Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành là thệ nguyện thứ tư trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện của người học Phật. Thệ nguyện này vô cùng trọng yếu, bởi nó là kim chỉ nam dẫn dắt người tu, từ ngày phát tâm cho đến vô lượng vô biên kiếp về sau.
Bài giảng rất hay này của Hòa Thượng Trí Tịnh ngoài việc giúp ta có cái nhìn tổng quan về lộ trình tu Phật ra, còn giúp ta có chánh kiến để tránh xa bọn tà đạo: Những kẻ tự xưng đã giác ngộ, đã thành Phật, hay những kẻ đang rêu rao “công thức thành Phật”…
- Hành dịch bệnh quỷ vương Lệ Quỷ.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Oan gia trái chủ là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- Thiên Ma là loại ma gì.
- 10 Chuyện tâm linh có thật.
- Học Phật pháp bắt đầu từ đâu.
Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải
Trong các pháp tu của Đại thừa Bồ tát, nếu thành tựu một pháp, thì có thể nhiếp được nhiều pháp. Pháp tu này khác với pháp tu của các thừa khác. Đại khái như Đại thừa Bồ tát tu lục độ, thí dụ như bố thí độ. Độ là qua đến bờ bên kia, gọi là đáo bỉ ngạn; Phạn âm là ba la mật, nên gọi là “ba la mật” cũng được, hay “độ” cũng vậy. Bố thí mà Bồ tát tu, nó nhiếp như thế nào?
Hạnh bố thí của Bồ tát trước hết đừng thấy có mình, tức là vô ngã. Bồ tát tu đạt đến vô ngã thì phải vô nhân, vô chúng sanh. Không nhân, không chúng sanh thì mới thấy không có người thọ, người xin, người nhận và không thấy có pháp. Điều này rất khó, hàng Thanh văn và Bích Chi Phật nhị thừa không thể đến được.
Không thấy có pháp là gì? Trong Tâm Kinh nói Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật thì không thấy có ngũ uẩn, không thấy có tất cả: Lục nhập, Thập nhị xứ, Thập bát giới, cho đến không có Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, không có pháp để được.
Rõ ràng trong Tâm Kinh như vậy, không thấy có pháp mới không thấy có vật, hay của đem ra bố thí và không thấy việc làm bố thí. Đó mới đúng là bố thí của Đại thừa Bồ tát. Chưa được như vậy, nghĩa là còn thấy vật đem ra bố thí, cũng thấy người nhận, thấy có mình. Đó là chúng sanh bố thí. bố thí này hữu hạn lắm; vì có sự phân biệt như vậy thì bố thí nhiều sẽ thấy mỏi mệt.
*
Nếu không thấy mình, không thấy người thì bố thí bao nhiêu cũng không mỏi mệt. Không thấy công việc bố thí nữa thì làm hoài cũng đâu mỏi mệt. Nếu Bồ tát không thấy có tất cả, không mỏi mệt và vẫn làm công việc đó; như vậy là đã gồm có tinh tấn trong đó.
Chẳng những bố thí vô ngã, vô nhân, vô chúng sanh, không có pháp, được đại tinh tấn, mà còn được tâm bình đẳng. Với tâm bình đẳng của Bồ tát thì mình và người không khác, không thấy có nhiều ít, không thấy có người thân kẻ oán. Chính tâm bình đẳng với tất cả pháp, là đại trí huệ. Phật trí đại khái như vậy.
Bố thí mà không thấy mình, không thấy người, không thấy vật đem bố thí, thì tâm không có chút loạn động, là nhiếp Đại thiền định. Thiền định đó hàng nhị thừa không có được, vì hàng nhị thừa nhập định thì không làm được, xuất định mới làm. Còn Bồ tát trong lúc làm không thấy mình, người, cảnh vật. không thấy gì hết thì tâm không duyên theo cảnh, không duyên theo người, mình, không duyên đến cái gì.
Như vậy là tâm Bồ tát không loạn động, đã trụ trong đại thiền định, nên Bồ tát làm một hạnh là nhiếp tất cả hạnh. Giả sử có chúng sanh đến xin một cánh tay, Bồ tát chặt cánh tay cho; rồi nó đem liệng chơi, Bồ tát cũng không giận, không buồn. Vì Bồ tát không thấy bố thí gì hết, không thấy mình, người, vật chi hết, không có tâm niệm thương ghét; như vậy là Bồ tát đã thực hiện được hạnh nhẫn nhục.
*
Ngoài ra, không thấy mình, người, cảnh, nên tâm Bồ tát luôn luôn bình đẳng, thanh tịnh; nghĩa là đã nhiếp tịnh giới, trì giới ba la mật đã được thực hiện trong khi bố thí.
Do đó trong tất cả việc làm của Bồ tát đều gồm đủ các pháp bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ. Huống nữa trong lúc Bồ tát làm như vậy, tâm luôn bình đẳng, không thấy mình, người; vì thế làm cho vô lượng chúng sanh được lợi ích hoàn toàn, không có một tác hại nào xen vô được. Đó là nhờ Bồ tát đầy đủ công hạnh về đại phương tiện mà chỉ có bậc đại trí huệ mới thực hành được. Gọi là đại phương tiện, nghĩa là phương pháp làm nhất định được lợi ích rất lớn cho khắp tất cả chúng sanh, không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Đại phương tiện như vậy, nên sức bố thí mạnh và rộng lớn, là đại lực đã có trong đó.
Như vậy không phải do cái duyên thấy chúng sanh đói khổ, thiếu thốn mà đem bố thí. Vì không thấy có chúng sanh, nhưng Bồ tát vẫn làm việc bố thí, vẫn được lợi ích; cho nên không phải chúng sanh duyên từ bi, mà là pháp duyên từ bi và vô duyên từ bi. Đó là pháp thành tựu của bực thượng.
*** Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải ***
Đại khái hạnh bố thí của Bồ tát đã nhiếp đủ các công đức, các hạnh khác đều nằm trong đó. Hạnh bố thí nhiếp được như vậy thì các hạnh khác cũng nhiếp như vậy, gọi là “một là tất cả, tất cả là một”. Chính cái đó chỉ có ở pháp Đại thừa Bồ tát. Nếu trọn vẹn được như vậy thì đến Phật địa, được quả vị Phật; cho nên từ Bồ tát đến Phật phải trải qua trên 50 bực.
Trong hơn 50 bực của Bồ tát đến quả Phật, không kể hạng chưa vào Bồ tát, mà thường là Bồ tát Càn Huệ Địa. Thế nào là bực Càn Huệ Địa Bồ tát?
Bồ tát đó đã đi đến bực “nhiếp phục ngũ trụ phiền não”. Kiến hoặc hay phân biệt hoặc là một, đó là một trụ phiền não. Tư hoặc thì có tư hoặc cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc; cộng thêm vô minh phiền não là có tất cả 5. Gọi là hoặc hay phiền não cũng cùng một thứ; đó là ngũ trụ phiền não.
Bực Càn huệ địa đã chế ngự được ngũ trụ phiền não, nghĩa là vị đó đã vào chánh định tụ, làm cho tất cả phiền não không khởi lên được, nhưng chưa phải là dứt. Bồ tát này chế ngự luôn cả vô minh phiền não, không cho sanh khởi. Vì Bồ tát ở vị trí này đã thấy rõ tánh của tất cả pháp, nên không còn mê lầm các pháp nữa, thì vô minh không khởi được. Dù nó không dứt, chưa dứt chút gì hết, nó cũng không khởi được; cho đến kiến hoặc cũng không khởi được. Các hoặc còn nguyên vẹn, nhưng không khởi được.
*
Cũng như mình hiện tại có đủ tất cả phiền não, nhưng có lúc mình khởi sân. Trong lúc khởi sân thì phiền não tham ái không khởi. Tham ái không khởi, không phải nó không có. Hoặc có lúc mình tham ái thì tức nhiên mình không khởi sân; nhưng không có nghĩa là mình không có sân. Bồ tát Càn huệ địa cũng vậy, tất cả phiền não còn nguyên, nhưng không khởi.
Càn huệ địa tu tập các công hạnh không ngoài 37 phẩm trợ đạo: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần… Phải tu đủ hết, rồi phải tu cả Thập nhị nhân duyên của Duyên giác thừa, Lục độ. Tu tập như vậy lần lần mới dứt được các hoặc.
Riêng về kiến hoặc, không có dứt tuần tự; hễ dứt là dứt hết một lần. Như tu hạnh Thanh văn chẳng hạn, kiến hoặc dứt là được sơ quả Tu đà hoàn liền, không có tuần tự gì hết. Cũng không có bực này dứt một phần, bực kia dứt một phần; hễ dứt là dứt hết, hễ còn là còn nguyên.
Nếu Bồ tát dứt kiến hoặc thì vào bực Thập tín. Bực Tín này chia làm 10, vào bực này thì tu tập dứt lần lần tư hoặc. Ở Sơ tín Bồ tát thì kiến hoặc không còn rồi. Lần lần qua Nhị tín Bồ tát đến Thập tín Bồ tát là hoàn mãn phần tu tập để dứt được tư hoặc gồm có tư hoặc của cõi Dục, của cõi Sắc và của cõi Vô sắc. Tuần tự tu đến khi chấm dứt một phần vô minh hoặc, là Bồ tát bước tới bực sơ Trụ. Bực này cũng có 10 bực.
*
Dù chỉ là sơ Trụ, nhưng trong kinh nói Bồ tát này thần thông trí huệ có thể hiện thân làm Phật trong 100 thế giới không có Phật xuất hiện để độ chúng sanh ở đó. Bồ tát này lấy phương tiện lực, phương tiện trí để hiện thân làm Phật, cũng hiện 8 tướng thành đạo, giáng thần…, Niết bàn y như Phật thật. Vị này thuyết pháp y như Phật thực, vì sở chứng chưa phải bằng Phật, nhưng thấy biết không khác Phật thực.
Bồ tát sơ Trụ dứt một phần vô minh lên một bực đến nhị Trụ, cho đến thập Trụ, rồi qua thập Hạnh, thập Hồi hướng, đến tứ Gia hạnh, vào thập Địa, tổng cộng là 44 phần; dứt một phần lên một bực.
Phần sau chót là thập Địa, tới Đẳng Giác Bồ tát, nếu sạch phần chót của vô minh hoặc là thành Phật. Cho nên mình thấy trong sử ghi Sĩ Đạt Ta ngồi thiền dưới cội bồ đề. Đến đêm thứ 49 khi sao mai mọc, thì thoát nhiên đại ngộ thành Phật; tất nhiên phần sau cùng của vô minh hết. Vô minh dứt sạch do 49 ngày nhập Kim Cang đại định trên Kim Cang tòa.
