Có một cách phòng tránh đuối nước rất hơn giản, chẳng tốn tiền của hay công sức gì, nhưng vô cùng màu nhiệm, đấy là niệm danh hiệu của đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Chỉ cần bạn hằng ngày nhớ niệm sáu chữ “Nam mô Quán Thế Âm Bồ Tát” một cách chân thật, không cứ nhiều hay ít, thì kể cả gặp đại hồng thủy đi chăng nữa, cũng sẽ không bao giờ chết đuối. Tại sao như thế? Bởi cứu nạn nước trôi lửa cháy là bản nguyện của đức Quán Thế Âm Bồ Tát vậy!
Trong Phẩm Phổ Môn – Kinh Diệu Pháp Liên Hoa chép rằng: “Nếu bị nước lớn cuốn trôi, xưng danh hiệu Bồ tát liền được đến chỗ cạn… Nếu có trăm nghìn muôn ức chúng sanh vì tìm các thứ châu báu như: vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách, trân châu… nên vào trong biển lớn. Giả sử gió bão thổi ghe thuyền của kẻ kia trôi tấp nơi nước quỷ La sát, trong đó nếu có nhẫn đến một người xưng danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, thì các người đó đều được thoát khỏi nạn quỷ La sát, do nhân duyên đó mà tên là Quán Thế Âm.”
- Cảnh giới trên bước đường học Phật.
- A Tu La là loài nào?
- Hội Long Hoa là gì.
- Kinh Địa Tạng.
- Kinh Lăng Nghiêm.
- Cận tử nghiệp vô cùng đáng sợ.
- Chúng ta chưa từng biết Chết là gì.
Cách phòng tránh đuối nước nhiệm màu – Không bao giờ chết đuối
Tôi hễ mỗi lần nghe thấy trẻ em đuối nước hoặc có người chết đuối đều thở dài thương cảm. Tiếc cho chúng sanh có được thân người, vì chẳng có phước duyên gặp được Phật Pháp nên trôi theo gió nghiệp, chịu nhiều khổ nạn. Bồ Tát luôn tầm thanh cứu khổ, nhưng chúng sanh cang cường không tin chẳng nhận, Ngài cũng bó tay chớ chẳng biết phải làm sao!
Càng sâu vào thời mạt, thiên tai, lũ lụt sẽ rất nhiều, cái sau hung hiểm hơn cái trước. Nếu chẳng ôm chân Bồ Tát, khi tai họa đến, dù có biết bơi đi chăng nữa, cũng vô phương trốn chạy!
Nay tôi trích đăng những câu chuyện nhiệm màu, nhờ niệm Thánh hiệu Bồ Tát mà thoát hiểm nạn, chẳng bị chết đuối, chẳng bị nước cuốn trôi. Nguyện có người hữu duyên đọc được khởi phát tín tâm. Rồi hoặc hướng dẫn cho quyến thuộc, hoặc rộng truyền bá để cứu vớt chúng sanh.
*
(1). Theo sách Pháp Uyển Châu Lâm, trong niên hiệu Nguyên Gia đời Tống, ngài Trúc Huệ Khánh ngồi thuyền sang Lô Sơn, giữa dòng chợt nổi gió, thuyền sắp lật. Huệ Khánh kiền thành tụng Quán Âm Kinh, mọi người dõi nhìn thì thấy loáng thoáng có thần nhân mặc giáp bằng vàng, lôi thuyền xông qua cơn lốc, cắt ngang dòng tấp vào bờ.
Theo sách Pháp Hoa Cảm Thông, Sầm Cảnh Nhân đời Đường tụng phẩm Phổ Môn từ bé, từng qua đất Ngô, thuyền lật, bị rơi xuống nước, nghe có người nói: “Tụng phẩm Phổ Môn thì phải thoát được thủy nạn”. Nghe nói như vậy ba lượt, liền nổi lên mặt nước. Trong khoảnh khắc đã chạm bờ, những người khác đều chết đuối.
(2). Theo Pháp Uyển Châu Lâm, đời Tấn, Từ Vinh ngồi thuyền qua Định Sơn, bị mắc vào vùng nước xoáy, bèn vội niệm danh hiệu Quán Thế Âm, dường như có mấy chục người lôi thuyền ra khỏi vùng xoáy. Khi ấy, trời sắp tối, gió giật, mưa to, ông Vinh tụng kinh không ngớt. Chợt đầu núi có ánh lửa sáng rực chiếu tận trời thẳm, [phu thuyền] bẻ lái về đó, liền vào được bờ.
Sáng ra, ông hỏi người trong bãi thuyền: “Tối hôm qua trên đầu núi là lửa gì vậy?”
Mọi người ngạc nhiên, bảo: “Mưa gió suốt ngày, làm sao có lửa được?”
Lúc ấy ông ta mới biết là do Phật lực ngầm gia hộ.
*
Theo Minh Tường Ký, vào đời Tấn, cha ông Lã Tủng từng bơi thuyền trên một con suối nước chảy xiết. Trời tối, mưa gió ập tới, bèn niệm Quán Thế Âm không ngừng. Trong khoảnh khắc có ánh lửa soi đường dẫn vào bờ, như có người cầm đuốc vừa thoáng đằng trước lại vụt ra đằng sau, thuyền cứ theo ánh đuốc mà đi, bèn được trở về nhà.
(3). Theo Quái Viên, vào năm Canh Tuất (1610) niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, Tào Hành Đồng theo bề trên triều bái Phổ Đà. Ông Đồng thầm khấn Đại Sĩ, nguyện xả thân. Trở về, tới biển Liên Hoa, liền chắp tay nhảy xuống biển, người trên thuyền không cách nào vớt được.
Hơn ba tháng sau, ông ta đột nhiên tự trở về, kể: “Lúc nhảy xuống biển, thấy có một vị Tăng người Tây Vực, đắp ca-sa bằng vải nâu sồng, giong thuyền tới vớt tôi lên, đưa về Châu Sơn, tới một nhà dân chài, rồi vị tăng Tây Vực ấy chợt biến mất”.
Theo Kỷ Cầu Thư, năm Kỷ Sửu (1649) đời Thuận Trị nhà Thanh, ông Lưu X… ở Mạt Lăng triều bái Nam Hải, ngồi trong thuyền, lòng phát nguyện được thấy Bồ Tát. Về sau, chợt gặp sóng gió, thuyền lật. Họ Lưu rớt xuống nước, trước mặt thấy ánh sáng đỏ chiếu khắp nơi. Một vị Tăng nắm tay ông Lưu dẫn đi, trong chớp mắt đã về đến nhà, vị Tăng biến đâu mất. Họ Lưu như say, như mộng, uống trà nóng xong rồi mới tỉnh hồn, kể lại mọi chuyện.
*
(4). Theo Minh Tường Ký, trong niên hiệu Nguyên Gia đời Tống, Cố Mại đi thuyền bị va phải đá ngầm. Gió rít, sóng nhồi, vội tụng Quán Âm Kinh mười mấy lượt, gió yên, sóng lặng. Giữa dòng nhiều lượt nghe có mùi thơm lạ lùng sực nức, vượt sông bình yên. Theo Pháp Uyển Châu Lâm, vào thời Nguyên Gia nhà Tống, Phục Vạn Thọ từng qua sông vào lúc canh tư, đêm tối, gió dữ, không biết phương hướng là đâu. Vạn Thọ nhất tâm quy mạng Quán Thế Âm, niệm danh hiệu Ngài chẳng ngớt tiếng. Chợt thấy bờ Bắc có ánh lửa, quay thuyền hướng về đó, trời chưa sáng đã đến nơi. Hỏi người trên bờ thì tuyệt nhiên chẳng có ai nhóm lửa!
(5). Vào đời Tấn, một thương nhân ở Tây Vực, bơi thuyền trong biển bị lạc lối, xưng niệm danh hiệu Quán Âm, thấy một vị Tăng cầm tích trượng, băng mình trên không trung dẫn lối. Vào đời Tấn, Lưu Tế vượt hồ gặp gió bão, bèn tụng niệm Quán Thế Âm, chợt thấy hai người kè thuyền đưa qua hồ.
*
(6) Theo Cao Tăng Truyện, tập Một, vào đời Tống, ngài Cầu Na Bạt Đà La được Nam Tiếu Vương Lưu Nghĩa Tuyên tôn kính. Vương âm mưu dấy loạn, ngài Cầu Na khóc lóc can ngăn, Vương vẫn không nghe. Sau trận đại bại ở Lương Sơn, Sư bị té xuống sông, nhất tâm tụng Quán Thế Âm Bồ Tát, trông thấy một đứa bé trai lôi áo, bèn hỏi: “Ngươi là đứa bé con mà làm được như vậy ư?”
Đến bờ, đứa bé biến đâu mất.
Theo lời chú thích tác phẩm Linh Cảm Phú, vào đời Thanh, Trầm Khởi Tiềm tự kể: – Vào thời Càn Long, khi qua bến Cửu Điểu ở Giang Tây bị ngã xuống sông, trôi đến hồ Bành Lễ, uống no một bụng nước. Chợt thấy giữa sóng có kim quang tỏa ra cả vạn tia; ở giữa đó là một người to lớn kêu lên: “Hãy mau ôm lấy!” Liền quờ tay ôm được một cây gỗ dài hơn một trượng, bèn thoát chết.
*
(7). Theo Tỳ Kheo Ni Truyện, vào đời Tấn, ni sư Lệnh Tông đi lánh nạn giặc giã ở Ký Châu. Buổi chiều, ni sư đến bến Mạnh Tân, không có thuyền để vượt sông liền niệm Phật và danh hiệu Đại Sĩ, chợt có một con nai trắng lội xuống sông. Lệnh Tông bèn đi theo, nhưng trọn chẳng bị ướt. Do vậy, về đến nhà.
Theo Thiện Dư Dường Bút Thừa, vào đời Minh, Lưu Cốc Hiền theo Trịnh Hòa đi sứ ở hải ngoại. Giữa biển cả, ông Lưu chợt té xuống nước, trong chớp mắt đã cách xa thuyền mấy chục dặm. Mọi người trên thuyền chợt thấy họ Lưu đuổi kịp tới thuyền, bèn kéo ông lên. Có một con cá dài hơn một trượng rẽ sóng bơi đi.
Ông Lưu bảo: “Con cá ấy chở tôi đến đây. Tôi chìm xuống nước mấy lần, con cá ấy liền dùng vây lưng nâng lên”.
Mọi người hỏi ông đã tích tập thiện quả nào?
Ông ta Đáp: “Chỉ kiền thành niệm Quán Âm Kinh mà thôi!”
*
(8). Theo Minh Tường Ký, vào đời Tấn, huyện lệnh Phú Bình là Loan Tuân theo quân đi đánh Lô Tuần bị thua, chiến thuyền bị đốt cháy. Ông Tuân vội niệm danh hiệu Quán Thế Âm, trong khoảnh khắc thấy trong sông có thần nhân đứng sững, eo ngập ngang mặt nước. Ông Tuân biết xưng danh được cảm ứng bèn đạp nước lội theo, thân nổi trên mặt nước, chân như đi trên đất, được đại quân giong thuyền ra cứu.
Theo Thương Túc Am Tùy Bút, vào đời Thanh, Thái Thú quận Phổ Nhĩ là Trần Đình Dục thờ Đại Sĩ hết sức kiền thành, hằng ngày tụng chú Đại Bi. Trong niên hiệu Đạo Quang, ông Trần theo ngả Giang Hán về kinh, sảy chân té xuống sông. Khi ấy, gặp cơn gió mạnh, trong chớp mắt đã cách thuyền cả dặm, nhưng nước chỉ ngập tới gối, hai chân như có vật gì nâng đỡ không bị chìm, chỉ có áo bào bay phần phật trên mặt sóng mà thôi. Ông bèn vội tụng chú Đại Bi, chưa được ba lượt, đã có người đến cứu, phần trên thân trọn chẳng bị ngấm ướt.
*
(9). Theo sách Vạn Thiện Tiên Tư, năm Khang Hy thứ 2 (1663) đời Thanh, có thuyền chài đậu dưới chân Tiểu Cô Sơn. Trong đêm, nghe tiếng sơn thần ra lệnh cho thuộc hạ: “Ngày mai có thuyền chở muối đi qua đây, hãy mau thâu lấy”.
Đến sáng, quả nhiên có thuyền chở muối căng buồm đi tới. Sóng gió chợt nổi lên đùng đùng, gần như lật thuyền mấy lượt. Hồi lâu sau thoát nạn. Đêm ấy, thuyền chài lại nghe tiếng sơn thần quở trách bọn quỷ tốt trái mạng, chúng thưa: “Khi đến tịch thâu, thấy cuối thuyền có Quán Âm Đại Sĩ, nên chẳng dám đến gần”.
Ngày hôm sau, thuyền chài đuổi theo thuyền muối hỏi thăm; thì ra người giữ bánh lái vâng giữ Quán Âm Trai.
Theo Từ Lâm Tập, vào đời Thanh, Bành Nhất Thừa là người Nam Hải. Trong niên hiệu Khang Hy, từ Ngũ Dương trở về nhà, bị bão lốc lật thuyền. Những người cùng đi giỏi bơi lội đều bơi vào bờ, còn ông Thừa bị kẹt trong khoang thuyền không ra được, chỉ nhất tâm xưng danh Đại Sĩ, uống no nửa bụng nước, vừa uống nước vừa niệm. Chợt cảm thấy có người kéo tay ra khỏi nước, chụp được mui thuyền, thuận gió giạt vào bờ. Người trên bờ cùng thấy một người mặc áo trắng đẩy cái mui đến chỗ thuyền đang chìm để cứu ông ta.
*
(10). Theo Cao Tăng Truyện, tập Một, ngài Pháp Thuần đời Tấn, giữa hồ gặp bão, thuyền lại bé, chỉ một lòng trông cậy Quán Thế Âm, miệng tụng niệm không ngớt. Trong khoảnh khắc, thấy một cái thuyền to trôi tới, trèo lên, bèn được cứu. Đến bờ, không thấy cái thuyền ấy đâu nữa.
Theo Tập Dị Ký, vào đời Đường, Thành Khuê do để mất gỗ xây dựng, bị vu cáo, liền niệm Quán Âm cứu khổ. Sau khi gông xiềng tuột ra, bèn lặn xuống nước trốn, gặp một cây gỗ nổi, chính giữa có một cành mọc thẳng lên. Ông Khuê cưỡi lên gỗ, ôm chặt, chìm xuống lại nổi lên, chí tâm niệm danh hiệu Quán Âm không ngớt tiếng, gỗ giạt vào gần bờ, thoát nạn.
Niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát thoát nạn chết đuối
(11). Theo sách Cao Vương Kinh Cận Nghiệm, Dư Nhật Húc về thăm cha mẹ, vượt sông. Mộng thấy có người áo trắng bảo: “Ngày mai ông gặp đại nạn, kêu ta liền được thoát”. Đến khi vượt sông gặp bão, thuyền sắp lật, vội kêu: “Đại Sĩ cứu con!” liền vượt sông an toàn. Xét ra, chuyện này được sách Nam Hải Từ Hàng ghi thành chuyện Du Cửu Vân.
Theo Tịnh Độ Thánh Hiền Tục Lục, vào đời Thanh, Ngô Doãn Thăng ở Hổ Khâu, lúc bé, gặp một vị Tăng bảo: “Ngươi có thiện căn, tiếc là năm hai mươi chín tuổi sẽ gặp thủy tai. Chỉ có cách từ nay trở đi hãy kiêng giết, phóng sanh, mỗi ngày kiền thành niệm Phật, trì chú Đại Bi, may ra sẽ thoát được!”
Ông Thăng tin nhận, phụng hành; lại còn đem chuyện này khuyên người khác. Đến năm hai mươi chín tuổi, từ đất Hàng ngồi thuyền về thăm nhà, sông nổi sóng rất nguy hiểm, vội chắp tay niệm Phật. Thuyền lật, rơi xuống nước, trong lúc mơ màng nghe có tiếng nói: “Ngô Doãn Thăng có công khuyên người niệm Phật, được thoát khỏi nạn này”. Mở mắt ra nhìn quanh thì thân đã ở trên bờ, đã được dân chài cứu lên rồi!
*
(12). Theo Hải Nam Nhất Chước, vào đời Thanh, Trình Chiêu ở Phù Lương do có khối u trong bụng, nhờ tụng Tâm Kinh được lành, nên thường trì niệm không gián đoạn. Trong niên hiệu Đạo Quang, thi trượt chức vụ Xuân Quan, liền trở về, giữa sông, lật thuyền, trôi giạt mười mấy dặm, nhất tâm niệm Tâm Kinh. Dường như có vật gì đỡ chân, nhờ vào đó, hơi ngồi được một chút, thoát nạn.
Theo Di Kiên Chí, vào đời Tống, Từ Hy Tải, mẹ kính thờ Quán Âm. Trong niên hiệu Thiệu Hưng, ông Tải dẫn hai đứa con trở về. Thuyền gặp bão, bèn đốc thúc người trong thuyền niệm danh hiệu Đại Sĩ, chợt gặp một cây dâu to, vội cột thuyền vào đó. Sáng ra thì thấy thuyền ở trên bãi cát, chẳng thấy cây dâu đâu cả!
Về đến nhà, mẹ ra đón, cười bảo: “Tối hôm qua mộng thấy có bà lão dẫn cha con mày trở về. Nay quả nhiên đúng như vậy”, mới biết là Đại Sĩ rủ lòng cứu vớt.
*
(13). Theo Từ Lâm Tập, vào đời Thanh, Phan Quốc Chương là người Quảng Đông. Một hôm trở về quê, đến Tam Thủy, gặp bão lật thuyền, ông Phan nhất tâm niệm danh hiệu Đại Sĩ, đạp ngay xuống đáy biển, liền vững chân bước đi, nhờ đó vào đến bờ. Tiền cầm đi đường vẫn còn ở trong tay! Ông ta tin tưởng Đại Sĩ thần lực chẳng thể nghĩ bàn, bèn xuất gia ở núi Nhật Thân tại Thiều Thạch, hiệu là Huyền Cầu.
Lại nữa, theo Liệt Tử, Thương Khâu Khai làm khách trong nhà họ Phạm ở đất Tấn. Môn đồ của họ Phạm xuồng sã, khinh nhờn, lừa gạt, không trò lừa dối nào chẳng làm, nhưng ông Khai vẫn tin là thật. Một hôm, họ chỉ khúc sông phủ sương mờ mù mịt bảo: “Trong ấy có bảo châu, bơi ra đó sẽ lấy được”. Khai bơi ra đó, quả nhiên được bảo châu.
Trong chốc lát, nhà kho của họ Phạm cháy to, bảo: “Nếu ai có thể vào trong lửa lấy được gấm ra, sẽ thưởng cho gấm ấy”. Ông Khai ra vào lửa, chẳng dính tro, thân chẳng cháy. Mọi người xúm lại hỏi han. Ông Khai nói: “Tôi chẳng có bí quyết gì! Thoạt đầu, tôi luôn tin lời các ông là thật. Chỉ sợ lòng Thành chưa đến mức cùng cực, làm chưa đến mức cùng cực, chẳng nghĩ tưởng đến thân hình, lòng chẳng nghĩ đến lợi hại. Hễ tâm chuyên nhất thì sự vật chẳng trái nghịch, chỉ có vậy mà thôi!”
*
(14). Theo Trì Nghiệm Ký, bà lão họ Vương ở Đông Đài bế cháu nội vượt sông, sảy chân, ngã xuống nước. Khi ấy, nước đang dâng tràn, chảy xiết, bà lão bế cháu đi trên mặt nước như trên đất bằng. Thuyền đến vớt đưa lên bờ. Hỏi thăm, cụ nói: “Chẳng biết đến hiểm nạn, chỉ trì thánh hiệu Quán Âm không ngớt”.
Trong bài Ứng Nghiệm Ký của Hiếu Liêm Túc Khải có kể: Cha ông ta làm khách ở Duy Dương, vượt sông, bão lốc ập tới, cột buồm gãy nát, phân nửa những người ngồi cùng thuyền chết chìm. Do cha ông ta chí tâm tụng chú Quán Âm, hứa in tặng một vạn hai ngàn cuốn, trong khoảnh khắc, gió giạt tới cửa sông, vô sự. Đến Tết, từ đất Tô trở về Duy Dương, lúc vượt sông, sóng bủa vào thuyền, nhà thuyền cực lực chống chọi, còn cha ông chỉ tụng chú Quán Âm, lại được toàn mạng.
Theo Thiện Dư Đường Bút Thừa, vào đời Minh, chùa Nam Đài ở Phước Châu đắp tượng Đại Sĩ, sắp hủy tượng cũ. Thợ đắp tượng là Lâm X… xin đem tượng cũ về thờ. Được mấy tháng, vượt biển, thuyền hư, bị chìm, vội hô: “Con từng cứu Bồ Tát, sao nay Bồ Tát chẳng cứu con vậy?” Nói xong, thân chợt nổi lên, vớ được một tấm gỗ, cỡi lên, lênh đênh hơn trăm dặm, mới tấp vào một xóm nhỏ ven bờ, nhặt nhạnh được cả sọt những vật sót lại [từ chiếc thuyền vỡ tấp vào], bèn có tiền trở về.
*
(15). Bài ký tự thuật của cư sĩ Giản Nam đời Thanh có chép: “Trong niên hiệu Càn Long, mua chiếc thuyền mới đóng, ra cửa hồ, gặp phải gió to, sóng dữ, phu thuyền nhắm mắt bó tay. Tôi thầm niệm Quán Âm Kinh, vượt hồ an ổn”.
Theo sách Cao Vương Ứng Nghiệm, Vương Thiên Tích ở Giang Hữu ngồi thuyền sang Hán Khẩu, gió lốc ùa tới, tánh mạng mất còn trong khoảnh khắc, cả thuyền kêu khóc. Thiên Tích tụng Cao Vương Kinh và nguyện khắc in một ngàn quyển, gió liền dứt.
Theo Bạch Y Ứng Nghiệm, đời Thanh, Trầm Ánh Khuê lấy một quyển kinh Bạch Y từ nhà bạn đem về, vượt sông, bị gió lật thuyền, những người cùng đi đều mất mạng. Ông Khuê chìm nổi trong nước dường như có ai nâng đỡ. Lên được bờ mới biết là nhờ sức của quyển kinh mang theo, bèn ăn chay, tụng kinh suốt đời.
Theo Kính Tín Lục, Triệu Đại Thành ở Nam Xương nghe nói chú Bạch Y linh nghiệm, bèn thành tâm trì tụng. Một hôm vượt sông, sóng gió ùa tới, cả thuyền đều chết đuối, chỉ mình ông Triệu còn sống.
*
(16). Theo Kính Tín Lục, một bà lão họ Trang xứ Giang Ninh đem cuốn kinh Quán Âm từ nhà con rể trở về, bảo đám phụ nữ trong nhà tụng niệm. Về sau, quân lính chinh phạt phương Nam kéo qua, cướp đoạt của cải trong nhà. Đám đàn bà sợ bị làm nhục, nhảy xuống sông, nhưng đều tấp vào bờ, không ai chết. Đám lính rút đi, rốt cuộc, chúng bị lật thuyền chết hết.
Theo Cao Vương Ứng Nghiệm, ông Chương Tông Triều đời Thanh viết: “Ông Vũ Đường Châu Minh Phủ có nói: “Khi gặp nạn hãy thầm tụng chú Đại Bi hoặc Cao Vương Kinh liền thoát được tai ách”. Tôi cũng thường tụng. Trong niên hiệu Gia Khánh, cùng đi với ông ta vào tỉnh Quảng Đông, bị bão lật thuyền. Tôi rơi xuống vực sâu, cảm thấy dưới nước có người đỡ chân tôi đẩy lên. Vũ Đường và người cùng thuyền cũng đều rớt xuống nước, được cứu. Y phục, văn thư vớt lên đều bị ngấm ướt. Chỉ có quyển Cao Vương Kinh, ngoài ướt, trong khô”.
*
(17). Theo Khuyến Giới Loại Sao, vào thời Thuận Trị nhà Thanh, Thí Cứ chết tại nhiệm sở ở Mân Trung, vợ là Trần Thị hai mươi ba tuổi, dẫn hai con đưa quan tài về quê. Vượt qua bãi Xa Đối trên dòng Thanh Hà, thuyền gần chìm, bà ta kiền thành tụng chú Quán Âm. Vừa được mấy biến, gió lặng, qua sông yên ổn. Về đến nơi, ăn chay, thủ tiết, mất năm bảy mươi hai tuổi.
Theo sách Quái Viên, ông cụ Trương ở Tô Châu, trong niên hiệu Vạn Lịch đời Minh, dẫn đứa cháu nội tám tuổi đến Phổ Đà lễ Đại Sĩ. Mới từ đất Hàng [toan] xuống thuyền ra biển, đứa cháu bảo: “Phu thuyền đều bị trói chân tay”, lôi áo ông đứng lại. Đổi sang thuyền khác, nó cũng thấy giống như vậy.
Lại đổi thuyền, mới nói không có gì lạ hết; cụ Trương lần chần, có hai người đứng trên đầu thuyền hô: “Đáp thuyền này, đừng lên thuyền khác”, rồi dường như có người đẩy đằng sau. Đã lên thuyền rồi thì người hô lẫn kẻ đẩy đều chẳng thấy đâu. Chiều tối, sóng trắng xóa bủa cao như núi, hai chiếc thuyền đi trước đều chìm; chỉ riêng chiếc thuyền này xuôi dòng an ổn.
(Theo Quán Thế Âm Bổn Tích Cảm Ứng Tụng)
Tuệ Tâm 2023.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật