Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông là hai món thuộc về Lục Thông. Tha Tâm Thông là khả năng biết được tâm trí và suy nghĩ trong tâm của người khác. Như hết thảy những gì ta suy nghĩ trong đầu, tuy miệng chưa nói ra mà người đắc Tha Tâm Thông đều rõ biết cả rồi. Còn Túc Mạng Thông là khả năng nhìn thấu được các tiền kiếp của người khác. Người đắc được Túc Mạng Thông biết hết tất cả việc thiện ác của chúng sanh đã làm trong rất nhiều kiếp trước.
Người học Phật nếu giữ giới tinh nghiêm mà hoặc niệm Phật, hoặc tụng kinh, hoặc trì chú…thì khả năng này tự khai mở. Còn nếu chẳng giữ giới hạnh tinh nghiêm, tu hành tà vạy, giải đãi mà cầu thần thông, chắc chắn sẽ lạc vào lưới của Ma vương.
- Cuộc đời& đạo nghiệp của HT Tuyên Hóa.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- Lục Thần Thông là gì.
- Ngũ Nhãn là gì.
- Quy y Tam Bảo là gì.
- Quỷ là gì HT Tuyên Hóa giảng.
- Con cháu ma vương phá hoại Phật pháp.

Tha Tâm Thông là gì
“Tha Tâm” nghĩa là tâm của người khác, “Thông” nghĩa là không chướng ngại, cho nên Tha Tâm Thông nghĩa là khả năng biết rõ ràng tâm ý của người khác một cách không chướng ngại. Theo Đại Thừa Nghĩa Chương thì Tha tâm thông khác nhau có bảy:
1. Thượng hạ khác nhau:
Theo Luận Tỳ-đàm có ba trường hợp không biết tha tâm. Trường hợp về cõi người: Người cõi dưới không biết tâm người cõi trên. Trường hợp về căn cơ: Người độn căn không biết tâm người lợi căn. Trường hợp về cõi đất: Người ở hạ thiền không biết tâm người ở thượng thiền. Luận Thành Thật chỉ nói về cõi người và căn cơ, không nói cõi đất. Luận Thành Thật nói như Pháp Đại thừa. Pháp Đại thừa nói Chư Phật, Bồ-tát nương cõi hạ phát thần thông, cũng có thể biết tâm người cõi thượng.
2. Rộng hẹp khác nhau:
Thanh văn, Duyên giác biết tột cùng, chỉ biết tâm chúng sinh trong một thế giới Tam thiên. Chư Phật, Bồ-tát có khả năng biết tất cả.
3. Đốn biệt khác nhau:
Chư Phật, Bồ-tát một lúc có thể biết rõ tâm, tâm sở của tất cả chúng sinh. Nhị thừa không được.
4. Thô tế khác nhau:
Thanh văn, Duyên giác chỉ biết tâm thô của phàm phu và Tiểu Thánh nhưng không biết tâm vi tế. Chư Phật Bồ-tát hiểu biết sâu kín, cho đến tâm Phật cũng biết.
5. Mau chậm khác nhau:
Chư Phật, Bồ-tát đối tất cả tâm muốn biết liền biết. Nhị thừa không được như vậy, phải tạo nhiều phương tiện mới biết.
6. Hư thật khác nhau:
Chư Phật, Bồ-tát hiểu biết không lầm, Nhị thừa hiểu biết không được như thế.
7. Thời phân khác nhau:
Thanh văn, Duyên giác chỉ biết tâm chúng sinh hiện tại. Chư Phật, Bồ-tát biết được tâm chúng sinh ba đời. Tha tâm như thế.
Luận về Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông trong sáu cõi
Theo Pháp Uyển Châu Lâm: “Luận Bà-sa nói: “Cũng có người sinh ra có tha tâm thông, biết được người khác, nhưng trí ấy nhỏ quá nên không nói riêng ra. Tại sao thế? Vì tuy có các trí thấy hết, nghe hết nhưng bị che lấp. Có tha tâm thông và nguyện trí, nhưng cũng bị che lấp.” Nên nói thế này: “Chúng sinh trong bốn đường người, Trời, ngạ quỷ, súc sinh đều có trí biết rõ cả năm đường. Lập luận như vậy không sai”.
Luận về Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông: Trong đường Người
Hỏi: “Trong đường người có loại trí nhớ được tiền sinh, có thể biết người khác, tại sao không nói đến?”
Đáp: “Nên nói mà không nói đến thì phải biết loại trí ấy tuy có, nhưng ít quá, nên không nói đến. Nghĩa là trong đường người, vì ít người có trí ấy nên không nói đến”.
Như luận Bà-sa bảo: “Do nghiệp nhận không làm khổ sở ai nên sinh ra trí ấy. Chúng sinh nào biết giữ gìn thân khẩu, không làm hại ai, khi còn trong thai mẹ, sẽ được rộng rãi, không bị nóng lạnh xâm phạm, không bị khí huyết uế dơ gây khốn. Khi sinh, không bị cửa sinh bức bách, khiến tâm thác loạn. Nhờ thế, tỉnh ngộ, nhớ biết được tiền sinh. Nếu không nhớ biết, vì trái với những điều trên, nên bị thác loạn, quên lẫn, không biết được người khác”.
Hỏi: “Chúng sinh mỗi đường biết được bao nhiêu đường khác?”
Đáp: “Cũng giống luận Tỳ-bà-sa nói, Trời biết được năm đường. Người biết được bốn đường. Quỷ biết được ba đường. Súc sinh biết được hai đường. Địa ngục chỉ biết được chuyện trong đường địa ngục. Do trên hơn, nên đường trên biết được đường dưới. Vì dưới kém, nên đường dưới không biết được đường trên”.
*
Hỏi: “Nếu bảo, vì dưới kém, không biết được trên. Vậy tại sao kinh nói Thiên Trụ Long vương và Y Bát Long vương có thể biết được ý nghĩ của Đế-thích?”
Đáp: “Như luận Bà-sa nói, loại trí biết ấy là tỷ trí chứ không phải là chánh trí. Khi Đế-thích sửa soạn cùng A-tu-la giao đấu, những đốt xương sống trên lưng Thiện Trụ Long vương đều phát thành tiếng. Long vương ấy liền nghĩ rằng: “Nay các đốt xương sống đều phát thành tiếng. Ta biết chư Thiên sắp sửa cùng A-tu-la giao đấu, chắc chắn sẽ cần đến ta”. Nghĩ thế xong, Long vương liền đến bên Đế-thích.
Lại như khi Đế-thích sắp đi chơi, trên lưng Y Bát Long vương tự nhiên hiện ra bàn tay thơm hương. Long vương ấy liền nghĩ rằng: “Nay trên lưng ta hiện ra bàn tay thơm hương thế này. Ta biết Đế-thích sắp đi chơi hoa viên, chắc chắn cần đến ta”.
Nghĩ xong liền hóa thân thành voi ba mươi hai đầu, cộng với đầu cũ, thành ba mươi ba đầu. Trên mỗi đầu mọc sáu ngà. Trên mỗi ngà có bảy ao báu lớn. Trong mỗi ao mọc bảy cành sen. Mỗi cành có bảy lá. Trên mỗi lá hiện ra bảy đài báu. Trong mỗi đài báu dựng lên bảy màn báu. Trong mỗi màn báu có bảy Thiên nữ. Mỗi Thiên nữ có bảy thị nữ. Mỗi thị nữ có bảy nhạc nữ. Mỗi nhạc nữ đều cử Thiên nhạc.
*
Hóa thân như thế xong trong nháy mắt, Long vương xuất hiện trước Đế-thích. Đế-thích bèn cùng gia quyến ngự lên trên đầu cũ của Long vương. Ba mươi hai thần thuộc của Đế-thích cùng gia quyến đều ngự lên ba mươi hai đầu kia. Long vương liền cất mình bay nhanh lên không trung, hướng đến hoa viên để rong chơi.
Chuyện này nghiệm ra, cũng chỉ là tỉ tri, không phải là chánh tri và trên có thể biết dưới, dưới không thể biết trên. Nhưng điều này cũng chưa hẳn thế, như dẫn chứng nêu ra dưới đây. Chó sói một khi biết lòng người nữ không thật tâm từ bỏ oán thù, liền giết chết con của người nữ ấy rồi bỏ đi. Như thế dưới cũng có thể biết được trên, cớ sao lại bảo không biết? Tuy nhiên, căn cứ theo đa số thì trên có thể biết dưới, dưới không thể biết trên. Nếu tìm tòi thật kỹ, trên dưới đều biết nhau thì không thể dẫn chứng đầy đủ ra được.
Lại nữa, luận Tân-Bà-sa nói: “Thuở ấy trong thành Vương-xá có kẻ đồ tể tên Già-tra. Ông ta là bạn từ thời thơ ấu của Quốc vương Vị Sình Oán. Khi Quốc vương còn làm thái tử, Già-tra từng thưa: “Một mai lên ngôi báu, ngài sẽ ban cho tôi ơn huệ gì?”
Thái tử đáp: “Tùy ngươi lựa chọn”.
Sau đó, thái tử giết vua cha, tự tiện lên ngôi. Già-tra đến xin ban ơn huệ. Quốc vương phán: “Tùy ngươi lực chọn”.
Già-tra tâu: “Xin Quốc vương cho phép riêng tôi được làm đồ tể trong thành Vương-xá này”.
*
Quốc vương phán: “Tại sao hôm nay nhà người lại xin ơn huệ độc ác này? Há không sợ về sau sẽ bị khổ sở?”
Đồ tể tâu: “Mọi nghiệp thiện ác đều không có quả báo, có gì phải sợ?”
Quốc vương phán: “Tại sao người biết?”
Già-tra tâu: “Nhớ lại suốt sáu kiếp trước đây tôi luôn làm đồ tể trong thành vương-xá này. Sau đó, được sinh lên cõi Trời Tam Thập Tam, hưởng thụ nhiều phước báo sung sướng. Rồi từ cõi Trời ấy sinh xuống đây, được làm bạn với Quốc vương từ thuở nhỏ. Do đó, tôi biết chắc chắn thiện ác đều không có quả báo”.
Quốc vương nghe nói sinh nghi ngờ, liền đến bạch cùng đức Phật. Đức Phật bảo: “Chuyện ấy không sai. Kẻ đồ tể ấy từng cúng dường một bữa ăn cho vị Bích-chi và phát nguyện xằng bậy rằng: “Xin cho mình tôi được làm đồ tể trong thành vương-xá và sau được sinh làm Trời”. Do nghiệp nhân tốt lành nên được toại nguyện. Nhưng nay nhân quả ấy đã hết, bảy ngày sau, kẻ đồ tể ấy sẽ chết, bị đọa xuống địa ngục vô gián kêu gào. Lần lượt chịu mọi quả làm đồ tể trước đây”.
*
Thế nên, loại trí ấy có thể biết tối đa bảy kiếp. Cũng có người nói trí ấy biết tối đa đến năm trăm kiếp. Như có vị Tỳ-kheo nhớ lại suốt năm trăm kiếp quá khứ bị đọa vào đường địa ngục, chịu cảnh đói khát khốn khổ. Thấy rồi toàn thân đổ mồ hôi dầm dề, trong lòng hết sức đau đớn. Ông liền dừng mọi nghiệp, tinh tiến tu hành. Trải qua một thời gian dài, chứng được quả Tu-đà-hoàn.
Cũng có vị Tỳ-kheo nhớ lại suốt năm trăm kiếp quá khứ bị đọa vào đường địa ngục, chịu đủ khổ sở, mọi lỗ chân lông đều xuất huyết, thân thể và y phục đều hết sức hôi hám. Hằng ngày, Tỳ kheo ấy tìm nước tắm rửa giặt giũ. Đại chúng gọi Tỳ-kheo ấy là người lấy nước làm sạch”.
Lai nữa, luận Tát-bà-đa có câu hỏi: “Nguyện trí và Túc mệnh trí có gì khác biệt?”
Đáp: “Túc mệnh trí biết quá khứ, Nguyện trí biết cả ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Túc mệnh trí biết phiền não, Nguyện trí biết cả phiền não lẫn giải thoát. Túc mệnh trí biết một thân đến hai thân, Nguyện trí dấy một niệm liền biết hơn trăm kiếp.
Ngày xưa súc sinh biết nói ngày nay không biết nói. Vì thuở đầu chỉ có người và Trời, chưa có ba đường ác kia. Tất cả đều từ người và Trời mà sinh ra. Nhờ túc tập ấy nên súc sinh biết nói. Ngày nay súc sinh đều từ ba đường ác kia sinh ra, nên không biết nói”.
*
Lại nữa, luận Bà-sa nói: “Khi sinh ra, tự tính có thể biết được túc mệnh quá khứ của mình và người khác. Tự tính này không cần nhờ đến nhân tu mới biết. Loại trí này có chung cả năm đường, nhưng tùy chỗ mà có yếu mạnh khác nhau. Trong ba đường ác và đường Trời, trí này có tác dụng mạnh. Trong đường người, tác dụng lại yếu. Tại sao? Vì trong đường người có các loại chiêm tướng ngôn trí, tu Thiền định trí và Tha tâm trí che lấp. Cho nên tác dụng của loại trí này trở thành mờ yếu u ẩn, không hiện rõ ra”.
Như luận Tân-bà-sa nói: “Kể về chúng sinh, nếu gặp chỗ chật chội liền mở rộng ra để tiện đi lại không khó khăn. Nhờ nghiệp lực ấy, chúng sinh nào ở trong thai mẹ không bị chèn ép, sẽ có được trí này. Cũng có thuyết khác bảo rằng: Nếu chúng sinh nào bố thí đủ loại món ăn ngon, nhờ nghiệp lực ấy, sẽ có trí này. Nếu chúng sinh nào không tạo ác nghiệp làm hại người khác, luôn làm lợi tha. Nhờ nghiệp lực ấy, khi còn trong thai mẹ, không bị các chất ô uế và bệnh tật xâm lấn. Khi sinh ra, không bị co bóp khổ sở. Chúng sinh ấy sẽ nhớ được tiền kiếp.
Tóm lại, nếu bị các chất ố uế và bệnh tật xâm lấn, bị co bóp khổ sở khi sinh ra đều sẽ khiến quên mất tiền thân.
Luận về Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông: Trong đường Quỷ
Trong đường này cũng có trí sinh ra có thể biết được người khác. Làm thế nào có thể biết được trí ấy? Ngày xưa có người nữ bị quỷ ám, gầy mòn sắp chết. Thầy pháp hỏi quỷ: “Tại sao ngươi phá phách người nữ ấy?”
Quỷ đáp: “Người nữ ấy suốt năm trăm kiếp thường làm hại ta, ta cũng thường làm hại lại. Oán thù dai dẳng đến nay chưa dứt. Nếu người nữ ấy chịu bỏ, ta cũng sẽ bỏ thôi.”
Thầy pháp bảo người nữ: “Nếu muốn bảo toàn tính mạng, phải dẹp bỏ oán thù”.
Người nữ ấy trả lời: “Tôi đã bỏ rồi”.
Quỷ nhìn người nữ ấy, thấy tâm chưa thật sự dẹp bỏ, vì sợ mất mạng nên đâm ra nói dối, bèn giết chết người nữ ấy rồi bỏ đi.
Luận về Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông: Trong đường Súc sinh
Hỏi: “Làm thế nào biết được trong đường này có túc mạng trí?”
Đáp: “Theo luận Bà-sa, ngày xưa có người nữ đặt con xuống đất rồi đi sang chỗ khác. Lúc ấy, có con chó sói nhảy đến bắt đứa trẻ mang đi. Người nữ thấy vậy, rượt theo nạt lớn: “Sói kia, sao lại bắt con ta mang đi?”
Sói đáp: “Ngươi là kẻ thù của ta. Suốt năm trăm kiếp trước, ngươi thường ăn thịt con ta. Nay ta phải giết lại con ngươi, suốt năm trăm kiếp. Như thế mới gọi là trả thù báo oán đúng phép. Cớ sao ngươi lại nổi giận?”
Sói lại nói tiếp: “Nếu ngươi chịu bỏ lòng thù oán ta, ta sẽ thả con ngươi”.
Người nữ đáp: “Ta đã bỏ lòng thù oán rồi”.
Bấy giờ, chó sói ngồi xuống suy nghĩ: “Xem lòng người nữ này thật sự chưa chịu dẹp bỏ”.
Sói bèn nói: “Miệng ngươi tuy nói bỏ nhưng lòng ngươi vẫn chưa chịu bỏ”.
Dứt lời, sói lập tức giết chết đứa bé rồi bỏ đi”.
Đây là dẫn chứng rất hữu hiệu về trí biết túc mạng của mình và lòng người khác mà kinh luận đã nói đầy đủ ở các thiên trước và sau nên không nhắc lại nhiều thêm rườm rà. Tuy nhiên, hai loại túc mệnh trí và tha tâm trí này không phải là chủng trí, chỉ do tịnh tâm Thiền Định, mà có. Nghĩa là do quả báo mà có, không phải là chủng trí.
