Bố thí là cho những gì mình có, mình biết, để lợi lạc cho chúng sanh. Đây là hạnh tu hàng đầu trong “Lục Độ Ba La Mật”, gồm có: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ. Đây cũng là hạnh tu hàng đầu trong “Tứ Nhiếp Pháp”, gồm có: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Bố thí có ba loại: Tài thí( Bố thí tiền bạc), pháp thí( Bố thí phật pháp), vô úy thí( Giúp người không sợ hãi). Dùng tâm thành từ bi giúp người, cho dù bố thí rất nhỏ cũng có phúc báo lớn. Kẻ được giàu sang là do gieo nhân bố thí. Nhưng công đức bố thí không phải là độc quyền của người giàu, công đức không quyết định nơi tiền của nhiều ít, mà ở chỗ phát tâm. Cho nên chiếu theo điều trên, kẻ nghèo hèn vẫn có thể bố thí tu phúc.
- Cách đi lễ Chùa đúng pháp..
- Cách hồi hướng công đức.
- Cách niệm Phật tại nhà.
- Cách thay đổi vận mệnh
- Âm đức là gì.
- 10 chuyện Tâm linh có thật.
- Trùng Tang, là thật hay cú lừa thế kỷ nhân danh tâm linh
- Bố thí là gì
Miễn cưỡng Bố Thí: Có quả báo tốt đẹp nhưng không thể thụ hưởng
Một số người tuy có lụa là gấm vóc chất đầy trong rương, nhưng trên thân thể chẳng qua chỉ khoác lên đôi ba mảnh vải thô xấu; có vàng ngọc châu báu chứa đầy trong tủ, nhưng miếng ăn hằng ngày chẳng qua cũng chỉ dùng những món hơn kẻ bần hàn đôi chút, cho rằng như thế là an nhàn; lại ưa thích những việc làm lụng cực nhọc, cho đó là thích thú, khoái lạc.
Những người như thế, chỉ thấy họ suốt ngày ưu tư phiền muộn; rõ ràng có được phước báo tốt đẹp nhưng không thể hưởng dụng như người khác. Đó là do đời trước tuy làm việc bố thí nhưng không phát tâm chí thành, hoan hỷ; chỉ do có người khuyến khích, khuyên bảo nên mới miễn cưỡng mà bố thí. Hoặc nếu không phải thế thì là sau khi bố thí lại sinh tâm tiếc nuối, hối tiếc việc đã làm.
Không tự làm Bố Thí: Được thụ hưởng nhưng không có quả báo tốt đẹp
Có những người gia cảnh bần hàn, nhưng thường được sống trong nhà cao cửa rộng của người khác; bữa ăn ở nhà mình thì canh rau qua bữa, nhưng lại thường được dùng những món sơn hào hải vị do người khác chiêu đãi. Người như thế tuy được hưởng thụ nhưng không gọi là có phước báo. Đó là do đời trước không tự mình làm việc bố thí, chỉ biết khuyên bảo, khuyến khích người khác làm việc phước thiện; hoặc do khi nhìn thấy người khác làm việc bố thí liền sinh tâm hoan hỷ, ngợi khen tán thán.
Bố Thí xong sanh tâm hối tiếc: Trước giàu sau nghèo
Kinh Nghiệp báo sai biệt dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước nghe theo lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí, sau lại sinh tâm hối tiếc; do nhân duyên như thế, người ấy đời sau sẽ được giàu có một thời gian, nhưng sau đó lại phải chịu cảnh bần hàn.”
Bố Thí sanh tâm hoan hỉ: Luận về giàu sang phú quý: Trước nghèo sau giàu
Kinh văn cũng dạy rằng: “Lại nữa, nếu có chúng sinh nào, do nghe lời khuyên của người khác mà làm việc bố thí nhỏ nhoi, nhưng sau khi bố thí rồi sinh tâm hoan hỷ. Người ấy đời sau sinh ra làm người, trước chịu nghèo khổ nhưng sau được giàu có.”
Bố Thí cúng dường khiến Tăng nhọc sức: Giàu có nhưng phải lao nhọc
Giàu có là nhờ gieo nhân giàu có; nhưng phải lao lực khổ nhọc cũng là do gieo nhân lao khổ. Như trong kinh dạy rằng: “Người cúng dường trai tăng ắt sẽ được giàu có vô hạn, ấy là lẽ tất nhiên. Tuy nhiên, nếu có người thỉnh chư tăng đến nhà mình để cúng dường, khiến cho chư tăng phải nhọc sức đi lại vất vả, rồi sau mới dâng cúng thức ăn, người ấy đời sau tuy vẫn được giàu có vô hạn, nhưng lại phải lao nhọc cần khổ.”
Mang đồ đến chùa bố thí cúng dường: Nhàn hạ mà được giàu có
Nếu người phát tâm cúng dường chư tăng, mang thức ăn đến tận am viện, chùa chiền, khiến cho chúng tăng có thể an nhàn thọ dụng, người ấy sẽ được phước báo đời sau sinh ra trong hai cõi trời người, tự nhiên được thụ hưởng mọi điều khoái lạc.
Nghèo khổ nhưng có thể bố thí do đâu
Kinh văn cũng dạy rằng: “Nếu có chúng sinh nào, trước đây từng làm việc bố thí nhưng không gặp được những bậc là ruộng phước của thế gian, mãi lưu chuyển trong luân hồi sinh tử. Những chúng sinh ấy khi được sinh ra làm người, do không được gặp bậc phước điền nên việc bố thí chỉ mang lại phước báo rất nhỏ nhoi, thoạt có thoạt không chẳng lâu bền. Tuy nhiên, do đã từng tu tập quen theo hạnh bố thí, nên khi sinh ra dù sống trong cảnh nghèo khó vẫn thường có thể làm việc bố thí.”
Vì sao giàu có nhưng không bố thí
“Lại có những chúng sinh vốn không thường làm việc bố thí, nhân gặp bậc thiện tri thức khuyên bảo nên nhất thời cũng bố thí được một lần, may mắn lại gặp được bậc phước điền đức cao đạo trọng. Nhờ công đức cúng dường bậc phước điền cao trọng, nên đời sau sinh ra được giàu có sung túc. Tuy nhiên, bởi không tập quen hạnh bố thí, nên dù sống trong cảnh giàu sang mà tâm thường keo lận, không làm việc bố thí.”
Bố thí nhiều, được phước ít
Kinh Bồ Tát bản hạnh dạy rằng: “Nếu có chúng sinh làm việc bố thí nhưng không hết lòng, hoặc cúng dường mà không có lòng cung kính; hoặc khi bố thí, cúng dường mà tâm không hoan hỷ; hoặc khi bố thí lại khởi tâm kiêu mạn, tự cao tự đại; hoặc bố thí cúng dường cho những kẻ theo tà kiến điên đảo. Bố thí cúng dường như thế cũng giống như người gặp phải mảnh ruộng cằn cỗi bạc màu, tuy gieo giống xuống rất nhiều mà thu hoạch chẳng được bao nhiêu.”
Bố thí ít, được phước nhiều
Trong kinh này lại cũng dạy rằng: “Nếu vào lúc thực hành bố thí có thể khởi tâm hoan hỷ, tâm cung kính, tâm thanh tịnh, chẳng mong cầu được phước báo, hoặc được cúng dường cho các bậc Bồ Tát, thánh tăng. Bố thí cúng dường được như thế cũng giống như người gặp đám ruộng tốt, tuy gieo giống ít cũng thu hoạch được rất nhiều.”
Bố thí lớn lao, phước báo nhỏ
Kinh Bát-nhã dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát chỉ buông xả tài bảo trân quý; nhưng không phát tâm cầu quả Phật để cứu độ tất cả chúng sinh; thì dù tu tập trải qua số kiếp nhiều như cát sông Hằng; cũng chỉ được phước báo rất ít.”
