Người sống ích kỷ là người chẳng biết nhường nhịn, chia sẻ hoặc hi sinh bất cứ điều gì cho người khác. Tất cả những suy nghĩ hay việc làm của hạng người này đều chỉ vì bản thân họ, để thỏa mãn cái bản ngã của họ. Còn do lợi mình mà tổn hại đến ai, họ thực chẳng buồn quan tâm đến.
Thế gian thường chỉ ưa làm việc có lợi cho mình. Vì ngược ngạo trái với lẽ trời, nên thời gian hưởng phước thường rất ngắn. Lại hiếm người biết rằng “phước cũng cần phải tiết kiệm” nên giầu sang, hiển đạt, thoáng chốc như mây bay. Nghiệp lớn chẳng bao giờ thành mà cuối đời thường chiêu lấy tai họa. Nếu chẳng làm bạn với giường bệnh ắt cũng khốn khó bần cùng, gia đạo rối ren, cháu con bất hiếu.
- Những cảnh giới trên đường học Phật.
- Vì sao cuộc đời là bể khổ.
- Hoạch tử là gì.
- quả báo mụn ghẻ mặt người.
- Thế nào là thiểu dục tri túc.
- Con người sinh ra để làm gì.
- Sắc dục là xiềng xích của đời người.
*
Trong xã hội kim tiền ngày nay, kẻ sống ích kỷ chỉ biết mình chiếm phần đa số, người biết sống vị tha thật khó kiếm khó tìm. Người ta mộng mị với những thứ “tôi muốn”, “tôi cần”… Còn những “hy sinh” hay “nhường nhịn”, chẳng mấy kẻ muốn nghe. Tâm người ích kỷ khiến xã hội rối ren, lòng người bạc ác. Vì lợi lạc mà bạn bè, anh em lường gạt lẫn nhau. Vì để thỏa mãn cái tôi mà con cái đánh cha cãi mẹ. Anh em nồi da xáo thịt, cháu con bất hiếu vô tình…Hết thảy cũng vì lòng ích kỷ mà ra.
Người ta quay cuồng tranh danh đoạt lợi, vì ích kỷ nhỏ nhen nên thường tự đốt đi phước báo của mình. Như có kẻ vui vì lừa người được một đồng. Kẻ ấy chẳng biết rằng: Trong mạng của hắn thời điểm ấy nhẽ ra có một triệu. Nhưng vì một đồng bất lương ấy nên một triệu kia trong vô hình bị trừ sạch. Phước bị trừ rồi còn phải chịu thêm cái quả báo bị người lường gạt về sau.
Thế gian lúc thành đạt quyền thế cứ tưởng mình tài giỏi. Tâm kiêu mạn sanh khởi nên làm gì cũng chẳng nghĩ đến ai. Chẳng biết rằng mọi thứ ta có được hôm nay vốn là do nhân từ trước, chớ hoàn toàn không phải do duyên hiện tại. Cho nên: Kẻ trí biết cho đi nên giầu lại thêm sang, người người thương quý. Còn người ích kỷ long đong lận đận, thường chuốc lấy thất bại lẫn tai ương.
*
Điển hình nhất của tâm ích kỷ là người ta thường vui khi nghe thấy người khác thất bại. Từ ông quan tham kéo vợ con, dâu rể vào lao lý, đến đại gia khét tiếng một thời nay vào tù đếm lịch chẳng biết ngày ra…Những chuyện ấy xảy ra hằng ngày, báo chí ra rả đưa tin. Khốn nỗi, đa phần chỉ thấy người đọc mừng rỡ hả hê, không hiếm kẻ buông thêm vài câu rủa xả, tuyệt chẳng thấy ai sanh tâm tỉnh ngộ cảm thông cho cái khổ của kiếp người!
Than ôi, lúc ở đỉnh cao danh lợi, ngàn người thấy ngàn người ngưỡng mộ ngợi ca. Lúc sa cơ, vạn người biết vạn người hả hê vui sướng. Nào có ai khởi được cái tâm thương xót chúng sanh, do làm ác mà đọa trong biển khổ. Thế mới biết tình người ngày nay thật bạc bẽo lắm thay!
Chúng ta đến cõi đời này với hai bàn tay trắng, lúc chết đi cũng chỉ trắng hai bàn tay, chẳng thể mang được gì ngoài nghiệp lành dữ. Cuộc sống tốt đẹp hay không, bình yên hay không là do cách ta sống, không phải ở nơi tiền bạc hay danh vọng. Nếu bạn buông được tâm ích kỷ, biết suy nghĩ và làm việc có lợi cho người, cuộc sống của bạn sẽ bình an một cách lạ lùng. Khi khó khăn tự nhiên có người giúp, lúc hung hiểm ắt có quỷ thần can thiệp hóa giải tai ương. Còn như sống ích kỷ chỉ biết mình, ắt quỷ thần ghét khinh trách phạt, họa kề cận nơi thân. Trên đầu ba thước có thần minh, ngàn vạn lần xin hãy cẩn trọng!
Phúc hay Họa là bởi Ích Kỷ hoặc Lợi Tha
Người biết sống lợi tha thì âm đức sâu dày. Nhờ đó mà hưởng phước báo giàu sang quyền thế, con cháu hiển vinh. Còn người sống ích kỷ chỉ biết mình, do ngược với đạo của Trời đất nên phúc đức tiêu tán, làm việc gì cũng đen đủi lận đận. Nhân quả báo ứng như bóng với hình, thật không thể xem thường. Ba câu chuyện nhân quả báo ứng sau đây, trích từ An Sĩ Toàn Thư, là nói về lý ấy vậy.
Mất con rồi lại được con
“Vào đời Bắc Tống, ở Kiền Châu có người tên Vương Nhữ Bật. Ông thường rất cẩn trọng trong lời nói và việc làm. Khi ấy, ở thôn phía đông có người tên Lưu Lương, ở thôn phía tây có Hà Sĩ Hiền. Cả hai đều có ông nội trước đây là người hết sức hiền thiện. Các cụ thường làm nhiều việc tích đức.
Vào năm Quý Mùi thuộc niên hiệu Sùng Ninh, hai nhà Lưu, Hà đều sinh con trai. Cả hai đứa con lớn lên đều thông minh xuất chúng. Hai nhà liền thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy. Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, tuy nhà giàu có nhưng đối đãi với người khác hết sức khắc nghiệt, khinh bạc, thật kém xa ông nội của họ.
Đến tháng ba năm Tân Mão, thuộc niên hiệu Chính Hòa. Một hôm Vương Nhữ Bật đang đứng trước cửa bỗng thấy một đoàn người ngựa đi qua, dáng vẻ giống như quan quân. Họ đi về phía nhà Hà Sĩ Hiền, vào thẳng trong cửa rồi có người đưa ngón tay lên vẽ thành hình gì đó. Sau đó lại đi sang nhà Lưu Lương, cũng làm giống như vậy.
*
Vương Nhữ Bật đến hỏi cả hai nhà, họ đều nói không thấy, không biết gì cả. Không bao lâu sau phát sinh nạn dịch, hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương đều chết cả.
Mùa thu năm ấy, Vương Nhữ Bật thấy mình bị bắt đưa đến Minh phủ dưới âm ty. Diêm Vương đầu đội mũ miện ngồi quay mặt về hướng nam, gọi Vương Nhữ Bật mà hỏi: “Ông là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu thuộc tỉnh Thiểm Tây phải không?”
Ông liền đáp: “Không phải, tôi là Vương Nhữ Bật ở Kiền Châu thuộc tỉnh Giang Tây.”
Diêm Vương liền lệnh Phán quan tra xét lại, thấy Vương Nhữ Bật này tuổi thọ còn dài, hóa ra đã bắt nhầm người. Vương Nhữ Bật nhân đó liền thưa hỏi về hai đứa con của Hà Sĩ Hiền và Lưu Lương vì sao đều chết yểu.
Diêm Vương đáp: “Hai đứa ấy, lẽ ra sau này sẽ là hai trụ cột phò tá triều đình. Do Thiên tào xét âm đức ông nội của họ rất lớn nên xứng đáng cho con cháu được hiển vinh. Chỉ vì Lưu Lương với Hà Sĩ Hiền, hai người ấy tâm niệm không tốt, hành xử đối đãi hoàn toàn trái ngược với ông nội, vì thế mới thu hồi hai đứa con quý hiển. Không bao lâu nữa sẽ tước bỏ luôn toàn bộ sản nghiệp của hai nhà ấy.”
*
Vương Nhữ Bật được sống lại, mới biết đã chết hai ngày rồi. Ông liền gọi cả hai người Lưu Lương và Hà Sĩ Hiền đến, thuật lại tường tận mọi việc. Cả hai đều rơi nước mắt hối hận. Từ đó họ đem hết sức rộng làm việc thiện, cứu người giúp đời.
