Linh Tánh là gì? Nôm na, bình dân và dễ hiểu nhất thì linh tánh là linh hồn của một con người. Tùy theo nghiệp thiện ác của ta khi còn sống mà sau khi chết, linh tánh giữ được nguyên hay bị phân chia: Khi linh tánh giữ được đầy đủ nhờ thiện nghiệp thì chúng ta mới có cơ may tái sanh được thân người. Còn như linh tán phân chia, còn gọi là Tánh hóa linh tàn, thì vô lượng kiếp trôi lăn trong ác đạo, không biết đến bao giờ mới lại được làm người.
Về chủ đề linh tánh này, thú thực là Tuệ Tâm cũng mù mịt. Nay đọc được bài giảng của Hòa Thượng Tuyên Hóa nên đưa lên đây cho bạn cùng đọc.
- Dấu hiệu của người đắc quả Tu Đà Hoàn.
- Bốn cảnh giới Thiền Định.
- Tứ Nhiếp Pháp là gì.
- Giác ngộ là ra khỏi sanh tử luân hồi.
- Thiên Ma là loại ma gì.
- Hàng phục Hồ ly tinh.
- Những bài văn phát nguyện vãng sanh Tịnh độ kinh điển.
Linh Tánh là gì
Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: …”Chư Phật và chư vị Bồ-tát không nhìn vào lỗi của chúng sanh, chúng sanh nếu có lỗi và tự làm ngơ đi, Phật cũng chẳng để ý tới. Nhưng tự mình đã tạo nên nghiệp tội thì tới lúc nghiệp chín, tự mình sẽ lãnh đủ quả báo. Chúng sanh giác ngộ thì ít mà mê mờ thì nhiều; sáng suốt thì ít, ngu si thì nhiều. Cho nên chúng sinh nào sáng suốt, giữ phép tắc, sẽ không làm những chuyện điên đảo. Những chúng sanh chân chánh giác ngộ cũng không có tà tri tà kiến, nghĩa là hiểu biết và nhận thức sai lầm.
Trong chốn biển khổ mênh mông, không biết đâu là bờ bến, chúng sanh ra đời rồi chết, chết rồi lại sanh, quẩn quanh luân chuyển trong vòng lục đạo, cũng giống như ngày nay nói về các công xưởng hóa học: Một linh tánh lớn có thể bị phân chia biến thành những linh tánh nhỏ và ngược lại, linh tánh nhỏ lại có thể kết hợp hóa thành linh tánh lớn.
Linh Tánh bị phân chia, thân người khó được
Bởi lý do trên, khi một cá nhân đầu thai thành kiếp thú, chẳng phải chỉ làm một loại thú vật mà còn có thể phân thành, ngựa, trâu, dê, gà, chó, heo, những loại thú tương đối có thân hình không nhỏ, và linh tánh của chúng cũng có chút điểm thông minh. Một cá nhân có thể biến thành bảy loại thú, thì trong quá trình chia cắt về thân thể sẽ có hiện tượng “phân linh,” mà đã phân linh thì linh tánh càng giảm bớt, càng phân ra càng giảm đi.
Thí dụ ngựa đầu thai biến thành gà vịt, rồi lại biến ra nhỏ hơn nữa. Một con ngựa lại có thể biến ra bảy con vịt và bảy con gà v.v.. Linh tánh bớt đi chừng nào thì càng ngu thêm chừng ấy, trăm ngàn vạn kiếp chưa dễ khôi phục lại. Bởi cớ gì? Bởi vì đã có sự phân khai, như trong quá trình phân tích được thực hiện trong phòng thí nghiệm hóa học, có sự phân ra từng bộ phận, từng thành phần.
Một cá nhân đầu thai thành loài muỗi bởi nguyên do tâm địa quá độc ác, lòng tham không đáy, chỉ muốn hút máu của người khác. Tâm tưởng đó còn tồn tại nên mới biến thành loài muỗi, để chuyên việc hút máu. Tuy linh tánh đã bị hóa, nhưng vẫn còn lại chút ít, có như vậy chúng mới biết theo người mà hút máu, ngoài ra không biết gì khác nữa. Muỗi hành động bởi tâm tham, lấy cái đó duy trì sanh mạng, đó là nhân duyên của loài muỗi.
*
Loài kiến càng thì sao? Loại này bẩm sanh ham ăn. Một cá nhân nếu biến thành thân kiến thì phải hóa ra tới tám vạn bốn ngàn con. Quý vị đã thấy loài muỗi, hàng đàn, hàng đàn như vậy. Kiếng càng thì từng ổ, từng ổ, đông không kể xiết. Theo nguyên tắc “tánh hóa linh tàn,” nên thân phận loài kiến rất là nhỏ nhoi, sức vóc chẳng có bao nhiêu.