Bố thí nhỏ nhoi, phước báo lớn lao
Kinh Bát-nhã cũng dạy rằng: “Nếu vị Bồ Tát trong khi thực hành bố thí; có thể hồi hướng cầu quả Vô thượng Bồ-đề; để cứu độ tất cả chúng sinh trong mười phương; thì cho dù việc bố thí có nhỏ nhoi cũng vẫn được phước đức vô lượng.” Đối với vị Bồ Tát này, từ lúc phát tâm cho đến khi thành tựu quả Phật; tâm địa không có gì tăng thêm, mà ruộng phước cũng không có gì tăng thêm; vì vốn đã viên mãn.
Gặp hoàn cảnh thuận lợi, chính là lúc nên tu phước
Khi gặp hoàn cảnh thuận lợi, nên tự suy nghĩ như thế này: “Nhà ta nay được giàu có, nhất định là đời trước đã thường tu hạnh bố thí, nên đời này lại càng phải cứu người giúp vật nhiều hơn nữa. Thân thể ta không có bệnh tật, nhất định là đời trước đã thường tu tập từ bi, nên đời này lại càng phải tránh sự giết hại và phóng sinh nhiều hơn nữa.” Cũng giống như khi đã thắp lên một ngọn đèn sáng, cần phải tiếp tục châm thêm dầu thì mới có thể duy trì ánh sáng.
Gặp hoàn cảnh trái nghịch vẫn có thể tu phước
Khi gặp hoàn cảnh trái nghịch, nên tự suy nghĩ như thế này: “Ta nay gặp cảnh khốn khổ tai ách này, đều là do nghiệp đời trước chiêu cảm mà có; nếu vui lòng nhận chịu ắt là đền trả hết được nợ nần xưa kia.” Cũng chẳng riêng việc ấy; nếu mình gặp cảnh nghèo túng khốn cùng, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được giàu sang sung túc; nếu mình phải chịu nhiều bệnh khổ, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được khỏe mạnh an ổn; nếu mình thường gặp cảnh đấu tranh giành giật, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được hòa hợp an vui;
Nếu tự mình ngu si hôn ám, thường nguyện cho tất cả mọi người đều được trí tuệ sáng suốt; nếu tự mình không được trọn đủ các giác quan, thường cầu mong cho tất cả mọi người đều được thân tướng tốt đẹp. Mỗi khi gặp một hoàn cảnh hoạn nạn nào đó, liền nguyện trong đời vị lai sẽ cứu độ cho người gặp hoạn nạn như thế. Như vậy chẳng phải là ngay nơi phiền não tức hiện Bồ-đề, độc dược hóa thành cam lộ đó sao? Nếu người không biết tu phước thì ắt là ngược lại.
Người khác làm việc thiện, ta có thể được phước
Khi người khác làm việc thiện chưa thành tựu mà mình tùy theo để khuyến khích, thúc đẩy, đó gọi là khuyến khích được phước. Khi người khác làm việc thiện đã thành tựu, mình cũng tùy theo mà vui mừng hoan hỷ, đó gọi là tùy hỷ được phước. Thường ngợi khen xưng tán điều thiện, khiến người khác bắt chước làm theo, đó gọi là tán thán được phước. Suy cho cùng thì khắp cả trên trời dưới đất, từ xưa đến nay, hết thảy các điều thiện trong thiên hạ đều có thể tạo phước cho ta.
Cho nên, Bồ Tát Phổ Hiền phát khởi 10 nguyện lớn, thì nguyện thứ 5 chính là “tùy hỷ công đức”. Trên từ vô lượng phước báo nhiều đời nhiều kiếp của chư Phật, Bồ Tát; dưới cho đến chỉ một việc thiện nhỏ nhoi của bất kỳ chúng sinh nào trong sáu cõi luân hồi; khi mình biết được thì đối với tất cả đều phát tâm tán thán, tùy hỷ. Làm được như thế rồi thì bao nhiêu phước báo trong tận cùng hư không, rộng khắp pháp giới; đâu đâu cũng có thể trở thành phước báo của mình; mà tự thân mình cũng được như Bồ Tát Phổ Hiền không khác.
Người khác làm việc xấu ác, ta có thể được phước
Khi người khác làm việc ác chưa thành mà mình gắng sức khuyên bảo; nếu khiến người ấy ngưng lại, ắt mình sẽ được phước. Khi người khác làm việc ác đã xong; mình thấy vậy sinh tâm buồn lo, không vui, ắt cũng sẽ được phước. Khi việc ác chưa truyền rộng; mình cố gắng tìm mọi phương cách để chặn đứng, ngăn cản, ắt sẽ được phước. Nếu việc ác đã lan truyền; nên lấy đó làm bài học để răn ngừa, cảnh giác không phạm vào, ắt cũng sẽ được phước.
Nếu việc xấu ác làm hại đến mình mà có thể nhẫn nhục chịu đựng, ắt sẽ được phước. Nếu việc xấu ác làm hại đến người khác mà mình có thể khuyên người nhẫn nhục chịu đựng, ắt cũng sẽ được phước.
Bố thí ba la mật là gì
Bố thí Ba la mật là bố thí vật chất lẫn tinh thần. Khi ta đem của cải vật chất hay sự hiểu biết tặng, cho người khác vô điều kiện. Không có bất cứ một dụng ý hay yêu cầu nào. Ta phát tâm bố thí một cách hoan hỷ, không cầu lợi, không cầu danh. Kể cả khi thực hành bố thí bị người nhận bố thí làm điều trái ý, nghịch lòng. Tâm người bố thí vẫn hoan hỷ, không phiền muộn, khổ đau.
Thực hành cho đi với tấm lòng như thế thì gọi là bố thí Ba la mật. Nói cách khác, bố thí Ba la mật là cho những gì khó cho dù đau khổ đến tận cùng, ta vẫn một lòng quyết chí không buồn khổ, không ân hận hay nuối tiếc, dám cho những gì khó cho.
Xã hội thời @ nhiều rối ren, người ta bị tà kiến bủa vây nên tâm bố thí dần dần mai một. Lại trên đường người ăn mày thật giả lẫn lộn, đôi khi giả nhiều hơn thật, nên người ta do cảm giác mình “bị lừa gạt” mà tự đoạn đi thiện tâm của chính mình, thật đáng tiếc biết bao. Thực ra, người ăn mày thật hay giả, không liên quan gì tới việc cho đi của bạn. Cũng chẳng ảnh hưởng gì tới phước báo bạn được hưởng. Cứ cho đi một chút, cuộc đời bạn sẽ ngày một tốt đẹp hơn.
Trong vô hình, khi bạn khởi một niệm thiện, phát tâm bố thí, lập tức chư thiện thần đến ngay bên hộ trì bạn. Phước báo đến sớm hay trễ thì tùy vào nhân duyên, nhưng có một sự thật rằng: Chắc chắn nó sẽ đến!
*
Bài học đầu tiên của tôi về bố thí đến từ một người bạn, giờ là một doanh nhân vô cùng thành đạt. Lúc hàn vi, cùng là sinh viên nghèo túng như nhau, nhưng tâm từ của bạn thì rộng lớn vô cùng. Tôi nhớ lúc đó bữa cơm sinh viên chỉ 1 ngàn đồng và sinh viên thì ai cũng nghèo.
Một hôm tôi và bạn đi ngang qua Chợ Mơ, thấy một người phụ nữ rách rưới bế con xin ăn, bạn dừng xe đạp lại cho tiền. Tôi cản: “Bà này thuộc đối tượng giả ăn xin, bị một nhóm cô hồn chăn dắt. Tôi thấy sáng chúng thường chở hai mẹ con thả ở đây, chiều lại đón ở trong ngõ Hòa Bình. Tốt nhất không nên cho, chỉ béo mấy thằng chăn dắt mà thôi, nào có ích lợi gì?”.
Bạn bảo: “Có chứ, 500 đồng này nếu không giúp họ được bữa ăn thì cũng giúp họ tránh được vài đòn roi từ đám chăn dắt”.
*
Sau này tại cổng một ngôi chùa, khi thấy bạn đưa ít tiền lẻ cho đứa con trai. Dạy nó dùng hai tay cung kính mà bỏ vào nón một người ăn mày, cảm ơn ông lão rồi mới quay đi…Tôi chợt hiểu tại sao bạn giàu sang, ai cũng yêu quý, gia đình hòa thuận. Hai đứa con thì xinh đẹp, thông minh và ngoan ngoãn vô cùng!
Vậy đó, bạn cứ bố thí với tâm từ đi, đừng bận tâm chi đến việc bị lợi dụng lòng tốt hay không. Một chút tiền lẻ với ta chẳng có ý nghĩ gì, nhưng với người khác là vô cùng quý báu. Thực ra, mọi thứ đều trong vòng nhân quả, nếu bạn bị người khác lừa, âu cũng là trả nợ tiền kiếp. Không nên muộn phiền làm chi!
Những câu chuyện về Bố thí
Kinh Bảo Lương nói: “Đức Phật bảo: Có ba loại bố thí khiến cho thí chủ được phước báo:
- Là thường bố thí thức ăn.
- Là bố thí phòng ốc cho chư Tăng.
- Là có từ tâm.
Trong ba loại này, từ tâm đứng đầu.
Nhờ Bố Thí mà trúng số độc đắc
Vào năm 1990, ở Thiên Tân có một thanh niên trúng số đến mấy vạn, làm chấn động vùng này một thời. Đài truyền hình còn làm một màn phỏng vấn đặc biệt. Té ra mấy năm trước, anh từng gặp một cô bé ăn xin gầy ốm giơ xương, y phục lam lũ. Anh động lòng xót thương nên đã vét hết số tiền hai đồng hiện có trên mình cho cô bé. Chính nhờ hai đồng bố thí này mà anh chiêu cảm phúc báu trúng số lớn hiện tại.
Điều này chứng minh: Giúp người thực tế là giúp mình, nhân nhỏ mà quả to như thế này Phật cũng đã từng kể cho chúng ta nghe. Qua câu chuyện này chúng ta phải hiểu: Những người chuyên mưu sinh bằng cách cướp giật tiền của người, tức là đã gieo nhân nghèo thiếu bần cùng vĩnh viễn. Nếu họ trả báo nhẹ thì cũng tùy theo mức độ phạm tội nặng nhẹ mà bị sinh làm tôi tớ hoặc súc sinh để trả nợ.
Gia tộc hưng vượng lâu đời nhất Trung Quốc
Ông Phạm Trọng Yêm thời Tống là một minh chứng điển hình cho việc người đại phú là do nhân bố thí mà đến:
Lúc Phạm Trọng Yêm hai tuổi thì cha mất. Mẹ ông do nhà nghèo nên bất đắc dĩ phải tái giá. Khi ông tạm lớn chút, hiểu việc rồi, liền gạt lệ từ biệt mẹ đến ở nhờ nơi Phật tự khổ học. Cũng nhờ thiện duyên này, mà từ nhỏ sớm được nghe Phật pháp. Nhờ ông cần khổ phấn đấu, siêng năng học tập. Lớn lên lại có tính ưa bố thí hành thiện, rộng gieo phúc điền. Lúc ông làm quan thì lo tu sửa chùa, cúng dường chư Tăng tại xứ đó.
Hồi Phạm Trọng Yêm còn ở chùa học tập, từng phát hiện ra cái hầm chôn dấu vàng trong chùa. Ông không chiếm lấy, mà cho lấp lại che như cũ, chẳng lấy một tơ hào. Đến lúc ông ra làm quan, khi tăng chúng cần trùng tu chùa hư nát, cầu cứu ông. Lúc đó ông mới bảo tăng nhân trong chùa, hãy lấy vàng này ra tu bổ tự viện. Vào cuối đời, ông lại hiến nhà mình cho tự viện, bổng lộc mấy mươi năm dành hết vào việc tạo phúc điền, hành thiện tích đức.
*
Ông từng thiết lập Nghĩa Điền để cung cấp nuôi dưỡng ba trăm hộ con em nhà nghèo. Khi ông nghe thầy phong thủy nói nhà ông tại Tô Châu có phong thủy tốt, đời con cháu ắt sẽ làm nên chức công khanh, thì lập tức cho đổi nhà này thành trường, thu nhiều con em đến học. Lấy đây làm cơ sở giáo dục đào tạo nhân tài cho quốc gia.
Tục ngữ có câu giàu không quá ba đời, nhưng gia tộc Phạm Trọng Yêm lại hưng vượng 800 năm. Bốn người con Phạm Trọng Yêm không những quý hiển đến chức công khanh, có đạo đức tột cao. Mà họ còn luôn noi theo phong cách của cha xả tài cứu đời. Con cháu họ làm quan tại triều nhiều đời không dứt.
Nhân quả báo ứng chân thật không dối, như bóng theo hình, chưa từng đình chỉ. Hôm nay chúng ta được tướng mạo cao đẹp, giàu sang phú quý đều nhờ nhân lành đời trước đã gieo, nên mới chiêu cảm quả tốt như thế
Vật đem bố thí thế nào là đúng
Vật đem bố thí thanh tịnh là vật: Không giết hại, không trộm cắp, không lừa dối mà có. Tùy khả năng sở hữa ít nhiều vật tinh khiết, đem ra thí, gọi là vật bố thí tốt.
Nếu bố thí đức Phật, lập tức sẽ được mọi phước báo. Nếu bố thí chư Tăng, được thọ dụng, sẽ được mọi phước báo. Nếu chư Tăng chưa thọ dụng, sẽ không được mọi phước báo. Nếu cúng dường pháp, sẽ được mọi phước báo. Nếu đem pháp cúng dường những người tu học thông minh, trí tuệ sáng láng, gọi là cúng dường pháp.
Bố thí thì được giàu có, thọ thì lại càng được vui vẻ, sức khỏe và tuổi thọ. Công đức càng cao, sẽ được phước báo càng lớn. Nếu thí cho loài vật, sẽ hưởng được phước báo trăm đời. Nếu thí cho người xấu sẽ được phước báo nghìn đời. Nếu thí cho người tốt sẽ được phước báo nghìn vạn đời. Nếu thí cho kẻ phàm đã lìa dục, sẽ được phước báo nghìn vạn ức đời. Nếu thí cho bậc đắc đạo, sẽ được phước báo vô lượng kiếp. Nếu bố thí cho đức Phật, sẽ được nhập Niết bàn.
Phép bố thí
Kinh Ưu bà tắc giới nói: “Đức Phật bảo, phước điền ở thế gian có ba loại:
- Báo ân điền: Là cha mẹ, sư trưởng và Hòa thượng.
- Công đức điền: Là từ khi được nghe pháp cho đến khi chứng quả A nậu bồ đề.
- Bần cùng điền: Là tất cả mọi người bần cùng khốn khổ.
Đức Phật là hai loại phước điền báo ân và công đức, Pháp cũng thế. Chư Tăng là ba loại phước điền báo ân, công đức và bần cùng.
Nếu có người cùng bố thí của cải, phước điền và tâm bố thí bằng nhau, thì phước đức ấy cũng sẽ như nhau. Nếu của cải và tâm bằng nhau, nhưng phước điền lớn hơn, thì được phước báo lớn hơn. Nếu phước điền và của cải đều ít, nhưng tâm lớn hơn, thì phước báo cũng lớn hơn. Nếu phước điền và của cải lớn, nhưng tâm nhỏ thì phước báo cũng không lớn. Này thiện nam tử! Kẻ sáng suốt, khi bố thí, không nhắm đến phước báo. Tại sao? Vì đã biết rằng, hễ gieo nhân lành, chắc chắn sẽ hưởng quả phước tốt đẹp”.
Công đức bố thí
Trong Kinh Địa Tạng, phẩm thứ mười, khi Bồ Tát Địa Tạng từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay cung kính và bạch Phật rằng:
“Bạch Đức Thế Tôn, con xem chúng sanh trong nghiệp đạo, so sánh công đức bố thí, hiệu quả có sự nhiều ít khác nhau, có người được hưởng phước một đời, có người được hưởng phước mười đời, có người được hưởng phước hàng trăm, ngàn đời, lợi lạc lớn lao. Tại sao như thế, cúi xin đức Thế Tôn từ bi giảng trạch cho chúng con được biết”.
Đức Phật dạy tóm lược như sau:
“Bất cứ ai gặp những người già yếu, bần cùng, hèn mạt, tàn tật, câm ngọng, đui mù, ngây điếc, không được toàn vẹn. Tự tay đem bố thí cho họ với lòng từ bi, thương xót. Dùng lời mềm mỏng an ủi họ tử tế, khiến cho họ được an ổn, vui vẻ, thì được hưởng phước báo vô lượng.
*
Tuy nhiên, nếu làm được những việc thiện như thế mà đem hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, thì những người làm công đức ấy được hưởng những sự vui sướng nhiệm mầu hàng trăm ngàn đời. Nếu đem công đức ấy hồi hướng cho quyến thuộc nhà mình; hoặc muốn tự mình hưởng những lợi ích, thì ba đời được vui vẻ. Làm một phần thì được hưởng vạn phần”.
Tại sao vậy? Bởi vì những người làm phước đó đã phát tâm rộng lớn đem “hồi hướng cho khắp pháp giới chúng sanh”. Không cứ công đức ít nhiều, không dành riêng cho mình và người thân của mình. Đó chính là những người đã “diệt được lòng tham”, cho nên được sự “giải thoát hoàn toàn”. Cho nên được hưởng quả “phước báo lớn lao” như vậy.
Còn những người chỉ phát tâm hạn hẹp; chỉ muốn đem công đức ấy hồi hướng cho người thân, hay cho chính mình mà thôi; họ sẽ được hưởng quả phước báo hạn chế hơn, tùy theo tâm lượng còn nhỏ hẹp của chính mình
( Bố thí là gì – Theo An Sĩ Toàn Thư )
Tuệ Tâm 2020.
Alisa viết
Tiền kiếm khó khăn lắm bạn à, nhất là thời đại này công việc bấp bênh cho nên bố thí mình cũng xem xét họ đúng là thiệt mới cho chứ. Tiếp tay cho bọn lừa đảo để nó ăn nhậu đâu có đúng. Người khổ tràn lan Khg lo mà lo cho người lừa đảo thì không thể chấp nhận được.
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật!
Đức Phật dạy: “Tâm bố thí quan trọng hơn vật bố thí.” Bởi thế nên trong Kinh Địa Tạng đức Phật bảo đại ý: “…Không cứ là nhiều hay ít, nếu có thể đem công đức hồi hướng cho pháp giới chúng sinh thì phước báo không thể ví dụ thế nào cho được.”. Không ai bắt buộc ta phải bố thí cả, vậy nên nếu ta cảm thấy thoải mái thì bố thí, nếu không thấy vui vẻ thoải mái thì không nên bố thí. Còn khi đã bố thí rồi, tâm không mảy may suy nghĩ về người bố thí, người nhận bố thí và vật đem bố thí, đấy gọi là Bố thí Ba La Mật! Vì tâm quan trọng hơn vật nên nếu ta bố thí bằng tâm không thoải mái, dù có đem cả vạn lạng vàng bố thí, phước đức cũng chẳng được bao nhiêu.
Lại nữa, tạo công đức không nhất thiết cứ phải là bố thí tiền bạc mới tích lũy được công đức. Nhà Phật có pháp tạo công đức gọi là tùy hỷ, công đức cũng nhiều vô lượng vô biên. Nghĩa là ta chẳng cần phải giầu có mới bố thí tạo phước được. Như ta thấy người làm một điều lành, nói một điều lành mà sanh tâm vui chung với họ, đó gọi là tùy hỷ công đức. Pháp này ai cũng có thể tích công đức được.
Vài lời ngu muội lạm bàn về bố thí, nếu có gì chưa đúng, xin cho Tuệ Tâm hai chữ Đại Xá vậy…
Nam mô A Di Đà Phật!