“Nhẫn” là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt nghịch lòng. “Nhục” là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến lòng tự ái của mình. Nhẫn nhục là có thể an nhiên chịu đựng những điều trái ý nghịch lòng và các khổ về thân, khẩu, ý, mà người khác gây ra cho mình. Gặp nghịch cảnh tâm như như bất động, một niệm chống trái, giận hờn, oán trách, chẳng khởi lên, đó gọi là nhẫn nhục.
Hòa Thượng Tuyên Hóa dạy: “Chữ nhẫn (忍 ) ví như hình ảnh của trái tim (心) đang bị cái dao (刀) cắm vào, cho nên đau nhức vô cùng. Đây có nghĩa là chúng ta phải nhẫn đau, phải chịu khổ, phải nhịn đói, nhịn khát, nhịn gió, nhịn mưa, nhịn nóng, nhịn lạnh, nhịn tất cả. Chúng ta phải nhịn! nhịn! nhịn! Nhẫn nhịn tất cả những chuyện không thể nhẫn nhịn.
Đối với hết thảy các việc, chúng ta đều phải chịu khó, chịu khổ mà làm. Chúng ta phải ráng chịu khổ công, khi công phu đầy đủ thì tự nhiên mình sẽ được thành tựu. Đến lúc đó, chúng ta có thể “nghe một mà biết mười.” Chúng ta sẽ khai mở cửa trí tuệ và đối với mọi việc về sự, lý, chúng ta cũng sẽ hoát nhiên quán thông thấu suốt hết, tức nhìn thoáng qua một cái là biết ngay, không có gì chướng ngại cả.”
*
- 10 Điều quan trọng Phật tử tại gia cần biết.
- Bố thí là gì.
- Trì giới là gì.
- Lục thần thông là gì.
- Ngũ giới là gì.
- Thập thiện nghiệp đạo là gì.
- Trùng Tang – Là thật hay cú lừa thế kỷ nhân danh tâm linh.
Chư Tổ dạy: “Nhẫn nhục là đức cao quý ở bậc cao nhất, trì giới khổ hạnh vốn không thể nào sánh kịp.” Bởi thế nên Kinh dạy: “Làm người đoan chánh, nhan sắc trong sáng, dung mạo tươi đẹp bậc nhất, người gặp thảy đều thích nhìn, từ trong sự nhẫn nhục mà có.”
Nhẫn Nhục là gì
“Nhẫn nhục do chữ “Ksãnti” (sần đề) trong Phạn ngữ mà ra. Nhẫn là nhịn, là nín, là chịu đựng; nhục là sỉ nhục, là nhơ nhuốc, xấu hổ. Nhẫn nhục là nhịn nhục, chịu đựng những điều nhục nhã xấu hổ, lao khổ, cho đến độ cùng tột rốt ráo. Nhẫn nhục là đức tánh trái lại với tánh nóng giận, oán thù.
Ở đây, chúng ta không nên ngộ nhận chữ nhẫn nhục như người ta thường hiểu ở đời. Nhẫn nhục ở đời là thứ nhẫn nhục không rốt ráo, chỉ có hình thức bên ngoài, chứ không đi sâu vào bên trong, nghĩa là trước một sự bất công, một điều sỉ nhục, người nhẫn nhục không tỏ ra phản đối trong lời nói, trong cử chỉ, nhưng trong lòng họ vẫn không dằn được cơn tức giận phẫn uất; thứ nhẫn nhục ấy không phải là nhẫn nhục của đạo Phật. Vậy tánh chất của nhẫn nhục trong đạo Phật như thế nào, chúng ta xin trình bày ở đoạn dưới đây.
Tánh chất nhẫn nhục trong đạo Phật
Nhẫn nhục theo giáo lý Phật Đà phải gồm đủ ba phần là: Thân nhẫn, khẩu nhẫn, ý nhẫn. Nghĩa là ở nơi thân thì cam chịu đau khổ mà không đối phó lại bằng cử chỉ, hành động trả thù; ở nơi miệng không thốt ra những lời hung ác, nguyền rủa; và nhất là ở trong lòng thì cũng phải dẹp xuống; đánh tan cơn tức giận, nỗi oán thù, không cho nó vươn lên, vùng dậy. Nếu không dẹp được sự giận dữ, phẫn uất ở trong lòng thì chưa gọi được là nhẫn nhục theo nghĩa trong đạo Phật.