Lại nói tới loài ong mật, chúng rất giỏi lấy trộm, tội ăn cắp của chúng nhiều lắm, nguyên do vì kiếp trước chúng có lỗi không giữ giới cấm về trộm cướp. Ðối với loài muỗi, loài kiến, kiếp trước của chúng cũng vậy, không trì giới trộm cướp. Tuy nhiên loài ong còn nặng hơn cho nên chúng rất giỏi nghề ăn trộm mật. Mật của người ta, nếu không trông coi, không có ong thợ hay ong mật ở đấy canh gác, thì hết đàn ong mật nọ đến đàn ong mật kia kéo đến hút cho kỳ hết mật. Ong thích các đồ ngọt, cho nên ong lấy mật về, làm tổ, tích trữ mật tại ngân hàng của chúng. Tổ ong chính là ngân hàng của loài ong đó.
*
Bởi vì ong chỉ biết rằng loài ong sinh sống bằng mật, đường, cho nên chúng phải xây tổ để trữ mật, tựa như người ta phải để dành tiền vậy. Tuy nhiên, chúng cứ việc tích trữ mật, tích trữ cho nó nhiều, rồi cuối cùng mật bị người ta lấy mất. Vì lý do gì? Bởi chúng phạm giới cấm về tội đạo tặc, của lấy về bất thiện thì của đi ra cũng vậy. Cái gì mà lúc lấy về không được quang minh chánh đại, thì rốt cuộc cái đó sẽ mất tiêu.
Ðem các thí dụ về ba loại động vật tí hon này để nghiên cứu, tức là các loài muỗi, ong và kiến, chúng ta mới thấy rõ là không nên phạm các giới cấm sát sanh, đạo tặc, tà dâm, nói dối. Giới cấm uống rượu cũng vậy. Số là uống rượu vào thường hay tạo nên những hành động hồ đồ. Hồ đồ như thế nào? Nguyên có một vị đã thọ ngũ giới, và y giữ giới rất cẩn thận, nhưng có một hôm y nẩy ra ý muốn uống rượu.
*
Y tự bảo mình rằng: “Trong năm giới thì sát sanh, đạo tặc, tà dâm, nói dối đều là trọng yếu. Còn như giới về rượu thì quá bình thường, giữ giới này mà làm gì? Giới này là thừa. Thôi! Từ nay không giữ giới về uống rượu nữa. Ta đi uống chút rượu chơi.”
Nói rồi, y đi mua một bình rượu về, rót ra uống một mình. Y cảm thấy uống như vậy mà không có đồ nhắm thì cũng vô vị, bèn đi ra kiếm một cái gì để làm mồi rượu. Ðúng lúc đó y thấy một con gà của hàng xóm chạy qua, y có ý nghĩ như sau: “Ðây có lẽ là Bồ-tát giúp cho ta món đồ nhắm này!”
Quý vị thấy! Ý nghĩ của y quả là xằng bậy, tà tri tà kiến! Y bắt lấy con gà đó, giết đi để ăn thịt, tức là y đã phạm giới sát sanh và đạo tặc. Sau đó người hàng xóm kiếm gà đi ngang qua thì y đã uống say, lại còn trả lời một cách lung tung: “Chẳng thấy gà nào hết!” Vậy là y đã phạm giới cấm về nói dối. Y thấy người phụ nữ này khá xinh đẹp, y phạm thêm tội cưỡng dâm.
*
Các vị hãy lưu ý! Nguyên do chỉ vì uống chút rượu mà đến nỗi phạm cả năm giới như vậy. Hãy xem mấy đứa nhỏ si ngốc, chúng đều từ các nẻo thú vừa đầu thai lên làm người. Bởi vậy nên chúng không có trí huệ. Tuy từ linh tánh nhỏ biến ra linh tánh lớn, khôi phục lại kiếp người; nhưng vì ở trong cảnh giới thú vật quá lâu, nên trí huệ bị lu mờ; cho nên kiếp này không những không biết nói, cũng không biết nghe. Mà đã không biết nói nghe, thì nói gì tới vấn đề giữ quy tắc?
Bởi các lý do đó mọi người phải nhận cho rõ ngũ giới là điều thiết yếu. Mỗi một giới có năm vị thiện thần ủng hộ. Nếu không giữ giới, các vị thần sẽ bỏ đi, nhường chỗ cho năm ác ma. Phạm giới thì ác ma tới, không phạm giới ác ma không tới. Tại sao ma không tới? Bởi vì đã có các thiện thần hộ trì. Do đó chúng ta nên đặc biệt giữ giới cho cẩn thận. Chẳng giữ giới tức chẳng tu hành. Biết giữ giới tức có thể y giáo phụng hành – Tức khiến chúng ta có được trí huệ chân chánh. Có trí huệ tất không bao giờ điên đảo, không bao giờ xẩy ra chuyện ăn mặn và phá giới.
*
Cho nên người tu đạo phải tự khắc phục được mình trong từng giờ từng khắc. Phải khéo mà khống chế bổn thân, căn cứ trên sáu căn mà hạ công phu. Như khi mắt đối diện với sắc thì bị sắc trần chuyển – tức bị lung lạc; tai nghe âm thanh bị thanh trần chuyển; lưỡi nếm vị bị vị trần chuyển; mũi ngửi hương bị hương trần chuyển; thân thể bị xúc trần chuyển; ý thì bị pháp trần chuyển – có nghĩa là bị sáu tên giặc ở sáu cửa lôi đi, làm cho linh khí ở bên trong chúng ta bị cướp mất. Nếu quý vị không bị chuyển, linh tánh không bị mất, cái đó người ta nói là trí huệ.
Bài kệ nói rằng:
Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não
Nguyện đắc trí huệ chân minh liễu
Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ
Thế thế thường hành Bồ-tát đạo.
Tam chướng tức là nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng. Nghiệp chướng gồm những nghiệp thiện ác mà chúng ta đã tạo tác từ kiếp trước, nay hiện thành những chướng ngại mà chúng ta gặp trong kiếp này; các sự việc không xứng ý đến với chúng ta đều phát sanh từ các loại nghiệp chướng đó. Báo chướng là các loại khổ báo gồm cảnh địa ngục, quỷ đói, súc sanh.
*
Có câu: “Giả sử trăm ngàn kiếp, nghiệp gây ra chẳng mất. Khi nhân duyên hội ngộ, lại lãnh đủ quả báo.” Bất cứ mình tạo nghiệp gì, thì sẽ lãnh quả báo về nghiệp ấy, không có cách gì thoát được nghiệp đó. Cho nên lại có câu: “Mọi thứ mang không được, duy nghiệp được tùy thân.” Kiếp trước ta làm sai nhân quả, kiếp này ta lãnh quả, như vậy gọi là báo chướng. Phiền não chướng gồm tham dục, sân khuể (tức giận) và ngu si.
Mỗi cá nhân đều có phiền não riêng của từng người, người có ít, người có nhiều. Như không có phiền não, tức không có tham sân si, vậy đáng là bậc thánh nhân. Nếu như chưa dứt hết vô minh, gốc phiền não vẫn còn tồn tại, nó sẽ tùy lúc, tùy cảnh ngộ mà phát khởi; lúc đó cái gì cũng quên, khiến người ta có thể làm những chuyện thương luân bại lý trái lương tâm. Phiền não mà không trừ bỏ sẽ làm chướng ngại căn Bồ-đề, do đó có câu: “Ngọn lửa lăn tăn, thiêu rụi rừng Bồ-đề.” Bất luận tu hành đến đâu mà phiền não không đoạn trừ, thì cái gì cũng là giả tạm.
*
Bởi đó, tại ngay cửa sáu căn, ta đừng để cho ngoại cảnh chuyển đổi, mà chính ta phải chuyển đổi ngoại cảnh, phải biến phiền não thành Bồ-đề, biến sanh tử thành Niết-bàn. Ta phải ý thức rõ cái “túi da hôi thối” này. Nó chỉ là cái nhục thể kết hợp với thần thức mà ta coi cuộc hôn phối sẽ mãi mãi bền vững; nhưng, đến phút chót nó cũng sẽ bỏ ta, cùng ta ly khai luôn.
Mình cũng không biết sẽ đi về đâu. Tu đạo là để làm gì? Chính là để chuẩn bị lúc nhục thể sắp sửa phân ly, chúng ta biết chúng ta sẽ đi đâu, mà không bị cái túi da hôi này khống chế, chúng ta đi về trong sự tự do. Vì cái đó mà ta tu đạo.
Muốn cho thành tựu đạo nghiệp, chúng ta phải thâu nhiếp thân tâm một cách thường xuyên; từng bước y theo quy củ phép tắc, không để cho ngoại cảnh tại các cửa lục căn lôi kéo. Lúc đó, quý vị đã có định lực rồi. Có định tức có thể phát huy trí huệ. Tuy nhiên quý vị phải nhớ rằng định là do sức mạnh của giới mà sanh ra. Mà giới lại là “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành.” Hy sinh tiểu ngã và hoàn thành công đức tu tập tinh thần đại ngã, đó là Phật pháp chân chánh, là tông chỉ của tôi. Các vị hãy thử theo tôi học tập. “
(Linh Tánh – Theo Hòa Thượng Tuyên Hóa Khai Thị)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận