Pháp môn vô lượng thệ nguyện học là thệ nguyện thứ ba trong Tứ Hoằng Thệ Nguyện của người học Phật. Năm xưa khi tôi nghe Thầy dạy câu này vẫn tò mò nghĩ sao pháp môn lại nhiều vô lượng? Về sau đọc kinh sách mới thấy quả thật có vô lượng vô biên pháp môn. Lúc ấy mới lờ mờ hiểu tại sao hàng thức giả luôn ca ngợi đức Phật là bậc toàn giác, lúc ấy mới hiểu tại sao chư Tổ dạy: Phật pháp sâu rộng như Đại dương, càng vào càng sâu không thấy đáy!
Học Phật phải chân thật học thì mới tương ưng với Đạo. Nếu chẳng dụng tâm chân thật dễ phạm vọng ngữ như chơi. Bài giảng quý giá của Hòa Thượng Trí Tịnh sau đây, có lẽ sẽ khiến rất nhiều người giật mình tỉnh ngộ!
- Cách giúp đỡ những người bị ma nhập.
- Cách hồi hướng công đức.
- Từ Bi Hỷ Xả là gì.
- Chánh kiến là gì.
- Thời kỳ mạt pháp là gì.
- Kinh Diệu Pháp Liên Hoa.
- Niệm Phật Tông Yếu – Pháp Nhiên Thượng Nhân.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải
Hòa Thượng Trí Tịnh giảng: “Mình phước ít, tội nhiều, nên sanh làm người ở thời kỳ mạt pháp. Nếu có thiện căn phước đức nhiều thì mình tiến lên thế giới khác rồi, chứ đâu phải làm thân người chịu tám sự khổ như nay.
Trong đại hội, tôi có nói điều mình nghĩ trong kinh Hiền Ngu rằng các người thân cận hỏi Phật ông Đề Bà Đạt Đa ở đời là anh em chú bác với Phật, cũng thân thuộc lắm, trong đạo ông là đệ tử của Phật. Phật là thầy cũng xứng đáng lắm. Tại sao lúc nào ổng cũng luôn luôn hại Phật?
Thật vậy, ổng hại Phật, tới chết thôi. Phật nói đâu phải đời này mà vô lượng kiếp trước, ổng cũng hại tôi như vậy. Như kiếp xa xưa tôi làm con rận trong y ông Tỳ kheo. Lúc ổng nhúc nhích, tôi mới ăn, như cắn ngoài da vậy thôi; mà khi ổng yên lặng, tôi cũng yên lặng, nằm không nhúc nhích. Do đó ông Tỳ kheo không bị chướng ngại gì hết, vẫn để yên vậy cho tôi sống. Nhờ vậy tôi mập béo lắm.
Bữa đó, có con bọ chét nhảy lên; nó thấy tôi béo mập quá, nó ham nên ở lại đó. Nhưng lúc nào ôn Tỳ kheo nhúc nhích thì nó nhát, nó sợ, nằm ép, không dám động đậy gì; mà khi ổng yên lặng, nó dạn, mới cắn. Lúc ổng yên lặng là ngồi Thiền, ổng ngồi thiền không được, nên đem y hơ lửa, hai đứa chết hết. Phật nói thời xa xưa vô số kiếp, báo thân tôi là con rận mà ổng vẫn theo báo tôi; đừng nói chi ngày nay, đời nào ổng cũng hại tôi.
*
Tôi đọc chuyện này cách đây bốn mươi mấy năm rồi. Tôi nghĩ trong kinh Phật nói rằng vô lượng vô biên kiếp trước mình cũng có đồng với Phật. Có Phật là có mình, báo thân Phật là con rận, Đề Bà Đạt Đa là con bọ chét; thì lúc đó mình làm ông gì, con gì, không lẽ mình dưới con rận, con bọ chét nữa hay sao. Mình cũng có báo thân, biết đâu mình lúc đó là người, là trời, hay ít ra mình cũng trên mức con rận.
Tại sao con rận đó bây giờ thành Phật Thích Ca, còn Đề Bà Đạt Đa là Pháp thân ở cảnh giới bất tư nghì giải thoát. Còn mình lẹt đẹt là phàm phu sanh tử luân hồi như thế này. Nếu mình không thức tỉnh thì vô lượng vô số kiếp về sau, mình cũng như thế này, cũng lẩn quẩn, mãi lên xuống như thế này, gọi là luân hồi.
Trong kinh nói Phật Thích Ca không phải mới thành Phật, ngồi cội bồ đề cách đây mấy chục năm. Ngài đã thành Phật từ nhiều kiếp, nhiều năm về trước rồi, bây giờ chỉ ứng hiện thân ở thế giới Ta bà này độ chúng sanh. Tại mình không tu, đi trật đường, lẩn quẩn ở nơi phàm phu, hoặc nghiệp khổ, khổ sanh nghiệp hoặc, rồi hoặc nghiệp sanh khổ. Cứ vậy lẩn quẩn hoài mà không ra được. Bây giờ mình biết rõ Phật pháp, nguyên nhân của khổ báo, biết rõ pháp môn để thoát khỏi. Tại sao không nắm cho vững để ra khỏi sanh tử luân hồi này, mà để kẹt mãi thế này
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải: Gặp Phật Pháp là Thiện căn bậc nhất, đừng học suông
Mình cần lưu ý cẩn thận. Mình may mắn lắm, gặp Phật pháp trong thời mạt pháp. Trong thời kỳ mạt này, đã mạt rồi thì càng mạt thêm. Sau này chánh pháp của Phật càng đi lùi. Nếu chánh pháp không lần lần đi lùi thì Phật nói sai mà Phật không bao giờ nói sai, tại mình nghĩ thế này thế kia. Sau này trong giáo hội, hội hè rùm beng, cái cốt tủy trong đó lần lần phai hết, không còn được cái tinh túy nữa; lần lần nó sai làm sao mà nắm được. Bây giờ không nắm được, càng về sau làm sao nắm được. Mình phải cố gắng trong đời này, đừng bỏ qua.
Pháp môn vô lượng, mình không có tham vọng biết nhiều, nhưng cũng phải biết một ít. Từ cái biết ít, lần lần mình tiến vượt thêm. Nên nhớ thệ nguyện học của Bồ tát không phải như cái học của mình; nghĩa là học đến đâu là làm xong đến đó và có kết quả đến đó. Còn mình thì học ào ào mà làm không được gì. Đó không phải là mục đích đức Phật ra đời dạy chúng ta.
Biết Phật pháp quý, không phải chỉ quý ở chỗ đó là con đường chân chính, sáng suốt để đưa mình ra khỏi sanh tử luân hồi đến Thánh quả giải thoát tự tại, đầy đủ thiện căn công đức; mà quý ở chỗ biết cho rõ rồi thực hành cho được thì những thiện căn công đức mới thành tựu. Nếu không làm thì không có kết quả.
*
Không làm thì không được gì hết, Phật ví như người suốt ngày nói đến ăn thì không bao giờ no, như người nói về phương thức làm bánh, như hình bánh vẽ trên giấy. Bây giờ mình đọc chữ, nghe giảng vậy đó thì không bao giờ có cái bánh thật trong tay để ăn cả.
Mà rồi suốt ngày mình nói là các bậc A la hán có tam minh, lục thông, bát giải thoát; nói Bồ tát có bao nhiêu công đức, những lục độ; như Phật cũng vậy, có tam thân, tứ trí, ngũ nhãn, lục thông, thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng. Tất cả những công việc mình nói đó cũng như người lượm được quyển sổ tài chánh của ông nhà giàu, suốt ngày cầm đọc thì cũng không được một đồng nào, một món châu báu nào.
Do đó phải biết cho rõ, rồi phải làm đúng pháp. Thực hành được một pháp môn này thì qua một pháp môn khác. Cũng có những pháp môn khi thành rồi thì lại biết được những pháp môn khác. Nhưng phải tuần tự, từ được ít, đến được nhiều, đầy đủ viên mãn. Nếu không thì mình chỉ học suông, cái biết cũng không biết đúng, vì có thực hành mới có kinh nghiệm, mới biết tới nơi tới chốn. Nếu không, chỉ là biết trên văn tự.
Vì thế Phật nói rằng hơn 40 năm thuyết pháp, Ngài không nói một câu nào, tiếng nào. Dù cái lý của Phật pháp vô thượng cao siêu, nhưng cái sự rõ ràng chỉ cho người học đạo thì Phật pháp không phải là lời nói, chữ nghĩa; mà Phật pháp là phải thành tựu được cái pháp đó.
*
Như vậy, Phật pháp không có ở lời nói, ở văn tự. Giống như tôi nói lửa nóng, viết chữ lửa nóng thì trong lời nói đó không có lửa, trong chữ viết không có lửa. Pháp Phật cũng vậy, lấy cái đó để suy gẫm ra, nên Phật thường dạy hễ nghe thì nghe cho thật rõ, nhớ cho kỹ, không để sai sót, gọi là văn huệ, tức cái huệ về nghe. Nghe rồi phải suy gẫm, để thành cái của mình, như nắm bắt được trong tay vậy. Cái suy gẫm là tư, cũng gọi là tư huệ. Vì khi đã suy gẫm rồi, mình được một cái, có sáng kiến, có phát minh.
Sau cái văn là cái tư, tu huệ. Nếu chỉ “văn” thôi thì không có lợi ích gì. Phật dạy rất kỹ, chỉ tại chúng ta không y theo đó phụng hành thôi. Sau bộ kinh nào cũng có “tín thọ phụng hành”. Mình thiếu phần này, chỉ nghe suông, “tín thọ” còn không có, huống chi là “phụng hành”. Như vậy làm sao thành công được.
Tôi nhắc nhở như vậy, điều cốt yếu quan trọng ở người học đạo là lời nào Phật dạy cũng đều là pháp môn cả. Phật mở miệng nói là thành pháp môn, thành pháp rồi.
*
Tại sao gọi là pháp môn? Tất nhiên pháp là cái cửa vào đạo, từ đây mình biết pháp môn Phật dạy để đối trị trần lao phiền não của tất cả chúng sanh. Căn cơ chúng sanh có nhiều, do đó trần lao phiền não có nhiều thứ. Pháp môn của Phật cũng theo đó để đối trị, như đại khái có hai thừa pháp ở thế gian còn trong vòng sanh tử luân hồi và pháp ba thừa xuất thế. Nếu làm được pháp xuất thế là ra khỏi sanh tử luân hồi.
Hai thừa thế gian là nhân thừa và thiên thừa. Tại sao ở thế gian có lục đạo là trời, người, a tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Đại khái có sáu loài nhiếp hết tất cả loài chúng sanh trong vòng sanh tử, mà chỉ có hai thừa pháp Phật dạy cho nhân thiên; vì các đường kia thuộc về đường ác; còn nhân thiên ở nơi thiện. Do đó Phật dạy đạo lợi ích thì dạy lành, dạy thiện thôi, nên Ngài dạy về nhân thừa, thiên thừa.
Thí dụ nếu người giữ đúng ngũ giới thì nhất định được thân người. Nếu giữ không đúng năm điều đó, không bảo đảm được thân người, sẽ sa vào bốn đạo kia. Do đó, giữ năm giới để thoát khỏi nghiệp quả bốn đạo không thiện kia, để vững đường thiện ban đầu này là thân người.
*
Nếu mình không sát sanh là giữ được một phần của đạo người, có thân người ở đời này và đời sau. Nếu được như vậy, lại phóng sanh cứu khổ con vật hoặc con người. Có thể đối với người hại mình, mình dư sức hại lại, nhưng lại thả họ đi; hoặc mình tìm cách, hay dùng tiền mua chuộc, dùng thế lực để tha họ, có nghĩa là phóng sanh cho người, không phải chỉ phóng sanh cho loài khác.
Nếu mình phóng sanh các loài thì được lợi ích rộng lớn lắm, vì cuộc sống xung quanh mình có không biết bao nhiêu sự rình rập, sẵn sàng giết hại lẫn nhau. Những kẻ bị hại được thả ra là họ được lợi rồi và những người làm hại cũng thoát được tội sát hại, thoát khỏi khổ vì tội đó.
Giữ giới thứ hai không trộm cướp, mà còn bố thí, cúng dường, giúp đỡ những người thiếu thốn và cả loài vật, sẽ được thiện căn công đức. Hồi hướng thiện căn công đức đó cho đạo xuất thế thì được thiện căn công đức về xuất thế. Vì thế nên lưu ý điều đó và lấy đó để suy ra các việc khác.
Thừa thứ hai là thiên thừa, theo đó Phật dạy các pháp để giữ vững được thân trời hay được thân trời vị lai. Đại khái có thập thiện nghiệp, ngoài ra chi tiết rất nhiều. Thập thiện nghiệp bao trùm cả nhân thừa, vì có thiện ở nhân thừa rồi mới cộng thêm nữa đến thiên thừa. Thiên thừa có y chánh báo cõi Sắc và cõi Vô sắc thì trên thập thiện của thiên thừa cõi trời Dục, vì ở đó đã thành tựu 12 thiền định.
*
Thật vậy, muốn được quả báo của cõi Vô sắc phải tu tứ thiền, tứ định, tứ vô lượng tâm. Thành tựu thập thiện và 12 định đó gọi là định thế gian hay thiền của thế gian; đó là tột đỉnh của pháp thế gian. Nếu thêm lên nữa là pháp xuất thế gian, ở pháp xuất thế, người đó phải trọn vẹn nhân thừa và thiên thừa, cho nên các bậc tiến lên Thánh vị đều phải tu năm giới, thập thiện, tứ thiền, tứ định, tứ vô lượng tâm. Nếu ta không bước nấc thang dưới này, làm sao lên nấc thang cao hơn được.
Do đó, người học đạo phải có giới điều và những thiền định như vậy. Từ mức đó bước lên tam thừa. Pháp tam thừa xuất thế gian này có pháp Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, pháp Bồ tát. Đại thừa Bồ tát nối hai thừa: Tiểu thừa (Thanh văn thừa) và Trung thừa (Duyên giác thừa). Ta đừng ngại tiểu thừa và trung thừa, vì hai thừa này được nói đến trong kinh; mà kinh nói là Phật dạy rõ ràng, không vì tự ái hay vì lý do gì mà giấu nó.
Trường học của mình cũng có 3 cấp: tiểu, trung, đại; pháp Phật cũng có tuần tự như vậy. Vị Thánh xuất thế ở bậc tiểu, bậc trung thì kết quả ở hạng tiểu, hạng trung, là đại thì kết quả ở hạng đại. Trong kinh Duy Ma Cật ghi các Thanh văn và Bồ tát đến thất của Duy Ma Cật thấy việc làm của đại Bồ tát. Các vị tiểu thừa A la hán khóc như mưa, vì thấy việc làm của Bồ tát mà vô lượng kiếp họ làm cũng không được.
*** Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải ***
Thấy Tiểu thừa và Đại thừa rõ như vậy thì mình đừng ngại. Nếu có người vì tự ái nói thì mình đừng cãi với họ, vì trong cuộc đời này chấp ngã lớn lắm. Tự là ngã, tự ái là ngã ái. Trong Phật pháp ngã ái là điều bị cấm, người tu phải diệt trừ nó trước nhất. Vì vậy, mình học đạo không nên nói tự ái, người đời nói được. Học đạo mà không trừ ngã ái thì nhất định không được gì, mà còn để nó lớn thêm nữa là nghĩa sao?
Trong tam thừa, mình nghe nói rằng Tứ đế hạn cuộc cho Thanh văn thừa, Thập nhị nhân duyên hạn cuộc cho Duyên giác thừa (Trung thừa) và Lục độ vạn hạnh cho Bồ tát thừa (Đại thừa).
Nhưng nên nhớ Đại thừa phải tu đầy đủ các pháp: Tứ đế, Thập nhị nhân duyên, Lục độ vạn hạnh; không phải tu Lục độ vạn hạnh, rồi bỏ Tứ đế, Thập nhị nhân duyên. Đường đời như bài toán phải từ cộng trừ nhân chia, rồi tới phân số, đại số. Nếu nghe đại số rồi làm đại số, bỏ cộng trừ nhân chia không học, thì làm sao được.
Người tu Đại thừa phải tu tập tất cả pháp của Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa mà mình đang luyện tập. Ví dụ như Bồ tát tu tập Tứ đế thì Tứ đế vẫn là Đại thừa Tứ đế. Cũng giống như quý huynh đệ học trường đời, tốt nghiệp Đại học thì người đó cũng có làm toán cộng trừ; nhưng là cộng trừ của người đại học.
*
Do đó, Bồ tát cũng phải tu tập Tất cả pháp. Mình thuộc Đại thừa Phật giáo phải hiểu điều đó, phải tôn trọng các pháp Tiểu thừa, tôn trọng giới Tỉểu thừa, hình thức Tiểu thừa; vì đó là những điều mà mình phải học, phải làm. Nên hiểu rõ cái đích là Đại thừa, tức thành Phật, không phải cái đích ở A la hán, Tu đà hoàn; trong khi Tiểu thừa đặt cái đích ở Tu đà hoàn cho đến A la hán mà thôi. Người ta gọi A la hán là Phật, vì theo họ, cái đích tới đó là cao nhất rồi.
Nói mình Đại thừa Phật giáo, nhưng sự thật cái được của Tiểu thừa, mình cũng chưa được đâu. Thí dụ không có ai vỗ ngực xưng là tôi được Tu đà hoàn, vì việc đó không dễ đâu. Khi được quả Tu đà hoàn, có hiện tượng gì trước nhứt? Vị Tu đà hoàn đã vào dòng Thánh, nên hiện tượng trước nhứt mà vị đó biểu lộ là “ly ngộ sát” (không giết lầm). Người còn giết lầm là biết chưa được bậc Tu đà hoàn.
*
Vị Tu đà hoàn được đạo lực tự nhiên như vậy, vì quả đó có khả năng, có công đức hiện ra; không phải cái suy nghĩ vì suy nghĩ thì không còn lầm nữa. Giáo hội ngày xưa chia ra từng cấp bậc theo tuổi hạ lớn nhỏ để gọi là Thượng, Trung, Hạ tọa bậc Thánh. Vị đắc quả Tu đà hoàn có tuổi hạ bao nhiêu chăng nữa, các vị kia cũng phải nhường, dù tuổi hạ lớn cũng thua vị Tu đà hoàn nhiều. Khi vị Tu đà hoàn chỉ có một, hai hạ, có thể là Sa di, nhưng người 20, 30 tuổi hạ cũng không dám ngồi trên.
Nhưng làm sao biết được để tôn lên hàng Thượng tọa? Dĩ nhiên vị này phải biểu lộ điều trước nhứt là “ly ngộ sát”. Thử như thế nào để biết là ly ngộ sát? Vị đó nếu đi ngang bầy kiến, chân không chấm đất, không đạp lên bầy kiến. Tự nhiên đạo lực của vị Tu đà hoàn có tác dụng như vậy, trong kinh gọi là đạo lực của Tu đà hoàn nhậm vận, nghĩa là nó tự nhiên ly ngộ sát. Thân của Tu đà hoàn từ đầu đến chân có ảnh hưởng cách chúng sanh bị hại là 3 tấc tàu (10 phân). Dù cho vị đó cầm cuốc cuốc đất, con trùng con cũng cách lưỡi cuốc 10 phân, do đạo lực của người đó như thế, không bao giờ đụng vào nó.
*
Vị Tu đà hoàn cũng hiện thân là Sa di, cư sĩ, làm đủ việc. Vị này còn thân trong loài người, loài trời nhiều lần mới thành La hán ra khỏi tam giới. Nếu vị đó cuốc con trùng đứt làm hai thì không phải là Tu đà hoàn, chỉ là phàm phu chưa có quả nào trong bậc Thánh. Nên lưu ý điểm đó. Thậm chí người ta còn thử Tu đà hoàn như thế này: Để những con vật đó trong vũng bùn, nếu đạp vũng bùn đó, các con vật sẽ chết. Nhưng tự nhiên chân vị Tu đà hoàn không dụng bùn, tự nhiên chân vị đó cách con vật, không phải cách bùn.
Nếu không phải Tu đà hoàn thì chân lún xuống bùn, nếu là Tu đà hoàn thì chân không lún bùn và chân cách con vật 10 phân. Như vậy quý vị thấy bậc Thánh khác phàm phu lắm. Đó là một điểm nhỏ trong các điểm khác, quý vị cứ lấy điểm đó để nghiệm thì biết rõ liền mình có ở Thánh quả nào hay không.
Điểm đầu tiên mà mình chưa có thì biết mình chưa có gì cả. Đó là cách thử dễ lắm để biết mình tới đâu.
Nếu tự xưng là A la hán thì bắt vị đó phải có thần thông thập bát biến, hiện thân lớn, hiện thân nhỏ, một thân biến thành trăm ngàn thân, trăm ngàn thân hiệp thành một thân, đi trên nước như đi trên đất bằng, đi trên không như đi trên đất, trên đầu ra lửa, dưới chân tuôn nước… Đủ thập bát biến như vậy mới là A la hán, thiếu một cũng không được.
*
Vì vậy, đọc sử quý vị thấy sau khi đức Phật nhập diệt, Ma Ha Ca Diếp triệu tập các A la hán trong động để kiết tập kinh điển. Các việc phân chia xá lợi, xây tháp là việc của cư sĩ làm, không phải việc của mình. Để giữ được pháp thì phải kiết tập kinh điển. Kiết tập lúc đó là đọc bằng miệng, không ghi trên giấy. Ai nhớ thì đọc thuộc lòng. Nhưng các vị A la hán, mỗi người chỉ nhớ được một ít, chỉ có Ngài A Nan nhớ tất cả lời Phật dạy trong đời, như chai nước này rót qua chai nước kia không một giọt ra ngoài.
Ngài A Nan giữ gìn lời Phật nói cũng như cái chai giữ nước vậy. Nhưng Ngài A Nan không được dự vì còn hữu lậu, chưa phải là A la hán. Ngài A Nan thấy buồn, trong đêm đó ráng tu tập. Ngài đã đắc quả A na hàm, chỉ chưa chứng A la hán, nên chỉ tinh tấn trong một đêm đó thì Ngài chứng A la hán. Ngài liền đi đến gõ cửa động, xin vào dự hội.
Ngài Ca Diếp biết A Nan đã đắc A La hán, nhưng muốn thử cho các người dự hội thấy đúng như vậy. Ca Diếp liền bảo A Nan nếu thật là A la hán thì cần gì phải mở cửa, tự nhiên ở ngoài bước vô thôi. Tự nhiên bước vô, đâu cần mở cửa, thần thông của A la hán như vậy đó. A la hán là vô ngại, nên đối với địa, thủy, hỏa, phong không sợ gì.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải: Thánh nhân thường ẩn mật độ sanh
Pháp môn của Phật phải học, phải hiểu, phải biết, phải làm, phải được. Dĩ nhiên mình phải làm, nhưng được thì tự nhiên nó hiện ra rõ ràng, không phải được mà ngầm ngầm không thể hiện bên ngoài. Như vua A Dục khi tin Phật pháp, lập thệ nguyện là tất cả vị xuất gia, không luận người đức lớn hay đức nhỏ, Ngài đều đảnh lễ riêng từng người một, không phải chỉ lễ chung.
Có ông Sa đi đi vào rừng vắng, vua được báo vội vàng tới đó lạy. Lạy xong 3 lạy, ông nói: “Thưa Ngài vì tôi có lời nguyện cho tâm được an, do đó tôi đảnh lễ Ngài, xin Ngài đừng nói cho người khác biết việc này”.
Ông Sa đi tuổi đó nghe nói như vậy liền nhìn qua lề đường thấy cái bình bể mà người ta liệng bỏ bên lề đường. Ông vén y bước vào bình bể đó rồi bước ra, làm như vậy 3 lần mới nói với vua: ”Bệ hạ có thấy, nhưng đừng nói cho ai biết.”
Lúc đó vua A Dục liền cúi xuống lạy nữa và nói: “Thật Ngài là bậc Thánh mà tôi không biết”.
Thánh là vậy đó.
Hoặc câu chuyện các ông Sa đi tắm sông giỡn rần rần, vua Ba Tư Nặc mới nói với bà Mạt Lợi phu nhân rằng: “Thầy của bà đó”.
Bà đành lặng thinh. Nhưng mấy người dưới đó biết chuyện, nên tắm xong lên bờ đắp y ngồi xếp bằng, rồi để cái bát ở đằng trước, tự nhiên bay lên hư không. Khi họ bay ngang qua thì bà hoàng hậu liền nói với vua: “Bệ hạ thấy không, thầy của tôi đó”.
*
Nói để thấy Phật pháp rất đáng quý trọng, để mình bỏ tánh tăng thượng mạn, chưa được mà nói được. Chưa đắc được quả Thánh, còn là phàm phu sanh tử thì phải cẩn thận. Thân người khó bảo đảm lắm, không phải dễ đâu. Khi đắc được quả vị nào thì nó phải hiển hiện rõ ràng. Như người tu tập được sơ thiền là tứ duy, tứ đại cõi Dục trở thành tứ duy, tứ đại cõi Sắc.
Cái thân của họ thấy y như vậy, không có gì khác hết, nhưng tính chất bên trong đã thay đổi rồi. Tính chất hiệp lại tạo nên thân của người đó là tứ duy (sắc, hương, vị, xúc), tứ đại (địa, thủy, hỏa, phong), đã đổi thành cái chất của cõi Sắc, chứ không phải cái chất của cõi Dục trước đó nữa.
Nếu mình không biết thì ngạc nhiên: Tại sao có vị tổ bị chặt đầu mà không thấy máu phun ra, lại thấy sữa trắng? Vì đó là Thánh, thân của họ như loài người, mà chất cấu tạo không phải của cõi Dục này nữa. Chất đã thay đổi khác rồi, nên thân không phun ra máu, mà nó trắng như sữa vậy. Lưu ý việc đó trong kinh dạy rõ ràng, vì mình không gặp hay là học chưa tới, chưa hiểu rõ được các điểm đó. Phật dạy tỉ mỉ lắm, còn việc học của mình không được nhiều. Dầu kinh sách được giảng rộng, thuyết nhiều, nhưng không đi sâu vào cái rõ ràng. Ở đây tôi nói cái rõ ràng cho huynh đệ nghe.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải: Thập nhị nhân duyên
Như quán Thập nhị nhân duyên thì quán hạnh làm sao? Không phải đơn giản. Quán vô minh không phải quán người khác, mà quán chính thân mình đây là thập nhị nhân duyên. Như tôi có sanh, có lão rồi, từ vô minh tới đây có đầy đủ hết, chỉ còn thiếu cái tử nữa thôi, chứ không còn thiếu gì nữa. Do đó mình quán chính mình đây, đầu tiên là quán vô minh.
Phật dạy quán vô minh như thế nào? Mình quán đời mình về quá khứ, vì từ đó nó bắt đầu. Thân trước của thân này là thân trung ấm. Từ thân trung ấm sanh ra niệm ái, niệm dục mà Phật dạy đó là vô minh của đời mình. Do niệm dục ái mới làm cho chất tứ đại, tứ duy hòa hợp (tinh cha, huyết mẹ. Nói huyết mẹ chứ đó là cái noãn tinh của bà mẹ). Hai cái đó hợp lại thành một.
Ban sơ nó là hai, nhưng do niệm dục ái làm cho hai cái đó hiệp lại thành một. Trong kinh nói nó lớn như hột đậu (tùy theo đậu). Con người có người lớn người nhỏ, hột đậu cũng vậy, có hột lớn hột nhỏ. Rồi do nhờ sức thân lực của bà mẹ mà nó lên xuống (khí lực của bà mẹ thở lên xuống). Nó cứ 7 ngày biến một lần. 40 lần 7 như vậy là đúng 9 tháng 10 ngày. Trong kinh nói lúc đầu là ca la lả. Mỗi 7 ngày biến một lần, đều có tên. Phật nói đủ những việc trong thai, có 40 tên như vậy, không phải dễ nhớ được.
*
Cái đầu của 12 nhân duyên mà mình không nhớ, rồi cả vấn đề phức tạp, đâu phải chuyện dễ. Do đó, mình phải biết đủ, rồi ngồi tập trung tư tưởng lại, không còn nghĩ việc gì khác nữa, cũng như người nhập định vậy. Đem cái niệm đó của mình ra quán, đối với thân trung ấm người nam, người nữ có niệm dục ái đó.
Mình quán tưởng như vậy, rồi có ra ca la lả lúc tuần thất ban đầu, nó lần lần tăng trưởng lên, rồi sau đó nó hiệp thành sự sống. Có thần thức của thân trung ấm vào trong đó, tức cái nghiệp của đời trước duy trì cho nghiệp đời kế, gọi là mạng căn thọ noãn thức. “Thọ” là thời gian sống, chỗ khác gọi là có hơi ấm. Nếu không có hơi ấm thì nó rã, không sống được và chủ chốt là thần thức.
Rồi phải tập trung tư tưởng, vì vậy định lực phải nằm trong thọ noãn thức, cái định lực nằm trong cái hột mà tinh huyết hợp lại một như hột đậu, không có niệm nào khác tản ra. Nếu không nhập định thì không thể được, suy nghĩ này suy nghĩ kia lộn xộn hết rồi. Cho nên tu tập Thập nhị nhân duyên này đạt đến bậc Bích chi Phật, Duyên giác không phải bậc thường được.
*
Huynh đệ thấy kết quả đó, rồi mới tư duy qua “hành”. Từ vô minh, hành, đến thức phân biệt mà có cái hiện tại. Chứ không phải thần thức đầu tiên từ thân trung ấm nhập vào. Rồi từ đó đến “danh, sắc, lục nhập, thọ… đến sanh”. Trong kinh dạy tỉ mỉ lắm! Đó là cả vấn đề phức tạp, không phải chuyện dễ. Theo đó mà quán là quán thuận. Thuận là từ vô minh cho đến sanh, lão, tử. Rồi quán nghịch trở lại để trừ diệt. Nếu thuận thì sanh tử luân hồi mãi mãi. Quán nghịch để trừ diệt, để biết quả do nhân mà ra. Nếu nhân không có thì quả không còn, quả không sanh ra.
Đó là đại lược về quán Thập nhị nhân duyên phức tạp như vậy. Bất cứ pháp môn nào Phật dạy đều có sự phức tạp. Cho nên cần học kỹ, nhớ cho rành, theo đó tu tập cho đúng. Phật dạy các pháp môn xuất thế đều phải có định lực. Nếu không có định lực là không thành được gì cả. Vì do niệm mới tư duy. Nếu tán tâm thì niệm lạc hết, nên kết quả thành là nhờ niệm lực.
Thí dụ đại lược danh từ Tứ đế (khổ, tập, diệt, đạo) là cả vấn đề, không phải chuyện thường. Phật nói đây là khổ, đây là tập, đây là diệt, đây là đạo; các ông phải biết. Nhưng biết thế nào là khổ, cả vấn đề. Phải biết cho rành, biết chừng nào nó nhàm, ghê sợ. Nếu biết sơ sơ như mình, nó còn ham thêm nữa, chứ đâu có sợ, có nhàm. Biết đến chừng nào không có niệm quyến luyến đến nó nữa.
*
Phải sợ, phải nhàm, mới nghĩ đến khổ này từ đâu có ra. Nhân của khổ mình thường gọi là phiền não. Phiền não làm chủ, nó gây nghiệp mới có cái khổ là quả. Mà đã biết nhân rồi thì phải trừ cái nhân đó cho hết cái khổ, mới là chứng quả “diệt”.
Muốn được quả Niết bàn tịch diệt như vậy, tất nhiên phải làm cái gì trừ được nhân đó, chứ không phải muốn là được. Tất cả đạo hạnh phải tu, đại khái có 37 phẩm trợ đạo: 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 chánh đạo.
Khởi đầu tu tập 4 niệm xứ không phải chuyện thường. Nếu không vào chánh định thì không thể quán được. Cái quán đó phải phát trong chánh định. Như quán thân bất tịnh, phải quán làm sao thân dơ nhớp từ ngoài da đến trong xương, tủy, lục phủ ngũ tạng rất là dơ.
Bây giờ ai thử lấy dao rạch da mỏng bên ngoài quẹt lên mặt người khác coi họ chịu không. Chắc chắn không ai chịu, máu tanh hôi dơ quá, chứ phải thường đâu, phải rửa sạch thôi. Còn trong người chứa phân, nước tiểu đầy hết, không có gì là không tanh hôi. Thân của mình chết rồi thì còn thối hơn nữa, không có xác của con thú nào thúi bằng xác người. Tôi biết rõ vì nhà ở bờ sông, con trâu chết sình ở sông, người đi trên bờ cũng không sao, mà có thây ma thì cách 50 – 70 thước là không chịu nổi mùi rồi.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải: Bản chất của hành trì các Pháp
Mình thấy con người lúc sống đã dơ, chết cũng rất dơ. Dơ nhớp lắm, không phải chuyện thường. Rồi phải quán sao từ dơ đến dòi tủa ra, rã ra thành những đống máu mủ, đến lòi xương, đến xương tan ra. Cả vấn đề mà phải quán như trong kinh nói rõ là: Nhắm mắt, mở mắt cũng thấy rõ ràng như vậy, chứ không thấy gì khác nữa.
Nếu người đó nhập vào cái quán như thế thì dầu sấm sét nổ một bên cũng không nghe, dầu có mùi thật thơm nổi lên cũng không biết. Nếu lúc đó thấy xương trắng thì chỉ thấy xương trắng mà thôi, không thấy cái gì khác nữa. Quán thân bất tịnh là như vậy, không phải chỉ nói suông. Quán thân bất tịnh tới mức tham tâm mất di. Mang cái thân bọc thúi như vậy đây, dơ thế này, thử ba ngày không tắm coi ai dám đến gần không. Nó như vậy, nói chi trong đó lòi ra thứ gì. Phải quán như vậy, không phải quán sơ sơ là được.
Rồi tới quán “thọ thì khổ”như thế nào? Kinh Pháp Hoa nói: “Tất cả là khổ, chúng sanh mê lầm lấy khổ làm vui”. Chẳng có gì là vui, toàn là khổ, phải quán làm sao thấy thực cái khổ đó. Thí dụ như quán tâm vô thường thì nhận thấy tâm của mình, rồi thấy nó vô thường. Nhưng không thấy tâm mình, làm sao thấy nó vô thường được. Mà cái tâm còn lăng xăng lộn xộn thì làm sao thấy tâm được. Vì vậy, phải trụ định, có định tâm mới quán tâm vô thường được. Và kế đến là quán pháp vô ngã.
*
Trong Tứ niệm xứ có quán riêng biệt từng phần mà được cái riêng đó. Như người được định thấy bất tịnh. Thấy trong định như vậy, cho đến thấy vô ngã. Có cái riêng là biệt tướng niệm xứ và tổng hợp những riêng biệt này thành tổng tướng niệm xứ.
Những phiền não tập khí của mình khó trừ lắm. Nếu không quán cái phiền não đó, cái tham, sân, si, mạn, nghi, phú, hận, não, tật, xan… khó trừ lắm, không phải dễ đâu. Vì những thứ đó có sẵn một cách sâu thẳm, cứng rắn, bền bỉ. Nếu không dùng pháp đối trị thì khó mà trừ được nó.
Qua Tứ niệm xứ tới Tứ chánh cần, nếu ta cứ đọc như thế này: “Việc ác đã có ráng trừ, việc ác chưa sanh đừng cho nó sanh. Việc lành chưa có thì cho nó sanh, sanh rồi cho nó tăng trưởng”. Cứ đọc như vậy hoài, ác vẫn còn, thiện vẫn không có. Phải làm cách nào chứ.
Có những ác thế gian và những lỗi mà bậc Thánh vẫn còn, cho đến cái thiện cũng vậy. Có cái thiện thế gian và thiện xuất thế gian. Phải làm sao để ác được ngăn trừ, làm sao cho thiện sanh ra. Thiện căn công đức sanh ra không phải là chuyện thường, dễ đâu. Phải học, phải siêng năng, phải luôn luôn không rời, phải làm sao tăng trưởng nó lần lần.
*
Mình phải có khả năng thật sự như vậy. Nghĩa là nó tự nhiên ngăn ác, dứt ác, tự nhiên nó sanh thiện và giữ thiện. Không sanh thiện là không được rồi. Cho nên trong Tứ chánh cần, cái sanh thiện là cái mở đầu. Nếu có thiện sanh thì ác không sanh được, thiện sanh thì ác tự nhiên dứt.
Trong Tứ niệm xứ, vô ngã đứng đầu. Cho nên có người tu tắt quán vô ngã, không quán cái kia. Nếu quán vô ngã thì các pháp quán kia nằm trong vô ngã, nên không cần phải quán nữa. Vì vậy mà ngã đứng sau, nhưng chủ chốt của nó là vô ngã.
Tứ chánh cần cũng vậy, dứt ác, ngăn ác, sanh thiện đều cần thiết. Thí dụ sanh thiện là việc cần, vì biết bao nhiêu điều lành mà mình không có. Không làm cho nó có thì không thể được. Phải làm sao cho thiện sanh ra.
Rồi kế đó là Tứ như ý túc hay còn gọi là Tứ thần túc không phải chuyện thường, vì người có thần thông mới được. Thí dụ nghe nói là dục niệm, tinh tấn, nhứt tâm thì thấy thông thường quá. Chẳng dè những thành quả đó thuộc về thần thông, nên mới gọi là như ý. Túc nghĩa là thần thông, như ý là muốn cái gì thì hiện cái đó: Muốn bay là bay, muốn xuống đất là xuống đất. Muốn qua vách là qua vách. Muốn lớn thì như núi, muốn nhỏ thì như kiến, muốn nhiều thì vô lượng. Tùy theo lực của người đó, muốn không hiện diện thì người kế bên cũng không nhìn thấy. Có chỗ gọi đó là thần túc thông.
*
Rồi rèn luyện đến 5 căn, 5 lực, Thất giác chi. Thất giác chi nằm trong giác ngộ, cho nên mấy chi đó ở trước cũng có, như tinh tấn, niệm ở 5 căn, 5 lực cũng có. Tứ như ý túc cũng có tinh tấn. Niệm cũng vậy, nó ở trong phạm vi của giác ngộ, nên gọi là phẩm chi của giác ngộ hay giác chi. Chưa giác ngộ thì chưa gọi được như vậy. Từ đó mới lên Bát chánh đạo hay Bát Thánh đạo.
Ở đây mình đi tắt, giảng Bát chánh đạo, nói các người phải cố gắng tu Bát chánh đạo. Trong khi mấy cái kia chưa có thì làm gì có Bát chánh đạo. Nó chánh rồi mới thành đạo, phải không? Nó thành thứ này, thứ kia, nhưng thứ nào cũng có tên chánh trong đó. Như kiến gọi là chánh kiến, chỉ nói “kiến” thôi thì không được.
Thế nào là chánh kiến? Phải trải qua đủ các thứ bậc trước và hoàn thành Thất giác chi rồi, mới nói đến Bát chánh đạo. Đến Bát chánh đạo đều là bậc Thánh cả, không phải bậc phàm nữa, nên cũng gọi là Bát Thánh đạo. Trong đó có ngữ, có nghiệp, có mạng. Như vậy không phải mình không có ngữ, nghiệp, mạng. Nhưng mình là phàm phu tục tử đâu thế gọi là chánh ngữ, Thánh ngữ. Vì phải là bậc Thánh mới được Thánh ngữ. Vì thế người ta phải rèn luyện từ chưa viên mãn đến viên mãn.
*
Cho nên mình không hiểu, trong 37 trợ đạo phẩm mình cứ nắm lấy Bát chánh đạo, luôn luôn đi giảng Bát chánh đạo thôi. Mấy cái trước chưa có làm sao giảng Bát chánh đạo? Làm sao gọi bằng chánh, bằng Thánh? Thí dụ như chánh kiến chẳng hạn, cũng nói sơ sơ, đừng có tà kiến vậy thôi. Không phải vậy. Định huệ phải được viên thành. Kể cả Tứ như ý túc, Tứ niệm xứ chưa có thì làm sao nói đến Bát chánh được. Vì vậy phải biết mấy điểm đó rồi thực hành mới thành công. Còn không biết, chỉ nói suông thôi. Chưa đạt được vị trí đó mà cứ nghĩ đã được, rồi làm cái khác thì không thể thành công. Nó khó là vậy.
Về Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Thập nhị nhân duyên, Tứ đế; nghe Lục Tổ nói thấy dễ lắm. Như bố thí dễ, có tiền là bố thí được. Bố thí mà không thấy có mình thí, không thấy người nhận, không thấy có tài vật đem thí, cũng không thấy có việc làm bố thí nữa. Đó mới gọi là bố thí của Bồ tát Đại thừa. Còn bố thí mà đem của ra cho như mình là phàm phu bố thí, không phải là Bồ tát bố thí. Cho đến trì giới, nhẫn nhục… thiền định; chẳng hạn tứ thiền, tứ không, tứ vô lượng tâm, 12 thiền này là thế gian thiền. Tiểu thừa Thanh văn còn chưa được nữa, nói chi đến thiền của Đại thừa Bồ tát, là bực thứ năm trong Lục độ ba la mật.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học giảng giải: Bản chất của các Pháp Ba La Mật
Ba la mật là cứu cánh rốt ráo, đáo bỉ ngạn, nó hoàn toàn lắm rồi. Muốn được như vậy, đầu tiên làm sao đừng thấy có mình, đừng thấy có người, cũng đừng thấy có pháp. Tu tới từng đó rồi thì bố thí mới thành ra bố thí của Bồ tát, là độ thứ nhất trong lục độ.
Luyện làm sao đừng thấy có mình là vô ngã, đừng thấy có người là vô nhân. Không ngã tướng, không nhân tướng, rồi không có chúng sanh tướng, cho đến các pháp tướng đều không có. Còn ở đây thấy có mình, có người, có của, có việc làm, thì cái đó phàm phu hoàn toàn rồi. Tôi nói để huynh đệ suy nghĩ rồi lần rộng ra.
Nói Lục độ, nói đúng phải là Thập độ, Thập ba la mật. Lục độ gồm bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và bát nhã ba la mật. Không nói huệ, vì sợ lộn với thế gian cũng nói trí huệ. Nên nói bát nhã là tiếng Phạn cho khỏi lộn.
Bát nhã ba la mật thì phải thế nào? Mình nhớ Bát Nhã Tâm kinh, chính nó diễn tả nội dung của bát nhã ba la mật. Câu đầu của Tâm kinh, từ “Quán Tự Tại Bồ tát… ngũ uẩn giai không”, ta thấy các pháp đều là không. Từ đó về sau chẳng những pháp thế gian là không mà pháp xuất thế gian cũng không. Đó là nội dung hành tướng của bát nhã.
*
Tôi nghe giảng Pháp Bảo Đàn kinh lấy bát nhã làm trọng. Bát nhã là gì? Là tất cả pháp đều không. Bát Nhã là thần chú và Phật từ nơi đó mà thành Phật, rõ ràng như vậy. Bắt đầu là tất cả pháp đều không, lấy ngũ uẩn thân mình làm chánh trước. Về sau, lục căn, lục trần, lục thức, tứ đế, thập nhị nhân duyên đều không, cho đến trí, hạnh gì của Bồ tát cũng đều không. Lúc đó mới thực là bát nhã ba la mật.
Rồi đến phương tiện ba la mật, nguyện ba la mật. Ba la mật và trí ba la mật thì toàn vẹn thập ba la mật. Đó là thành quả của thập địa Bồ tát. Các đăng địa Bồ tát đều có đủ ba la mật nhưng hoàn thành cứu cánh rốt ráo, không còn thêm nghiệp nữa thì Sơ địa Bồ tát hoàn thành bố thí ba la mật; Nhị địa Bồ tát thì hoàn thành trì giới ba la mật. Tam địa Bồ tát hoàn thành nhẫn nhục ba la mật. Tứ địa thì hoàn thành tinh tấn ba la mật. Ngũ địa Bồ tát thì hoàn thành thiền ba la mật. Đệ lục địa Bồ tát thì hoàn thành bát nhã ba la mật. Thất địa hoàn thành phương tiện ba la mật. Bất động địa Bồ tát hoàn thành nguyện ba la mật.
*
Bát địa Bồ tát không còn đệ bát thức (A lại da), vì đã hoàn thành vô ngã. Vô ngã này trùng với vô ngã của A la hán, Bích chi Phật. Nhưng nhờ nguyện ba la mật là nguyện thành Phật độ chúng sanh, làm cho vị này không dừng ở điểm đó. Từ Cửu địa được tự tại, tâm sắc đều tự tại, nên được lực ba la mật. Lực là sức lực, thế lực, năng lực lúc đó hoàn toàn. Thập địa thì hoàn toàn nhứt thế trí, nên gọi là trí ba la mật.
Đến Thập địa thì 10 ba la mật đã hoàn toàn xong, bước lên nữa là thành Phật. Do đó đừng nghe người thế gian, các học giả giảng về Phật Thích Ca, họ nói Sĩ Đạt Ta cũng như người thường. May mắn ổng tu, ổng thành như vậy, phát minh được như vậy.
Sự thật là nếu không phải Đẳng giác Bồ tát, Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát, làm sao thành Phật được. Đó là mình nói thông thường, còn kinh Pháp Hoa nói Phật Thích Ca hiện thân vậy thôi, chứ Ngài thành Phật vô lượng kiếp rồi. Hiện tại vị đó phải là Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát mới đến ngồi Bồ đề đạo tràng, cuối cùng bước lên địa vì Phật.
Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát, có chỗ gọi là Đẳng giác Bồ tát, nghĩa là sắp thành Phật, kỳ thực cũng là Thập địa Bồ tát bước thêm nữa là thành Phật. Đẳng giác là tên gọi thêm cho sự trung gian đó mà thôi.
*
Khoảng thời gian trung gian là Ngài hiện thân làm Thái tử Sĩ Đạt Ta. Nhưng thật ra Ngài là vị Nhứt sanh bổ xứ Bồ tát, từ cũng trời Đâu Suất giáng thần nhập thai.
Nhưng tại sao phải như vậy? Vì xuất hiện trên nhân gian này thành Phật phải là thân người. Khi không mà hiện ra thì như thần, như quỷ. Do đó Ngài phải hiện thân người, phải đủ 8 tướng. Tướng đầu tiên là giáng thần, kế đó là nhập thai, xuất thai khi đản sanh, tiếp theo là xuất gia, hàng ma, thành đạo, chuyển pháp luân độ chúng sanh, nhập Niết bàn.
Trong kinh nói rõ ràng một vị muốn thành Phật xuất hiện ở nhân gian độ chúng sanh thì phải có đủ 8 tướng. Dù vị đó đã thành Phật rồi, nhưng khi ứng thân thì phải tuần tự từ tướng thứ nhất đến tướng thứ tám là nhập Niết bàn. Đó là nguyên tắc, hiện như vậy chứ không phải là nghiệp báo.
Như vậy ở nhân gian người ta thấy có một người đàn ông mà lịch sử ghi rõ ràng, nên họ tin tưởng, đời sau cũng tin tưởng. Người ta cũng thấy Ngài từ người mà thành Phật và mình là người thì cũng thành Phật được vậy. Đó là cái cớ hiện thân làm Phật phải đủ 8 tướng đó. Về sau, kinh Di Lặc hạ sanh cũng nói vậy.
Di Lặc Bồ tát hiện giờ ở cung trời Đâu Suất. Về sau Ngài cũng có 8 tướng thành đạo giống như Phật Thích Ca. Tuy nhiên công việc, thời gian, địa điểm khác. Cũng phải đủ 8 nguyên tắc đó, thiếu một cũng không được. Nên nhớ điều đó.”
*
( Pháp môn vô lượng thệ nguyện học – Theo Trí Tịnh Toàn Tập)
Tuệ Tâm 2022.
Để lại một bình luận