Đến năm Ất Mùi,Tức là năm 1115, cả hai nhà lại sinh được con trai. Họ Lưu đặt tên là Lưu Triệu Tường. Họ Hà đặt tên là Hà Ứng Nguyên. Hai nhà cũng lại thỉnh Vương Nhữ Bật làm thầy dạy. Đến năm Quý Sửu thuộc niên hiệu Thiệu Hưng, tức là năm 1133, cả hai đều đỗ tiến sĩ, được ban phong địa vị cao quý, vinh hiển.
Chu Tiên Sinh bảo: “Nhờ có ông nội tích âm đức nên được ban cho quý tử. Nhưng do tâm tính không tốt, đối đãi khắc nghiệt, khinh bạc với người khác mà còn bị mất con. Nếu không có ông nội tu nhân tích đức thì phải gánh chịu quả báo còn đáng sợ hơn đến mức nào nữa? Lại ngay trong đời hiện tại đã bị báo ứng xấu mất đi quý tử. Nhưng nhờ biết tu nhân tích đức nên lại sinh được quý tử. Vậy nếu người chưa bị trời khiển trách mà sớm biết tu nhân tích đức, thì quả báo còn tốt đẹp hơn đến mức nào nữa?”
Sống không ích kỷ nên được quỷ thần che chở
Vào triều Minh, năm đầu niên hiệu Gia Tĩnh, có người họ Kim ở huyện Nghi Chân, tỉnh Giang Tô, mở một hiệu cầm đồ trong trấn. Bấy giờ có bọn giặc cướp ẩn trú trên sông Trường giang. Bọn cướp hằng đêm thường xuyên xuất hiện cướp đoạt những nhà giàu có. Khắp vùng gần như không một nhà nào thoát được. Duy nhất chỉ có nhà họ Kim chưa từng bị chúng động đến.
Quan địa phương do đó nghi ngờ rằng họ Kim có sự thông đồng với bọn giặc cướp. Đến lúc bắt được một tên cướp liền tra hỏi xem vì sao bọn chúng không cướp nhà họ Kim, tên cướp nói: “Trước đây cũng có lần đến đó định cướp, chợt thấy phía trên nhà ấy có vô số các vị thần mặc giáp vàng. Chúng tôi sợ không dám phạm đến.”
*
Quan huyện không tin, cho gọi những người ở gần nhà họ Kim lên hỏi, họ đều nói: “Nhà họ Kim đúng là rất nhân đức. Các hiệu cầm đồ khác thảy đều cân ra non, cân vào già. Chỉ có nhà họ Kim là giữ đúng mực công bình. Nhà ấy định giá cho người lại hết sức rộng rãi, mà thời hạn chuộc lại cũng được kéo dài, không gấp rút. Nếu biết gia cảnh người ta có người già yếu, con nhỏ hoặc nghèo khó, thường phá lệ không lấy lãi. Nhà ấy còn có lệ mùa đông không tính lãi áo ấm, mùa hè không tính lãi áo mát. Năm nào cũng vậy, cốt để người ta dễ dàng chuộc về mà dùng. Ấy là trời giúp người hiền, nên có thiện thần bảo vệ.”
Quan huyện nghe như vậy rồi hết sức ngợi khen tán thán. Quan Trực chỉ biết được sự việc liền đặc biệt tuyên dương khen thưởng nhà họ Kim.
Hại người là làm hại chính mình.
Vào thời Nam Bắc triều, đời nhà Lương, có người họ Hoành ở Khúc A. Ông này cực kỳ giàu có, thường đi Tương Châu buôn gỗ. Trải qua mấy năm buôn bán, có mua được mấy súc gỗ lớn, dài đến hơn 50 trượng, quả thật rất hiếm có. Bấy giờ, Lương Võ Đế muốn xây dựng chùa Hoàng Cơ phía trên lăng của Văn Hoàng Đế nên tìm mua gỗ quý. Ngay lúc ấy thì gỗ của họ Hoành lại đang được chở đến Nam Tân.
