Tác hại của rượu bia thật vô cùng kinh khủng. Hễ rượu vào thì lời ra, lý trí bị che mờ, tâm sanh cuồng loạn. Lúc hăng say không kịp nghĩ tới hậu quả, nên dễ tạo ra những việc thương luân bại lý. Bởi vậy một lời nói hay hành động sai lầm trong men say, đa phần lúc tỉnh thường hối hận mà không cách chi cứu vãn. Anh em, bạn bè, gia đình… do đấy mà bất hòa, sứt mẻ, do đó mà chẳng nhìn nhau, do đó mà thân hữu biến thành thù hận. Cũng do say sưa mà nhiều người bỏ mạng, gia đình tan nát…
Người đời cũng chỉ biết tác hại của rượu bia như thế, chớ ít người biết rằng: Người uống rượu bia luôn có quỷ ở bên cạnh. Nơi quán nhậu, hễ bạn đưa ly lên miệng là có quỷ ghé môi uống cùng. Hễ bạn nôn ọe là có đám quỷ tranh nhau thưởng thức bãi nôn ấy. Chúng quỷ này do đâu sanh ra? Họ do kiếp trước uống rượu mà chịu cái quả báo thống khổ này vậy! Họ trước đây do uống rượu mà chịu cái quả báo ấy, nay ta uống rượu bia, há kiếp sau không phải chịu hay sao? “Không uống rượu” là một trong năm trọng giới căn bản của Phật pháp, việc này không phải tự nhiên mà đức Phật chế ra đâu!
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- Thập thiện nghiệp là gì.
- Quy Y Tam Bảo là gì.
- Ngũ giới là gì.
- Sát sanh quả báo cực nặng.
- Quả báo tội ngoại tình tà dâm.
- Các cõi trời trong Phật giáo giảng giải
Tác hại của Rượu Bia: Đức Phật dạy như thế nào?
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: “Nếu nói mình là đệ tử của Phật thì không được uống rượu, thậm chí một giọt dầu cọng cỏ cũng không được uống.” Rượu có hai loại là rượu làm từ ngũ cốc và rượu làm từ cây cỏ. Rượu làm từ ngũ cốc, chính là dùng các loại ngũ cốc trộm lẫn với gạo làm ra rượu. Rượu làm từ cây cỏ, chính là dùng rễ thân lá quả, hoặc sử dụng các loại hạt quả cỏ thuốc trộn lẫn nhau làm ra rượu. Màu rượu-mùi rượu-vị rượu uống vào có thể làm cho người mê muội, đó gọi là rượu.
Nếu người nếm mà nuốt, thì cũng gọi là uống. Nếu uống rượu làm từ ngũ cốc, nuốt vào cổ họng thì phạm. Nếu uống rượu giấm, hoặc uống rượu ngọt, hoặc ăn men ủ rượu có thể làm cho người mê muội; nếu ăn bã rượu, hoặc uống rượu cặn, hoặc uống các loại tựa như màu rượu, tựa như mùi rượu-tựa như vị rượu, có thể làm cho người mê muội, ngay cả thuận theo nuốt vào cổ đều phạm lỗi. Nếu chỉ làm ra màu rượu mà không có mùi rượu-không có vị rượu, không có thể làm cho người mê muội, và uống những loại khác thì đều không phạm lỗi.
Còn trong luận Thành Thật dạy: “Uống rượu không làm não hại chúng sanh. Nhưng chính là nhân của tội lỗi. Nếu người uống rượu thì mở toang cánh cửa bất thiện, vì luôn luôn chướng ngại cho định và các thiện pháp. Như trồng các loại trái quả chắc chắn có tường rào ngăn cách, cho nên biết lỗi của rượu giống như trái quả không có bảo vệ.”
Tác hại của rượu bia: Hiện báo và Hậu báo
Theo kinh Ưu Bà Tắc Giới: “Nếu lại có người thích uống rượu, thì người này trong đời hiện tại mất mát tiền bạc của cải, thân tâm nhiều bệnh, thường ưa đấu tranh, tiếng xấu đồn xa, mất hết trí tuệ, tâm không có tàm quý, thân hôn ám yếu gầy, thường bị tất cả mọi người chỉ trích, người ta không thích gặp mặt, không thể nào tu thiện. Đây gọi là ác báo phải chịu ở ngay đời hiện tại của uống rượu. Khi xả thân mạng này rồi bị đọa trong địa ngục, nhận chịu đói khát cùng với vô lượng khổ não; đấy gọi là quả ác nghiệp của đời sau. Nếu được làm thân người thì tâm thường cuồng loạn, không thể nào buộc niệm tư duy đến thiện pháp…”
Còn trong kinh Trường A Hàm dạy: “Người uống rượu có sáu loại mất:
- Mất tiền của.
- Sinh bệnh tật.
- Đấu tranh.
- Tiếng xấu truyền khắp nơi.
- Nóng giận bất ngờ phát sinh.
- Trí tuệ ngày càng giảm.
Theo kinh Sa Di Ni Giới: Không được uống rượu, không được thèm rượu, không được ném rượu. Rượu có 36 lỗi, mất đạo-phá nhà-hư thân-mất mạng, tất cả đều do rượu. Đông kéo-tây lôi-Nam giữ-Bắc dính, không thể nào tụng kinh, không cung kính Tam bảo, khinh dễ thầy bạn-bất hiếu với cha mẹ, tâm ý bế tắc đời đời ngu si, không gặp được Đại đạo, tâm tư không có nhận thức, vì vậy không uống rượu. Muốn rời xa năm ấm-năm cái-năm dục, đạt được năm thần thông, được vượt qua năm đường, cho nên không uống rượu.”
35 Tác hại của rượu bia
Theo luận Trí Độ nói: “Uống rượu có 35 lỗi lầm. Những gì là 35 lỗi lầm? Đó là:
1- Đời hiện tại cạn kiệt của cải. Tại vì sao? Bởi vì uống rượu say sưa thì tâm ý tán loạn không còn giới hạn tiết chế, chi dùng hoang phí không còn mức độ nào nữa.
2- Cửa vào của mọi căn bệnh.
3- Gốc rễ của sự đấu tranh.
4- Lộ ra trần trụi không có liêm sỉ.
5- Tiếng xấu phơi bày mọi người không hề tôn trọng.
6- Không còn trí tuệ.
7- Vật cần phải có được mà đã không có được, vật đã có được mà lại tản mác hết.
8- Những điều che giấu nói hết cho người ta biết.
9-Các loại sự nghiệp bỏ dở không hoàn thành được.
10. Say sưa là nguồn gốc của sầu não. Tại vì sao? Bởi vì trong lúc say sưa có nhiều sai sót, tỉnh rồi thì hổ thẹn ưu sâu.
11- Sức lực của thân thể trở thành suy yếu.
12- Sắc diện thân hình hủy hoại.
13- Không biết cung kính đối với cha.
14- Không biết cung kính đối với mẹ.
15- Không cung kính đối với Sa môn.
16- Không cung kính đối với Bà la môn.
17- Không cung kính đối với chú bác và các bậc tôn trưởng. Tại vì say sưa mê loạn giận dữ không còn phân biệt gì nữa.
18- Không tôn kính đối với Phật.
19- Không tôn kính đối với Pháp.
20- Không tôn kính đối với tăng.
21- Gần gũi với bạn bè xấu ác.
*
22- Rời xa người hiền lành tài đức.
23- Trở thành người phá giới.
24- Không có hổ thẹn.
25- Không giữ gìn sáu trạng thái của tình cảm.
26- Buông thả theo sắc dục.
27- Bị mọi người căm ghét không thích gặp mặt.
28- Thân thuộc quý trọng và các bậc tri thức dầu gạt bỏ tránh xa.
29- Làm những pháp bất thiện.
30- Rời bỏ pháp thiện.
31- Người sáng suốt có trí không hề tin dùng. Tại vì sao? Bởi vì rượu là nguồn gốc của sự buông thả.
32- Rời xa Niết bàn.
33- Gieo trồng nhân duyên điên cuồng ngu si.
34- Thân mạng đến lúc chấm dứt thì rơi vào trong đường ác địa ngục.
35- Nếu được làm người thì sinh ra ở đâu cũng thường chịu điên cuồng ngu ngốc.
Những loại sai sót lỗi lầm như vậy, cho nên không thể nào uống rượu.” Vậy nên kinh Tát Già Ni Kiền Tử, có kệ rằng:
Uống rượu sinh ra nhiều phóng dật
Đời hiện tại luôn luôn ngu si
Quên mất tất cả mọi sự việc
Thường bị người có trí quở trách.
Đời sau thường ngu dốt tối tăm
Phần lớn mất đi những công đức
Vì vậy người trí tuệ sáng suốt
Rời xa những lỗi lầm uống rượu.”
Tác hại của rượu bia: Vì sao đức Phật chế giới
Theo kinh Ưu Bà Tắc Ngũ Giới Tướng: “Đức Phật an trú trong ấp Bạt-đà-la-bà-đề thuộc nước Chi Đề, vùng này có con rồng ác tên là Am-la-bà-đề-đà, hung bạo độc ác làm hai đến mọi người, không có người nào có thể đến chỗ ấy, voi ngựa không có cách nào đến gần, ngay cả các loài chim cũng không có thể bay ngang qua phía trên. Vào mùa Thu lúc lúa mè đã chín thì tất cả đều bị phá hủy.
Lúc ấy có Trưởng lão Sa-già-đà là vị Tỳ kheo La Hán, đi khắp nơi đất nước Chi-đề, dần dần đến ấp bạt-đà-la-bà-đề, qua đêm ấy rồi sáng sớm khoác y ôm bát đi vào thôn khất thực. Lúc ấy nghe tại ấp này có con rồng độc ác hung bạo làm hại đến người-chim-thú, và phá hủy tất cả hoa màu đến ngày thu hoạch. Nghe rồi khất thực đến trú xứ của con rồng Am-la-bà-đề-đà ở dưới tán cây nhều chim chóc, trải tọa cụ rộng ra mà ngồi.
Con rồng ngửi thấy mùi y áo lập tức nổi cơn giận dữ, từ trong thân mình phát ra khói lửa, Trưởng lão Sa-già-đà liền nhập Tam muội, dùng sức thần thông từ thân hình cũng bốc lên khói lửa. Con rồng giận dữ gấp bội, trên thân tuôn ra lửa mạnh, Sa-già-đà lại nhập Tam muội Hỏa Quang, thân cũng tuôn ra lửa mạnh. Con rồng lại làm mưa đá, Sa-già-đà liền biến mưa đá thành bánh Thích Câu-bánh Tùy… con rồng lại phát ra sấm sét, Sa-già-đà biến làm các loại thuốc viên Hoan Hỷ.
*
Con rồng lại tuôn xuống cơn mưa cung tên dao kiếm, Sa-già-đà liền biến làm các loại hoa Ưu-bát-la – hoa Ba-đầu-ma. Con rồng lại tuôn mưa rắn độc – bò cạp-sâu bọ-du diên, Sa-già-đà lập tức biến làm các loại xâu chuỗi bằng hoa Ưu-bát-la, xâu chuỗi bằng hoa Chiêm-bặc. Con rồng vốn có thế lực thuộc loại như vậy, hiện ra tất cả để đối phó với Sa-già-đà nhưng cũng không thể nào hơn được, liền mất hết uy lực ánh sáng.
Sa-già-đà biết con rồng hết sức không thể nào tiếp tục khuấy động được, liền biến làm thân nhỏ bé, từ hai lỗ tai con rồng đi vào- từ hai mắt con rồng đi ra rồi từ lỗ mũi đi vào, từ lỗ mũi đi vào rồi từ trong miệng đi ra, ở trên đầu con rồng kinh hành qua lại, không làm tổn thương thân thể con rồng.
Lúc bấy giờ con rồng thấy sự việc như vậy rồ, thì tâm vô cùng kinh sợ lông vảy dựng đứng, chắp tay hướng về Sa-già-đà nói: Tôi quy y ông.
Sa-già-đà trả lời rằng: Ông đừng quy y ta, nên quy y Đức Phật là Thầy của ta.
Con rồng trả lời rằng: Tôi từ nay quy y Tam bảo, chứng minh cho tôi suốt đời làm đệ tử Ưu-bà-tắc của Phật.
Con rồng này thọ ba pháp tự quy y làm đệ tử Phật rồi, không trở lại gây ra những điều hung ác như trước nữa, mọi người và chim thú đều đến được chỗ của nó, hoa màu đến ngày thu hoạch không bị tổn hại, thanh danh truyền khắp nơi các nước, tất cả đều biết Trưởng lão Sa-già-đà có năng lực hàng phục con rồng hung ác, thuyết phục làm cho tốt lành.
*
Bởi vì thanh danh của Sa-già-đà truyền khắp mọi nơi, cho nên mọi người đều làm thức ăn truyền nhau tranh giành mời thỉnh. Trong đó có một người nữ nghèo túng, cung kính tin tưởng thỉnh mời được Sa-già-đà, người nữ này làm đầy đủ các món ăn bơ sữa nấu nhừ. Người nữa dấy lên ý nghĩ tư duy rằng: Sa môn này ăn món bơ sữa nấu nhưa ấy, có lẽ sẽ phát ra cảm giác lạnh. Liền lấy rượu màu sắc tựa như nước mang đến cho Sa-già-đà.
Sa-già-đà không nhìn xem liền uống, uống rồi thuyết pháp cho người nữ, sau đó ra về tiện đường đi qua hướng vào trong chùa, bấy giờ tác dụng của rượu đúng lúc phát sinh, đến gần bên cổng chùa không còn tỉnh táo mà ngã nhừ xuống đất, y Tăng già lê – đẫy lọc nước- bình bát-tích trượng…, mỗi thứ nằm một nơi, thân nằm một nơi, say mèm không còn biết gì nữa.
Đức Phật cùng A-nan, đi đến chỗ ấy, trông thấy Tỳ kheo này, biết mà cố ý hỏi: Này A-nan! Đây là người nào? A-nan thưa rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Đây là Trưởng lão Sa-già-đà. Đức Phật liền bảo với A-nan: Trải chỗ ngồi chuẩn bị nước tập trung Tăng tại nơi này cho Ta. A-nan vâng lời trải chỗ ngồi chuẩn bị nước tập trung Tăng xong, thưa với Đức Phật rằng: Tăng đã tập trung.
*
Đức Phật tự biết đến lúc, Ngài liền sửa chân an tọa rồi hỏi các Tỳ kheo: Các ông đã từng nghe thấy, có con rồng tên là Am-bà-la-đề-đà, hung bạo độc ác làm hại vô cùng, trước đây không có người nào đến được nơi ở của nó, ngay cả loài chim thú cũng không có cách nào đến đó, dù là bay qua phía trên, hoa màu đã chín đến lúc thu hoạch thì bị phá hủy tất cả, Sa-già-đà có năng lực thuyết phục làm cho trở thành tốt đẹp, chim thú có thể đến trước dòng suối. Trong đó có người nghe thấy liền nói nghe thấy sự việc này.
Đức Phật bảo với các Tỳ kheo: Ý các ông nghĩ thế nào? Người thiện nam Sa-già-đà này, bây giờ có thể làm cho cóc nhái khuất phục hay không?
Đại chúng thưa rằng: Không thể nào.
Đức Phật dạy: Thánh nhân uống rượu hãy còn lỗi lầm như vậy, huống là phàm phu ư? Sai lầm tội lỗi như vậy đều do uống rượu; từ nay về sau, nếu ai nói mình là đệ tử của Phật, thì không được uống rượu, thậm chí một giọt nhỏ dầu ngọn cỏ cũng không được uống.
Đức Phật chỉ trích các loại sai lầm do uống rượu xong, y theo luật vì vậy chế giới Tỳ kheo không được uống rượu.”
Tác hại của rượu bia: Người học Phật được phép dùng rượu trong trường hợp nào
Hỏi: Không có bệnh mà uống rượu thì mang tội, có bệnh cho phép uống hay không?
Đáp: Dựa vào luật Tứ Phần, thật sự bệnh mà thuốc khác chữa trị không khỏi, lấy rượu làm thuốc chữa thì không phạm.
Hỏi: Cho phép uống bao nhiêu?
Đáp: Dựa vào kinh Văn Thù Sư Lợi Vấn nói: “nếu hợp với thuốc do thầy thuốc đã nói, nhiều loại thuốc hòa với nhau, rượu ít thuốc nhiều thì được sử dụng”.
Còn trong kinh Xá-lợi-phất Vấn: “Xá-lợi-phất thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Vì sao Thế Tôn thuyết pháp ngăn đạo, không được uống rượu dù nhỏ bằng hạt Đình Lịch, nếu uống thì gọi là phá giới, mở toang cánh cửa phóng dật? Tại sao trong tinh xá Trúc Lâm-Ca Lam Đà có một Tỳ kheo, bệnh tật nhiều năm nguy cấp gần chết, lúc ấy Ưu-ba-ly hỏi rằng: Ông cần loại thuốc gì, tôi sẽ lên trời-giữa cõi người cho đến mười phương tìm cho ông, tất cả những gì nên sử dụng thì tôi đều lấy cho ông?
Đáp rằng: Thuốc mà tôi cần thì trái với Tỳ Ni, cho nên tôi không kiếm làm gì, vì vậy mới đến nỗi này, thà rằng chấm dứt thân mạng chứ không cho phép phạm luật.
Ưu-ba-ly nói: Thuốc ông cần là gì?
Đáp rằng: Cần năm thăng rượu.
Ưu-ba-ly nói: Nếu là bệnh thì cho phép, Như Lai đã đồng ý.
Thế là giúp người bệnh xin được rượu, uống vào dần dần khỏi bệnh.
*
Khỏi bệnh rồi ôm lòng hổ thẹn, vẫn nói là phạm luật. Liền đi đến nơi Đức Phật, thiết tha hối hận về lỗi lầm của mình, Đức Phật thuyết pháp cho nghe, nghe xong hoan hỷ đạt được quả vị La Hán, là thế nào?
Đức Phật dạy: Rượu có nhiều sai lầm, mở toang cánh cửa phóng dật, dù uống chỉ ít như hạt Đình Lịch nhưng tội đã phạm tích tụ lại, thì vẫn nhận chịu tội báo. Nếu làm tiêu tan bệnh hoạn khốn khổ thì không phải như trước đã ngăn cấm.”
Lời bàn: Không được thấy văn trước mở ra chung tất cả mà cứ uống, nhất định phải thật sự bệnh nặng khốn đốn có nguy cơ mất mạng, trước đã dùng các loại thuốc khác chữa trị đều không khỏi, nếu cần phải có rượu hòa vào mới có thể chữa khỏi, thì dựa theo trước mới khai ra.
Gần đây thấy người không có hiểu biết, thân thể sức lực cường tráng ngày ngày rong ruổi khắp nơi, không theo các oai nghi, có chút bệnh hoạn nhỏ bé, liền sinh ra tâm lý tham lam, không giữ gìn đạo nghiệp, ngông cuồng dẫn ra kinh luật nói rằng: Phật khai mở các loại thuốc thang-y phục tốt đẹp quý giá đều cúng dường Phật và Tăng. Dựa vào cái chung thỏa mãn riêng mình lừa gạt dối trá đạo-tục. Vì vậy cho nên người trí nên giữ giới như giữ mạng sống, không dám vi phạm!
Khai mở giới Không uống rượu theo Quyền giáo
Đây là giáo pháp Nhất Thừa, có “Quyền” thì khuyên răn dạy bảo dần dần; lấy nhẹ bỏ nặng, bắt đầu mở ra không phạm. Dựa vào lý ngăn cách ấy thì không phải là không có lỗi lầm. Nếu dựa theo “Thật giáo” thì nhẹ hay nặng đều ngăn cấm; đầu đuôi không vi phạm, thì gọi là trì giới.
Theo kinh Vị Tằng Hữu: “Lúc bấy giờ Thái Tử Kỳ Đà, nghe Đức Phật đã thuyết về nhân quả vô cùng tận của mười thiện đạo, liền quỳ thưa với Đức Phật rằng: Trước đây Đức Phật bảo con thọ trì năm giới, nay muốn xả giới. Tại sao như vậy? Bởi vì trong năm giới pháp thì giới không uống rượu thật là khó giữ. Con sợ mang tội nên xin xả.
Đức Phật bảo: Lúc ông uống rượu làm điều ác gì chăng?
Kỳ Đà thưa: Cường hào trong nước, luôn tụ tập nhau ôm rượu mang thức ăn. Cùng nhau vui đùa cho vui vẻ, tự nhiên không có gì xấu ác. Tại vì sao? Bởi vì có được rượu nghĩ đến giới không làm gì phóng túng. Vì vậy uống rượu mà không làm điều ác.
*
Đức Phật dạy: Khéo thay, khéo thay! Kỳ Đà! Nay ông đã có được trí tuệ phương tiện. Nếu người thế gian có thể được như ông, thì suốt đời uống rượu có gì xấu ác chăng? Người thực hành như vậy, mới thích hợp phát sinh phước thiện mà không có tội lỗi. Nếu người uống rượu không gây ác nghiệp, tâm hoan hỷ không dấy khởi phiền não; do nhân duyên của tâm thiện mà cảm thọ quả báo thiện. Như vậy giữ năm giới có mất gì đâu? Uống rượu nghĩ đến giới càng thêm phước thiện; trước đã giữ năm giới thọ mười thiện, công đức gấp bội lại được báo ứng mười thiện.”
Lúc ấy vua Ba Tư Nặc thưa với Đức Phật rằng: Thưa Đức Thế Tôn! Như Đức Phật đã thuyết, lúc tâm hoan hỷ không dấy khởi phiền não; do nhân duyên của tâm thiện mà cảm thọ quả báo thiện. Như vậy giữ năm giới có mất gì đâu? Uống rượu nghĩ đến giới càng thêm phước thiện; trước đã giữ năm giới nay thọ mười thiện, công đức gấp bội lại được báo ứng mười thiện.”
Lúc ấy vua Ba Tư Nặc thưa với Đức Phật: Thưa Đức Thế Tôn! Như Đức Phật đã thuyết, lúc tâm hoan hỷ không gây ra ác nghiệp thì gọi là thiện hữu lậu, điều này không phải như vậy. Tại vì sao? Bởi vì lúc người ta uống rượu thì tâm hoan hỷ; tâm hoan hỷ cho nên không dấy khởi phiền não; không có phiền não cho nên không làm não hại; không hại đến vật cho nên ba nghiệp được thanh tịnh; đạo thanh tịnh chính là nghiệp vô lậu.
*
Thưa Đức Thế Tôn! Con nhớ lại trước đây đi khắp nơi săn bắn. Một hôm vui chơi quên dẫn theo người đầu bếp. Khi vào trong núi sâu thấy đói gọi lấy thức ăn, tùy tùng trả lời rằng: Lúc sáng sớm nhà vua ra đi không lệnh truyền mang theo người đầu bếp. Cho nên bây giờ không có thức ăn. Con liền thúc ngựa trở về cung truyền lệnh lấy thức ăn. Người đầu bếp của Vương gia tên là Tu-ca-la thưa rằng: Bây giờ không có sẵn thức ăn, nhà vua chịu khó chờ làm.
Lúc ấy con bị cơn đói bức bách liền nổi giận ra lệnh cho quan chém chết người đầu bếp. Các quan bị vua ra lệnh liền cùng nhau bàn tính rằng: Tuyển chọn khắp trong nước chỉ có người này làm bếp giỏi. Nếu bây giờ giết đi thì không có ai nấu nướng hợp với ý nhà vua.
Lúc ấy Phu nhân Mạt Lợi nghe nhà vua ra lệnh giết Tu-ca-la, trong lòng thật vô cùng thương xót. Biết nhà vua đói bụng mệt mỏi, liền bày thịt ngon rượu ngọt, trang điểm thân thể đẹp đẽ, dẫn theo các kỹ nữ đi đến chỗ con. Con trông thấy Phu nhân xinh đẹp, dẫn theo các kỹ nữ mang rượu thịt ngon lành đến, tâm sân liền dừng lại.
*
Tại vì sao? Bởi vì Phu nhân Mạt Lợi giữ năm giới, đoạn tuyệt với rượu không uống, tâm con thường hối tiếc. Hôm nay bỗng nhiên lại mang rượu thịt đến nên liền nhau uống rượu ăn thịt; làm nhiều trò vui ca hát khiến cho vô cùng hoan hỷ, tâm giận dữ liền diệt đi. Phu nhân biết ý con quên mất giận dữ, liền sai Hoàng môn truyền lệnh của con, khiến các quan bên ngoài đừng giết người đầu bếp.
Sáng hôm sau, con hết sức hối hận tự trách mình, ưu sầu bỏ ăn, sắc mặt tiều tụy.
Phu nhân hỏi con: Vì sao ưu sầu, có điều gì lo lắng hay sao?
Con nói rằng: Bởi vì hôm qua Ta bị cơn đói bức bách, tâm giận giữ nóng nảy cho nên giết Tu-ca-la. Vì lý do này mà hối hận ưu sầu thôi.
Phu nhân cười nói: Người ấy hãy còn sống, mong nhà vua chớ ưu sầu!
Con hỏi lại: Thật sự là như vậy, hay là lời nói đùa vậy?
Phu nhân đáp rằng: Thật sự còn sống chứ không phải nói đùa đâu!
Con lệnh cho tùy tùng gọi người đầu bếp đến. Sứ giả đi gọi, chốc lát dẫn đến, con vô cùng hoan hỷ, ưu sầu hối hận lập tức không còn.
*
Nhà vua thưa với Đức Phật rằng: Phu nhân Mạt Lợi giữ năm giới của Phật, hằng tháng thực hành sáu ngày trai. Trong một ngày giữ trọn vẹn năm giới, đã phạm vào 2 giới uống rượu và nói dối; trong 8 trai giới phạm vào sáu giới, việc này thế nào, đã phạm giới thì tội nhẹ hay nặng?
Đức Thế Tôn đáp: Phạm giới như vậy, cảm được công đức to lớn chứ không có tội. Tại vì sao? Bởi vì làm lợi ích cho người. Như Ta đã nói trước đây, Phu nhân tu thiện gồm có hai loại: 1- Thiện hữu lậu; 2-Thiện vô lậu. Phu nhân Mạt Lợi đã phạm giới ấy thì thuộc về thiện hữu lậu, không phạm giới thì gọi là thiện vô lậu. Dựa vào lời nói mà bàn, thì phá giới mà tu thiện gọi là thiện hữu lậu. Dựa vào ý nghĩa mà nói, thì tất cả các tâm khởi thiện đều là nghiệp vô lậu.
Nhà vua thưa với Đức Phật: Như Đức Thế Tôn giảng dạy, Phu nhân Mạt Lợi uống rượu phá giới nhưng không khởi ác tâm mà lại có công đức chứ không có tội báo. Vậy thì tất cả nhân dân cũng đều như vậy. Tại vì sao? Bởi vì con nhớ gần đây trong thành Xá vệ có những Vương công-Sát lợi thuộc dòng dõi lớn. Họ vì một chút tranh chấp mà dẫn đến oán thù. Mỗi bên đều kết lại tìm cách phát động chiến tranh chinh phạt lẫn nhau.
*
Hai bên đều là hoàng thân quốc thích, không thích hợp để bắt bớ giam cầm; cũng không thuận theo lý để can ngăn, thật là vô cùng buồn lòng. Lại tự nghĩ rằng: Lúc xưa Thái Tử cùng Đại thần Đề Vy la giận nhau, tình thế quả thật không thể phân cách. Vì vậy Thái Hậu ban rượu cho uống rồi tình thế hòa thuận. Suy nghĩ như vậy rồi lệnh cho cận thần bày biện rượu ngon và các thức ăn quý lạ; lại sai người truyền lệnh cho các dòng tộc lớn-quan lại-quân dân trong nước tập trung để bàn việc nước.
Các quan cạnh tranh lẫn nhau, quyến thuộc đôi bên đều có năm trăm người, thuận theo chiếu thư đến tập trung. Ở trên cung điện nhà vua lệnh cho bưng bát lưu ly ra, bát chứa được 3 thăng, trong những bát quý chứa đầy rượu ngon. Con ở trước mọi người uống cạn một bát đầu tiên, ba lần nói rằng: Nay bàn luận về việc nước, mong rằng không ai có tâm niệm gì khác. Trước mắt mỗi người uống một bát thuốc tốt với vị cam lộ này rồi sau đó sẽ bàn luận công việc.
Tất cả đều nói: Dạ, đồng ý!
Lúc ấy các loại âm thanh nhạc cụ trỗi lên. Mọi người được uống rượu và nghe âm nhạc, trong lòng vui sướng quên hết thù hận. Nhờ rượu chấm dứt tranh chấp mà được thái bình, như vậy lẽ nào không phải là công lao của rượu hay sao?
*
Trộm nhìn người mọi rợ man di, hầu hạ sai khiến, tôi tớ ở nhờ, ti tiện bỉ ổi, nghèo thiếu hết mức ở thế gian; hoặc vào dịp lễ tết, hoặc ở tại quán rượu, tụ hội uống rượu, tâm tư vui sướng; không cần người ta chỉ bảo, tất cả đều đứng dậy nhảy múa. Lúc chưa có được rượu, cũng không có việc này. Vì vậy nên biết, người ta nhờ uống rượu thì khiến cho vui sướng; lúc tâm vui sướng thì không dấy khởi ác niệm; không dấy khởi ác niệm thì chính là tâm thiện; do nhân duyên của tâm thiện mà cảm thọ quả báo thiện. Loài vượn khỉ có được rượu hãy còn có thể đứng dậy nhảy múa, huống là đối với người thế gian ư?
Như Đức Thế Tôn giảng dạy thì làm điều thiện được quả báo thiện – làm điều ác mang quả báo ác. Phu nhân Mạt Lợi đều nhờ thân đời trước làm điều tốt giúp cho người, vì vậy nay cảm được quả báo tốt đẹp. Thưa Đức Thế Tôn! Tại sao khiến giữ năm giới, hằng tháng thực hành sáu ngày trai? Tại sao trong sáu ngày trai không được dùng hoa hương trang nghiêm, không quần áo đẹp đẽ, không ngâm nga ca hát? Sao lại không cho phép thể hiện dung mạo yêu thích gần gũi với chồng?
*
Đức Phật bảo với nhà vua: Những điều Đại Vương chất vấn đều là đúng như vậy. Phu nhân Mạt Lợi lúc còn trẻ tuổi; nếu Ta không khuyên nhủ thọ giới pháp, tu trí tuệ, thì làm sao có được đức hạnh như hôm nay, để có thể độ được mình lại còn độ cho thân nhà vua? Công lao như vậy lại thuộc về ai?”
Lời bàn: Đây là phần thứ hai dựa theo Thật giáo mà nói, nhẹ hay nặng đều không phạm, thì thực sự gọi là trì giới. Do đó bậc Đại Thánh biết rõ thời gian tùy theo căn cơ thông suốt-bế tắc; thông suốt thì mở ra điều cấm, thường xuyên lường tính trước những tổn hại-lợi ích. Như vua Ba-tư-nặc muốn giết người đầu bếp – Thái Tử A-xà-thế muốn hại đến cha mình. Đây đều là nhờ rượu mà quên giận, giữ vẹn được thân không phạm tội lỗi to lớn; lấy nhẹ trừ bỏ nặng không nhận chịu tai ương lụy đến nhiều kiếp.
Nhưng không phải là không có lỗi của uống rượu nhận lấy tội báo của đời sau. Không được thấy trước có mở ra thì lập tức lạm dụng vào tất cả. Mọi việc nên phải tùy theo ý của giáo pháp để thực hành; lại tự kiểm điểm bản thân mình có đức hạnh tốt hay xấu; có thể dự vào hàng Thánh nhân hay không? Vua Ba Tư Nặc và Phu nhân Mạt Lợi mở ra điều cấm đã không giống nhau; vậy thì cần phải dựa vào kinh mảy may đừng phạm, là thù thắng nhất.
( Tác hại của rượu bia – Theo Pháp Uyển Châu Lâm )
Tuệ Tâm 2022.
Lê viết
Dạ.Thưa Tuệ Tâm,ngày nay rất nhiều người uống rượu bia để vui.Ba con uống bia rất nhiều,con cảm nhận thấy âm khí nặng nề.Con chỉ nên niệm Phật thôi phải không ạ.Xin Tuệ Tâm cho con lời khuyên
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.
Đúng vậy bạn ạ.