ sở Diêm La.”
*
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bèn thuyết kệ rằng:
“Tâm ngu si như cá trong bùn
Sinh sống trong căn nhà của ái
Lúc tạo nghiệp vui cười thích thú
Lúc chịu khổ gào thét khóc lóc”.
Còn trong Kinh Tu Hành Đạo Địa có kệ rằng:
“Khẩu nghiệp có lời nói ngu si
Lòng dạ con người luôn tối tăm
Đã không thể nào nghĩ điều ác
Cũng không có tâm nghĩ điều thiện.
Đầu óc mê muội thường mù mịt
Mọi chuyện không thể nào làm được
Như đun nấu trong lúc nóng nảy
Không điều gì có thể hoàn thiện.
Người có nhiều tập khí ngu si
Các căn không hoàn toàn đầy đủ
Sanh vào trong các loài trâu dê
Sau đó sẽ rơi vào địa ngục”.
Đức Phật hàng phục Tà Kiến cho Ngoại đạo
Trong kinh Nguyệt Quang Đồng Tử, cũng gọi là kinh Phật Thuyết Thân Nhật nói: “Lúc ấy có Trưởng giả, tên gọi là Thân Nhật, theo lời của lục sư ngoại đạo muốn thỉnh Đức Phật và chúng Tăng. Họ khiến Trưởng giả ở ngoài cổng chính giữa đào làm hố sâu năm trượng sáu thước, lấy lửa than đổ xuống hơn nửa hố, dùng sắt mảnh làm mành, phía trên phủ một lớp đát mỏng, bày các thứ đồ ăn thức uống, đem chất độc bỏ vào trong đó, hầm lửa không chịu nổi, cơm có độc đủ để sát hại, làm theo kế hoạch này, lo gì không chết? Như lời dạy mà làm, ngoại đạo đều vui mừng.
Ngay sau thân đó Thân Nhật liền đi đến chỗ Đức Phật. Ông ta thiết tha thỉnh cầu Đức Phật và các vị Thánh chúng. Lúc này Đức Thế Tôn thương xót cho sự ngu si điên cuồng ấy. Vì muốn cứu thoát cho họ, Ngài im lặng nhận lời thỉnh cầu. Trong lòng Thân Nhật vui mừng, quả nhiên giống như kế hoạch.
Ngoại đạo đâu biết rằng chất độc bằng núi Tu Di, lửa dữ cõi Đại Thiên, dao kiếm sắc nhọn chói lòa, không thể nào đủ sức động đến mảy lông của Đức Phật. Nay dùng hầm lửa cơm độc muốn hủy hoại Đức Phật, ví như ruồi muỗi muốn lay động Thái Sơn, cánh của ruồi muỗi muốn ngăn che ánh sáng mặt trời mặt trăng, chỉ tự hủy hoại mình.
*
Lúc bấy giờ Trưởng giả do tội lỗi bao phủ mà bịt kín tâm tư, không hiểu rõ được. Đức Thế Tôn tâm niệm: Nay nhận lời thỉnh cầu của Trưởng giả Thân Nhật, không giống như bình thường. Ngài liền hiện bày nhiều uy thần làm chấn động mười phương. Trăm ngàn Thánh chúng cùng các Long Thần, bay trên hư không – đi dưới mặt đất, không thể kể xiết. Tất cả cùng một lúc đến nhà Trưởng giả.
Đức Phật dùng uy thần công đức lập tức biến hầm lửa thành hồ bảy báu, đầy đủ tám vị. Cơm độc biến thành cam lộ cõi trời, người ăn vào no đủ vui sướng. Lục sư ngoại đạo hoảng sợ đều bỏ chạy tán loạn. Trưởng giả quỳ phục cúi đầu lạy sát đất, ân hận quỳ dưới chân Đức Phật tự mình bày tỏ, nay đã giác ngộ theo Đức Phật độ thoát. Những người đến pháp hội đều vui mừng đón nhận pháp âm, đạt được phước thiện, được độ thoát không thể kể hết”.