Hơn nữa, người theo pháp nhẫn nhục phải luyện cho đến trình độ không thấy có người làm mình khổ nhục, có nỗi khổ nhục, và người chịu khổ nhục. Nhẫn nhục ở đây có tánh cách bao la rộng lớn, không phân chia biên giới; vì nó bắt nguồn từ lòng từ bi, từ trí tuệ và bình đẳng tuyệt đối của Phật tánh. Cho nên người dưỡng tánh nhẫn nhục, muốn thành tựu phải dựa lên ba đức tính trên làm căn bản.
Công năng của nhẫn nhục
Một trong những đại họa của cõi đời là tánh giận dữ, oán thù. Có thể nói một cách không quá đáng rằng: Lửa giận đã đốt thiêu một nửa cõi đời, một nửa công lao của loài người, từ ngày có nhân loại đến nay. Cho nên tánh nhẫn nhục là một phương thuốc thần diệu để dập tắt lửa sân hận.
Về phương diện cá nhân: Người nhẫn nhục làm cho người chung quanh cảm mến; vì nét mặt hiền dịu, vì lời nói hòa nhã, vì cử chỉ khoan hòa. Người nhẫn nhục tâm trí được sáng suốt, xét đoán phải lẽ, không mắc những sai lầm lỗi đáng tiếc vì thiếu bình tĩnh. Thân tâm người nhẫn nhục luôn luôn được an lạc, nhẹ nhành; và do những điều trên, người nhẫn nhục dễ thành tựu trong mọi công việc, trong đời mình.
Về phương diện gia đình: Nếu mọi người trong nhà đều nhẫn nhục thì cảnh gia đình luôn luôn được hòa thuận, tin yêu, ấm cúng. Người ta thường nói:”Thuận vợ thuận chồng thì tát biển đông cũng cạn”. Thiếu đức tính nhẫn nhục, sự hòa thuận trong gia đình không bao giờ có thể thực hiện được. Và không hòa thuận, thì gia đình trở thành một cảnh địa ngục nho nhỏ, mà mọi người đều muốn đạp đổ để thoát ra.
Về phương diện xã hội: Nhẫn nhục làm cho mọi đoàn kết có thể thực hiện được, sự chung sống được êm đẹp; chiến tranh không xảy ra, hòa bình được củng cố, cõi đời sẽ trở thành một lạc địa.
*
Về phương diện tu hành: Nhẫn nhục như là một hòn đá thử vàng, như là một lò luyện kim khí; nó làm cho người tu hành luôn luôn phải cảnh giác, đề phòng trước những nghịch cảnh. Nó bắt buộc kẻ tu hành luôn luôn phải vận dụng lòng từ bi, ánh sáng trí tuệ, tinh thần bình đẳng để phá tan giận dữ, oán thù. Nó dẹp dần ngã mạn, ngã ái và công phá luôn thành trì cuối cùng của chúng sanh là cái ngã. Do đó, người tu hành chứng được vô ngã vô sanh.”( Hòa Thượng Thiện Hoa)
Nhẫn Nhục Ba La Mật
Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”. (Một niệm lòng sân hận nổi lên, thì trăm ngàn muôn tức cửa nghiệp chướng đều mở ra). Thật vậy, lắm người vì một phút không dằn được cơn tức giận mà đánh mắng, hủy nhục người, hoặc điên cuồng làm điều bạc ác. Lắm lúc, vì nóng nẩy mà cốt nhục phải chia ly, vợ chồng đôi ngả, bạn bè thành cừu hận…Chờ đến khi cơn giận qua đi, hối chẳng kịp mà ân hận suốt đời.
Người học đạo cũng vậy, nếu gặp nghịch cảnh không nhẫn nhịn được, thối chí nản lòng, đôi khi phải bị đọa lạc. Như ông Ðộc giác Tiên nhân, vì một niệm sân hận không nhẫn được, mà phải bị mất năm pháp thần thông. Ông Uất đầu lam phất, vì sân hận mà phải đọa làm loài Chồn cáo. Nên một đốm lửa sân, có thể đốt tan muôn mẫu rừng công đức là như thế. Vậy muốn trừ sân hận một cách có hiệu quả, ta phải phải tu pháp Nhẫn nhục Ba La Mật.
Nhẫn nhục Ba La Mật là gì
“Nhẫn” là nhịn, chịu đựng những cảnh trái mắt nghịch lòng. “Nhục” là điều sỉ nhục, điều xấu hổ, làm tổn thương đến lòng tự ái của mình. Nhẫn nhục Ba la mật là nhẫn nhục đến chỗ cùng tột không còn ai có thể nhẫn nhục hơn thế nữa. Hòa Thượng Tuyên Hóa bảo: “Người tu phải luyện công phu nhẫn nhục: Nhẫn lạnh, nhẫn nóng, nhẫn gió, nhẫn mưa, nhịn đói, nhịn khát, chịu chửi, chịu đánh. Ta nên học tinh thần của Bồ Tát Thường Bất Khinh: Bất luận ai đối với tôi không tốt, tôi cũng chẳng sinh lòng giận dữ. Tôi chỉ đem tâm thành đối xử với họ, khiến họ tự nhiên cảm hóa, biến vũ khí thành lụa là.
Nếu bạn có gặp điều nghịch ý mà vẫn nhẫn chịu, tức là gặp chuyện trái ý khó chịu vô cùng mà bạn vẫn có thể an nhiên xử lý thì mới thấy được công phu nhẫn nhục của bạn. Ðừng nên vì một lời nói mà tâm mình liền bị dao động. Nếu bạn tu tới chỗ chẳng bị dao động, rằng có thể nhẫn nại điều người khác khó nhẫn nại, thì đó mới chính thật là công phu chân chính.”
Như thế hạnh nhẫn nhục chung quy lại là nhẫn chịu được khổ về ba thứ “Thân, khẩu, ý”
Thành Phần của Nhẫn Nhục Ba La Mật
Thân nhẫn
Ðối với nghịch cảnh như nắng mưa, nóng lạnh, đói khát, đau ốm. Hoặc bị người vô cớ đánh đập, hành hạ.. Ta an nhẫn chịu đựng, không khởi tâm oán trách trời người. Ðây gọi là thân nhẫn.
Khẩu nhẫn
Nếu bị người vô duyên vô cớ nhục mạ, mắng nhiếc, chỉ trích… Ta nhẫn chịu không dùng lời thô ác đáp trả. Đây gọi là Khẩu nhẫn.
Ý nhẫn
Dẫu gặp nghịch cảnh đến mức như thế nào đi chăng nữa ta vẫn giữ được sự điềm tĩnh. Tâm không khởi lên bất cứ một niệm nào hờn giận, oán trách, trả thù. Đây gọi à Ý nhẫn.
Trong ba thứ nhẫn này, “ý nhẫn” là khó nhất và quan trọng nhất, bởi ý điều khiển thân khẩu. Nếu ý không nhẫn được tất thân khẩu vô phương nhẫn chịu. Bởi ý dẫn đầu nên nếu ta tu hạnh nhẫn nhục tất phải kiềm tâm mới mong được thành tựu.
Có nhiều khi thân có thể chịu đựng được cực hình, nhưng miệng vẫn lẩm bẩm nguyền rủa. Thêm một lần nữa, miệng tuy không thốt ra những lời phản đối, nguyền rủa, nhưng ý vẫn ngấm ngầm phản đối. Ðến khi “tâm ý” cũng không ngấm ngầm nổi dậy phản đối, sự tức giận lắng xuống tận đáy lòng; Đứng trước mọi nghịch cảnh, lòng vẫn phẳng lặng như không, thì nhẫn nhục mới thật là hoàn toàn. Nếu bên trong vẫn chưa nhẫn được, thì thế nào giận giữ cũng có ngày xuất hiện ra trong lời nói và hành động.
Nhẫn nhục như thế nào là đúng Chánh Pháp
1. Nhẫn nhục có chấp tướng.
Nhẫn nhục vì sợ quyền thế; Nhẫn nhục vì đang nằm trong hoàn cảnh bất lợi chưa thể trả thù được; Nhẫn nhục để mong cầu được người khen, hay được chức trọng, quyền cao; Nhẫn nhục vì khinh bỉ đối thủ, hay tự cho mình cao hơn người, không thèm chấp nê, phản đối. Nhẫn nhục như thế là Nhẫn nhục chấp tướng vì còn do dục vọng tham, sân, si, mạn thúc đẩy, chưa phải là Nhẫn nhục.