Dù mình không thấy, nhưng kinh nói thì phải tin, vì trí mình không thể thấy được. Chỗ ngồi của thái tử là Kim Cang địa, mới chịu nổi Kim Cang đại định, vì khi ngồi nhập định như vậy là cả thế giới kinh động, không phải thường. Mắt thường không thấy được, nhưng các bực Thánh thấy rõ ràng tòa Kim Cang.
*** Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải ***
Tôi nói đại lược để mình thấy Phật đạo vô thượng đi tuần tự như vậy, xa xăm, gian lao thật. Gian lao như thế nào? Như Bồ tát hành bố thí trong kinh Pháp Hoa nói có vị Bồ tát Trí Tích nói với Long Nữ rằng theo ông thấy thì Phật Thích Ca Mâu Ni từ lúc làm hạnh Bồ tát đem thân bố thí cho chúng sanh, bố thí đầu, mắt, tay chân… thì cả thế giới này chưa có chỗ não bằng hột cải mà không có thân bố thí của Bồ tát. Hạnh bố thí của Bồ tát như vậy trong vô lượng đời.
Lúc Bồ tát có đại lực thần thông rồi, như Thập trụ Bồ tát hiện thân làm Phật ở 100 thế giới không có Phật. Mà mỗi thế giới như vậy là một tỷ tiểu thế giới. Một tiểu thế giới có một thân Phật độ chúng sanh, chứ không phải một thế giới chỉ có một Đức Phật. Mà 100 tỷ tiểu thế giới như vậy đều có bực Sơ trụ Bồ tát độ sanh.
Đó là một Bồ tát nhỏ thôi, huống nữa là các bậc Bồ tát cao hơn, hiện thân làm Phật, hiện thân bố thí cho chúng sanh, hiện vô số thân. Có khi hiện ra thân cây, cây thuốc chẳng hạn, cũng vẫn là thân của Bồ tát; hoặc hiện ra một thân gì đó cho chúng sanh ăn. Hiểu được như vậy thì thấy lời nói của Trí Tích Bồ tát với Long Nữ không sai. Ngài thấy rõ ràng như vậy, nên nói với Long Nữ rằng: “Thành Phật khó vậy mà cô nói một lát nữa cô thành Phật. Tôi không tin”.
*
Vì lúc đó Long Nữ chỉ mới 8 tuổi, là đệ tử của Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Phải biết rằng đó là từng cuối cùng của Long Nữ, còn vô lượng đời trước thì Long Nữ cũng phải tu như tiền thân Phật Thích Ca, không thể khác. Hiện đời của Long Nữ là như vậy, nhưng không phải lấy thân Long Nữ thành Phật được. Long Nữ phải qua phương Nam ở thế giới Vô Cấu hiện thân trượng phu có 32 tướng, 80 tùy hình hảo để thành Phật; đâu phải đem thân rồng cái thành Phật được; nhưng liền lúc đó đại chúng phải tin vậy.
Nói thấy Phật Thích Ca tu hạnh Bồ tát khó khăn vậy mới thành Phật để dạy người ỷ lại, lười biếng phải tinh tấn tu. Nói Long Nữ thành Phật dễ dàng để những người hạ liệt phấn khởi, siêng năng tu, còn thấy khó thì họ ngán sợ không dám làm.
Phát tâm Đại thừa, tu hạnh Đại thừa không phải dễ, như tiền thân của Xá Lợi Phất đã đứng vào vị trí Đại thừa rồi và đang tu hạnh bố thí ba la mật. Có người đến xin cặp mắt. Ngài hứa bố thí nên phải cho, mới móc một con mắt để cho thì người kia được rồi, lại quăng xuống, nhổ nước miếng, bỏ đi. Ngài thối thất tâm liền. Tu Thanh văn thừa thành A la hán mà còn như vậy, các vị Hiền Thánh chưa tới bậc bất thối, chưa được tự tại, chưa đến bậc bố thí không còn thấy mình, người, vật, việc, thì dễ thối tâm lắm. Không thực hành như vậy thì không được.
*
Như trong kinh Kim Cang nói tiền thân Phật Thích Ca bị vua Ca Lợi vô cớ đến chặt tay chân. Vì vua dẫn cung nữ đạo chơi trong rừng. Cung nữ dắt nhau qua chỗ khác thấy có vị ngồi tu liền hái hoa dâng cúng. Vua ganh tức họ không hầu hạ ông mà lại đến cúng lạy vị này. Vị này thản nhiên, không giận hờn, còn nguyện nếu tôi thành Phật sẽ độ ông trước. Liền theo lời nguyện đó, thân vị này bình phục như thường để chứng minh không giận hờn còn thệ nguyện độ nữa, có từ bi tâm như vậy đó.
Phật nói người tu đó là tiền thân Phật Thích Ca, còn người độ trước nhất là Kiều Trần Như trong kiếp quá khứ là vua Ca Lợi đã chặt tay chân Phật. Ngài chứng minh rõ ràng như vậy.
Tu hạnh Bồ tát rất khó, nên nói là Bồ tát làm được những việc khó làm; kinh nói tắt là “nan hành năng hành”. Hạnh Bồ tát không phải chuyện dễ, phải hàng phục được các hoặc, phiền não, chế ngự được tất cả tâm niệm xấu trở thành tất cả thiện căn công đức; không phải làm việc hình tướng mà không có lợi ích lớn. Vì trong lúc tu tập, Bồ tát không thấy mình, không thấy người, không thấy gươm, không thấy chặt. Do Bồ tát không có một tâm niệm nào thay đổi, vẫn là tâm vô phân biệt, bình đẳng. Còn một chút phân biệt thì nhứt định là có tâm khởi lên, nếu nó khởi lên thì không tốt rồi.
*
Tập luyện cho đến khi thuần thục, thành Phật thì trong kinh nói đại khái đức Phật có: tam thân, ngũ trí (tứ trí), ngũ nhãn, lục thông, tứ vô sở uý, thập trí lực.
Tam thân gồm có Pháp thân, Báo thân và Ứng hóa thân. Pháp thân là cái tự chứng của Phật và Phật lấy pháp tánh làm thân.
Báo thân là do thiện căn vô lượng kiếp tu hành tự thành nhân Phật, mới có các báo, quả Phật. Cũng như mình có nhân người mới có thân người. Phật cũng có nhân Phật mới có thân Phật. Thân đó vô lượng hằng hà sa số tướng hảo trang nghiêm, không phải 32 tướng, 80 tùy hình hảo.
Thập địa Bồ tát gần thành Phật mới thấy được Báo thân Phật và Báo thân đó để độ Thập địa Bồ tát. Chính thân đó mới là kết quả của cái nhân thành Phật, cũng như thân người của mình là quả báo của nghiệp nhân người. Cho nên mình thường nghe nói tu tập dứt hết tất cả cái này, cái kia, đến Niết bàn tịch diệt; nghe vậy sợ lắm. Tịch diệt là dứt những cái sai lầm, cái khổ, điên đảo, không đúng, không thật; không phải dứt cái chân thật. Nhưng người còn sai lầm, mê vọng, điên đảo như thế này mà nói chân thật, thì họ cứ nắm cái điên đảo, sai lầm cho là chân thật.
*** Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải ***
Ứng hóa thân chia ra ứng thân và hóa thân. Ứng thân có nhiều loại: Thắng ứng thân và liệt ứng thân. Liệt ứng thân như Phật Thích Ca giáng sanh vào hoàng cung… rồi nhập Niết bàn. Đó là liệt ứng thân, vì thân người là thân hạ liệt. Nhưng ở nơi cần phải ứng thân trang nghiêm, vì ở chỗ đó thân người cao lớn, trang nghiêm tốt đẹp, thanh tịnh thì Phật cần hiện thân đúng như vậy. Và hơn như vậy nữa, thí dụ Phật hiện thân làm người thì dầu thân người là thân hạ liệt, thì Phật cũng phải có ứng thân với 32 tướng đại trượng phu.
Trong 32 tướng này có vô kiến đảnh tướng là tướng đứng đầu, là tướng thủ lĩnh. Trong 80 tùy hình hảo tướng, đứng đầu là chữ “Vạn” nổi trên ngực.
Vô kiến đảnh tướng là không ai có thể thấy đỉnh đầu của Phật. Trong kinh nói rõ có vị Phạm Thiên muốn thấy. Con mắt của vị này thấy cả tam thiên đại thiên thế giới, không phải mắt thường, nhưng cũng không thấy được. Ông nhón lần lên hoài để nhìn xuống, nhưng vẫn thấy mình thấp hơn. Lạ vậy, không biết làm sao. Ông Phật không cao, mình là ông trời cao lớn ở trên ngó xuống vẫn không thấy được. Điều này để chứng minh vô kiến là không thấy được, gọi là vô kiến đảnh tướng, không phải nhục kế. Không ai thấy đỉnh đầu của Phật, tượng trưng cho trí huệ vô thượng của Đức Phật. Cảnh giới đó không ai biết rõ được.
*
Còn tướng nữa dễ phân biệt nhứt là tướng bạch hào. Hễ đúng là thân Phật 32 tướng đại nhân thì có tướng bạch hào. Đây là tướng lông trắng giữa hai chân mày (gọi là ấn đường). Tướng lông trắng xoáy tròn như khu ốc. Trong kinh nói rõ ràng vì kinh phải tả rõ để người ta quán tướng bạch hào. Lông đó có hình bát giác (tám cạnh), không phải tròn bọng. Nó trong suốt như pha lê. Nếu kéo dài ra, nó đụng tới gót.
Trong kinh nói bạch hào của đức Thích Ca dài một trượng ngũ, thân Phật cao một trượng lục. Lông đó nếu kéo dài lên đỉnh đầu Phật là một xích nữa. Đức Phật nào cũng vậy. Cho nên ai xưng là Phật thì trước hết phải có tướng đó. Cái đó dễ nhận nhứt, dễ phân biệt nhứt. Nếu có lông trắng vài ba phân là lông thường. Ngoài ra, lông trắng đó có phóng ánh sáng là bạch hào tướng quang minh, gọi tắt là hào quang.
Hào quang là ánh sáng từ sợi lông, chữ hào là lông. Bây giờ mình thấy ánh sáng vòng tròn trên tượng Phật, gọi đó là hào quang thì trật rồi. Phải gọi là viên quang mới đúng.
Phật có viên quang, nghĩa là xung quanh Phật có ánh sáng tủa ra đều tròn, gọi thông thường là ánh sáng Phật Thích Ca. Ánh sáng Phật chiếu ra 1 tầm, bên này 1 tầm, bên kia 1 tầm, trên 1 tầm, thành ra một vòng tròn đủ 5 màu. Ánh sáng đó bình thường như vậy. Nếu Phật vận thần thông thì có ánh sáng khác, chiếu một thế giới hay vô lượng thế giới.
*
Như kinh Pháp Hoa nói Phật phóng bạch hào tướng quang chiếu phương Đông 8 vạn thế giới chẳng hạn, để hiện rõ sự việc Bồ tát, chư Phật tu hành…
Còn thân của đức Phật Đi Dà ở Tây phương thế giới, trong kinh nói là 62 ức na do tha hằng hà sa do tuần. Một do tuần mình tính là 15km. Sông Hằng có bao nhiêu hột cát, một hột là 1 do tuần. Một na do tha = 10 vạn = 100.000 sông Hằng.
Thân Phật cao 62 ức na do tha mà 1 ức là 10 triệu, cả vấn đề. 62 ức x 10 triệu = 62 triệu 100.000 sông Hằng như vậy. Rồi đếm hết số cát đó, mới tính số do tuần. Bề cao đức Phật Đi Đà phải tính như vậy. Bên đó người ta không thấy cao vì ai cũng cao lớn. Mình về đó cũng lớn như vậy, tuy không bằng đức Phật Đi Đà, nhưng cũng tương đối.
Như vậy thì bạch hào quang của đức Phật Đi Đà như thế nào? Nó cũng kéo thẳng ra đụng gót, trừ khoảng chặng mày lên tới đỉnh thôi. Nó xoắn lại tròn, mường tượng như 5 hòn núi Tu di hiệp lại, lớn như vậy. “Bạch hào uyển chuyển ngũ Tu di” không phải nói tượng trưng, nó đúng vậy đó. Bề dài nó như 5 núi Tu di hiệp lại thì bề rộng cũng lớn tương đối với bề dài. Như Phật Thích Ca Cũng vậy: Nếu sợi lông dài một trượng rưỡi thì bề ngang rộng ít nhứt cũng nửa ly, 1 phần 4 ly. Nó cũng vẫn là bát giác bọng, trong suốt như pha lê.
*** Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải ***
Mắt nhìn kỹ lắm mới thấy, nếu không thì thấy một đốm sáng thôi, không thấy là một sợi lông đẹp.
Nhìn tướng đó thì biết có phải là Phật hay không. Thứ hai là 5 ngón tay và 5 ngón chân Phật đều có màng mỏng dính liền nhau. Vì vậy cho nên tay Phật đựng nước không chảy ra. Màng mỏng đó mắt thường không thấy được và không có gì làm rách được, dầu dao gươm bén nhứt thế gian cũng không làm trầy được. Quý như thế đó, mắt thường nhìn không thấy vì nó trong suốt, nó đẹp chứ không xấu như chân con vịt. Mình đừng nghĩ màng mỏng đó giống như chân con vịt có.
Còn răng thế nào? Nếu là Phật phải có đủ 40 cái răng. Còn mình nếu 4 răng cùng mọc đủ, cũng chỉ có 32 cái. Đó là cái tướng để mình kiểm tra có phải là Phật hay không. Nếu Ngài không cười thì mình không kiểm tra được, thì kiểm tra cái khác. Như lưỡi bình thường le ra là phủ hết cả mặt, nếu hiện thần thông thì bao trùm cả tam thiên đại thiên thế giới. Lưỡi le ra phủ tròn cả mặt, cho đến chân tóc. Nó dài rộng, không phải dài nhọn. Lưỡi không phải như vậy cũng không phải là Phật.
Đó là những tướng dễ nhận ra được, còn ngực như sư tử chẳng hạn thì mình khó thấy. Bàn chân Phật có những lằn ngang đẹp lắm như ở Kampuchia, Thái Lan, người ta thờ bàn chân Phật.
*
Ở núi Phật Tổ trên tảng đá lớn có dấu chân Phật Thích Ca Mâu Ni, người ta coi theo đó để tạc. Tôi coi tượng tạc trong tảng đá dựng ở đền thờ Đế Thiên, Đế Thích, đúng thực như kinh tả: Dấu chân Đức Phật, bề ngang 0,6m bề dài l,4m. Thân một trượng lục thì chân cũng tương đối như thế (1,6 x 0,4m) gần 7m.
Thời đó con người lớn như thế nào cũng gần gần Phật, chỉ có Nan Đà là thân tương đối gần bằng Phật. Nan Đà là em Phật. Sau này Phật bắt ông đắp y đen hoài để người ta không lộn rồi cung kính thì hai bên đều có lỗi. Tướng Nan Đà to lớn như Phật, mấy người khác thì nhỏ hơn nhiều.
Những người xưa họ to lớn, như Đức Phật, hay Khổng Tử cũng to lớn hơn cả trượng như sách Nho nói. Vì thời Khổng Tử sau Phật không bao lâu. Còn mình bây giờ nhỏ lần lần, hễ thọ mạng kém chừng nào thì thân nhỏ chừng nấy. Sẵn đây tôi nói để mình thấy mà sợ.
