Hôn nhân là gì? Hôn nhân là sự kết hợp tốt đẹp giữa hai con người và cũng là của cả hai dòng họ, trước là kế thừa sự nghiệp của tổ tiên dòng tộc, sau là gây dựng mở mang cho con cháu đời sau. Người ta không biết rằng việc hôn nhân vốn được định đoạt từ nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp, chẳng phải là việc lựa chọn, mong cầu hay cưỡng ép mà có được.
Chữ duyên trong hôn nhân cũng bắt nguồn từ bốn nhân. Chuyện đôi lứa nếu chẳng có nghiệp duyên sâu nặng từ bốn nhân này, chẳng thể tiến tới hôn nhân. Bốn nhân ấy là: Báo ân, báo oán, đòi nợ và trả nợ Nếu hai người do báo ân và trả nợ mà đến ắt gia đình ấm êm hòa thuận, còn như do báo oán và đòi nợ ắt gia đình chẳng khác chi địa ngục chốn nhân gian.
Người xưa nghiệp nhẹ, căn tánh trong sáng nên hôn nhân thường rất bền vững, gia đình hòa thuận, cháu con hiếu thuận. Còn ngày nay sâu vào thời mạt, chúng sanh nghiệp nặng, chướng sâu, hôn nhân toàn do báo ân cùng đòi nợ mà thành nên mỏng manh như sương khói. Người có tâm cứu đời, nhìn thế gian điên đảo ngoại tình bồ bịch, tỉ lệ ly hôn tăng cao ắt không khỏi cảm thán thở dài…
- Duyên nợ Vợ chồng và con cái đã nhiều đời.
- Cách cúng về nhà mới
- Lời Phật dạy về Hiếu Đạo.
- Lời Phật dạy về Đạo làm người.
- Thế nào là Nhất Thiết duy Tâm Tạo.
- Cách thai giáo cho bé tại nhà tốt nhất.
- Các cõi trời trong Phật giáo giảng giải.
*
*
Chuyện hôn nhân vốn là nhân duyên từ nhiều đời nhiều kiếp, do nhân quả và nghiệp lực quyết định, không ai và không thế lực nào có thể can thiệp được. Cho nên, nếu bạn có ý định can thiệp vào việc hôn nhân của người khác, cần hết sức cẩn trọng. Ngay cả việc mối mai, ủng hộ, phản đối hay khuyên bảo người ly hôn, cũng là chuyện chớ nên làm…Những việc ấy chỉ chuốc lấy phiền não cho ta cùng người, chớ thực không có ý nghĩa hay tác dụng chi khác cả.
Bạn yêu rồi kết hôn với một người. Bạn nghĩ rằng mình tự tìm kiếm, tự lựa chọn và quyết định hôn chân cho mình. Nhưng nếu tĩnh tâm nhìn lại bạn sẽ thấy vô số những điều kỳ lạ: Tại sao trong hàng tỉ người khác giới ngoài kia ta không gặp, lại gặp người ấy? Tại sao bao người xinh hơn, điều kiện tốt hơn, ta lại có tình cảm với người này mà không phải là người khác? Tại sao bao nhiêu người từng yêu ấy, ta lại chỉ cưới người này?….
Xa hơn chút nữa, bạn hãy nhìn những cuộc hôn nhân đồng giới. Đây là điển hình dễ hiểu nhất về sự vận hành trong vô hình của nhân duyên và nghiệp lực. Ở xứ ta, người đồng tính thường dấu nhẹm giới tính của mình. Giấu kín như thế, nhưng bằng một cách nào đó, họ vẫn tìm được một nửa của mình. Vậy cái lực nào hay cái nhân duyên nào đưa họ đến được với nhau?
*
Đứa em tôi cao lớn, đẹp trai, là đứa con trai duy nhất trong nhà và trưởng một chi họ. Ngày nó giới thiệu người yêu, cả gia đình dòng tộc đều phản đối vì cô gái ấy thực không một chút chi tương xứng. Cả đại gia đình vì chuyện này mà mấy năm trời phiền não không lúc nào dứt. Cha mẹ vì nó mà bạc đầu, vì nó mà sức khỏe suy hao; nhưng mọi lời khuyên bảo, dù nặng hay nhẹ, nó đều bỏ ngoài tai.
Lúc trà dư nó hỏi, tôi bảo: “Hôn nhân là duyên nghiệp nhiều đời nhiều kiếp. Nếu thực cô ấy là vợ em thì kiểu gì cũng đến với nhau. Dẫu có chạy lên trời hay chui xuống đất, cũng không cách chi thoát khỏi được. Còn như không phải là vợ em thì dù có chăm bẵm, vun vén kiểu gì cũng chằng thể nào nên duyên cho được.”
Tôi thương cha mẹ vì nó mà hao gầy, tổn thọ; thương nó vì nghiệp lực mà gieo cái nhân bất hiếu, sau này quả báo thật khó mà gánh nổi…Nhưng cũng chỉ biết thương vậy thôi chớ chẳng biết làm gì. Ai có nghiệp duyên của người ấy, tỉnh ngộ khi định nghiệp trổ ra là chuyện khó hơn lên trời. Chúng sanh lấy khổ làm vui nên lúc nghiệp lực chín muồi, Phật dẫu có hiện thân cũng bó tay, không cách chi lay chuyển được.
Hôn nhân là gì: Ý nghĩa của hai chữ Hôn Nhân.
Theo An Sĩ Toàn Thư: “Trong ý nghĩa của hai chữ hôn nhân (婚 姻) thì người con trai thành gia thất gọi là hôn (婚), con gái xuất giá theo chồng gọi là nhân (姻). Chữ hôn (婚) vốn lấy theo nghĩa hôn (昏) là đêm tối; vì xưa kia quy định phần chính trong lễ này là lễ hợp cẩn chỉ được tiến hành khi đêm xuống, không thực hiện lúc ban ngày, đó là hàm ý có sự hổ thẹn.
Chữ nhân (姻) thì lấy theo nghĩa nhân nhân (因人), tức là dựa vào người; ý nói người con gái một khi đã theo chồng phải hết lòng giữ sự hòa hợp, dựa vào chồng mà giữ theo đạo đức luân lý; lại cũng dựa vào chồng mà phó thác sự vinh nhục sướng khổ của cả một đời mình, đó là hàm ý người vợ luôn tùy thuộc theo chồng. Hôn nhân là sự kết hợp tốt đẹp giữa hai dòng họ; trước là kế thừa sự nghiệp của tổ tiên dòng tộc, sau là gây dựng mở mang cho con cháu đời sau; hiện tại thì nối kết hòa hợp với thân tộc đôi bên, quả thật là một nhân duyên không nhỏ.
*
Nói chung thì việc hôn nhân vốn được định đoạt từ nhân duyên kiếp trước, chẳng những là riêng bản thân ta không chủ động được, mà cho đến cả cha mẹ hai bên cũng không có khả năng chủ động quyết định. Nếu là do nhân duyên lành đưa đến thì những tâm niệm hòa hợp tốt đẹp sẽ không ngừng không dứt. Nếu là do nhân duyên xấu ác đưa đến thì oán tình độc hại sẽ còn kéo dài mãi chưa hết chưa thôi.
Vì thế nên chuyện hôn nhân không phải dùng sức người mà có thể phá hoại được. Ví như người khởi tâm muốn phá hoại, nếu không phải kẻ nuôi lòng thù hận, ắt cũng là do sự ghen ghét. Bất kể là khi khởi tâm mà chưa phá hoại được, hay khi đã phá hoại được rồi, thì tội ấy cũng đều xem như đã thành.
Cố ý phá hoại việc hôn nhân của người tất nhiên là không nên. Nhưng ngay cả việc gán ghép người khác cho thành chồng vợ với nhau cũng không thể không thận trọng. Ví như tuổi tác chênh lệch quá xa ắt không thể sống cùng nhau đến răng long đầu bạc; hoặc cũng không nên xem thường những yếu tố như sang hèn cách biệt, không môn đăng hộ đối. Cho đến những chuyện như gia cảnh giàu nghèo, hình dung xấu đẹp đều không ra ngoài sự cân nhắc.
Hôn Nhân là gì: Không nên can thiệp vào chuyện Hôn nhân của người khác.
Trong luật trời thì phá hoại chuyện hôn nhân của người khác được xem là điều ác độc nhất. Chẳng những là sau khi đã thành vợ chồng không được dễ dãi nói đến chuyện ly dị, mà ngay cả khi chưa kết hôn, nếu sự việc đã định đoạt rồi cũng không được làm cho thay đổi. Cho nên, chuyện ngoại tình, bồ bịch, khiến gia đình người tan nát, họa hại thật vô cùng kinh khủng là vậy!
Vì viết đơn ly hôn giúp người mà chịu quả báo.
Quan Thị lang Tôn Hồng, khi còn trẻ có một người bạn cùng theo học ở trường Thái học xa nhà. Hai người có giao ước là khi thư nhà gửi đến thì đều đưa cho nhau xem. Một hôm, người bạn được thư nhà nhưng giấu không cho Tôn Hồng xem. Sau Tôn Hồng biết được, gạn hỏi, người bạn mới nói: “Trong thư ngẫu nhiên có chỗ không hay, sợ làm anh thối chí.” Tôn Hồng vẫn cố đòi xem cho kỳ được, cuối cùng người bạn phải đưa ra lá thư của cha mình.
Trong thư viết rằng: “Đêm qua cha nằm mơ thấy đến một dinh quan, mơ màng thấy mình được xem qua sổ ghi tên những người thi đỗ. Trong đó thấy có tên con với Tôn Hồng, nhưng tên Tôn Hồng bị ghi xuống phía dưới, lại có hàng chữ đỏ chú rằng: ‘Ngày tháng năm ấy… đã viết giúp một người tên ấy… lá đơn ly hôn, do đó bị trời phạt, tước bỏ tên trong sổ.’”
Tôn Hồng đọc thư tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên, người bạn liền hỏi: “Có việc như thế chăng?”
Tôn Hồng đáp: “Chuyện ấy đã lâu rồi, lúc tôi đang ở tại châu nọ…, có gặp hai ông bà đã lớn tuổi, đang quát mắng nhau, muốn ly hôn nhưng không có ai viết đơn giúp. Nhân đó họ nhờ tôi viết đơn, thật tôi hoàn toàn không có ý xấu.”
Người bạn an ủi: “Chuyện mộng mị chẳng lấy gì làm đích xác, không cần phải lưu tâm. Huống chi tài học như anh thì lẽ nào thi lại không đỗ.”
*
Đến khoa thi, người bạn học ấy thi đỗ, Tôn Hồng quả nhiên bị đánh rớt. Từ đó mới biết giấc mộng ngày trước không phải hư huyễn. Thấy Tôn Hồng nhân việc ấy mà trong lòng không vui, người bạn liền nói: “Thôi anh đừng buồn nữa, đợi khi tôi về quê sẽ thay anh đến khuyên giải hai ông bà kia tái hợp như cũ, được không?”
Nói rồi liền hỏi kỹ tên họ, nơi ở của hai ông bà kia, sau đó tìm đến tận nơi, thấy hai ông bà vẫn chưa hợp lại, bèn đem chuyện của Tôn Hồng kể hết cho hai người nghe, lại bày tiệc rượu khuyên hai người tái hợp như xưa. Việc thành tựu, liền gửi thư báo cho Tôn Hồng. Tôn Hồng hết sức cảm kích vui mừng.
Về sau, Tôn Hồng được miễn kỳ thi ở tỉnh vì là học sinh nội trú của trường Thái học, dần dần lại được thăng tiến quan cao lộc hậu, nhiều lần nhậm chức ở các quận huyện lớn. Những nơi ông đến, khi gặp gia đình nào đang muốn ly hôn, ông đều cố sức hòa giải, nhờ đó mà bảo vệ được hạnh phúc cho rất nhiều gia đình.
Hôn Nhân chẳng phải việc ngẫu nhiên
Vào Năm cuối triều Nam Tống. Ở Lâm Xuyên có người họ Vương, vợ là Lương thị bị giặc Nguyên bắt đi. Cô ta do cưỡng lại mà chết. Trải qua nhiều năm, người chồng định tái hôn nhưng cứ luôn gặp việc trắc trở không thành. Một đêm mộng thấy người vợ hiện về nói: “Tôi đã thác sanh vào nhà ấy, nay được mười tuổi. Bảy năm nữa sẽ làm vợ anh.” Hôm sau liền cho người đến tìm theo lời trong mộng, quả nhiên tìm được; anh ta bèn đợi sau bảy năm mang lễ vật đến xin cưới, chỉ một lần là được ngay.
Cho nên, nhân duyên vợ chồng đâu thể xem nhẹ mà phá hoại?
Phá hoại hôn nhân của người sẽ chiêu cảm quả báo rất nặng nề.
Đời nhà Thanh, niên hiệu Thuận Trị, vào năm Mậu Tuất có mở khoa thi Hội. (Tức là năm 1279.) Vào lúc điểm danh, bỗng phát hiện trong ống đựng bút của một thí sinh người ở Hiếu Liêm có bản thảo lá đơn ly hôn. Quan giám khảo xem qua giận lắm, sai dùng trượng đánh rồi cùm lại nhốt vào ngục, đồng thời lập tức tước bỏ tư cách cử nhân.
Về sau tìm hiểu nguyên nhân mới biết, thí sinh người Hiếu Liêm này vốn có một người bạn đồng học, có gian ý muốn cưới vợ của một người bạn khác về làm thiếp. Anh chàng người Hiếu Liêm liền vì người bạn kia nghĩ kế: Trước hết đặt điều nói xấu người vợ, khiến anh chồng giận ghét muốn bỏ vợ. Tiếp theo nhân lúc vợ chồng ly gián, liền mai mối chuyện hôn sự với người kia; lại vì người này mà viết giúp đơn ly hôn. Nhưng rốt lại anh ta cũng không hiểu vì sao lại mê muội để bản thảo lá thư ấy vào trong ống đựng bút.
Mưu kế của anh chàng này quả là thâm độc vô cùng! Nên biết, trong luật trời thì phá hoại chuyện hôn nhân của người khác được xem là điều ác độc nhất. Chẳng những là sau khi đã thành vợ chồng không được dễ dãi nói đến chuyện ly dị, mà ngay cả khi chưa kết hôn, nếu sự việc đã định đoạt rồi cũng không được làm cho thay đổi.
*
Tại quê tôi ở Côn Sơn có một gia đình vốn trước đây là danh gia vọng tộc, chỉ sinh được mỗi một đứa con gái. Từ khi lâm vào cảnh sa sút bần cùng, mọi chi phí sinh hoạt ăn uống trong nhà đều phải dựa vào sự cung cấp của một người nô bộc cũ.
Trải qua nhiều năm tháng như vậy, người chủ lấy làm cảm kích tấm lòng của người nô bộc, liền mang khế ước bán thân của người này trước đây ra trả lại, đồng thời dùng lễ cung kính đối đãi như bằng hữu. Người nô bộc ấy có một đứa con trai rất thông minh, tuấn tú. Người chủ thấy vậy rất muốn kết làm thông gia. Nô bộc cố hết sức chối từ, không dám; nhưng sau người chủ ép quá nên đành phải nghe theo, cho hai trẻ kết thành vợ chồng. Vợ chồng trẻ sống với nhau hết sức tương đắc.
*
Không bao lâu, cả hai vợ chồng người chủ đều qua đời, người nô bộc liền bảo bọc nuôi dưỡng cả con dâu. Qua năm sau, có người trong tộc họ của người chủ cũ viện cớ hai bên gia đình sang hèn cách biệt, không thể kết thông gia. Họ cố tìm đủ cách sách nhiễu không ngừng, cuối cùng lại kiện lên quan. Quan xử hai bên ly dị. Người nô bộc cuối cùng do việc ấy mà tan nhà nát cửa.
Người trong tộc họ của chủ cũ lại không có khả năng nuôi dưỡng cô con gái, đến nỗi cuối cùng cô ta phải đói khổ uất ức mà chết. Cô gái ấy chết không bao lâu thì thác nhập vào người trong tộc họ của chủ cũ, kể lể hết đầu đuôi sự việc. Những kẻ đồng mưu trong việc này có bao nhiêu người sau đó đều mắc phải bệnh nặng, nối nhau mà chết cả.”
Hôn nhân là gì: Duyên phận nhiều đời kiếp
Câu chuyện điển hình về báo ân mà đến trong hôn nhân này được trích trong sách “Nhân quả báo ứng hiện đời.”( Ni Sư Hạnh Doan dịch.) Nếu chẳng phải do báo ân mà đến, ắt không có người chồng nào trên thế gian này có thể có một tình yêu vô điều kiện, lại bao dung và đối xử được với người vợ đầy bất hạnh của mình, như người chồng trong câu chuyện dưới đây.
Mỹ Nữ và Thổ Phỉ
Có một nữ sĩ định cư ở hải ngoại tìm đến cầu kiến Hòa thượng Diệu Pháp. Cô ta tự giới thiệu về mình:
– Thưa Ngài, con là luật sư. Vừa rồi con tiếp nhận một vụ án ly hôn rất kỳ lạ của một thiếu phụ họ Triệu. Cô ấy dung nhan mỹ lệ, đoan trang, nhưng thần sắc hết sức tiều tụy. Cô thỉnh cầu chúng con giúp ly hôn với chồng. Lý do là chồng của cô quá vũ phu hung bạo.
Chúng con thụ lý vụ án này, liền hẹn gặp Lý tiên sinh, chồng của cô ấy. Khi diện kiến chúng con ngạc nhiên vì thấy ông Lý rất hiền lương phúc hậu. Ông thuộc loại người nho nhã, trang nghiêm, không hề thô tháo, hung dữ như cô vợ tả. Sau khi nghe chúng con kể chuyện vợ đòi ly hôn, ông lộ vẻ xót thương và lo lắng. Ông không ngừng khẩn cầu, xin chúng con giúp đỡ, tìm cách khuyên giải cô vợ giùm.
*
Ông nói ngàn vạn lần không thể ly hôn. Bởi vợ ông đang bị kiệt quệ cả tinh thần và thể xác, khi phải chịu quá nhiều tai ương. Ông nghĩa rằng hiện tại vợ đang hoảng loạn nên cần được giúp đỡ. Nếu ly hôn, ông lo vợ sẽ khó bề sống được, vì không có ông kề bên chăm sóc…
Sau đó, ông thuật lại toàn bộ cuộc đời của vợ mình. Kể rõ từ nhỏ đến giờ cô đã gặp phải những bất hạnh gì… Thú thật sau khi nghe kể về vận mệnh bi thảm của cô, toàn thể luật sư đoàn của con đều chấn động, kinh ngạc không dứt. Chúng con rất thông cảm cho sự kém may mắn của gia đình họ. Rất muốn tận lực giúp đỡ họ. Nhưng mà bất kể chúng con nỗ lực hòa giải thế nào, cô vợ cứ khăng khăng nói: “Không ly hôn thì không được!”.
Trong tình huống này, chúng con bó tay hết cách. Vì vậy con tranh thủ kỳ nghỉ phép, đi đến đây để thỉnh giáo Ngài. Thiếu phụ mỹ lệ đó sao lại có số mệnh long đong trớ trêu như thế? Cô ấy có thể cải đổi phần số rủi ro của mình không? Tinh thần của cô có thể hồi phục tốt không? Xin Sư phụ khai thị.
*
Sau đó, nữ luật sư kể vắn tắt cho Hòa thượng nghe những gì vợ chồng kia gặp phải. Lý tiên sinh và cô Triệu quê ở Hương Cảng, hiện đang định cư ở Canada. Họ là đôi bạn thanh mai trúc mã suốt từ thời tiểu học đến cao trung; tùy theo tuổi tác ngày một tăng mà tình cảm hai bên phát triển sâu đậm. Ông lý thì ôn nhu nho nhã, cô Triệu thì xinh đẹp đoan trang. Thật là một cặp trời sinh.
Sau khi tốt nghiệp cao trung thì ông Lý cầu hôn cô Triệu. Nhưng cô bật khóc từ chối, bảo mình không có tư cách lấy ông. Hỏi mãi Lý mới biết được sự thật. Vào lúc cô Triệu tám tuổi thì cha mất, mẹ tái hôn. Lúc 14 tuổi cô bị cha dượng hung bạo cưỡng hiếp. Mẹ cô dù biết nhưng chẳng thể làm gì. Bà mặc cho cha dượng trường kỳ cưỡng hiếp cô suốt nhiều năm, mãi tận đến nay. Ông Lý nghe xong thập phần phẫn hận. Ông quyết cứu người yêu thoát khỏi tổ quỷ.
Cha ông Lý kinh doanh giày, gia cảnh rất giàu. Giấu nhẹm chuyện đau buồn của cô Triệu, ông Lý xin cha mẹ cho phép hai người đi du học ở Canada. Cha mẹ ông Lý thương con nên đồng ý cho họ được như ý nguyện.
*
Tốt nghiệp đại học, bọn họ kết hôn và tự mình mở một tiệm giày kinh doanh. Không bao lâu thì sinh ra một bé trai khả ái. Cả nhà họ đang sống hạnh phúc thì trời bỗng nổi phong ba. Con trai họ mới tám tuổi thì bị bắt cóc. Họ giao nộp mấy mươi vạn tiền chuộc nhưng con trai vẫn bị giết chết.
Nỗi đau mất con chưa kịp nguôi thì một năm sau, toàn bộ xe container chứa đầy hàng hóa của họ bị cướp sạch. Họa này khiến cuộc sống của họ vô cùng túng bấn. Nhưng vận rủi vẫn chưa kết thúc. Một buổi tối ba năm sau, lúc họ đang chuẩn bị đóng cửa tiệm, thì trước cổng đột nhiên có một xe tải to dừng lại. Từ trên xe nhảy xuống sáu tên thổ phỉ hùng hổ xông vào trong tiệm. Chúng không nói năng gì, bắt hai vợ chồng dán kín mồm miệng và trói lại.
Sau đó chúng cướp hết hàng hóa, lột sạch tiền bạc và trang sức của họ. Thấy cô Triệu xinh đẹp, chúng liền thay nhau cưỡng hiếp cô vợ trước mặt chồng. Từ đó trở đi, tinh thần cô Triệu hoàn toàn suy sụp. Cô luôn hoảng loạn và phát sinh ảo giác. Cô một mực cho rằng chồng mình là kẻ ác, chuyên bạo hành, cưỡng hiếp, đánh đập cô. Cho nên cô kiên quyết đòi ly hôn với chồng.
Nữ luật sư kể xong. Bèn thỉnh giáo Hòa thượng: – Cô Triệu kiếp trước đã tạo ra những nghiệp gì mà đời này số khổ quá như vậy? Xin Sư phụ giảng cho chúng con nghe.
*
Những người ngồi tại đấy đều chấn động khi nghe qua câu chuyện thê thảm này. Họ không tưởng tượng nổi việc một phụ nữ yếu đuối như thế lại phải đón nhận những tai họa lớn như vậy.
Lúc này Hòa thượng thở dài nói: – Cô gái đó kiếp trước là nam nhân X, gia cảnh bần cùng, cha mẹ mất sớm. Từ nhỏ Y đã phải đi ăn xin, rồi chăn dê cho địa chủ. Sau đó do không chịu nổi sự ngược đãi, X bèn bỏ trốn. Y đi phiêu bạt khắp nơi rồi sống bằng nghề trộm cắp. Đến khi trưởng thành thì X làm thổ phỉ. Việc hại người, cướp hiếp…Không ác nào hắn chẳng làm.
Một lần đi cướp, X nhìn thấy một phụ nữ mỹ lệ. Hắn liền bắt trói người chồng và cưỡng hiếp cô vợ ngay trước mặt anh ta. Liên tục mấy năm sau, X vẫn thường đến ức hiếp làm nhục nhà ấy. Vợ chồng nạn nhân vì quá khiếp sợ nên đành cắn răng chịu nhục mà sống. Đến đời này, thổ phỉ X chuyển sinh làm cô gái họ Triệu; người cha dượng tàn bạo cưỡng hiếp cô liên tục nhiều năm chính là thiếu phụ xinh đẹp từng bị X làm nhục; nay đã chuyển thể đầu thai tìm kẻ thù báo oán.
Đến như con cô Triệu bị giết, hàng hóa bị cướp; cô bị các tên lưu manh làm nhục, luân phiên hãm hiếp… Tất cả đều là báo ứng tội ác kiếp trước của cô. Vì vậy mới có câu: “Muốn biết nhân đời trước, nhìn quả thọ đời này. Muốn biết quả đời sau, nhìn nhân gieo đời này!
*
”Bởi vì lưới trời tuy lồng lộng nhưng một cọng lông cũng khó thoát!” Cho dù hiện đời kẻ làm ác có trốn được pháp luật trừng phạt, thì cũng không trốn được luật nhân quả. Hết thảy đều phải đền trả ác nghiệp mình đã tạo. Trong kinh Phật thường nói: “Nhân quả báo ứng như bóng theo hình. Cho dù trải qua trăm kiếp ngàn đời, những điều đã tạo ra không hề mất”… Điều này khuyên răn chúng ta phải hết sức cẩn thận: “Các điều ác chớ làm, siêng làm các điều lành”.
Nghe Hòa thượng Diệu Pháp nói, không ai là chẳng tin phục. Mọi người liên tục tán thán nhân quả báo ứng không sai. Lúc này có người thắc mắc hỏi Sư phụ:
– Cô Triệu đời trước làm thổ phỉ tạo nhiều tội ác. Vì sao đời nay lại gặp được người chồng tình thâm nghĩa trọng như thế?
Mọi người có mặt đều hưởng ứng, ngưỡng vọng chờ câu đáp của Hòa thượng. Sư phụ từ tốn kể:
*
– Một đêm nọ, sau khi đánh cướp xong; trên đường quay về sơn trại, tên X gặp một đồng nam áo quần lam lũ, toàn thân bị thương, đang bi ai khóc lóc. Chứng kiến cảnh này, tên X mủi lòng nhớ lại thời thơ bé khổ sở của mình nên động lòng thương xót. X hỏi thăm thì biết đồng nam kia đang chăn trâu cho địa chủ. Vì để trâu đi mất nên bị đánh đập tàn nhẫn. Nhà địa chủ dọa nếu không bồi thường thì sẽ báo quan bắt cha nó bỏ tù!
Tên cướp nghe kể bỗng sinh lòng trắc ẩn. Hắn đưa cho thiếu niên một số tiền lớn. Bảo thằng bé trích một phần đền con trâu cho chủ. Phần còn dư thì đưa cha mẹ làm vốn buôn bán kiếm sống. Đồng nam nhận tiền xong, liền hướng thổ phỉ dập đầu tạ ân. Nó vừa lạy vừa khóc rồi phát thệ rằng: – Đời sau xin làm trâu ngựa báo đáp ân cứu mạng…
Thiếu niên ấy nay chính là chồng của cô Triệu ở đời này. Vì lý do này mà bất kể cô Triệu gặp hoạn nạn như thế nào, thậm chí có yêu cầu ly hôn, anh Lý trước sau vẫn thủy chung. Anh luôn thương yêu bảo vệ cô là vậy.
*
Sư phụ nói tiếp: – Người ta bình thường không biết Phật pháp, không hiểu rõ luật báo ứng nhân quả như bóng theo hình, nên cứ mê lầm tạo tội. Nếu như cô Triệu có thể tiếp nhận Phật pháp, thì mọi phiền lụy sẽ tiêu như băng tan dưới ánh mặt trời; có thể giải quyết tận gốc, đoạn dứt căn nguyên tai họa và bất hạnh.
Nếu như cô Triệu có thể đến chùa, học Phật pháp. Nếu có thể thọ giữ ngũ giới, hành thập thiện; hằng ngày cung kính tụng một bộ kinh Địa Tạng, hồi hướng cho các chúng sinh đời trước mình làm tổn hại. Siêng hành trì như vậy bền bỉ, thì túc nghiệp sẽ được tiêu trừ. Về sau mệnh vận có thể chuyển tốt.
Nữ luật sư nghiêm túc ghi chép những lời Sư phụ dạy vào sổ, mọi người đều thở ra nhẽ nhõm. Tin rằng cô Triệu đáng thương kia sẽ nhanh chóng thoát khỏi vận mệnh bi đát, nhờ vào sự tu sửa của bản thân.”
( Hôn nhân là gì? Hôn nhân là nghiệp duyên nhiều đời nhiều kiếp)
Tuệ Tâm 2022.
Thanh Tịnh viết
Nam mô A di đà Phật.
Tôi có xem kinh thấy nếu cầu Quán Thế Âm Bồ Tát thì có thể “Cầu vợ được vợ, cầu con được con”.
Tôi có thắc mắc: giả sử đời này có người đáng lẽ có một hôn nhân do hai nhân báo oán và đòi nợ, nhưng người này lại cầu Bồ Tát mong được có một hôn nhân hạnh phúc viên mãn. Việc ấy kết quả ra sao?
Lời kinh dạy không dối, song tôi vẫn muốn được hiểu thêm.
Kính mong Tuệ Tâm giải đáp.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
“Cầu vợ được vợ, cầu con được con…cho đến cầu bồ đề được bồ đề”, không chỉ riêng phẩm phổ môn trong kinh Pháp Hoa, mà kinh Lăng Nghiêm cũng nói rõ. “Cầu” trong Phật Pháp không phải như cái “cầu” của thế gian. Bởi cái “cầu” của thế gian là cái cầu tà vạy: Sống bất thiện, đầy rẫy tham sân si; giết mổ, làm mâm cao cỗ đầy, thắp hương sì sụp khấn vái… rồi cầu hết cái này đến cái nọ. Cái “cầu” này là mê tín dị đoan, vốn chỉ khổ công vô ích…
Cái “cầu” trong Phật Pháp tuy nói là “cầu” nhưng ở đây là “cầu ở nơi chính mình.” Thế nào là cầu ở nơi chính mình? Vạn sự vinh nhục được mất, giàu nghèo…mà ta có trong đời, vốn đều là quả cảm thành bởi cái nhân đã gieo trong quá khứ. Mà nghiệp của chúng sanh đa phần là bất định nghiệp, nghĩa là nó có thể xoay chuyển, tùy theo cảnh duyên. Lại trong Tàng Thức của ta chứa vô biên các hạt giống chủng tử thiện và bất thiện. Các chủng tử này, khi gặp nhân duyên thì nảy mầm, trổ thành hoa quả.
Chư Phật và Bồ Tát dạy chúng ta phương pháp để chuyển nghiệp, đoạn ác duyên, không cho hạt giống ác nẩy mầm; cũng dạy ta cách để tăng trưởng thiện duyên, khiến hạt giống thiện nẩy mầm. Như ta tin nghe lời dạy của các Ngài, rồi sống thiện lương, làm lành lánh ác, lại tu tập để tích chứa công đức vô lậu khiến nghiệp lực được chuyển hóa. Ác nghiệp được chuyển hóa, thiện nghiệp tăng trưởng thì tất nhiên sẽ hóa giải được hết thảy tai ương, chướng ngại. Còn như ta biết tu để chuyển nghiệp mà chẳng chịu hành trì, thì Phật hay Bồ Tát cũng bó tay, không thể can thiệp vào nghiệp lực của ta. Đó là ý nghĩa của việc “Cầu nơi chính mình”.
Ví như cuộc hôn nhân do hai nhân báo oán cùng đòi nợ. Nay ta làm lành lánh ác, sám hối rồi hoặc tụng kinh, hoặc niệm Phật, hoặc trì chú…hồi hướng công đức ấy cho bạn đời. Việc hồi hướng công đức này giống như ta trả nợ cho họ vậy, theo công phu tu tập mà nợ nần vơi đi, đến lúc hết nợ thì tự nhiên bạn đời thay đổi hoàn toàn. Ta sạch nợ thì tự nhiên họ chẳng còn đòi, mà không đòi nợ nữa thì cuộc sống sẽ thay đổi mà thôi. Như thế, người bạn đời ban đầu khiến ta phiền não, khổ sở, nay biến thành người mang đến cho ta bình an hạnh phúc, hôn nhân từ địa ngục trở thành hạnh phúc viên mãn. Đó chính là ý nghĩa của “Cầu vợ được vợ, cầu con được con” vậy. Những chuyện này trong An Sĩ Toàn Thư và Nhân quả báo ứng hiện đời – Ni sư Hạnh Doan dịch, viết rất nhiều. Bạn nên tìm đọc để phá nghi mà tăng trưởng tín tâm.
Nam mô A Di Đà Phật.
Thanh Tịnh viết
Nam mô A di đà Phật.
Cám ơn Tuệ Tâm đã soi sáng. Tôi đã hiểu rõ rồi, không còn nghi nữa.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Lê viết
Dạ.Thưa Tuệ Tâm,con bình luận mấy lần trong bài viết này đều bị xóa đi.Xin Tuệ Tâm đọc kĩ lại bài viết này.Con thấy có đoạn”Hôn nhân toàn do báo ân cùng đòi nợ nên mỏng manh như sương khói”.Xin Tuệ Tâm sửa thành”Báo oán cùng đòi nợ”ạ
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Hôn nhân cũng có báo ân và trả nợ, đâu phải chỉ mỗi tiêu cực là báo oán cùng đòi nợ đâu? Nếu do báo oán cùng đòi nợ thì khổ tận cam lai; nếu do báo ân hoặc trả nợ thì khi ân và nợ trả hết ắt lại sanh phiền não.