Quan hiệu úy Nam Tân lúc ấy là Mạnh Thiếu Khanh. Ông ta vì muốn triều đình ban chiếu đề bạt trọng dụng mình, nên nghĩ ra kế lập công. Khanh kiếm cớ khám xét lục soát quần áo, đồ vật mang theo của họ Hoành, rồi vu cáo đó là đồ ăn cắp. Ông ta lại nói rằng gỗ của họ Hoành quá lớn. Do chiều dài vượt quá quy chế xưa nay, không phải loại gỗ buôn bán nên tịch thu tất cả nhập vào kho. Sau cho quân nộp lên Võ Đế để dùng xây chùa, còn xử họ Hoành tội chết.
*
Đến ngày bị hành hình, họ Hoành dặn vợ con đặt vào quan tài mình đầy đủ các thứ giấy vàng, bút mực. Họ Hoành lại bảo viết tên họ đầy đủ của Mạnh Thiếu Khanh lên hàng chục mảnh giấy rồi nuốt cả vào bụng.
Họ Hoành bị xử chết chưa quá một tháng thì Thiếu Khanh bỗng nhiên nhìn thấy ông ta hiện đến đòi mạng. Ban đầu còn chống cự trốn tránh, sau chỉ thấy luôn miệng cầu xin tha mạng. Cuối cùng họ Hoành thổ huyết mà chết. Tất cả những người có liên quan chính yếu đến vụ án như quan cai ngục, quan văn thảo án, người tâm phúc của Thiếu Khanh… chỉ trong mấy tháng đều theo nhau bỏ mạng.
Chùa Hoàng Cơ xây dựng vừa xong bỗng tự nhiên phát hỏa cháy rụi. Ngay cả những phần gỗ chôn dưới đất cũng hóa thành tro, không còn lại gì cả.
Ích kỷ là gì
Ích kỷ là gì? “Ích” ở đây nghĩa là lợi ích, “kỷ” nghĩa là mình. Ích kỷ là từ suy nghĩ, lời nói, hành động, cho đến việc làm, đều chỉ vì lợi ích của chính mình, không biết sẻ chia hay nhường nhịn với bất cứ một ai. Người sống ích kỷ chỉ biết đến lợi lạc cho riêng mình. Họ luôn tự cho rằng mình có quyền được như thế. Còn việc ấy gây tổn hại cho người, dù thân hay sơ, họ cũng chẳng quan tâm đến.
Về mặt đời, ích kỷ gây nên bao nhiêu chướng ngại trong cuộc sống. Như Thầy Minh Niệm bảo:
Ích kỷ là thái độ sống nông cạn và tầm thường nhất của con người
“Bản năng con người cũng như bao nhiêu sinh vật khác: Luôn giành mọi quyền lợi cho cái tôi của mình. Đó là thái độ sai lầm lớn nhất đối với một cá thể, đang chịu tương tác cùng vô số cá thể khác xung quanh để tồn tại. Chính sự sai lầm này đã dẫn đến thế mất cân đối trầm trọng: Một bên là nguồn năng lượng nuôi dưỡng quá lớn từ vạn vật trong khắp vũ trụ gửi đến. Và một bên là thái độ sống chỉ biết nghĩ đến bản thân mình.
Công bằng mà nói, hoa đào vốn tiếp nhận rất ít quyền lợi từ thiên nhiên nhưng nó đã sống hết mình để dâng tặng cho đời tất cả giá trị của nó. Còn ta, tuy được nhân danh là kẻ hiểu biết nhất nhưng thử hỏi ta đã sống như thế nào và đã làm gì cho cuộc đời này?
Đừng nói chi xa xôi. Với những người thân yêu sống bên cạnh mà ta chẳng mấy khi quan tâm đến những khó khăn hay ước vọng sâu sắc của họ. Đầu óc ta lúc nào cũng lo nghĩ đến cách kiếm được nhiều tiền, thăng tiến địa vị, thu hút sự chú ý và ngưỡng mộ của nhiều người. Làm như thể mọi người phải có trách nhiệm thương yêu và giúp đỡ mình, còn mình thì được “đặc quyền” không phải có trách nhiệm với bất cứ ai.
*
Thật ra ta cũng đã từng cố gắng giúp đỡ vài người. Nhưng chưa bao giờ nghĩa cử cao đẹp ấy lại không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Ít nhất đối tượng ấy phải dễ thương, quý mến ta. Hoặc họ phải tỏ ra trân quý những gì ta mang đến cho họ.
Trong tình cảm cũng vậy. Ta nghĩ mình đã hết lòng yêu thương người ấy. Nhưng sự thật là ta đang nghiện cảm xúc của họ mà không thể dứt ra được. Ta tưởng mình cũng rất cao thượng khi quyết định tha thứ cho những lầm lỡ của họ. Nhưng sâu thẳm bên trong thì ngược lại: Ta tha thứ là vì ta sợ họ sẽ không còn yêu thích và thân thiện với ta nữa. Hoặc là vì ta muốn chứng tỏ tấm lòng độ lượng của mình trước mọi người. Dường như ta chưa bao giờ làm việc gì mà không mang theo cái tôi hưởng thụ. Nó đã trở thành thứ “nhân sinh quan” của thời đại.
Sự thật, ích kỷ là thái độ sống nông cạn và tầm thường nhất của con người. Không những không muốn trải lòng giúp đỡ ai, mà còn luôn len lỏi vào mọi ngõ ngách để rút tỉa quyền lợi. Có lẽ, đó là nguyên nhân sâu xa dẫn đến hệ quả: Con người tuy được hưởng thụ nhiều nhất nhưng lại là kẻ chịu khổ đau nhiều nhất.”
Về mặt Đạo, Ích kỷ họa hại cho hành giả vô cùng. Bởi Phật pháp lấy lợi tha làm nền tảng của muôn pháp. Cho nên người ích kỷ thì tâm cùng pháp chẳng tương ưng, không thể vào được đạo. Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy:
Lòng Ích Kỷ Là Tảng Đá Vướng Chân Người Tu Đạo
“Người tu đạo như chúng ta dễ phát tâm dũng mãnh, nhưng khó mà lập chí cho vĩnh cửu lâu dài. Đó cũng là nói, phát tâm nhất thời, ai cũng có thể làm được đến nơi đến chốn. Nhưng nếu ngày ngày mà năng chiếu soi chí nguyện và tông chỉ của mình để làm theo, tức là điều không dễ làm.
Bởi vì con người không thể giữ tâm được thường hằng bất biến. Dẫu biết rõ tu hành vốn là việc tốt. Nhưng sau một thời gian lâu thì chúng ta lại giải đãi lười biếng. Chúng ta quên mất tâm đạo, rồi để lòng tự tư ích kỷ của mình nắm hết quyền hành. Người tu đạo nếu dứt trừ được lòng ích kỷ, thì sẽ không có vấn đề gì và phiền phức gì cũng không còn. Nếu quý vị không có tâm ích kỷ, quý vị cũng sẽ không tranh, sẽ không tham, và sẽ không có mong cầu. Quý vị cũng sẽ không có cái ngã to lớn. Quý vị cũng sẽ không nghĩ đến lợi lạc cho riêng mình và càng sẽ không vọng ngữ.
*
Vì sao chúng ta có quá nhiều tật xấu như thế? Là bởi cái tâm tự tư ích kỷ tác quái đó. Kẻ thù của người tu đạo là ai? Thật ra, kẻ thù thật sự không phải là Ma Vương, mà là tâm tự tư ích kỷ. Tâm ích kỷ chính là ác tri thức của ta. Nó khiến cho chúng ta quên mất tâm đạo. Một khi lòng ích kỷ riêng tư nổi lên, nhất cử, nhất động, từng lời nói, từng việc làm của mình cũng đều là ích kỷ. Bởi vậy mình làm việc gì cũng không thành công, làm chuyện gì cũng bị hư hại. Mà nếu có thành công thì cũng là hư vọng. Bởi sự thành công đó không phải là mình đạt được từ trí tuệ, công đức chân thật.
Con người vì sao không có trí tuệ chân chánh? Đó là bởi họ có lòng tự tư ích kỷ. Cho nên từ thủy tới chung, người ta không thể đạt được trí tuệ chân chánh. Thời gian lâu dần, người tu hành bị thối lui tâm đạo, rồi quên mất chí nguyện phát tâm ban đầu của họ. Cho nên họ cứ trì kéo, dây dưa không dứt khoát hẳn hoi. Đó chính là đại chướng ngại của người tu đạo.
Đại chướng ngại đó từ đâu mà sanh ra? Là từ lòng ích kỷ phát sanh. Nếu quý vị có thể giác ngộ được những câu nói trên và đuổi mấy con trùng lười biếng giải đãi chạy hết, như thế quý vị sẽ đạt được mối thu hoạch to lớn.”
( Người sống ích kỷ thường long đong lận đận, dễ gặp tai ương )
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận