Quy Y Tam Bảo còn gọi là pháp Tam Quy Y. “Quy y” là quay trở về nương tựa, “Tam Bảo” là ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng. Như vậy, Quy Y Tam Bảo nghĩa là quay về nương tựa Phật, nương tựa Pháp và nương tựa Tăng. Bạn Quy y Tam Bảo thì trở thành Phật tử, chứ không phải Quy y là xuất gia cạo tóc lên chùa đâu nhé, vụ này rất nhiều người hiểu lầm.
Pháp Tam quy dường như đơn giản, song ít người thấu hiểu tường tận. Có vị đã quy y, nhưng chưa rõ về nghĩa Tam bảo. Có kẻ tuy mến chánh giáo, song chỉ đối trước tôn tượng nguyện quy y Phật, Pháp mà không quy y Tăng, hoặc khinh chư tăng không chịu gần gũi, khiến cho việc thọ Tam quy không thành và tự nuôi lớn lòng cao mạn, không được phần pháp ích.
Lại có người nghe nói quy y Tam bảo không đọa Tam đồ chẳng hiểu đó là chỉ cho lý Tam quy, nên bên ngoài tuy vẫn thọ Tam quy, thờ Phật, tụng kinh, đi chùa, cúng dường chư tăng, nhưng bên trong không diệt lòng tham sân si, vì danh lợi sắc tài mà gây nhiều nghiệp ác, kết cuộc phải bị sa đọa.
*
Tuy vậy Tam Quy y có giá trị vô cùng to lớn, dẫu bạn chưa giải thoát được sanh tử trong kiếp này vẫn gieo được chủng tử giải thoát về sau. Bởi Bồ tát Di Lặc có nguyện rằng: “Những kẻ tuy chưa giữ giới, nhưng có lòng chánh tín đối với ngôi Tam bảo, biết kính lễ Phật và đem tâm thành cúng dường Phật, Pháp, Tăng, sẽ được độ thoát trong pháp hội thứ ba của ta.” Chỉ là, gần 9 triệu năm nữa Ngài mới thành Phật, trong 9 triệu năm ấy không biết chúng ta trôi lăn ở đâu trong sáu nẻo luân hồi!
- Cách giúp đỡ người bị Ma nhập.
- Sự thật về hạn Tam tai.
- Hội Long Hoa là gì
- Cách thay đổi vận mệnh
- Âm đức là gì.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- 10 chuyện nhân quả báo ứng có thật.
- Quy y Tam Bảo là gì
Ý nghĩa của việc Quy y Tam Bảo
Ý nghĩa của việc Quy y Tam bảo” là gì? Quy là trở về. Y là nương tựa. Quy y là trở về nương tựa nơi mà mình đã vì si mê lầm lạc, phóng đãng bỏ ra đi. Ví như đứa trẻ vì khờ dại, bỏ cha mẹ đi hoang. Trải qua những kinh nghiệm khổ đau, tự biết tỉnh ngộ, quay trở về nương tựa dưới lòng từ ái. Dưới lời khuyên dạy thiết thật và dưới bóng tuổi tác hiền hòa của song thân.
Theo Kinh Ưu Bà Tắc Giới: “Trưởng giả Thiện Sanh nói: Như Đức Phật giải thích trước đây. Có người đến cầu xin, nên trước hết dạy cho thọ Tam quy y, sau đó mới giúp cho là thế nào?
Thế nào gọi là Tam quy y?
Đức Phật dạy: Này người thiện nam! Bởi vì san bằng những đau khổ, đoạn trừ các phiền não, thọ nhận niềm vui tịch diệt Vô thượng. Vì nhân duyên này mà thọ Tam quy y. Như ông đã hỏi, thế nào là Tam quy y, đó có nghĩa là Phật-Pháp-Tăng. Phật là bậc có năng lực thuyết giảng về nhân hủy diệt phiền não mà được giải thoát thực sự. Pháp chính là cách hủy diệt nhân của phiền não mà giải thoát chân thật. Tăng là người vâng theo phương pháp tiếp nhận phá tan nhân của phiền não mà được giải thoát đích thực.”
Quy Y Tam Bảo: Tam Bảo là gì
Tam bảo là ba ngôi báu: Phật, Pháp, và Tăng. Ví như châu báu có thể giúp cho người khỏi nghèo khó, ba ngôi nầy có thể khiến cho chúng sanh được phước nhơn thiên, cho đến khỏi sự khổ luân hồi đến Niết bàn an vui, nên gọi là “Bảo”.