Luận về Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông: Trong đường Địa ngục
Hỏi: “Trong đường này, làm thế nào tự tính có được túc mệnh trí?”
Đáp: “Kinh Niết-bàn nói, năm trăm kẻ Bà-la-môn bị Quốc vương Tiên-dục giết chết xuống đến địa ngục, phát khởi ba niệm thiện, liền nhớ lại hành vi của mình. Đây là một dẫn chứng về trí này.
Lại nữa, luận có nói, chúng sinh ở địa ngục cũng có thể biết được tâm ý của ngục tốt. Đây cũng là một dẫn chứng về loại trí này”.
Luận về Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông: Tập khí từ tiền kiếp
Như kinh Phật-thuyết-sư-tử-nguyệt-Phật-bản-sinh nói: “Thuở ấy, đức Phật ở Trúc viên Ca-lan-đà tại thành vương-xá cùng với đầy đủ một ngàn hai trăm năm mươi Tỳ-kheo và một trăm vị Bồ-tát. Bấy giờ, trong đại chúng có vị Tỳ-kheo Bồ-tát tên Bà-tu-mật-đa rong chơi giữa Trúc viên, trèo lên nhảy xuống trên cây, kêu lên như khỉ đột, hoặc lắc ba chuông nhỏ làm trò ma-la.
Các Trưởng giả và khách bộ hành chen nhau đứng xem. Bồ-tát phóng mình nhảy tuốt lên ngọn cây, giả tiếng khỉ đột kêu to, khiến đám khỉ đột lông vàng tám vạn bốn nghìn con ở núi Kỳ-xà-quật đều chạy đến tụ tập bên cạnh. Bồ-tát lại biến hóa nhiều phép khiến bầy khỉ rất vui. Mọi người thấy thế, bảo nhau: “Sa-môn đệ tử của đức Phật giống hệt tên hề mà mắt lừa dối thiên hạ, không được ai tin nên phải bày trò với lũ muông thú!”
Tiếng xấu ấy đồn vang thành vương-xá. Có kẻ Bà-la-môn đem tâu lên Quốc vương Tần-bà-sa-la. Quốc vương lấy làm bực dọc vị Sa-môn này, liền quở trách Trưởng giả Ca-lan-đà: “Đệ tử của đức Phật tụ tập lũ khỉ đột trong vườn của khanh để làm đủ mọi trò hề, liệu đức Phật có biết chăng?”
Trưởng giả tâu: “Bà-tu-mật-đa làm nhiều phép biến hóa khiến lũ khỉ đột được dịp vui mừng, chư Thiên xuống rải hoa cúng dường. Còn những trò hề khác, thần không nghe thấy.”
*
Quốc vương liền cho tiền hô hậu ủng đến gặp đức Phật. Từ xa, kim thân của đức Thế tôn phóng hào quang rực rỡ như núi vàng lóng lánh, chiết diệu sắc tía khắp đại chúng, Tôn giả Bà-tu -mật-đa và đàn khỉ biểu diễn phép biến hóa, có con hái hoa dâng lên. Quốc vương cùng toàn thể đại chúng đến bên đức Phật, cung kính hành lễ rồi theo phía phải đi vòng quanh ba lượt. Xong xuôi Quốc vương ngồi xuống và bạch rằng:
“Đàn khỉ này nhờ phúc lành nào từ tiền kiếp, nay toàn thân có sắc vàng? Lại mang tội gì kiếp này bị đọa làm súc sinh? Tôn giả bà-tu-mật-đa nhờ phúc lành nào từ tiền kiếp, nay được sinh vào nhà Trưởng giả và được xuất gia học đạo? Lại mang tội gì sinh làm người tàn tật, không giữ giới luật theo làm bạn cùng đàn khỉ, cất tiếng kêu la như chúng, khiến bọn ngoại đạo chê cười? Kính xin đức Thế Tôn giảng giải cho tôi được hiểu”.
Đức Phật bảo: “Quốc vương hãy nghe rõ và suy nghĩ kỹ càng, ta sẽ giải thích tường tận. Vào vô lượng kiếp trước, có đức Phật tên là Nhiên Đăng ra đời. Sau khi ngài đã nhập diệt, các Tỳ-kheo y theo giáo lý tu hành giữa chỗ núi đầm, giữ gìn giới luật giống như giữ mắt, nên đều chứng quả A-la-hán. Bấy giờ có con khỉ đột đến bên cạnh vị La-hán đang nhập định, lấy bọc tọa cụ mặc vào làm ca-sa, để lộ vai phải theo phép Sa-môn. Tay phải cầm lò hương đi quanh vị La-hán.
*
Vị La-hán xuất định thấy thành tâm của khỉ đột, liền búng ngón tay bảo: “Hỡi đệ tử, con hãy phát Vô thượng đạo tâm!”
khỉ đột vui mừng nhảy nhót, dập đầu và tay chân sát đất, cung kính hành lễ vị La-hán rồi chạy đi hái hoa tươi rải lên vị La-hán ấy. Bấy giờ, vị La-hán bắt đầu giảng giải phép tam quy. Khỉ đột đứng dậy chắp tay thưa: “Con nay xin quy y Tam bảo”.
Vị La-hán làm lễ quy y xong, đến phần sám hối, lại chỉ rõ mọi tội lỗi và bảo: “Ta đã chứng quả La-hán, có thể trừ bỏ vô lượng tội trọng cho các chúng sinh”.
Vị La-hán ân cần làm phép sám hối rồi bảo: “Con nay đã thanh tịnh, được gọi là Bồ-tát, đã thọ trì tam quy ngũ giới, hãy tinh tiến hướng đến cứu cánh A -nậu-Bồ-đề”.
Khỉ đột quy y thọ giới và phát nguyện xong, hớn hở nhảy nhót trèo núi cao, leo lên cây, bị sẩy rơi xuống chết mất. Nhờ nhân lành ấy, thoát khỏi nghiệp súc sinh, được làm Thiên vương ở cõi Trời Đâu-suất. Sau đó, gặp vị Bồ-tát thuyết pháp về Vô thượng đạo tâm, bèn đem hoa Trời xuống chỗ đầm lầy cúng dường vị La-hán. Vừa nhìn thấy, vị La-hán hiền từ mỉm cười bảo: “Này Thiên vương, thiện ác báo ứng giống hệt bóng theo hình, không thể xa rời được!”
Rồi vị La-hán nói tiếp bài kệ:
*
Nghiệp đeo đẳng bên thân,
Nơi nơi khắp lục đạo,
Không mất, như bằng khoán,
Như người mang túi của.
Nay ngươi sinh lên Trời.
Nhờ nghiệp lành giữ giới.
Kiếp trước làm khỉ đột,
Vì phạm giới sát sinh.
Giữ giới được làm Trời;
Phá giới, bị vạc lửa.
Ta thấy kẻ giữ giới,
Hào quang chiếu rực thân,
Ở đài cao thất bảo,
Được chư Thiên cung phụng.
Châu báu làm giường màn;
Ma-ni làm anh lạc.
Sẽ gặp gỡ chư Phật
Hoan hỉ giảng diệu pháp.
Ta thấy kẻ phạm giới
Bị đọa xuống địa ngục.
Cày sắt cày nát lưỡi
Nằm trên giường sắt đỏ.
Đồng nung chảy bốn phía,
Thiêu đốt tan thân xác.
Hoặc nằm trên núi dao,
Rừng kiếm, hoặc phân lỏng,
Sông tro, ngục băng giá.
Nuốt đạn nóng đồng chảy.
Đeo khổ ghê gớm ấy,
Giống chuỗi anh lạc quý
Nếu muốn thoát khổ nạn,
Không đọa ba đường ác,
Rong chơi khắp đường Trời,
Vượt thẳng đến Niết-bàn,
Phải siêng năng giữ giới,
Bố thí và chay lạt”.
*
Nói kệ xong, vị La-hán im lặng trầm ngâm. Thiên vương bạch: “Thưa Tôn giả, kiếp trước tôi gây tội gì phải đọa làm khỉ đột? Lại tạo phúc gì được gặp gỡ Tôn giả, thoát kiếp súc sinh, sinh lên cõi Trời?”
Vị La-hán đáp: “Vào thời quá khứ xa xưa, cõi Diêm-phù-đề này có đức Phật xuất thế, tên là Bảo Tuệ Như lai. Trong thời Tượng pháp sau khi ngài nhập Niết-bàn, có Tỳ-kheo tên. Liên Hoa tạng hay kết thân với các Quốc vương, Trưởng giả và cư sĩ. Tỳ-kheo ấy gian tà, siểm nịnh, không giữ giới hạnh.
Khi mạng chung bị đọa xuống địa ngục vô gián có mười tám ngăn chặt chẽ như cánh hoa sen để chịu mọi khổ sở suốt một kiếp. Hết kiếp ấy, sinh ra kiếp khác, trải qua các địa ngục lớn suốt tám vạn bốn nghìn kiếp mới ra khỏi địa ngục, đọa vào đường ngạ quỷ, chuyên ăn uống đồng nấu chảy suốt tám vạn bốn nghìn năm. Thoát khỏi đường ngạ quỷ, lại bị đọa làm bò; heo, chó, khỉ, mỗi loài suốt năm trăm kiếp. Nhờ nhân lành trước đây có cúng dường cho vị Tỳ-kheo giữ giới và phát lời thệ nguyện nên được sinh lên cõi Trời. Tỳ-kheo giữ giới chính là ta và Tỳ-kheo phá giới chính là ngươi đấy”.
Thiên vương nghe nói xong, kinh sợ đến dựng đứng tóc lông, thành khẩn xin sám hối mọi tội lỗi rồi bay lên Trời.
*
Đức Phật bảo Quốc vương: “Khỉ đột kia tuy là súc sinh nhưng mới gặp vị La-hán, đã biết thọ trì tam quy ngũ giới. Nhờ công đức ấy, vượt qua khỏi hàng nghìn kiếp đầy ác nghiệp cực nặng nề, được sinh lên cõi Trời, lại được gặp vị Bồ-tát. Sau đó, được gặp gỡ chư Phật, tu tập phạm hạnh, thực hành lục độ, kiên cường không thối chuyển, nên cuối cùng, sẽ kế tiếp Bồ-tát Di-lặc, chứng quả A-nậu-Bồ-đề, thành Phật, hiệu là Sư tử Nguyệt Như lai”.
Đức Phật bảo Quốc vương: “Muốn biết ai sẽ là đức Phật Sư tử Nguyệt ở quốc độ ấy, chính là Tỳ-kheo bà-tu-mật-đa trong pháp hội hôm nay đấy!”
Quốc vương vừa nghe xong liền đứng dậy chắp tay mồ hôi đổ ra ướt mình, buồn rầu khóc lóc hướng về Tỳ-kheo Bà-tu-mật-đa, quỳ xuống sát đất hành lễ, ăn năn sám hối tội lổi đã xúc phạm.
Đức Phật bảo Quốc vương: “Muốn biết về tám vạn bốn nghìn con khỉ đột lông vàng này thì vào thời đức Phật Câu-lâu-tần xa xưa, trong hai nước Ba-la-nại và Câu-thiểm-di có tám vạn bốn nghìn Tỳ-kheo-ni làm ác, phạm các giới trọng, cuồng si bất trí giống hệt bầy khỉ ngu đần. Gặp các Tỳ-kheo làm thiện, xem tựa cừu thù.
*
Bây giờ có Tỳ-kheo-ni La-hán tên Thiện An Ổn đứng ra thuyết pháp họ đem lòng oán giận. Tỳ-kheo-ni ấy thấy họ xấu ác, không có thiện tâm, bèn sinh dạ Từ bi, phóng mình lên giữa hư không, làm đủ 18 phép biến hóa. Bọn họ thấy thế, lột vòng vàng đem rải lên Tỳ-kheo ni ấy, nguyện xin đời đời thân có màu vàng, mọi tội lỗi trước đây đều xin sám hối.
Khi mạng chung bọn họ bị đọa xuống địa ngục vô gián, lần lượt trải qua chín mươi hai kiếp. Sau đó, thoát khỏi địa ngục, suốt năm trăm kiếp thường làm ngạ quỷ. Suốt một ngàn kiếp tiếp theo thường làm khỉ đột có sắc lông vàng.
Quốc vương nên biết rằng tám vạn bốn nghìn Tỳ-kheo-ni phạm giới nhục mạ Tỳ-kheo-ni La-hán đương thời chính là tám vạn bốn nghìn khỉ đột lông vàng trong pháp hội hôm nay đấy! Thí chủ cúng dường bọn họ đương thời chính là Quốc vương hiện nay đấy! Nhờ túc duyên ấy nên hôm nay đám khỉ đột đem hoa tươi, hương thơm đến cúng dường Quốc vương. Những kẻ đã hùa theo nhục mạ Tỳ-kheo-ni La-hán đương thời chính là Cù-ca-lê và năm trăm lính gác cổng của Quốc vương hiện nay đấy!”
Đức Phật bảo tiếp: “Phải thận trọng giữ gìn ba nghiệp thân, khẩu, ý”.
*
Quốc vương Tần-bà-sa nghe đức Phật nói xong, liền bước tới thành khẩn tủi hổ cầu xin ăn năn sám hối. Bỗng nhiên tỏ ngộ, chứng được quả A-na-hàm. Tám nghìn tuỳ tùng xin Quốc vương cho phép xuất gia, đều chứng quả A-la-hán. Hơn một vạn sáu nghìn người còn lại đều phát Bồ-đề tâm. Tám vạn chư Thiên cũng xin phát Bồ-đề-tâm.
Tám vạn bốn nghìn khỉ đột lông vàng nghe được tiền duyên đều tủi hổ trách mình đi vòng quanh đức Phật một ngàn vòng, xin sám hối tội lỗi và phát tâm Vô thượng Bồ-đề. Tuỳ thọ mạng, sau khi chết, đàn khỉ đều sinh lên cõi Trời Đâu-suất, gặp gỡ Bồ-tát Di-lặc, kiên cường không thối chuyển, trải qua vô lượng vô biên kiếp, sẽ thành Phật và sẽ lần lượt xuất thế cùng một kiếp tên là Đại Quang, có chung một danh hiệu là Phổ Kim Quang Minh Vương Như lai.
Lại nữa, kinh Xứ-Xứ nói: “Đức Phật bảo: “Tỳ-kheo Kiều-phạm-bát-đề đã chứng quả A-la-hán, vẫn còn tật nhai lại”.
Đệ tử hỏi đức Phật: “Tại sao lại như thế?”
Đức Phật đáp: Tỳ-kheo ấy, suốt bảy trăm kiếp trước làm bò, nay dù đắc đạo, túc tập chưa trừ hết, nên còn chứng nhai lại”.
Luận Trí-độ có câu hỏi: “Tại sao làm bò?”
Đáp: “Vì trong kiếp trước từng qua ruộng lúa, đã hái đến năm sáu hạt nhai thử rồi nhổ xuống đất, làm tổn thất lúa của người khác, phải bị đọa xuống làm bò nhiều kiếp, nên có chân bò và chứng nhai lại”.”
( Tha Tâm Thông và Túc Mạng Thông luận giải )
Tuệ Tâm 2022.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, bị tội làm bò suốt 700 kiếp là 700 kiếp bò. Hoặc là chịu tội trong địa ngục 1 kiếp là 1 kiếp người phải khg thầy?
Chứ khg phải là kiếp trong phật giáo 1 tiểu kiếp hơn 16 triệu năm
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Từ “Kiếp” trong kinh sách, tiếc thay phần lớn đều là nói về Tiểu Kiếp, tức 16,678,000 năm. Chúng sanh làm ác chịu khổ báo vô cùng lâu dài, nếu chẳng có biệt duyên đã gieo với Tam Bảo thì không cách chi thoát khỏi được. 16 triệu năm ấy tuy dài vô tận, nhưng cũng chỉ bằng thời gian chừng 1 ngày đêm của Chư Thiên nơi Sắc Giới, nếu tinh theo thời gian của chư Thiên cõi Vô Sắc giới, có khi chỉ bằng thời gian chừng 1 niệm.
Nói thế để thấy gieo duyên Phật Pháp trong thời suy mạt này vô cùng trọng yếu. Chúng sanh nhờ biệt duyên nơi Tam Bảo mà thường được chư Phật cùng Bồ Tát từ bi cứu độ, tội có khi phải chịu nhiều kiếp, nhưng nhờ đó chỉ phải chịu ít năm rồi được cứu độ về các đường lành…Tam Bảo đại từ đại bi, nên trong kinh Địa Tạng, Bồ Tát bảo đại ý: “Chúng sanh dù chỉ làm được điều lành dù chỉ bằng sợi lông mảy tóc, tôi cũng sẽ luôn tìm mọi phương cách để cứu độ, không để bị sa vào ác đạo…”