Tà Kiến chiêu cảm quả báo như thế nào?
Theo kinh Tát Già Ni Kiền Tử: “Xưa vào thời Đức Phật tại thế. Trong thành Uất Xà Diên có Nghiêm Xí Vương, hỏi Tát Già Ni Kiền Tử rằng: Nếu có người ác không tin Tam Bảo: Hoặc đốt cháy chùa tháp-kinh sách-tượng thờ. Hoặc buông lời tệ hại hủy báng chê bai, nói người tạo tác không có phước đức, người cúng dường như thế hiện tại hao tốn không được gì, vị lai không có ích lợi. Hoặc chê bai chùa tháp và những hình tượng, gây trở ngại cho những nơi này, phá hoại trừ diệt đưa đến đặt vào nơi khác. Hoặc phá hoại nhà cửa phòng ốc của Sa môn.
Hoặc lấy vật của Phật – vật của Pháp- vật của Tăng và vườn rừng ruộng đất – nhà cửa-voi ngựa-xe cộ-nô tỳ-vật nuôi-áo quần-đồ ăn thứ uống cùng tất cả châu báu. Hoặc bắt Sa môn làm nô dịch sai khiến, chỉ trích xúi giục họ dừng lại khiến phải hoàn tục. Hoặc có lúc âm khinh thường trêu đùa đủ cách. Hoặc có lúc hủy báng chê bai mắng nhiếc làm nhục. Hoặc dùng gậy gỗ tự tay đánh đập. Hoặc dùng đủ loại làm tổn thong đến thân thể họ…Người ác như vậy trong phạm vi chúng sanh thì thuộc về loại nào?
Đáp rằng: Thưa Đại Vương, thuộc về trong phạm vi chúng sanh ác nghịch. Đại Vương cần phải trị tội ở mức độ cao, vì sao như vậy? Bởi vì gây ra tội lỗi căn bản sâu nặng hết sức. Có năm loại tội lỗi gọi là căn bản. Những gì là năm loại? Đó là:
*
1- Phá hoại chùa tháp đốt cháy kinh tượng, lấy vật của Tam Bảo. Hoặc tự mình làm, hoặc bày cho người khác làm và thấy làm mà vui lòng giúp đỡ. Đó gọi là tội nặng căn bản thứ nhất.
2- Bài báng giáo pháp ba Thừa, nói xấu gây khó dễ, bao che giấu giếm điều tệ hại. Đó gọi là tội nặng căn bản thứ hai.
3- Nếu có Sa môn tín tâm xuất gia cạo bỏ râu tóc thân mặc ca sa, hoặc có trì giới, hoặc không trì giới, mà bắt bớ giam cầm xiềng xích trói chặt, bắt làm nô dịch sai khiến mắng nhiếc đưa ra những điều luật trái ngược. Hoặc cởi ca sa bức bách làm cho phải hoàn tục. Hoặc kết liễu mạng sống của họ. Đó gọi là tội nặng căn bản thứ ba.
4- Ở trong năm tội trái nghịch, nếu gây ra một tội trái nghịch, đó gọi là tội nặng căn bản thứ tư;
5- Bài báng không có tất cả nghiệp báo thiện ác. Trong cuộc đời tối tăm thường làm mười nghiệp bất thiện, không sợ báo ứng đời sau. Tự mình làm và bày cho người khác làm cố chấp không bỏ. Đó gọi là tội nặng căn bản thứ năm.
*
Nếu phạm vào tội nặng căn bản như vậy mà không tự mình hối cải, thì nhất định tiêu diệt tất cả mọi thiện căn. Sẽ bị đọa vào đại Địa ngục nhận chịu khổ đau không bao giờ ngừng lại, vĩnh viễn không có hạn kỳ thoát ra. Nếu trong đất nước có người ác như vậy, hủy diệt Tam Bảo gây tổn hại cho chúng sanh, thì tất cả La hán-Thánh nhân và chư Phật, đều rời bỏ đất nước mà ra đi.
Chư Thiên rơi lệ xót thương, Thiện thần không bảo vệ. Mọi người tự giết hại lẫn nhau, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Long Vương ẩn kín làm cho mưa nắng thất thường. Mưa gió trái mùa lúa mè hoa màu không thành tựu. Nhân dân đói kém cướp giật tranh giành lẫn nhau, xương trắng đầy đồng. Thêm nhiều dịch bệnh, người chết vô số. Nhân dân không biết tự mình gây nên lỗi lầm này, trái lại oán trách chư Thiên và Thiên thần không linh thiêng”.
Các tội nặng sanh ra bởi Tà Kiến
Theo kinh Quán Phật Tam Muội: “Có bảy loại tội nặng. Mỗi một tội có thể làm cho chúng sanh đọa vào địa ngục A tỳ, trải qua tám vạn bốn ngàn Đại kiếp:
1- Không tin nhân quả.
2- Phỉ báng không có mười phương Phật.
3- Không học hiểu Bát nhã.
4- Phạm bốn tội nặng mà ăn không của tín thí.
5- Sử dụng đồ vật của Tăng chúng.
6- Bức bách xâm phạm Tỳ kheo Ni tịnh hạnh.
7- Người trong thân thuộc mà làm hành vi bất tịnh”.
Kinh Tiểu Ngũ Trược nói: “Ngoài tội Ngũ nghịch còn có tội ngũ nghịch khác, đó là”
- Tthứ nhất vô lễ với cha mẹ mà tôn thờ quỷ thần.
- Thứ hai ganh ghét với bậc vua chúa.
- Thứ ba con cháu mà khinh bạc.
- Thứ tư coi rẻ thân mạng mà coi trọng tài sản.
- Thứ năm rời bỏ phước thiện mà đi theo tội lỗi”.
Còn trong kinh Trung A Hàm nói: “Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nếu như người phàm trần ngu si gây ra ác hạnh do thân- ác hạnh do miệng-ác hạnh do ý. Sau khi mạng chung sanh vào trong đường ác địa ngục, nhận chịu khổ đau cùng cực. Ví như có người phạm tội ăn trộm, giao cho nhà vua trừng trị. Nhà vua lập tức sai người vào lúc sáng sớm, dùng một trăm cây kích để mà đâm, mạng sống người kia hãy còn. Đến buổi trưa nhà vua lại ra lệnh dùng hai trăm cây kích đâm vào, mạng sống ấy vẫn còn. Đến lúc sẫm tối nhà vua lại truyền lệnh dùng ba trăm cây kích đâm vào, thân thể người ấy thảy đều rách nát, mạng sống của họ vẫn còn tồn tại.
*
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Ý ông nghĩ thế nào, người này bị kích nhọn đâm nát là đau khổ hay không? Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Lúc bị một cây kích đâm vào hãy còn đau khổ, huống hồ ba trăm cây kích đâm vào?
Đức Phật liền dùng tay lấy một ít cát sỏi, như những hạt đậu, bảo với các Tỳ kheo rằng: Đá sỏi trong tay Ta so với đá sỏi trên núi Tuyết, đá sỏi nơi nào là nhiều?
Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Đá sỏi trên núi Tuyết nhiều lắm, không thể làm ví dụ được.
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nỗi khổ đau do ba trăm cây kích đâm vào so với nỗi khổ đau trong địa ngục, chỉ giống như một chút đá sỏi. Còn nỗi khổ đau của địa ngục thì giống như đá sạn trong núi Tuyết, trăm ngàn vạn lần không thể làm ví dụ được. Nỗi khổ đau trong địa ngục thì điều ấy như thế nào?
Nếu có chúng sanh rơi vào trong chốn địa ngục. Ngục tốt lấy rìu đốt khiến cho thật nóng, chặt đứt thân hình thành tám khúc và bỏ ở bốn phía. Trải qua trăm ngàn năm khiến cho vô cùng đau khổ, nhưng mà không chấm dứt mạng sống. Lại ngồi trên giường bằng sắt, dùng kiềm sắt kẹp miệng phải nuốt viên sắt nóng, trải qua trăm ngàn năm. Lại ngồi trên giường bằng sắt, lấy nước đồng sôi rót vào miệng, trải qua trăm ngàn năm. Lại nằm trên đất bằng sắt, dùng đinh sắt nóng đóng vào đầu, trải qua trăm ngàn năm.
*
Lại kéo lưỡi người ấy ra khiến liếm đất bằng sắt, dùng đinh đóng vào lưỡi. Như căng tấm da trâu, trải qua trăm ngàn năm. Lại kéo gân cổ buộc vào trên xe trải qua trăm ngàn năm. Lại đốt nóng đất bằng sắt khiến đi trên đó trải qua trăm ngàn năm. Lại đốt cháy núi lửa khiến ở dưới đưa chân đạp lên. Ở trên máu thịt lập tức tiêu hết, đưa chân lên thì sống lại, trải qua trăm ngàn năm. Lại ở trong vạc sôi trải qua trăm ngàn năm, khiến cho vô cùng đau khổ, nhưng mà không chấm dứt mạng sống. Đó là nỗi đau khổ trong địa ngục Nê lê.
Tội lỗi địa ngục chấm dứt sanh vào trong các loài súc sanh, thường ở nơi tối tăm cùng ăn thịt lẫn nhau. Nhận chịu vô lượng khổ đau không thể nói hết. Tội lỗi súc sanh chấm dứt có thể sanh trong loài người. Nếu từ súc sanh được làm người thì thật là khó, giống như rùa mù gặp bộng cây nổi. Giả sử sanh trong loài người thì nghèo hèn thấp kém, bị người khác sai khiến. Hình dáng và dung mạo xấu xa khó coi. Hoặc các căn không hoàn chỉnh, hoặc là mạng sống ngắn ngủi. Nếu người gây ra ác nghiệp thì chết đi lại sanh vào trong địa ngục Nê lê, luân chuyển vô cùng tận không thể náo nói hết.
*
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Người phàm phu ngu si gây ra ba ác hạnh của thân-khẩu-ý, thì chịu tội báo như vậy.
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nếu người trí tuệ thực hiện thiện hạnh do thân-thiện hành do miệng-thiện hạnh do ý, thì mạng chung sanh vào đường thiện trên cõi trời. Luôn luôn hưởng thụ vui sướng. Như Chuyển Luân Vương, cùng với bảy báu đầy đủ, và bốn điều tuyệt diệu giữa trần gian.
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Ý ông nghĩ thế nào, điều này là vui sướng hay không?
Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Một thứ báu – một điều tuyệt diệu hãy còn là vô cùng vui sướng, huống hồ ở nơi có bảy thứ báu và bốn điều tuyệt diệu!
Đức Phật lại dùng tay lấy một ít cát sỏi, như những hạt đậu, bảo với các Tỳ kheo: Cát sỏi trong tay Ta so với cát sỏi trong núi Tuyết, nơi nào là nhiều hơn?
Tỳ kheo trả lời Đức Phật: Cát sỏi trong núi Tuyết quả thật là không thể làm ví dụ.
*
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Sự vui sướng của Chuyển Luân Vương so với sự vui sướng trên cõi trời chỉ giống như một ít cát sỏi. Sự vui sướng trên cõi trời thì giống như cát sỏi trong núi Tuyết, trăm ngàn vạn lần không thể ví dụ được.
Sự vui sướng trên cõi trời thì điều ấy như thế nào? Nếu sanh lên cõi trời thì sự hưởng thụ sáu trần cảnh không có gì không tùy ý, hưởng thụ vui sướng vô cùng không thể nào nói hết. Nếu từ trên cõi trời mà sanh vào cõi người thì sanh trong dòng dõi Đề Vương, hoặc sanh trong họ tộc cao quý, vô cùng sang trọng giàu có, nhiều tiền bạc nhiều châu báu, danh tiếng vang rộng khắp nơi, đoan chánh tuyệt với hết sức, mọi người ai cũng yêu mến.
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Nếu người trí tuệ thực hiện ba thiện hành của thân-miệng và ý, thì đạt được phước đức như vậy.
Đức Phật bảo với Tỳ kheo: Đây là niềm vui hữu lậu của thế gian. Nếu tu thiện căn hồi hướng bồ đề, quả báo tiếp nhận ở trong sanh tử, cho đến niết bàn cuối cùng không có điểm ngừng hết”.
(Tà Kiến là gì – Theo Pháp Uyển Châu Lâm)
Tuệ Tâm 2022.
Hi viết
Con luôn ở đây và theo dõi những bài viết tuệ tâm đăng em rất vui khi biết được trang này em có điều muốn nói em đã từng gặp ma lúc đó khuya rồi em kể không ai nghe trong ngôi nhà em về quê chơi nó ở chỗ đồng bên nhà có 2 ngôi mộ làm em có cảm giác cũng hơi sợ tuệ tâm cho em biết nếu em gặp ma em nên làm gì ạ lúc đó em gặp em sợ quá nên nhắm mắt ngủ luôn vì em hồi nhỏ em cũng tưởng là mà họ bịa ra nhưng khi em học phật pháp thì em thấy quá kì diệu em muốn tuệ tâm chỉ em khi gặp ma em nên làm gì có nên giúp họ điều gì không ạ và họ có làm hại mình không ạ tuệ tâm em kể em gặp ma mà chẳng có ai tin em cả !
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Ma quỷ đầy rẫy xung quanh ta, chẳng qua ta chưa khai mở được nhãn nên chẳng thấy họ mà thôi. Thế gian tưởng họ sướng và quyền năng, chớ thực ra họ khổ hơn con người gấp vạn lần, chút thần thông lặt vặt chẳng giúp gì được cho họ trong cái cõi đói khát và khổ hải ấy. Khi bạn gặp họ thì nên khởi tâm từ bi thương xót họ đói khổ mà niệm Phật cho họ ít câu. Việc này ngoài giúp họ chút công đức vô lậu ra thì nhờ ánh hào quang nhiếp hộ của Phật A Di Đà, bạn sẽ tránh khỏi phiền phức khi gặp những “chú ma” nghịch ngợm hoặc có chút quyền năng. Ma quỷ chỉ làm hại được người trong hai trường hợp:
1. Người ấy làm ác quá nhiều, phước đức suy hao, hộ pháp bỏ đi không bảo vệ nên bị họ quấy phá.
2. Ma ấy là oan gia trái chủ, ân oán nhiều đời kiếp, nay duyên gặp lại đòi nợ.
Tuệ Tâm tuy chẳng nhìn thấy họ nhưng lại có cái duyên hay nói chuyện với họ, vì thế nên luôn thấy họ đáng thương, cũng cần được giúp đỡ. Về ma quỷ thì mấy chú Bộ Đội là linh thiêng nhất, Tuệ Tâm biết điều này vì khi còn đi đặt máy niệm Phật ở Nghĩa Trang với Thầy, hễ qua nơi nào có nghĩa trang Liệt Sĩ thì kiểu họ cũng có cách chỉ cho biết. Có lần hai thầy trò đến một huyện ven Hà Nội, họ tác động vào bản đồ của google, thấy bản đồ chạy loạn xị ngậu, chẳng biết đi đường nào. Lái xe lòng vòng hồi lâu thì nhìn thấy trước mặt 4 cái nghĩa trang, lúc ấy mới hay tại sao bản đồ bị loạn. Chuyện Tâm Linh nếu không va vào chẳng thể nào tin được. Cho nên bạn kể chuyện mà người ta tin thì tốt mà không tin thì thôi, coi như mình nói chuyện vui, đừng để vào đầu làm gì.
Hi viết
Nam mô A Đi Đà Phật
Hi viết
Bữa hôm nhà em có mấy ông nhà giàu bỏ tiền ra để mời mấy ông thầy tu vè để lập đàn cầu siêu ở nhà thờ em còn xuống đó sơn lại nhà thờ cho đẹp rồi họ đem đồ xuống lập đàn cầu siêu có các thầy về con thấy có một thầy tu tuy già vẫn chống gậy tới nghệ nói ba chú nhà kia bỏ ra mỗi người 100 triệu tổng 300 triệu để đưa cho mấy thầy tu tiền đó họ làm gì thì em không biết nhưng lập đàn cầu siêu đó cuối cùng những thân trung ấm đó có về được tây phương cực lạc không tuệ tâm em cũng thấy họ mua chim và cá về phóng sanh rồi hồi hướng cho họ và mua thức ăn cho người nghèo và câu hỏi em muốn hỏi là những ông và bà đã đi trước đó rất xa liệu họ có được gì không ạ em nghe có cô gì đó đang đứng đó để xem phóng xanh bỗng nhiên khóc và vỗ tay giống như có vòng nào nhập vậy còn xin tuệ tâm giải đáp thắc mắc
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Chư Tổ bảo: “Thường nơi những pháp hội cầu siêu, nếu các Thầy không có đạo hạnh, không thanh tịnh thì tuy không phải là không có tác dụng với vong linh, nhưng bảo là nhờ đó mà siêu thoát, thì là chuyện hoang đường, chẳng thể nào có được!” Muốn cầu siêu cho vong linh phải hoàn toàn thanh tịnh, bởi họ có chút tha tâm thông, người Thầy mà vì danh lợi làm lễ họ biết liền. Mà không thanh tịnh thì không cảm ứng được chư Thiên Long Bát Bộ hộ trì, chúng quỷ thần nhìn thấy cũng khinh ghét phẫn nộ. Khi ấy nơi cầu siêu biến thành chốn hội tụ của đám ác quỷ, tà thần, tinh mị… Còn gia đình người ta biết phóng sinh, bố thí, hồi hướng công đức ấy cho người đã khuất thì họ được hưởng 1 phần trong 7 phần công đức. Nhưng công đức ấy chỉ giúp vong linh tái sanh về cõi nhân thiên, rất khó để được vãng sanh về cõi Phật. Những người có căn đồng bóng thì họ dễ bị các loại vong linh gá nhập, việc ấy cũng bình thường, không có chi kỳ đặc. Sau này gặp những pháp hội kiểu sặc mùi tiền bạc ấy, bạn nên tránh xa ra thì tốt hơn!
Hi viết
Nam mô A Di Đà Phật
Hiến Đinh viết
Dạ thưa sư Tuệ Tâm, con có đọc một số bài viết của sư cũng như một số bài viết về Phật Pháp khác, thì con để ý thấy từ “hoá thân”. Vậy sư cho con hỏi hoá thân là gì và làm sao để biết một vị có phải là hoá thân của đức Phật, Bồ Tát hay không ạ?
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Hóa Thân là một trong Tam Thân của chư Phật hoặc Bồ Tát. Các Ngài vì bi tâm độ sanh nên dùng Hóa Thân xông pha vào cõi trược ác. Chúng sanh cang cường rất khó độ nên các Ngài buộc phải dùng hóa thân, hiện tướng trong thai, sanh ra, lớn lên, học đạo, tu hành…
Về Hóa Thân của Phật và Bồ Tát thì các Ngài ẩn mật trong nhân gian, hoặc dùng thuận hạnh, hoặc dùng nghịch hạnh để giáo hóa chúng sanh. Có khi thị hiện là vua quan, có khi làm dân thường, có khi làm kỹ nữ, người tàn tật, người tu hành, có khi làm tướng cướp… Thời mạt này chư Thánh chúng ẩn mật trong nhân gian rất nhiều, tuy nhiên phàm phu chúng ta không cách chi nhận biết được cả. Chỉ khi nào duyên giáo hóa đã xong, các Ngài sẽ dùng phương tiện để người biết, hoặc khi có người biết thì liền tịch ngay lập tức!