Tam bảo ứng hóa, tùy theo căn cơ mà cảm lợi ích. Một âm diễn thuyết tùy loại có thể hiểu biết giống nhau. Vì vậy trong Luận nói: “Quy y Phật, đó gọi là năm phần Pháp thân của Nhất thiết trí. Quy y Pháp, đó gọi là Niết bàn Diệt đế. Quy y Tăng, đó gọi là nơi không còn thân tự tha-công đức-học-vô học của các bậc Thánh Hiền. Tức là nơi phiền não phân biệt tự-tha diệt hết không còn gì, cho nên nói nơi cuối cùng không còn.”
Do đó trong kinh Bát Nhã nói: “Tất cả Thánh nhân đều lấy pháp vô vi mà có được tên gọi”. Vô vi tức là nhân khác của vô lậu. Bởi vì Tam bảo thường trú ở thế gian, không bị pháp thế gian làm cho suy thoái, vì vậy gọi là bảo. Tam bảo là nơi quay về nương tựa của bảy chúng, ba Thừa và các chúng sanh, cho nên gọi là Tam Quy.
1. Quy y Phật
Phật là “Phật đà da” thuộc cổ ngữ Ấn Độ, dịch là giác ngộ, tức là bậc đại trí huệ hiểu rõ chân tướng vũ trụ vạn vật. Trong kinh Đại thừa Tâm Địa Quán giảng: “Về ân đức Tam bảo” thì Phật bảo có sáu công đức vi diệu:
- Là Đại công đức điền vô thượng.
- Là Đại ân đức vô thượng.
- Là Đại tối tôn trong tất cả.
- Khó gặp như hoa ưu đàm.
- Xuất hiện độc nhất trong tam thiên đại thiên thế giới.
- Là công đức viên mãn cho cõi thế lẫn xuất thế.
Sáu công đức đầy đủ này có thể làm lợi khắp chúng sinh. Nên gọi là Phật bảo, ân không thể lường.
Cho nên, quy y Phật không phải là quy y riêng với một vị Phật nào. Mà bao gồm quy y tự tính Phật của tất cả chư Phật tận hư không khắp pháp giới. Quy y tự tính Phật có nghĩa là tâm chúng ta từ hắc ám chuyển sang quang minh, tức tâm là Phật!
2. Quy y Pháp
“Pháp” là những lời dạy của Đức Phật về nhân sinh quan, thế giới quan và phương pháp hành trì. Để hướng tới cuộc sống an lành và tiến tới giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Giáo pháp mà Phật Thích Ca giảng, không những vô lượng chư Phật trước Ngài từng đã giảng. Mà sau Ngài, chư Phật vị lai cũng sẽ giảng như thế. Bởi vì tận hư khắp pháp giới, lý đạo chân thật vốn như thế – vốn là quy luật thế gian – Phật pháp không phải do một vị Phật sáng tạo phát minh ra.
3. Quy y Tăng
“Tăng” nói đủ theo tiếng Phạm là Tăng già, có nghĩa: Hòa hiệp chúng hay Thanh tịnh chúng. Ðây là những vị tu hành giữ giới hạnh trong sạch, hòa thuận, chia sớt cho nhau những gì đã thu nhận được. Nói đại khái là sống theo phép lục hòa. Theo đúng nghĩa thì từ bốn người trở lên mới được gọi là Tăng, nhưng một người cũng có thể đại biểu cho Tăng.
“Quy y Tăng”, nghĩa là quy y tất cả Hiền Thánh, là những bậc có đức hạnh siêu phàm, cũng có thể gọi là “thượng nhân”. Quy y Tăng, là quy y Phúc điền Tăng thanh tịnh, bậc không tham tài sắc danh lợi.
Công đức Quy Y Tam Bảo
Theo Kinh Hy Hữu Giảo Lượng Công Đức: “Lúc bấy giờ Trưởng lão A-nan hướng về Đức Phật mà thưa lời này: Nếu có người thiện nam, người thiện nữ, có thể nói như vầy: Nay con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Họ có được bao nhiêu công đức? Con nguyện Như Lai diễn thuyết phân biệt, khiến cho các chúng sanh có được sự thấy biết chân chính!
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo với A-nan: Hãy lắng nghe kỹ càng và cố gắng suy nghĩ. Ta sẽ giải thích phân biệt rõ ràng cho ông. Giả sử bậc Tu đà hoàn đầy khắp cõi Diêm Phù Đề. Có người thiện nam, thiện nữ suốt một trăm năm, mang tất cả các loại vui sướng ở thế gian cung cấp giúp đỡ, lại dùng bốn sự cúng dường đầy đủ; cho đến sau khi diệt độ, thâu nhận xá lợi của họ xây tháo bảy báu, cúng dường như trước. Ý ông nghĩ thế nào, người ấy được phước nhiều hay không?
A-nan thưa: Rất nhiều, thưa Đức Thế Tôn!
Đức Phật bảo rằng: Không bằng có người thiện nam, thiện nữ dùng tâm thanh tịnh thuần phác phát ra lời nói như vậy: Nay con quy y Phật-Pháp-tăng. Công đức họ cảm được, đối với phước đức của người cúng dường kia, trăm phần không bằng một, ngàn phần vạn phần thậm chí toán số thí dụ, cũng không nào sánh bằng phước đức của người quy y.
*
Đức Phật bảo với A-nan: Giả sử bậc Tư đà hàm đầy khắp cõi Tây Cù Đà Ni, suốt hai trăm năm cúng dường như trước, cũng không thể nào sánh kịp. Giả sử bậci A-na-hàm đầy khắp cõi Đông Phất Bà Đề, suốt ba trăm năm cúng dường như trước, cũng không thể nào sánh kịp. Giả sử các bậc A La Hán đầy khắp cõi Uất Đan Việt ở Bắc phương, suốt bốn trăm năm cúng dường như trước, cũng không thể nào sánh kịp. Giả sử các bậc Bích chi Phật đầy khắp bốn thế giới, suốt mười ngàn năm cúng dường như trước, cũng không thể nào sánh kịp.
Giả sử chư Phật Như Lai khắp tam thiên Đại thiên thế giới, nếu có người thiện nam-người thiên nữ, trong hai vạn năm cúng dường như trước, tuy có được phước đức vô lượng vô biên không thể tính đếm, mà hãy còn không bằng có người dùng tâm thanh tịnh chân thành phát ra lời nói như vầy: Nay con quy y Phật-quy y Pháp-quy y Tăng. Công đức họ cảm được, hơn hẳn người trước trăm lần-ngàn lần-vạn lần không thể tính kể được, ngôn từ thí dụ tương tự không thể nào biết được số đó.
*
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo với A-nan: Nếu có người có thể quy y Phật rồi-quy y Pháp rồi-quy y Tăng rồi; thậm chí trong khoảng thời gian khảy ngón tay có thể tiếp nhận mười thiện, tiếp nhận rồi tu hành. Nhờ vào nhân duyên này mà cảm được công đức vô lượng vô biên. Nếu lại có người có thể một ngày một đêm tiếp nhận tám trai giới, như thuyết tu hành, đã cảm được công đức hơn hẳn phước đức của người trước ngàn lần-vạn lần-trăm ngàn vạn lần, thậm chí toán số thí dụ cũng không thể nào tính được.
Nếu có thể thọ trì năm giới, suốt cuộc đời mình, như thuyết tu hành, công đức đã cảm được hơn hẳn phước đức của người trước trăm lần-ngàn lần-vạn lần, ức lần, không phải toán số thí dụ mà có thể biết được. Nếu lại có người thọ Sa di giới-Sa di Ni giới, thì lại hơn hẳn so với trước. Nếu lại có người thọ Thức xoa ma na giới, thì lại hơn hẳn so với trước. Nếu lại có người thọ Đại giới Tỳ kheo Ni, thì lại hơn hẳn so với trước. Nếu lại có người suốt cuộc đời thọ Đại giới Tỳ kheo, tu hành không thiếu sót, thì lại hơn hẳn so với trước.
A-nan nghe giải thích về tam quy y cho đến suốt đời đạt được công đức vĩ đại, ca ngợi là chưa từng có, kinh này vi diệu không thể nghĩ bàn, nghĩa rõ ràng rất sâu xa, công đức to lớn, khó có thể suy nghĩ so sánh. Vì vậy Đức Phật dạy: Gọi là kinh Hy Hữu Hy Hữu, ông nên tôn trọng giữ gìn.”
Pháp Tam Tự Quy Y
Theo Pháp Uyển Châu Lâm, Pháp Tam Tự Quy Y như sau: “Nếu như lúc không có người xuất gia để có thể đối trước họ mà thọ, thì vào ngày trai hướng đến ở trước hình tượng Đức Phật, chí thành sám hối rồi tự mình phát khởi thiện nguyện, mong muốn thọ mà nói rằng:
Con tên họ là….nguyện quy y Phật-quy y Pháp-quy y Tăng (nói ba lần như vậy). Con tên họ là… quy y Phật rồi-quy y Pháp rồi-quy y Tăng rồi (nói ba lần như vậy).
Sau đó thọ giới tướng, nói rằng:
Con tên họ là… nguyện suốt cuộc đời ở trong tất cả hữu tình, tâm thực hành Đại Từ không lựa chọn phàm Thánh, cho đến Bồ đề không khởi tâm sát hại, cho đến không khởi lên tà kiến (nói ba lần như vậy). Con tên họ là… suốt cuộc đời ở trong tất cả hữu tình, tâm thực hành Đại Từ không lựa chọn phàm Thánh, cho đến Bồ đề không khởi tâm sát hại rồi, cho đến không khởi lên tà kiến rồi (nói ba lần như vậy. Đối trước người mà thọ dựa theo cách này để thọ cũng được, tuy không phải là Chánh văn nhưng theo đúng ý thì không ngại gì).
*
Theo kinh Thiện Sanh: “Nếu người thọ ba pháp tự quy, thì đã cảm được quả báo không thể cùng tận; như bốn kho báu to lớn, nhân dân cả nước trong bảy năm ròng vận chuyển ra không hết; người thọ ba quy y thì phước thiện ấy hơn hẳn điều đó, không thể kể xiết.”
Theo Kinh Giảo Lượng Công Đức: “Trong bốn đại châu đầy người chứng quả Nhị thừa; có người suốt đời cúng dường cho đến xây tháp, không bằng người nam-người nữ phát ra lời nói như vậy: Con tên là… quy y Phật-Pháp-tăng. Công đức họ cảm được, không thể nghĩ bàn; bởi vì trong mọi phước đức chỉ có Tam bảo là hơn hẳn. Nếu dấy lên hủy báng thì nhận chịu vô biên tội lỗi. Bởi vì thiện ác theo quy luật như nhau..”
Bởi vậy kinh Tăng Hộ đức Phật có kệ rằng:
Người quy y Đức Phật,
Cảm được nhiều tốt lành,
Trong tâm suốt ngày đêm,
Nhớ Phật không rời xa.
Người quy y Chánh Pháp,
Cảm được nhiều tốt lành,
Trung tâm suốt ngày đêm,
Nhớ Pháp không rời xa.
Người quy y Tăng Già,
Cảm được nhiều tốt lành,
Trong tâm suốt ngày đêm,
Nhớ Tăng không rời xa.”
Tại sao lại cần Quy y Tam Bảo
Chúng sanh từ nhiều kiếp đến nay vì si mê lầm lạc, nên bị luân chuyển quanh sáu đường. Sống trong bể nước mắt khổ đau và bùn nhơ dục vọng. Trong cảnh đen tối “cuộc vui vui dở, nỗi sầu sầu thêm” ấy, ai là người có chút thức tỉnh, lại không muốn trở về nguồn trong sáng an lành? Nhưng làm thế nào để thoát ly? Biết nơi đâu là nương tựa?
Theo đấng Ðại giác, chúng sanh muốn lìa bến khổ trở lại nguồn vui, chỉ có quy y Tam bảo. Tại sao thế? Vì trong Tam bảo, Phật là đấng sáng suốt, trí bi đầy đủ, phước huệ vô biên, đức hạnh vẹn toàn. Ngài là bậc đạo sư vĩ đại nhất, dẫn dắt muôn loài thoát nẻo luân hồi, đến nơi cực quả.
Về pháp, thì ba tạng Kinh điển của Phật đầy đủ phương châm. Có công năng đưa chúng sanh vượt khỏi bến mơ, bước lên bờ giác. Còn Tăng là những vị giới hạnh trong sạch, đã lìa bỏ mọi thú vui vật chất, hướng về nẻo quang minh. Có thể thay thế cho Phật để dẫn dắt chúng sanh đi trên đường đạo. Xin dẫn một vài đoạn Kinh luận, để nói thêm về ý nghĩa Tam quy.
Phật dạy về Quy y Tam Bảo
– Lại nữa, Từ Thị! Nếu chúng sanh nào muốn quy y Tam bảo, nên phát tâm như thế nầy: Nay ta đã sanh làm thân người, xa lìa tám nạn, đó là việc rất khó được. Vậy ta phải dùng phương tiện khéo, mà tu tập tất cả pháp thắng diệu. Nếu ta trái với tâm nguyện giải thoát không cầu những pháp lành, chính là tự khinh bỏ mình. Ví như có người đi thuyền ra biển, tìm được chỗ có châu báu, nhưng lại trở về tay không.
Cũng như thế, Phật, Pháp, Tăng bảo là chỗ nương tựa để thoát khổ, nếu kẻ nào được gặp mà chẳng quy y, sau dù có hối hận cũng không thể kịp! Ðã biết như thế rồi, phải nên siêng năng tu tập pháp lành nguyện cho mau được thành tựu. Những tội lỗi từ quá khứ cũng cần sám hối khiến cho trừ diệt. Phải nghĩ rằng ta từ vô thỉ đến nay, do thân, miệng, ý, tạo ra tội chướng vô lượng vô biên.
Những lỗi ấy đều từ tâm niệm điên đảo giả dối mà sanh, vẫn không có thật. Như thế, các tội đã gây đối với cảnh tôn trọng như Phật, Pháp, Tăng, cha mẹ sư trưởng, cho đến lỗi nhỏ như vi trần, nay đều sám hối…. Lại đối với những nghiệp lành của tất cả thánh hiền như Phật và đệ tử, hàng Ðộc Giác, Thanh Văn, bậc hữu học vô học cùng các loài hữu tình trong mười phương đều phải phát tâm tùy hỷ.
*
Nên xét nghĩ, như khi mình đau nặng, trông mong có người quen thuộc nâng đỡ, xoa nắn, tắm rửa, lo lắng cho việc ăn uống thuốc men. Dù được sự săn sóc đầy đủ như thế, nhưng nỗi bịnh khổ của tự thân trong hiện tại còn không ai thay thế cho được, huống nữa là bao nhiêu nỗi khổ lớn sanh tử ở đời vị lai ư? Ta đã không nơi nương tựa như thế, thì loài hữu tình nào có khác chi! Vậy cần phải quy y ngôi Tam bảo chân thật, vì là chỗ thường trụ.
Ví như người trí khi gặp cảnh hiểm nạn, biết cầu bậc có thế lực cứu giúp chở che. Cũng như thế, chúng sanh trong nẻo hiểm nạn luân hồi, phải nương về ngôi Tam bảo, mới có thể vượt qua sông sanh tử to rộng. Nghĩ như thế rồi, phát lòng tín hướng quả quyết, quỳ gối chắp tay đem hết thân tâm thành kính đúng theo pháp quy y Tam bảo. Sau khi quy y xong lại phải phát đại tâm, nguyện cứu độ tất cả chúng sanh vượt qua biển sanh tử khổ não, đến bờ Niết bàn an vui.
Nầy Từ Thị! Ví như kẻ lương đạo dẫn dắt đoàn thương khách vượt qua vùng sa mạc rộng lớn mênh mang đầy nguy hiểm, đến chỗ an toàn thế nào, thì đạo sư Tam bảo cũng vậy. Ba ngôi báu khéo đưa chúng sanh vượt qua đêm sanh tử dài dặc mịt mờ hầu như vô tận, đến trời mai rạng rỡ của Niết bàn. Vậy kẻ phát tâm tu hạnh Ðại thừa, phải nên như thế mà quy y Tam bảo.
Quy Y Tam Bảo được bao nhiêu Hộ Pháp che chở
Dựa theo kinh Thất Phật nói: Người thọ Tam quy y có chín thiện thần bảo vệ. Chín thiện thần là vị nào?
Quy y Phật có 3 thiện thần: 1- Tên là Đà Ma Tư Na; 2- Tên là Đà Ma Bà La Na; 3- Tên là Đà Ma Lưu Chi.
Quy y Pháp có 3 thiện thần: 1- Tên là Pháp bảo; 2- Tên là Ha Trách; 3- Tên là Biện Ý.
Quy y Tăng có 3 thiện thần: 1- Tên là Tăng Bảo; 2- Tên là Hộ Chúng; 3- Tên là An Ẩn
Còn theo kinh Quán Đảnh: “Đức Phật ở tại nước Xá Vệ thuyết pháp cho đại chúng, vào lúc ấy có một ngoại đạo là Phạm Chí Lộc Đầu, đi đến nơi Đức Phật cúi rập đầu làm lễ, quỳ xuống chắp tay thưa với Đức Phật rằng: Nghe Đấng Cù Đàm đã lâu, danh tiếng truyền tụng khắp nơi, nay muốn từ bỏ pháp học của ngoại đạo mà thọ ba pháp tự quy y và năm giới pháp.
Đức Phật dạy: Lành thay, lành thay, Phạm chí! Ông có thể từ bỏ ngoại đạo mà quy mạng với Ta, nên tự mình ăn năn hối lỗi, tội lỗi của sanh tử, trải qua vô lượng đời kiếp, không thể nào tính kể được.
Phạm chí nói: Thưa vâng, thọ giáo lập tức thanh tịnh thân khẩu ý.
Đức Thế Tôn bảo với Phạm Chí: Ông có thể nhất tâm trải qua ba pháp tự quy y. Ta sẽ vì ông và mọi người khắp mười phương, khuyên nhủ Thiên đế Thích sai phái các quỷ thần, để bảo vệ người thọ ba pháp quy y.
36 Bộ Thần Vương Hộ Trì người Quy Y Tam Bảo
Phạm chí nhân đó thưa hỏi Đức Phật rằng: Những vị đó là quỷ thần nào vậy? Con mong muốn được nghe, và để những người thọ pháp quy y khắp mười phương được biết.
Đức Phật dạy: Ta sẽ vì ông nói sơ lược về 36 bộ Thần Vương.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Bất-la-bà. (Hán dịch: Thiện Quang) chịu trách nhiệm về tật bệnh.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần tên gọi Di-lật-đầu bà-ha-sa. (Hán dịch: Thiện Minh) chịu trách nhiệm về đau đầu.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Sa-la-ba. (Hán dịch: Thiện Lực) chịu trách nhiệm về lạnh-nóng.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Chiên-đà-la. (Hán dịch: Thiện Nguyệt), chịu trách nhiệm về đầy bụng.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Đà-lợi-xa. (Hán dịch: Thiện Hiện) chịu trách nhiệm về ung nhọt-phù thủng.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Ha-lâu-ha. (Hán dịch: Thiện Cung) chịu trách nhiệm về điên cuống.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Già-sa-đế. (Hán dịch: Thiện Xả) chịu trách nhiệm về ngu si.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Chí-ni-đa. (Hán dịch: Thiện Tịch) chịu trách nhiệm về sân giận.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Đê bà-tát. (Hán dịch: Thiện Giác) chịu trách nhiệm về dâm dục.
*
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Đề-ba-la. (Hán dịch: Thiện Thiên) chịu trách nhiệm về tà ma quỷ quái.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu ha-bà-đế. (Hán dịch: Thiện trú) chịu trách nhiệm về thương vong.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Bất-nhã-la. (Hán dịch: Thiện Phước) chịu trách nhiệm về phần mộ.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu tất-xà-già. (Hán dịch: Thiện Thuật) chịu trách nhiệm về bốn phương.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Già-lệ-bà. (Hán dịch: Thiện Đế) chịu trách nhiệm về oan gia thù hận.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu La-xà-giá. (Hán dịch: Thiện Vương) chịu trách nhiệm là trộm cắp.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Tu-càn-đà. (Hán dịch: Thiện Hương) chịu trách nhiệm về người cho vay.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Đàn-na-ba. (Hán dịch: Thiện Thí) chịu trách nhiệm về giặc cướp.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Chi-đa-na. (Hán dịch: Thiện Ý) chịu trách nhiệm về bệnh dịch ác hiểm.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật- đầu la-bà-na. (Hán dịch: Thiện Cát) chịu trách nhiệm về năm loại bệnh truyền nhiễm.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Tam-hát-ma-da. (Hán dịch: Thiện San) chịu trách nhiệm về sâu bọ ăn xác chết.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Tam-ma-đà. (Hán dịch: Thiện Điều) chịu trách nhiệm về chú ý gắn bó với nhau.
*
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Lệ-đế-đà. (Hán dịch: Thiện Bị) chịu trách nhiệm về chú ý khôi phục.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Ba-lợi-đà. (Hán dịch: Thiện Phóng) chịu trách nhiệm về dẫn lối cho nhau.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Ba-lợi-na. ( Hán dịch: Thiện Tịnh) chịu trách nhiệm về đồng bọn hung ác.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Kiền-già-địa. (Hán dịch: Thiện Phẩm) chịu trách nhiệm về các loài sâu độc.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di- lật-đầu Tỳ-lê-đà. (Hán dịch: Thiện kết) chịu trách nhiệm về sự dợ hãi.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Chi-đầu-na. (Hán dịch: Thiện Thọ) chịu trách nhiệm về tai nạn nguy hiểm.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Già-lâm-ma. (Hán dịch: Thiện Du) chịu trách nhiệm về sinh sán.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu A-lưu-già. (Hán dịch: Thiện Nguyện) chịu trách nhiệm về quan quyền.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di- lật-đầu Xá-lợi-đà. (Hán dịch: Thiện Nhân) chịu trách nhiệm về lời nói tranh luận.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu A-già-đà. (Hán dịch: Thiện Chiếu) chịu trách nhiệm về lo âu sầu muộn.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu A-ha-sa. (Hán dịch: Thiện Sanh) chịu trách nhiệm về những điều không yên ổn.
*
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Bà-hòa-la. (Hán dịch: Thiện Chí) chịu trách nhiệm về những điều kỳ quái.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Ba-lợi-la. (Hán dịch: Thiện Chí) chịu trách nhiệm về những điều kỳ quái.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Ba-lợi-na. (Hán dịch: Thiện Tạng) chịu trách nhiệm về ganh ghét.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Chu-đà-na. (Hán dịch: Thiện Âm) chịu trách nhiệm về sự nguyền rủa.
Tứ Thiên Thượng sai phái vị thần, tên gọi Di-lật-đầu Vi-đà-la. (Hán dịch: Thiện Diệu) chịu trách nhiệm về sự thỏa mãn mong cầu.
Đức Phật bảo với Phạm Chí: Đây là Thần Vương của 36 bộ quỷ thần, những thiện thần này gồm có vạn ức hằng sa quỷ thần để làm quyến thuộc, âm thầm thay đổi phạm vi cho nhau, để bảo vệ những thế hệ người nam-người nữ thọ pháp ba quy y. Nên viết tên gọi của Thần Vương mang vào trên thân, đi lại ra vào không có gì sợ hãi, loại trừ tà ma xấu ác, tiêu diệt mọi điều bất thiện. Phạm Chí nói: Thưa vâng, Đấng cao quý nhất trong mọi điều cao quý (bậc Thiên Trung Thiên).”
Chuyện Quy y Tam bảo được phước
Theo Kinh Pháp cú Dụ: “Xưa kia Thiên Đế Thích đến lúc năm tướng suy xuất hiện; tự biết mạng sống chấm dứt sẽ sanh xuống thế gian, vào thai loài lừa ở nhà người thợ làm gốm; tự biết phước mình không còn cho nên vô cùng ưu sầu, tự nghĩ rằng người cứu giúp tai ách khổ đau trong ba cõi, chỉ có Đức Phật mà thôi. Ngay sau đó chạy nhanh đến chỗ Phật, rập đầu làm lễ, nằm sát đất chí tâm thọ ba pháp tự quy mạng Phật-Pháp-Thánh chúng.
Trong lúc chưa đứng dậy thì thần thức bỗng nhiên thoát ra, liền đến nhà người thợ gốm làm con trong bụng lừa mẹ. Lúc ấy con lừa tự nhiên tuột dây buộc, chạy giữa phôi gốm chưa nung, phá hỏng đồ vật đang chờ nung. Người chủ nổi giận đánh con lừa, lập tức làm tổn hại đến bào thai, thần thức ấy liền trở về vào trong thân cũ, năm đức trở lại đầy đủ tiếp tục làm Thiên Đế.
Đức Phật rời khỏi Tam muội, khen ngợi rằng: Lành thay Thiên Đế, có thể ở trong lúc mất mạng mà quy mạng 3 ngôi tôn quý, đau khổ đối diện đã hết không còn trải qua chịu khó chịu khổ nữa. Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng kệ khen ngợi rằng:
*
Các hành đều vô thường,
Gọi là pháp hưng-suy,
Có sinh thì có chết,
Diệt này là vui.
Ví như người thợ gốm,
Nhào đất làm đồ vật
Tất cả cần phải hoại,
Mạng người cũng như vậy.
Đế Thích nghe bài kệ, biết sự quan trọng của vô thường, thông suốt sự biến đổi của tội phước, hiểu rõ gốc rễ của hưng suy, tôn trọng công hạnh của tịch diệt, hoan hỷ vâng mạng tiếp nhận đạt được đạo quả Tu đà hoàn.”
*
Theo Cao Tăng Truyện tập Hai, đời Ngụy, sư Đạo Thái mộng thấy có người bảo: “Ông sẽ mất năm bốn mươi hai tuổi”. Đến năm ấy bị bệnh, một người bạn khuyên quy y Quán Thế Âm Bồ Tát. Ông nghe lời và kiền thành tụng Thánh hiệu suốt bốn ngày đêm không ngừng.
Chợt thấy dưới tấm màn ở chỗ đang ngồi có quang minh từ ngoài cửa chiếu vào. Thấy gót chân Quán Âm kim sắc chiếu sáng ngời, bảo Đạo Thái: “Ngươi niệm Quán Âm phải không?” Đạo Thái vén màn cúi đầu lễ thì đã không còn thấy nữa, liền được sống thọ.
Quán Thế Âm Bồ Tát cứu nạn
Vương Ứng Cát Bút Ký, cho biết: “Trong thời Vạn Lịch nhà Minh, Cát phụng mạng đi sứ, tiện đường trở về quê. Chợt bị bệnh nặng, hoảng hốt như có người sai khiêng tôi đi. Thấy mình rơi xuống nước, gặp các loài có vảy, có mai ở trước mặt liền tự nghĩ: Trước kia ta ăn những thứ này nên nay gặp nạn.
Chợt có người đỡ lên bờ, thấy Đại Sĩ ngồi dựa vào vách đá, Thiện Tài, Long Nữ đứng hai bên. Tôi khấu bái, Đại Sĩ dạy: ‘Ngươi vốn là thiện tri thức chuyển thân, dốc lòng thành kính thờ ta. Nay vì sát sanh nên bị bệnh này. Nếu kiêng giết sẽ lành’. Tôi kính cẩn, vâng theo lời dạy. Đại Sĩ ban Đề Hồ, màu vàng pha biếc. Uống vào vị trong ngần, bèn tỉnh giấc. Hương thừa vẫn còn đọng trên môi mép. Dần dần lành bệnh, bèn kiêng giết, quy y Tam Bảo”.
Quy y Tam Bảo được phước
1. Theo Cảm Ứng Thiên Chú, Trương Hoằng Nguyên mộng thấy thần bảo: “Ngươi có thiện căn nhưng phước lực cạn, hãy nên tu đức, tập tánh hiền lành”. Do vậy, bèn quy y Tam Bảo, và ghi chú đại lược bộ Cảm Ứng Thiên đem khắc in. Một ngày ông ta mắc phải căn bệnh lạ, thuốc thang vô hiệu, chỉ nằm chờ chết. Trong lúc nguy cấp, ông ta niệm thánh hiệu không ngớt. Chợt thấy có người áo trắng vén màn, kêu tên mình hai lượt, bệnh liền khỏi ngay. Lúc đó ông mới biết là Đại Sĩ hóa thân cứu mình.
2. Theo Quán Cảm Lục, đời Thanh, viên nha lại ở Vô Tích là Vương X… Trong niên hiệu Thuận Trị (1643-1661) do chuyện Tiền Cốc mà bị giam vào ngục chết ở Bắc Đô. Về sau, Kim Hán Quang từ kinh đô quay về, trong thuyền nghe có tiếng người hô: “Chở giùm đi, ta là Vương X… đây, oán quỷ đấy! Xin cho ta ở nhờ góc thuyền để theo về Nam”.
Đi mấy ngày, trời sắp tối, quỷ xin đậu vào bờ, nói: “Chỗ này thí thực, tôi muốn đến nhận”. Trong khoảnh khắc thấy quỷ trở về bảo: “Quán Âm Đại Sĩ chủ đàn. Hộ pháp ngăn không cho tôi ăn, bảo lúc sống tôi thích ăn nhiều thịt trâu”. Hán Quang kinh sợ nói: “Tôi cũng ăn thịt trâu, từ nay sẽ kiêng ăn”. Nói xong, quỷ khóc: “Thần hộ giới cõi trời đã đến rồi, tôi không thể ở được nữa”, bèn rời đi.
( Quy y Tam bảo là gì – Theo Pháp Uyển Châu Lâm)
Tuệ Tâm 2020.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, vậy ở nước ngoài, chùa ít và rất xa, chúng ta có thể tự quy y được không?
Thưa thầy, thiên giới cõi dục khi hết phước có tướng ngũ suy, do thiên nhân ngày thường họ không có tu học phật phải không thầy…. Nên trong kinh Địa Tạng Đức Bồ Tát có nói : khi thiên nhân hiện tướng ngũ suy họ niệm danh hiệu Đức Bồ Tát hoặc lễ lạy tượng của Đức Bồ Tát sẽ được phước rất lớn
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Tự quy y chỉ nên áp dụng trong trường hợp bất khả kháng mà thôi. Ngày nay phương tiện đi lại thuận tiện, nếu ta thực sự muốn quy y thì xa xôi cũng không có trở ngại gì. Về Chư Thiên thì họ hưởng phước thù thắng, khổ rất ít, nên vô cùng khó tu tập. Lúc hết phước đa phần đọa lạc, cơ hội để được lễ lạy hay niệm danh hiệu Bồ Tát là vô cùng hi hữu!