Bình nghĩa là bằng, là ngang nhau không cao, không thấp, không trên không dưới; đẳng là sắp hạng, là cấp bậc. Như thế, Bình đẳng là sắp ngang nhau, là xem như nhau, không thấy có cái này cao, cái kia thấp, không thiên vị hạng người này, trừ bỏ hạng người kia. Ví như Bình đẳng giới, nghĩa là không phân biệt giới tính là nam hay nữ, thảy đều là chúng sanh, mà chúng sanh thì vạn sự đều đồng như nhau không sai khác, không phân biệt cao thấp, sang hèn hay trí ngu.
Tại sao lại như thế? Bởi chúng sanh đều có Phật tánh, chỉ bởi nghiệp thiện ác sai biệt mà chiêu cảm nên cái hình sắc ở bên ngoài. Vậy nên, người học Phật cần nuôi dưỡng tánh bình đẳng, xem ta với chúng sanh đồng như nhau chẳng khác. Người còn chấp vào Pháp cao, pháp thấp, sang hèn, trí ngu, thiện ác…thì như chư Tổ dạy: “Cách với Đạo rất xa!”
Tánh bình đẳng trong Phật Pháp là một tánh bình đẳng tuyệt đối. Bình đẳng xét ngay từ trong thể tánh của vũ trụ, ngay từ trong cội gốc của cuộc đời là sự sống: Mọi sự sống bất luận dưới hình thức nào đều có giá trị ngang nhau, đều được tôn trọng như nhau; Mọi sinh vật, tất cả chúng sinh, đều có Phật tánh và đều có thể thành Phật.
- Thập thiện nghiệp đạo là gì.
- Bố thí là gì.
- Trì giới là gì.
- Nhẫn nhục là gì.
- Hội Long Hoa là gì.
- Sự thật về hạn Tam tai.
Luận về Bình Đẳng
Chúng ta thường nghe nói đến bình đẳng ở ngoài đời. Cách mạng Pháp 1789 nêu cao khẩu hiệu: “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, và quyết tâm thực hiện cho được ba điểm ấy. Những nhà cách mạng cho ba lý tưởng đẹp đẽ nhất của loài người. Ba lý tưởng ấy cho đến ngày nay, nhân loại vẫn chưa thực hiện được.
Riêng về phương diện bình đẳng, chúng ta phải lấy làm buồn rầu mà tuyên bố rằng: Nhân loại còn xa mục tiêu ấy quá! Hiện nay, trong nhiều xã hội, vấn đề bất bình đẳng dựa lên huyết thống, quyền lợi vẫn còn tồn tại. Trong nhiều nước, vấn đề kỳ thị chủng tộc, chia rẽ màu da, vẫn chưa được giải quyết xong. Nội một vấn đề nhỏ như Bình đẳng giới thôi còn chưa xong được lấy một phần, nói chi chi đến những bình đẳng khác!
*
Nhưng một ngày kia dầu cho nhân loại có thực hiện lý tưởng ở trên, thì cái bình đẳng ấy đem so với cái bình đẳng của Phật cũng còn hẹp hòi, cũng còn bất bình đẳng. Cái bình đẳng ấy chỉ là bình đẳng trong phạm vi loài người, áp dụng cho loài người; Chứ không có bình đẳng chung cho muôn vật, áp dụng cho toàn thể chúng sanh như bình đẳng của Phật.
Đối với Phật, thì muôn vật và người, người và Phật đều bình đẳng như nhau, vì mọi loài đều cùng chung một cái luật: Luật nhân quả. Không một loài nào được hưởng ân huệ riêng, cũng không một loài nào bị thiệt thòi riêng. Hễ ai tạo nhân lành thì được quả đẹp, ai tạo nhân ác thì chịu quả xấu. Chúng sanh nào nhiều tham dục, sân hận, si mê thì bị sống trong cảnh giới đen tối khổ sở; chúng sanh nào cõi lòng trong sạch chất chứa từ bi, có trí tuệ… thì sống trong cảnh giới sáng sủa, an vui…
Công năng của tánh bình đẳng
Tánh bình đẳng chung cùng, rộng rãi, sâu xa ấy, đã tạo cho cõi đời không biết bao nhiêu là kết quả quý báu. Làm cho mọi người được đặt ngang hàng nhau; mọi giai cấp trong xã hội được san bằng, mọi bất công được tiêu trừ; mọi áp chế dựa lên huyết thống, màu da, chủng tộc, quốc độ được ngăn chặn.
Tánh bình đẳng ấy làm cho những người ở trong địa vị tối tăm, thấp kém thêm nhiều tin tưởng ở ngày mai, thêm nhiều hăng hái trong công việc cải tạo hoành cảnh của mình; Trái lại, nó làm cho những người ở địa vị cao sang, quyền quý bớt tánh tự cao tự đại; bớt tánh ỷ lại vào giai cấp của mình. Nó làm cho mọi người giàu cũng như nghèo, sang cũng như hèn, gần gũi, thông cảm với nhau hơn. Bớt oán nhau, bớt khinh nhau, biết tôn trọng nhân phẩm của nhau, quyền sống của nhau.
Do sự bình đẳng trong từ bi, trong sự sống, trong Phật tánh, loài người biết yêu thương loài vật hơn. Không thấy mình có độc quyền giết hại sinh vật. Không có cái tự cao tự đại, cho rằng muôn vật sinh ra là để phụng sự cho mình, để sống, chết cho mình. Hơn nữa, việc khi đặt chúng sinh và Phật ngang nhau, đã tạo cho loài người một lòng tin vô bờ bến ở khả năng thành Phật của mình và lòng hăng hái trong công việc Phật hóa ấy.
Sự Bình đẳng trong giáo lý của đức Phật
Đức Phật là người đầu tiên trong nhân loại đã phản kháng chế độ giai cấp và đã phá đổ thành trì chia cách dân tộc Ấ Độ ra làm bốn giai cấp: Bà la môn, Sát đế ly, Tỳ xá già và Chiên đà la. Chính Đức Thích Ca trong khi tìm đạo, đã nói với một người chăn cừu như thế nầy: “Mỗi người sinh ra không mang sẵn dấu “Tin Ca” (dấu riêng của hạng quý phái) trên trán; không mang sẵn giai cấp trong dòng máu cùng đỏ và trong nước mắt cùng mặn như nhau”.
“Một người sinh ra không phải liền thành Bà la môn hay Chiên đà la (dòng hạ tiện). Mà chính vì sở hành người ấy tạo thành một người Chiên đà la hay Bà la môn.
Trong Giáo hội của Ngài, cũng như trong công cuộc giáo hóa chúng sinh;Đức Phật không bỏ một ai, dù la hạng nghèo khổ, hạ tiện như người gánh phân; không thiên vị một ai, dù đó là một vị Đế vương oai phong lẫm liệt. Kinh Đại Niết bàn đã tán thán tánh bình đẳng của Đức Phật như sau:
*
“Đức Như Lai không những chỉ thuyết pháp cho các hạng người quyền quý như vua Bạt-đề-ca; mà cũng thuyết pháp cho hạng người bần cùng như ông Ưa-bà-ly; Không riêng thọ lãnh sự cúng dường của những người giàu có như Ông Tu-đạt-Đa, mà cũng thọ lãnh sự cúng dường của hạng người nghèo khổ như ông Thuần Đà; Không riêng cho phép các hạng không có tánh tham gia như Ngài Ca Diếp xuất gia, mà cũng cho phép được xuất gia những người nhiều tánh tham như ông Nan Đà.
Không những thuyết pháp cho hạng người an tịnh không dự việc đời, mà cũng thuyết pháp cho vua Tần Ba Ta La trong lúc đang lo việc nước. Không những thuyết pháp cho hạng thanh niên 25 tuổi mà cũng thuyết pháp cho ông già 80 tuổi; không những thuyết pháp cho ba Hoàng hậu Mạt Ly mà cũng thuyết pháp cho dâm nữ Liên Hoa”.
Trong sinh thời của Đức Phật, mặc dù đã đạt đến một địa vị Vô thượng Cháng đẳng Chánh giác, được toàn thể người đời, từ giai cấp hạ tiện đến giai cấp vua chúa, tăng lũ sùng mộ bái phục; Thế mà Ngài vẫn khoác chiếc áo vá trăm mảnh, mang bình bát đi khất thực hết nhà này đến nhà khác, như bao nhiêu đệ tử của Ngài, đi đâu về cũng tự múc nước rửa chân lấy. Gia tài của Ngài cũng chỉ vỏn vẹn có 8 món đồ cần thiết như những đệ tử của Ngài: Cái quạt để che đầu, hai bộ y, cái gậy, đôi dép, cái dao cạo, bình bát, cái lưới lọc nước, cây kim may.
*
Dựa lên tinh thần bình đẳng tuyệt đối ấy, Đức Phật đã chế ra cho các vị Tăng già một lối sống hoàn toàn là bình đẳng, mà ngày nay trong các xã hội tư xưng là bình đẳng nhất cũng không thể theo kịp. Đó là lối sống lục hòa: Cùng ở trong một hoàn cảnh như nhau; cùng chia những quyền lợi đồng đều như nhau; cùng nói những lời hòa nhã như nhau; cùng giữ những giới luật như nhau; cùng giải bày những cái thấy nghe, hay biết cho nhau; cùng duyệt xét phê bình những tình ý của nhau trong sự ôn hòa, thông cảm.
Đức tánh cao quý ấy đã được truyền dạy qua các đệ tử của Ngài và đã cảm hóa họ một cách sâu xa. Cho nên họ cũng có những cử chỉ và lời nói đẹp đẽ chẳng khác gì cử chỉ lời dạy của Đức Bổn Sư Thích Ca.
*
Ông A Nan, một hôm đến xin nước của một thiếu nữ dòng Chiên đà la. Người nầy thưa: “Thưa Ngài hãy tránh ra, vì con là dòng họ Chiên đà la”.
Ông A Nan trả lời: “Tôi đến đây xin nước uống, tôi không xin giai cấp!”
Vua A Dục đã trả lời cho một vị đại thần, khi vị nầy ngăn cản Vua không cho Vua đảnh lễ các vị Tỳ-kheo: “Nếu lấy huệ nhãn của Phật mà xem xét thân thể, thời biết thân ông vua và thân mọi người giống nhau. Cũng là da, thịt, xương, khác nhau chỉ có cái phù hoa bề ngoài. Nhưng cốt yếu ở đời là lòng đạo đức. Về phương diện này thì trong thân người hèn hạ nhất ở đời cũng có thể có. Chính lòng đạo đức ấy, người có trí, gặp đâu cũng phải tôn trọng, vái lạy”.
Nuôi dưỡng tánh bình đẳng như thế nào
Mỗi người đều có sẵn Phật tánh, tất nhiên cũng đã có sẵn cái mầm bình đẳng của Phật. Nhưng cái mầm ấy đã bị vùi sâu dưới bao nhiêu lớp bất công, bất bình đẳng; dưới bao nhiêu giai cấp, tập quán, thành kiến của xã hội.
Từ xưa đến nay nhân loại đã dựa trên quyền lợi, tài trí, để là tiêu chuẩn phân định từng bực, thứ lớp trong xã hội: Người giàu, người có tài trí, người thuộc dòng quý phái thường thấy: Mình có quyền đứng cao hơn kẻ khác; được hưởng quyền lợi nhiều hơn kẻ khác; có quyền bắt kẻ dưới phải phục dịch cho mình; có quyền khinh bỉ những ai không được như mình…
Tiêu chuẩn ấy làm cho xã hội chia rẽ, bất an. Nó khiến người trên khinh kẻ dưới, người dưới oán kẻ trên; người mạnh hiếp kẻ yếu, người yếu thù kẻ mạnh. Muốn cải thiện xã hội, phải đặt tiêu chuẩn lên đạo đức; phải lấy tinh thần bình đẳng của Phật giáo làm nồng cốt trong đời sống xã hội.
*
Trước tiên, người Phật tử phải nêu cao gương sáng: Phải thương yêu tất cả mọi người, đừng phân biệt thân sơ, cao hạ; Đừng thấy giàu sang mà trọng, nghèo hèn mà khinh; Đừng bợ đỡ kẻ quyền quý, đừng dẫm đạp kẻ thế cô. Đến chùa, chỉ nên thấy mọi người là Phật tử như mình, là đạo hữu; không thấy chức tước, giàu sang hay nghèo hèn của họ. Ai có đạo đức, có tu hành, thì đều được kính trọng như nhau.
Ưu Bà Ly xuất thân là một kẻ gánh phân, thế mà vẫn được Đức Phật nhận vào đại chúng. Ngài được vua chúa đương thời kính lạy nhiều vì đạo đức của Ngài cao tột.
Ngoài xã hội, chúng ta cũng áp dụng tinh thần bình đẳng ấy. Mọi người, mặc dù ở địa vị nào đều là người, nghĩa là đều có nhân phẩm, đều được trọng. Nhưng ai có đạo đức, biết giúp ích xã hội, biết dẹp lòng vị kỷ, biết yêu đồng loại, biết hy sinh vì nghĩa vụ…Những người ấy đều đáng được chúng ta kính mến, dù họ ở trong hoàn cảnh nào, từng lớp xã hội nào.
Riêng ta đối với ta, đừng bao giờ tự cho là quan trọng hơn người, cao hơn người. Đừng yêu cầu ta phải được săn sóc, chiều chuộng hơn người.
*
Trong giai đoạn đầu: Phải đặt ta ngang hàng với bao nhiêu “cái ta” khác ở chung quanh. Dần dần, phải tập xóa nhòa biên giới giữa ta và những cái ta khác trong nhơn loại; không thấy có cái ta nào là đáng quý hơn cái ta nào.
Trong giai đoạn thứ hai: Phải tập xóa nhòa biên giới giữa cái “ta là người” với những cái ta là của chúng sanh. Đừng thấy cái ta của giống người cao hơn cái ta của chúng sanh. Đừng thấy cái ta nào là đáng quý hơn cái ta nào.
Trong giai đoạn thứ ba: Phải tập xóa nhòa cái quan niệm “ta là chúng sanh”. Ta chỉ nên thấy ta là một sự sống, ta có một sự sống.
Trong giai đoạn thứ tư: Phải tập xóa nhòa biên giới giữa sự sống của ta và sống không của ta. Đừng thấy có cái sống riêng biệt, mà chỉ thấy có cái Sống chung cùng, toàn thể. Trong ấy cái sống của ta chan hòa, đồng hòa với tất cả.
Làm như thế là dưỡng “tánh bình đẳng” của Phật, mà mỗi chúng ta đều sẵn có ở trạng thái tiềm tàng trong ta.
(Bình Đẳng là gì – Theo Hòa Thượng Thích Thiện Hoa)
Tuệ Tâm 2021.
Để lại một bình luận