Một bậc chân tu bảo: “Trong “Tứ trọng thanh tịnh minh hối” nơi “Kinh Lăng Nghiêm” Phật giảng rất rõ: Ngay cả “dâm nữ quả phụ, kẻ gian tặc, đồ tể”… cũng có thể là “Bồ tát, La hán tái lai thị hiện”, huống nữa là cư sĩ và sa môn?… Những vị tái lai này ngay lúc khai ngộ rồi, họ cũng không hề vỗ ngực tự xưng hay khoe khoang “ta đây chính thực là Bồ tát, La hán”… ngoại trừ lúc mệnh chung, họ ngầm lưu di ngôn lại, hoặc sau khi họ mệnh chung rồi thì sẽ có bậc trí tuệ nói ra thân phận họ… Còn riêng họ thì im lặng mà đến, im lặng mà đi. Đây đều vì cần giáo hóa người, mà thị hiện lý “sinh mệnh vô thường”, tất cả đều làm theo như Phật đã an bài… chuyện này đợi lúc quý vị khai ngộ, thì tự nhiên sẽ minh bạch.”
Huy viết
Nam Mô A Di Đà Phật!
Kính thưa Sư Tuệ Tâm, con thấy trên mạng truyền tai nhau chép Kinh, con cũng muốn chép Kinh Chú Đại Bi nhưng không biết bắt đầu như thế nào, và trong lúc chép cần kiêng kị điều gì, con chép Kinh trong phòng ngủ có được không ạ, sau khi chép Kinh xong thì quyển Kinh này con gửi đi đâu ạ. Mong Sư Tuệ Tâm hướng dẫn gíup con với ạ. Con cảm ơn Thầy.
Nam mô A Di Đà Phật.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Chép kinh phước lớn, nhưng ngày nay đa phần người ta chẳng biết pháp chép kinh nên phước lớn mà tội cũng nhiều. Khuyên bạn chỉ nên niệm Phật, phước đức ấy lớn hơn chép kinh nhiều. Còn như vẫn cố chấp muốn chép kinh thì nhất định phải đọc bài này một lần. Nếu thấy có thể y như pháp mà chép thì hẵng đặt bút, còn không thì thôi: Chép Kinh Phật Cảm Ứng Chuyện.
Hương 02 viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con xin chào Cô
Xin Cô giúp con với ạ, con có mua bức tranh thêu chữ thập Tam Thế Phật, hiện con đang thêu dở, con có đọc qua bài viết về chép kinh đa phần mắc phải lỗi khinh nhờn , nay con muốn hỏi Cô con thêu tranh này có mắc lỗi khinh nhờn ko, nếu có con phải xử lí bức tranh như thế nào ạ. (con có viết bình luận này rồi nhưng con tìm ko thấy) mong Cô hoan hỷ ạ.
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Tuệ Tâm đã trả lời bạn trên chủ đề Chép kinh, nay trích lại đây cho bạn đỡ công tìm nhé: “Bạn nên thêu tiếp! Trong thời gian thêu nhớ ăn chay trường, giữ giới và kiêng Ngũ vị tân, hễ xong một mũi kim thì niệm một câu “Nam mô A Di Đà Phật”. Nếu làm được như thế thì nghiệp chướng tiêu trừ, bức tranh ấy sau này mầu nhiệm, cảm ứng đạo giao không kể xiết vậy!”
Hương 02 viết
Nam mô A Di Đà Phật
Con xin cảm ơn cô nhiều
Cô đã giúp đỡ con rất nhiều trên con đường tu tập giải thoát , chúc Cô luôn mạnh khỏe và an lạc.
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.