2. Nhẫn nhục không chấp tướng.
Người tu hạnh Nhẫn nhục Ba la mật, trước hết phải do ý muốn diệt trừ lòng sân hận, kiêu mạn, tất đố, tự ái, tham lam…Nếu có người chửi mắng, mình phải bình tĩnh tự nghĩ rằng: “Ta có làm điều gì sái quấy không? Nếu có, thì ta bị sỉ nhục là phải, ta nên cảm ơn người. Nếu ta trong trắng, thì những lời sỉ nhục ấy có dính líu gì đến ta đâu, mà phải khổ tâm nghĩ đến?”
Hơn nữa, người tu Nhẫn nhục còn nhắm mục đích trau dồi lòng từ bi và hỷ xả. Ta Nhẫn nhục không oán giận, không trả thù là vì ta thương người, ta muốn xem mọi người như thân thuộc anh em. Ta Nhẫn nhục vì ta không muốn cuộc đời mình là một đấu trường hay một thành lửa tan hoang, đốt thiêu tất cả. Nhẫn được như thế gọi là Nhẫn nhục không chấp tướng.
Công đức của Pháp Nhẫn Nhục Ba La Mật
Lửa sân hận chỉ có thể bị dập tắt bằng nước Nhẫn nhục. Không Nhẫn nhục thì gia đình ly tán, bạn hữu chia lìa, tớ thầy đoạn tuyệt, đồng bào xung đột, thế giới chiến tranh. Có Nhẫn nhục thì gia đình sum họp, bạn hữu tương thân, tớ thầy trung tín, đồng bào đoàn kết, thế giới hòa bình. Riêng đối với bản thân, không Nhẫn nhục thì lửa giận thiêu đốt lòng mình và dục vọng hoàng hành; Sự nghiệp tiêu tan, mọi người xa lánh, đạo quả khó tròn.
Có Nhẫn nhục thì lòng từ chan chứa, thanh tịnh; Sự nghiệp theo đó hanh thông, người người quý trọng, đạo quả viên thành. Vì nhận thấy công đức lớn lao và quý báu của Nhẫn nhục cho nên cổ nhân đã có nhắn nhủ với người đời một cách mạnh mẽ như sau:
Nhẫn nhẫn nhẫn, trái chủ oan gia tùng thử tận
Nhiêu nhiêu nhiêu, thiên tai vạn họa nhất tề tiêu.
Mặc mặc mặc, vô hạn thần tiên tùng thử đắc.
Hưu hưu hưu, cái thế công danh bất tự do.
*
Nghĩa là: Nhẫn nhẫn nhẫn (Thân nhẫn, miệng nhẫn, tâm nhẫn) thì những điều trái chủ oan gia từ đây dứt hết. Nhịn nhịn nhịn (Thân nín, miệng nín, tâm nín) thì cảnh giới thần tiên vô hạn cũng do đó mà được. Thôi thôi thôi (Thân, miệng, tâm đều thôi) thì những công danh cái thế không còn tự do.
Như vậy giá trị và công đức lớn lao, quý báu của nhẫn nhục là không thể tính đếm. Những ai đã nhiều lần bị lửa giận tàn phá tâm can, tàn phá gia đình và sự nghiệp, hãy mau mau tu tập pháp nhẫn nhục này. Ðừng để phải ăn năn, hối tiếc và khổ đau thêm một lần nữa vì lửa nóng giận. Kẻ tu hành lại càng gấp rút thực hành pháp môn này. Bởi không có gì tai hại cho sự nghiệp tu hành của mình và làm cho người chung quanh khinh lờn, xa lánh bằng sự nóng giận, cộc cằn. Dù có tinh thông kinh điển bao nhiêu, tu hành bao nhiêu, mà không tu được hạnh nhẫn nhục, tất cũng chỉ đọa lạc mà thôi.
Cách tu hạnh nhẫn nhục
Bởi ý sanh ra các pháp nên muốn tu được hạnh nhẫn nhục ta phải kiềm được ý. Nếu ý nhẫn nhục được tất thân khẩu nhẫn nhục được. Muốn nhẫn được ý thì phải phá được tướng sân hận.
Niệm Phật Thập Yếu dạy: “Bởi Trong các phiền não, duy có sân hận tướng trạng rất thô bạo, phá hoại hành giả mạnh mẽ nhứt. Khi khởi một niệm giận hờn, tức đã mở muôn ngàn cửa chướng ngại. Chẳng hạn như lúc đang niệm Phật, ta chợt tưởng đến người ngoài bạc ác khắc nghiệt xấu xa, đối đãi với mình nhiều điều không tốt. Hoặc nhớ việc người thân cận phản phúc gây rối làm khổ mình, liền buồn giận bức rức không an.
Từ nơi tâm trạng đó, miệng tuy niệm Phật, nhưng lòng phiền muộn, vọng tưởng sôi nổi. Có người bỏ chuỗi thôi niệm, xuống nằm gác tay suy nghĩ vẫn vơ. Có kẻ lại buồn tức đến quên ăn bỏ ngủ, muốn gặp ngay người đó la hét một hồi. Hoặc tìm cách trả thù cho đã giận. Tâm niệm sân hận nó phá hại người tu đến như thế. Muốn đối trị giận hờn, phải khởi lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa nói: “Lấy đại từ bi làm nhà, nhu hòa nhẫn nhục làm áo giáp, tất cả pháp Không làm tòa ngồi.”
Phải nghĩ rằng: Ta cùng chúng sanh đồng là phàm phu chìm trong biển khổ sanh tử. Tất cả đều do nghiệp phiền não, mà phiền não vốn hư huyễn không có thật. Như một niệm sân hận, trước khi chưa khởi nó từ đâu đến, lúc tan rồi lại đi về đâu?
*
Khi giận hờn ta tự làm khổ cho ta trước, vì đã nổi lửa phiền não thiêu đốt lấy mình, mà cũng không thể cải hóa làm lợi lạc chi cho người. Như thế có phải là si mê vô ích chăng?
Lại nên nghĩ: Người có hành động xấu làm tổn hại cho ta, kẻ đó vì mê muội đã gây nhân ác tất phải chịu quả khổ. Họ đáng thương hơn là đáng giận. Bởi nếu sáng suốt biết rõ lẽ tội phước, tất không khi nào lại dám làm điều ấy. Ta là Phật tử, phải áp dụng giáo lý đức Thế Tôn để tự cởi mở sự ràng buộc oan trái cho mình. Vì mục đích tu hành là cầu sự giải thoát an vui, chớ không phải tìm lối khổ. Đối với hành động tàn hại đó, ta phải xót thương tha thứ, nhu hòa nhẫn chịu và xem mọi việc đều hư huyễn không không.
Nên nhớ lời cổ nhơn: “Lửa sân si tam độc, đốt hết rừng công đức. Muốn hành Bồ Tát đạo, giữ thân tâm nhẫn nhục.” Từ bi là nước tịnh mát mẻ, rưới tắt lửa phiền não. Nhẫn nhục là áo giáp bền chắc ngăn tất cả mũi tên độc. Pháp không là ánh sáng phá tan khói mù tối tăm. Biết dùng ba điều này để dứt trừ sân hận, tức đã vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai vậy.”
Lời Phật dạy về chữ Nhẫn
Kinh Bồ tát Tạng nói: “Người nóng giận thì tự mình làm tổn hại thiện căn tích tập được qua trăm ngàn đại kiếp một cách nhanh chóng. Nếu các thiện căn bị nóng giận làm hại rồi, lại cần phải trải qua trăm ngàn đại kiếp mới bắt đầu chịu khó chịu khổ tu hành Thánh đạo. Nếu là người như vậy, thì A nậu Bồ đề rất khó có thể đạt được. Vì vậy mình nên khoát giáp nhẫn nhục, dùng sức mạnh kiên cố phá tan quân giặc nóng giận.
Này Xá Lợi Tử! Nay Ta sẽ vì ông nói rộng về điều ấy. Ta nhớ thời quá khứ, làm một đại Tiên Nhân, tên gọi Tu Hành Xứ. Lúc ấy có ác ma, hóa làm năm trăm người đàn ông giỏi mắng chửi. Chúng luôn luôn tìm theo ta gây ra những điều mắng chửi tệ hại. Ngày đêm qua lại, đi đứng ngồi nằm, trong Tăng phòng tịnh thất làng xóm hay nhà thế tục; Hoặc tại ngõ phố, hoặc nơi vắng vẻ…Hễ Ta đứng hay ngồi, thì các hóa ma dùng lời thô ác mắng chửi phỉ báng chỉ trích, suốt năm trăm năm chưa hề dừng bỏ.
Này Xá Lợi Tử! Ta tự nhớ lại xưa kia trong năm trăm năm bị các ác ma chỉ trích phỉ báng, mà chưa hề đối với chúng Tăng khởi tâm sân hận nhỏ bé nhất. Luôn luôn dấy lên Từ Bi cứu giúp dùng để quán sát
*
Chúng ta hãy tập cho được Nhẫn nhục như ông Purna trong câu chuyện sau đây: “Khi Phật còn tại thế, một Ðệ tử của Phật, ông Purna xin Phật đi qua truyền đạo tại xứ Chronaparanta, là một xứ có tiếng rất hung ác.
Phật hỏi ông Purna: Ông đã phát nguyện đem đạo pháp của ta đến truyền bá cho dân xứ ấy. Nhưng nếu ho không nghe, lại còn dùng lời hung ác mắng chửi ông, thì ông nghĩ sao?
Bạch Thế tôn, con nghĩa: Họ là người tốt, vì họ không dùng cây đánh đập con, hay lấy đá ném con.
Phật hỏi tiếp: Nếu họ lấy cây đánh ông, hay dùng đá ném ông, thì ông nghĩ sao?
Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ vẫn còn lòng nhân, vì họ không chém giết hay đập con đến chết.
Phật lại hỏi: Nếu họ chém giết hoặc đánh chết ông thì ông nghĩ sao?
Bạch Thế tôn, con nghĩ: Họ là ân nhân của con, vì nhờ họ mà con thoát được thân đau khổ, bỏ được bọc thúi tha, từ biệt đời sống khổ nạn này.
Ðức Phật khen: Hay lắm! Ông nhẫn nhục được như vậy thì mới có thể qua xứ ấy truyền đạo được!
Ông Purna qua xứ Chronaparanta truyền đạo không bao lâu, dân chúng xứ ấy đều quy đầu Phật pháp cả. Nhẫn nhục như ông Purna mới thật đúng là Nhẫn nhục Ba la mật. Nghĩa là nhẫn từ ngoài thân đến trong tâm, nhẫn mà không thấy mình nhẫn và cảnh nhục để nhẫn.
Tiên nhân khổ tu hạnh nhẫn nhục
Còn trong Tân Bà Sa Luận nói: “Từng nghe quá khứ trong Hiền kiếp này, có vị vua tên là Kiệt Lợi. Lúc ấy có vị Tiên nhân, hiệu là Nhẫn Nhục, trú một mình trong rừng thường ngày tu hành khổ hạnh.
Bấy giờ vua Kiệt Lợi loại trừ tất cả đàn ông. Cùng với quyến thuộc trong cung làm các vũ nữ ca hát, dạo chơi trong rừng tùy ý vui thú, qua một thời gian mệt mỏi chán ngán bèn tìm vào giấc ngủ. Các phụ nữ trong cung bởi vì hoa trái ngon lành cho nên dạo chơi trong những rừng cây. Từ xa trông thấy vị Tiên nhân, ở tại phạm vi của mình thân ngồi trang nghiêm yên lặng suy tư. Họ liền cùng nhau hướng về nơi ấy, đều tập trung quanh vị Tiên nhân. Đến nơi ấy đảnh lễ rồi vây tròn xung quanh mà ngồi.
Vị Tiên nhân liền vì họ mà nói về lỗi lầm của dục vọng. Đó gọi là những dục vọng đều là pháp bất tịnh ô uế, là pháp đáng chỉ trích, là pháp đáng chán bỏ. Ai có trí tuệ thì nên luôn luôn gần gũi luyện tập, các cô đều nên sinh lòng chán ngán rời bỏ.
*
Nhà vua từ trong giấc ngủ thức dậy không thấy những người phụ nữ, liền dấy lên nghĩ rằng: Mong sao không có người nào dụ dỗ cướp đi vậy! liền rút gươm sắc đi khắp nơi tìm kiếm, mới thấy những người phụ nữ đang ngồi vây quanh ở chỗ Tiên nhân. Nhà vua rất tức giận, nghĩ là con quỷ lớn nào dụ dỗ những người phụ nữ của mình. Lập tức đến trước mặt hỏi rằng:
Ông là ai vậy?
Đáp rằng: Tôi là Tiên nhân.
Lại hỏi: Ở đây làm chuyện gì vậy?
Đáp rằng: Tu đạo nhẫn nhục.
Nhà vua dấy lên nghĩ rằng: Người này thấy ta giận dữ cho nên liền nói là mình tu nhẫn nhục, nay ta thử xem sao! Liền tiếp tục hỏi rằng:
Ông đạt được định Phi tưởng phi phi tưởng xứ chăng?
Đáp rằng: Không đạt được.
Lần lượt vặn hỏi cho đến: Ông đạt được Sơ thiền chăng?
Đáp rằng: Không đạt được.
Nhà vua càng giận dữ hơn, nói rằng: Ông là người chưa lìa bỏ dục vọng, tại sao buông thả tình ý ngắm nhìn những người phụ nữ của ta? Lại dám nói là người tu nhẫn nhục.
*
Nhà vua nói hãy duỗi một cánh tay ra thử xem có thể nhẫn hay không. Lúc bấy giờ Tiên nhân liền duỗi ra một cánh tay. Nhà vua dùng gươm sắc chém đứt, giống như chặt đức cuống ngó sen rơi ở trên đất. Nhà vua lại vặn hỏi: Ông là người nào?
Đáp rằng: Tôi là người tu nhẫn nhục.
Lúc ấy nhà vua lại ra lệnh duỗi một cánh tay còn lại, lập tức tiếp tục chém đứt. Vẫn như trước vặn hỏi, Tiên nhân cũng như trước đáp rằng: Tôi là người tu nhẫn nhục.
Như thế tiếp tục chặt hai chân lại cắt hai tai, còn xẻo luôn lỗ mũi, tất cả đều vặn hỏi và đáp từng câu một như trước. Rốt cuộc khiến cho bảy phần thân thể của Tiên nhân rơi xuống đất. Gây ra bảy vết thương rồi tâm nhà vua liền dừng lại.
Tiên nhân nói cho biết rằng: Nay nhà vua vì sao tự sanh ra mệt mỏi chán nản? Giả sử chặt đứt tất cả thân thể của tôi, giống như hạt cải thậm chí nát vụn thành bụi đất, tôi cũng không dấy lên một ý niệm giận dữ. Đó nói là nhẫn nhục hoàn toàn không có gì khác.
Lại phát nguyện rằng: Như ông hôm nay thì tôi thật sự vô tội, mà chặt đứt thân thể tôi làm thành bảy phần, gây ra bảy vết thương. Ở đời vị lai lúc tôi đạt được A nậu Bồ đề, vì tâm Đại Bi không đợi ông phải thỉnh cầu. Việc đầu tiên sẽ khiến cho ông tu bảy loại đạo, đoạn trừ bảy thứ tùy miên.
*
Nên biết rằng Tiên nhân nhẫn nhục lúc bấy giờ, chính là Đức Thế Tôn Thích Ca mâu Ni bây giờ. Vua Kiệt Lợi lúc ấy, chính là Tỳ kheo Kiều Trần Na ngày nay.
Vì vậy cho nên Kiều Trần Na thấy được Thánh đế rồi. Đức Phật dùng thần lực phá trừ mọi ám chướng, khiến cho nhớ lại sự việc ở đời quá khứ. Làm cho lập tức tự thấy mình là vua Kiệt Lợi và Đức Phật là vị Tiên nhân: Tự mình cùng gươm sắc chặt đứt 7 phần thân thể của Đức Phật làm thành 7 vết thương.
Đức Phật không sân hận mà lại dùng thệ nguyện muốn thêm nhiều lợi ích, lẽ nào Đức Phật làm trái lời nguyện ngày xưa ư? Kiều Trần Na nghe xong trong lòng vô cùng hổ thẹn, chắp tay cung kính lễ lạy Đức Phật.”
(Nhẫn nhục là gì)
Tuệ Tâm 2021.
Diệu Hoa viết
Nam mô A Di Đà Phật
Thưa thầy, đệ tử là phàm phu nên sự nhẫn nhục thân khẩu ý có giới hạn, khi bị người dùng lời nói hay hành động khiến mình tổn thương, có lúc đệ tử cũng nói lại 1 chút nhưng sau đó tự biết mình phạm lỗi nên thành tâm xin lỗi, tâm cũng không an tĩnh – nó phiền não, đệ tử liền đi niệm phật lạy phật hơn 1h … Sau đó thì buông xuống được,
Bài viết quá hay
Cảm ân thầy rất nhiều
Nam mô A Di Đà Phật
Tuệ Tâm viết
Nam mô A Di Đà Phật.