Như trong kinh nói chúng sanh lúc thọ mạng nhiều nhất chỉ còn 10 năm thì thân người trên dưới 1 xích mà thôi (trên dưới 4 tấc). Lúc đó thọ mạng còn kém hơn con chó bây giờ nữa. Thọ mạng kém quá nên phải phát triển mau, trí tuệ lại rất nhạy bén, nhạy bén về cái ác thế gian. Cái chấp tưởng cũng nhạy bén lắm, xảy ra đao binh kiếp 7 ngày 7 đêm, cả thế giới sống sót không bao nhiêu người.
*
Năm 1941, đọc đoạn kinh đó, mình thấy dễ sợ lắm. Một cọng cỏ hay một thứ gì đều có thể là khí giới để giết người. Mà người nào cố ý giết người kia thì đối tượng không có cách gì tránh được. Tôi lấy làm lạ, chế tạo cây súng cũng mất công lắm. Mà không biết tại sao phát minh thứ khí giới giết người dữ vậy, thấy dễ sợ. Lần lần đến chế tạo ra bom nguyên tử, thì tôi thấy sáng tỏ lời trong kinh nói. Mà Phật đã nói cách đây hơn 2.500 năm, lúc đó đọc kinh tôi không nghĩ đến được.
Năm 1944 – 1945 có phát minh bom nguyên tử, mà năm 1941 trên thế giới đâu ai biết được bom nguyên tử. Lần lần chế tạo khí giới giết người còn tinh vi hơn nữa, có thể giết nhiều người. Người có ý định giết thì người kia không cách gì đỡ được. Biết cũng không trốn được, rõ ràng như thế. Về sau cứ theo cái đà này chỉ mấy mươi năm thôi đã tàn sát như vậy, huống gì cả ngàn năm sau. Sau này khoa học phát triển thì phát minh ghê gớm đến bực nào. Vì vậy, mình càng tin lời trong kinh nói về những điểm đó.
*** Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải ***
Trở lại trong kinh nói có ông Phạm Chí nghe sa môn Cù Đàm là Phật. Ông liền thắc mắc về những tướng đặc biệt của Phật. Ông đến nhìn thấy được các tướng của Phật. Duy chỉ còn 1 tướng mã âm tàng thì không thấy được, vì Phật đắp y. Ông ngần ngại nhìn qua nhìn lại hoài. Phật biết ý, làm cho một mình ông thấy thôi. Thấy rồi ông vội sup xuống lạy. Thấy 31 tướng rồi, còn một tướng nữa mà người ta chưa chịu lạy, ghê không?
Còn một ông khác thấy rõ hết rồi, nhưng không thấy tướng dưới lòng bàn chân Phật. Dưới bàn chân Phật có tướng đặc biệt nhất là lằn chỉ xoáy thành khu ốc như vòng xe có 1.000 cây căm vậy. Vì tạc chân Phật bằng đá, người ta làm không được tướng này. Cho nên làm vòng tròn bằng bạc có đủ 1.000 tia. Tôi có mua một bức ảnh chụp tại đó về làm bức sơn mài treo ngoài đó. Xung quanh lằn chỉ của chân Phật có đủ các tượng Phật tu Bồ tát hạnh trong lục đạo chúng sanh.
Ông này không thấy như vậy nên ngần ngại hoài, không đảnh lễ. Đức Phật mới hiện lên hư không để ông nhìn lên thấy lòng bàn chân Phật. Lúc đó ông ta mới chịu sụp xuống lạy. Người xưa tin Phật mà kỹ như vậy. Còn bây giờ người ta thấy ai xưng Phật tổ, Phật thầy là xúm nhau lạy.
*
Hễ xưng Phật thì phải có đủ tướng hảo như vậy. Còn hiện thân trong lục đạo độ chúng sanh thì khác. Nếu xưng là Phật trước nhứt phải có 32 tướng tốt, đó là những tướng lộ ra bên ngoài để mình kiểm tra. Nếu không thì niềm tin của mình không chánh mà thành tà.
Hóa thân cũng tùy chúng sanh ở trong lục đạo, chỗ nào có duyên thì chỗ đó hiện thân Phật để độ. Hóa thân thì hóa giống như loài đó mà độ. Còn Ứng thân Phật để hóa độ thì phải có đủ 32 tướng 80 tùy hình hảo. Đủ tướng đó rồi, mà phải hơn Đế Thích, Chuyển luân thánh vương. Và thân Phật phải có ánh sáng màu sắc khác thân Đế Thích. Còn Chuyển luân thánh vương không có ánh sáng, vì là người.
Nếu là Phật thì có tam thân vậy, còn có ngũ nhãn, tứ trí. Tứ trí là Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Đại viên cảnh trí và Nhứt thiết chủng trí. Ngũ nhãn gồm nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn. Nhục nhãn của Phật có đủ 4 nhãn kia.
Ngoài ra, trong kinh nói Phật thành tựu 10 trí lực mới độ sanh toàn vẹn, khắp cả pháp giới không có sơ sót. Chỉ Phật mới có thập lực, tứ vô sở úy. Nghĩa là trong đại chúng không ai có thể chứng minh là Phật không toàn vẹn. Phật cũng đầy đủ từ bi hỷ xả, huynh đệ biết rồi. 18 bất cộng pháp thì chỉ có Phật được mà thôi. Như vậy thấy rằng thành Phật quả vô thượng không đơn giản dễ dàng. Tuy nhiên, Bồ tát phải thệ nguyện thành Phật.
*
Tứ hoằng thệ nguyện như vậy có khác với các thừa khác hay không? Nó chỉ là tăng thắng vô thượng mà thôi, chứ không khác. Nghĩa là nó hơn lên và đạt đến mức vô thượng. Mà các thừa khác như Tứ đế Thanh văn thừa, mình gọi là Tiểu thừa, cũng có vậy.
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ thuộc Khổ đế nằm trong Tứ đế. Nhưng ban sơ Bồ tát vì chúng sanh khổ mà phát nguyện độ chúng sanh, thì nguyện này nằm ở Khổ đế. Khổ đế được tăng thượng lên thành ra đại thệ nguyện của đại Bồ tát.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn nằm ở Tập đế. Tập là nhân, nhân là phiền não, nên có quả khổ đây. Tiểu thừa coi nó là Tập đế, Bồ tát thì khai triển rộng ra, gọi là tăng thắng vô thượng. Nghĩa là nó thù thắng thêm đến mức vô thượng, không còn có tên nữa.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học là Đạo đế. Đạo đế là tu tập tất cả pháp môn của Tiểu thừa có 37 phẩm trợ đạo. Bồ tát cũng vẫn tu vậy.
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành là thành Phật quả, chứng Niết bàn, thuộc Diệt đế. Diệt đế là Niết bàn người tu phải chứng. Bồ tát cũng chứng Niết bàn là Vô dư đại Niết bàn. Cũng là những pháp đó, mà nó tăng thắng vô thượng thêm hơn lên, không còn cái gì trên nữa.
*** Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải ***
Cho nên pháp Phật dạy thấy có khác. Nhưng nếu đã biết rõ thì pháp Tiểu thừa vẫn là pháp Đại thừa. Nếu biết dụng công và tâm đi đúng hướng thì sẽ tiến qua Đại thừa. Vì thế trong kinh Pháp Hoa, các A la hán, dẫn đầu là Xá Lợi Phất, nói rằng họ tưởng là ở Tiểu thừa, nên đối với Phật quả, không có hy vọng gì. Không ngờ Phật dạy rằng nếu còn một chúng sanh nào không thành Phật quả thì Ngài phạm lỗi bỏn xẻn. Mà Phật thì không bao giờ bỏn xẻn, Ngài muốn ai cũng thành Phật cả.
Nhưng nếu nói Phật quả, các ông sẽ ngán sợ, không dám tu hành pháp Phật. Do đó phải nói pháp như vậy, quả như vậy, gần gần nhỏ nhỏ như vậy. Mục đích là để các ông có thể phát tâm tu được. Tuy nhiên thành quả mà các ông được cũng nằm trên con đường đi đến thành Phật. Cho nên Phật nói Hóa thành dụ, mệt mỏi quá thì giữa đường phải có chỗ nghỉ. Nhưng con đường đó dẫn đến con đường Phật quả. Nếu nghỉ khỏe rồi, rời bỏ thành đó tiến nữa thì đến Bảo sở thôi, tức Phật quả.
Các A la hán Thanh văn chịu bỏ chỗ đó, tiến lên tu Đại thừa. Các Ngài hành Bồ tát hạnh cũng thành Phật. Vì thế các vị này cũng được Phật thọ ký sau này thành Phật. Như Ngài Xá Lợi Phất được Phật thọ ký về sau cũng thành Hoa Quang Phật. Đâu phải tiểu thừa A la hán không được thành Phật, chỉ cần họ tiến lên.
*
Cần lưu ý trong kinh Pháp Hoa nói các vị đó cần trải qua thời gian dài lắm mới đến Phật quả. Vì các vị đó đã vào chỗ nghỉ “Hóa thành” rồi, khó có thể bỏ chỗ nghỉ đó mà lên đường đi tới. Phải hiện thân trong lục đạo để thực hành lục độ vạn hạnh. Cả một vấn đề khó khăn vô cùng. Các vị đó đã vào Hóa thành, an vui trong Niết bàn của nhị thừa, nên không muốn rời tịch tĩnh an vui đi vào chỗ khổ trong lục đạo để độ chúng sanh. Thế nên, thiếu hạnh Bồ tát độ sanh thì không thành Phật được.
Cho nên các vị đó được Phật thọ ký thành Phật phải mất thời gian lâu hơn các vị tu Đại thừa. Vì người tu Đại thừa cứ tuần tự tiến tới, không ghé chỗ nào nghỉ cho nên mau. Còn các vị kia cũng đi con đường đó, nhưng vì ghé vào Hóa thành để nghỉ trong Niết bàn Tiểu thừa. Nhưng từ bỏ nơi an vui tạm nghỉ đó mà bước chân lên con đường khó khăn thành Phật thì cả vấn đề. Phải phát đại nguyện đại tâm mới thoát ra.
Do đó Phật nói rõ để các vị này thấy họ cũng hy vọng thành Phật. Vì cũng đi trên con đường tiến đến Phật quả, chớ không có con đường nào khác. Chỉ tại các vị này ban đầu nghĩ sai, cho rằng chỗ nghỉ tạm là điểm cuối cùng. Nhưng sự thật nó chỉ là điểm tạm dừng ở giữa đường mà thôi.
*
Do đó các Ngài phát tâm, phát nguyện vào Đại thừa, nên được Phật thọ ký về sau sẽ thành Phật. Còn các vị Thanh văn trong kinh Pháp Hoa là đại Bồ tát hiện thân Thanh văn. Vì các vị ở Đại thừa đều hiện đủ các thân trong lục đạo chúng sanh, hiện thân Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật… để tu hành hạnh Bồ tát, cũng như để ứng thân theo căn cơ chúng sanh.
Giống như Ngài Quán Thế Âm Bồ tát trong phẩm Phổ Môn. Ngài hiện thân người nam, nữ, cho đến các thân Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật để độ chúng sanh. Tất nhiên đó là thân thị hiện quyền, không phải thân thật. Do đó trong kinh Pháp Hoa, Phật thọ ký các vị A la hán thành Phật mau, đó là các vị đại Bồ tát quyền hiện thành A la hán. Còn các vị thực sự là Thanh văn A la hán muốn thành Phật phải trải qua thời gian lâu hơn, vì họ ham chỗ tạm.
Do đó Phật nói tam thừa vẫn là nhứt thừa, chứ không có 3, chính là nghĩa đó. Tam thừa là quyền phương tiện cho chúng sanh. Để thích ứng với ham muốn của chúng thì chúng mới chịu làm. Do đó phải nói đủ các thừa, nhưng đều đạt đến Phật thừa.
*** Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành Giảng Giải ***
Thí dụ Bồ tát tu giới, định, huệ thì hàng Thanh văn cũng tu giới định huệ. Nhưng chỉ khác nhau là tạm hay đi thẳng. Người thực phát tâm Đại thừa Bồ tát bắt đầu đi tu thì giới định huệ đi thẳng. Còn các vị kia cũng giới định huệ ở mức tạm. Nhưng sai lầm nhứt là tạm mà không biết tạm. Do đó, hội Pháp Hoa Phật nói rõ, trước kia không nói vì nói thì hư chuyện. Người ta đang sợ đường dài xa, khó mà cứ nói thẳng ra đường khó dài xa, thì có một số ngán không tiến thân. Cũng có người mạnh dạn di, nhưng số đông người không dám. Cho nên Phật chưa nói cái đó mà chỉ nói việc dễ.
Tuy nhiên, nói dễ mà đối với mình không dễ chút nào. Như sơ thiền mình tu tập cho thành cũng không phải dễ. Niệm Phật tam muội ngang với sơ thiền cũng không dễ được. Phải nhập Niệm Phật tam muội, rồi phải ly dục, phải dứt được phiền não tham dục. Nhờ sức Niệm Phật tam muội dứt được phiền não về tham dục. Dứt là dứt cái hiện hành, tức là ly dục thì lúc đó ngang với sơ thiền. Việc đó không phải đơn giản được.
Cho nên mình đừng nghe nói đó là Tiểu thừa, mình là Đại thừa, rồi coi thường. Rốt cuộc trở thành tăng thượng mạn, ngã mạn, kiêu mạn, không tốt đâu. Mình là phàm phu sanh tử rõ ràng, phải cố gắng lắm. Nếu không mình chập chững thế này, rồi lẫn lộn trong lục đạo chúng sanh mãi như vậy.
*
Bốn hoằng thệ nguyện trên đây vừa nói đại lược thôi. Cái biết mà mình không nhắc đi nhắc lại cũng dễ quên lắm. Phải hiểu và nhớ. Như 37 phẩm trợ đạo phải biết rõ danh số của nó (4 niệm xứ, 4 chánh cần…). Cứ theo đó tuần tự mà tu, không phải thình lình đem Bát chánh đạo giảng mà bỏ các pháp kia. Bỏ các pháp kia làm sao Bát chánh đạo thành. Nghĩa là 37 nấc thang mà mình lên tám nấc thang chót mà thôi, 29 nấc thang dưới mình không kể đến thì chỉ là không tưởng, làm sao gọi là chánh được.
Trong kinh có chỗ gọi Bát Thánh đạo nữa. Lúc đó chưa phải ông thánh nhưng cũng bước vào gần ông thánh rồi. Phật gọi là “chánh” thì cái đó không phải thường. Phải qua mấy từng kia mới tới từng này.
Người có thực tâm để hiểu để tu thì phải hiểu rành, còn bộp chộp thì trọn đời không thành cái gì hết. Phải tuần tự, không thể vượt bực được. Chưa được cái này muốn đạt cái trên thì khó lắm. Ngoại trừ các vị nhiều đời nhiều kiếp tu hành, đời này của họ là đời sau của nhiều đời đã tu rồi thì khác.
*
Phổ thông mà nói là phàm phu trơn để mình luận, lấy cái đó để tự xét lấy mình. Phải cố gắng lắm, nếu không, chập chững sanh tử luân hồi cũng như con rận, con bọ chét, từ thuở xa xưa mà nay chúng đã thành Phật, thành đại Bồ tát. Còn mình bây giờ vẫn sanh tử luân hồi trong lục đạo chúng sanh. Tương lai nếu không tu nữa thì càng ngày càng đi sâu vào mạt pháp. Mạt kiếp thì lẩn quẩn ở đây càng đi sụt hơn nữa. Chánh pháp sụt như vậy thì thiện căn cũng khó phát triển, tạo nghiệp ác lại dễ thì lại lún sâu thêm nữa. Các duyên ở ngoài làm cho mình đi lùi nhiều hơn là tiến lên. Cho nên phải cố gắng trong đời này.
( Phật Đạo Vô Thượng Thệ Nguyện Thành – Theo Trí Tịnh Toàn Tập )
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận